bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 21
Trong ngày: 62
Trong tuần: 1134
Lượt truy cập: 784360

TIỂU LUẬN CỦA LÊ ANH PHONG

HOA VẪN LẶNG THẦM NUÔI LỚN NỖI CÔ ĐƠN

Lê Anh Phong
Chủ nhật ngày 29 tháng 12 năm 2024 2:15 PM

anh_anh_phong

(Đọc tập tiểu luận “Ngắn dần đều” của Hoàng Đăng Khoa, Nxb Đà Nẵng và Book Hunter, 2024)


Ngắn dần đều chọn vấn đề khó, vấn đề cơ bản, yếu tính của văn học hiện đại/ đương đại để đối diện, luận bàn: cái nhìn trong sáng tạo, phê bình văn học hôm nay, bản lĩnh và bản sắc của người cầm bút, hướng đến một tư duy lý luận văn học động và mở, sự cách tân trong thơ, tác giả nữ và biểu đạt giới, người viết trẻ tự vẽ những đường bay… Sự đa diện đó của nội dung cuốn sách mở ra nhiều chiều kích, vừa cụ thể vừa khái quát trên nhiều lĩnh vực của văn học: sáng tác, tiếp nhận - nghiên cứu phê bình.

Vững vàng trong lý thuyết, đọc nhiều và đọc đa dạng, bao quát cả nền và đỉnh, cả trung tâm lẫn ngoại biên, quan tâm những người viết văn trẻ, quan tâm cả đời sống văn học trong học đường và văn chương mạng, ý thức về căn tính dân tộc, về khí quyển, thổ nhưỡng văn hóa Việt, tiếp nhận có chọn lọc thành tựu nghiên cứu về lý luận văn học Việt Nam và thế giới, vừa là nhà thơ vừa là nhà phê bình, đam mê và tỉnh táo…, Hoàng Đăng Khoa trình ra những tiểu luận có chiều sâu và khúc chiết, sinh động và tinh tế, thường đặt trong sự cộng sinh phê bình và sáng tác, trong “hoàn cảnh hậu hiện đại”, trong thế mở và động của tư duy lý luận văn học. Hoàng Đăng Khoa thực sự “song hành và đối thoại” với đọc và viết, đối thoại với thời gian và đối thoại với chính mình. Duy lý, duy mĩ và duy cảm, ba trong một. Với bản lĩnh tư duy độc lập, anh không sa vào đám đông, tránh được lối phê bình xu phụ, diễn - bình - tán… Tâm thế nhập cuộc, trên đường xa vừa đi vừa nhìn lại. Không áp đặt, diễn ngôn mở. Dị ứng với quan phương, với phê bình nửa vời, nhìn thấy mà chưa thấu. Anh thẳng thắn chỉ ra và phản biện, nói như Lê Đạt là “đối thoại chứ không đối thụi, tranh luận mà vẫn sang trọng”. Với 7 tập phê bình, tiểu luận, từ Gặp đến Ngắn dần đều, đã hiện lên rõ nét, đầy đặn gương mặt, phong cách và cá tính phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa.

Suy cho cùng, câu chuyện của văn chương là câu chuyện của cái nhìn và biểu đạt. Không phải ngẫu nhiên, Nghệ thuật của cái nhìn mở đầu cho cuốn sách. Đây là tiểu luận có dung lượng dài nhất trong Ngắn dần đều. Có thể nói, tiểu luận này thể hiện khá rõ tạng phê bình, cách nhìn và diễn ngôn của Hoàng Đăng Khoa. Nghệ thuật của cái nhìn như một lời cảnh báo về sự vô cảm, cực đoan, về hiện trạng văn bản tác phẩm ra đời bởi “cặp mắt lạnh tanh, nhìn gần, của thứ máu lạnh”.

