bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 25
Trong ngày: 117
Trong tuần: 1595
Lượt truy cập: 778580

TÔI LÀ ĐAM MÊ TÔI LÀ KHỔ LUYỆN

TÔI LÀ ĐAM MÊ, TÔI LÀ KHỔ LUYỆN

PHẠM CÔNG TRỨ

pham_cong_tru

Từ một phóng viên nhiếp ảnh kiêm viết bình luận nghệ thuật Báo Văn nghệ (Hội NVVN), bằng tố chất bẩm sinh cộng với niềm đam mê, sự quyết liệt của những cú bẻ ghi, bứt phá, Thế Hùng đã từng bước tự phát hiện ra mình, cơi nới mình thành ra người sắm nhiều “vai”, xây nhiều “nhà” và dự nhiều “hội”. Ông đã ghi bàn thắng trên “sân cỏ cuộc đời” cả bằng chân phải lẫn chân trái, cả chọc khe lẫn bật cao đánh đầu khá ngoạn mục và điệu nghệ của một nghệ sĩ - cầu thủ nhà nghề.

Người quen cũ đi tìm thời xưa cũ

Ấy là câu tôi mô-đi-fê cái đoạn ấn tượng nhất trong “Mùa xuân quan họ”, một tình khúc nổi tiếng của Thế Hùng. Chuyện là thế này:

Mồng 6 Tết năm Nhâm Dần này, đang nằm co ro nơi cố hương với mũ trùm đầu vì cái rét muộn kéo dài rất khó chịu, thì chiếc di động cổ lỗ thời 1.0 bỗng lẹt rẹt réo lên. “Alo, ai đấy ạ?”. “Em là Thế Hùng muốn gặp anh Phạm Công Trứ”. “Thế Hùng nào ạ? (sao lại xưng em). “Thế Hùng ở báo Văn nghệ ngày trước ấy”. “A bác Thế Hùng, đã lâu không gặp, cứ tưởng ai. Nhớ ra rồi, Thế Hùng của “mùa xuân ai đi tìm ai” phải không ạ”. “Vâng, đúng thế mùa xuân ai đi tìm ai…. Câu hát cũ đi tìm thương nhớ cũ… cây đa bến nước con đò... Bằng giọng nam trung ông ngân nga luyến láy ngay trên di động, khiến cho cái kẻ “thiên quê”, hay dùng dằng trước cái xưa cũ như tôi xao xuyến đồng cảm ngay. Qua mấy phút ngỡ ngàng và như đã nhận ra cố nhân một thời, sau khi phân định tuổi tác trên dưới, ông đánh bài ngửa ngay: “Anh đọc báo Văn nghệ thấy bài viết về chân dung Đồng Đức Bốn rất thích, liền hỏi xin số điện thoại từ nhà thơ Lương Ngọc An nhờ Trứ viết cho một bài để đưa vào “Tuyển tập Thế Hùng”, sẽ ra mắt vào tháng 8 này, nhân dịp tròn tuổi 75”. À ra thế!

…Thế Hùng hồi cuối những năm 80 thế kỳ trước là một người trắng trẻo đẹp trai một cách hơi tỉa tót, phát lộ ở hàng ria mép lún phút xanh dưới đôi lông mày đậm và đen như hắc ín, cùng vi cái nháy mắt điệu nghệ, cái vật tóc kiểu cách. Người này có phong vận của một con bướm, chứ không phải cốt cách của con ong, tôi thoáng nghĩ thế, sau này tôi mới biết mình lầm. Thế Hùng là “cánh bướm, cốt ong”. Ông người gốc Yên Mô, Ninh Bình, một vùng chiêm trũng nghèo khó, theo bố ra Hà Thành từ năm lên 7 tuổi. Vậy ông đích thị là người Hà Nội gốc Ninh Bình, hay nói văn vẻ là người thủ đô, gốc cố đô (Hoa Lư). Người đời bảo “chớ thấy người sang mà nhận quàng làm họ”, chứ tôi đúng là cùng họ Phạm với ông, và đã có thời chúng tôi còn là đồng hương Hà-Nam-Ninh nữa. Tác phẩm thơ đầu tay ông tặng tôi là tập “Mưa lá”, trình bày khá đẹp ở vào thời đó. Với “mưa lá”, làng thơ đất Hà Thành biết thêm một thi sĩ Thế Hùng đậm chất lãng mạn (romantic), thuộc dạng thơ thính phòng, có nghiêng sang phía chiêm nghiệm, triết luận.

