LỘ DIỆN – TIỂU THUYẾT
VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ NHẠY CẢM
PGS.TS. Nhà văn, Nhà nghiên cứu phê bình văn học,
Nhà sư phạm Vũ Nho.
NHÀ VĂN VŨ NHO
Nhà văn Dương Thanh Biểu là người có duyên và có điều kiện viết về đề tài liên quan các vụ án. Tác giả là TS, từng là Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Điều đó mới chỉ đủ cho người viết nắm chắc các vấn đề tố tụng, điều tra, phá án. Điều quan trong là người viết đam mê, có năng khiếu văn chương, nhất là có vốn sống phong phú về lĩnh vực mình động bút. Nhà văn đã thành công với một số tập truyện ký trong đó đáng chú ý là truyện ký “Tạ Đình Đề những góc khuất cuộc đời” (2014), hai tiểu thuyết “ Miền sáng tối”(2017), “ Vết dao ngược đêm trăng”(2021) và tập truyện ngắn “Mãi là người lính” (2022). Bây giờ là tiểu thuyết “ Lộ diện”.
“Lộ diện” là tiểu thuyết đề cập đến 2 vấn đề nhạy cảm và nổi cộm hiện nay. Đó là chuyện kết án oan sai và chuyện những cán bộ thoái hoá biến chất “liên doanh ma quỷ” với nhau để tham nhũng.
Từ vụ án cháy toà nhà karaoke, bị can kêu oan, Quyết đinh giám đốc thẩm đã huỷ 2 Bản án phúc thẩm và sơ thẩm, điều tra lại. Án oan sai là một việc nổi cộm trong thời gian dài. Bạn đọc đã từng biết đến những nạn nhân oan sai Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Trần Văn Chiến (Tiền Giang), Bùi Minh Hải (Đồng Nai), Nguyễn Minh Hùng (Tây Ninh), Võ Tê (Bình Thuận), Trần Ngọc Chinh, Khổng Văn Đệ, Trần Trung Thám (Vĩnh Phúc), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận)… Liệu vụ án được nhà văn đề cập có được điều tra và xét xử đúng, minh oan cho Nguyễn Trọng Hoà? Vấn đề là vụ án đã gần chục năm, bị can đã nhận tội và chấp hành hình phạt gần hết thời gian. Mặt khác, dư luận cho rằng vụ án đã được các cơ quan trước đây trả lời, án xử đúng, không oan, và Nguyễn Trọng Hoà đã chấp hành gần hết thời gian phạt tù nên không cần điều tra lại. Nhưng vấn đề không chỉ có thế,…Các vụ án oan thường do trình độ của Điều tra viên hạn chế, việc thu thập chứng cứ ban đầu có sai sót, cũng có chuyện mớm cung, ép cung,…lại còn việc nôn nóng muốn kết thúc vụ án để lấy thành tích. Nhưng đối với vụ án của Nguyễn Trọng Hoà có bàn tay can thiệp của Lê Tiến và một số lãnh đạo của thành phố Hoàng Hà. Liệu người được giao nhiệm vụ là nữ Điều tra viên Trần Quỳnh Anh có đủ dũng cảm và quyết tâm để điều tra đến cùng hay không? Điều này làm cho người đọc vừa hồi hộp vừa lo lắng theo dõi…
Vấn đề thứ hai của tiểu thuyết là chuyện cán bộ suy thoái đạo đức câu kết với nhau để tham nhũng. Tham nhũng trong khi dịch côvid đang hoành hành. Dù không đề cập đến những chuyện tày đình của Việt Á hay của Chuyến bay giải cứu, nhưng rõ ràng một số lãnh đạo của thành phố Hoàng Hà đã cùng với Lê Tiến lập các dự án ma quỷ, thông đồng với nhau trong những vụ cướp đất vàng của thành phố. Các nhân vật này đều có tài sản khủng, đều có biệt thự sang trọng nhất ở khu Bờ Sông. Và họ toàn xài xì gà chứ không thèm hút thuốc lá. Toàn xơi đặc sản với rượu cao hổ, có các em út xinh đẹp hầu rươụ, và khi họ muốn thì hầu cả chuyện tình tang,…
