bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC VỀ MỘT MỐI TÌNH THUỞ HỌC TRÒ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC SĨ HÀ HẢI ANH ĐÃ CỘNG TÁC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC!BÀI THƠ TẶNG PHU NHÂN RẤT THÚ VỊ!CHÚC CÁC BÁC AN KHANG THỊNH VƯỢNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN VŨ THẢO NGỌC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ  CHIÊU ĐỨC! LUÔN CÓ LIÊN HỆ ĐẾN TÁC PHẨM VĂN HỌC VIỆT NAM! CHÚC BÁC AN LÀNH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ KIỀU HỌC VƯƠNG TRỌNG! THÚ VỊ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 34
Trong ngày: 66
Trong tuần: 973
Lượt truy cập: 881601

SƯƠNG NGUYỆT MINH viết về KHUẤT QUANG THỤY(TIẾP)

SƯƠNG NGUYEETJMINH viết về KHUẤT QUANG THỤY ( TIẾP THEO VÀ HẾT)
 
Khuất Quang Thụy là nhà văn ngổn ngang tâm tư, nội tâm luôn bị chia cắt, giằng xé. Người ta đứng trước ngã ba đường đã khốn khổ, còn ông như một người đứng trước ngã tư, ngã năm bời bời chọn lựa, mà sự lựa chọn nào cũng đi từ hồn nhiên rồi buộc phải đến quyết liệt. Ông là nhà văn có cuộc đời và số phận đến kỳ lạ. Số phận của những đoạn quanh khúc gấp đa đoan, truân chuyên, rồi chả bỗng dưng trở thành người rót rượu rót ra nỗi đau đời “Rót đau lòng ấy vào đau lòng này”. Điều này, ông biết, ông thấm, càng ngấm càng quẫy đạp, quằn quại vượt thoát, thì lại càng nhọc nhằn bươn trải, càng giằng xé con tim. Ông im lặng, im lặng đến lạnh gai người, cô độc không biết chia sẻ cùng ai và không ai chia sẻ được với ông. Thương ông vô cùng!
Khi tôi về Tạp chí Văn Nghệ Quân đội thì ông nghiện thuốc lá đã nặng lắm. Hầu như lúc nào điếu thuốc cũng gắn trên đôi môi thâm sì, thâm sì vì sốt rét rừng triền miên thời thanh xuân đánh nhau ở Tây Nguyên, thâm sì vì chất nicotin và khói thuốc lá. Khói thuốc lá ám vào người ông và ngấm vào tường phòng làm việc đến mức ruồi muỗi và thạch sùng chạy sạch, không dám ở.
Một buổi chiều, tôi đẩy cửa bước vào phòng mà ông vẫn không biết tôi đem bài cho ông duyệt. Ông ngồi im lặng, cái im lặng lạnh ngắt đến gai người. Đầu ngón tay cái và đầu ngón tay trỏ ám vàng bởi thuốc lá, tàn thuốc và đầu thuốc đầy cồn trên cái gạt tàn. “Có chuyện gì vậy, bác?” - Tôi hỏi. Ông không trả lời, bảo: “Mình đúng là cái đời làm tội cái thân”. Tôi chưa hiểu ông định nói gì, ông lại bảo: “Ngày xưa, là tiểu đội trưởng trinh sát ở Tây Nguyên chưa bao giờ mình lạc đường”. Tôi vẫn không hiểu gì. Ông nói tiếp: “Chú có biết khi đứng trước ngã ba, rồi ngã tư người ta sẽ làm gì không?” Chịu, không hiểu nổi. Một lát, ông bảo bằng cái giọng hạ thấp, dịu dàng, rồi xưng anh: “Anh có chuyện này nói với Minh, nói ra để lỡ anh mất đột ngột, nếu có chuyện chẳng lành tiếp theo thì chứng kiến sự việc này cho anh, nói hộ cho anh…”. Ông kể xong, tôi bảo: “Lần trước, bác kể chuyện em đã thấy hoang mang. Bây giờ lại kể thêm chuyện nữa. Thôi, có bao nhiêu chuyện lớn bác muốn kể thì kể luôn cho hết đi”. “Không! Hết rồi. Lần này thì hết rồi”. Tôi biết và hiểu mọi chuyện, tôi cũng biết ông đã làm gì thì cũng chu đáo, đầy đặn trách nhiệm hết mình. Tự nhiên lúc ấy, tôi bật cười: “Bác là người đàn ông vĩ đại. Em không làm được như bác”. Ông cười hiền, cười ngượng ngùng như một cậu bé mắc lỗi mười bẩy tuổi, và nói bằng cái giọng phủ Quốc: “May đưng co ma hóc tao” (Mày đừng có mà học tao). “Vâng! Bọn em có thể học bác cày sâu cuốc bẫm viết sử sư đoàn, sử cơ quan, quận huyện, doanh nghiệp được trả bằng hàng chục bao gạo, hàng xe ô tô sắn, bằng ô tôi củi nuôi vợ con thành đạt. Có thể học bác để viết những quyển tiểu thuyết dầy như viên gạch vồ, nhưng…” Tôi cười, ông cũng cười. Tôi biết lòng ông đã nhẹ nhõm phần nào.
