bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 28
Trong ngày: 322
Trong tuần: 1532
Lượt truy cập: 775323

TIẾNG CƯỜI CHÂM BIẾM TRONG THƠ MAI HỒNG NIÊN

Công khai
 
TIẾNG CƯỜI CHÂM BIẾM TRONG THƠ MAI HỒNG NIÊN

PGS.TS. Nhà văn Vũ Nho

Viết nhân dịp mình sáu mươi tuổi, nhà thơ Mai Hồng Niên tự bạch pha chút tự trào:
Anh vừa lên lão sáu mươi
Cứ xênh xang với nụ cười trời cho
Anh vừa lên lão
Bạn đọc phần lớn hiểu cái “nụ cười trời cho” ấy là nụ cười vui vẻ, trẻ trung, lạc quan của nhà thơ. Coi như anh anh người sung sướng nhất trong giới thơ phú vì tính lãng tử, không bị ràng buộc lợi danh. Nhưng ngẫm kĩ ra khi đọc thơ anh, chúng ta sẽ bắt gặp một nụ cười khác. Đó không phải là cười vui vẻ, tuế tóa, mà là tiếng cười buồn, cười ra nước mắt trước sự đời nhiều nỗi trái ngang, nhố nhăng, kệch cỡm “ ngổn ngang bao thứ sang hèn lại qua”. Chắc là khi cất tiếng hỏi trong thơ:
Tú Xương lặn lội phương nào?
Đi qua mấy phố Hà Thành
nhà thơ không nghĩ rằng chính ông Tú thành Nam với tiếng cười mỉa mai, châm biếm thuở nào đã nhập vào anh, đã làm nên một vỉa thơ khác trong mạch thơ trữ tình của nhà thơ.
Thơ trào phúng, châm biếm của Mai Hồng Niên chứng tỏ với bạn đọc rằng không phải mọi nhà thơ bây giờ đều véo von ca hát, hoặc tự chui vào cái tôi cá nhân nhỏ hẹp, khoác bộ cánh sặc sỡ “hiện đại”, “hậu hiện đại”. Nhà thơ vẫn luôn bám sát thời cuộc, bám sát thời sự xã hội và không bỏ qua cho những sự “nhố nhăng” ta thường đọc thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh mạch thơ trữ tình về quê hương, đất nước, tình yêu, tình đồng đội, đồng bào, nhà thơ còn dành không ít tâm huyết cho thơ thế sự mà anh gọi với cái tên dân dã : nhân thế tình tang. Ta có thể thấy những chuyện chỉ có ở thời kinh tế thị trường: Chợ người – Hà Nội; Lấy chồng ngoại quốc; Tiễn vợ đi lấy chồng; Bố đi lấy vợ; Bệnh viện chó mèo; Con có cha và không cha, … Ta có thể bắt gặp nhiều chuyện thời sự trong thơ anh. Từ chuyện ông Tổng Cóc lấy vợ ( Chuyện tình ông Tổng Cóc”) đến chuyện “Các quan xã Vinh Quang, Tiên Lãng và”. Từ chuyện “Trùm” Kiên đá bóng ngân hàng” đến chuyện “ Vinalines - Ụ nổi- người chìm”. Từ chuyện “Thị Hến đời nay” đến chuyện một bà nghị bị xóa tên miễn nhiệm, chuyện “Đồng đội kéo nhau ra tòa”…Ngòi bút Mai Hồng Niên nhiều khi ghi rõ họ tên đối tượng. Anh không khoan nhượng trước những thói tật xấu xa hay tội lỗi mà họ đã gây ra cho nhân dân, cho đất nước. Cũng không ít lần, nhà thơ không chỉ trán, vạch tên, nhưng người đọc vẫn biết đó là ai. Chẳng hạn với bài thơ “ Món quà tặng Sếp” :
Mang vợ đi để làm quà
Mất Phúc được Lộc lấy đà thăng quan
Chuyện đời bao nỗi trái ngang
Đọc bài thơ, không thể không liên tưởng đến truyện ngắn trào phúng của Nguyễn Công Hoan, hay những câu thơ châm biếm xuất hiện cùng thời Tú Xương với niềm chua chát: “ Con nên danh giá, cha mòn trán/ Em được vẻ vang, chị nát trôn”.
Hoặc một ông quan tỉnh nọ :
Về hưu ông vẫn chơi ngang
Đẻ ra con thiếp, con chàng, con ai
Thuyền quyên ứ hự chưa già
