TẤM ÁO LỌT LÒNG
Truyện ngắn của Nguyễn Đình Bắc
Phía chân trời, những tia nắng yếu ớt của buổi bình minh vừa ló ra đã vội chìm vào đám mây mầu xám ngắt. Gió bắt đầu thổi mạnh, những chiếc lá vàng bay xoắn xuýt thả vào không trung. Trên ban công ngôi biệt thự mầu tro lạnh xuất hiện một thiếu phụ trong bộ đồ ngủ mầu thanh thiên. Nàng ngước nhìn trời rồi nhếch mép cười - một nụ cười bí ẩn nửa như thỏa mãn, nửa như kiêu hãnh. Nàng quay gót trở vào chỉ để lại phía sau một làn hương hăng hắc, nồng nàn của mùi nước hoa ngoại quốc.
Từ tầng hầm, chiếc BMW bóng láng trườn lên dốc êm ru. Chiếc cổng tự động từ từ mở ra. Chiếc xe lách qua cổng rồi nép sát vào vỉa hè trước ngôi biệt thự. Mưa bắt đầu lộp bộp. Những hạt mưa nặng trĩu rơi xuống nền gạch đỏ au trong sân rồi vỡ tan thành muôn ngàn hạt nước bắn tung tóe.
Thím Nhu một tay vừa giương chiếc ô đã cũ vừa kẹp chặt chiếc túi du lịch khoác trên vai; Tay còn lại dìu bà già với cái lưng còng mọp. Hai bóng người liêu xiêu, loạng choạng trong cơn giông. Cánh cửa xe bật mở, thím Nhu đỡ bà vào trong xe rồi trao cho bà chiếc túi du lịch quàng trên vai. Chiếc BMW lặng lẽ lăn bánh rồi nó xé nước lao đi mất hút trong màn mưa. Thím Nhu đứng lặng hồi lâu mặc cho những dòng nước mưa xối xả trên chiếc ô tàng; Hai hàng nước mắt lặng lẽ lăn dài trên đôi gò má gió sương của người giúp việc tận tình và nhân hậu.
Ở trường về, cu Bin bước xuống xe, nó vừa nhẩy chân sáo, miệng đã la toáng lên: “Bà nội ơi! Bà nội ơi! Không một tiếng trả lời! Bin buông thõng tấm bằng khen “học sinh giỏi” trên tay, nó lao vào đẩy cửa phòng bà. Phòng trống không, cả tấm ảnh chân dung ông nội Bin mặc quân phục, đội mũ có ngôi sao vàng treo trên tường mà nó vẫn ngắm cả buổi không chán mắt cũng biến đi đâu mất. Bin ngơ ngác không hiểu chuyện gì đã xẩy ra. Nó lặng lẽ ngắm nghía căn phòng như cố tìm câu lý giải.
Phòng bà nội vỏn vẹn chừng bẩy mét vuông nằm ở tầng trệt cạnh cái toa lét dùng chung cùng với không gian bếp và phòng khách. Mẹ nó bảo để bà nội nằm tầng trệt cùng với thím Nhu cho bà đỡ phải leo trèo và tiện cho thím Nhu chăm sóc. Không thấy bà, cu Bin buông một tiếng thở dài rồi lững thững leo lên gác.
Bin là “cậu ấm” trong một gia đình tiềm năng, nhưng Bin khác với những đứa trẻ cùng đẳng cấp thượng lưu. Đã mấy năm rồi, ngoài giờ đến trường, Bin chỉ quẩn quanh trong ngôi biệt thự cùng bà nội và thím Nhu. Bin thích nghe bà kể về miền quê nội xa xôi, nơi có con suối ngày đêm róc rách len lỏi qua những cánh rừng già cùng với tiếng con chồn, con hoẵng chu trong đêm. Nó mơ một ngày nào đó được về thăm quê nội để vào rừng ngắm những đàn sóc chuyền cành; Nghe tiếng hót của con chim “bắt cô trói cột” mà bà nội thường kể cho nó nghe như truyện cổ tích; Thăm cái nơi mà ngày xưa bà nội nó thường đi phát rẫy, làm nương hay đốn củi kiếm tiền nuôi ba nó ăn học. Với Bin công việc phát rẫy làm nương hay đi hái củi trong rừng cứ như là một cái gì đó vui vui và thú vị biết chừng nào; Nhưng cách đây hai năm, kể từ ngày ba Bin đón bà nội lên ở cùng và bán mảnh vườn của bà ở quê thì ước mơ về thăm quê của nó gần như vô vọng.