Trong khi cả thành phố đang căng mình phòng chống đạo dịch covid, không cho phép tụ tập đông người nhưng các vị con giời vẫn có thể đến nhà hàng nhậu nhẹt. Nhà văn miêu tả:
“ Tiếng cốc chạm nhau leng keng. Tiếng nuốt rượu nghe ừng ực và sau đó ai cũng “à” lên một tiếng kéo dài, vẻ khoan khoái. Bên mỗi vị khách , một cô tiếp viên xinh đẹp, áo phông màu xanh hở ngực,chiếc váy ngắn không thể ngắn hơn được nữa, trông thật hấp dẫn. Các cô tiếp viên gắp thức ăn vào bát cho từng người. Tiếng rót rượu vào cốc nghe róc rách, tiếng cụng li leng keng, tiếng cười nói rì rầm tạo khung cảnh nhộn nhịp. Tại bàn nhậu này, mọi người đứng lên, uống theo kiêủ “chổng mông” và đưa tay ra bàn cùng hô lên một tiếng rõ to: “Zô”. Nhìn cảnh các qua khách đi nhậu mà cứ như cuộc thi uống rượu vậy. Mặc cho ngoài đường phố, tiếng còi xe cứu thương vang vọng rợn người” ( tr. 153 – 154). Chi tiết này cảnh báo tình trạng coi thường pháp luật của mọt số người trong bối cảnh đại dịch covid đang gieo rắc thảm họa chết chóc khủng khiếp cho thành phố, họ vẫn tụ tập nhậu nhẹt, bày mưu tính kế móc ngoặc tham nhũng, chạy án…
Như vậy, “Lộ diện” đề cập đến 2 vấn đề lớn nhạy cảm và nổi cộm hiện nay. Chỉ nhìn tên các chương, bạn đọc cũng phần nào hình dung ra sự phức tạp và gay cấn của cuộc đấu tranh sống còn giữa hai lực lượng chính nghĩa và phi nghĩa, chống tham nhũng và tham nhũng, lương thiện và gian manh,…: Những dự án nở rộ, Góc khuất các dự án, Liên minh ma quỷ, Toà nhà karaoke bị cháy, Đôi vai gầy với bao gánh nặng, Những góc khuất dần sáng tỏ, Tin nóng trong buổi tập yoga, Mừng bao nhiêu lo bấy nhiêu, Lộ diện, Gã chồng vũ phu, Hy vọng mong manh, Hành trình tìm kiếm sự thật, Vỏ quyét dày có móng tay nhọn, Áp lực của sự can thiệp, Xứng danh đoá hoa hồng thép, Buồn đau và hạnh phúc.
Nhà văn đã dành nhiều công sức để khắc hoạ sự liên kết giữa Lê Tiến, một doanh nhân lọc lõi với Trần Công Huỳnh – Giám đốc sở Xây dựng và Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc công ty xây dựng. Trực tiếp hay gián tiếp giúp đỡ nhóm naỳ còn có Chủ tịch thành phố Hoàng Hà, sau lên làm Bí thư Phan Kim và Đào Minh Tuyên, Chủ tịch thành phố. Chính vì thế mà Nguyễn Trọng Hoà, một nhân viên bảo vệ bỗng trở thành Giám đốc toà nhà karaoke và phải đau đớn chịu án thay cho Lê Tiến. Lê Tiến dùng thủ đoạn để chiếm các mảnh đất vàng, thầu các dự án “một vốn trăm lời”, biếu xén các sếp hậu hĩnh, ra sức cản trở việc điều tra của Trần Quỳnh Anh, khi “lộ diện” thì bỏ trốn,…Nhà văn đã vạch trần mưu mẹo làm ăn của Lê Tiến, chuyển quà vào tài khoản các vợ sếp, biếu căn hộ đẹp, chuyển tiền biếu xén thành cổ phần để các sếp thu lời…
Phía đối trọng là Trần Quỳnh Anh, “ bông hồng thép” và nhiều chị em Điều tra viên, cũng với Cục trưởng Ngô Liêm, Vụ trưởng Lê Minh, Viện trưởng Võ Đồng…tạo thành tập thể vững vàng, bản lĩnh, ngày đêm sát cánh bên nhau để đấu tranh không khoan nhượng với cái ác, cái xấu, cái tiêu cực.
