THƠ VIẾT CHO THIẾU NHI
KHI CẢM XÚC ĐƯỢC NUÔI DƯỠNG
NGUYỄN THỊ THIỆN
Văn học Việt Nam là sự hợp lưu của nhiều dòng chảy đề tài, nội dung, hình
thức thể hiện và đối tượng phục vụ. Trong đó văn học viết cho thiếu nhi nói chung,
thơ viết cho thiếu nhi nói riêng là một bộ phận quan trọng. Từ xưa, văn học thiếu
nhi đã xuất hiện cùng với sự ra đời của đồng dao, hát ru, truyện kể dân gian. Tìm
hiểu thơ thiếu nhi đương đại, chúng tôi thấy nổi lên mấy đặc điểm khá rõ.
1. Cái nhìn trẻ thơ trong trẻo với không gian nông thôn thân thuộc
Thơ là tiếng nói cảm xúc của con người trước cuộc sống. Nhà thơ Lê Hồng
Thiện (1943 – Hưng Yên),“ông vua thơ thiếu nhi đương đại” – chữ của nhà thơ
Nguyễn Quang Thiều - có 16 tập thiếu nhi với hàng ngàn bài viết. Thế giới trong
thơ ông là rất nhiều bức tranh cảnh vật sống động. Ở đó, nhà thơ lắng hồn mình
vào tâm trạng, cảm xúc của em nhỏ để quan sát cuộc sống với ánh mắt ngây thơ,
ngộ nghĩnh. Tên các bài đã thấy điều đó: Đồng hồ mặt trời, Đèn đom đóm, Nắng
thăm nhà bé, Gà trống Choai, Gió, Mặt trời ngủ đâu, Đèn trăng, Hạt Sương, Nắng
và bé, Rô ron và trăng…Mỗi sáng tác là kết quả của sự quan sát tinh tế, trí tưởng
tượng phong phú, bất ngờ, thú vị. Chẳng hạn bài Lá hát:“Cứ mỗi một chiếc lá/ Là
một nốt nhạc vui/ Gió là người lĩnh xướng/ Cho lá hát lá ơi…”. Thi nhân như thổi
hồn vào cây lá, mây trời khiến mỗi sự vật, hình ảnh như mang tâm hồn, tình cảm,
hành động của con người.
Đọc thơ thiếu nhi của Trần Đăng Khoa, mỗi chúng ta như bắt gặp thế giới tuổi
thơ của chính mình. Không gian sáng tác của “nhà thơ thần đồng” ấy bắt đầu từ
“Góc sân và khoảng trời”. Ở đó có bầu trời trong xanh cao vút, rộng lớn, xa xa là hình
ảnh dòng sông quê hương với những cánh cò bay chớp trắng: “Góc sân nho nhỏ mới
xây/ Chiều chiều em đứng nơi này em trông/ Thấy trời xanh biếc mênh mông/ Cánh cò
chớp trắng trên sông Kinh Thầy” (Góc sân và khoảng trời). Cũng từ không gian ngôi
nhà tuổi thơ, tác giả cảm nhận thiên nhiên quanh mình sống động, đáng yêu vô cùng, nhất
là thời điểm khi nhưng tia nắng đầu tiên vừa ló rạng: “Ông trời nổi lửa đằng đông/ Bà
sân vấn chiếc khăn hồng đẹp thay/ Bố em xách điếu đi cày/ Mẹ em tát nước, nắng
2
đầy trong khau/ Cậu mèo đã dậy từ lâu/ Cái tay rửa mặt, cái đầu nghiêng
nghiêng…” (Buổi sáng nhà em)
Nhà thơ Hoài Khánh (1963 - Hải Phòng) với “bốn mươi năm thủ thỉ cùng
em thơ” cũng có nhiều tập với hàng trăm bài viết cho thiếu nhi, một số bài đã và
đang được dạy trong chương trình phổ thông như: Mỗi lần cầm sách giáo khoa,
Chú hải quân; riêng bài “Đồng hồ báo thức” đã hai lần được tuyển (cả trước đây
và bộ Cánh Diều hiện nay), được đăng trên Tạp chí Thơ châu Á. Trong bài, nhiều
hình ảnh rất ngộ nghĩnh: “Bác kim giờ thận trọng/ Nhích từng li, từng li/ Anh kim
phút lầm lì/ Đi từng bước, từng bước/ Bé kim giây tinh nghịch/ Chạy vút lên trước
hàng/ Ba kim cùng tới đích/ Rung một hồi chuông vang!” Ngôn ngữ thơ dung dị
mà gợi tả, gợi cảm và rất cuốn hút.