Từ thực tiễn tiếp nhận thơ Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Hưng nói riêng, thực tiễn tiếp nhận thơ cách tân nói chung, Hoàng Đăng Khoa phân tích luận bàn về tính khả dụng và giới hạn của lý thuyết tiếp nhận. Trên cơ sở đối chiếu/ tham chiếu giữa các hệ hình thơ, giữa truyền thống và hiện đại/ đương đại, bài viết nhấn mạnh sự khác biệt và đổi mới trong tiếp nhận là ở mối quan hệ: văn bản - người đọc. Chúng ta dễ dàng nhận ra độ trễ trong cách đọc, cách nhìn, kể cả sự lúng túng, chóng mặt, thậm chí quay lưng của không ít người đọc trước tròng trành và đứt gãy từ cái nhìn trong tư tưởng hệ hình, trong “hoàn cảnh hậu hiện đại”. Trong khi đó, với những ca khó như Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Hưng, bên cạnh sự nỗ lực cách tân cần được ghi nhận, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận “thơ của họ cách tân không đồng bộ (nghĩa không theo kịp chữ, hình thức không đi liền với nội dung, hoặc ngược lại…), và không đồng đều (mức độ thành công ở mỗi bài/ câu không giống nhau)” dẫn tới sự tiếp nhận, đánh giá nhiều khi trái ngược, thậm chí đẩy về đầu mút của hai thái cực. Trong bối cảnh ấy, vai trò, trách nhiệm “song hành và đối thoại” của người làm phê bình văn học rất quan trọng. Trước thực tế “không có lý thuyết nào là toàn bích, độc tôn”, Hoàng Đăng Khoa gợi mở giải pháp: “cách hành xử khôn ngoan là tỉnh táo gạn đục khơi trong, đa dạng hóa lý thuyết tiếp nhận”. Thẳng thắn và chân thành, anh mở rộng đối thoại, gợi ra những kinh nghiệm, bài học cho nhiều phía: “Đối với tiếp nhận - phê bình, từ đây người ta có ý thức hơn trong việc nâng tầm đón nhận khi gặp thơ khó, thiết tạo cách đọc mới khi gặp thơ lạ, ứng xử với thơ bằng tâm thế không định kiến, bằng thái độ không phủ nhận sạch trơn… Đối với sáng tác, từ đây người ta táo bạo hơn trong cách tân, dũng cảm hơn trong thể nghiệm… Đối với lý luận thơ, từ đây người ta không đóng khung lý thuyết, không đông cứng thể loại, coi trọng vai trò hướng đạo của lý luận đối với sáng tác, tiếp nhận - phê bình”.

Các phương diện của hai tiểu luận trên đây, đã được tác giả luận sâu hơn trong các tiểu luận khác của tập sách: Hướng đến một tư duy lý luận văn học động và mở, Về phê bình văn học hôm nay, Văn chương và câu chuyện đi tìm nhân dạng… Sự liên kết ấy hình thành mạch diễn ngôn cộng hưởng, logic và cũng là một liên văn bản tạo nên Ngắn dần đều.

Mỗi thế hệ người cầm bút có vẻ đẹp riêng, ưu thế và cả hạn chế riêng. Đổi mới là tất yếu. Gần nửa thế kỷ qua, hiện đại hóa là một quá trình đã được khẳng định trong văn học dân tộc. “Đứng về phe cái khác”, cởi mở, dân chủ và trách nhiệm, Hoàng Đăng Khoa luôn có cái nhìn biện chứng, ý thức trước trang giấy trắng, để tạo ra “những tờ sạch”. Cổ vũ cho cái mới, cái khác…, nhưng anh không quá khích. Anh cũng cảnh báo chớ nên xét nét, vô tình tạo ra sự đối đầu giữa truyền thống với hiện đại. Người viết trẻ có đáng bị bắt bẻ, tên một tiểu luận, là một câu hỏi mở, trực diện, chia sẻ và đầy cảm thông. Đây là một đoạn trong bài viết ấy: “Mỗi thế hệ cầm bút thuộc về một môi sinh riêng, kiến tạo và sở hữu phông nền riêng, đường bay riêng, hệ giá trị riêng. Thế giới vạn trạng, văn chương muôn hình. Văn chương không có lối đi chung cho hai người. Nếu cứ cao đàm khoát luận để can gián bắt bẻ người viết trẻ, áp đặt chân lý lên họ, thì sẽ không tạo sinh được ‘một cuộc gặp gỡ’ nào cả, ngược lại, chỉ làm gia tăng sự xung đột đứt gãy thế hệ mà thôi”.