Cái danh xưng “thím Nhu” là do bà nội đặt cho người giúp việc để tỏ cái ân tình. Mà trong cái ngôi biệt thự rộng thênh thang này, “thím Nhu” đã trở thành người bạn “tâm giao” của hai bà cháu Bin.
Ba của Bin - một cán bộ cao cấp thường mải mê với những cuộc họp, những hội thảo và những chuyến công du xa lắc tận đất Mỹ, trời Âu nên hiếm có dịp để mắt đến Bin và bà nội. Mẹ Bin là một mẫu phụ nữ hiện đại thời @. Ngoài giờ làm việc ở cơ quan, tất cả thời gian còn lại nàng dành cho sopinh để mua sắm hay tụ bạ với các quý bà thuộc giới thượng lưu để trưng diện hoặc đu đưa trên sàn nhảy để thỏa mãn đam mê. Cái nếp sống quý phái ấy đã ngấm vào lục phủ ngũ tạng của nàng từ thuở còn là sinh viên tận xứ trời Âu, nơi mà ba nàng là vị Đại sứ quyền năng và danh giá. Cái chức vị cao sang hiện tại của chồng, cùng ngôi biệt thự nguy nga tráng lệ này cũng là nhờ cái bóng của cha nàng. Nàng ý thức được điều đó và rất tự hào. Cái lợi thế ấy đã đưa nàng lên vị thế độc tôn trong ngôi biệt thự này.
Chẳng hiểu sao suốt từ sáng đến giờ trời cứ đổ mưa tầm tã. Cơn mưa đầu hạ bám riết chiếc BMW suốt chặng đường dài hơn ba chục cây số từ nội đô đến tận vùng ngoại ô xa xôi hẻo lánh. Cái cần gạt nước hối hả xua đi những dòng nước loang loáng trên kính xe, nhưng nó lại không xua được nỗi buồn quặn thắt trong lòng người đàn ông ngồi sau tay lái. Hiếu không dám nhìn gương chiếu hậu sợ gặp phải ánh mắt của mẹ đang ngồi nơi ghế sau, anh lặng lẽ lái xe như một tài công mẫn tiệp.
Nghe tiếng còi xe, chị điều dưỡng viện vội xòe ô ra đón. Chị mở cửa xe, lễ phép chào bà rồi nhẹ nhàng dìu bà xuống xe. Hiếu vội đỡ ô che cho mẹ. Chị điều dưỡng viên đỡ bà ngồi xuống ghế xô pha nơi phòng chờ rồi đon đả rót nước mời khách. Một chị điều dưỡng viên khác chỉ cho Hiếu chiếc giường nơi dành cho mẹ Hiếu trong những ngày sắp tới, rồi chị chìa cho Hiếu một tờ giấy đánh máy có dòng chữ in đậm “Văn bản bàn giao”. Hiếu rút bút ký vội rồi quay sang nói với mẹ: “Mẹ yên tâm nha, con đã trao đổi kỹ với Giám đốc Trung tâm, ở đây mẹ sẽ được chăm sóc chu đáo, khi nào rảnh con sẽ lại đến thăm mẹ, còn bây giờ con phải đi để kịp cuộc họp sáng nay”. Bà Nụ lặng lẽ gật đầu. Hiếu thoáng thấy trong mắt mẹ như có đám mây mầu xám lạnh. Hiếu gấp vội tờ biên bản cho vào túi rồi tức tưởi ra xe. Cơn mưa vẫn lạnh lùng trút nước…
Đã ba đêm liền, bà Nụ gần như thức trắng, phần vì chưa quen với cái nếp sống ồn ã nơi Viện dưỡng lão, phần vì thương cu Bin và nhớ thím Nhu, thế là bà cứ chong chong cặp mắt già nua cùng đêm sâu thăm thẳm mà gửi hồn về những miền xưa cũ mông lung. Trên ngực bà dường như có cục đá đè. Bà nhớ lại cái lần đi đốn nứa trên rừng. Vốn tham công tiếc việc, cô Nụ tự cho mình là “gái mười bẩy bẻ gẫy sừng trâu” nên đã dồn một bó nứa bằng cả người ôm. Nụ “cò” nứa đổ đèo khi mặt trời dần khuất núi. Đang mải miết bước, bỗng Nụ nghe tiếng rào rào, hình như có ai cũng đang “cò” nứa phía sau. Mải suy nghĩ, bỗng Nụ trượt chân ngã sấp, bó nứa đè lên lưng, ngực đập vào mô đất cứng làm cô bất tỉnh.
