bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 30
Trong ngày: 703
Trong tuần: 1406
Lượt truy cập: 774578

TÌNH QUÊ CHO CẢ BẾN BỜ YÊU THƯƠNG

Tình quê cho cả bến bờ yêu thương

                   BÙI NHƯ HẢI

Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng hiện là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị. Nguyễn Văn Dùng vốn là người rất yêu thơ, làm thơ cũng khá sớm, nên có rất nhiều thơ đăng trên các tạp chí, báo chuyên ngành Trung ương và địa phương. Tính đến thời điểm này, không kể thơ in chung với các tác giả khác, anh đã in 9 tập thơ và 1 trường ca, đó là Tự tình (1992), Thương miền nắng gió (1999), Hình như (2001), Khoảng trời riêng (2006), Lục bát tặng mình (2011), Gió cuối miền (2013), Nguyện mãi theo Người (Trường ca, 2016) Khúc hát sông Hiền (2018), Tình Bác với miền quê Quảng Trị (2019), Khúc ru miền nhớ (2021), và còn sắp in một số tác phẩm nữa, như Lời con sóng bến Nhà Rồng (trường ca), Gửi miền sương ngọt (tập thơ),... Nguyễn Văn Dùng đã gặt hái được rất nhiều các giải thưởng Văn học nghệ thuật của Trung ương và địa phương, dành được tình cảm yêu mến của bạn đọc trong và ngoài nước. Hành trình gắn bó với thơ ca gần nửa thế kỷ, anh đã sáng tác rất nhiều tác phẩm, với nhiều thể thơ khác nhau, thế giới thơ luôn rộng mở, phong phú. Tôi không có ý định bao quát, tìm hiểu hết gia tài thơ cũng như ý tứ, thông điệp trong thế giới thơ ấy, mà chỉ tìm hiểu về mảng thơ được viết theo thể lục bát khá thành công của Nguyễn Văn Dùng. Thơ lục bát là một thể thơ truyền thống, trở thành “đặc sản”, hồn cốt, tinh hoa văn hóa của người Việt Nam. Người Việt  có quyền tự hào, kêu hãnh về thể thơ lục bát như người Trung Quốc tự hào về thơ Đường luật, người Nhật Bản tự hào về thơ Haiku,... Lục bát là một thể thơ được sử dụng rộng rãi nhất, in đậm dấu ấn trong các tác giả dân gian qua các bài thơ, truyện thơ, hò vè, các làn điệu dân ca, lời ru,… đến các tác giả văn học viết như Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Huy Cận, Hồ Dzếnh, Trần Huyền Trân, Tố Hữu, Bùi Giáng, Trần Đăng Khoa, Đồng Đức Bốn, Đỗ Trọng Khơi, Miên Di,... Lục bát có sự nối tiếp qua các thời kỳ như vậy, đã chứng tỏ được sức sống bền bỉ, diệu kỳ, làm nên diện mạo mới mẻ của lục bát Việt Nam. Tôi đặc biệt quan tâm, trân quý thơ lục bát Nguyễn Văn Dùng, vì trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa của thời kỳ 4.0 như hiện nay, có không ít người làm thơ thờ ơ, chối từ lục bát bởi nó quá gò bó, đơn điệu, làm cản trở lối tư duy nghệ thuật tân kỳ, khó chuyển tải những suy cảm đầy tinh vi, phức tạp của đời sống và con người hiện đại, thì Nguyễn Văn Dùng và một số nhà thơ khác nói chung đã tìm về với lục bát. Năm 2011, nhà thơ Nguyễn Văn Dùng chọn 43 bài thơ lục bát tiêu biểu đã đăng trên báo, tạp chí in thành tập riêng, có tên là Lục bát tặng mình, do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành. Để vượt qua thách thức khuôn luật gò bó của lục bát, Nguyễn Văn Dùng đã cần mẫn, chăm chút, làm mới, cách tân trên cái nền truyền thống đó, tạo nên một dáng điệu lục bát riêng khác, trẻ trung, mềm mại, hiện đại trong việc thể hiện nội dung và hình thức nghệ thuật. Đề tài trong thơ lục bát của Nguyễn Văn Dùng khá đa dạng và phong phú như đề tài về quê hương xứ sở; Đảng và Bác Hồ kính yêu; gia đình, người thân ruột thịt, tình yêu đôi lứa, chiêm nghiệm về cuộc sống, nhân sinh,... Trong đó đề tài nổi bật nhất, như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt chính trong mạch nguồn thơ lục bát của Nguyễn Văn Dùng chính là quê hương, đất nước. Sinh ra trên mảnh đất lũy thép, anh hùng Vĩnh Giang, Vĩnh Linh, Quảng Trị - khúc ruột miền Trung, một thời bom lửa chiến tranh, tang tóc đau thương của đôi bờ Hiền Lương “gánh hai đầu đất nước”; thuở ấu thơ được “dưỡng nuôi” qua những giai điệu, những câu ca hò hụi, hò chèo cạn, hò khoan,... của mẹ, của bà thấm đậm nghĩa tình, ngấm vào tâm hồn Nguyễn Văn Dùng; sinh thời Nguyễn Văn Dùng cũng là một chứng nhân của lịch sử, lại được thực tiễn kháng chiến trui rèn,... Với bốn bề sự kiện ấy, đã vun đắp, khơi nguồn, trở thành chất liệu, tạo nên cảm hứng dào dạt để Nguyễn Văn Dùng thai nghén, viết nên nhiều thi phẩm về quê hương xứ sở được bạn đọc yêu mến, sống mãi với thời gian như: Với làng, Giã từ, Nghiêng nghiêng Cửa Việt, Qua cầu Châu Thị, Mũi Sy, Cồn Cỏ, Nữ Hoàng cũng khóc, Dòng sông huyền thoại, Thành Cổ, Thành phố trẻ, Nhớ Đông Hà,... Bức tranh đồng quê Tân Trại - nơi Nguyễn Văn Dùng “chôn nhúm nhau cùng máu huyết” được miêu tả rất chân thật, sinh động trong bài thơ Với làng. Cái làng Tân Trại ấy trù phú, tốt tươi, thơ mộng: Có đình làng, Mũi Rú, Di Loan in dấu tuổi thơ một thời chơi trận, bắn tên, đánh khăng; có chợ Do, mắm lẹp cá chuồm, bánh khoèng mê mải lòng người; có lời ru, điệu hò chèo cạn kẻ chờ, người mong; có cánh đồng với đàn cò trắng, bờ mương rợp bóng dừa, con thuyền phía bờ sông, bầy trâu đang gặm cỏ bờ ao,... Hình ảnh quê nhà được nhà thơ đặc tả qua những tên đất, tên sông, tên làng,... ăm ắp sâu nặng, đong đầy tình cảm, chan hòa yêu thương:

