Vanvn- Ba bà cháu thì thào nói chuyện. Tôi mệt quá ngủ thiếp đi từ lúc nào không biết. Nửa đêm thức giấc nghe tiếng quạt của bà xua muỗi phành phạch, tôi mới nghĩ ra cái màn có lỗ thủng mà biết từ mấy hôm trước nhưng lười tôi đã kịp khâu vá đâu. Chắc cái lỗ nhỏ bà mắt kém cũng chẳng nhìn rõ. Đêm mất điện, trời nóng nực. Tiếng quạt của bà khua màn đêm khơi những làn gió mát lành.
1.
– Lấy cho bà cái quạt nào!
– Bà ơi, mất điện rồi, quạt còn chạy làm sao được!
Tôi nhăn nhó vì còn đang mải chơi bị bà sai vặt. Không! Là cái quạt bà để trên nóc hòm thóc cơ. Bà gọi lại lần nữa. Tôi lật đật chạy xuống bếp. Chợt “à” lên một tiếng. Đúng là tôi bỗng quên béng mất ở dưới bếp còn có chiếc quạt của bà. Bà bọc trong cái túi nylong buộc lại rất cẩn thận. Bà sợ bị bụi bám vào sẽ bẩn. Bà muốn giữ gìn để “báu vật” của bà luôn mới. Có lần dọn nhà, mẹ nhìn cái quạt của bà, vô tình buột miệng: “Bà còn giữ cái quạt này làm gì nữa. Bây giờ quạt máy phòng nào cũng có, còn thiếu gì đâu. Trời nóng bà cứ bảo các cháu bật cho. Để con dọn đi cho gọn”. Bà nghe vậy giãy nảy lên “Chị cứ để đấy. Đừng vứt đi của tôi. Thế nào chả có lúc cần dùng. Để mai tôi mang xuống bếp cất khỏi phiền đến ai.”. Giọng bà giận dỗi. Bố nháy mắt ra hiệu cho mẹ im lặng. Mẹ thôi không nói gì bởi biết bà có nhiều kỷ niệm với chiếc quạt.
Chiếc quạt này là do bác Tình bắc thang trèo cây bẻ mo cho bà. Bác đã mất cách đây 2 năm vì bị ung thư. Từ đó bà coi nó như là món quà thiêng liêng vậy. Chiếc quạt được bác cắt uốn vừa vặn với tay cầm của bà. Trên quạt bác còn có hình Phật Bà Quan âm Bồ Tát nom rất đẹp. Lần ấy bác làm được 3 cái thì một cái bà mang sang biếu bà Hát hàng xóm là bạn thân của bà, một cái đang dùng, còn cái nữa bà giữ lại cất đi để dành. Bà bảo ngộ nhỡ cái này bị hỏng còn có cái kia. Tôi cười trêu bà: “Đợi đến khi cái bà đang dùng mà hỏng thì chắc bà cũng chẳng còn trên cõi đời”. Nói xong tôi mới biết mình lỡ lời nhưng bà không giận, chỉ mắng yêu tôi mà rằng. “Bố bây là bà cứ phòng xa thế. Hồi xưa làm gì có điện đóm. Có cái quạt mo là quý lắm ấy chứ”. Chả biết bà quý đến mức nào nhưng thi thoảng tôi lại lén bà lấy cái quạt giấu mang đi diễn văn nghệ, những hoạt cảnh tiều phẩm trong các đợt sinh hoạt tập thể của nhà trường.
Đúng là lúc mất điện mới biết cái quạt của bà quý nhường nào. Trời nóng nực, đun được nồi cơm canh xong mướt mát mồ hôi. Chạy lên nhà tìm cái quạt của bà nhưng không thấy. Thì ra bà đang ở ngoài vườn, dưới gốc cây vải. Bà ngồi bên cái nia với một đống rơm nếp đã được chuốt sạch và xếp thành một đống gọn ghẽ. Chổi bà bện để bán, chỉ giữ lại đôi ba cái để nhà dùng dần trong cả năm. Chả cần nhọc công ngồi chợ, người làng biết bảo nhau và tìm đến tận nhà mua. Nhưng nhiều khi bà bện hộ cho mấy cô hàng xóm, họ chuẩn bị sẵn rơm mang sang nhờ bà. Các cô ấy có gửi tiền nhưng bà nhất định không nhận. Những chiếc chổi bện xong bà lại để lên gác bếp. Làm được một chập, bà ngừng tay nghỉ ngơi cầm quạt phe phẩy.