Điều thú vị, cùng là người Yên Mô, thì Hà Thị Cầu một “nghệ nhân” hát xẩm “độc nhất vô nhị”, gốc gác “ba đời xẩm đất Nam Định lấy chồng “trùm xẩm” đất Ninh Bình, đã mê hoặc người đời bằng một cây đàn nhị ở cái thời xưa vắng. Còn ở hàng đàn em Thế Hùng, thì quần áo toàn cỡ hàng hiệu, lại múa tay trên phím dương cầm, tấu lên những đại nhạc phẩm của các nhạc sĩ Tây phương, cũng như Việt Nam. Nghệ nhân họ Hà xưa tự làm ra danh phận mình qua quãng đời chìm nổi với chiếc chậu thau đồng cùng bố mẹ lê la qua muôn nẻo chợ quê để kiếm sống trong các gánh hát rong, thì nghệ sĩ họ Phạm nay, con của một giáo chức, lại kinh qua các lò đào tạo chính quy nơi trường nhạc, trường mỹ ở đất Hà Nội.

Sau này, khi thành danh, Thế Hùng đã không quên tri ân cái vùng đất nghèo khó, nơi đã sinh thành ra mình, cũng như mong trả món nợ cho cái miền đất văn vật, nơi đã tạo điều kiện cho mình thành tài. Không chỉ ở sự góp mặt tại các lễ lạt, sinh hoạt bề nổi của tỉnh, huyện nhà, mà còn rút ruột viết hàng chục ca khúc về xứ “sông Vân, núi Thúy”, trong đó có nhiều bài gắn với hai chữ “quê tôi”, như “Yên Mô quê tôi”, “Em có về Tam Cốc quê tôi”, “Ninh Bình quê hương tôi”… Ông cũng đã dày công tổ chức được 3 “đêm nhạc Thế Hùng” trên chính đất quê hương. Ngay khi mới tích góp được 3 tỷ đồng, ông đã về quê mở một “Trung tâm văn hóa nghệ thuật”, nhằm nâng cao kiến thức âm nhạc, hội họa cho các cháu có năng khiếu, nhưng không có điều kiện để phát triển lên.

Không chỉ khởi xướng, ông cũng còn là người làm được khoảng 1500 cuộc “từ thiện trí tuệ”, kể từ khi nghỉ hưu ở Đại học quốc gia Hà Nội. Sản vật ông mang đi làm từ thiện là những bài thuyết trình thuộc về mảng mỹ học, văn hóa học, đặc biệt là các chuyên đề về văn hóa ứng xử và kĩ năng sống ở nhiều lĩnh vực. Điều kiện duy nhất ông đặt ra với nơi mời, kể cả ở vùng sâu vùng xa, là có hội trường và khán giả không dưới một trăm người, còn ông sẽ tự lái xe riêng đến, cũng như không nhận một đồng “cat-xê” nào.