Nghe tiếng đổ rầm, Tâm quăng vội bó nứa xuống vệ đường rồi lao lên phía trước. Anh nhấc bổng bó nứa của Nụ sang bên rồi lật người Nụ lại. Mắt Nụ nhắm nghiền, nước da xám ngắt. Tâm kê Nụ lên đùi rồi giật giật tóc mai, đoạn anh mở bình tông nước kề vào môi Nụ rót từng ngụm nhỏ, miệng gọi liên hồi: “Nụ ơi! Nụ ơi! Tỉnh lại đi; Tâm đây, Tâm đây!”. Một lát sau mắt Nụ từ từ hé mở rồi lại từ từ khép lại. Tâm sốc Nụ lên lưng vội cõng cô xuống núi.
Cái tai họa đầu đời ấy và cũng là kỷ niệm không thể nào quên đã gắn kết hai người. Chàng trai của núi với cô gái miền sơn cước đã làm nên một tổ ấm vô cùng hạnh phúc nếu như… không có chiến tranh.
Đám cưới tổ chức được đúng ba ngày, nơi mái tranh nghèo còn vương mùi thuốc pháo thì Tâm khoác ba lô lên đường nhập ngũ. Trong buổi tiễn đưa, Nụ thút thít không thành tiếng; Tâm ghé tai Nụ thì thầm: “Nếu sau này sinh con, dù gái hay trai mình nhớ đặt tên con là Hiếu; Mình yên tâm, nhất định anh sẽ về với hai mẹ con”.
Sau ba tháng kết thúc khóa huấn luyện, Tâm nhận được thư Nụ báo tin vui rằng cô đã có bầu. Tối ấy, cả trung đội hò hát đến tận khuya phần vì kết thúc khóa huấn luyện, phần mừng cho Tâm.
Vừa hạ chiếc gùi nặng trĩu những củ sắn tươi xuống hè, Nụ vươn người hít một hơi dài. Cái thai cứ mấp máy như có con tôm búng tanh tách trong bụng làm cô quên hết mệt nhọc. Nụ mỉn cười một mình rồi lấy tay khẽ xoa lên bụng miệng thì thầm: “Con yêu! Con ngoan của mẹ, hãy lớn khôn đợi ngày bố về!”. Vừa lúc ấy tiếng con vện sủa lên ăng ẳng. Nụ nhìn lên đã thấy bác giao liên xã thập thò ngoài ngõ, tay cầm phong thư vẫy vẫy. Nụ chạy ào ra đón phong thư mà tay run như người cảm mạo. Tâm đây rồi. Nét chữ chân phương, mềm mại như tính tình của anh. Nụ chào bác giao liên rồi quay vào nhà, cô áp phong thư lên ngực hồi lâu dường như muốn để dành cái phần thưởng cao quý này đến phút thiêng liêng mới mở. Nhưng rồi không kìm nén nổi, cô thận trọng mở phong thư. Một tấm ảnh mầu hiện ra. Khuôn mặt Tâm rắn rỏi, cặp mắt sáng long lanh như đang trìu mến nhìn Nụ. Ngôi sao trên mũ mềm làm cho vẻ mặt Tâm như già dặn thêm, cứng cáp thêm. Nước mắt Nụ lã chã trong mênh mang hạnh phúc. Nụ ngồi hàng giờ ngắm hình Tâm và đọc đi đọc lại lá thư. Trong thư có đoạn viết: “Em và con yêu quý vô vàn của anh, ngày mai anh cùng đồng đôi sẽ lên đường làm nhiệm vụ đặc biệt. Em ở nhà ráng chăm con khôn lớn đợi ngày anh về!” Nụ lẩm nhẩm một mình: “Anh Tâm ơi, anh hãy yên lòng làm nhiệm vụ, dù cánh rừng quê không còn cây nữa, dù con suối quê có đổi thay dòng thì em và con vẫn đợi anh về”. Tâm có ngờ đâu phong thư và tấm ảnh này lại là kỷ vật cuối cùng của Tâm dành cho mẹ con Nụ, còn anh đã vĩnh viễn nằm lại nơi biên giới Phía Bắc xa xôi…mà mãi mười năm sau Nụ mới hay tin!