– Nào, ngồi xuống đây. Quạt cho bà một lát để bà làm cho xong nào. Gớm, nấu xong được bữa cơm mà như người ta cày xong thửa ruộng ấy.
Tôi cười đón vội cái quạt. Mồ hôi mồ kê thi nhau rỏ xuống. Tôi ngồi mé bà đưa rộng tay quạt. Bà hài lòng gật gù: “Bà mà có người ngồi bên quạt cho suốt ngày thế này thì làm được bao nhiêu là việc. Mấy mà được thúng chổi. Chịu khó quạt rồi bà thưởng. Mai bà đi chợ nhớ mua quà cho cháu nhé. Tôi nịnh. Ừ, yên tâm, sáng mai bà mua cho hai cái bánh rán. Thế là thích chứ gì. Bà vừa nói miệng bỏm bẻm nhai miếng trầu.
2.
Thường thì mất điện đột xuất mà không báo trước thì chỉ chừng độ mười lăm ba mươi phút là lại có điện ngay. Nhưng nếu cắt điện để sửa chữa đường dây nửa đến một ngày thì tổ điện lên loa thông báo trước để dân làng chủ động trong sinh hoạt. Mẹ tôi phòng những lúc mất điện sắm liền 5 cái quạt nan để gối sẵn đầu giường ở mỗi phòng vì chập này người ta đang có kế hoạch cắt điện dài ngày để nâng cấp trạm biến áp. Mua quạt về đến nhà, mẹ ôm quạt đi qua giường bà rồi lại tần ngần, lưỡng lự. Nghĩ không yên tâm, mẹ lật chiếu lên rồi bỏ một chiếc vào đó. Tối ấy nhìn thấy chiếc quạt, bà tỏ ý không hài lòng:
– Đứa nào mang cái quạt này vào đây? Lại còn cố tình để đè lên trên cái quạt của tao là có ý gì? Thằng Duy đâu mang ra ngay.
Nói rồi bà quăng mạnh cái quạt ra khỏi phòng. Mẹ ở phòng bên này nghe bà nói thế sa sầm nét mặt, lẳng lặng ngồi xuống mép giường, mắt đã ngân ngấn nước. Mẹ khẽ kéo tôi vào lòng rồi bảo: Bà già rồi, có điều gì mẹ con mình cố chiều theo ý bà. Tuổi già thường hay trái tính. Tôi ngồi im lặng, vén lọn tóc mẹ ướt lòa xòa rồi khẽ chấm nước mắt cho mẹ. Tôi thương mẹ, thương cả bà. Bố vừa về thấy cảnh đó mệt mỏi gieo người đánh phịch xuống ghế. Tay ôm đầu nhăn nhó. Chỉ có cái chuyện ấy thôi mà không ai nhịn được sao?. Nhà này giỏi hết cả rồi!. Suốt mấy ngày liền, bà, mẹ và bố không mấy khi ai nói với ai. Tôi cũng buồn lây. Cắp cặp đi học mà như người bị đánh rơi mất của. Đang giảng bài trên lớp, thầy bất chợt gọi tôi đứng dậy trả lời. Tôi ấp úng đứng trơ ra đấy. Vì những lời thầy giảng tôi có nhập tâm gì. Tai nọ sang tai kia. Thầy cho tôi ngồi xuống nhưng hôm đó lớp tôi bị giờ khá, đẩy vị trí của lớp từ thứ nhất xuống thứ ba trong tuần.
Rồi những ngày u ám cũng qua nhanh. Bà và Mẹ lại nói chuyện với nhau như trước. Chỉ có bố là lặng yên quan sát. Tôi biết mẹ là người phụ nữ nhẫn nhịn. Chuyện đó có là gì so với hồi bố lấy mẹ. Dạo ấy làng tôi ai cũng biết chuyện bà phản đối mẹ tôi dữ đến thế nào. Chỉ vì bà chê mẹ xấu và gầy. Xấu thì nhìn lâu cũng quen mắt nhưng nó gầy như thế làm sao mà sinh nở được. Rồi nhà này đến mất giống thôi. Gặp ai bà cũng than thở như thế. Thế mà bố vẫn quyết tâm cưới mẹ mặc điều ra tiếng vào. Những ngày đầu bà coi mẹ chẳng khác nào người ở. Cứ động đến việc gì bà cũng dè bỉu, cạnh khóe tỏ vẻ khó chịu nhưng mẹ vẫn một điều mẹ hai điều con với bà ngọt lành. Gớm, nhà này vô phúc mới có con dâu xấu hết phần của thiên hạ như thế. Mặc kệ, việc nhà cửa mẹ vẫn chăm lo chu toàn, đâu vào đấy. Đến khi tôi ra đời thì bà mừng quýnh, mới chính thức coi mẹ là dâu con.
