HOÀNG TRẦN CƯƠNG – NHỮNG VỈA THƠ TRẦM TÍCH
Đọc Hoàng Trần Cương – Thơ và trường ca, nxb Hội nhà văn, 2014
Vũ Nho
Một tuyển tập sớm thơ và Trường ca của Hoàng Trần Cương gần 500 trang in khổ 14,5 x 20,5. Cuối tập có phụ lục 26 bài của các nhà nghiên cứu, phê bình và bạn thơ viết về thơ của tác giả. Không phải nhà thơ nào cũng có được con số ấn tượng như vậy. Và tôi tin với những vỉa thơ trầm tích của nhà thơ họ Hoàng, còn nhiều chỗ cho những người nghiên cứu phê bình khai thác lâu dài trong hiện tại và tương lai.
Vài lần tiếp xúc với Hoàng Trần Cương, thật chẳng tìm thấy dấu hiệu thi nhân nào ở con người này. Hình hài thì gân guốc, có nét khắc khổ, phong trần của người thợ bốc vác. Anh đã chẳng hề điểm tô chút son phấn nào khi vẽ lại khá chính xác chân dung mình: “ tính khí lại thất thường như nắng/ Mặt gầy choắt mà đồng nghiệp gọi là “thằng mặt nặng” ( Bút kí thơ của một kế toán trưởng). Đây nữa “ Mặt anh buồn như đá/ Ai vứt ra ngoài đồng” ( Đợi). Đúng là “cái mặt không chơi được” trong truyện ngắn Nam Cao. Ngôn ngữ nói năng thì mộc thô, trần trụi, chả có tí hơi hướng văn chương nho nhã nào. Thế nhưng tất cả vẻ thô mộc của hình hài và ngôn ngữ ấy, trầm tích trong đó một sức vóc thơ vạm vỡ ( chữ của Bằng Việt), một hồn thơ đa cảm, ngọt ngào tình người đọng mật, một khí chất xứ Nghệ, khí chất miền Trung “ sắc như cật nứa” cứng cỏi và dữ dội “ nghiêng đêm,… lệch ngày”!
Ấn tượng mạnh mẽ của thơ Hoàng Trần Cương với tôi, trước hết là sự chân thành, trung thực của nhà thơ. Có thể nói quá đi, có thể dùng mọi thủ pháp, kĩ thuật. Nhưng trước hết, thơ phải chân thành, phải trung thực. Cái chuyện vẽ mặt mình bằng thơ của anh, cho thấy phẩm chất đó. Và đây, khi ngồi với người cựu chiến binh của đối phương dù bây giờ là bạn nhưng nhà thơ –lính Hoàng Trần Cương không giấu diếm:
Rồi đột nhiên bỗng im lặng cả hai
Có lẽ anh đang nghĩ như tôi đấy :
“- Trong cuộc chiến ở Việt Nam dạo ấy
May mà mày không gặp tao
May mà tao không gặp mày!”
Đôi mắt đối phương
( Đọc những câu thơ này, thốt nhiên lại liên tưởng đến người cựu chiến binh Mĩ- Bruce Weigh trong cuốn Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa, khi anh bất ngờ đụng độ người du kích ở Khe Sanh. Nhưng đó là trường hợp cá biệt trong chiến tranh).
