Phạm Khắc Mã
TIẾT VU LAN
Ông Mai là một trong hai Hội thẩm Nhân dân tham gia xét xử vụ án hình sự tại Tòa án Nhân dân thành phố. Sau khi vị Chủ tọa phiên tòa thông báo việc Tòa án Nhân dân thành phố mở phiên tòa xét xử bị cáo Trần Anh Tuân can tội trộm cắp tài sản và tàng trữ trái phép chất ma túy…; Bị hại là ông Trần Văn Lắm…, Khi ổn định vị trí ngồi, ông Mai phóng tầm mắt quan sát bị cáo, người có quyền lợi liên quan, người bị hại v.v… ông Mai dừng lại vị trí “người vị hại” có tên Trần Văn Lắm, một ông già tầm gần bảy mươi tuổi, nước gia đen sạm, mặt nhiều đồi mồi, tóc bạc phếch còn vài sợi để dài vắt lên che phần đầu hói. Ông Mai đã nhận ra ông Lắm là người lái xe, cùng cơ quan cũ của ông cách đây gần 40 năm, bị cáo Trần Anh Tuân là con trai ông Lắm. Là Hội thẩm có uy tín, công minh lâu năm, ông Mai không ngại ngần việc xét xử các vụ án liên quan đến người quen, bởi ông luôn xác định “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”.
Khi giới thiệu thành phần Hội đồng xét xử có tên ông … Mai.., ông Lắm nhìn và đã nhận ra người hàng xóm cũ.
Trong cáo trạng mà vị đại diện Viện kiểm sát đọc trước tòa: Bị cáo Trần Anh Tuân nghiện ma túy đã nhiều năm, có nhân thân xấu, một tiền án về tội trộm cắp tài sản chưa được xóa án tích. Ngày … tháng … năm, Tuân đã lợi dụng lúc ông Trần Văn Lắm đang ngủ trưa, Tuân lấy giấy tờ, cùng chiếc xe máy Honda SH của ông Lắm mang bán cho cửa hàng xe máy cũ được 25 triệu đồng …, khi có tiền Tuân trốn khỏi nhà, thuê một phòng Nhà nghỉ để sử dụng ma túy… bị tổ công tác của cơ quan công an phát hiện và bắt quả tang Tuân đang tàng trữ trong người Heroin, được xác định trọng lượng là 0,129 g. Cùng lúc ông Lắm gửi đơn tới cơ quan công an, tố cáo Tuân can tội trộm cắp tài sản là chiếc xe máy Honda SH trị giá 55 triệu đồng, sau đó cơ quan định giá xác định chiếc xe trên có giá trị là 45 triệu đồng, đó là cơ sở luận tội cho bị cáo. Sau lời khai của bị can Tuân, cơ quan công an đã cùng ông Lắm đến chuộc lại xe.
Tại tòa Trần Anh Tuân thành khẩn nhận đủ hai tội danh trên. Căn cứ kết quả xét hỏi tại phiên tòa và những chứng cứ phạm tội của bị cáo Tuân, đại diện viện kiểm sát đọc bản luận tội, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Anh Tuân 12 tháng đến 18 tháng tù giam với tội tàng trữ trái phép chất ma túy và 24 tháng đến 30 tháng tù giam với tội trộm cắp tài sản.
Sau khi không có ý kiến phản hồi từ bị cáo, Hội đồng xét xử hỏi bị hại:
- Ông Lắm có ý kiến gì về bản luận tội của đại diện viện kiểm sát đối với bị cáo Tuân?
- Thưa quý tòa, tôi thấy mức án mà đại diện viện kiểm sát đề nghị đối với bị cáo về tội trộm cắp tài sản là quá nhẹ, với giá trị chiếc xe của tôi trên 50 triệu đồng thì hình phạt phải tù từ 2 năm đến 7 năm, tôi muốn bị cáo đi tù càng lâu càng tốt.
Vị chủ tọa phiên tòa trả lời ông Lắm:
- Việc định giá tài sản trộm cắp đã được cơ quan định giá một cách độc lập, việc luận tội của vị đại diện viện kiểm sát là căn cứ tội trạng của bị cáo và các điều khoản pháp luật quy định, không thể cảm tính. Hơn nữa trong việc này giữa bị cáo và người bị hại còn có tình phụ tử. Ông có nghĩ việc phạm tội của bị cáo có phần trách nhiệm giáo dục của gia đình không?