Thơ thiếu nhi của Phạm Thị Phương Thảo cũng đậm chất quê. Ở đó, nhà thơ hóa
thân vào em nhỏ để thấy những chú “Chim bói cá vồ mồi”, thấy “Dế mèn tự hát”, “Đàn
ong hát đồng ca” và những chú nhện, chú xiến tóc kiếm mồi. Mỗi bài thơ là một biểu
hiện sinh động cái nhìn sự vật ngây thơ, đáng yêu vô cùng. Bài thơ “Chuồn chuồn
cõng nắng” có những câu thật dễ thương: “Chuồn chuồn mở hội ngày hè/ Vui trong
đám cỏ thích khoe cánh vàng”. Mỗi bài thơ là một mảnh ghép góp phần dệt nên
bức tranh quê hương sinh động, tươi đẹp.
Tuy sinh sống nơi phố thị nhưng thơ Phan Thị Thanh Nhàn (1943 – Hà Nội)
cũng là không gian nông thôn: “Em yêu đồ đạc trong nhà/ Cùng em trò chuyện
như là bạn thân/ Cái bàn kể chuyện rừng xanh/ Quạt nan mang đến gió lành trời
xa/ Đồng hồ giọng nói thiết tha/ Nhắc em ngày tháng thường là trôi mau…”(Đồ
đạc trong nhà). Dùng phép nhân hóa, tác giả khiến các vật dụng trong nhà cũng
biết nói năng, suy nghĩ, có tâm trạng như con người.
2. Bồi dưỡng nhận thức và tâm hồn trẻ thơ, ý nghĩa giáo dục tự nhiên.
Văn học nghệ thuật có những chức năng riêng. Thơ thiếu nhi cũng không
nằm ngoài quy luật đó. Tâm lý trẻ là vui tươi, học mà như chơi, chơi mà lại học.
Thơ có đáp ứng được yêu cầu đó mới hấp dẫn bạn đọc nhỏ tuổi. Tập thơ “Cây
trăng” (2023) của nhà thơ Phương Anh, là bức tranh chân thực, sinh động về cuộc
sống được phản ánh qua đôi mắt trẻ thơ. Bài thơ Được mùa thể hiện qua ngôn ngữ
thơ giản dị: “Đã bước vào vụ gặt/ Làng xóm nhộn nhịp ghê/ Từng chuyến xe đi về/
3
Sân nhà phơi đầy lúa/ Nắng trải vàng như lụa/ Hong hạt thóc khô giòn (trang 34).
Đây bức hoạt cảnh giàu âm thanh, đường nét, màu sắc, ở đó con người và các con
vật đều lao động hăng say. Lúa được mùa là đền đáp công lao vất vả của người cấy
trồng. Từ góc sân nhỏ nhà em phơi đầy lúa “Nắng trải vàng như lụa” ấy gieo mầm
và nuôi dưỡng tình yêu cha mẹ, yêu con người, yêu thôn xóm, làng quê và yêu đất
nước. “Được bố khen” lại là bài học cụ thể về lòng dũng cảm cho trẻ qua những
hành động các em gặp phải trong sinh hoạt thường ngày: “Bé bị vấp ngã / Nhưng
không khóc đâu/ Cố gắng chịu đau/ Tự mình đứng dậy/ bố nhìn thấy vậy/ Gọi bé
đến gần/ Xoa đầu bố khen: “Con yêu dũng cảm” (trang 10).
Nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Thu Sang trong tập thơ “Ngọt khúc đồng dao”
(2023) có nhiều bài giáo dục các em tình yêu con người, nhất là những người
không may mắn (Nỗi đau da cam), tình yêu quê hương (Quê hương), tình gia đình
(Nhà). Điểm đáng ghi nhận rõ ở tập thơ là tác giả hướng con trẻ lòng biết ơn và
nguyện tiếp bước các chú hải quân ngày đêm đang canh giữ biển đảo và bình yên
cho mọi nhà: “Chưa được đến Trường Sa/ Nhưng em yêu thiết tha/ Biển quê hương
ta đó… Mai cháu lớn lên rồi/ Cháu sẽ ra giữ đảo”
Việc tìm hiểu và khái quát lên mấy đặc điểm thơ thiếu nhi mang ý nghĩa
tương đối bởi ngay trong từng bài, nội dung này cũng thể hiện ở mức đậm nhạt
khác nhau.