Con thuyền đậu phía bờ sông

Đàn cò trắng cả cánh đồng ngày xưa

Bờ mương mùa rợp bóng dừa

Cây xoan Giếng Cụt cây cừa Mã Cao

 

Bầy trâu gặm cỏ bờ ao 

Nước nương trong vắt ai đào mà nên

Đình làng chơi trận thâu đêm

Trèo lên Mũi Rú bắn tên chơi cù

Về Di Loan hát mù u

Lội qua bên Sác chơi ù đánh khăng

                        (Với làng)   

Tình yêu, nỗi nhớ quê, nhớ làng luôn da diết, âm ỉ, thường trực trong trái tim Nguyễn Văn Dùng, ngay cả khi đang ở và làm việc trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Tình yêu lạ lùng ấy cũng đã gọi về, ngân lên những giai điệu thơ làm lay động, chạm đến tận cùng tâm hồn, trái tim của bạn đọc:

          Tiếng chào trọ trẹ chân quê

          Làng bên sông ấy ai về, ai trông?

          Cồn cào nỗi nhớ xát lòng

          Xôn xao con nước quặn lòng Sa Lung

                                  (Qua cầu Châu Thị)

Quê hương Nguyễn Văn Dùng cũng có chợ như bao miền quê khác trên đất nước Việt Nam. Từ bao đời nay, chợ quê trở thành một nét văn hóa đặc sắc, truyền thống của dân tộc. Chợ quê chính là nơi gặp gỡ, trao đổi qua lại trong làng, ngoài tổng những sản vật nhà nông như mớ cá, bó rau, mẻ ngô, rổ khoai,... của người nhà quê tự nuôi trồng, săn bắt. Chợ quê vì thế cũng đã trở thành một nguồn cảm hứng của các thi nhân như Vũ Đình Liên, Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Đức Mậu, Hà Cừ,... Mỗi nhà thơ có những cách tiếp cận, góc nhìn, thể hiện khác nhau nhưng đa số họ đều chọn thể thơ lục bát để đặc tả, khắc họa và tỏ bày cảm xúc, tâm trạng trước cảnh và người chợ quê. Chợ quê trong thơ Nguyễn Đức Mậu rất phong phú, sinh động, với đủ sản vật của người nhà quê sẵn có: “Chợ quê bán những rau dưa/Trầu không mới hái, chuối vừa chín cây/Chợ quê bán những khoai tây/Bán đôi lợn giống, bán bầy gà con”. Chợ quê trong thơ Hà Cừ cũng không kém phần hấp dẫn, sống động với những sản vật sẵn có của những người một nắng hai sương làm ra: “Chợ quê con tép cũng gầy/Con cua, con cá dính đầy bùn tươi/Mớ rau muống, mớ mùng tơi/Quả bầu, quả bí nói lời gió sương”,... Ấy vậy, phiên chợ quê trong thơ Nguyễn Văn Dùng lại khác lạ, lại lạ lẫm. Người bán chỉ có bán nụ cười, duyên thắm. Còn người mua chỉ mua nắng vàng. Cả người bán và người mua đều ngất ngưỡng, đều bán và mua những thứ hư vô, hão huyền. Thế nhưng, những thứ ấy lại có thật, đáng để được bán, đáng để được mua thật: 

