Vũ Hường
THÁNG 5 CỦA TÔI
Tôi thích mùa hạ và yêu tháng năm. Người ta có thể biện ra hàng trăm ngàn lý do để giải thích cho cái sự yêu thích của mình. Còn tôi lý do ấy đơn giản lắm! Nó chỉ đơn giản vì tôi sinh trong tháng này. Một con mèo nhỏ sinh ra ốm yếu và nghiêng ngả như ngọn cỏ trong mùa bão. Nhưng nó không đầu hàng và nó đã thắng tử thần. Từ khi còn bé tí xíu tôi nhận được không biết bao nhiêu lời chê bai: nào con thọt, chân rưỡi, mắt lác, con mù dở... Nhưng ơn trời! Tôi không bao giờ khóc vì những lời chọc ghẹo đó. Và cũng không mấy khi giận hờn những người "chế" ra những lời nói ấy. Bởi đơn giản họ không phải là tôi. Họ không hiểu cái cảm giác ngồi bên khung cửa sổ nhìn nắng hạ tươi đẹp mà khát khao nó thèm thuồng đến mức nào. Quả vậy tôi đã nghĩ " méo mó có hơn không " đi được còn hơn là bị liệt .
Tháng năm của tôi là đến ngày 22/5 dù ngoại tôi có bận rộn gì đi chăng nữa vẫn nhớ tặng tôi món quà sinh nhật. Mà năm nào cũng giống năm nào chỉ có sách thôi. Tôi có đôi khi hờn dỗi "sao ông suốt ngày tặng con toàn sách là sách". Ngoại tôi cười khà khà "để ông còn được đọc ké". Phải tôi học hành không bằng ai nhưng tôi tự hào ngoại kính yêu của tôi rèn cho tôi thói quen đọc sách. Ghế nhà trường tôi chỉ ngồi có 12 năm nhưng tôi có những người thầy đặc biệt là những cuốn sách mà ngoại tôi một ông giáo làng ngay thẳng và lương thiện để lại. Tiếc là đã 9 năm nay tôi không còn nhận được món quà sinh nhật nào của ngoại tôi nữa. Ông đi xa tôi đến thế giới của đức phật Thích Ca từ lâu rồi... Nhớ đến ông tôi sẽ nhớ đến người thầy đầu tiên dạy tôi tập viết, người kiên trì dìu tôi những bước đi chập chững đầu đời...
Đứa trẻ khác có thể là "ba tháng biết lật, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi". Còn tôi thì thời gian lâu hơn đến 10 lần của 9 tháng. Vâng! Tôi cần đến 9 năm dài chuẩn bị cho bước chân đầu tiên.
Ngày ấy cứ đúng 4h sáng, ngoại sẽ gọi tôi dậy và tập cho tôi đi. Ngoại buộc hai thanh tre vào hai bên, tôi sẽ bám vào thanh tre để lần lần tập đi. Nhiều lần ngã dúi ngã dụi, nhiều lần khóc lặng vì đau... Có những khi con bé con là tôi đây lén nhìn vào trong bếp muốn lấy con dao ngoại vẫn dắt ở góc bếp chặt đứt đôi bàn chân bất trị của mình đi. Có hôm buồn ngủ díu cả mắt ngoại vẫn vào giường lôi dậy. Tôi nước mắt lưng tròng, nhìn ngoại ai oán:
- Ông không thương con... ông ghét con hay sao mà chỉ ép có một mình con dậy sớm còn các dì với các chị không phải như vậy? Ngoại nhìn tôi... Đôi mắt buồn ám ảnh:
- Con có nhìn thấy con chim đang bay ở ngoài kia không? Nó được tự do bay lượn nên tiếng hót của nó trong lắm. Nhưng nếu con chim bị mất tự do tiếng hót của nó sẽ sầu thảm biết bao nhiêu? Con người cũng vậy nếu con đi được con sẽ tự do đến những nơi mà con muốn đi. Con sẽ không phải lệ thuộc vào ai cả. Cố lên Mèo nhỏ!
Những lời động viên của ngoại làm tôi có thêm động lực để cố gắng. Ngày nào cũng vậy tôi bắt đầu tập từ 4h đến tận 6h sáng mới tạm dừng. Áo ướt đẫm mồ hôi, chân sưng phù đau đớn. Có lần bà ngoại xót cháu đã kêu lên:
- Thôi không tập đi tập đứng gì nữa cả. Ông không cõng nó được thì tôi cõng. Tội thân cháu tôi.
Nhưng ông vẫn không bỏ cuộc. Những lúc tôi chán, tôi buồn ngoại lại kể tôi nghe về tấm gương vượt lên số phận của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký. Và ngoại nhủ:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.
