bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

Đinh Y Văn

Tôi là một người con của làng quê, cũng có những tán cau vươn trên lũy tre làng, cây gạo cây bàng cổ thụ… Là bạn đọc thường xuyên của Trang Nhà nên chân thành “hưởng ứng” câu hỏi của Tổng biên tập, “n...

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC VỀ MỘT MỐI TÌNH THUỞ HỌC TRÒ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC SĨ HÀ HẢI ANH ĐÃ CỘNG TÁC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC!BÀI THƠ TẶNG PHU NHÂN RẤT THÚ VỊ!CHÚC CÁC BÁC AN KHANG THỊNH VƯỢNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN VŨ THẢO NGỌC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ  CHIÊU ĐỨC! LUÔN CÓ LIÊN HỆ ĐẾN TÁC PHẨM VĂN HỌC VIỆT NAM! CHÚC BÁC AN LÀNH!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 16
Trong ngày: 190
Trong tuần: 1136
Lượt truy cập: 891530

TIỂU LUẬN của NGUYỄN THỊ MAI


Người đăm đắm một đời thơ

về công nhân và người thợ

NGUYỄN THỊ MAI

mai_ao_vang 

Những năm gần đây, ai quan tâm đến văn chương mảng đề tài công nhân và người thợ hẳn biết đến một tác giả viết rất dồi dào, sung sức. Đó là nhà thơ Lê Tuấn Lộc. Sở dĩ đánh giá như vậy vì sự nghiệp sáng tác của ông đến nay đã có 20 tác phẩm, trong đó có 6 tập thơ chuyên về thợ mỏ và thân phận người lao động, mà chắc chắn thơ về đề tài này của ông chưa dừng ở đây.

Có điều thú vị rằng: bạn đọc biết đến Lê Tuấn Lộc - một nhà thơ, nhiều hơn là biết đến ông- một kỹ sư mỏ - Nhà quản lý -Tiến sĩ ngành khoa học kỹ thuật. Những chức danh và học vị sang trọng ấy ông phấn đấu chẳng phải vì thơ. Thơ cũng xa vời với công việc chuyên môn làm ra vật chất nuôi sống đời ông, đời người. Nhưng thơ gắn bó với ông suốt cả cuộc đời, làm nên danh tiếng và sự nghiệp văn chương của ông. Bởi ông là “kiếp thi nhân đắm đuối” như đã tự nhận. Ông đam mê thơ và đau đáu với cuộc đời đúng như lời ông đã trải lòng: “Đời người còn có gì hơn/ Nếu mai sự nghiệp không còn đam mê?” (Đam mê).

Nhà thơ Lê Tuấn Lộc chiêm nghiệm như vậy và sống đúng như vậy. Có thể thấy nổi bật và xuyên suốt trong hành trình sáng tạo của ông là ba điều: Một là, ông say mê, thủy chung với đề tài công nhân và người thợ, không khi nào vơi cảm xúc về đề tài ấy. Hai là, thơ ông - mảng giao diện sâu sắc với người đọc về hình tượng chân dung và cuộc sống người thợ. Bà là, thơ ông bám sát hiện trạng cuộc sống ảnh hưởng tới người lao động qua các chặng đường mưu sinh.