Nụ cười duyên thắm chẳng phai

          Sao em nỡ bán cho ai vội vàng

          Anh mua đầy gánh nắng vàng

          Sưởi con tim lạnh dở dang bao điều

                                                     (Chợ quê)

Quảng Trị, đặc biệt sông Bến Hải - cầu Hiền Lương là nơi hội tụ tình yêu, máu xương, nước mắt và cả những sợi dây giao cảm tâm linh đến kỳ lạ. Cảm nhận sâu sắc sự đau thương, chia lìa của người dân Quảng Trị nói riêng và cả dân tộc ta nói chung, anh đã sáng tác bài thơ Dòng sông huyền thoại.  Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng đã có lần tâm sự với tôi rằng: Chính mảnh đất và con người Quảng Trị đã khơi gợi trong tôi nhiều cảm xúc, sự tự hào và ngưỡng vọng về truyền thống đấu tranh anh dũng, đoàn kết, bất khuất bao đời của quân và dân ta. Và hơn hết, là cho tôi thêm một lần nữa được tái hiện lại hiện thực chiến tranh bất khuất, anh dũng của quân và dân Quảng Trị nơi tuyến đầu của đất nước tại bên bờ Hiền Lương - biểu tượng của khát vọng hòa bình qua thi ca. Bốn mươi lăm năm sau ngày thống nhất, đôi bờ Bến Hải - Hiền Lương đã trở thành nhân chứng của lịch sử, từng mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước thành đôi dòng, với những trận chiến ác liệt, máu chảy nghẹn lòng, đã trở thành một phần ký ức không thể nhạt nhòa, phai mờ trong trái tim mỗi người:

Một thời bom đạn ê chề
Dòng sông quặn thắt tái tê cõi lòng
Lưỡi gươm chia cắt đôi dòng
Bao nhiêu máu chảy nghẹn lòng Hiền Lương

Con sông ấy, chiếc cầu ấy đã từng như lưỡi cưa xé lòng, cách trở đôi bờ của những người vợ chờ chồng, người mẹ ngóng con, người thân mỏi mòn đợi nhau, khắc khoải đến héo hon, hao gầy:

Mẹ còng lưng đợi đêm ngày ngóng con
Vợ chờ chồng đến héo hon
Người thân khắc khoải mỏi mòn đợi nhau

Nhưng nay, đã cùng chung một nhịp cầu, không còn cách trở, cuộc sống cũng không còn đói nghèo, cơ cực nữa. Sau cuộc chiến đã/đang được đẩy lùi bởi bàn tay, khối óc của những người cần lao, chăm chỉ. Đổi thay của “đất chết” một thời, đôi bờ đã trở thành một màu tươi xanh bạt ngàn của sự sống:

          Dòng sông chung thủy trước sau

          Đôi bờ bát ngát một màu tươi xanh

Cảm thức quê hương được Nguyễn Văn Dùng hình tượng hóa thời chiến tranh qua hình ảnh dòng sông đã tạo nên được sức gợi, sức lan tỏa trong tâm tưởng, chạm sâu vào trong tâm thức của độc giả. Mảnh đất Quảng Trị của người thơ đâu chỉ có địa danh lịch sử Hiền Lương - Bến Hải, mà còn có rất nhiều địa danh khác như dòng sông Thạch Hãn, Thành Cổ, Dốc Miếu,... một thời thắm máu, oanh liệt, hào hùng. Trong thẳm sâu vô tận, Nguyễn Văn Dùng day dứt, trở trăn, đau buồn vô hạn, khắc khoải khôn nguôi mỗi khi đến Thành Cổ viếng thăm, thắp nén hương tri ân các anh hùng liệt sĩ trước nấm mồ chung khuyết danh của hàng nghìn chiến sĩ, đồng bào khắp cả nước đã anh dũng hi sinh:

          Thành Cổ thành “nấm mồ chung”

          Con hồng cháu lạc khắp vùng nằm đây

          Sử thi Thành Cổ thêm dày

          Bao nhiêu thế hệ hôm nay cúi đầu!