***
Nhà văn Khuất Quang Thụy có biệt tài viết rất nhanh, viết trong mọi hoàn cảnh. Đang họp biên tập, ai nói gì thì nói, phê bài thơ nào không hay, truyện ngắn nào yếu cũng kệ, ông cứ viết. Thậm chí phê Ban văn của ông đang làm Trưởng ban văn số này truyện ngắn yếu ông cũng không vì thế mà buồn, mà tức, mà sừng cồ phản biện. Kệ, ông cứ ngồi viết, giao ban xong, họp xong thì ông cũng xong bài bút ký, hoặc bình luận đưa cho bộ phận vi tính đánh máy. Cứ ngồi vào bàn viết là ông để mọi chuyện cơm áo gạo tiền, bạn giận người yêu dỗi hờn, giá vàng đang lên, chứng khoán đang xuống, người này chê văn dở, người kia bảo ông viết xuống tay… ở bên ngoài cửa, trong đầu xóa trắng mọi chuyện để an nhàn, thanh thản tập trung ngồi trước trang giấy hoặc màn hình laptop… viết. Có nghĩa là mật độ thần kinh của ông đậm đặc rất cao, khi đã tập trung vào làm một việc gì đó, đặc biệt là sáng tác thì sét đánh bên tai, lụt dâng dưới chân cũng không làm ông nao núng, dừng viết. Cái dạo tôi in truyện ngắn đầu tay “Nỗi đau dòng họ” trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, người làng đi bộ đội đọc được tới tấp gửi về quê hơn chục quyển. Người ta chuyền tay nhau đọc, thấy câu chuyện giống dòng họ mình quá, rồi xảy ra kiện cáo tận tòa soạn. Dù là truyện ngắn, nhưng chuyện gì tôi viết giống tư liệu thì họ bảo bêu diếu quê hương dòng họ, nhưng gì tôi hư cấu thì họ bảo xuyên tạc bóp méo sự thật. Tòa soạn mời tôi lên tường trình sự việc. Trong lúc tôi thao thao kể lại cảm hứng sáng tác bắt đầu từ câu truyện mâu thuẫn truyền kiếp ở làng cho thiếu tướng nhà văn Hồ Phương nghe, thì Khuất Quang Thụy cứ cầm bút nhoay nhoáy viết vào tập giấy A4, thỉnh thoảng lại đế vào một vài câu. Khi là: “Minh mới viết nên ấu trĩ về nghề nghiệp cũng phải thôi”. Lúc lại: “Giá như cậu chỉ cần thay đổi một cái sắc thôi, đổi tên nhân vật tổng Dính bằng tổng Dinh, hay núi Lắng bằng núi Trắng, thì họ kiện củ khoai”…, rồi lại nhoay nhoáy viết. Tôi tưởng ông chép lại lời tôi báo cáo, ngó sang nhìn hóa ra ông viết nốt bài bút ký đang dở dang. Vừa làm việc, vừa viết được bút ký. Tài thật!
***
Tôi chưa bao giờ thấy nhà văn Khuất Quang Thụy tổ chức giới thiệu, hay ra mắt sách. “Hữu xạ tự nhiên hương”, ông rất kỵ chuyện quảng cáo tác phẩm, nếu có thì phần việc ấy thuộc về các nhà sách in tác phẩm của ông. Ông quan niệm: “Khi mọi điều kiện đã đầy đủ thì đấy là cơ hội để bộc lộ sự bất tài nhiều nhất của nhà văn. Thời này làm cho tài năng rất dễ có cơ hội xuất hiện, nhưng nó cũng làm cho những gì tương tự tài năng bộc lộ nhanh ra bản chất đích thực. Không có chuyện lăng-xê mà thành tài năng được”.