Căn cứ bản luận tội của vị đại diện viện kiểm sát và lời nói sau cùng của bị cáo, bản án của Trần Anh Tuân đã được thông qua, chữ ký của ông Mai là một trong ba chữ ký của bản án. Kết thúc phiên tòa, trên đường về nhà ông Mai không khỏi ngậm ngùi bởi lời của người cha đề nghị tăng án phạt tù cho con ruột mình, đành rằng người có tội phải chịu tội trước luật pháp, song không khỏi xót xa cho hoàn cảnh “nồi da nấu thịt”. Sự việc liên quan giữa ông và Trần Văn Lắm diễn ra gần 40 năm lại hiện về trong ông, vết căm hận tưởng chừng chôn chặt trong lòng ông như thước phim quay lại cũng liên quan đến tình cảm của bậc sinh thành.

Dịp giáp tết cách đây gần 40 năm, Mai cùng vợ con phấn khởi vừa hoàn thành ngôi nhà ba gian với sự giúp đỡ của bạn bè và công sức mấy năm ki cóp từ việc làm thêm của hai vợ chồng giáo viên với mức lương khởi điểm Trung cấp 39 nghìn đồng/tháng. Mọi người xung quanh khen vợ chồng Mai tài giỏi vì với hai suất lương còm, hai đứa con nhỏ (đứa chị 5 tuổi, đứa em hơn 1 tuổi), tiêu chuẩn lương thực 13 kg/người, tháng mà làm được nhà thì thật đáng khâm phục. Nhưng mọi người đâu biết ngoài công việc giảng dạy ra hai vợ chồng Mai còn nai lưng làm thêm đủ nghề. Làm nhà riêng còn là yêu cầu bắt buộc vì bố mẹ Mai già yếu đang cô đơn nơi quê nghèo, Mai là đứa con độc nhất.
Chưa đầy 30 tuổi, mái tóc xoăn đen nhìn Mai quá già trước tuổi, việc làm xong ngôi nhà, dù rất đơn sơ, trống trải nhưng đó là kết quả ban đầu của kế hoạch đón bố mẹ Mai từ quê lên đoàn tụ cùng gia đình. Vẫn biết rằng phía trước còn đầy rẫy khó khăn, nhưng Toan (vợ Mai) là người con dâu hiếu thảo, xác định được tư tưởng “xuất giá tòng phu” sẵn sàng chịu đựng gian khó, một lòng cùng Mai đi hết cuộc đời. Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đang diễn ra quyết liệt, mức thu nhập của hai vợ chồng thuộc loại “quèn”, hai đứa con nhỏ, giờ lại thêm hai bố mẹ già (không có tiêu chuẩn lương thực) là một thử thách rất lớn đối với vợ chồng Mai.
Hai ba tháng chạp, sau khi thắp nén hương cúng táo quân, Mai thông báo với vợ một tin tốt lành “Thủ trưởng cơ quan đã đồng ý đề nghị của gia đình ta về việc kết hợp nhân chuyến xe ca đưa cán bộ, nhân viên cơ quan về quê ăn tết, xe chỉ đến Thị xã, gia đình chịu chi phí nhiên liệu phát sinh và bồi dưỡng thêm cho Lái xe từ Thị xã về nhà, anh đã gặp riêng anh Lắm lái xe, anh ấy đã đồng ý giúp gia đình mình, ngoài nhiệm vụ cấp trên chỉ đạo, anh ý còn là đồng hương và sinh hoạt cùng xóm với mình”. Toan tỏ ra rất vui, ngay hôm sau vợ chồng Mai gọi điện về quê thông báo để bố mẹ không ăn tết ở quê, mà chuẩn bị tư trang, hành lý thật gọn gàng để 30 tết có xe đón ông bà lên ăn tết với con cháu.
