bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BS ĐINH HỮU DUNG!NƯỚC VỐI ĐẶC SẢN VÙNG ĐỒNG CHIÊM GIA VIỄN RẤT SẴN!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 18
Trong ngày: 113
Trong tuần: 820
Lượt truy cập: 626168

THÁNG BA HOA GẠO VỚI THI NHÂN MIỀN CỔ TÍCH

THÁNG BA HOA GẠO VỚI THI NHÂN MIỀN CỔ TÍCH
Nguyễn Đình Bắc
(Lược ghi cuộc du xuân của các Thi nhân Miền Cổ Tích trong hai ngày 29 – 30 /3 năm 2023)
Đúng vào những ngày cuối cùng của tháng Ba khi Cụ Gạo Đình Trung vươn cánh tay khổng lồ, cuồn cuộn cơ bắp tung những ngọn lửa đỏ lên trời, thắp sáng vùng quê Miền Cổ Tích như chào mời, như vẫy gọi các thi nhân; Ấy là lúc chúng tôi về với cội nguồn – “nôi của Miền Cổ Tích” – xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương Tỉnh Thái Bình.
Xe vừa dừng trong sân UBND xã, chúng tôi đã bắt gặp những ánh mắt thân thiện, sáng trong đon đả chào mời. Một cảm giác thân thương gần gũi cứ rần rần chạy dọc sống lưng. Đón chúng tôi có đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cùng với đông đảo cán bộ ĐU, UB, MTTQ và các phòng ban nghiệp vụ. Trong chốc lát cả phòng họp đã chật kín người. Vừa phân ngôi chủ khách, Trưởng Miền Phạm Ngọc Tâm Dung trong tà áo dài nhung đen thướt tha mà nề nã cùng với nụ cười vừa hân hoan duyên dáng, vừa e lệ nhưng không dấu nổi niềm kiêu hãnh, tự hào, đã vinh dự đón nhận bó hoa tươi thắm từ tay đồng chí Bí thư Đảng ủy trong tiếng vỗ tay ròn tan như pháo, báo hiêu một buổi giao lưu nặng nghĩa nặng tình.
Chúng tôi lắng nghe đồng chí Bí thư Đảng ủy nói về quá trình xây dựng và phát triển quê hương; Nói về truyền thống đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trong các thời kỳ oanh liệt của lịch sử nước nhà; Đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - nơi mà có đến trên ba mươi “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Tiếp theo lời đáp từ của Trưởng Miền Phạm Ngọc Tâm Dung, Nhà thơ Nguyễn Đình Bắc thay mặt đoàn đã nói lên cái cơ duyên, sự gắn bó gan ruột của các Thi nhân với mảnh đất vừa thơ mộng, vừa bất khuất kiên trung của một vùng quê sông nước. Kế theo là những lời tâm huyết, chân tình của PGS - TS - Nhà văn Vũ Nho; Của Đại tá -Nhà báo- Nhà thơ Mai Nam Thắng; Của Họa sỹ - Nhà báo - Nhà thơ Lê Tiến Vượng, tất cả đều chung một tình cảm, một tấm lòng gắn bó, yêu thương, sẻ chia và trách nhiệm.
Như những người con xa xứ về với quê hương, chúng tôi đem theo hàng trăm tác phẩm văn học của các thi nhân Miền Cổ Tích và của các nhà văn, nhà thơ có tiếng trên Văn đàn về tặng cho tủ sách quê hương. Trong đó đặc biệt có đến 50 tập sách hướng dẫn học tiếng Anh dành cho học sinh Tiểu học do Họa sỹ Nhà thơ Lê Tiến Vượng gửi tặng.
Cuộc giao lưu kéo dài từ 8 giờ ba mươi sáng đến tận 11 giờ ba mươi trong tiếng nhạc du dương phát ra từ những ngón tay tài hoa của Nhà thơ - Nghệ sỹ Đoàn Thịnh lướt trên phím đàn Óc gan nâng cánh cho những vần thơ mượt mà, ngân nga như thực, như mơ cứ bồng bềnh trong không gian thanh sạch khiến ai nấy cũng nao lòng.
