1.
Một đời nhà văn Khuất Quang Thụy sống nhọc nhằn với những khúc quanh định mệnh. Thời chiến tranh nhiều phen đói khát, sốt rét tóc rụng trọc đầu, chiến đấu can trường được thăng đến chức tiểu đội trưởng trinh sát, rồi làm thơ, viết văn, viết báo, sáng tác chèo, tấu hài, được gọi lên làm tờ tin sư đoàn, mấy lần suýt chết. Thời bao cấp đói nghèo lam lũ, ông chẳng nề hà viết báo, làm thơ, sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết, viết sử sư đoàn, sử cơ quan, doanh nghiệp, lúc được trả nhuận bút bằng tiền, khi được trả bằng gạo chở đầy xe lambro550, trả bằng ô tô tải củi gộc. Đoạn cuối đời, dù 74 tuổi vẫn không nghỉ ngơi, ông cần mẫn lo việc nhà, việc báo, việc hội,… lúc nào cũng tất bật, sấp ngửa. Có lần tôi nói đùa trêu ông: “Bác cứ bảo bác tuổi Canh Dần. Nhưng sinh ngày 12 tháng 1 năm 1950 dương lịch, phiên sang âm lịch thì là tuổi Kỷ Sửu (năm 1949) chứ. Hổ thì gầm gừ, nanh vuốt dữ dằn, chúa sơn lâm. Trâu thì hiền lành, đủng đỉnh nhưng cổ cày vai bừa. Ứng nghiệm ra bác như con trâu già cần mẫn kéo những đường cày định mệnh cuối vụ”. Ông cười hiền, bảo: “Cái số anh phải cày sâu cuốc bẫm. Nhưng chú có thấy anh ngưng viết lúc nào không?” Không! Dù nhọc nhằn, lo toan, tất bật, sấp ngửa, ông vẫn viết. Ông viết..., viết..., viết không biết mệt. Cơ thể ông săn chắc như cây lim cây táu, lực lưỡng như ông thợ thùng đào thùng đấu bốn mùa mưu sinh. Ông lại có một đời văn hanh thông, bừng sáng, bay xa bởi sức viết vạm vỡ như một ông thợ cày mải miết lật những đường cày định mệnh gặt mùa vàng trên các cánh đồng chữ nghĩa. ***
Giữa tháng 2 năm 2025, nhà văn Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Mạnh Hùng, Thương Hà và tôi còn kịp lên thăm nhà văn Khuất Quang Thụy ở làng Thanh Phần, xã Phúc Hoà, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Nhìn ông hao gầy, ngót hàng chục cân, lòng tôi quặn lại. Không thể tin một ông anh thân thiết cơ thể chắc như cây lim cây sến, lao động nhà văn như gã lực điền lật bao nhiêu đất gieo hạt trên những cánh đồng chữ nghĩa lại bị thời gian, bệnh tật quật ngã.
Ý định chụp chung với nhà văn Khuất Quang Thụy tấm ảnh kỷ niệm đành gác lại, không còn lòng dạ nào để choàng vai, ghé đầu cười cho bạn văn bấm máy. Chúng tôi chỉ an ủi, động viên ông rồi gợi kỉ niệm xưa tươi đẹp cùng làm biên tập ở Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, đôi khi câu chuyện vui quên bệnh tật và bật cười, rồi ngay lập tức chùng lại, kìm nén cái sự vui đột xuất, vô tình. Cũng may, dù ông đang bệnh trọng nhưng vẫn tỉnh táo, giọng nói còn khỏe, vang. Cứ tưởng ông sẽ chống chọi được với bệnh tật ít ra phải 6 tháng, hay 1 năm, hoặc lâu hơn nữa, nhưng ngày 5/3/2025, lúc 16h30 ông đã rời bỏ cõi tạm nhọc nhằn, bay về miền cao xanh mây trắng. Nghe tin ông mất, bạn văn, bạn đọc từ nam ra bắc tỏ lòng tiếc thương nhiều vô kể. Phải sống và viết thế nào thì ông mới sống sâu đậm trong lòng mọi người như vậy.