Từ 4 giờ sáng 30 tết, Mai đã có mặt tại bãi đỗ xe cơ quan, mọi người vui vẻ chào hỏi nhau, tay xách, nách mang ríu rít. Do điều kiện đi lại khó khăn, cơ quan có hỗ trợ cán bộ, nhân viên tại các vùng quê mỗi địa phương một chuyến trong dịp tết. Nay là chuyến cuối cùng xe chở cán bộ, nhân viên có quê ở Hà Nam, Nam Định và điểm chót là Thái Bình. Mỗi gia đình chỉ được phép đi 1 người, do vậy tại bãi đỗ xe cũng diễn ra kẻ đi, người tiễn. Đúng 4 giờ 30 chiếc xe ca được cải tạo từ xe tải IFA thùng, lắc lư rời bãi đỗ, mới đi được khoảng 20 km, không còn ồn ào như lúc mới lên xe, đã có tiếng oai oái, khạc nhổ của vài phụ nữ say xe. Ngồi nghế cuối, nép mình vào thành xe, bỏ qua mùi chua chua của ói thải, không quan tâm đến bụi đường phả vào do xe mở cửa kính, Mai tưởng tượng sự vui mừng của bố mẹ, khi xe đến tận nhà đón ông bà lên ở cùng con cháu.
Ông bà An sinh Mai muộn màng, khi ông An đã bước quá tuổi 50 hai vợ chồng già nương tựa nhau ở vùng quê lúa nghèo, ông bà đã có ý định lấy vợ cho Mai ở quê, nhưng Mai không đồng ý, Mai nói với bố mẹ “con lấy vợ ở cơ quan, con sẽ gắng để có nhà riêng để đưa bố mẹ lên đoàn tụ với gia đình con, đó cũng là thể hiện lòng hiếu thảo đối với bậc sinh thành của con”. Mặc dù rời quê là sự đau xót đối với ông bà An, ông đã từng lên án với những người “bỏ làng” đi nơi khác ở, nhưng thời thế và hoàn cảnh ông đành chấp nhận với quyết định của đứa con trai, ông buồn bã nói với bà con làng xóm “trời không chịu đất, thì đất phải chịu trời”. Theo nội dung bức điện của con trai, ông bà An không sắm sửa tết cổ truyền, việc đầu tiên là ông mang bát nhang gia tiên rút hết số chân nhang gói vào tờ báo cũ, lau chùi bát ngang, vẩy chút nước để tro trong bát nhang kết khối rồi gói bằng tấm áo nâu sồng của ông. Gọi là tư trang nhưng không có gì đáng kể, mấy bộ quần áo của ông bà đã đưa vào chiếc thúng bà thường mang đi chợ, trên đậy vỉ cói, ông nhờ người tháo hộ chiếc giường gỗ sung đóng hồi Mai cưới vợ, bó thành hai bó để sẵn, khi xe đến chuyển cho nhanh. Ông bà An ăn qua loa bữa cơm cuối cùng tại túp nhà tre vách đất, lợp rạ, nơi neo giữ bao kỷ niệm vui buồn của gia đình, cũng là nơi đầy ấm cúng và sinh ra giọt máu để nối dõi tông đường là Mai.
Đoạn đường từ Thái Nguyên về Thái Bình trên 200 km, đường gồ nghề, ổ trâu, ổ voi, chiếc xe ca oằn oại từng bước, thành xe kẽo kẹt theo nhịp lắc của xe, chẳng ai thèm để ý đến quang cảnh hai bên đường, chỉ cầu mong xe mau tới bến. Xe đỗ tại Phủ Lý và Nam Định để những người quê ở đó xuống xe. Gần một tiếng đồng hồ xe mới qua được bến phà Tân Đệ, về tới bến xe Thái Bình là 3 giờ chiều. Mọi người lục tục nhận hành lý, người thì đón xe về Tiền Hải, người về Kiến Xương, người về Hưng Hà….Mai không có hành lý, vì anh biết rằng chỉ già nửa tiếng nữa là anh sẽ đón bố mẹ lên xe, dù thế nào cũng có tư trang của gia đình, ngoài số tiền ước tính đủ chi phí nhiên liệu và bồi dưỡng lái xe, anh không mang gì thêm. Mai đã cùng vợ sắm tết trên nhà mới, dù khó khăn cũng phải chu đáo đón tết đoàn viên.