Viết về sự xuống cấp của đạo đức xã hội, nhà thơ không bỏ qua sự nhốn nháo, mua quan bán chức khiến cho “ từ thằng lại hóa nên ông có quyền”, tất cả chỉ vì một chữ “tiền” :
Vì tiền- từ trắng bôi đen cổng làng
Nên chuyện mua chức bán quan
Thông thương như những quán hàng rượu bia
Chuyện đời vẫn thế- Ngọc Hoàng
Chuyện mua chức đã thành “chuyện ngày thường ở huyện”. Báo chí đã nói nhiều. Nhà thơ cũng góp tiếng nói phê phán của mình, không ít lần nhắc đến chuyện đó như dẫn chứng vừa nêu, Và đây nữa:
“Trong tay sẵn có đồng tiền”
Chuyện mua chức với bán quyền dễ không
“Mua vui” cùng hội- khác thuyền
Chức quyền mua bán trao tay
Nên chi mọi thứ đặt bày cho vui
Cứ trốn đi Dũng ơi
Vì “mua bán” thế cho nên trong bộ máy công quyền, bên cạnh những cán bộ liêm khiết, trung thành, là “công bộc”, đầy tớ nhân dân, một “bộ phận không nhỏ” các cán bộ thoái hóa, biến chất trở thành các “ông quan” mới. Các vị quan ấy chém gió, tiệc tùng, khai trương dự án, công trình, oai thật đấy, song thực chất thì ai cũng biết:
Làm quan nhưng chửa thành người
Kiến thức dởm, văn hóa ruồi mà nên
Các quan xã Vinh Quang, Tiên Lãng và…
Những chuyện chạy dự án, lấy đất của dân xây sân gôn, vẽ ra những dự án ma để bòn rút của cải của nhà nước được nhà thơ trình bày với sự chua xót, mỉa mai:
Những dự án khởi công thành ao cá, trại gà
Đất cấy cày bỏ hoang, người dân nghèo thiếu ruộng
Khát vọng tập đoàn đi trong tưởng tượng
Giữa thời thế con người tràn mây khói hư vô
Đồng đội kéo nhau ra tòa
Vì sao những “con sâu” ấy vẫn nảy nở, vẫn phát triển ngày càng nhiều trong khi Đảng, nhà nước đều hô hào chống tham nhũng, coi tham nhũng như quốc nạn, như giặc “nội xâm” nguy hiểm? Nhà thơ đã góp phần lí giải, tuy rằng chưa phải là tất cả nguyên nhân :
Hết biếu tiền đến tặng tình
Nên chi mọi sự bất bình đều qua
“Mua vui” cùng hội – khác thuyền
Mai Hồng Niên ngay cả khi nhớ về người nghệ sĩ tài danh vẫn không quên cảnh đời nhộn nhạo bây giờ:
Nghị Hách làm chủ tịch phường
Sai anh dân phố ra đường giữ xe
Nhớ Trọng Khôi- Nghệ sĩ
Với các “quan” đời mới, nhà thơ không chỉ khinh bỉ vì chuyện “từ thằng nên ông”, khinh bỉ tư cách “chửa thành người”, khinh bỉ sự luồn lọt “biếu, tặng”,…mà còn lớn tiếng nhắc nhở, răn đe:
Đừng ngạo mạn, chớ hung hăng
Với nhân dân một lũ thằng cả thôi
Cứ trốn đi Dũng ơi!
Về tinh thấn dám nói, dám mắng thẳng vào mặt các quan chức, có lẽ chỉ có một nhà thơ khác là có thể sánh cùng với Mai Hồng Niên, đó là nhà thơ Phạm Đông Hưng. ( Xem Phạm Đông Hưng : Tiếng thời gian, nhà xuất bản Lao Động, 2012; Tiếng tự tâm, nhà xuất bản Lao Động, 2013).
Dưới góc nhìn châm biếm, trào lộng của nhà thơ Mai Hồng Niên, hình như có rất nhiều khu vực của đời sống đều có những khiếm khuyết, những trớ trêu, những tiêu cực. Phải chăng với kinh nghiệm và sự sắc sảo của một người làm báo lâu năm, nhà thơ “soi” các chuyện đó dễ dàng? Hoặc các thói tật đó nổi cộm, ai chẳng thấy, có điều có dám nói ra hay không? Ngành giáo dục thì:
Trường Đại học cứ lai rai
Mọc nhiều hơn nấm phố ngoài tỉnh trong
Nghề giáo và chạy xô
Học hành tính giá thấp cao