***
2.
Trước khi cầm bút đã cầm súng, rồi vừa cầm súng vừa cầm bút, nhà văn Khuất Quang Thụy là nhà văn chiến sĩ thật đúng nghĩa với cụm từ này. Ông đã tâm sự về nghề văn rằng: “Cả đời chỉ loay hoay viết về cuộc chiến ấy, có lẽ là số phận của thế hệ những người cầm bút từng có những năm tháng cầm súng như chúng tôi”. Khuất Quang Thụy là người khiêm nhường và thận trọng. Thận trọng và khiêm nhương trong cuộc sống và trong cả văn chương. Ông có mặt ở chiến trường gần chục năm, đối diện với bom đạn chết chóc, gian khổ, đói khát, thiếu thốn. Nhưng ông vẫn nói dù thế vẫn chưa đủ cho ông hiểu được cuộc chiến tranh thần thánh này. Thời gian trôi đi, mái đầu thêm tóc bạc, càng làm ông trăn trở, giày vò, tìm hiểu, khám phá từ nhiều góc độ, đặt mình trong các góc nhìn khác nhau để hiểu cuộc chiến mình và đồng đội đã đi qua. Đù đã “Lùi ra ngoài đám cháy sẽ thấy đám cháy to hay bé, vì sao lại cháy?”, nhưng lùi xa đến mấy chục năm rồi, có vẻ như ông bất lực thấy “đám cháy to” nhưng vẫn lúng túng khi cắt nghĩa vì sao nó cháy. Cái sự bất lực ấy càng trĩu nặng trọng sự thận trọng thẩm bình văn chương và đánh giá cuộc sống, ông bảo: “Tôi đã giành nhiều thời gian để tìm hiểu cuộc chiến từ nhiều góc độ khác nhau, nhưng vẫn chưa hiểu hết được, tôi cũng tin rằng chẳng ai hiểu được nó”.
***
Khuất Quang Thụy đến với văn chương bắt đầu bằng thơ, ông có bài thơ “Hoa trên đường” viết khi đơn vị đánh nhau ở Gia Lai năm 1973: “Em gái giao liên chưa biết làm thơ/ Sao em nói những lời rất đẹp/ Thấy trên đường dọc ngang dấu dép/ Em bảo rằng mặt đất trải đầy hoa/ Đưa bộ đội hành quân trong mưa/ Dép tuột quai em xách tay lủng lẳng/ Đất thì đỏ mà chân em thì trắng/ Hoa dấu chân em gửi lại trên đường/ Năm cánh xoè về một hướng: Tiền phương”. Thơ của một thời trong sáng, lãng mạn và náo nức ra trận nâng bước các chiến sĩ trên đường hành quân thật quý giá. Ở Mặt trận B3, lính tráng chuyền tay nhau đọc thơ Khuất Quang Thụy, nhưng đúng như nhà văn Cao Tiến Lê nhận định, văn xuôi mới là sở trường là của ông.
Nhà văn Khuất Quang Thụy có nhiều truyện ngắn rất ấn tượng như: “Người ở bến Phù Vân”, “Bạn đò dọc”, “Anh Sức”… Tôi đọc truyện ngắn “Người ở bến Phù Vân” vào khoảng năm 1982, nhớ mãi bởi chất thơ và câu chuyện lãng mạn “Nhà Vân bên bến Phù Vân/ Thương nhau xa cũng nên gần, hỡi ai”. Nhân vật cô Vân hộ lý ở bệnh viện trong chiến trường mang theo bức ảnh dũng sĩ Nguyễn Trường Sinh cắt từ tờ báo cũ mang về bắc và thủy chung chờ đợi ngày đoàn tụ hạnh phúc là nhân vật quen thuộc trong văn học chiến tranh. Sinh và Vân trao nhau nụ hôn nồng nàn sau loạt bom B52, anh tặng ảnh cho Vân, hẹn sẽ đi tìm nhau khi còn sống. Nhưng, sau chiến tranh, anh đại úy Nguyễn Trường Sinh quên bẵng người yêu đã hò hẹn, quên như chưa bao giờ có cô trong cuộc đời. Anh về phép, lấy nhầm vợ, bị kiện đòi lại vợ, trắng tay. Trở về đơn vị ổn định công tác, thăng chức trung đoàn trưởng, sau vụ kiện trở thành trai chưa vợ gần một năm mà anh vẫn chẳng nhớ đến mối tình và cô hộ lý ngày trước ở chiến trường. Chỉ đến khi nghỉ tranh thủ, trên đường đạp xe về nhà đi đò qua sông mới biết mình đang qua… bến Phù Vân. “Phù Vân! Cái tên có âm hưởng dịu