Khi chỉ còn lái xe Trần Văn Lắm và phụ xe đang kiểm tra lốp láp, như đã thỏa thuận, Mai tiến lại nói với Lắm “anh em mình đi ăn bát phở rồi ta đi nhé?”. Rời chiếc khăn lau mồ hôi, Lắm thõng thuột “đã hơn ba giờ rồi, về quê Mai gần 30 cây số, lại bốc đồ đạc nữa, lên đến Thái Nguyên thì đến sáng mai. Thôi Mai thông cảm, anh không đi được đâu”. Như cả vùng đất bến xe Thái Bình lún rụt dưới chân, Mai năn nỉ nhưng Lắm đã cho xe quay đầu. Mai uất ức với kẻ phản bội lời hứa, nghẹn ngào thương bố mẹ già đang trông ngóng, nếu đây là đất Thái Nguyên thì cái mặt đen đúa, sần sùi của Trần Văn Lắm không tránh khỏi cú đấm chính diện của Mai.
Rất may có chuyến xe rời bến về Thị trấn, Mai lên xe mà lòng không nguôi giận dữ, một suy nghĩ hẹp hòi ích kỷ, từ lòng biết ơn chuyển thành thù hận, Mai cầu mong chiếc xe ca gặp nạn cho kết thúc kiếp kẻ khốn nạn, không tính người là Trần Văn Lắm.
Chưa đến 4 giờ chiều, xe tới bến Thị trấn, Mai qua chợ sắm ít hàng tết, cùng hương, hoa quả, tiền vàng, giò chả… quốc bộ 3 cây số về đến nhà. Thấy Mai xách hàng tết, không có xe về, ông An lấy khăn lau dỉ mắt, bà An khóc òa ôm lấy Mai. Sự xa cách Mai khi đi học rồi đi làm đã quen đối với ông bà An, nhưng sự chờ đợi, mong ngóng với kết quả không thành trong một bước ngoặt, một lối rẽ cuộc đời đã làm ông bà An thất vọng.
Mai thông báo với lý do xe hỏng không về đón bố mẹ được, Mai sắp xếp lại đồ đạc trong nhà, chuẩn bị tết cho bố mẹ một cách chu đáo và hứa với bố mẹ “dù khó khăn đến mức nào, bố mẹ ăn tết xong con sẽ về đón bố mẹ lên ở cùng chúng con”. Sau bữa cơm tất niên, Mai đi qua nhà mấy bà con hàng xóm lân cận vừa là thông báo sự trục trặc của xe cộ nên chưa đón bố mẹ đi được, vừa chúc tết và gửi gắm lời sẻ chia mong sự động viên an ủi của người thân, hàng xóm để bố mẹ an lòng. Qua ngày mồng một, Mai phải quay lại với Toan và các con. Mai biết qua lời dặn với phụ xe, thì Toan sẽ biết sự việc ngoài ý muốn, song hoàn cảnh một nách hai con thơ, đứa chị còn nghe lời, đứa em mới hơn một tuổi là một khó khăn lớn đối với Toan vào ngày đông giá rét, tết cổ truyền này, nhưng Mai tin vào độ chịu đựng, nhẫn nhịn và can đảm của Toan.
Toan vừa nịnh đứa chị, lừa cho đứa em ngủ, loay hoay rồi cũng chuẩn bị xong bữa cơm tất niên. Theo lời chỉ dẫn của chồng, Toan thắp hương rồi khấn theo lời mà Mai đã viết sẵn, vừa xong cũng là lúc đứa em thức giấc… vỗ nhẹ trên tấm chăn chiên phủ ấm cho con, với giọng ru truyền thống ngọt lịm của đất gốc chèo “Ả à ơi…con cò bay là bay la…Bố còn đi đón ơ… ớ ông bà dưới à… quê…/ con ơi con ngủ đi nghe … còn bao công việc bộn bề ….mẹ à lo ”. Đã hơn bảy giờ tối, bụng Toan đói cồn cào, sau khi cho đứa chị ăn qua loa, Toan nghĩ cố nhịn chắc chỉ khoảng 8 đến 9 giờ là xe về, cả nhà sẽ cùng ăn bữa tất niên đầm ấm. Hơn 8 giờ, tiếng xe ô tô đỗ ngoài cổng, có tiếng còi hơi chói tai, đứa em giật mình thức giấc, Toan ôm cả đống chăn cùng con chạy ra cổng. Không thấy người xuống xe, tiếng với từ trên xe “Xe không về quê đón ông bà được, Mai phải ăn tết cùng ông bà nên lên sau, mẹ con ăn tết vắng bố Mai nhé” rồi xe lăn bánh, Toan không hỏi được thêm điều gì, quay lại nhà, nước mắt lã chã rơi xuống tấm chăn đang phủ ấm cho con.