Chia tay trong sự bồi hồi lưu luyến, chúng tôi ai cũng háo hức chụp chung tấm hình lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo địa phương dưới gốc cây gao già trên bốn trăm năm tuổi đã được Nhà nước cấp bằng công nhận “Di sản Quốc gia”.
Đoàn về đến nhà thân mẫu của Trưởng Miền Phạm Ngọc Tâm Dung đúng 12 giờ trưa. Đón chúng tôi đã có sáu bảy thi nhân thuộc nhóm “Thi sỹ đồng quê” cùng với ông chủ Thuyền Thơ ngồi đợi sẵn. Sau những cái bắt tay thân mật, ai nấy hối hả vào vấn an thân mẫu Trưởng Miền để nghe bà đọc thơ với ánh mắt rạng rỡ vui tươi mặc dù chỉ còn hai năm nữa là bà sống trọn trăm năm nơi trần thế.
Đúng lúc này, cái bụng chúng tôi bắt đầu lên tiếng, hắn không đòi thơ mà… đòi rượu… đòi cơm! Chẳng phân chia chủ khách, hơn ba chục thi nhân quây quần quanh bàn ăn với vịt đồng chín tới, với ốc đậu chuối xanh bắt tại ao nhà; Với canh rau tập tàng hái nơi vườn mẹ; Với cà pháo gia chủ tự muối ròn tan; Với cơm nấu bằng nồi gang trên bếp củi cho ta những tảng cháy thơm phức vàng ươm như ướp mật. Phạm Hoành Tung - Một cựu chiến binh đã ngoại lục tuần, là em trai Trưởng miền Phạm Ngọc Tâm Dung tay nâng ly rượu nút lá chuối với chất giọng ăn sóng nói gió nhưng đầy xúc động, anh trần tình: Biết tin các anh chị về, cho phép em thay mặt gia đình mời những “Người thơ” một bữa cơm quê do tự tay vợ chồng em nấu từ những sản vật quê nhà để tỏ tấm lòng kính trọng; Dù mâm cơm không có sơn hào hải vị nhưng có nghĩa có tình của người quê lúa chúng em…
Buổi chiều chúng tôi được đồng chí Trần Duẩn - Cán bộ Văn hóa dẫn đến dâng hương tại bốn thắng cảnh của xã đã được công nhận là “Di tích lịch sử văn hóa” cấp tỉnh, đó là Đình Đông; Đình Nam; Nhà thờ Văn Lăng và Nhà thờ Tổ dòng họ Phạm Ngọc. Cả bốn nơi này đều thanh tịnh, uy nghiêm và toát lên cái hồn người, hồn quê với truyền thống “tốt đời đẹp đạo”, gắn bó yêu thương, trường tồn theo năm tháng.
Tại Nhà thờ Tổ dòng họ Phạm Ngọc, Nhà thơ Phạm Như Ý (bút danh: Thường Dân - Hậu duệ bên ngoại đời thứ 13 dòng họ Phạm Ngọc) kính cẩn dâng bài thơ “Tri ân đức Thủy Tổ”.
Nói về Đức Thủy Tổ - Người là một mệnh quan của triều đình Thăng Long. Cách đây hơn bốn trăm năm, vào thời hậu Lê, Người vâng mệnh triều đình về đây mở cõi dựng nên trấn Sơn Nam tổng Thịnh Quang mà điểm dừng chân đầu tiên của Người là làng Dưỡng Thông xã Thượng Hiền ngày nay). Trong từng giọt ngân nga của tiếng chuông đồng vọng, giọng thi sỹ Thường Dân nghẹn ngào, lạc trong nỗi ơn sâu. Không gian như lắng lai, thời gian như ngừng trôi, tất cả chúng tôi kính cẩn chắp tay trong hương trầm bảng lảng, dường như ai cũng muốn gửi gắm lòng mình trong một trăm câu thơ chắt từ gan ruột của thi sỹ Thường Dân bay theo tiếng chuông về cõi vô thường.
Nửa chiều, đoàn trở về Thuyền Thơ, lại quây quần bên be rượu lạc đọc cho nhau nghe những vần thơ chắt từ nơi sâu thẳm của tâm hồn. Ánh chiều dần buông, những giọt nắng lấp lóa trên tán si già bên bờ Sông Sứ; Những chiếc lá ướt đằm vệt nắng hệt ánh mắt của người đang yêu cứ đung đưa, ẩn hiện như những ngọn lửa tình. Dòng Sông Sứ luênh loang, hiền hòa dâng lên làn hương dịu nhẹ, mát lành làm thức dậy trong tôi bao ký ức của những lần tao ngộ trên bến sông này.