Khó khăn đầu tiên mà Trần Quỳnh Anh gặp phải là không dễ dàng tiếp cận các nhân vật cần điều tra trong lúc dịch covid căng thẳng mà có người trong số họ đã lây nhiễm. Mặt khác đó là những người đồng nghiệp, giờ đã đảm nhiệm những cức vụ cao hơn. Về mặt tâm lí, không ai dễ dàng nhận mình đã thiếu sót khi xử lí vụ án Nguyễn Trọng Hoà,… Họ phản ứng tiêu cực , thậm chí từ chối hợp tác,…
Khó khăn tiếp theo, chồng Trần Quỳnh Anh là Nguyễn Thanh Bình cũng dính líu và bị đồng bọn ép phải ngăn cản vợ thực thi nhiệm vụ,…
Có thể nói nhà văn đã dành nhiều trang viết cho nhân vật Trần Quỳnh Anh. Đó là một cán bộ trung thực, bản lĩnh, một phụ nữ tận tụy, can đảm “Giỏi việc nước đảm việc nhà “. Tuy nhiên, trong con tim cô luôn giằng xé, đấu trang giữa tình cảm vợ chồng và chức trách nhiệm vụ được giao. Cũng có lúc, cô đã mềm lòng khi bị đe dọa, khủng bố, nghe chồng ca thán bị sếp làm nhục vì không thuyết phục được vợ trong việc điều tra vụ án Nguyễn Trọng Hoa. “ Để cưú chồng mình điều tra một thời gian rồi tính toán sau. Các vị lãnh đạo trước đây đã trả lời vụ án này như thế nào thì bây giờ mình có thể tìm được lí do để làm như vậy. Việc làm đó lã xuất phát từ tình nghĩa vợ chồng, với hi vọng cứu chồng mình khỏi bị làm nhục. Như vậy vừa hoàn thành nhiệm vụ cơ quan giao,vừa đảm bảo hạnh phúc gia đình” ( tr. 170). Đọc đoạn này, nhiều bạn đọc hoàn toàn có thể thông cảm cho Trần Quỳnh Anh. Nhưng là một phụ nữ làm nhiệm vụ điều tra, phá an, có bản lĩnh trung thực, thẳng thắn, là con của một cán bộ cùng ngành rất tin vào con gái, và đặc biệt là trước sự oan khuất của Nguyễn Trọng Hoà, Trần Quỳnh Anh đã vượt qua khó khăn, vượt qua sự mua chuộc, sự khủng bố, quyết đi đến tận cùng để tìm ra chân lý, lẽ phải. Trần Quỳnh Anh đã cùng đồng nghiệp vượt lên mọi khó khăn, không chỉ thu thập đầy dủ chứng cứ để minh oan cho Nguyễn Trọng Hoà, trả lại tự do cho người vô tội, mà còn đi xa hơn, thu thập nhiều tài liệu chứng cứ, khám phá ra những hành vi phạm tội của Lê Tiến trong việc móc nối với một loạt cán bộ Hoàng Hà để tham nhũng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Đây là lời của Lê Tiến đánh giá Trần Quỳnh Anh:
“Báo cáo sếp, sau khi đưa tiền biếu Trần Quỳnh Anh, nó không nhận và bắt lập biên bản. Cô vợ em nói “ Con mụ Trần Quỳnh Anh là người rất cứng cựa. Mặc dù vợ các sếp lớn đặt vấn đề mà nó cứ để ngoài tai. Tường nhà bị tạt sơn và chất bẩn mà nó không chùn tay nên chỉ còn cách bắt cóc con trai mới khuất phục được nó” ( tr.194). May mà việc bắt cóc con trai Trần Quỳnh Anh không diễn ra nhờ sự cảnh giác.