Trong thời chộn rộn, trong “thế giới phẳng”, khi văn học chuyển động giữa nhiều đường biên mong manh, đan chéo nhau, rất cần cái nhìn trách nhiệm, có lý có tình, khoa học và thực tiễn, liên tài và dự báo. Hơn nữa, “tất cả những người lớn đều từng là trẻ con, nhưng rất ít người trong số đó nhớ về điều đó”. Hoàng Đăng Khoa nhấn mạnh, “mấu chốt vẫn là câu chuyện tài năng”, những người viết trẻ “phải đương đầu và vượt qua các trở ngại khi tìm cách diễn đạt bản thân”. Với kiến văn sâu rộng, với cái nhìn cởi mở, kết hợp giữa lý luận văn học hiện đại/ đương đại và “cây đời xanh tươi” của thực tiễn văn chương, các tiểu luận của anh thường hướng về phía ánh sáng, chữ nghĩa tạo sinh trong thế của tay ga, trên hành trình “tự vẽ đường bay”, “vẫy vào vô tận”.

Cách đặt tên cho các bài viết, cũng như giọng văn tiểu luận thể hiện nội lực ngôn từ đa dạng, hàm súc và giàu chất thơ của tác giả cuốn sách. Mở đầu mỗi tiểu luận là một đề từ. Nếu tập hợp lại sẽ có nhiều câu thơ tự do giàu cảm niệm, vừa khơi gợi vừa dẫn dụ, ví như: người tình như bài thơ/ đọc một đời không hết, ý nghĩ như đại ngàn/ ngựa tung vó đi hoang/ rừng thăm thẳm chân trời tít tắp/ đường tự do có là đường cũ bao giờ, trong màn sống hư ảo/ không gì thực bằng giấc mơ… Văn tiểu luận của Hoàng Đăng Khoa có phong vị tùy bút, nhưng không tứ tán lan man, mà mạch lạc sáng rõ, chắc đặc kiệm lời. Có cái gì tự nhiên như hơi thở. Tự nhiên trong lặng lẽ.

Người chết ngang và đóa buồn nở dọc, tên một tiểu luận như khiêu khích sự tiếp nhận. Bài viết mang đến vẻ đẹp của nỗi buồn, giúp người đọc hiểu thêm lý do của thơ. Bởi vì, “điều đáng sợ không phải là buồn đau, mà là hoặc trơ lì ráo hoảnh, hoặc buồn đau không tận độ. Và những trang sách khiến người đọc khóc được là những trang sách đạt đạo trót đời”. Luận về nỗi buồn mà thấm thía bởi sự chân thành. Nhiều khi luận về nước mắt và yêu thương, tri thức bỗng trở thành yếu đuối. Đó là minh triết của trái tim, của chữ nghĩa thành thật. Có nhiều kiểu sống chết, vấn đề là “làm sao để cái sinh có thể lộng lẫy như đóa hoa mùa hạ, theo đó cái tử có thể lặng lẽ và đẹp đẽ như chiếc lá mùa thu, như cách nói mà nhà thơ Rabindranath Tagore từng xác quyết”.

Nghiêm cẩn trong học thuật, tâm cảm nghệ sĩ và lịch lãm trong văn hóa, văn chương, thông tuệ và khoáng hoạt, Hoàng Đăng Khoa thực sự mang đến những tiểu luận “động và mở”, có sức truyền cảm hứng tới cả người đọc và người viết.

Thì ra, tên sách Ngắn dần đều được Hoàng Đăng Khoa đặt chơi, liên quan đến việc các tiểu luận trong tập sắp xếp theo thứ tự dung lượng chữ từ dài đến ngắn. Đọc Ngắn dần đều, tôi lại thấy cuốn sách mở dần ra chân trời hy vọng vào một thế hệ phê bình văn học mới, trong đó có Hoàng Đăng Khoa.

Đêm đã chìm vào sâu lắng, tôi cứ hình dung phía ngôi nhà văn chương số 4 Lý Nam Đế, hoa đại cứ đổ bóng vào trang viết. Nói như nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ Can Yuecl là, “hoa vẫn lặng thầm nuôi lớn nỗi cô đơn”.

chamomile_live_wallpaper_4

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)