Thật vậy, trong sáng tạo văn học nghệ thuật, người cầm bút không loại trừ đề tài nào của cuộc sống. Vấn đề là họ cảm nhận và xúc động với những gì trong cuộc sống muôn hình muôn vẻ kia. Thì Lê Tuấn Lộc chọn lấy mảng đề tài mà mình cảm nhận và xúc động nhiều nhất. Đề tài về công nhân và người thợ. 6 trong 20 tập thơ ông sáng tác về đề tài này gồm: Hát lúc trăng lên (1990), Thợ mỏ gặp nhau (2000), Thân phận (2004), Đi tìm vàng (2012), Người đi đã trở về ( 2015) và Thơ và Thợ (2019) là những minh chứng khẳng định rõ ràng. Từ tập thơ đầu tay Hát lúc trăng lên, hình ảnh “Những người thợ cần cù chất phác” đã xuất hiện trong bài thơ “Nếu ở đây không có Crôm” cùng nhiều bài thơ khác. Từ đó, hình ảnh người thợ đi vào thơ ông ngày càng nhiều, càng sinh động muôn mặt trong những tập thơ về sau. Đặc biệt tập thơ “Người đi đã  trở về” rất chuyên sâu, chỉ tập trung cảm xúc cho chủ đề công nhân và người thợ. Và bây giờ tập Thơ và Thợ vừa ra lò cũng có gần nửa số bài thơ sáng tác cho đề tài này. Thực tế cho thấy, người sáng tạo thi ca, rất ít ai đeo bám mãi một đối tượng, một chủ đề hay một đề tài. Vì dễ trùng lặp cảm xúc, dễ vơi cạn ngôn từ và dễ xáo mòn hình ảnh… Nhưng nhà thơ Lê Tuấn Lộc thì thủy chung, đăm đắm. Gần 40 năm cầm bút, ông vẫn không vơi cảm xúc với người công nhân, người thợ, người lao động xung quanh mình. Thơ ông vẫn rung động và  thu hút người đọc. Hiện tượng ấy không ngoài lý do ông là người say mê tha thiết nghề thợ mỏ. Trái tim ông không chỉ đa cảm mà rất cảm thông, thương yêu thật sự người lao động. Nhưng hơn tất cả là lý do ông sống có trách nhiệm với đời, với thơ. Vì thế, trong lời tự bạch ở tập Thơ và Thợ, Lê Tuấn Lộc đã khẳng định: “Tôi vẫn sáng tác tiếp về văn học công nhân như một thôi thúc”, dù nhiều lúc ông vẫn hỏi: Viết cho ai xem? viết để làm gì?.

Vâng đó là câu hỏi khó với nhiều người viết nhưng không khó với nhà thơ Lê Tuấn Lộc. Bởi lẽ, với đề tài công nhân và người lao động, ông có cả một môi trường thực tế với tư liệu sống ngồn ngộn. Ông cũng có đội ngũ đông đảo người quan tâm đến thơ ông. Họ là những thợ mỏ, người làm than, người đào vàng, đào đá quý, người trồng cà phê, người làm thuê, người xây dựng… và cả những người quản lý họ. Họ đang là tâm điểm của thời kỳ công nghiệp hóa – Hiện đại hóa trên đất nước hôm nay. Đội ngũ ấy rất cần được cảm thông, chia sẻ, bênh vực bằng ngòi bút của thi sĩ. Vậy nên thơ Lê Tuấn Lộc phản ánh khá đầy đủ chân dung và cuộc sống của họ.

Trước hết là thân phận người làm thợ, nhất là thợ mỏ, thợ đào vàng, đá quý, thợ xây dựng…cái nghề mà công việc thì nặng nhọc cơ cực, đồng lương lại rẻ rúng, tính mạng thì mong manh như con sâu cái kiến.

  • Đời có may bao giờ

Giầu sang đâu chưa biết

Đất sập hầm chồng chết

Vợ không tiền làm ma      (Thăm người Nùng gặp nạn).

 

  • Nước bục lò bị ngập

Năm người kẹt hôm qua

Mỏ xôn xao nhốn nháo

Bố đi vẫn chưa về      (Mẹ con em vẫn chờ).

Người đang sinh sống ở Hà Nội ai cũng biết tòa nhà Keang Nam 70 tầng uy nghi, cao chọc trời. Nhưng mấy ai biết khi xây dựng tòa nhà đó bao nhiêu người thợ đã bỏ mạng trong lúc thi công? Chỉ có thơ Lê Tuấn Lộc mới dám bộc bạch những nỗi đau thương ẩn khuất về họ:

Báo chí rùm beng thì cũng im rồi

Ai biết bao thợ xây rơi từ tầng cao 100 mét

Ai còn sống hay chết…

Tiệc khánh thành cũng tan rồi

Không ai nhắc đến họ.     (Viết ở tòa nhà Keang Nam).

 

Không ai nhắc đến họ và cũng không biết họ là ai trên cõi đời này. Ví như thân phận người thợ đào vàng trong bài thơ “Ra đi từ bãi vàng”.