Có lẽ tôi vẫn sẽ không đủ quyết tâm để tập đi nếu không có một sự việc đau lòng đã xảy ra với cô giáo chủ nhiệm lớp 3A của tôi. Tôi sẽ kể cho bạn đọc nghe ngay sau đây : Trường tiểu học ở quê tôi luôn trong tình trạng thiếu lớp nên các thầy cô đã tận dụng nhà kho bỏ không để làm lớp học cho lũ trò nhỏ. Hôm đó là giờ dạy của cô giáo Châu. Cô già rồi nhưng hiền lắm chứ không khó tính đâu nên chúng tôi quý cô lắm. Sau khi làm xong bài tập thì cô hay kể truyện cổ tích cho bọn tôi nghe . Hôm đó cũng vậy ,cô kể truyện "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn" nhưng bi thảm làm sao! Đang kể dở câu chuyện thì cô giáo của tôi từ từ gục xuống. Gọi thế nào cô cũng không dậy. Với bọn trẻ con chúng tôi đó đơn giản là cô giáo buồn ngủ nên ngủ gật. Các bạn kéo nhau về hết, còn lại một mình tôi... 5 phút đầu tôi vẫn ê a đọc bài tập đọc bụng bảo dạ chắc cô ngủ một lát rồi sẽ dậy nhưng càng về sau tôi càng sợ hãi. Tôi cố bò lại gần chỗ cô nằm... lay gọi cô dậy nhưng rờ vào người cô tôi thấy lạnh toát. Dù không biết cô giáo mình đã chết rồi nhưng nỗi sợ hãi vẫn bao phủ lấy tôi. Tôi khóc đến khàn tiếng lạc giọng và những người dân gần đó nghe được chạy đến đưa tôi về với ngoại .
Nhìn thấy ông tôi òa lên khóc không ngừng thêm một lần nữa. Còn ngoại ông ôm tôi rồi nhủ:
-Tội nghiệp cháu tôi. Cố tập đi rồi có chuyện gì thì chạy về với ngoại con nhé! Không biết có phải vì quá sợ phải ở một mình như thế thêm một lần nữa hay không? Mà sau đó tôi cố gắng dần dần bỏ tay vịn và bước được bước đầu tiên. Đó là năm tôi 9 tuổi. Quá chậm và quá lâu phải không các bạn? Tôi sẽ không thể nào quên ngày hôm đó con mèo nhỏ là tôi đã sung sướng như thế nào? Tôi hát, tôi cười còn ông bà ngoại thì vừa cười vừa khóc. Tôi ngây thơ hỏi:
- Con đi được rồi sao ông bà lại khóc?
Ông ôm tôi thật chặt "ông vui quá nên khóc đó Mèo nhỏ." Bây giờ bàn chân tôi vẫn bước thấp bước cao và chỉ cần đụng nhẹ một chút là đã ngã nhào nhưng tôi vô cùng biết ơn sự kiên trì của ngoại. Nhờ đó mà tôi thoát cảnh làm bạn với bốn bức tường cô đơn và buồn tẻ.
Ngoại kính yêu ơi! Con hứa với ông dù cho bất cứ chuyện gì xảy ra con cũng sẽ luôn dũng cảm và kiên cường sẽ sống như loài hướng dương luôn vươn tới mặt trời. Ông hãy yên lòng ông nhé.
Tháng năm của tôi có chùm phượng khô ép trong trang vở. Có kỷ niệm ngọt ngào với thành phố bé tí tẹo mà tôi yêu - Thái Bình. Có những buổi sớm mai ngồi sau xe của bác tài đặc biệt đi du lịch vòng quanh thành phố. Người bạn ấy khe khẽ hát tôi nghe "Anh đến quê em một chiều nắng ấm ..." Người bạn đặc biệt dịu dàng của tôi luôn thầm thì vào tai tôi "cố lên Kẹo Mút. Vượt lên số phận mà sống". Tiếc rằng người bạn ấy mãi xa tôi.
Tháng năm của tôi có những món quà giản dị của lũ bạn thân. Vì không có tiền tặng quà sinh nhật bạn mà nói "cho bọn tao nợ" rồi hùn nhau từng đồng 500đ lẻ mua 2 que kem mà có tới 5 đứa ăn chung. Thế cũng là xong một bữa tiệc sinh nhật hoành tráng.
Tháng 5 của tôi có cô em gái không chung huyết thống làm xa tận Hà Nội nhưng nhìn lịch từ đầu tháng để thu xếp về với chị. Nói được một câu chúc sinh nhật. Ở chơi với chị một hai tiếng là lại sấp ngửa quay lại thủ đô.
Tháng 5 của tôi là hai bé con líu lo hát véo von hết bài này đến bài khác mừng sinh nhật mẹ như thế là đủ để hạnh phúc rồi. Có người chê bai làm mẹ khuyết tật đơn thân nhưng con mình không chê mình thế là đủ. Biết sống sao cho vẹn để làm vừa lòng tất cả. Chỉ những người yêu thương mình hiểu mình là đủ.
Tháng năm của tôi là những ngày đầu quen các vị sư phụ được họ chỉ dạy và yêu thương. Họ không cho tôi tiền bạc và địa vị. Cái mà họ cho tôi là niềm vui và khát vọng sống.
Tháng 5 của tôi là tháng mà tôi hạnh phúc nhận được lời chúc mừng sinh nhật ấm áp của người có giọng nói Nam Bộ ngọt ngào - mẹ Ngọc Liên của tôi. Người đã dạy tôi biết tự tin vào bản thân mình và là người luôn thức cùng tôi mỗi đêm nghe tôi khóc vì những tủi thân và bất lực trong cuộc sống của mình. Người luôn ôm tôi vào lòng và nói với tôi rằng: "mẹ tin con làm được", "nếu con không thể trở thành ngôi sao của mọi người thì con mãi là ngôi sao nhỏ bé mà mẹ thương yêu".
Tháng 5 của tôi là yêu thương, chờ đợi và hy vọng!
V.H