Ai chụp ảnh cần phải nhiều phút loay hoay tiến lui, ngắm nghía, điều chỉnh xa gần, tối sáng, còn Thế Hùng thì chỉ lẹ làng đưa máy lên đúng tầm cữ, là “một phát ăn ngay” sau một cú bấm. Bằng lối chụp điệu nghệ này ông đã đưa vào ống kính những đại thụ của làng “văn” làng “nghệ” ở vào thời khốn khó, song lại kết tinh nhiều vàng son của đất Thăng Long-Hà Nội, cỡ những Nguyễn Tuân, Văn Cao, Xuân Diệu, Quang Dũng, Bùi Xuân Phái, Hoàng Cầm, Phùng Quán …đến những lớp đàn em tài danh như Phạm Tiến Duật, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Hữu Thỉnh, Bế Kiến Quốc, Nguyễn Duy… cùng với nhiều tên tuổi khác. Sau này, cái chất nghệ sĩ tài tử ấy còn được ông thể hiện trong nghệ thuật ký họa. Chỉ trong mấy giây qua vài nét bút, là ông đã có một chân dung sắc nét, lột tả được thần thái của đối tượng, trong đó có chân dung của chính mình, với điểm nhấn là bộ ria mép đậm nét quý tộc chỉ có ở Thế Hùng.

Tự tin và khoáng hoạt, không thì là mà gì nhiều, Thế Hùng đã “ba cầm, một nhấn” (là cầm bút, cầm cọ, cầm míc và nhấn phím piano), tả xung hữu đột “đánh quen trăm trận, sức dư muôn người” giữa nơi họ nhà “nghệ” đất Hà Thành. Cái chất tài tử ấy còn phát lộ khi ông lên bục giảng bài, hay đăng đàn giao lưu. Người ta đa phần lên “bục” như là những thuyết giả, còn với Thế Hùng thì lại như một diễn giả. Vừa “thuyết” vừa “diễn”, cao hứng, ông còn “chèn” thêm những thuật ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp, hay thuận miệng lên bổng xuống trầm một giai điệu làm mềm hóa bài thuyết trình. Từ đây, ông đã hình thành và độc quyền sở hữu một chuyên đề, có cái tên khá hấp dẫn và còn mới mẻ ở xứ ta, là “nghệ thuật hùng biện”. Với phong cách vừa thuyết vừa diễn này, ông đã biến những chủ đề khô cứng thành những giờ giao lưu kỳ thú, được ngắt quãng, chấm câu, bằng những những tràng pháo tay rào rào, không dứt. Ông thật xứng đáng với cái câu cánh trẻ ban tặng là “người truyền cảm hứng”.

Hồn nhiên quá, hồn nhiên không chịu nổi

Nói về  cái sự “hồn nhiên”, dù vẫn biết không tránh khỏi “khập khiễng”, tôi vẫn liên tưởng đến một câu thơ mê hoặc của nữ thi sĩ Olga Berggholz xứ Bạch Dương “dịu dàng quá dịu dàng không chịu nổi” và đặt Phạm Thế Hùng bên cạnh Đồng Đức Bốn - một người bạn lục bát thuở sinh thời. Hai ông, theo thiển ý của tôi, đại diện cho hai phong cách thật trái ngược nhau, là sự minh họa khá thú vị và không thể nào sống động hơn cho câu “Người thơ phong vận như thơ ấy” của Hàn Mặc Tử, cũng như là hiện thân của câu ca dao “Người xấu duyên lặn vào trong/ Bao nhiêu người đẹp duyên bong ra ngoài”.

Theo tiết lộ của Thế Hùng, thì “Mình vào Hội nhà văn Việt Nam cùng một ngày với Bốn, Hùng thì “một phát ăn ngay”, Bốn phải đến lần bỏ phiếu thứ tư mới quá bán. Còn như ai đó bảo rằng vì ông “tên Bốn” nên phải “quá tam ba bận”, thì cũng là nói cho vui”. Nói rằng hai ông đại diện cho cái sự “hồn nhiên như nhiên” của kẻ sĩ, là Bốn đi đâu cũng bô bô tự giới thiệu “Đồng Đức Bốn nhà thơ”, “Đồng Đức Bốn đại diện thương mại”. Thế Hùng thì không quên giới thiệu khi đăng đàn là “tiến sĩ mĩ học, nghệ sĩ Thế Hùng”, “giảng viên tột bậc 9/9”, “kỷ lục gia”. Nói hai ông duyên “bong” là vì các ông đều có số “anh hoa phát tiết ra ngoài”. Được xem như những “mỹ nam” thời nay, song một người nhuốm vẻ “phong trần”, một người lại có dáng “phong lưu”. Như lời “tự sự” của Thế Hùng thì “mình là tiến sĩ mỹ học, mà mỹ học là triết học của cái đẹp, nên phải đẹp toàn diện, cả hình thức lẫn tâm hồn: người đẹp, quần áo đẹp, nhà đẹp, xe đẹp, ứng xử đẹp”.