Đã là đêm ba mươi tết, dù khó khăn đến mấy nhưng mỗi nhà đều có chung một sự đầm ấm, đầm ấm trong sự sẻ chia, đầm ấm trong “ôn cố tri tân” để bỏ cái cũ để đón cái mới và cầu mong sự tốt lành. Trong 7 năm chung sống với nhau, đây là lần đầu tiên Toan đón tết không có Mai, nén nỗi buồn xen lẫn lo lắng, cơn gió đại hàn thốc qua khuôn cửa sổ chưa có cánh, làm lòng Toan đã lạnh lại lạnh lẽo thêm. Với tấm gương vượt khó của Mai thôi thúc Toan mạnh mẽ hơn, con chị ríu rít bên mẹ, luôn miệng hỏi khi nào bố về đốt pháo và mừng tuổi cho con, Toan lặng lẽ cho con em ngủ rồi chuẩn bị lễ giao thừa, thắp tuần nhang và khấn theo hướng dẫn mà Mai đã ghi lại. Khi lẹt đẹt vài tiếng pháo nhà bên và tiếng đùng đoàng của pháo cối báo hiệu năm cũ đã sắp qua, con em lại thức giấc, còn nhiệm vụ quan trọng nữa mà Toan chưa làm xong. Gió bắc rít từng cơn, một tay bế con, một tay cầm bao diêm và tập vàng mã cùng bánh pháo tép, con chị cứ bám quần mẹ, khi tiếng pháo mọi nơi đã tắt, phải tới lần thứ 5 Toan mới quẹt được lửa châm vào ngòi pháo rồi tung ra sân, tiếng pháo đì đẹt lẻ loi, nhập nhòe cùng ngọn lửa leo lét của vàng mã cháy, con chị đưa hai tay bịt tai, la hét sung sướng. Quay vào nhà Toan rút 6 tờ bạc loại 1 hào mới cứng xòe như cái quạt mừng tuổi cho con chị, và 2 tờ cho con em, lòng bộn bề nghĩ về Mai đang ở quê.
***
Ông Mai nặng lòng trong hồi tưởng trên đường về, đã tới gần khu nghĩa trang, nơi mà hai cụ thân sinh ra ông an nghỉ. Ký ức một kỷ niệm đau buồn được gợi nhớ qua việc gặp Trần Văn Lắm tại phiên tòa. Đã là tiết Vu Lan, ông mua thẻ hương và bó hoa dạ lai hương đi vào khu nghĩa trang. Hai ngôi mộ của hai cụ An được sắp xếp cạnh nhau, nghiêm trang ẩn dưới bóng mát của hai cây đại, hoa đại nở hương thơm ngát, hai ngôi mộ có kiến trúc đẹp trong một khuôn viên nhỏ thuộc nghĩa trang. Sau thất bại của chuyến đón bố mẹ dịp cuối năm, mùa xuân sau đó ông Mai đã tổ chức đưa bố mẹ đoàn tụ với gia đình, hai cụ đã sống hòa thuận cùng gia đình đến cuối đời.
Ông Mai thành kính trước nơi an nghỉ của bố mẹ, hoa dạ lai hương biểu tượng của lòng hiếu thảo thoang thoảng đón nhận những giọt mưa lất phất tháng 7. Tiết Vu Lan mùa báo ân, báo hiếu của tất cả những người con dành cho bố mẹ đã sinh thành và dưỡng dục mình.
P.K.M