Sau bữa cơm chiều, Viện dưỡng lão chìm trong tĩnh lặng. Cơn gió bấc đầu đông đánh thức những cơn ho, những tiếng thở khò khè, rin rít phát ra từ những bộ ngực già nua, xẹp lép. Ai nấy vùi đầu trong chăn cố nén chịu những cơn đau nhức của tuổi xế chiều. Bà Nụ ngồi thu mình trên chiếc giường đơn, mắt nhìn qua ô cửa sổ, nơi có những tầu chuối khô xao xác gọi mùa. Bà với tay kéo chiếc túi du lịch, lôi ra một gói nhỏ rồi từ từ mở ra. Bà khẽ khàng lấy ra hai chiếc áo lọt lòng, một chiếc mầu trắng, một chiếc mầu xanh xí lâm. Đôi tay gầy guộc nhăn nheo của bà run run vuốt nhẹ trên tấm áo đã ngả bóng thời gian. Bàn tay bà dừng lại hồi lâu trên ngực áo trẻ thơ nơi có trái tim thêu bằng chỉ đỏ cùng với hai chữ cái T N lồng vào nhau xoắn xuýt. Bà Nụ bồi hồi nhớ lại:
Vào một chiều cuối hạ, cả xóm xôn xao, người nọ rỉ tai người kia, hôn nay cơm nước sớm để còn ra sân hợp tác bốc thăm mua hàng mậu dịch phân phối. Chẳng biết hàng có những gì nhưng ai nấy đều háo hức. Cái xóm núi heo hút này vui như ngày mở hội. Tâm đến sân hợp tác thì mọi người đã đông đủ. Bác đội trưởng ghé tờ giấy sát ngọn đèn chai rồi dõng dạc tuyên bố: “Thưa bà con, xin bà con trật tự để tôi thông qua danh sách hàng hóa phân phối hôm nay; Rồi bác hắng dọng: hàng gồm mười cây kim, ba cuộn chỉ, ba mươi viên đá lửa, hai hộp thuốc đánh răng Ngọc Lan, hai chục bát sành, một ấm nhôm đun nước; hai chiếc màn xô, ba chiếc khăn vuông len và đặc biệt có hai mét vải xanh xí lâm và hai mét vải pơ pơ lin trắng Trung Quốc. Tôi đã phân chia và làm sẵn vé, ai bốc được thứ gì thì vui lòng nộp tiền trước khi nhận hàng”. Bác tổ trưởng chưa dứt lời, mọi người đều xuýt xoa khen đợt này hàng nhiều hơn trước. Ai cũng chờ mong, ai cũng thắc thỏm và hy vọng. Bỗng một cánh tay giơ lên. Mọi người ngoái lại thì ra chị Lành, Hội trưởng Hội phụ nữ xã. Chị đứng lên dõng dạc: Thưa bà con, tôi hoàn toàn nhất trí về phương thức phân phố hàng hóa hôm nay mà bác Tổ trưởng đề ra. Song tôi có một kiến nghị là riêng hai mét vải xanh xí lâm và hai mét vải pơ pơ lin trắng Trung Quốc không đưa vào diện bốc thăm mà dành riêng cho chú Tâm và cô Nụ vì hai người đã báo cáo tổ chức là sắp làm đám cưới. Hiện tại chú Tâm là Xã đội trưởng, cô Nụ là phó Bí thư Chi đoàn; Tổ chức đám cưới xong rất có