bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 29
Trong ngày: 232
Trong tuần: 1502
Lượt truy cập: 775075

THƠ CỦA NGƯỜI LÍNH...

THƠ CỦA NGƯỜI LÍNH ĐI SUỐT CUỘC CHIẾN TRANH

        Về ba tập thơ Bên sông trăng BST, Nửa vầng trăng đợi NVTĐ, Cầu vồng kí ứcCVKƯ của Nguyễn Hồng Minh, Nhà xuất bản Hội nhà văn 2022

                                      Vũ Nho

v_nho_nguyn_kh

                       NHÀ VĂN VŨ NHO

        Nguyễn Hồng Minh là một người lính trong chiến tranh chống Mỹ và cuộc chiến chống Pôn Pốt. Tác giả từng làm thợ cơ khí, sinh viên trường Y, nhập ngũ năm 1970 và tham gia 3 trận đánh lớn.  Đó là đánh máy bay B52 ở Hà Nội năm 1972. Tiến về Sài Gòn  mùa xuân 1975.  Giúp đỡ quân dân Cam phu chia đánh đuổi bọn diệt chủng Pôn Pốt.

            Có thể nói tác giả là một người lính yêu thơ, tham gia nhiều trận đánh, có mặt ở nhiều trọng điểm, chứng kiến và trải qua thực tế khốc liệt của nhiều mặt trận. Với sự trải nghiệm sâu sắc đó, người lính ấy đã xuất bản 4 tập thơ Hương đất, Quê hương, Trăng treo bên cánh võng, Khúc tình ca người lính. Và trong năm 2022 lại  công bố 3 tập thơ gồm hơn 240 bài.

            Quả là một sức viết đáng ghi nhận.

Tác giả bộc bạch : “ Bản thân tôi coi thơ như khoảng lặng cuộc đời, là niềm vui, là nỗi đau, là những trăn trở khi viết về đồng đội, những chị em thanh niên xung phong đã hi sinh hoặc thương tật trong chiến tranh ác liệt tại tuyến lửa Trường Sơn và thời gian chiến đấu ở Cam pu chia. Thơ tôi như là sự tri ân với đồng đội sau hòa bình còn gặp nhiều vất vả trong cuộc sống đời thường. Ngoài ra, đối với gia đình, cha mẹ, anh chị em, nhất là với người vợ yêu quý cùng các con của tôi” ( Lời tác giả).

            Bởi thế  những chủ đề nổi bật nhất của các tập thơ là cuộc sống ở chiến trường, tình yêu quê hương, tình cảm gia đình, đồng đội và bè bạn.

            Đọc thơ của Nguyễn Hồng Minh, người đọc như được thấm thía những gian khổ, khó khăn, niềm lạc quan, sự hi sinh của các chiến sĩ. Và chúng ta  hiểu được vì sao mà quân đội ta đã anh dũng chiến thắng kẻ thù có vũ khí hiện đại, tối tân.

            Một cảnh ăn cháo của các chiến sĩ:

                        Xụp xoạp húp tròn quanh bát nóng

                        Mồ hôi chảy giọt miệng cười tươi

                        Cạn nồi thìa vét khua xủng xoảng

                        Ấm bụng cậu nào mắt cũng tươi

                                         ( Ăn cháo trên rừng Trường Sơn – CVKƯ)

Điều đáng nói là nồi cháo đó nấu bằng “nước rỉ tanh mùi sắt váng nhơ”, và còn ít cháo nguội sót lại thì “vàng khè, thum thủm” khiến ai cũng  “lè lưỡi”!

            Và đây bữa cơm đầu tiên  trong Dinh Độc Lập là cơm nắm mà người lính không kịp thổi nấu:

                        Bữa cơm đầu tiên trong Dinh Độc Lập

                        Nắm cơm vắt gói lá rừng cứng ngắc

                        Chỗ cầm tay đã dính ướt ôi thiu

                                                ( Bữa cơm đầu tiên ở Dinh Độc lập – CVKƯ )

Chiến tranh khốc liệt đã cướp đi tuổi trẻ, sức khỏe của bao nhiêu đồng đội, nhất là các cô thanh niên xung phong:

                        Con gái Trường Sơn mới vào ai cũng đẹp

                        Mấy tháng sau tóc rụng trơ đầu

                        Run cơn sốt rét vàng da tái

                        Thân sút gầy hai mắt quầng sâu

                                                ( Cô giái Trường Sơn – CVKƯ)

Và câu chuyện của cô Thanh niên xung phong này không chỉ là chuyện một người. Bao cô gái đã ngã xuống nơi trọng điểm khốc liệt:

                        Hòa bình về anh tìm em nhà cũ

                        Cha mẹ già tóc bạc nương nhau

                        Em đi xa giấy ố màu báo tử

                        Nghe kể chuyện em bao nỗi nhớ xót đau

                                    (Gặp em giữa rừng Trường Sơn –BST)

Những  đồng đội của tác giả hi sinh khi còn rất trẻ:

                        Đồng đội ra đi

                        Chưa một lần biết nụ hôn người bạn gái

                        Lóng ngóng run nắm tay

                        Không hẹn ngày trở lại

                                    ( Đồng đội tôi – CVKƯ)