Chiều bãi vàng sập hầm

Thợ chạy re tan tác

Không biết ai mất xác

Không biết ai về đâu.

Chỉ biết có cái bọc đen được một người ôm ngồi sau xe máy hớt hải chạy ra bờ sông, mang xuống thuyền. “Bọc đen mở ra/ Một xác người cứng đơ/ Mặt mũi dính đầy máu”. Và rồi thuyền xuôi dòng sông Lô mất hút? Hai câu thơ kết luận vẻ như là vô cảm, mặc sự đời “Không biết từ đâu đến/ Chỉ biết ra đi từ bãi vàng” nhưng khía vào lòng ta nỗi nghi ngờ rờn rợn: Không biết cái xác bọc kín kia mang về quê hay phi tang giữa dòng nước?

Về pháp luật, thợ chết thì chủ phải chịu trách nhiệm, phải ra tòa. Nhưng chủ không phải ra tòa vì đã có đồng tiền thay cho việc ấy. Thế là mạng con người được mặc cả cò cưa: “Người chết còn nằm đó/ Ngã giá vẫn chưa xong/ Bị hại phát một trăm/ Cai bưởng giáng hai chục/…Đôi co điều lên xuống/ cuối cùng giá ba mươi/ Điều kiện là bí mật”. Đó là bài thơ “Ngã giá”. Cả bài thơ đều kiệm lời như thể xúc động quá mà nghẹn giọng không nói được? nhưng đã đủ hiện lên màn bi kịch kiếp người, tuy chớp nhoáng nhưng rõ mồn một. Đau xót và rẻ rúng cho một thân phận ngã giá đến cùng cũng chỉ “ba mươi triệu” để đổi lấy sự im lặng, chết là hết, không ai kiện tụng chủ nữa. Bài thơ đọc xong mà lòng ta không nguôi ám ảnh, dư ba về nỗi đau như có chiếc dùi nhọn đâm vào tim, thon thót ngực mình. Viết như thế là bạo liệt, dám nói đến cùng cái nhẫn tâm và đã đánh thức được lương tri bao người. Đấy cũng là phẩm chất cần có của người cầm bút. Nếu không lấy con người làm tâm điểm để phản ảnh thân phận họ thì nhà văn viết gì để tồn tại? Vì thế, người thợ, người lao động trong thơ Lê Tuấn Lộc được khai thác ở nhiều phương diện khuất lấp đã trạm tới trái tim người đọc vì những bài thơ trên.

Nhưng đau buồn thương xót không phải là tất cả. Ở một phương diện khác, bạn đọc sẽ thấy hình ảnh người lao động yêu nghề, sống lạc quan tin yêu cuộc đời và hết lòng với công việc tuy biết nghề lao động của mình là gian nan khó nhọc dưới tận cùng xã hội. Nhà thơ Lê Tuấn Lộc bỗng phát hiện ra: “Nghề mỏ suốt đời khổ/ Có ai kêu khổ đâu” (Về lại vùng than). Đúng vậy, ta gặp một “Chị Sàng”, “Cô phó mộc”, một “bác Thực về hưu”, những cặp vợ chồng ở làng thợ mỏ, những đôi trai gái trẻ trong đám cưới… họ đều là công nhân mỏ trong thơ Lê Tuấn Lộc, họ điển hình cho bản chất người thợ: lành hiền, tử tế, chất phác và chan hòa  biết bao:

Vừa mới nghe có khách đến thăm nhà

Chị bế con sang, anh mang chè đến

Cứ như là khách về thăm cả xóm

Chuyện xa gần vui vẻ thức thâu đêm (Làng thợ mỏ).

Không yêu nghề mỏ, không gần gũi hòa mình với đời sống công nhân mỏ, làm sao nhà thơ quan tâm chia sẻ được với họ để có những hình ảnh một thời đi không bao giờ trở lại:

Những mùa xuân thợ mỏ gọi nhau về

Tối giao thừa nghe chung thơ Bác

Trong làn khói hương trầm bát ngát

Mỗi con người bóng dáng một quê hương (Xóm thợ).