***
Chưa học hết phổ thông trung học, mười bẩy tuổi, Khuất Quang Thụy viết đơn bằng máu tình nguyện nhập ngũ. Trải qua mấy tháng huấn luyện, năm 1968 ông vào chiến trường chiến đấu trong đội hình sư đoàn 320 chủ lực. Đời chiến binh mịt mù khói lửa, qua các chiến trường Quảng Trị, Nam Lào rồi Tây Nguyên, từ anh lính binh nhì đến tiểu đội trưởng trinh sát, ông vừa cầm súng vừa cầm bút làm thơ viết văn trở thành nhà văn chiến sĩ.
Nhà văn Khuất Quang Thụy kể với tôi: Không ai tưởng tượng nổi chiến trường tây sông Pô Cô ác liệt, khó khăn gian khổ mà các đại đội của Sư đoàn 320 (Đại đoàn Đồng bằng) vẫn làm báo tường bằng cách chẻ cây vầu, viết thơ lên đó, treo lên cho nhau đọc. Hóa ra, khi ông vào chiến trường thì sinh hoạt văn nghệ ở mặt trận đã có sẵn từ thời đánh kháng chiến chống Pháp rồi giữ tiếp cái nề nếp ấy trong khắp các đơn vị toàn quân. Chiến sĩ làm thơ, cán bộ làm thơ, ông cũng làm thơ, thơ động viên vượt qua gian khổ, ngợi ca đời lính đọc cho nhau nghe cho đỡ nhớ nhà chứ mấy ai ước mơ làm nhà văn nhà thơ. Một lần ở chốt, trong khoảng lặng của chiến tranh, cậu liên lạc đại đội mò xuống tận hầm của tiểu đội ông, bảo ông lên gặp chính trị viên ngay. Ông phát hoảng, có chuyện gì đây? Hóa ra, trong hầm chính trị viên đang nghe Đài tiếng nói Việt Nam ngâm bài thơ của ông còn mấy câu cuối. Ông đồ rằng có anh phóng viên mặt trận, hay nhà báo quân đội nào đó xuống đơn vị đọc được bài thơ trên tờ tin sư đoàn và chép lại gửi ra miền bắc chăng? Ông cũng nhận ra: Thơ văn cũng có ích, tác động tốt với người lính cầm súng. Thế rồi ông chăm chỉ viết, hùng hục viết. Các bài viết nóng hổi ở chiến trường gửi qua các chiến sĩ trở về Bắc qua trạm giao liên.
***
Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào kết thúc, đơn vị ra Quảng Bình an dưỡng và củng cố, bổ xung quân, Khuất Quang Thụy được điều về làm tờ tin của Sư đoàn. Các nhà văn nhà thơ Hồ Khải Đại, Vũ Sắc, Xuân Thiêm, Cao Tiến Lê vào mở lớp sáng tác kỉ niệm sâu sắc trong đời bộ đội, nhà văn Nguyễn Minh Châu đang đi thâm nhập thực tế viết “Dấu chân người lính” cũng đến nói chuyện. Khuất Quang Thụy may mắn được tham dự trại viết này, chưa đầy một tuần ông nộp ký sự “Lửa và thép” trong nỗi hồi hộp, nôn nao chưa đủ tự tin để biết nó hay dở thế nào. Nhà văn Cao Tiến Lê đọc bản thảo rất hài lòng, gọi ông, bảo: “Cậu viết ký sự đầy không khí lính tráng, trận mạc, chi tiết độc đáo và văn hoạt mà chỉ làm thơ thì hao phí tài năng quá. Viết văn xuôi đi cậu sẽ thành công”. Tháng 11 năm 1971, Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội in ký sự “Lửa và thép” của Khuất Quang Thụy. Không bao lâu, vào một buổi tối đang loay hoay chuẩn bị bài cho tờ tin số mới, cậu liên lạc chạy huỳnh huỵch đến bảo ông lên ngay gặp chính ủy Nguyễn Hùng Phong. Giật thót mình. Có chuyện gì mà chính ủy sư đoàn gọi anh hạ sỹ? Hóa ra, ông chính ủy sư đoàn cho gọi Khuất Quang Thụy đến nghe Đài tiếng nói Việt Nam đang đọc ký sự “Lửa và thép”. Nghe xong, ông chính ủy sư đoàn vỗ vai Khuất Quang Thụy, thân mật bảo: “Cứ thế mà viết. Cậu phải trở thành nhà văn quân đội, nhưng trước mắt là nhà văn sư đoàn đã”. Sau này, hình ảnh chính ủy Nguyễn Hùng Phong xuất hiện đi xuất hiện lại trong mấy cuốn tiểu thuyết của Khuất Quang Thụy với cái tên “Tướng Hùng Phong”, chứ lúc ấy ông xốn xao xúc động, lòng đầy biết ơn vị chính ủy nhìn xa trông rộng, ông càng có niềm tin vừa cầm súng vừa viết. Cũng lạ, anh lính trẻ Khuất Quang Thụy hai lần có duyên được chính trị viên đại đội, rồi chính ủy sư đoàn gọi đến nghe đài đọc tác phẩm của mình. Từ dạo đó, ông trở thành nhà thơ của sư đoàn, nhà văn của sư đoàn.