êm ấy có sức gợi cảm đến lạ lùng. Bất chợt, từ tiềm thức sâu thẳm của Sinh hiện ra gương mặt một người con gái.” Thế rồi, trung đoàn trưởng Nguyễn Trường Sinh mới đi tìm “Nhà Vân bên bến Phù Vân”. Câu chuyện tiếp theo là gặp gỡ, xúc động, rưng rưng, là đấu tranh nội tâm, cuối cùng là đoàn tụ, thành vợ thành chồng. Nếu là bến đò mang từ vựng không có âm thanh “Phù” và “Vân”, thậm chí là Phù Vận, Phù Vấn, Phù Vần… thì có đánh thức được ký ức nụ hôn trên bãi bom B52 của anh sĩ quan? Sinh thuộc loại nhân vật vô tâm, vô tình, đơn giản, dễ quên, ngay cả chuyện hệ trọng của đời người mà còn quên bẵng; nói phũ là anh là kẻ phản bội. Với nhân vật trung đoàn trưởng Nguyễn Trường Sinh, nhà văn Khuất Quang Thụy là một trong những tác giả sớm đổi mới, ông nhìn thấy con người trong chiến tranh và hậu chiến với những góc cạnh đa dạng, phong phú, và sinh động, tốt xấu, chứ không chỉ đơn giản một chiều ngợi ca.
Nhà văn Khuất Quang Thụy có truyện ngắn “Anh Sức” được Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội rất nổi tiếng, sau đó được chuyển thể thành phim truyền hình. Nhưng “Bạn đò dọc” in năm 1984 mới là tác phẩm hay nhất trong kho tàng truyện ngắn Khuất Quang Thụy? Ông viết về sự lựa chọn của con người, đời người, của tình huống cuộc sống, lựa chọn và quyết liệt bảo vệ sự lựa chọn của bản thân không hề hối tiếc: “Sóng to, nước cả khôn chừng/ Đã xuống đò dọc xin đừng run tay”. Quay lưng với cái chung, lựa chọn cái riêng nhưng không phản bội, làm hại cái chung, và đồng đội. Bạn đò ngang thì đi qua cuộc đời chốc lát, bạn đò dọc thì trọn đời sống chết. Con người trong chiến tranh xù xì, góc cạnh, chung riêng, tốt xấu chứ không vo tròn, gọt nhẵn, là cái nhìn mới của Khuất Quang Thụy.
Có người đi đánh nhau rồi viết văn, có người “đi xem” đánh nhau rồi viết văn, có người đọc sách, nghe kể rồi viết văn. Nhà văn Khuất Quang Thụy thuộc dạng người đi đánh nhau tơi bời khói lửa rồi viết văn, vừa đánh giặc vừa viết văn. Ông là nhà văn chiến sĩ đúng nghĩa nhất với cụm từ này. Truyện ngắn và bút ký Khuất Quang Thụy in đều đều trên Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội suốt ba thập niên cuối thế kỷ 20 và in dấu trong lòng bạn đọc, nhưng tiểu thuyết mới làm nên vóc dáng, gương mặt, chiều sâu tâm hồn, tư tưởng của ông, đưa ông lên tầm cao nhà văn chiến tranh. Tiểu thuyết đầu tay “Trong cơn gió lốc” hoàn thành tháng 3 năm 1978, sau đó Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân in năm 1979, phát hành 50 000 bản. Chưa đến 30 tuổi, tiếng tăm Khuất Quang Thụy nổi như cồn khắp ngoài bắc trong nam. Nhà văn Trung Trung Đỉnh nhiều lần nói với tôi: Những năm đầu sau chiến tranh có ba quyển tiểu thuyết đình đám như một hiện tượng văn học, gây chú ý nhất, đáng đọc nhất lúc bấy giờ là: “Trong cơn gió lốc” của Khuất Quang Thụy, “Năm 1975, họ sống như thế” của Nguyễn Trí Huân, và “Nắng đồng bằng” của Chu Lai. Quả thật, sau chiến tranh có mấy năm, thời gian chưa đủ dài cho các sự kiện lớn lao lắng lại, trong khi bao nhiêu nhà văn đàn anh còn đang nghĩ ngợi chiêm nghiệm, mà ba nhà văn quân đội chỉ trên dưới ba mươi tuổi đã cho ra đời ba cuốn tiểu thuyết đình đám ấy, cũng là sự lạ.