Có thể thấy những nét chân dung chân thật của người thơ, từ chuyện “đẻ rơi bên cối giã gạo”, đến chuyện cởi trần, “vác gươm cọng chuối múa khắp làng” làm vỡ vại nhút thức ăn cất trữ cả nhà trong mùa lụt, hay chuyện đói khát của một nhà, nhưng cũng là cả một vùng quê, cả nước thời khốn khó đầy ấn tượng:
Tảng cháy cậy đi rồi/ Còn hằn vết móng tay/Cày lên/ Sưng cả đáy nồi
Trầm tích- Nguồn cội
Hoàng Trần Cương mang tính cách rắn rỏi, thẳng thắn, rạch ròi của người xứ Nghệ. Có phải thế chăng mà thơ không bóng bẩy, không đèm đẹp, không làm duyên. Và tính cách cũng thế, mạnh mẽ, dứt khoát “ Đã chơi chơi hết mình/ Đã làm làm kiệt sức/ Thẳng thắn và đẫm tình” ( Trầm tích – Cá gỗ). Đằng sau cái vẻ cứng cỏi, ngang tàng ấy lại là một tâm hồn đa cảm, yếu đuối, và đầy nỗi buồn, cô đơn : Có một chiều ngoảnh lại/ Cô đơn đứng chật nhà ( Nỗi niềm); Ngang qua em có thấy/ Nỗi buồn còn run cây ( Vô tình); Vết đi của thời gian xếp nỗi buồn xạm trán ( Cơn mưa không tạnh); Có những chiều mưa xối/ Mặt bợt như bã chè ( Hương chè Phú Thọ); Có những ngày cực nhọc/ Ngực ta hóa than hồng/ Nỗi buồn lem lém cháy ( Cháy); Anh cắm sào trước dòng sông héo sóng/ Nghe bãi bờ khò khè dưới chân ( Sang sông); Cảm lạnh hắt từ trời/ Trái tim tôi chuột rút ( U Minh); Kí ức đè nhức đêm/ Kỉ niệm niêm cất những mầm măng nhọn hoắt ( Đỉnh Vua)… Buồn nhiều, cô đơn, nhưng Hoàng Trần Cương không chìm lút vào những tình cảm đó. Anh biết “ Lấy buồn làm vui/ Lấy vui để mộng” ( Giao mùa). Sau giây phút “ Bợt bạt mặt người trong cơn giông” là thời gian “ Trăng lại treo mơ mộng trước hiên nhà” ( Dấu vết tháng ngày). Cho nên thơ của anh là phức hợp của buồn lẫn vui, cô đơn và hòa đồng, yếu mềm và mạnh mẽ, tỉnh táo và mộng mơ, tinh lọc và thô nhám, cô đúc và phóng khoáng, cụ thể và khái quát,…
Người ta nói nhiều đến chất Nghệ, chất miền Trung trong thơ Hoàng Trần Cương. Một nhà thơ với giọng điệu không thể lẫn, đậm cá tính và đậm màu sắc địa phương. Không phải là dân Nghệ, dân miền Trung không thể nào viết những câu thơ gan ruột về quê hương:
Miền Trung/Tấm lưng trần đen sạm
Những đốt sống Trường Sơn lởm chởm dăng màn
…
Miền Trung/Câu ví dặm nằm nghiêng/ Trên nắng và dưới cát
Đến câu hát cũng hai lần sàng lại/ Sao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm
…
Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt/Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ
Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ/ Không ai gieo mọc trắng mặt người
Trầm tích – Miền trung
Đến cả câu hát của người bà cũng gầy gò, như mới ốm:
Câu ví dặm gầy nhom thì thào như người mới ốm
Từ trong cái đãy nâu sồng thắt ngang lưng bà tối tối lại bò ra
Trầm tích – Nguồn cội
Nhà thơ đậm chất Nghệ, đậm chất miền Trung. Điều đó hoàn toàn chính xác. Nhưng ngoài chất Nghệ cứng cỏi, mạnh mẽ, đầy ý chí nghị lực vượt nghèo, trong thơ Hoàng Trần Cương còn đậm chất lính, đậm dấu ấn trận mạc. Anh thú nhận không giấu diếm:
Bây giờ anh vào tuổi bốn mươi/ Vẫn hốc hác khuôn mặt thời lính trận
Sấp ngửa bàn tay
Người lính đã vào đời theo cách nhìn của ngành tài chính qua con mắt kinh doanh:
Con mang sức trai/ Chọi cùng súng đạn/ Mang mạng sống của mình hùn với bao đồng đội/ Kinh doanh trên trận mạc/Giành giật với đạn bom/Phần đất lãi
…