thể chú Tâm sẽ lên đường nhập ngũ để bảo vệ Tổ quốc. Vậy tôi đề nghị bà con vui lòng ưu tiên hai trường hợp đặc biệt này. Trong đám đông có tiếng bàn tán xì xào, mọi người đưa mắt nhìn nhau rồi bỗng nhiên một tràng pháo tay nổ ran vọng vào vách núi. Ở cái nơi thâm sơn cùng cốc này, cái tình làng nghĩa xóm, cái ân nghĩa, ân tình nó là vậy. Nụ mừng đến rơi nước mắt, cô ôm chặt lấy chị Lành mà thút thít, nghẹn ngào như người em gái trong vòng tay người chị cả thân thương. Hôm lễ thành hôn, Nụ rạng rỡ trong chiếc sơ my trắng nõn nà làm nổi bật những đường cong duyên dáng, mịn màng; Tâm chững chạc, khỏe khoắn trong chiếc sơ mi xanh xí lâm thật đáng mặt một chàng trai của núi rừng hùng vĩ.
Sau ngày cưới, hai tấm áo được giặt kỹ phơi khô rồi gấp phẳng phiu xếp vào đáy rương, nó như một bảo vật, một gia tài của đôi vợ chồng trẻ.
Vừa bước xuống sân bay, Hiếu nhận được dòng tin nhắn của thím Nhu: “Bác về ngay, bà hấp hối trong bệnh viện K, bác gái đi Phú Quốc chưa về”. Ra khỏi sân bay, Hiếu chui vội vào chiếc xe cơ quan đã chờ sẵn rồi nói với tài xế: Em đưa tôi đến bệnh viện K càng nhanh càng tốt. Chú lái xe dạ, chiếc xe vun vút lao đi.
Hiếu sải những bước dài đến bên giường bệnh, nơi người mẹ khô gầy nằm dán xuống tấm ga trắng toát, hơi thở khò khè cùng cặp mắt nhắm nghiền. Đứng quanh giường bà là thím Nụ sụt sùi và cu Bin thút thít, thấy ba về nó òa lên khóc nức nở. Thím Nụ ôm chặt thằng bé vào lòng để cho Hiếu đến với bà. Lúc này Hiếu mới nghẹn ngào gọi hai tiếng: “Mẹ ơi!”. Giọt nước mắt nóng hổi nơi đứa con thành đạt rơi trên má mẹ làm bà Nụ hồi tỉnh. Cặp mắt mờ sương liu riu của bà như dồn hết tinh lực để cố thu lấy hình hài đứa con trai bé bỏng lần cuối. Bà quờ tay với chiếc bọc nhỏ trên đầu giường dúi vào tay Hiếu.
Hiếu rưng rưng đón nhận rồi từ từ mở ra. Trong bọc chỉ vỏn vẹn hai tấm áo lọt lòng một trắng, một xanh xí lâm may từ cặp áo cưới ngày nào nhưng nó mang hồn của núi, mang máu của cha và những cơn đau đời mẹ.
Bán đảo Linh Đàm, Mùa Vu Lan 2023
Khởi bút 19-8 hoàn thành 21-8.
Ghi chú: “Cò” là tiếng chỉ việc vận chuyển nứa từ dốc núi xuống chân núi. Bó nứa khi cột chặt, người ta rút một cây dài về phía đầu bó khoảng 1m, khi vận chuyển đặt cây nứa này lên vai rồi kéo lê cả bó nứa xuống dốc cho đỡ nặng.