“Trong cơn gió lốc” được giọng văn hoạt, phóng khoáng và tươi mới, không khí chiến trận nóng hổi, “dậy” mùi thuốc súng. Văn “Trong cơn gió lốc” là thứ văn của người đi đánh trận rồi viết văn. Sau gần nửa thế kỷ rồi, “Trong cơn gió lốc” vẫn tái bản, vẫn được bạn đọc đón nhận, đặc biệt là bạn đọc đã qua chiến tranh. Nếu như “Trong cơn gió lốc” còn non chất tiểu thuyết, già chất ký sự, thiên về hành động thì đến “Góc tăm tối cuối cùng” hoàn thành tháng 11 năm 1987 lại là tác phẩm có đậm chất tiểu thuyết. Các nhân vật trong “Góc tăm tối cuối cùng” bị phân hóa trong chiến tranh, và cả hậu chiến, có cái đẹp, cái tráng, có cái xấu, cái bi. “Góc tăm tối cuối cùng” viết về con người đã qua chiến tranh mà không có tiếng súng đạn nổ, bom rơi, lửa cháy, chết chóc. Nhân vật có tính cách, có số phận, có chiều sâu nội tâm. Chiến tranh như một cuộc va đập của hai tiểu hành tinh, mà mỗi nhân vật như mảnh vỡ của ngôi sao văng ra, lại va đập với nhau một lần nữa trong đời thường. Có thể nói “Góc tăm tối cuối cùng” là một trong những tiểu thuyết ấn tượng thời đầu đổi mới.
Nhà văn Khuất Quang Thụy là người không chịu cũ, không chịu ngồi im, luôn nghĩ ngợi, tìm tòi. Cảm hứng sử thi là chủ đạo, “Những bức tường lửa” viết về người anh hùng, chủ nghĩa anh hùng, luận về anh hùng trận mạc. Chiến tranh đi qua, thì cũng biết bao nhiêu người anh hùng hy sinh, biết bao nhiêu cái đẹp bị hủy diệt; bao nhiêu hậu quả để lại chạt cứng đời thường. Cái dạo ông in tiểu thuyết “Những bức tường lửa” có người khen, có người chê, dù được Giải nhất về đề tài Chiến tranh - Cách mạng của bộ Quốc phòng trong 5 năm 1999 - 2004, nhưng sự thực nó chưa gây được một sang chấn mạnh cho người đọc một phần nó chưa mới và khác. Vẫn là cuộc chiến tranh và người can dự của một bên chiến thắng. Điều này, ông cũng nhận ra, và ông cũng không thật vừa lòng. Ông âm ỉ nung nấu viết một cái gì đó đột sáng, vỡ òa. Trong một lần ghé sang phòng tôi chơi, nói lại câu chuyện này, cứ muốn ông làm được hơn thế, tôi bảo: “Người can dự trực tiếp vào cuộc chiến và viết văn lứa tuổi bác đã cuối chiều. Thời gian của bác đâu có còn nhiều”. Ông trầm ngâm: “Biết thế, nhưng đôi khi cố cũng không được. Mình đang định viết về cả phía bên kia nữa”. Tôi bảo: “Em biết bác bắt tay sĩ quan Việt Nam cộng hòa, họ bật lửa Zippo châm thuốc lá quân tiếp dụng cho bác hút dạo bác làm ở Nhà hòa hợp sau Hiệp định Paris năm 1973. Có ai sống với phía bên kia trực quan sinh động như bác? Bác hãy dùng đại bút “đánh trận” cuối cùng đi”. Đến đây, thì ông sôi nổi hẳn lên: “Tớ mất quá nhiều thời gian, tâm sức với tuyến nhân vật Quân đội Sài Gòn. Bề ngoài thì dễ tả dễ kể, nhưng khám phá nội tâm những con người không cùng chiến tuyến, không cùng không gian sống đâu có dễ. Tuổi này mà viết gượng gạo, sống sít thì khó coi lắm.” Nỗi lo xa và lao động nhà văn đã không phụ người sáng tạo, tiểu thuyết “Đối chiến” có lẽ là đỉnh cao văn chương Khuất Quang Thụy. Chiến tranh đã lùi xa ba mươi năm, Khuất Quang Thụy đủ thời gian để nhìn cuộc chiến tranh bằng cái nhìn khách quan, và tầm nhìn xa hơn, cao hơn, rộng hơn. Ông viết về cuộc đối chiến của Sư đoàn 320 chủ lực mà ông là người cạn dự với Quân lực Việt Nam cộng hòa trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971. Hai chiến tuyến, hai hệ thống nhân vật… đối chiến. Những sĩ quan, binh lính Việt Nam Cộng hòa được hiện lên băng xương thịt, tâm trạng, ý chí một cách khách quan, trước hết họ là những con người bình thường, con người có lý tưởng của phe họ, chứ không phiến diện một chiều cứ ta thì tốt, là anh hùng, địch thì xấu xa hèn yếu. Ông viết “Đối chiến” nhuần nhuyễn, dung dị, không lên gân, không gồng chữ. Mạch văn nhanh cuồn cuộn chảy.