Đêm mùa hè trời dày đặc sao. Những vì sao nhỏ li ti, chấm từng chấm ẩn hiện trên màn trời đêm vời vợi. Tiếng máy tuốt vẫn cứ cần cù giòn giã tới khuya. Làng tôi giờ có vài ba chiếc máy. Ban ngày còng lưng đi gặt, ban đêm dân làng tranh thủ gọi máy đến nhà. Một sào ruộng chỉ mươi mười lăm phút là xong. Nhẹ tênh, chẳng còn phải vất vả như ngày xưa. Đi gặt đã mệt lại còn phải nai lưng đập, trục lúa. Nhà tôi tuốt lúa xong thì đã muộn. Suốt cả tối tôi lăng xăng ôm rơm đặt lên hai que gậy rồi cùng mẹ cồng kênh ra ngõ chất đống để hôm sau dành sân nhà có chỗ phơi thóc. Quét dọn xong thì mồ hôi mồ kê nhễ nhại túa ra như tắm, chạy sà vào ngồi quạt máy vẫn thấy hơi nóng hầm hập. Bà cầm chiếc quạt bảo tôi cắp chiếu mang theo. Hai bà cháu dắt díu nhau lên sân thượng nằm cho mát. Xung quanh yên tĩnh. Tiếng máy tuốt thưa dần rồi im bặt.
– Lên đây tha hồ mà đếm sao trời bà nhỉ?.
– Có đếm từ giờ đến cuối tháng cũng không hết được đâu cháu ạ.
– À, mà bà kể cho cháu nghe chuyện Ngưu Lang- Chức Nữ nữa đi.
Tôi nhìn lên bầu trời. Dòng sông Ngân Hà chảy dài vắt ngang qua màn đêm vỡ òa trong câu chuyện. Lời của bà trầm bổng ngân nga những câu Kiều và say sưa trong những câu chuyện cổ.
– Bà thuộc nhiều tích chuyện thế. Cháu thích lắm. Nhưng nghe rồi mai lại quên…
– Cha bố mày. Chỉ giỏi nịnh bà. Cũng phải quên vợi đi chứ làm sao mà nhớ hết cho được. Cố gắng học cho giỏi để sau này bà được nở mày nở mặt nghe cháu.
Tôi giành lấy cái quạt từ tay Bà. Bà quạt suốt không biết mỏi sao ạ? Bà cười. Bà quạt cho đến khi nào cháu đủ lông đủ cánh bay xa được thì thôi. Trời đêm lắng dịu. Tôi rời tay quạt, ngã vào giấc ngủ lúc nào không hay. Trong mơ tôi thấy mình nhẹ bẫng như được bàn tay ai đó nhấc bổng lên. Sáng tỉnh giấc he hé mắt ánh mặt trời đã xuyên qua cửa, tiếng chim đã hót lảnh lót đầu hồi. Bố bước đến đầu giường giục:
– Không dậy đi thôi ông tướng. Cơm mẹ phần ở dưới bếp kìa. Ăn xong còn ra đồng đùn xe lúa nữa chứ.
3.
Cái Hà nghỉ hè về thăm Bà được cô Thơm cho ở lại chơi nửa tháng. Từ hôm có nó về bà vui hơn hẳn. Nó hay nói miệng lúc nào cũng líu lo như chim hót. Mỗi khi nó làm trò lại làm cho bà cười suốt. Nhưng từ ngày nó về bà dường như ít quan tâm tới tôi. Mọi khi có đồng quà tấm bánh thế nào bà cũng một điều thằng Duy đâu. Duy con ơi! nhưng giờ thì người bà nghĩ đến đầu tiên là cái Hà. Cũng có lần bà quên bẵng không còn nhớ ra rằng còn có tôi trên đời. Tự nhiên tôi đâm ra hay cáu bẩn. Chẳng rõ tôi giận bà hay là ghét cái Hà nữa.