Thành Cổ - thị xã Quảng Trị hôm nay đang nỗ lực chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ trên con đường hội nhập và phát triển. Sự khởi sắc ở nơi từng được coi là mảnh “đất chết” cách đây gần nửa thế kỷ đã bừng lên sức sống mới, niềm tin yêu mới:

 

          Đất nghèo nắng gió dãi dầu

          Đạn bom chiến địa vẫn câu ân tình

          Cổ Thành trước buổi bình minh

          Bừng lên sức sống niềm tin chói lòa!

                                         (Thành Cổ

Cùng với sự đổi thay của những làng quê khác trên mảnh đất Quảng Trị của người thơ, thành phố trẻ Đông Hà cũng đã làm nên diện mạo, đường nét, dáng vẻ hiện đại, hài hòa, vừa quen vừa lạ, vừa xưa vừa nay. Nguyễn Văn Dùng sống và làm việc tại Đông Hà hơn ba mươi năm, nên mảnh đất này đã trở thành máu thịt không thể nhòa nhạt trong trái tim mình. Đông Hà vì thế được cất lên thành thơ trong thơ lục bát của anh rất trong trẻo, tinh khôi, đằm thắm, trẻ trung như cái tuổi xuân ngời, như búp sen vừa nhú, như ngọn lửa buổi đầu mới nhen,...

          Đông Hà trẻ quá em ơi,

          Trẻ như cái tuổi xuân ngời của em

          Trẻ như vừa nhú búp sen

          Và như ngọn lửa mới nhen buổi đầu

 

          Thành phố trẻ, ai gọi tên

          Mà nghe gần gũi thân quen nghĩa tình

          Đông Hà thành phố chúng mình

          Trẻ trung như thể bình minh gọi mời...!

                                         (Thành phố trẻ)

Quảng Trị còn có những địa danh khác cũng đã đi vào lịch sử, trở thành nét đẹp, nét gợi cảm đặc trưng như Nghiêng nghiêng Cửa Việt, Mũi Sy, Cồn Cỏ, Qua cầu Châu Thị, Trưa nghĩa trang Trường Sơn, Nữ hoàng cũng khóc,... Cồn Cỏ - nơi ghi dấu những tháng năm chiến đấu anh hùng, kiên trung của quân và dân Quảng Trị nói riêng và toàn dân tộc nói chung để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trải qua bao giông tố, gió ngàn, bao đạn bom tơi bời Cồn Cỏ vẫn đứng hiên ngang, vững vàng, rạng ngời như chiến hạm giữa trùng khơi, sóng ngàn:

Xa xa ngoài biển Cửa Tùng

          Có hòn đảo nhỏ thủy chung biển trời

          Qua bao bom đạn tơi bời

          Vượt bao giông tố sóng khơi gió ngàn

Cồn Cỏ vẫn đứng hiên ngang

          Đảo như chiến hạm vững vàng trùng khơi

          Kiên Trung mà vẫn rạng ngời

          Bao chàng lính trẻ hát lời tin yêu!

                                         (Cồn Cỏ)

Cái tình quê nặng sâu, bền chắc ấy của người thơ còn lan tỏa cả non sông đất nước. Nơi những miền quê Nguyễn Văn Dùng đã từng ghé qua, đi đến để lại bao kỷ niệm đẹp và ghi dấu những cảm xúc mới lạ ấy trong thơ lục bát của mình. Đến với Huế - một không gian sông núi, kiến trúc độc đáo, hài hòa, đã tạo nên khoảng lặng trầm sâu, khơi dậy cảm hứng cho người thơ sáng tác. Có rất nhiều nhà thơ viết về Huế bởi Huế là miền thơ. Nhưng Với Huế của Nguyễn Văn Dùng vẫn có nét riêng của cảnh vật và con người xứ Huế. Đọc bài thơ độc giả sẽ thổn thức, luyến lưu với giọng điệu trầm lắng, da diết, du dương như ngọn gió lùa chầm chậm bờ đê, như chiều mưa giăng kín, như tiếng đàn vang ngân, như vườn hoa muôn màu, như tiếng chào Huế thương,...