Nấm mộ của họ có chiếc điều cày, một kỉ vật chiến trường thân  thiết:

                        Bạn tôi hi sinh nằm lại sau đồi

                        Chiếc điều cày đặt trên phần mộ

                        Như khẩu súng người lính

                        Chiều hoàng hôn rực đỏ

                                    (Hai vòng tòn trắng đen – CVKƯ)

Không hề bất ngờ vì sao gian khổ khó khăn ghê gớm:

                        Sốt rét ở đây, có đồng đội nào không sốt

                        Nắng hầm như than vẫn trùm chăn đắp

                        Thằng chống nạng giò, vai súng nặng cùng nhau

                        Tóc rụng thưa dần đôi mắt trũng sâu

                                    ( Mùa khô ở Pailin –BST)

Nhưng tiếng hát vẫn cất cao. Tiếng hát át sự mất mát, hi sinh. Tiếng hát  tăng niềm tin chiến thắng. Nhiều bài thơ về tiếng hát ( Câu hát quan họ, Lời ví dặm,  Tiếng hát trong hang đá,  Anh hát em nghe giữa thành phố mang tên Bác Hồ - BST – Người đàn bà hát,  Câu hát của cha,  -NVTĐ – Đêm Trường Sơn nghe em hát –CVKƯ-). Tiếng hát gợi nhớ miền quê Quan họ:

                        Nghe tiếng em hát biết con gái quê mình

                        Chẳng lẫn vào đâu giọng Bắc Ninh

                        Đêm Trường Sơn ánh đèn dầu leo lét

                        Kinh Bắc quê mình, người đã khéo lại…xinh

                                                (Đêm Trường Sơn nghe em hát – CVKƯ)

Tiếng hát khỏe át tiếng bom:

                        Tiểu đội tôi

                        Từ đồng chí A Trưởng đến cậu lính anh nuôi

                        Giọng người nào cũng khỏe

                        Ngoài trời đạn cầu vồng chớp lóe

                        Át tiếng bom thù

                        Tiếng hát bay xa…

                                    ( Tiếng hát trong hang đá – BST)

Thật không thể hình dung nổi tinh thần lạc quan của các chiến sĩ khi tiến về Sài Gòn:

                        Chưa bao giờ chúng tôi cười vui như thế

                        Vào cái chết mà như đi mở hội

                        Cả hàng quân không ai lá ngụy trang

                        Mặc máy bay, pháo giặc nã ùng oàng

                                                (Thần tốc sài Gòn – CVKƯ)

Thơ của Nguyễn Hồng Minh còn dành nhiều bài cho người mẹ, người cha cựu chiến binh, người vợ thủy chung và những người con. Đó là những người ruột thịt cho người chiến sĩ tình yêu và niềm hạnh phúc.

            Một điều đặc biệt là với tinh thần người lính, tác giả đã thẳng thắn, phê phán  trực diện, mạnh mẽ những hiện tượng tiêu cực, những quan tham, những  hình nhân vô cảm trước nỗi đau của đồng bào đồng chí. Đó là các bài thơ Cái đinh rỉ cắm giữa lòng thủ đô, Gửi ông Lý Hiển Long,  Tiếng kêu Thủ Thiêm – BST,  Anh hùng ngã ngựa, Tỏ quốc mình anh để ở đâu,  Góc khuất lịch sử, - CVKƯ,  Vô cảm – NVTĐ. Người lính  thẳng băng phê phán:

                        Đừng mang quy hoạch lừa dối người dân

                        Bọn cướp đất lòng tham si hổ đói.

                        Lũ cẩu quan hùa nhau rỉa rói

                        Buộc dân lành bán giá rẻ như cho…

                                                ( Tiếng kêu Thủ Thiêm –BST)

Và cũng phẫn nộ chất vấn khi các quan để người dân tự lo phương tiện chạy dịch về quê:

                        Xin hỏi các quan dưới trên

                        Sao để người dân khổ thế

                        Lương tâm các quan đâu nhỉ?

                        Hay chó cắn mất cả rồi

                                                ( Vô cảm – NVTĐ)

      Nhìn chung thơ Nguyễn Hồng Minh phong phú về đề tài, cả trong chiến tranh và trong hòa bình, cả cuộc chiến bom rơi đạn nổ và cuộc chiến không tiếng súng chống Covid. Đó là thơ của một người lính yêu thơ, giàu tình cảm với đồng đội, bạn bè, quê hương, đất nước. Nhà thơ đã đi qua bom đạn chiến tranh, sống sót trở về. Việc làm thơ cũng là một hành động thiết thực để tri ân đồng đội, đồng bào, gia đình và những người thân yêu. Thật đáng tự hào khi anh viết như tâm sự, như giãi bày với người mẹ kính yêu:

            Cả cuộc đời này con không hề nuối tiếc

            Bởi con đã sống làm người biết đứng thẳng, ngẩng cao

                        ( Con đã sống với đời không uổng phí, mẹ ơi – CVKƯ)

                                           Hà Nội, 3 tháng 10 năm 2022

                       anh_chuan_5

 

           

 

           

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)