Viết được những dòng thơ giàu cảm xúc thế này, bản thân tác giả phải từng là người thợ và hơn thế, ông đã là người quản lý cùng ăn cùng ở với thợ. Vậy ông mới thấu hiểu họ hơn những nhà thơ chỉ đến mỏ gặp gỡ rồi đi.

Thợ  mỏ thiếu lương báo chí kêu rầm

Mỏ của tôi phát lương bằng gạo

Và bản thân gia đình tác giả cũng không kém cảnh khó khăn:

Vợ tôi vẫn tối ngày lận đận

Cơm không đủ ăn, chạy từng bơ gạo

Chiều ba mươi chủ nợ vẫn sang đòi  (Trong khi tôi làm thơ)

Nhưng khó khăn thì mặc khó khăn. Điều quan trọng là “Tiếng còi tầm đúng hẹn vẫn vang xa”. “Quặng vẫn về lấp lánh/ Những nụ cười vẫn rạng trên môi” (Ca ba vùng mỏ), “Chí khí thợ vẫn còn nguyên mãi mãi/ Bàn tay ta xoay chuyển cả đất trời” (Thung lũng trong mưa).  Thày và thợ ở đây không chỉ cùng ý chí lạc quan, cùng chung trách nhiệm mà còn rất tự hào về công việc của mình, tin vào chính mình và đặt niềm tin vào thế hệ mai sau tốt đẹp hơn nhiều: “Rồi chúng tôi có người sẽ trở thành nhà thơ/ Nhiều người sẽ trở thành kỹ sư, bác sĩ/ Con bác thợ mìn sẽ là tiến sĩ/ Lớp trẻ vùng này không kém ai đâu ( Xóm thợ). Đó mới là chất thơ trong tâm hồn người thợ Lê Tuấn Lộc. Cuộc sống vất vả và nhiều nỗi buồn nhưng thơ không thể buồn, không thể làm cho người ta bi quan mất niềm tin vào hiện tại. Chỉ điều đó, nhà thơ Lê Tuấn Lộc đã xứng đáng làm người quản lý và làm nhà thơ.

Nhưng vẫn phải nhấn mạnh rằng: Nếu không đi từ người thợ lên nhà quản lý, không trải nghiệm cả đời người với công việc làm mỏ nặng nhọc thì làm sao ông có được vốn sống ấy? Cái vốn sống mà một nhà văn dù tài tưởng tượng đến đâu cũng không viết được nếu không có thực tế.

Cứ mưa đi trời ạ, cứ mưa đi

Đất cứ trôi, chỉ cần Gôm ở lại

Làng  mỏ ơi, gọi vợ chồng con cái

Trời thay ta đãi quặng hộ ta rồi (Thung lũng trong mưa).

Người không làm mỏ cứ tưởng khai thác quặng trong mưa to tầm tã thì khổ lắm. Nhưng đâu biết rằng đó là niềm vui sướng của họ vì mưa to nước sẽ thay sức người đãi quặng. 

Còn đây là hình ảnh được miêu tả, nếu đọc lướt sẽ không thấy điều gì        

           Ống nối bu lông, ống hàn

Ống đồng, ống thép, ống gang

Dòng quặng chảy như dòng máu

Quặng về như máu về tim  (Đi trên đường ống)

Chỉ người làm quặng Chromite mới hiểu đây là việc khai thác bằng công nghệ sức nước. Người ta dùng sức nước để phá vỡ đất đá và chuyển tải quặng trong ống thép. Hoặc một câu thơ tưởng như mộng mơ lãng mạn:

Dù mưa rơi

Em vẫn thấy sao nở đầy thung lũng

Từng đàn sao di động… (Ca ba vùng mỏ)

Nhưng đây là ánh đèn khai thác mỏ đêm đêm. Dù trời mưa hay tạnh, dù ngày hay đêm thì người thợ vẫn làm việc, mỏ vẫn hoạt động không ngừng nghỉ. Vất vả gian khổ thế nhưng trong con mắt của nhà thơ nó mới thi vị làm sao. Còn bạn đọc, nhờ những tình tiết này mà hiểu hơn về mỏ và công việc của người công nhân mỏ.