          Anh vào với Huế chiều mưa

          Chuyến đò đã muộn em đưa khách về

          Hương Giang thấp thoáng tóc thề

          Chiều trôi chầm chậm bờ đê gió lùa

 

Ngự Bình giăng kín màn mưa

          Thông reo như tiếng đàn vừa vang ngân

          Hàng dâu xanh ngắt Bến Tuần

          Câu hò mái đẩy như gần như xa

Đến với thủ đô Hà Nội, Nguyễn Văn Dùng tản bộ quanh Hồ Tây ngắm cảnh sắc thiên nhiên, quan sát cuộc sống của con người nơi đây và đã cảm xúc dâng trào viết nên bài thơ Một thoáng Tây Hồ. Vẻ đẹp Hồ Tây được nhà thơ miêu tả, cảm nhận rất tinh tế, lung linh, thơ mộng, trong trẻo, lãng mạn, gợi lại sự xốn xang trong cõi lòng người:

 

Trăng lên từ phía đáy hồ

Nắng lên từ phía nhấp nhô áo hồng

Gió lên từ phía bờ sông

Bóng em lên phía vườn hồng

                                              tỏa hương

Mặt hồ trong suốt như gương

Bỗng dưng nhòa nhạt phía đường em qua

Rung rinh bím tóc đuôi gà

Gót chân nhún nhảy thướt tha

                                              dáng hình

Nguyễn Văn Dùng không nằm trong đội ngũ các nhà thơ khai sáng, cách tân theo chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại để lạ hóa triệt để thơ, mà neo đậu nơi thơ ca truyền thống, đi đúng quỹ đạo của lục bát thuần túy, chất phác như ca dao, cách gieo vần, luật bằng trắc, tiết tấu căn bản đúng quy luật,...

Chợ tình ai bán mà mua

          Xin đem trao gửi một mùa nhớ thương

                                       (Thà như...)

Tôi thích thơ lục bát Nguyễn Văn Dùng vì hay trong cách lập tứ, dụng ngôn, đậm chất dân gian, tươi mới, khúc chiết, không ẩn dưới những tứ thơ viết bằng mật ngữ, không “vén mây ngoạn trăng”, không du dương,... Đa số thơ lục bát Nguyễn Văn Dùng có bài, có khổ, có câu giàu thi ảnh, gợi mở nhiều liên tưởng đẹp, triết mĩ trong diễn ngôn:

          Em ra giếng gánh nước trong

          Còn tôi ra giếng để... không làm gì

                                                   (Giếng)

Lục bát là một thể thơ vốn dĩ rất dễ gieo chữ, hiệp vần. Nhưng để thơ lục bát tạo được dấu ấn trong lòng độc giả, nhất là thế hệ trẻ hiện nay, nhà thơ Nguyễn Văn Dùng cũng đã sáng tác một số bài thơ lục bát phá cách, không tuân theo quy luật căn bản nhưng vẫn tạo được sắc thái mới, mang đậm hơi thở của cuộc sống và con người đương đại:

                 Em dịu hiền

                                 Tôi vụng dại

                 Cửa Việt nghiêng

                                  Tôi nghiêng cạn hồn mình...!

                             (Nghiêng nghiêng Cửa Việt)

Hay:

Em trao

tôi nhận tháng mười

bàn tay ngàn ngọc

nhận lời môi thơm

nhận yêu thương lẫn giận hờn

nhận bao nhiêu thứ

nhận luôn nỗi niềm...

                                         (Tháng mười em trao)

Tôi cùng đồng cảm từ tiếng vọng trong thơ lục bát Nguyễn Văn Dùng - một tiếng vọng của cõi lòng, của nỗi người, của nỗi thơ hòa trong Tình quê cho cả bến bờ yêu thương. Cảm nhận của tôi về thơ lục bát Nguyễn Văn Dùng dẫu có thể chưa tới, chưa hết tận đáy của dòng thơ ấy, vì nó tiềm tàng những khả năng biểu hiện vô tận, dồi dào năng lực trữ tình, triết luận,... Tôi trân quý, tôn vinh nhà thơ Nguyễn Văn Dùng - một con người mẫn tiệp, hồn hậu trong đời sống, nghiêm cẩn, cháy hết mình trong sáng tạo thi ca, đặc biệt là sự trở về với không gian lục bát. Ở gần cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng đường thơ vẫn còn ở phía trước, vẫn còn vẫy gọi thi nhân - Nguyễn Văn Dùng tiếp tục cần mẫn, tiếp tục miệt mài sáng tác trên “cách đồng ruộng” chữ, để bạn đọc tiếp tục thưởng thức những thi phẩm lục bát mới “đầy gánh nắng vàng” của anh.

                             Portland, Maine, 01/01/2021

muaxuan1234

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)