NHÀ THƠ TRẦN TRỌNG GIÁ
CHỈ MONG LÀM MỘT CÁNH DIỀU RU MÂY...
QUỐC TOẢN
NHÀ THƠ TRẦN TRỌNG GIÁ
Tôi biết Nhà thơ Trần Trọng Giá khi anh là Trưởng ban Vận động CLB Trái tim Người lính Thủ đô. Sau này có một vài chuyến đi công tác hay hội họp cùng anh, và qua Nhà văn Đặng Vương Hưng giới thiệu, tôi mới biết Trần Trọng Giá yêu thơ đến cuồng nhiệt. ”Dường như ông mê mẩn với thơ, như người bạn tình ở mọi lúc mọi nơi, từ trong chiêm bao, trong tiệc rượu, cả những lúc ngồi uống một mình hay những khi đối ẩm cùng bạn bè thi hữu. Đắm đuối với thi ca, nhưng thơ Trần Trọng Giá vẫn thể hiện sự chân thành, nhạy cảm với thời cuộc. Trong thơ ông có cả những bài trào lộng hóm hỉnh, nhiều bài viết về tình yêu quê hương, đất nước đầy ắp cảm xúc”. Và nữa, Trần Trọng Giá rất yêu thơ, trọng văn chương chữ nghĩa của một người cùng thời, cùng tuổi với anh, đó là Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.
Liền trong 3 năm, Trần Trọng Giá xuất bản 3 tập thơ: Lặng thầm; Gửi lại dòng sông và tập Bóng quê. Tôi tin vào sức viết và năng lượng dồi dào của Nhà thơ Trần Trọng Giá, những tập thơ tiếp theo sẽ được ra mắt bạn đọc.
Và tôi có thêm một nhận xét, Trần Trọng Giá đã trải lòng bằng thơ qua những chuyến đi. Đến đâu anh cũng có thơ, bởi mạch nguồn thi ca luôn thường trực và tuôn trào trong anh.
Thế mạnh của Trần Trọng Giá là thể thơ lục bát. Một thể thơ truyền thống dễ viết nhưng để hay là khó. Thơ lục bát của Trần Trọng Giá đã chạm được trái tim người đọc. Mỗi bài thơ đều có chữ nhớ, chữ mong được anh gửi gắm và yêu thương đến hết mình.
Đọc Bóng quê, tôi không đọc từ trang đầu đến trang cuối, không theo dòng thời gian, không đọc lời giới thiệu mà giở trang bất chợt, sau rồi tổng hợp và chiêm nghiệm. Vì vậy, những cảm nhận của tôi, là theo bước chân của người lính cựu chiến binh Trần Trọng Giá.
Sau cuộc đời binh nghiệp, Trần Trọng Giá vốn đã yêu thơ và giàu lòng nhân ái, anh biết mình phải làm gì có ý nghĩa hơn cho những quãng đời còn lại. Không chỉ bằng những việc làm cụ thể, ủng hộ đóng góp cho quê hương, xóm làng, cho những người kém may mắn, Trần Trọng Giá giải tỏa nỗi lòng trắc ẩn ấy qua thơ.
Có lẽ chỉ đến khi trở về đời thường, anh mới có những phút giây bình tâm thưởng trà, chiêm nghiệm cuộc đời binh nghiệp đã qua khi tuổi xế chiều với một niềm khắc khoải. Anh cũng tự biết mình đang ở đâu trong cái “chiếu văn chương” ấy.
Chút tình hiếm muộn cho người thầm yêu
Tuổi nay bóng đổ phía chiều
Chỉ mong làm một cánh diều ru mây
Trần Trọng Giá lên Sơn Tây, mảnh đất đầy trầm tích thi ca và huyền thoại, anh nhớ đến “Hồn non nước”, nhớ “Thú ăn chơi” của cụ Tản Đà.
“Giời sinh ra bác Tản Đà/ Quê hương thời có, cửa nhà thời không…”
Tôi thiển nghĩ, cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu không chỉ là người đại diện cho giới cầm bút ở xứ Đoài xưa, cả về tính cách và ngôn từ mà cho cả cho giới văn chương sau này. Nhưng “theo được cụ” thì còn mệt. “Trời đất sinh ta rượu với thơ/ Không thơ không rượu sống như thừa”. Trần Trọng Giá đã “nhận ra” hồn cốt, tâm thế của cụ, anh viết:
Rượu, thơ chuốc cụ một thời
Gửi vào non nước, mây trời lặng im
Đau... còn gặm nhấm trong tim
Còn xuân còn rượu... biết tìm cụ đâu
Rượu suông uống cạn vị cay tình người
Và cũng vào dịp lên thăm mảnh đất Sơn Tây xứ Đoài, trước thành cổ thâm nghiêm, Trần Trọng Giá nhớ Nhà thơ Quang Dũng với “Đôi mắt người Sơn Tây”, nhớ Tây Tiến, nhớ Ấp cổ Đường Lâm. Anh viết những câu thơ thật dung dị
Vườn cây cổ thụ bóng râm trên đầu
Chuyện vui ríu rít không đâu
Đọc thơ Quang Dũng, thấy đau một thời…
Thành còn vọng tới sơn hà muôn năm.