Con vẫn tung cuộc đời con –chút- vốn – liếng – cuối – cùng- của mẹ lên chặn họng súng thù/ Cùng đồng đội gom từng phân lợi nhuận/ Để gộp vào hôm nay
Trầm tích – Vốn và lãi
Những tháng ngày “Đọ sức với quân thù tận rừng sâu núi thẳm”, từng chứng kiến “ ngực bạn tôi máu xối”, từng “ run run vuốt xuôi đôi mắt/ Đồng đội con chưa kịp nhắm”, và đã từng “phơi mình trước mưa bom bão đạn/ Ngót mười năm chọi súng với quân thù” ( Lòng tốt) cho nên người lính ấy biết quý những gì mình có được, biết đau nỗi đau đồng đội “ Khi tuổi xanh các anh thôi thêm tháng thêm ngày”, biết cảm nhận “ cỏ vẫn bạc đầu/ Thương nhớ cắm hoa mờ bia trắng/ Hương trầm thấm xuống mấy tầng sâu” ( Sấp ngửa bàn tay). Và đau buốt trước nỗi đau của người còn sống:
Có người lính mãn thời trai trẻ/ Người yêu/ Giờ đã lấy chồng/ Con búp bê mở mắt tròn xoe/ Suốt ngày khóc trên tay con của người yêu cũ
Trầm tích – Mưa ốc đảo
Chính tâm hồn người lính sống sót sau chiến tranh ác liệt đã làm thành một vỉa trầm tích quý giá trong thơ của Hoàng Trần Cương.
Nhân vật trữ tình là chú bé đẻ rơi bên cối gạo, lớn lên trong đói nghèo, vào trận chọi nhau với súng đạn, đối mặt với hiểm nguy, với cái chết là nhân vật chính yếu của trường ca “Trầm tích”. Bên cạnh đó là người bà, người mẹ, những người anh em, đồng đội, và cả em ( trong chương Thiên nhiên, đầy ám ảnh với mấy dòng thơ : Em thấm vào anh/ Đam mê lịm ngọt/ Như ngải như bùa/ Như bão như giông…Em ngang qua chiều/ Nắng thơm mùi rượu/ Mắt sông/ Môi lửa/ Gió lên đồng). Tôi muốn nói đến nhân vật đặc biệt là nhân vật MẸ. Ngoài những dòng thơ cụ thể đầy xúc động về mẹ mà nhiều người khi viết về “Trầm tích” đã không bỏ qua:
Treo vội con lên chạn
Mẹ xắn quần đi giành lại cái sanh đồng sứt quai
Theo nước lũ nhoai ra ngoài ngõ/ Rồi một tay chắn gió
Mẹ ngồi nhen lửa dưới mưa
Cật tre
Cái nón mê mẹ đội nửa đời người
Khi chóp thủng lại trùm lên vại nhút
…
Mẹ lật đật trèo lên đò ngang/ Quảy theo con vào chợ
Gò lưng giữ cho cân đòn gánh/ Chỉ sợ con lật người là đổ mất ngày mai
…
Mẹ lúi húi xâu đèn hạt bưởi/ Thổi nùi rơm phù phù cho lửa rạng lên
Soi mặt chữ để con ngồi học
…
Sớm mai kéo sụp nón/ Sấp mặt ngồi cuối chợ
Nhặt về những đồng xu bạc phếch đất bùn
Thóc giống
Mẹ vén vun cưng nựng nụ cười
Trên gương mặt thời gian còn rác rưởi
…
Mẹ là trầm tích của những gian truân
Những viên đá lẻ
Hình ảnh mẹ, tiếng gọi mẹ có mặt trong các chương Nguồn cội, Đất mật, Quặng lửa, Mưa ốc đảo, Hoàng hôn màu cỏ, Bóng đa làng, Địa linh, Cấu trúc làng, Đá đỏ, Giao cảm phù sa, Vốn và lãi, Miền trung. Nghĩa là MẸ có mặt trong 15 trên tổng số 19 chương của bản trường ca. Và có tới 15 lần tác giả gọi “Mẹ ơi!” trong bản trường ca này. Mẹ là trầm tích của gian truân, của làng quê hoa trái, của bạt ngàn thương mến. Mẹ là điểm tựa tinh thần, là đối tượng để nhà thơ giãi bày tình cảm, tâm tư . Người Việt gọi “Mẹ ơi!” khi mà vui, buồn, đau khổ hay hạnh phúc ở mức mãnh liệt. Tiếng gọi “ Mẹ ơi!” của tác giả là trong những trường hợp đó. Đồng thời nó còn có chức năng mở chương, mở đoạn để nhân vật trữ tình giãi bày bằng từ “con” đầy tình cảm thân thiết và biết ơn. MẸ là một phần cấu trúc vững chắc của bản trường ca này, và chính MẸ cũng làm cho bản trường ca “Trầm tích” khác biệt với những trường ca khác.