Chia tay con Thuyền thơ cùng nhóm “Thi sỹ đồng quê” trong sự bịn rịn khôn cầm. Xe đưa đoàn về thành phố Thái Bình đúng vào bữa cơm chiều muộn. Đón chúng tôi có gần chục Nhà văn, Nhà thơ, các Nghệ nhân tài hoa thanh lịch của thành phố dưới sự chủ trì của nữ Nhà thơ Ánh Tuyết - người đã nhiều năm với cương vị Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Bình. Bữa cơm thịnh soạn với món lẩu nướng mang hương vị đặc sản của xứ sở Kim Chi làm cho ai nấy không khỏi ngạc nhiên về sự chỉn chu và tấm lòng hiếu khách.
Khi mọi người còn đang lâng lâng trong men rượu, men tình thì tiếng nhạc đã nổi lên lúc trầm lúc bổng làm cho ai nấy thêm rạo rực, nồng say. Những làn điệu dân ca mượt mà và đằm thắm; Những vần thơ chan chứa tình đời cứ nối tiếp theo nhau như một trường thi bất tận. Cuộc vui kéo dài cho đến tận chín giờ đêm và kết thúc bởi điệu múa “Lam vông” sôi động đến diệu kỳ của tất cả các thi nhân đầy phấn khích.
Đêm Thái Bình tĩnh lặng, bình yên như cái tên xứ sở đưa mọi người vào những giấc mơ hoa.
Sáng 30 Chúng tôi lại ghé thăm ngôi nhà mới khang trang của " Nhà thơ đại gia" Ánh Tuyết.
Không khí ở đây giống như những người chị, người anh, người em đến thăm nhà người ruột thịt.
Những câu chuyện vui xen lẫn đôi đoạn trầm lắng, ngậm ngùi của người đàn bà đa đoan vướng nghiệp văn chương.
Những tấm ảnh lưu niệm chụp hình chúng tôi cùng với những túi quà xinh xắn và thơm tho của Miền quê Lúa.
Tạm biệt Nhà thơ Ảnh Tuyết, điểm đến cuối cùng đang vẫy gọi là chốn cũ Vườn Bùi của Cụ Tam Nguyên Yên Đổ.
Kể cũng lạ, đã mấy lần về thăm, mà lần nào tôi cũng hồi hộp như mới.
Khoảng sân gạch Bát Tràng, những cây cảnh, mái nhà, lối mòn ra bờ ao, ngõ trúc...tất cả đều có rêu phong. Từ bức ảnh cụ Tam Nguyên hiền lành như một cụ già thôn quê cho đến tất cả những đồ thờ mâm khấn đều rất mộc mạc.
Tôi nghe đâu đây, trong gió, trong tiếng rơi lách tách, thầm thì của những giọt mưa xuân, tiếng đọc vịnh thơ trầm trầm của vị quan triều về ở ẩn...
Chúng tôi lần theo lối mòn xưa ra " Ao Thu", ra " Ngõ Trúc", "Vườn Bùi" ... Nhìn một dáng trúc ngả ra mặt ao, tôi lấy máy chụp nó.
Chao ơi! Hình ảnh một chiếc cần câu trong thơ Cụ đây rồi. Chúng tôi lặng đi trong tưởng nhớ. Chị bạn tôi mắt mơ màng, chị đọc lẩm nhẩm trong miệng một bài thơ gì đó. Tôi đoán không sai là chùm thơ mùa thu của Cụ Nguyễn...
Trên đường chúng tôi trở về Hà Nội thật vui. Hình ảnh cuộc du xuân cứ như những thước phim quay chậm,lưu giữ trong tôi biết bao điều tốt đẹp của Miền quê êm ả Thái Bình, của một nơi đầy ắp những yêu thương!
Từ vô thức trong tôi, bỗng ngân lên một đôi câu ca, không biết nó lặn vào tôi tự bao giờ:
"Thái Bình ơi, Thái Bình, sao mà yêu đến thế..."
Hà Nội 31-3 -2023
Nguyễn Đình Bắc
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)