bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 29
Trong ngày: 120
Trong tuần: 761
Lượt truy cập: 672965

RẰM THÁNG TÁM NÓI CHUYỆN ỐC

RẰM THÁNG TÁM NÓI CHUYỆN ỐC
                           Tản văn của  Phạm Ngọc Tâm Dung
 
tm_dung_1
 
 
Sáng nay em tôi nhắn tin:
" Em bận quá, không về quê ăn rằm và không đến chị được. Em mua mớ ôc biêu * ta, xịn luôn, biếu để chị làm rằm, em đang cho người mang đến nha".
Thì ra, dù bận mấy, em tôi vẫn nhớ phong tục quê tôi và nhớ chị gái mình rất mê xài món ăn từ loài nhuyễn thể xinh xắn, giòn ngọt của đồng quê, ao làng này.
Làng tôi như một hòn đảo, xung quanh bao bọc bởi Sông Sứ, Sông Lụ, Sông Trà lý, Sông Vũ Lăng. Muốn sang làng khác, nhất định phải qua cầu. Cầu Ông Niệm, Cầu Chụp, Cầu Ông Bà Núi, Cầu Ông Quấn, Cầu Đồng Nha, Cầu Ông Am, Cầu Đá, Cầu Ông Thụy...Mỗi tên cầu gắn liền với tên các ông bà chủ đã sáng lập ra nó hoặc có một mối liên quan thật gắn bó.
Còn ao, đầm thì nhiều vô kể. Không mấy gia đình là không có ao. Trừ Ao Làng, hồ làng ra, tùy theo điền sản giàu nghèo mà  có khuôn ao to hay nhỏ.
Các ao bốn mùa văn vắt nước.
Mùa thu, nước trong suốt, người ta có thể nhìn thấy những chú cá quả đang chăn đàn "thồng rồng" bên dám rong đuôi chó dập dờn. Bọn trẻ con có thể nhìn thấy vài cô cá dải phướn, phất phơ làn vây và dải đuôi ngũ sắc bên em cá hạt bòng đỏ bụng, làm khơi dậy bao khát khao trong những con mắt thơ ngây...
Một vài trái sung chín rơi xuống, tôi không thể quên được, sau tiếng "tõm" là quả sung nổi bềnh lên, và các anh cá ăn tạp xô nhau tranh đớp.
Có lần muốn...thử các cu cậu cá tham ăn, tôi ném quả cà pháo chín đỏ. Tuy nhiên, cá đám đông nhà cá tản ra, lặn tiệt.
Thế mới biết, loài cá khôn róc đời.
Trêu đàn cá thế thôi, mùa này không phải mùa câu cá mà mùa đi săn ốc biêu.
Trẻ con làng tôi, đứa nào cũng được bố mẹ làm cho một cái vợt.
Vợt gồm một mảnh lưới cũ, đính chắc chắn vào cái khung tre to bằng miệng nồi bảy, gắn vào một sào dài bằng tre hóp đá.
Bờ ao làng nhà nào cũng san sát những cây là cây. Chúng tôi chỉ việc trèo lên các cây ngả ra và tìm "đối tượng".
Ôc biêu ao đầm thường có màu xanh biêng biếc đen của nước và rong bèo. Mùa hè, nóng chúng ăn màu ao, rong quả, rồi lặn sâu xuống đáy ao, hay rúc vào rễ bèo, nên rất nhanh lớn và tích được nhiều năng lượng. Đến mùa thu, đông chúng có thể nhịn cả tháng để rong chơi và tránh rét.
Cữ thu, trời trong văn vắt, nắng trải vàng như lụa, vài sợi gió heo may điểm chuốt làm cho mặt nước gợn sóng li ti như câu thơ cụ Nguyễn Khuyến : “Sóng biếc theo làn hơi gợn tí/ Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo” (Thu điếu).
Họ hàng nhà ôc biêu từ đáy bùn, rễ bèo rủ nhau ra, nổi lên  hưởng khí trời và để ... kết nối yêu thương.
Chúng nổi lên  lập lờ mặt nước, cái vảy mở ra, khoe miệng ướt át đen bóng xòe rộng như cái phao  lờ lững, tự trôi. Có những khoảng nước, có cả mảng dăm bảy con tụ tập . Lại có cả những cặp...uyên ương xinh xẻo đang thực hiện nghĩa vụ của đất trời mà duy trì nòi giống cho đời sau. Những cặp này, thường được bọn trẻ chúng tôi ... tạm tha.
Đi một buổi, quanh các ao làng, là mỗi đứa đã có trong giỏ, ngân ngẩn, lạo sạo những ốc.
Anh họ tôi rất tài bẫy ốc. Anh ra vườn bẻ một ôm lá sắn non, rồi chia thành từng búi. Thả xuống dưới đám rễ bèo. Các chú chàng ốc nhà ta, thấy mùi chua thơm, ngon béo, liền thi nhau rúc sâu vào thưởng thức. Chỉ cần lấy rổ sề, xúc một mẻ là dăm bảy con, có khi vài chục con. Cả ốc lẫn cua.
Tôi còn nhớ, một câu ca dao cổ mô tả về việc làm này:
"Ta về hái lá sắn non
Rau sấm rau sét bẫy con ốc nhồi".