Nắng trưa tĩnh lặng âm thầm
Đường Lâm thức giấc ươm mầm xanh tươi
Quân “không mọc tóc” giữa trời
Tiếng gầm Sông Mã hay lời núi sông.
Bỗng nghe động tận tiếng lòng
“Quân đi không mỏi” non sông mãi bền…
Có thể khẳng định rằng, Trần Trọng Giá đi đến đâu, anh đều có cảm xúc để làm thơ. Anh nhìn cuộc đời bằng đôi mắt trong trẻo, tin yêu, nhân hậu. Những địa danh Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn. Những núi đồi, dòng sông, biển cả, những tình nghĩa bạn bè vv… Trần Trọng Giá lấy thơ để trải lòng. Đó là: Phố và Em, Chào Huế, Viết từ Nghĩa trang, Đà Nẵng chiều nay, Dòng sông mắt em, Tìm em, Thả lòng, Lên Mộc Châu, Về biển vv…
Trong đó phải kể đến bài thơ anh viết để tưởng nhớ Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo với sự tin yêu và trân trọng. Trần Trọng Giá cảm thấy bị hẫng hụt khi hay tin Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo về miền xa thẳm:
Tìm anh giờ biết ở đâu mà tìm.
Xuân này không mở hội Lim
Ngày thơ Việt cũng im lìm anh ơi!..
Nỗi đau nhân thế, nỗi người đa đoan...
Tình anh mãi mãi chứa chan
Chuyện còn để lại muôn vàn người say...
Anh cho đi... lúc trắng tay
Chẳng mong đền đáp dẫu đầy hay vơi.
Biết là số phận trêu ngươi...
Đời thêm gánh nặng cuộc chơi lụy tình
Nhưng trên hết, trước hết Trần Trọng Giá dành rất nhiều tình cảm để viết về mẹ, về quê hương Ninh Bình. Chính vì vậy, mở đầu tập Bóng quê, là bài thơ về Đình làng Phú Nhiêu, nơi anh sinh ra, lớn lên và rời làng theo trống hội tòng quân. Khi đình làng xuống cấp anh và con cháu cùng mọi người chung tay đóng góp khôi phục ngôi đình ấy. Bởi anh hiểu, đình làng là hồn của làng, tiếng của làng, là văng vẳng lời mẹ lời cha, là văn hóa làng xã không thể bị mai một.
Trần Trọng Giá viết như kể, xúc động và ám ảnh:
Lại tâm niệm, lại đèn nhang phụng thờ
Đất thiêng muôn thuở bao giờ cũng thiêng
Đất còn gìn giữ lời riêng
Lời riêng của đất nói riêng với mình
Nhớ thời loạn lạc đao binh
Trai làng theo nhịp trống đình tòng quân
Mẹ già, làng xóm tiễn chân
Con đê, phiêu bạt khuất dần phía sau
Làng mình đồng trũng nước sâu
Bao nhiêu lam lũ bạc màu nắng mưa...
Và trong khao khát đợi chờ
Sân đình nhộn nhịp bây giờ là đây
Lại góp sức, lại chung tay
Sẻ chia chua ngọt dựng xây quê mình
Sống tròn đạo nghĩa nhân sinh
Nguồn xưa đức tổ tâm linh mãi còn...
Trong bóng quê, Trần Trọng Giá nhắc nhiều về Mẹ. Người mẹ trong thơ anh là nỗi nhớ khôn nguôi, da diết. Khi còn mẹ thì ai cũng thấy bình thường dù có quan tâm làm trọn chữ hiếu đến đâu cũng chưa bao giờ thấy đủ. Nhưng khi mẹ khuất bóng, Trần Trọng Giá bỗng thấy hẫng hụt, mất mát, cô đơn, khắc khoải đến tê lòng.
Ngậm ngùi trong tiếng thở dài
Cõi đau, lạnh buốt trần ai hỏi lòng
Cha vừa khuất núi giữa đời bỏ con
Nay đền ơn mẹ có còn nghĩa chi!