Cái ký sự “Lửa và thép” này mang đến đời ông nhiều kỷ niệm sâu sắc. Ông kể: Cuối mùa đông năm 1972 đỏ lửa, máy bay Mỹ ném bom Hà Nội, có mấy vị cán bộ quân đội đeo quân hàm cấp úy, cấp tá đi xe U oát từ Hà Nội lên Phúc Thọ đến tận nhà ông trao một món tiền. Bà mẹ ông khóc toáng lên, rồi cả nhà cùng khóc. Khóc vì nghĩ ông đã hi sinh trong chiến trường và các ông cán bộ quân đội mang tiền tuất về cho bố mẹ ông. Hóa ra, Nhà xuất bản Quân đội in bài ký sự “Lửa và thép” của Khuất Quang Thụy vào cuốn sách “Cửa khẩu”. Biết ông đang chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên xa xôi và ác liệt, ông giám đốc Đỗ Gia Hựu cùng mấy biên tập viên của nhà xuất bản đi tìm địa chỉ nhà ông và mang nhuận bút đến cho gia đình. Bà mẹ ngày đêm lo lắng và mong ngóng con nơi hòn tên mũi đạn, suốt đời chỉ loanh quanh ở làng nên không biết nhuận bút là cái chi, là tiền từ đâu, lại nghĩ là tiền xương máu của con trai ở chiến trường. Khóc, giọt nước mắt của người mẹ trong muôn ngàn trạng thái của chiến tranh.
Làm nhà văn sư đoàn lại giữ tờ tin sư đoàn thì phải lo bài vở, lo phát triển cộng tác viên. Một lần nghe tin có đợt quân bổ xung toàn lính sinh viên vừa vào đến sư đoàn, ông vội vàng hộc tốc đến hỏi xem có ai có năng khiếu viết báo, làm thơ không? Mấy anh lính nhao nhao chỉ vào anh lính Nguyễn Trọng Luân, bảo: “Cái thằng gầy gò đen đúa kia kìa. Nó thuộc nhiều thơ lắm”. Khuất Quang Thụy đến, niềm nở bắt tay bảo: “Cậu thuộc nhiều thơ thì thử đọc cho tớ nghe một bài xem nào?” Nguyễn Trọng Luân bèn đọc luôn bài thơ Tấm gương soi: “Bên buồng lái em có tấm gương soi/ Ai làm ra xe mà chu đáo quá/ Khi em cười ửng hồng đôi má/ Cô lái xe trong đó cũng cười theo/ Có những đêm trời trong veo veo/ Xe chạy sao nghiêng vào buồng lái/ Sao sà xuống em cầm tay lái. Hay là sao… soi gương?” Đọc xong, Nguyễn Trọng Luân đang đà say thơ, cảm thán: “Mẹ kiếp. Bóc phét thành thần. Viết ngôi sao biết soi gương thì lạ quá”. Khuất Quang Thụy vừa nghe vừa tủm tỉm cười, hỏi: “Cậu đọc được bài thơ này ở đâu, có biết của tác giả nào không?” Anh lính trẻ sinh viên Trường đại học Cơ điện bảo: “Em nghe trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Của tác giả Khuất Quang Thụy đấy, chả biết là thằng cha ấy ở đâu mà nó viết rất trẻ trung, tinh nghịch và hồn nhiên phết?” Không ngờ có lính trẻ sinh viên thuộc vanh vách thơ mình đến thế, Khuất Quang Thụy bật cười bảo: “Là tớ đây.” Từ đó, hai ông quen thân nhau. Được Khuất Quang Thụy khuyến khích, động viên, Nguyễn Trọng Luân không hăng hái vừa đánh nhau vừa làm thơ, sáng tác nhạc. Hai ông luôn viết thư từ cho nhau. Nguyễn Trọng Luân khoe với bạn lính là bạn thân quen với nhà thơ Khuất Quang Thụy, ông chính trị viên nghe được gọi lên chỉnh đốn: “Cái thân cậu lính lác đen hôi mà được làm bạn với nhà thơ Khuất Quang Thụy à. Tôi cấm cậu không được lợi dụng