– Duy ơi, chiều nay xuống nhà bà Thường ở xóm dưới gửi cho bà tiền cúng lễ nhé. Bảo là bà cháu chân đau không đi được.
Chả là dạo này bà bị bệnh khớp hành hạ. Chỉ quanh quẩn ở nhà.
– Bà đi mà bảo cái Hà ấy.
Tôi ngúng nguẩy rồi lảng nhanh ra ngoài chơi đánh bi với cánh thằng Thông đầu ngõ. Vừa đi tôi vừa nghĩ cái Hà làm sao biết được nhà bà Thường ở đâu mà lần. Thế nào rồi bà cũng lại sai nó tìm tôi giục mau về. Vừa chơi với lũ bạn tôi vừa thắc thỏm. Nhưng chừng tới hơn 4 giờ mà tuyệt nhiên không nghe thấy một tiếng dù là của bà hay cái Hà. Tôi thắng đậm được ba chục bi nhưng lòng vẫn không vui. Bà mày đi đâu với con bé nào lạ hoắc lạ huơ thế kia nhỉ? Con bé trông hay phết. Tôi ngẩng lên nhìn theo. Từ cuối ngõ cái Hà đang dìu bà tấp tểnh bước về đến cổng. Trông hai bà cháu rất tình cảm, vừa đi vừa trò chuyện. Bà đi được một đoạn thì dừng lại thở dốc. Tôi quay ngoắt mặt đi rồi bảo chúng nó: Con Nhím xù đấy mà. Ê! Nhím xù. Đồng bằng mà cũng có nhím chúng mày ạ. Nhím mang mặt người! Rồi chúng cười sằng sặc với nhau. Thấy chúng nó trêu quá đà, tôi ngăn lại nhưng không kịp. Lời đã phát ra thu lại làm sao. Cái Hà giận dỗi ra mặt. Bữa cơm tối nó nằm lì trong buồng. Bà phải bảo đến lần thứ hai nó mới lò dò đi ra. Nó không thèm mời mà cũng chẳng thèm ngó ngàng đến cái mặt của tôi dù chỉ một lần.
– Hai đứa giận nhau sao?Anh Duy bắt nạt cháu à?
Mẹ ngạc nhiên hỏi. Bà thở dài buông bát đứng dậy. Bà kêu mệt rồi vào phòng nghỉ ngơi. Cái Hà thấy thế cũng bỏ dở bữa cơm chạy vào lấy lọ thuốc bóp chân cho bà. Mẹ nhìn tôi bằng ánh nhìn đầy trách móc.
Ba chục viên bi mà giờ chỉ còn có hai mươi lăm viên. Đếm đi đếm lại vẫn thế. Năm viên bi bỗng dưng không cánh mà bay.Tôi lục tung khắp nhà lên mà không thấy. Người lớn thì động vào bi biếc làm gì. Chỉ còn cái Hà là nghi phạm duy nhất. Tôi nhìn nó đầy ngờ vực. Nhưng nó cứ tỉnh bơ như không. Lúc nào cũng quấn quýt bên bà làm tôi càng lộn ruột. Gần trưa hôm sau, nó cầm sào và rổ sề ra ao vặn bèo. Tôi mở cờ trong bụng, chắc mẩm lần này nó sẽ phải hối hận. Ao bèo dày đặc, nó chăm chú vớt từng tùm bèo lên rồi vặt rễ. Nó mải làm nên không biết tôi đã đứng đằng sau tự lúc nào. Tùm. Cả rổ bèo và nó cùng lộn nhào xuống ao. Chỉ còn kịp nghe thấy ối một tiếng rồi chìm lỉm. Tôi cười đắc chí. Rồi nó sẽ đội chùm bèo lên trong bộ dạng ướt như chuột lột. Dù sao sau lần này nó cũng phải nhìn tôi bằng cái nhìn của một kẻ bại trận. Nhưng rồi tôi bỗng hốt hoảng. Sao nó vẫn chưa lên nhỉ. Cái áo chấm bi lúc đầu còn loáng thoáng sau mất tăm. Không thấy bọt sủi tăm nữa. Chẳng kịp nghĩ gì nữa tôi vội lao xuống ngay. Lặn sâu xuống một chút tôi đã quờ ngay phải người nó. Nhưng bỗng dưng chân tôi lại đơ ra. Người tôi đuối dần. Thường ngày mỗi bận tắm ao tôi cứ bơi chục vòng quanh ao nào có thấm tháp gì. Cái ao này tôi vốn vẫy vùng từ hồi còn học lớp 1. Tôi chợt nghĩ nếu giờ tôi bỏ nó mà lên bờ ngay thì cũng khá dễ dàng. Nhưng nó vẫn nằm im dưới kia. Loay hoay một lúc mới vất vả túm được tóc nó rồi dùng hết sức đẩy được nó lên bờ. Mệt đờ. Rồi tôi lịm dần đi…
4.