Nhà văn Khuất Quang Thụy là một nhà văn chiến tranh ưu tú. Sự nghiệp văn chương của ông khá đồ sộ. Đồ sộ cả số lượng trang, độ dầy của quyển sách, mà các vấn đề phản ánh đều to lớn, vạm vỡ. Hàng chục truyện ngắn, và gần chục tiểu thuyết như: “Trong cơn gió lốc” (tiểu thuyết, 1979); “Trước ngưỡng cửa bình minh” (tiểu thuyết, 1985); “Người ở bến Phù Vân” (tập truyện, 1985); “Không phải trò đùa” (tiểu thuyết, 1985); “Giữa ba ngôi Chúa” (tiểu thuyết, 1989); “Góc tăm tối cuối cùng” (tiểu thuyết, 1990); “Người đẹp xứ Đoài” (tiểu thuyết, 1991)… Thế rồi bẵng đi hơn 10 năm ông chỉ in những cái “nhì nhằng”, đó là thời kì nghĩ ngợi, tích lũy năng lượng, dồn nén cảm xúc và bùng nổ. Chỉ trong hơn năm, ông in liền 3 quyển tiểu thuyết dày dặn, quyển nào cũng nặng như viên gạch vồ, nặng cả về dung lượng phản ánh: Những bức tường lửa (2004), “Đối chiến” (tiểu thuyết, 2010 ), Đỉnh cao hoang vắng (2016). v.v… Khuất Quang Thụy đã được nhận giải thưởng: Giải thưởng Nhà nước về VHNT từ năm 2007, cho cụm 3 tiểu thuyết: “Trong cơn gió lốc”, “Không phải trò đùa” và “Góc tăm tối cuối cùng”. Được tôn vinh thế cũng xứng đáng một đời viết văn, nhưng sức nặng và tầm vóc của ba cuốn tiểu thuyết ông viết cuối đời: “Những bức tường lửa”, “Đối chiến”, “Đỉnh cao hoang vắng” đã góp vào sự nghiệp văn chương đồ sộ của ông và xứng đáng được tôn vinh, đánh giá cao hơn.
Đôi khi Khuất Quang Thụy sáng tạo sa đà vào trện đồ lắm lời rậm chữ, rậm rạp như cánh rừng nhiệt đới nhiều tầng lắm cây, có cây lúp xúp và cả cây cổ thụ quý hiếm, chứ không phải rừng thuần chủng. Rồi ông lại tiết chế, quay trở lại khúc chiết, hàm xúc, không ít những câu, những đoạn ông triết lý về chiến tranh, về cuộc sống sâu sắc, rưng rưng. Sức lôi cuốn của văn Khuất Quang Thụy là ở mạch văn nhanh, mạnh mẽ, tuôn trào. Tôi đồ rằng nhà văn Khuất Quang Thụy không trắng tay, ông vẫn còn vài cây cổ thụ đứng im lìm trên cánh rừng văn chương của đất nước, chẳng hạn như “Góc tăm tối cuối cùng”, như “Đối chiến”.
***
Nhà văn Khuất Quang Thụy đã rời cõi tạm về miền cao xanh mây trắng. Cõi tạm này ông đã từng sống sung sướng, sum vầy, hạnh phúc; dù có lúc lam lũ, nhọc nhằn, vụng dại... vẫn là cõi đáng sống. Sống một đời văn, đời người rất khác biệt, ông rất đáng thướng nhưng cũng rất đáng để trân quý, nể trọng.
Sương Nguyệt Minh.
 
chim_cuoc
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Nguyễn Thị Mai
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003.
Nhà văn, Phó Gs, Tiến sỹ VŨ NHO:  vunho121@gmail.com