danh tiếng nhà thơ mặt trận để ra oai”. Nguyễn Trọng Luân không có cách gì để thanh minh, vì anh lính binh nhì mà làm bạn thân thiết với nhà thơ đang lừng lẫy Mặt trận B3 thì trời sa xuống đất. Quả thật, dạo ấy Khuất Quang Thuy đã nổi tiếng chiến trường Tây Nguyên. Ở cánh bắc mặt trận lính tráng đọc thơ “Những con đường”, “Tấm dương soi”… của Khuất Quang Thụy, ở cánh Nam lính ta diễn chèo, tấu hài, kịch nói của Khuất Quang Thụy. Hội diễn Văn nghệ Mặt trận, Khuất Quang Thụy sáng tác, dàn dựng được 4 giải nhất: ngâm thơ, kịch nói, hoạt cảnh chèo, tấu hài… Tặng thưởng trị giá nhất là cái đồng hồ Seiko Nhật chính hãng. Hỏi mấy ai được như anh lính vừa cầm súng vừa cầm bút nơi chiến trường ác liệt, hy sinh gian khổ, nhiều phen khói khát?
Khuất Quang Thụy nổi tiếng ở Mặt trận Tây Nguyên đến mức nhà văn Trung Trung Đỉnh phải đi độ 20 cây số đường rừng để gặp ông, nhưng không gặp được lại đi bộ 20 cây số trở về. Dạo đó, Trung Trung Đỉnh còn cái tên cha sinh mẹ đẻ là Phạm Trung Đỉnh chứ chưa dùng bút danh. Ông là lính địa phương sống với dân làng Bahnar quanh núi Hòn Koong, núi Hảnh Hót và chân đèo An Khê ở huyện đội khu 8. Ông chỉ mới viết được truyện ngắn đầu tay “Những khấc coong chung” in trên Tạp chí Văn nghệ quân giải phóng Trung Trung Bộ. Cắt rừng đi bộ mong gặp được nhà văn nổi tiếng Khuất Quang Thụy nhưng đúng lúc ngủ trưa, hạ sĩ Phạm Trung Đỉnh đi đi lại lại trước cửa phòng nhà văn lớn mà không dám gõ cửa, để nhờ đọc bản thảo truyện ngắn mới viết và nghe lời góp ý. Chờ lâu quá, đành phải về sợ mặt trời xuống núi, lạc rừng. Sau này, hai ông đều cùng nhau công tác ở Tạp Chí Văn Nghệ Quân Đội, thỉnh thoảng lại kể câu chuyện này. Ông Khuất Quang Thụy bảo: “Ông Đỉnh phịa. Tôi nổi tiếng gì cũng chẳng đến mức ông phải đầu đội trời chân đạp gai sắc cắt rừng đi gặp”. Ông Đỉnh bảo: “Lúc ấy, ông đã là nhà văn nổi tiếng mặt trận đang ngủ trưa ngáy như kéo gỗ làm sao biết được có thằng hạ sỹ rụt rè viết văn náo nức muốn gặp cứ quanh quẩn trước cánh cửa mà không dám gõ”.
Sư đoàn mở trại viết, Khuất Quang Thụy vừa là người tổ chức, vừa là thầy giáo. Ông dạy từ kỹ thuật viết tin, bài báo phán ánh đến ký sự, làm thơ, viết truyện ngắn, viết tấu hài, viết kịch bản chèo, kịch nói. Tất nhiên là ông không quên gọi bạn mình là Nguyễn Trọng Luân đi trại viết sư đoàn. Trong trại viết “thần thánh” ấy còn có anh lính trẻ Hoàng Dân cùng học. Sau mấy chục năm, ông Nguyễn Trọng Luân có Những người bạn lính, Rừng đói… nổi tiếng, còn Hoàng Dân là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, nhưng nổi tiếng nhất là “Chiều vô danh” được Giải thưởng báo Văn Nghệ, hai ông trở thành nhà văn bắt đầu từ lớp viết tin, bài và sáng tác của sư đoàn dạo ấy. Hai “học trò” trong một lớp học ở chiến trường xưa bây giờ vẫn nhắc đến ông thầy Khuất Quang Thụy như một niềm tự hào và nể phục, mến thương.