Như vậy, hiện thực đời sống thợ mỏ là bức tranh có tầm vóc trải rộng không giới hạn, nhà thơ Lê Tuấn lộc chỉ nắm bắt và phản ánh một vài vấn đề bản chất trong hiện thực đó đã gây được ấn tượng. Thơ ông quả là mảng giao diện sâu sắc với bạn đọc, đưa họ đến với người thợ mỏ để hiểu biết mà chia sẻ, cảm thông. 

          Tuy nhiên, không phải lúc nào gian nan, vất vả cũng là nỗi khổ. Có nhiều người thợ vẫn mơ quay trở về cái thuở gian nan vất vả thời bao cấp. Bấy giờ máy móc chưa hiện đại, thu nhập còn thiếu thốn nhưng công việc yên ổn, bền vững. Mỏ là của chúng ta chứ không phải của riêng ông chủ nào. Lãnh đạo và công nhân cùng chung trách nhiệm, cùng đói no, vui buồn bên nhau, chẳng có gì đe dọa cuộc sống của họ. Còn bây thì mọi sự đã khác, khác vô cùng. Thời đại đẩy mạnh Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa hút người công nhân vào guồng máy làm việc chóng mặt, đòi hỏi họ phải chuyên môn hóa, phải đáp ứng kịp yêu cầu của công việc. Đã không vơi đi gian truân vất vả còn thêm thấp thỏm lo âu vì nỗi bấp bênh việc làm bởi nhà máy, công xưởng, hầm mỏ đã cổ phần hóa. Cuộc sống giờ phụ thuộc hoàn toàn vào tài kinh doanh của ông chủ. Có việc làm thì người thợ tồn tại, không việc làm thì đồng nghĩa với thất nghiệp không có miếng ăn. Và từ đây bi kịch đời thợ đã hiện ra trong thơ Lê Tuấn Lộc: Ăn như thùng, uống như thình/ Phải về thôi việc cũng đành thế thôi…/ Nghề làm mỏ thật lao đao/ Nay còn mai hết nay hao mai đầy (Tiễn bạn về quê). Bài thơ “Mỏ đã mất rồi” và bài thơ “Nỗi niềm phá sản” là điển hình cho những tiếng kêu đau xót, đắng cay, là nỗi niềm tâm sự bằng nước mắt của người đã một đời gắn bó với kho tài nguyên quý giá của đất nước giờ không còn gì: “Bạn báo tin mỏ đã mất rồi/ cho dù mỏ vẫn còn/ Mình buồn như đưa đám/ Bắt đầu là cổ phần/ Sau cổ phần rớt giá/ Cổ phiếu gần tới không/ Mỏ như vàng bây giờ như tro tàn… và không tồn tại được  nữa thì phá sản. “Phá sản nghĩa là nợ đìa/ nghĩa là công nhân mất việc/ nghĩa là không còn nhà xưởng/ Nghĩa là… Chỉ đi ăn mày”. Lời thơ như tiếng hận đời, chửi số phận “Vừa lên voi lại xuống chó/ Kinh doanh như ca si nô”. Đúng thôi, kinh doanh của thời kinh tế thị trường không còn dễ dàng mà phải cạnh tranh khốc liệt, nay thắng mai đã bại: Có những điều như chân lý vĩnh cửu/ Bây giờ như vô lý”. Đúng vậy. Mọi mối quan hệ sản xuất một thời tưởng bền vững thì nay đã tan rã. Bao điều có lý thành phi lý: Công ty thì: “Hôm qua phong anh hùng/ Hôm nay chừng phá sản”. Giám đốc thì: “ngồi xe vi vu/ có lúc nhìn thấy nhà tù”. Ngay cả bản thân tác giả đã một thời vững tin và tâm sự: “Chưa bao giờ tôi nghĩ chuyện chia tay/ Bởi áo thợ với mình thân thiết quá” thì bây giờ nếu còn tuổi làm việc, ông cũng phải buông. Bởi tư duy lãnh đạo sản xuất của thời bao cấp không còn phù hợp. Không còn sự gắn kết tình cảm giữa lãnh đạo và công nhân như một thời: “Giám đốc, Bí thư lội khắp công trường/ Tấn quặng cuối cùng/ mỏ sáng đèn thao thức” (Ca ba vùng mỏ). Nay mối quan hệ ấy đã là mối quan hệ chủ - tớ. Không còn cảnh tết đến thợ ở lại ăn Tết tại mỏ với niềm vui tập thể: “Cánh lính trẻ mừng xuân cười như phá/ Bác thợ già vui quá khóc hu hu…Bên đống lửa đón xuân vui kỳ lạ/ Thợ mỏ cười muốn đổ cả giàn khoan”(Xuân ở mỏ). Tất cả những đổi thay tất yếu ấy đã đi vào thơ Lê Tuấn Lộc. Ta nhận ra thơ ông bám sát từng chặng đường mưu sinh và hoàn cảnh khách quan tác động đến tâm lý và cuộc đời người thợ thế nào. Họ đi từ niềm vui kiêu hãnh được làm thợ đến nỗi cơ cực buộc phải làm thợ để sống dù biết phận mình mỏng tang sương khói. Nhưng đó cũng là điều tất yếu của một thời còn đang trong quá trình công nghiệp hóa đất nước. Đổi thay để phát triển là đúng quy luật. Nếu không, làm sao có những câu thơ này: “Chỉ có những lầu cao đứng trên bờ đại dương, có ánh đèn nê-ông sáng xanh, mát dịu, chong mắt suốt đêm thâu ngóng chờ những đoàn tàu đánh cá đèn sáng như sao xa, xa tít tận chân mây” (Đêm trăng trên biển Sầm Sơn). Thế mới biết thơ không tách khỏi cuộc sống và luôn tươi mới theo cuộc đời.