Ốc mới béo nục bắt về, bà tôi chọn  những con vàng ươm, to, đầy miệng và nổi trứng đỏ au để riêng ra. Chỗ còn lại,  buổi tối  làm ngay nồi ốc nấu chuối đậu với lá lốt tỉa tô, mẻ...ăn kèm hoa chuối, cây chuối non thái ghém.
Đến là vào cơm! Các cụ nói có cá phải vạ cho cơm! Món  chuối đậu với ốc cũng làm vạ cho cơm ghê lắm!
Số  ốc đã tuyển, bà đem dồn vào một chiếc giỏ đại, để dành trên gác bếp.
Bà giải thích:
       - Ốc biêu sẽ ở trên đó, nhả hết nhớt và ăn bồ hóng, sống được cả tháng.
Do tò mò và thực tình cũng thấy lo lo cho các anh bạn ốc.. nên khi mọi người đi vắng, tôi thi thoảng vẫn bắc ghế lên, định bụng: nếu chúng khát thì cho... uống nước.
Nhưng lạ thay, các nàng ốc, chàng ốc của tôi vẫn cứng cỏi, khô se trong im lặng, chịu đựng một cách vô cùng đáng nể.
Thật là một loài vật kỳ lạ!
Cứ đến tầm này,  khoảng 11, 12 tháng Tám âm lịch, bà tôi mới rinh giỏ ốc xuống, rửa sạch bồ hóng và ngâm nước từ từ ít một cho ốc quen dần.
Bà đổ ốc ra cái mẹt sơn, lấy chừng một bát nước cơm đặc gạo tám cho lũ ốc  bị bỏ đói ăn.
Chao ôi! Chúng ăn rào rào như tầm ăn rỗi!
Bà  tôi còn bảo:
- Nhà giàu ngày trước, người ta đập trứng gà cho ốc đói ăn, thịt ngon và sang lắm.
                 Ở làng tôi, giàu nghèo không biết, nhưng cứ đến đêm rằm tháng Tám, lựa lúc trăng lên, trên ban thờ là mâm cỗ cúng giời đất, ông bà, là những bánh trái, chuối, cốm hồng, na bưởi...Ngoài hiên nhà nào cũng có nồi ốc biêu luộc với lá sả, lá chanh thơm phức, chấm nước mắm gừng, tỏi, chanh ớt...
            Bao giờ mẹ tôi cũng lựa những con ốc to, múc một bát lớn dành cho bố và chú Dần nhắm rượu trông trăng.
           Trăng rằm tròn vành vạnh như cái mâm con, rải những chùm sáng xanh rười rượi trên cây na, mít; trên mâm ngũ quả đủ sắc màu được bày ra giữa sân; trên làn khói của nồi ốc luộc đẫm hương sả, hương chanh; trên ánh mắt long lanh của bầy trẻ nhỏ ham chơi và háu ăn và trên ánh mắt âu yếm, mãn nguyện của những người mẹ, người bà.
Có lần tôi hỏi ông tôi:
     - Sao rằm tháng tám lại được ăn ốc biêu luộc ông ơi!
     - À, từ lâu lắm rồi, làng mình có tục lệ này. Các cụ ta nói ăn để cho sáng mắt.
          Bọn trẻ chúng tôi, ai cũng muốn mắt mình sáng trong và đẹp long lanh.Nhưng cái chính là  chúng tôi được nhể từ con ốc đen đúa nhường kia,  ra mảnh ruột trắng trẻo, sạch sẽ, nóng hổi; chấm vào bát nước chấm chua ngon mặn ngọt mà cảm nhận được độ giòn ngậy, thơm tho mà con ốc làng tôi chắt lọc từ cây cỏ xanh, làn nước trong, hạt bồ hóng khô đắng, bột hồ gạo tám sang trọng, bàn tay, tấm lòng thảo thơm của mẹ, của bà và khí giời của miền đồng bằng ven biến... mà thành. Món ốc không phải là lạ lẫm với chúng tôi, lũ trẻ nhà quê. Nhưng ăn ốc rằm tháng Tám với chúng tôi thật là một đại tiệc!
              Không biết bây giờ, ở làng tôi còn nhiều nhà ăn món ốc biêu luộc trông trăng vào rằm trung thu nữa không. Khi các ao làng đã  san lấp sạch, thành nhà tầng chói loà ánh điện, làm cho mặt trăng trở  nên nhợt nhạt,  lạnh lùng...
Khi các con sông ô nhiễm  nước  đen ngòm, nổi bọt như mắt thú hoang. Khi con cua con ốc không chịu nổi mùi các loại hóa chất hủy diệt đã gần như  sắp tuyệt chủng.
Khi ngàn triệu những con ốc biêu vàng xa lạ tấn công mùa màng, thi nhau đẻ trứng đỏ quạch ở bất cứ nơi nào có thể.
Khi ta thèm nhỏ dãi bữa ốc biêu luộc, ta phải tìm đến các chợ lớn mua tạm thứ ốc nuôi Miền Nam ruột nhao nhão, nhơn nhớt mà ..."hổng giống ai"!
Và cả khi, các loại bánh kẹo, hoa quả đặc sản ưu việt Tàu Tây, kim cổ đã lên ngôi!
Viết đến đây, tôi lại bùi ngùi nhớ lại một câu ca dao cổ:
"Buộc lưng con ốc mà treo
Ai làm con ốc quăn queo thể này"!

Hà Nội 12/8/ năm Canh tý
28/9/2020
TD
* Có nơi còn gọi là ốc nhồi
 
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)