Có thể coi "Thăm lúa" như là một khúc "Chinh phụ ngâm" mới, gắn liền với cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Chàng trẻ tuổi chỉ là một trai làng ra đi giản dị, nhẹ nhàng, không ồn ào như chinh phu "Giã nhà đeo bức chiến bào. Thét roi cầu Vị ào ào gió thu". Còn nàng chinh phụ là một nữ nông dân đảm đang, khoẻ khoắn. Nhân vật mới, tình cảm mới, cho nên mở đề của khúc ngâm cũng mới. Không phải là cảnh đêm tối, khói lửa:
Trống Tràng thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam tuyền mờ mịt thức mây
Mà là một khung cảnh đồng quê tươi tắn, sống động, chan hoà màu sắc âm thanh.
Mặt trời càng lên tỏ
Bông lúa chín thêm vàng
Sương treo đầu ngọn cỏ
Sương lại càng long lanh
Bay vút tận trời xanh
Chiền chiện cao tiếng hót
Màu xanh da trời, màu đỏ mặt trời, màu vàng lúa chín, màu xanh của cỏ đầm sương. Và màu long lanh cầu vồng bảy sắc đang ánh lên trên những giọt sương được "treo" rất khéo léo ở đầu ngọn cỏ -bởi bàn tay trang hoàng tinh xảo của thiên nhiên. Tất cả các màu sắc đó lại đang biến chuyển, đang đậm dần lên theo cách so sánh tăng tiến: càng lên tỏ, thêm vàng, càng long lanh…
Trên cánh đồng đẹp như tranh ấy vang khúc nhạc đồng quê. Tiếng chim chiền chiện thánh thót, văng vẳng khắp cánh đồng. Tiếng chim đánh thức, tiếng chim dẫn dắt những hồi tưởng của người phụ nữ thăm đồng, và dắt đưa cả người đọc vào quá khứ. Cũng là tiếng chim, nhưng nó không giống "một tiếng chim kêu sáng cả rừng" của Khương Hữu Dụng, cũng khác "tiếng chim tha nắng rải đồng vàng thơm" của Địng Hải, hay tiếng chim "khoe với trời xanh trái chín thơm" của Tô Hà. Đây là tiếng chim gợi nhớ về một buổi tiễn đưa cách đã bốn năm. Cảnh tiễn đưa ấy không có màu sắc "dặc dặc buồn" mà tha thiết trong sáng vì người đi và người tiễn đều hiểu ý nghĩa cuộc ra đi giản dị mà thiêng liêng: đi đánh giặc giữ nước. Đã bốn năm rồi nhưng không một chi tiết nào bị bỏ sót, cũng không có một dấu hiệu nào nhạt phai. Từ khung cảnh "buổi sáng mai ri", từ chuyện anh mang sắc mây, chị mang cơm nếp, đến cả chi tiết lúa níu trật dép anh cúi sửa vội vàng cho đến lời dặn dò mộc mạc ở đầu bờ ruộng…Tất cả như đang là buổi sáng ngày hôm ấy chứ không phải là buổi sáng tái hiện trong trí nhớ hôm nay. Phải yêu thương đằm thắm lắm mới có thể nhớ tỉ mỉ đến như vậy.
Khác người chinh phụ xưa chỉ buồn và nhớ, người chinh phụ mới này nhớ nhưng biến nỗi nhớ thành hành động, thành việc làm trong một tinh thần kháng chiến "hậu phương thi đua với tiền phương". Chị nhớ anh, nhớ từng ngày, từng tháng, từng mùa, từng năm:
Cam ba lần có trái
Bưởi ba lần ra hoa
Thật ra mùa hoa cam hoa bưởi cùng một thời gian, chỉ là ba năm thôi. Nhưng mà đếm "sáu lần" như vậy là rất nhớ, rất mong. Tuy nhiên, cách đếm thời gian bằng mùa hoa trái vẫn là cách đếm truyền thống. Rồi "xoè bàn tay bấm đốt" để có thể tính toán tỉ mỉ, chi tiết hơn, nhưng vẫn chưa phải là mới. Nét mới đặc sắc chỉ có người phụ nữ kháng chiến này mới có, đó là tính thời gian gắn liền với bước đi của chiến dịch, gắn liền với các giai đoạn kháng chiến:
Anh bước chân ra đi
Từ ngày đầu phòng ngự
Bước qua kì cầm cự
Anh có gửi lời về
Nét mới của chị còn thể hiện trong sự vượt lên những niềm tin hơi hướng mê tín cũ:
Người ta bảo không trông
Ai cũng nhủ đừng mong
Riêng em thì em nhớ
Thật ra "người ta" và "ai" cũng khuyên, cũng nhủ như thế, không phải là họ là người có ý xấu hay không có sự cảm thông. Những người xung quanh làm thế vì họ e rằng trông, mong nhiều sẽ làm cho người chiến sĩ không an lòng, dễ bồn chồn nơi trận mạc (Mẹ già ơi thương nhớ dẫu dâng trào. Mẹ cứ nhắc tên con đừng lo con vấp ngã Nguyễn Trọng Tạo - "Những người lính đi qua thành phố" ). Với tình cảm mộc mạc và chân chất, chị vẫn nhớ mong anh với cái lí giản đơn:
Em nhớ ruộng nhớ vườn
Không nhớ anh răng được
Nỗi nhớ niềm mong ấy không làm chị ủ dột, héo hon trong khắc khoải đợi chờ. Nó làm thành sức mạnh tinh thần, nó biến thành sức mạnh vật chất để làm nên những vụ lúa "sây hạt nặng bông". Chị cùng hậu phương góp của, góp công để những chiến sĩ ngoài tiền tuyến ăn no, đánh thắng.
Bài thơ tràn đầy nỗi nhớ, tràn đầy niềm mong, nhưng cũng tràn đầy sự khấp khởi, phơi phới - tràn đầy niềm vui vẻ lạc quan (Em thấy lòng khấp khởi- Bụng em giữ phấp phới- Thấy vui vẻ trong lòng). Viết về tình yêu trong chiến tranh mà không có chút gì bi luỵ, không một chút tang tóc, thương đau, những vẫn lay động trái tim, vẫn xúc động lòng người. Viết được như bài Thăm lúa là rất giỏi. Có lẽ, nhà thơ của đồng quê, nói tiếng nói chắc khoẻ của người sinh ra hạt lúa, củ khoai, tác giả tắm trong đời sống tình cảm mộc mạc, khoẻ khoắn của người nông dân và đã mang cái tinh thần khoẻ khoắn lực lưỡng ấy vào thơ. Vậy nên "khúc ngâm" của Trần Hữu Thung mang một vẻ rất khác lạ trong mạch thơ ca mà ta đã gặp.
Hà Nội, tháng bảy Tháng mười hai 1994.
Trong tập ĐI GIỮA MIỀN THƠ tập 2, Nxb Văn hóa thông tin, 2001.