Gánh cong đời mẹ chợ quê, bế bồng.
Con giờ qua tuổi bảy mươi
Bãi bồi sông lở đầy vơi vui buồn.
Nợ đời... bao đận dại, khôn
Nợ quê ngàn vạn gánh buồn cách xa...
Con đi gom nhặt hương trầm
Khói hương quấn quýt âm thầm vấn vương.
Mẹ như ánh sáng vầng dương
Nhìn lên ảnh Mẹ yêu thương tràn về.
Gió mưa đã tạnh, nắng về... Mẹ ơi!...
Và sẽ còn thiếu sót nếu không nhắc đến một cựu chiến binh, một nhà thơ Trần Trọng Giá quảng giao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu và sống hết lòng, đầy trách nhiệm với người thân và đồng đội. Cũng từ đó mà đồng đội, người thân luôn cảm phục và trân quý anh.
Trần Trọng Giá may mắn trở về sau cuộc chiến. Anh đồng cảm xót thương những người mẹ có những người con không trở về. Thắp nén hương trầm khi viếng nghĩa trang thành cổ Quảng Trị, Trần Trọng Giá không khỏi bùi ngùi xúc động:
Hương cong khắp ngả khói bay ngang trời
Đồng đội ơi! Thức dậy thôi
Trở về kỷ niệm một thời bên nhau.
Tìm ngày dĩ vãng thương đau
Trùng trùng mộ chí bạn đâu giữa đời
Nắm xương lẫn với bao người
Cạn ngày mong mỏi, một thời mẹ quê.
Chiều buông thu gió xạc xào
Hồn thiêng khí phách tụ vào non sông
Qua thời đạn lửa, bão giông
Chèo khua còn sợ động dòng bạn đau
Ngẩn ngơ sương muối trắng đầu
Còn bao đồng đội bảo nhau tìm về…
Cũng xin được nói thêm rằng, cách đây vừa tròn 1 tháng (ngày 4/10/2023) kỉ niệm 69 năm, Ngày Giải phóng Thủ đô, Câu lạc bộ Trái tim Người lính Thủ đô (trực thuộc Tổ chức “Trái tim Người lính Việt Nam”) chính thức ra mắt. Đại tá, Nhà thơ Trần Trọng Giá làm chủ tịch. Tổ chức "Trái tim Người lính" Việt Nam gồm: Trung tâm tư liệu "Trái tim người lính"; Không gian Văn hoá "Trái tim người lính"; và các Câu lạc bộ "Trái tim người lính"; có Điều lệ tổ chức hoạt động, pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng. Với tôn chỉ, mục đích: Kết nối và Chia sẻ - Tôn vinh và Tri ân; góp phần tiếp lửa truyền thống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữa những người lính nhiều thế hệ với tuổi trẻ hôm nay.
Khi được các phóng viên báo đài phỏng vấn, Đại tá, Nhà thơ Trần Trọng Giá phát biểu: Để có được cuộc sống bình yên trong hoà bình và hạnh phúc chúng ta đã phải trải qua nhiều gian khổ hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Những trang sử hào hùng của dân tộc được viết bằng xương máu của biết bao thế hệ đã hi sinh tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Không chỉ các anh hùng, liệt sĩ mặc áo lính mà nhiều người dân đã ngã xuống. Đặc biệt, là Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến đã chứng kiến biết bao trận đánh ác liệt, những mất mát hy sinh vô cùng to lớn để có ngày hòa bình như hôm nay. Chúng tôi tự thấy mình có trách nhiệm phải tri ân đồng đội, đặc biệt là những người lính đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho quê hương đất nước.
Và cũng từ suy nghĩ đó, lòng trắc ẩn và sự tri ân luôn thường trực trong trái tim người lính - Nhà thơ Trần Trọng Giá, nên anh luôn trân trọng và biết ơn cuộc đời:
Xin có đôi điều cảm nhận với tư cách của một người lính, một nhà thơ và là đồng đội với Cựu chiến binh, nhà thơ Trần Trọng Giá. Mong sao những tập sau anh sẽ viết hay hơn nữa, chắt chiu, gọt giũa con chữ hơn nữa để có nhiều bài thơ hay, câu thơ hay chạm đến trái tim người đọc.
Tôi tin dưới trời khuya tại quê nhà, anh vẫn luôn thao thức và nàng thơ đối với Trần Trọng Giá thì không bao giờ bỏ anh mà đi được, dù anh đang chậm bước cuối chiều hoàng hôn:
Tuổi nay bóng đổ phía chiều
Chỉ mong làm một cánh diều ru mây.