Về cái sự phát ngôn, thì hai ông đều thuộc loại “lợi khẩu”, song nếu ở một người chuyện chửi thề văng tục đã thành “thương hiệu”, thì người kia lại khá lịch sự, ý nhị, trong lời ăn tiếng nói. Về học vấn, một người có lẽ chưa có bằng tốt nghiệp cấp III, thì người kia có tới 3 bằng cử nhân, cùng một bằng tiến sĩ. Trong lĩnh vực thơ, thì người này hầu như đánh cược cuộc đời mình vào lục bát, thơ lấm lem bùn đất, đầy rẫy những sự đời, sự người, thì người kia hầu như chỉ thuần tự do, thơ thuộc dòng hiện đại, đậm chất sa-lông, thính phòng. Họ Đồng chẳng sách vở gì nhiều, chỉ tay bo, còn họ Phạm thì mê sách, đọc cả núi sách, đủ để trở thành người uyên bác, chứ không hẳn uyên thâm.

Hai ông cùng thuộc nòi tình, song, theo tôi, một người thì “đánh quả tình”, còn một người thì “hái quả tình”. Thi nhân nơi đất Cảng, đầy bản năng sắc dục, có thể chớp thời cơ ghi bàn bất cứ đâu, mỗi khi có dịp. Ông bất chấp đạo lý, công khai thách đố dư luận xã hội khi xui vợ người ta “em bỏ chồng về ở với anh không”, và tin rằng “em sẽ bỏ chồng về ở với tôi”. Còn người thơ Thủ đô thì tế nhị, như ngọn gió xuân gượng mở xem cái tình thư một bức phong còn kín trong thơ Nôm Ức Trai tiên sinh xưa. Ông cũng là tác giả hai câu thơ có thể liệt vào hàng “để đời” là “anh lớn khôn dưới bầu vú mẹ/ Mà dại khờ trước vòm ngực của em”. Chẳng biết trong đời thực Thế Hùng “hái” được bao nhiêu quả tình, đã “dại khờ” trước bao nhiêu bầu ngực người đẹp, song chính bài thơ có cái tên Tây là “romance” chỉ vẻn vẹn hai câu này, đã đủ đưa ông vào tuyển tập “1000 năm thơ tình thế giới” do “Nhà xuất bản trẻ” tuyển chọn. Được biết, với chuyên đề ”Tình yêu tình dục qua lăng kính thẩm mỹ”, Thế Hùng còn sắm vai một chuyên gia về lĩnh vực tình ái, cả gan đưa mỹ học thâm nhập vào tận nơi buồng the, vốn một thời “húy kỵ” với người xứ ta

Hai ông đều quảng giao, đánh bạn, làm quen được với những “ông lớn”. Nếu như họ Đồng được Tố Hữu cho “thủ bút”, Nguyễn Khoa Điềm tặng thơ, Nguyễn Huy thiệp tặng những “lời có cánh”, thì họ Phạm được Văn Cao “cho chữ” (người duy nhất được Văn Cao viết lời giới thiệu cho cả hai tập nhạc và thơ đầu tay), được Hoàng Cầm biểu dương về đường thơ, được những nhạc sĩ, họa sĩ bậc thầy như Hoàng Vân, Lưu Công Nhân... tặng những lời vàng ngọc”.