Hiệp định Paris về việc lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, Khuất Quang Thụy may mắn có một thời gian làm việc trong “Nhà hòa hợp” - cả hai bên giám sát nhau thực hiện hiệp định. Trước đây làm lính trinh sát thì chiến tuyến địch ta trên đầu nòng súng. Lúc này, bên này và bên kia cách nhau mỏng manh một làn khói thuốc, thậm chí đời thường cao hứng còn bắt tay nhau. Ông có dịp quan sát phía bên kia một cách trực quan sinh động, lạ lẫm đến mức ngạc nhiên. Họ sống động với sắc lính, quân hàm, danh dự chiến binh, hoàn toàn khác với vẻ khép nép, sợ hãi khi bị bắt làm tù binh và lúc bại trận. Dù trí nhớ tuyệt vời, nhưng ông vẫn cẩn thận ghi chép tỉ mỉ từ dáng hình, nụ cười, gương mặt, lời nói những người phía bên kia. Món tư liệu vàng ròng ấy còn vật vã nằm trong hành trang nhà văn chiến sĩ của ông suốt bốn mươi năm sau ông mới lấy ra viết tiểu thuyết “Đối chiến” với cảm hứng về chiến dịch Đường 9 - Nam Lào khốc liệt, mà phía bên kia gọi là “Chiến dịch Lam Sơn 719”. Những đại úy Ngô Thanh Vân, thiếu tá Huỳnh Xuân Thời, đại tá Sơn Đường… vừa là sản phẩm của trí tưởng tượng, hư cấu của nhà văn, vừa là bóng dáng cuộc đời của người lính phía bên kia đối chiến mà họ từng mời ông thuốc quân tiếp vụ và ông từng châm lửa cho họ hút thuốc.
***
Nhà văn Khuất Quang Thụy có cái xe cup DD đỏ huyền thoại. Dạo tôi mới về tòa soạn, ông đưa con gái xuống ở cùng cho cháu học đại học. Hai bố con hàng ngày làm việc học hành, “rau cháo” nuôi nhau, rồi cuối tuần ông lại phóng xe máy DD màu đỏ chở con về quê. Dưa cà, mắm muối, gạo ngô… chở xuống Hà Nội; sách vở, tiểu thuyết chở về làng. Tất tần tật đều chất lên cái xe cúp DD đỏ, rồi đi làm phóng viên xuống các đơn vị, cơ quan, viết sử sư đoàn, quận huyện cũng cưỡi con xe thần thánh ấy. Nhà văn Khuất Quang Thụy là một người tốt, người tử tế, người lành hiền, chân thật chân thành. Thời bao cấp khó khăn, ông vẫn phóng xe máy cọc cạch về quê, chỉ thấy sách là sách. Hàng xóm láng giềng ngạc nhiên thấy ông chẳng giúp gì vợ con, lẽ ra phải bổ củi, cuốc đất, trồng rau, nuôi gà giúp vợ, thì lại khép cửa hì hục viết, mà chẳng biết viết có ra gạo ra khoai không. Đánh đùng một cái, vào một buổi sáng chủ nhật, người ta thấy có mấy anh bộ đội đánh một xe tải zin ba cầu chở đầy củi gộc và một con lợn 70kg đậu ở đầu làng rồi í ới gọi ông Khuất Quang Thụy. Củi rỡ xuống, chuyền tay nhau bỏ đầy sân nhà ông, con lợn được ngả ra. Hóa ra, ông viết sử sư đoàn, lãnh đạo đơn vị cảm ơn và trả nhuận bút bằng củi gộc và lợn hơi. Lúc ấy, có ông hàng xóm trợn tròn mắt bảo nhà văn Khuất Quang Thụy: “Ông viết sách vàng hay sao mà thu nhập bằng cả trăm gánh củi tôi đổ mồ hôi, sôi nước mắt vớt trong mùa lũ sông Hồng?”