3-Thể đồng dao và lục bát là thế mạnh của thơ viết cho thiếu nhi.
Đồng dao là thể loại văn học tự sự bằng văn vần. Đó là lời của những bài hát
dân gian trẻ em. Đồng dao thường sử dụng những câu ngắn, phổ biến là ba – bốn –
hoặc - năm chữ. Còn lục bát là thể thơ truyền thống gồm câu 6 chữ nối với câu 8
chữ theo quy định về luật bằng trắc. Cũng như các thể thơ khác, đồng dao và lục
bát đều có quy tắc gieo vần giữa các câu, tạo nên một sự kết nối mạch lạc, trôi
chảy. Cả hai thể loại này đều có chung nguồn gốc từ cái nôi văn học dân gian:
đồng dao, hát ru, cổ tích.
Thơ thiếu nhi của Phan Thị Thanh Nhàn có một số bài được chọn trong
sách giáo khoa bậc tiểu học cả trước đây và hiện nay. Những bài hay nhất đều viết
theo thể bốn chữ (Làm anh, Chiếc kim khâu, Bé Hà), thể năm chữ (Nàng Tiên ốc,
Ngựa biên phòng, Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn…), hoặc thể lục bát (Tóc của
mẹ tôi, Đồ đạc trong nhà). Thơ thiếu nhi của Xuân Quỳnh (1943 - 1988) cũng
4
tương tự như vậy. Hầu hết có số chữ và âm điệu như những bài đồng dao: Que
chuyền, Chuyện cổ tích về loài người, Ngôi nhà ở lại…Đặc biệt thơ thiếu nhi của
Nguyễn Lãm Thắng (1973 - Quảng Nam) hơn một nghìn bài, có hàng chục bài
được dùng trong sách giáo khoa hiện nay. Tất cả thơ ấy đều được biểu đạt theo
hình thức như trên đã nói. Có khi là thơ bốn chữ (Bé đi học võ, Hoa giấy, Dạo
phố), thơ năm chữ (Giờ ra chơi, Con đường làng, Đôi bàn tay bé, Trong giấc mơ
buổi sáng…), có khi là thơ lục bát (Mùa xuân em đi trồng cây). Nhà thơ Phạm Thị
Hồng Thu có “Truyện cổ nước Việt” với hơn 228 trang (NXB Phụ nữ - 2023).
Sáng tạo của tác giả là đã làm mới hóa nhiều truyện cổ dân gian thành các bài thơ,
có vần điệu để dễ nhớ. Một số lớn các bài được thể hiện dưới hình thức thơ lục bát
như: Sự tích Ông Ba mươi; Sự tích cái chổi; Con tằm; Cây khế; Người thiếu phụ ở
Nam Xương…Hình thức này rất đáng ghi nhận khiến trẻ dễ dàng tiếp thu kho tàng
truyện cổ dân gian vô cùng phong phú.
Biện pháp nghệ thuật trong thơ thiếu nhi cho thấy phép nhân hóa được dùng
với tần xuất phổ biến nhất. Nhân hóa là làm cho sự vật và hiện tượng cũng mang
những thuộc tính của con người. Ngoài ra, so sánh, liên tưởng cường điệu, điệp
ngữ cũng được các nhà thơ ưa dùng để mỗi bài thơ thiếu nhi trở nên hấp dẫn và thú
vị.
Trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai. Đầu tư và quan tâm đến thiếu nhi là sự
đầu tư thông minh cho tương lai. Song hiện nay, văn học thiếu nhi đang đứng trước
những thách thức lớn bởi sức hút và cám dỗ của rất nhiều loại hình giải trí khiến
các em – và cả người lớn - không mặn mà với văn hóa đọc. Điều này đòi hỏi các
nhà văn phải đổi mới chính mình để viết hay, hấp dẫn hơn nữa; cần gần gũi, giao
lưu với thiếu nhi nhiều hơn để nắm bắt đúng và trúng nguyện vọng của các em, để
nuôi dưỡng cảm xúc, viết ra những tác phẩm các em hứng thú. Muốn vậy, nhà văn
cần viết bằng cái nhìn và trái tim trẻ thơ nhưng với trí tuệ của nhà thông thái.
Hà Nội 6/ 2024
NGUYỄN THỊ THIỆN R6 A - Royal Cyti 72 Nguyễn Trãi, Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội.
ĐT: 0915 224 011; Số TK: 221 421 500 6312
Người gửi / điện thoại