Thêm nữa, theo tôi, hai ông đều có cái nhìn mới mẻ về đồng tiền. Các thi nhân thời trước, nhất là mấy bậc thi hào, thi bá họ “Nguyễn”, như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, từng có thời “mũ cao áo dài”, cho đến anh trai quê kiết xác Nguyễn Bính suốt đời mơ làm quan trạng, ai cũng như ít nhiều ác cảm với đồng tiền. Song, những “hậu bối” xa của các cụ, cụ thể là họ Đồng và họ Phạm như chỗ tôi biết, thì không ai cực đoan đến mức lên án hay bài bác đồng tiền là “tiền... bạc”, “tiền... tệ” cả. Họ như có duyên với đồng tiền, song một người “đánh quả tiền”, còn một người là “hái quả tiền”.  

Phải giầu có thì thơ mới sáng giá và người thơ mới sang trọng, chứ đã nghèo thì chỉ có hèn, có nhếch nhác, ấy là triết lý sinh tồn của thi nhân họ Đồng. Để giầu sang thì phải liều, kể cả phải muối mặt “cầm lòng bán cái vàng đi” khi làm những điều “thất thố”, miễn là ghi được bàn, xong được việc. Mà đã có của nả thì phải phô ra cho thiên hạ thấy, chứ “áo gấm đi đêm” thì nhọc công “sắm áo gấm làm gì!”. Không phải bỗng dưng tôi bảo Thế Hùng “hái quả tiền”, mà chính ông đã hồn nhiên bảo thế trong lúc thuyết trình, khi có “fan” hỏi ông “bí quyết” làm giàu. Ông còn chơi chữ khi tưng tửng bảo rằng, muốn “hái tiền” thì đơn giản là phải… “hiến tài”, nói cách khác là “kinh doanh bằng trí tuệ”. Từ trải nghiệm bản thân, ông còn đúc rút ra công thức làm giầu, gồm bốn nấc là: “học - thành tài - hiến tài - hái tiền”. Đã có fan hỏi xoáy” rằng: “Ông viết sách dậy làm giầu thì chắc ông hái được nhiều tiền lắm nhỉ?”. Thế Hùng đã “đáp xoay” ngay rằng: “Tiền không thiếu, nhưng nhiều thì…không có”! Không chỉ bằng lời nói, mà thực tế ông đã “hái tiền” bằng bán tranh và bán sách, dậy học và thuyết trình.

“Hồn nhiên” thì “nổ” vậy thôi! Chứ tôi biết Thế Hùng không mơ thành đại gia tiền mà là ”đại gia trí tuệ”, và “mơ đất nước mình có nhiều đại gia”. Ông có cao vọng là góp “cổ phần trí tuệ” vào lĩnh vực khởi nghiệp, làm giầu, đang ở ngưỡng bùng nổ ở xứ ta. Bằng việc tìm đọc sách của các tỷ phú, các nobel kinh tế cổ kim đông tây, xào xáo, nhào lặn rồi được chưng cất bằng kinh nghiệm kiếm sống cá nhân, có kế thừa cái “zen”của con nhà nòi về tài chính, ông đã đột phá sang lĩnh vực doanh nhân, doanh nghiệp. Vô tình, hay hữu ý, ông đã trở thành một trong số những người tiên phong trong số họ nhà “sĩ” ở xứ ta thâm nhập sâu vào “vương quốc của đồng tiền”.

 Cũng vì cái “hồn nhiên… không chịu nổi” cùng với cái “duyên bong ra ngoài” khi tự lăng-xê mình ấy, mà hai ông không thoát được thói đời kẻ yêu, người ghét, như cái câu “tập Kiều” của dân gian “Một vừa hai phải ai ơi/ Tài tình chi lắm cho người ta ghen”. Đồng Đức Bốn bề ngoài khinh bạc, phớt đời thế, song thực ra trong thâm tâm thì lúc nào cũng thấy “ngờ ngờ, lo lo”, cũng sợ những câu thơ mà mình viết ra ấy bị người ta “vơ vào mình”, cũng ám ảnh bởi “dao của những ai giết mình”. Vậy nên ông cứ phải gồng mình lên trong thơ và cả trong đời, mà ghép vần lục bát cho đến khi “viết xong trả bút cho trời làm hoa”. Việc ông bốn lần “trượt Hội” cũng ít nhiều liên đới với cái sự ồn ào, tai tiếng, kiểu “hồn nhiên… không chịu nổi” ấy. Không bị ám ảnh đến như thế, nhưng Thế Hùng biết có nhiều người không ưa mình, thậm chí ghen với mình. Song, ông vẫn thung dung hồn nhiên như nhiên với đời, vì cái hồn nhiên, cái duyên bong ấy, được bảo đảm bằng vàng. Vàng ở đây không phải loại “bốn con 9”, mà là sự kết tinh bởi mồ hôi và lấp lánh cả những giọt nước mắt, như hai câu thơ ông:

Phải lặn lội lên đầu nguồn mới có nước trong để uống

Không thành công nào không nước mắt, mồ hôi

Tôi là đam mê, tôi là khổ luyện

Là người đa tài, lại đa mang, nên Thế Hùng sắm nhiều “vai”, xây nhiều “nhà”, dự nhiều “hội’, mà vai nào, nhà nào, hội nào, xem ra cũng rất ấn tượng. Nhiều “fan” cũng đã hỏi Thế Hùng “bí quyết” gì để ông có thể “phân thân” như thế? “Thế Hùng là đam mê, là khổ luyện”- Ông đã đáp gọn như thế. Đúc rút từ trải nghiệm bản thân, ông còn đưa ra công thức của thành công, chỉ vẻn vẹn chứa đựng trong 7 chữ là “đam mê, ý chí và tập trung”.

“Tôi coi trọng đồng tiền nhưng không đam mê tiền. Nếu mê tiền tôi đã theo học tài chính, ngân hàng” vì “bố tôi là Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng Học viện tài chính”. Đam mê sắc màu, chứ không phải “tửu sắc” (dù họ Phạm cũng sành điệu lắm, đã có thời còn là “vũ sư”), mà Thế Hùng đã phạm điều “bất hiếu” là bỏ ngang Đại học Tài chính, nơi mà bố ông đã hướng nghiệp cho con, để thi vào Đại học mĩ thuật công nghiệp. Chưa thỏa, ông đầu đơn vào học tiếp ở hai khoa Báo chí, rồi Triết học của Đại học báo chí và Đại học Xã hội-Nhân văn. Có ba bằng cử nhân trong tay, thừa thắng, không qua Cao học, ông làm ngay Nghiên cứu sinh và bảo vệ xuất sắc (10/10) Luận án Tiến sĩ về đề tài“Chủ thể sáng tạo cái đẹp trong nghệ thuật tạo hình”và được giữ lại làm cán bộ giảng dậy mĩ học. Trong khi giảng dậy, để làm mới mình, ông đã lấn sang văn hóa kinh doanh, văn hóa học đường, văn hóa lãnh đạo, cùng các kỹ năng khác…những lĩnh vực mà nước mình còn đang ở “vùng trũng” so với mặt bằng thế giới.

Có người hỏi: ừ thì đam mê, tốt thôi, vậy ông lấy tiền và thì giờ đâu để học, để làm bằng cấp, nhất là khi đã… vợ bìu, con ríu, việc sinh nhai trăm sự tính sao? Thì học ở trường, học ở sách vở, học ở bạn bè, trong giờ, ngoài giờ, ban đêm. Con nhà giáo chức nghèo, mê đọc, nhưng không có sách, cái thằng học trò Thế Hùng thuở hàn vi đã từng lén đi bới “đồng nát” bán lấy tiền mua sách. Có tay nghề ảnh, thì giấu cơ quan làm “phó nháy” đi chụp ảnh đám cưới thuê, mà ảnh đẹp có tiếng, nên nhiều người mời. Vừa học mỹ thuật, vừa vận dụng tay nghề vốn đã khéo, cắt chữ, dán xốp, kiểu làm “hàng chợ” đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của bình dân lúc ấy. Có tí tài lẻ, thì mở lớp dậy vẽ, dậy nhạc cho người có máu đam mê như mình. Có dịp là ông “ôn nghèo, kể khổ”, công khai cái triết lý lấy ngắn nuôi dài, lấy cái nọ nuôi cái kia, mỡ nó rán,nhờ thế ông có thể tậu căn hộ cao cấp, sắm “bốn bánh” loại sang, mua đàn dương cầm loại đắt tiền... Chưa hết, để cập nhật tri thức thời đại, ông còn tham gia lớp học ngoại ngữ ban đêm, cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh, tham gia các lớp sáng tác của hội Nhạc sĩ, hội  Nghệ sĩ nhiếp ảnh…Cứ tán theo khoa “tử vi”, ai có số cầm tinh con “lợn” thì nhàn, chỉ có ăn nằm và ngủ cho béo, song với Thế Hùng, tuổi Đinh Hợi, thì lại “làm việc như một con trâu”. Tôi bảo ông “Cánh bướm, cốt ong” cũng ở cái ý này.