Có thể nói viết về nhân vật chính diện mà thành công được như nhân vật Trần Quỳnh Anh là điều đáng ghi nhận của nhà văn Dương Thanh Biểu. Nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhận định: “ Tôi thấy tác giả đã đầu tư công sức và cả trí tuệ, cả tình cảm để chăm bẵm để “dựng” nhân vật Trần Quỳnh Anh – có thể coi là điển hình của người phụ nữ thời đại, một mẫu người liêm chính, tử tế - thành công ở mức độ đáng kể. Nếu không có nhân vật trụ cột này ( như là nhân vật trung tâm xuyên suốt tác phẩm) thì tiểu thuyết Lộ diện của nhà văn Dương Thanh Biểu lại dễ rơi vào sư lược khi thiên về tả “đám đông” ( Tiểu thuyết về ánh sáng và bóng tối”, tr. 11). Tôi tán thành một nửa nhận định này của người bạn đồng nghiệp. Bởi bên cạnh Trần Quỳnh Anh, các nhân vật phản diện, tiêu cực như Lê Tiến, Trần Công Huỳnh và Nguyễn Thanh Bình cũng được xây dựng thành công, khá sắc sảo và đậm nét.
Ban đầu tôi cứ nghĩ “Lộ diện” là nhan đề tiểu thuyết, mà mãi đến chương thứ 9 mới có tên Lộ diện. Ở chương này, Lê Tiến, Trần Công Huỳnh, Trần Thắng, Phan Quân, Nguyễn Thanh Bình tụ tập bàn cách đối phó với cơ quan chức năng. Trong khi đó bắt đầu chương một, Lê Tiến cũng đã phần nào “lộ diện”, Nguyễn Thanh Bình cũng “lộ diện”: “ Ai cũng bảo lão là thằng rất ngu. Vợ làm cơ quan pháp luật, mình làm kinh tế mà không biết bám vào nó. Nghe dư luận đồn, lão còn cặp bồ với vợ của sếp. Thật phí của giời” ( tr. 30). Hoá ra lộ diện là lộ ra những kẻ xấu núp sau dự án để cướp đất vàng, chia chác, chạy án, chối tội. Nhưng lộ diện cũng để lộ ra những con người liêm chính, những con người chí công, vô tư, bất chấp khó khăn, bất chấp đe doạ, bất chấp áp lực can thiệp, kiên quyết đi đến tận cùng để làm rõ nỗi oan của người vô tội, vạch trần bộ mặt kẻ xấu, dù được nguỵ trang kĩ lưỡng, hay được giao những nhiệm vụ, vị trí quan trọng của thành phố. Không chỉ lộ ra một Trần Quỳnh Anh, mà bên cạnh cô còn có những chị em Điều tra viên nữ như Nguyễn Thuý Hồng, Lê Thu Vân, Đặng Kim Liên, các Điều tra viên nam như Trần Văn Long, Trần Đình Thu, Phạm Văn Thuỷ. Còn có vợ chồng Lê Minh, Trần Phương Hoài, Cục trưởng Ngô Liêm, Viện trưởng Võ Đồng... Tất cả tạo thành lực lượng trung kiên, nhiệt huyết để đánh bại những kẻ xấu, đưa chúng lộ diện dưới ánh sáng của công lí.
Nếu có thể yêu cầu cao hơn ở Dương Thanh Biểu thì thiết nghĩ, nhà văn nên tập trung hơn nữa vào việc phân tích tâm lí, miêu tả nội tâm nhân vật. Đặc biệt là những mâu thuẫn, băn khoăn, day dứt giữa công việc chung và hoàn cảnh riêng, giữa giữ gìn hạnh phúc gia đình với việc thượng tôn pháp luật… của nhân vật Trần Quỳnh Anh.
Tóm lại, đây là một tiêủ thuyết thành công của nhà văn Dương Thanh Biểu về đề tài hết sức nhạy cảm và nổi cộm hiện nay đó là công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Kết thúc của tiểu thuyết Lộ diện có hậu, làm cho bạn đọc tin vào công lí, tin vào lẽ phải, tin vào công cuộc đốt lò chống tham nhũng của Tổng Bí thư Đảng ta nhất định thắng lợi!
S.G. 19/12/ 2023