Tôi từ từ mở mắt, lố nhố là bóng người. Thấp thoáng có người mặc áo choàng trắng vừa đi ra phía ngoài. Vẫn là căn phòng mình đây mà. Tôi định ngồi dậy nhưng trên tay chằng chịt là dây. Tôi nhìn lên, chai nước truyền đang cần mẫn nhỏ từng giọt, từng giọt. Mẹ nghe tiếng động vội mừng rỡ quay lại tiến về phía tôi:
– Tỉnh rồi à con. Ơn trời, con ơi!
Bà rẽ đám người lê những bước nặng nhọc lại giường tôi. Dì Thu, dì Thắm, cậu Tiến vẻ mặt ai cũng giãn ra vì thấy tôi đã qua cơn nguy biến. Bà đưa tay rờ lên trán, áp đôi bàn tay lên má bà:
– Chao ôi, thằng cháu tôi. Mày làm bà lo quá. Bà tưởng mày đã vội bỏ bà mà đi rồi cơ. Hôm nay là sang ngày thứ 2 rồi còn gì. Tốt rồi. hạ sốt rồi.
Bà vừa nói mắt rơm rớm nước mắt. Chợt nhớ đến cái Hà. Tôi nhìn khắp lượt phòng, không thấy nó đâu, tôi bỗng hoang mang. Nó sao rồi?
– Cái Hà ấy à? Cháu yên tâm Nó không sao. Giờ nó đang phơi áo cho cháu ngoài sân đấy. Lúc giặt quần cho cháu, lộn túi ra thấy có 5 viên bi trong đó, nó đưa cả cho bà.
Nói rồi bà lần cái ruột tượng, móc ra 5 viên bi xanh đỏ, đặt trong lòng bàn tay tôi rồi bà dặn:
– Cháu là hay để lung tung mỗi thứ một nơi lắm đấy. Lần sau nhớ gọn gàng, cất ở đâu thì nhớ để một chỗ. Lần sau đỡ mất công tìm.
Câu này bà đã dặn tôi nhiều lần mà tôi có nhớ gì đâu. Cái Hà bước vào thấy rôi tỉnh táo, nó bỗng òa khóc nức nở:
– Hôm đó em chỉ trêu anh một tí thôi. Chẳng ngờ…
Tôi ngơ ngác và chợt hiểu ra. Con ranh này lì lợm thật. Lặn giỏi thế mà hôm đó nó làm tôi phát hoảng. Mà cũng tại tôi cứ hay ganh ghét rồi còn nghi ngờ nó nên mới xày ra nông nỗi.
– Hai đứa lần sau đừng có đùa dai như thế nhé. Làm cho người lớn hết hồn. Mà nói dại chứ nhỡ đâu chẳng may…
Bà vừa nói vừa nghiêm giọng nhìn hai đứa. Tôi biết bà có thương chúng tôi nên mới vậy. Đêm ấy bà sang phòng tôi ngủ. Cái Hà cũng lẽo đẽo sang theo cầm cả cái quạt mo cho bà. Bà nằm giữa, tôi và cái Hà nằm hai bên. Ba bà cháu thì thào nói chuyện. Tôi mệt quá ngủ thiếp đi từ lúc nào không biết. Nửa đêm thức giấc nghe tiếng quạt của bà xua muỗi phành phạch, tôi mới nghĩ ra cái màn có lỗ thủng mà biết từ mấy hôm trước nhưng lười tôi đã kịp khâu vá đâu. Chắc cái lỗ nhỏ bà mắt kém cũng chẳng nhìn rõ. Đêm mất điện, trời nóng nực. Tiếng quạt của bà khua màn đêm khơi những làn gió mát lành. Bà quạt cho anh em chúng tôi êm giấc.
– Bà ơi. Cho cháu một tí gió nữa đi. Bên anh Duy mát hơn kìa.
Cái Hà mắt nhắm mắt mở, miệng còn phụng phịu.
VŨ THỊ THANH HÒA