Bằng lòng thì có, viên mãn thì không

Như đã hẹn, vào một sáng mùa xuân đẹp trời, tôi có mặt tại căn hộ hạng sang của Thế Hùng thuộc Khu đô thị cao cấp Times Cty (Q. Hai Bà Trưng). Đúng như lời ông “khoe” với tôi, tranh bày từ cửa bày vào, với đủ mọi thể loại. Không có “gu” thẩm mỹ, nên tôi không dám bình phẩm sâu về tranh ông, nhất là loại tranh “ấn tượng”, “trừu tượng”, song đã không khỏi ngẩn người trước những bức về hoa lá. Vẫn là những bông sen, bông cúc gần gũi thân quen nơi ngày thường, vậy mà khi vào tranh ông thì như ánh lên chất sang trọng, quý phái, và tỏa ra thứ hương của riêng Thế Hùng.

Thế Hùng ngồi đó với quần áo chỉn chu trên ghế tự xoay, khẽ khàng đưa từng nét bút tỉa vờn mỗi nhành lá, cánh hoa giữa bộn bề sắc màu, được xếp đặt rất trật tự, ngăn nắp. Cái chất quý tộc, hào hoa pha chút ga-lăng như vẫn lấp ló đâu đây ở bộ ria mép đen nhánh cùng cái nháy mắt, cái vật tóc điệu nghệ. Dừng tay bút, ông ngồi vào đàn dương cầm, đặt ở phòng bên, tấu lên một tình khúc Trịnh Công Sơn, tôi nhận ngay ra một giai điệu trong “Diễm xưa”…mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ… Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao… “Sau dăm chục năm sáng tạo, nhìn lại “chân dung tự họa” của mình, Thế  Hùng cảm thấy thế nào, tạm bằng lòng chứ?”- Tôi ướm hỏi, sau khi nhấp một ngụm trà tự tay ông pha mời. Đặt tách trà uống dở xuống, ngừng một chút, ông hạ giọng: “với Thế Hùng, bằng lòng thì có, song viên mãn thì chưa”.