Có thể nói thơ Hoàng Trần Cương là thơ có giọng điệu, có phong cách riêng ám ảnh. Để có được điều đó, trước hết cường độ cảm xúc phải mãnh liệt, mạnh mẽ. Không phải ngẫu nhiên mà các từ ngữ trong thơ của Hoàng Trần Cương hầu hết đều là những từ ngữ chính xác, sống động, cưa quậy. Nó thể hiện cường độ cảm xúc mạnh của tác giả. Không khó để nhận ra những : Rong róng nước mưa, Nỗi buồn lem lém cháy, Ríu rít nắng ra ràng, Kỉ niệm phăng phăng về bến cũ, Nắng thất thanh, Kỉ niệm trơ xương thất lạc, Nắng quáng quàng, mưa lắp bắp, Nắng nghiến ngấu ngày, mưa dằn vặt đêm, Tiếng học bài nóng ran xóm nhỏ/ Tiếng gọi đò méo cả bến sông, Mưa xói trắng đỉnh đầu/ Nước chảy đứt đuôi rắn…
Và những hình ảnh thơ của Hoàng Trần Cương cũng vừa lạ, vừa sống động, vừa độc đáo cứ xộc thẳng vào trí não người đọc :
Bỗng dưng trời đất thâm sì/ Lốc rừng dựng đứng
Mây đặc trời/ Tối bưng/ Gió chém/ Mưa đâm
Trầm tích- Thóc giống
Cay đắng lắng vào trái ớt lúc còn xanh
Đất vắt kiệt mình mọng nước múi chanh
Trầm tích – Nguồn cội
Trăng đầu tháng đỏ ngầu
Như cái bã trầu ai nhè ngang đỉnh núi
Trầm tích – Thóc giống
Chiều buông áo mỏng bay ngang phố
Thoáng bóng em về thơm lá non
Hơi ấm ban ngày
Những con cá ươn trên thúng mẹt chợ quê
Ton tót nhảy khi nghe hơi tiền mới
Bút kí thơ của kế toàn trưởng
Bạn đọc có thể không khó khăn gì tìm thấy các hình ảnh khác trong thơ và trường ca của tác giả.
Giàu từng trải giàu chiêm nghiệm trong chiến tranh và hòa bình; cảm xúc mãnh liệt, từ ngữ sống động, cựa quậy, hình ảnh độc đáo, những điều đó đã góp phần tạo niên diện mạo và giọng điệu riêng của thơ Hoàng Trần Cương. Anh đến với thi đàn có muộn mằn, nhưng tên tuổi anh là một trong những cái tên đáng nhớ của thế hệ thơ với những Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Duy, Anh Ngọc, Hoàng Nhuận Cầm, Trần Đăng Khoa…những nhà thơ áo lính.
Hà Nội, tháng 5/2014
Người gửi / điện thoại