Mấy chục năm sống cùng cơ quan, làm việc cùng ông chưa bao giờ tôi thấy ông chê bai văn chương của ai. Cũng chưa thấy ông chê ai xấu. Ông sống thân mật gần gũi, đôi khi hồn nhiên đến vụng dại. Vụng dại nhưng lại là người có trách nhiệm với việc mình gây ra. Người ta làm tròn trách nhiệm với một chốn đã bạc mặt, ông tròn vai trách nhiệm với tất cả. Ông chu đáo, tròn vai với gia đình, với vợ con đề huề, với những người thân đau đáu, với bạn bè nồng nhiệt, với cơ quan gắn bó mà đôi khi quên cả mình. Ông hết lòng thương yêu vợ con. Ông may mắn có một người vợ vĩ đại. Nhiều lần ông nói với tôi ông biết ơn bà Tô Thị Liên - người vợ tao khang, yêu nhau lấy nhau từ thuở nghèo khó. Bà Liên chăm mẹ chồng ốm đau, bà nuôi cả đàn con lít nhít, nuôi cả đứa em út của chồng mồ côi mẹ lúc mới ba tuổi. Không chỉ là tình yêu, mà còn là tình thương, tình nghĩa, bà gánh cả "giang sơn" nhà chồng, có công lớn như trời như bể với gia đình ông, với sự nghiệp của ông, nhưng khi cuộc đời có "giông bão", thậm chí có "động đất núi lửa" cũng chưa bao giờ bà buông ông bỏ ông. Làm một nhà văn sống cả đời với chữ nghĩa, có người vợ vĩ đại đi cùng tới tận cuộc đời mình như thế, hỏi mấy ai được như ông?
Khuất Quang Thụy là người tình cảm và cả nể. Bà Hồ Xuân Hương bảo: “Cả nể nên sự dở dang”. Ông lắm sự dở dang, cái sự dở dang của người tốt tính và cả nể. Cả nể vì thương người, vì cảm xúc mạnh không kìm nén được. Cái tính thương người và cả nể nhìn rõ ràng nhất là năm nào cũng thấy ông cưu mang cháu chắt, con hàng xóm, con bạn bè xuống tá túc ở phòng làm việc của ông, rồi chờ ông chở đi thi vào đại học. Tôi bảo: “Cái sự vụ lặt vặt ngoài văn chương này lấy của bác nhiều thời gian quá”. Ông bảo: “Các cháu ở quê xuống thủ đô lúng túng, vụng dại, thương lắm. Lỡ chúng nó lóng ngóng chậm giờ thi thì chậm một nhịp, có khi thay đổi cả cuộc đời”. Nhà văn, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nhiều lần khoe với tôi được ông Khuất Quang Thụy cho tá túc ở tòa soạn Văn nghệ Quân đội số 4, Lý Nam Đế, chở đi ăn sáng, chở xuống Thượng Đình thi đại học Đại học Tổng hợp, chở lên Nguyễn Phong Sắc thi vào Học viện báo chí, tối đến đưa đi đãi cơm bụi với các ông lớn Lê Lựu, Trần Đăng Khoa. Bây giờ, Hoàng đã lên đến đỉnh cao của sự nghiệp viết, đi xe ô tô sang mấy tỷ đồng mà vẫn không quên cái xe cúp DD đỏ thần thánh ấy. Đỉnh cao của sự cả nể và tận tụy của nhà văn Khuất Quang Thụy là dạo tuyển sinh đại học năm 2003, 2004 gì đó. Phòng ông ngổn ngang mùng màn, chăn chiếu, ba lô, túi xách, gạo, mắm muối, tương cà và 5 đứa con cháu của các loại người thân. Ông bảo tôi: “Sáng mai chú đi làm sớm, 5 giờ chở giúp tôi một đứa đi thi kẻo tắc đường”. Hôm sau, ông đánh thức bọn trẻ từ 4 giờ sáng, thúc giục chúng nó nấu nướng, ăn uống, rồi chở đứa thứ nhất ra bến xe bus tống nó lên, dặn dò nó đến chố ẫy chỗ nọ xuống, không quên nhờ cả phụ xe nhắc nhở giúp, sợ nó ngủ quên. Quay lại chở đứa thứ hai ra bến xe bus tuyến khác cũng dặn dò như thế. Rồi quay về cùng tôi lần lượt chở từng đứa đến trường thi bằng cái xe cúp DD màu đỏ huyền thoại. Tôi nói đùa, bảo: “Sao bác không nhờ 4 người với bác nữa chở 5 đứa đi thi như 5 cánh quân vào giải phóng Sài Gòn?” Ông cười bảo: “Chắc cũng chỉ một lần 5 cánh quân này thôi”.