Phải, không bằng lòng sao được khi từ một phóng viên ảnh kiêm viết phê bình nghệ thuật không mấy tên tuổi mà nay ông có cả một gia tài đủ cả danh và lợi. Ông đã đồng thời xây cả ba “nhà liền kề”, tương ứng ông cũng tham dự tới 4 “hội” trung ương. Là nhà thơ, ông đã in 6 tập, có thơ trong nhiều tuyển tập, và khoảng vài chục bài đã được các nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc. Là nhạc sĩ, ông đã sáng tác 150 ca khúc, in 2 tập nhạc, nhiều ca khúc đã được phát trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Là họa sĩ, ông đã vẽ khoảng 500 bức tranh, đã góp mặt trong nhiều tuyển tập, trong sưu tập của một số sứ quán ở Việt Nam. Ông cũng là giảng viên chính giảng, cũng như thỉnh giảng của hơn 10 trường đại học và học viện thuộc “top” đầu xứ ta. Với 12 chuyên đề, ông đã truyền cảm hứng sáng tạo, kích thích chí khởi nghiệp cho hàng vạn “tín đồ”. Ông lại là tác giả của 22 đầu sách viết về nghệ thuật, văn hóa ứng xử, văn hóa kinh doanh, cùng nhiều kỹ năng khác. Ông cũng đã từng làm “sếp” dù không thật “bự”, như đang hoặc từng là giám đốc Chương trình Nghệ thuật trung tâm Nghiên cứu văn hóa quốc tế (ĐHQGHN), chủ tịch Hội đồng quản trị Cty cổ phần phát triển con người đương đại, chủ tịch Hội đồng khoa học Học viện Quản lí và Lãnh đạo Châu Á-Thái Bình Dương, giám đốc Đào tạo của Hiệp hội khởi nghiệp Quốc gia…Ông đã được Tổ chức Kỉ lục Việt Nam – VietKings, tôn vinh, bằng việc trao tặng “Bằng chứng nhận kỷ lục gia” do “đã có những đóng góp quan trọng  và tạo nhiều dấu ấn đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo và sáng tạo Văn hóa Nghệ thuật tại Việt Nam”, vào tháng 11 năm ngoái. Điều đáng nói nữa, là ông có hàng nghìn, hàng vạn học trò thành đạt, có người giữ những chức vụ cao trong bộ máy nhà nước, mỗi khi gặp lại hầu như ai cũng nói những kỷ niệm tốt đẹp về thầy Thế Hùng.

Được biết, ông đang thai nghén để cho ra đời tập “Thế Hùng: tạp văn”. Trong đó, ông phác họa chân dung của những “cây đa cây đề” trong giới văn nghệ, mà 20 năm làm phóng viên mảng nghệ thuật báo Văn nghệ, ông đã được làm bạn, hoặc làm quen và đưa vào ống kính. Ông cũng đang ấp ủ một quyển hồi ký, tạm đặt tên: “Đời tôi: vinh quang và cay đắng”, trong đó ông chia sẻ với độc giả rộng rãi tất tần tật những gì đã làm nên tên tuổi Thế Hùng. Trước mắt, để chuẩn bị cho sinh nhật lần thứ 75 vào tháng 8 năm nay, ông đang ráo riết chuẩn bị để cho ra mắt ấn phẩm bề thế, để đời, ấy là “Tuyển tập Thế Hùng II”, trong đó, con số 75 sẽ là cái “đinh” kết nối, sâu chuỗi các sự kiện, các “đầu việc”.

Nhìn Thế Hùng cùng cơ ngơi của ông, tôi thầm nghĩ: Bằng mồ hôi, nước mắt, và cả nụ cười, Thế Hùng rõ ràng đã từ “vương quốc của nghèo khó”, bước sang “vương quốc của cái đẹp”, vươn tới “vương quốc của  tự do”. Bảo Thế Hùng là một kẻ đa tài, là người thành đạt thì đã hẳn, nhưng trước hết ông là người hạnh phúc, như chính thơ ông tự bạch:

Hạnh phúc nào hơn

Khi được sống chính mình

Khi được hát khúc ca muốn hát

Và ngủ yên

Trong

Khu tự trị tên mình

Thơ viết thế, song tôi biết là còn lâu ông mới ngủ yên trong cái “khu tự trị” mang tên “nghệ sĩ, tiến sĩ Thế Hùng”. Với một người giầu năng lượng, cháy hết mình và tỏa sáng như Thế Hùng, thì tôi tin ông sẽ còn cho đời thấy những điều bất ngờ ở tận “phút 89”, thậm chí cả ở “phút bù giờ” trên “sân cỏ cuộc đời”.           

Để kết thúc bài viết nhiều “chương hồi” này, bắt chước người xưa, người viết xin được “vòng vo Tam quốc” rằng: Muốn biết chân dung tự họa của nghệ sĩ, tiến sĩ Thế Hùng tiếp theo ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ!                                                                                                                                                                                                                                                                                                       

               Khu Ngoại giao đoàn, những ngày đầu Xuân Nhâm Dần, 2022

trechantrau

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)