Có tiền mang đến cửa nào cũng xong
Con có cha và không cha
Ngành giao thông và giáo dục có quá nhiều thứ “phí” không hợp lí :
Cái thời giáo dục giao thông
Phí trùm lên phí đục trong lẫn ngoài
“Mua vui” cùng hội- khác thuyền
Ngành văn hóa có thành tích:
Nhà bảo tàng để nuôi voi
Nấu dăm bát xáo ăn thời mộng mơ
Như là bâng quơ
Đạo đức xã hội đáng báo động :
Bây giờ lễ giáo có còn gì đâu
Vợ chồng cãi vã đánh nhau
Cưới xin năm trước năm sau ra tòa
Con có cha và không cha
Và câu chuyện có thật nhưng cứ như chuyện đùa là chuyện khai trương “siêu thị” chó mèo; hội thi tuyển chó giống; bệnh viện chó mèo và…Ở đây là tiếng cười phê phán thói đài các, sang trọng, xa hoa lãng phí,…nhưng cũng còn là tiếng cười ra nước mắt khi liên hệ lũ “chó ông”, “chó bà” với người dân nghèo dầm dãi nắng sương:
Vào viện chó- nghĩ thương người
Phận nghèo chẳng dám đến nơi chó nằm
Bệnh viện chó mèo và…
Phơi bày những mặt ngang trái, châm biếm, đả kích những thói tật đó không phải là cái nhìn bi quan, tiêu cực đối với xã hội. Đó là một cái nhìn thẳng vào sự thật, một thái độ dũng cảm. Trong thơ của Mai Hồng Niên không ít những người tốt, những tâm hồn lành mạnh, những cán bộ cần mẫn, thương dân. Thiết nghĩ, dám phê phán đồng tiền mua quan bán chức, dám đả kích các viên “quan” mới, chỉ ra những thói tật của xã hội, của các ngành, của những người cụ thể từng được nêu tên trên báo giấy, báo mạng, báo hình,… chính là góp phần làm lành mạnh xã hội. Đó là một tấm lòng, một thái độ công dân đáng biểu dương và khuyến khích.
Nhờ có tiếng cười châm biếm mà thơ của Mai Hồng Niên thêm đa giọng điệu, giàu nội dung hiện thực, giàu hơi thở của đời sống, được bạn đọc ủng hộ, được xã hội đồng tình. Không phải ngẫu nhiên mà thơ của tác giả có thể in với số lượng lớn. Tập thơ “Đây đó hồ Gươm”, theo Nguyễn Văn Chương, “ nhà xuất bản Hội Nhà văn in năm 2009, 2010, 2011 với số lượng in 3.500 cuốn, chỉ trong một thời gian ngắn đã bán hết”. Và theo người bạn của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn thì thơ Mai Hồng Niên bán chạy như thơ của một bậc tiền nhân : “Một hôm, mình gặp bạn gái không trong giới văn chương, bạn hồ hởi:"Mày đọc thơ Mai Hồng Niên chưa? Ông mới ra một tập, bán chạy như LỠ BƯỚC SANG NGANG của Nguyễn Bính ngày xưa ấy. Phải nói là ở các chợ, bà nào cũng mua một tập nhá!" ( Bài “Nhà thơ Mai Hồng Niên” trên FB của Phan Thị Thanh Nhàn).
Thơ Mai Hồng Niên có bạn đọc, có nhiều bạn đọc. Thơ đó được chuyền tay, được lan truyền tự nhiên. Đó không phải vì kĩ thuật ngôn từ, cũng không phải vì địa vị xã hội của người viết. Điều cơ bản là nhà thơ cùng vui buồn với người dân, lo lắng, băn khoăn, phấp phỏng và phẫn nộ cùng với họ. Tiếng cười châm biếm của anh phản ánh tiếng nói và tình cảm của những người lao động. Tiếng cười ấy sẽ còn lan truyền mãi mãi, ghi dấu ấn thời kinh tế thị trường có nhiều mặt được nhưng cũng không ít điều chưa được. Đó cũng là một giá trị riêng trong giá trị chung của thơ anh.
Hà Nội, 21/10/2013
tho-bien-dem
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)