***
Ngày thường, Khuất Quang Thụy ít khi nói, ít khi tâm sự, chỉ lặng lẽ làm việc, và sáng tác. Chỉ khi cuộc sống ai đó có khó khăn hỏi ông, hoặc cơ quan cần giải quyết một công việc gì trắc trở thì ông luôn có ý kiến đột sáng, giải quyết chóng vánh, phù hợp với hoàn cảnh, có lý có tình. Nói ông là người thông minh là chưa đủ, mà phải nói ông là người trí tuệ. Tuy nhiên, "trăm đường chẳng qua cái số", có những lúc trí tuệ cũng bị cảm xúc dẫn dắt, và không cưỡng nổi định mệnh.
Nhà văn Khuất Quang Thụy là người nhìn xa trông rộng. Ông biết khi nào cần gạo tiền nuôi con, lúc nào cần bỏ mọi chuyện theo nghề văn chương. Tôi từng nhiều lần chứng kiến ông ái ngại với hoàn cảnh của người làm thơ này, người viết văn kia bán thóc, bán lợn của vợ để in sách. Dường như cái đói xanh mặt thời ấu thơ, những bữa ăn sắn trừ cơm ở Tây Nguyên, những ngày cắm mặt viết sử sư đoàn, sử địa phương kiếm sống đến bạc mặt khiến ông hãi hùng cái đói. Cái dạo tôi in truyện ngắn đầu tay “Nỗi dau dòng họ”, rồi sau đó truyện ngắn “Bản kháng án bằng văn” được cái giải thưởng bé tí của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, có người khuyên tôi xin đơn vị đi học “Trường viết văn Nguyễn Du” để trau dồi kiến văn theo con đường văn chương chuyên nghiệp, lâu dài. Cứ nghĩ nhà văn Khuất Quang Thụy cũng mong muốn, động viên tôi đi học, nhưng ông lại hạ một câu: “Minh chớ có phiêu lưu mạo hiểm”. Tôi ngớ người ra, không hiểu. Ông nói tiếp: “Chỗ ở đang ổn định, làm việc cũng ổn định, thu nhập thì tạm ổn. Đi học sau bốn năm ra trường, biết đi đâu về đâu? Học đại học thì Minh đã học rồi. Còn viết thì ở đâu mà chả viết được.” Chỉ có vậy mà tôi vĩnh viễn không bao giờ được học Trường viết mơ ước như ông Đỗ Tiến Thuy, Nguyễn Thế Hùng đã từng học. Nghĩ lại, thấy cái điều ông nói chắc như đinh đóng cột, không cãi vào đâu được và nó cũng rất phù hợp với hoàn cảnh của mình. Chứ đi học rồi sau đó trôi nổi trên dòng đời vật vã với văn chương, xô dạt nơi chân trời góc biển, mất được chẳng biết đâu mà lần.
Cái dạo năm 1996, ở Trại viết Đồ Sơn, Phùng Văn Khai đang đeo quân hàm binh nhì, đã viết được mấy truyện ngắn “Người lính già”, “Những cọng cỏ” in trên báo “QĐND cuối tuần, nhà văn Khuất Quang Thụy “chữa nát ra” truyện “Những người đốt gạch” in trên Tạp chí VNQĐ. Khai mừng lắm, thấy chân rời văn chương mở ra đỏ hồng trước mắt, tấp tểnh xin về Văn Nghệ Quân Đội, trong khi đó, ông Chi Phan và ê kíp vác máy quay phim xuống Trại viết làm phóng sự có ý xin Khai về Truyền hình Quân Đội. Nhà văn Khuất Quang Thụy nhỏ nhẹ bảo: “Khai hãy về truyền hình trước đi. Ở đó có điều kiện nuôi vợ con. Còn văn chương là câu chuyện dài cả cuộc đời. Cứ viết đi rồi tính sau. Khai còn trẻ, mươi năm nữa về Văn nghệ quân đội đâu có muộn.” Khai lúc đó còn trẻ, cụt hứng, sa sầm mặt, không nói được câu nào. Lúc đó, Khai đâu biết đúng 10 năm sau anh mới về Văn Nghệ Quân Đội, được mời về một cách vinh quang. ( CÒN TIẾP)