Ngoài mảng đề tài công nhân và người thợ, thơ Lê Tuấn Lộc còn mảng thơ tình cũng rất cần bàn. Bởi tuy là con người làm công nghiệp khô khan, cứng nhắc nhưng ông có trái tim đa tình, nhạy cảm và tâm hồn giàu cảm xúc. Thơ tình của ông mộng mơ, say đắm nhiều khi thi vị hóa nhưng đọc nhiều bài, đọc kỹ sẽ thấy thực chất ẩn chứa một tâm sự cô đơn.

Về nghệ thuật, thơ Lê Tuấn Lộc có một giọng điệu riêng. Không mượt mà bóng bảy chữ nghĩa, không diệu vợi ngôn từ. Cứ chân thật, mộc mạc tự nhiên như thợ, cứ thô ráp, hoang dã như quặng, mà chắt lọc ra bao ý tình, gây ấn tượng với người đọc. Nếu đọc rải rác một hai bài đăng trên báo chí, nói thật khó thích thú. Nhưng đã đọc cả tập, cả hệ thống thơ Lê Tuấn Lộc mới thấy sự thú vị không ngờ. Điều này khác hẳn các nhà thơ khác. Nó không đơn giản là tạng thơ mà nó khẳng định một giọng thơ đặc biệt, rất riêng ông, không trộn lẫn vào ai. Bởi chính những câu thơ không vần, tự nhiên như câu nói thốt ra từ lòng, những hình ảnh không tả mà kể, những từ ngữ gần gụi với lời ăn tiếng nói đời thường đã tạo nên cảm xúc chân thực đắt giá của sáng tạo. Ấy là tình người, ấy là tính nhân văn ẩn sâu dưới lớp vỏ chữ nghĩa kia mà văn học cần vươn tới.

Lê Tuấn Lộc – một nhà thơ mang trên hai vai hai trách nhiệm: Một với sự nghiệp làm mỏ, một với sự nghiệp sáng tạo thi ca. Cả hai, ông đều chu toàn, say mê và thành đạt. Tôi trân trọng thơ và quý trọng con người ông bởi hai điều ấy. 

Thanh Xuân, tháng 8/ 2020.

nui_xanh

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Nguyễn Thị Mai
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003.
Nhà văn, Phó Gs, Tiến sỹ VŨ NHO:  vunho121@gmail.com