bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 26
Trong ngày: 23
Trong tuần: 1280
Lượt truy cập: 648648

TRẦN ĐĂNG KHOA VẼ TRANH?

TRẦN ĐĂNG KHOA VẼ TRANH ?

                    VŨ NHO

vu_nho_iu

          Chúng ta đã từng biết những nhạc sĩ vẽ tranh như Nguyễn Đình Phúc, Văn Cao, Nguyễn Đức Toàn, Trịnh Công Sơn. . . ;các nhà thơ vẽ tranh là Đỗ Trung Lai, Trần Nhương, Nguyễn Vũ Tiềm. . . Nhà thơ Trần Đăng Khoa vẽ tranh độc đáo ở chỗ không cần cọ, không sử dụng màu, mà vẽ bằng ngôn từ, nói nôm na là vẽ tranh bằng lời. Chính Trần Đăng Khoa đặt tên cho cuốn sách của mình là Chân dung và đối thoại, nghĩa là phần tranh vẽ - chân dung được quan tâm đáng kể. Trong cuốn sách đó và cả trong trả lời phỏng vấn, Trần Đăng Khoa tự thuật: “Tôi làm theo kiểu của tôi, nghĩa là một thứ tạp văn, có bình, có phỏng vấn, lại phẩy thêm vài nét kí hoạ chân dung". Xem các tranh vẽ bằng lời của Trần Đăng Khoa có thể rút ra vài ba nhận xét khá lí thú.

 

  1. Về số lượng

 Kể cả những bức tranh to tướng vẽ bằng nhiều trang in mà ta quen gọi là chân dung văn học gồm có 1. Tố Hữu, 2. Xuân Diệu, 3. Lưu Trọng Lư, 4. Phù Thăng, 5. Lê Lựu, 6. Nguyễn Khắc Trường, 7. Nguyễn Tuân, 8. Nguyễn Quang Sáng, 9. Nguyễn Đức Mậu,Trần Đăng Khoa đã vẽ hơn bốn chục tranh đủ các cỡ gồm các nhà văn ta là chính và một số các nhà văn Tây. Các nhà văn sau đây đã lên khung tranh nhỏ trong gallery (phòng bày tranh) của Trần Đăng Khoa:(Số trong vòng đơn là số trang của sách Chân dung và đối thoại) Hồng Diệu (21) Chế Lan Viên (38), Phạm Vĩnh Cư (134), Phạm Tiến Duật (145,314) Lâm Thị Mĩ Dạ (146), Hữu Thỉnh (150,273), Nguyễn Quang Thiều (169) , Hoàng Nhuận Cầm (170), Chính Hữu (174) , Vũ Tú Nam(175,266), Nguyễn Đình Thi (205), Bằng Việt (208) , Trúc Thông (210), Phạm Công Trứ (212), Đồng Đức Bốn (214), Khuất Quang Thuỵ(251), Nguyễn Khải đại ca (150,257,258), Xuân Thiều (261), Hồ Phương (263), Thu Huệ (263), Phùng Quán (269), Cẩm Thơ (303), Định Hải (306), Nguyễn Minh Châu (311). . .

          Trần Đăng Khoa còn vẽ Marian Tkachốp (311), Ivan Nôvixki (138), Bruce Weigl (148), Tim Obrien (162) theo cỡ chân dung lớn của 9 nhà văn Việt Nam. Một số lượng tranh như thế thật đáng kể đối với bất cứ hoạ sĩ nào.

 

  1. Về thể loại

 Vẽ nhiều tranh nhưng Trần Đăng Khoa không vẽ theo một thể loại nào nhất định. Cách làm tranh của Trần Đăng Khoa cũng linh hoạt. Kết quả là tranh có nhiều dạng, nhiều kích cỡ, khuôn khổ, nhiều màu sắc, nhiều bút pháp khác nhau. Có bức vẽ đồ sộ, hoành tráng. Có bức chỉ bé xíu như tranh vẽ trên lòng tay, vỏ trứng. Có bức kí hoạ, phác thảo chấm phá. Có bức sơn mài kì khu. Có bức trang trọng. Có bức biếm hoạ như các hoạ sĩ vẫn thân ái tặng các nhà văn trên tạp chí Cá Sấu, hay như những tranh vui của hoạ sĩ Còm, hoạ sĩ Choé ở Việt Nam.

 

  1. Về chất lượng

 Có thể nói hoạ sĩ Trần Đăng Khoa vừa có khiếu quan sát lại vừa có khả năng chớp được nét độc đáo của đối tượng nên chân dung nào cũng có thần thái riêng. Nhìn vào tranh Trần Đăng Khoa vẽ, ta nhận ngay ra người, có khi còn nghe thấy cả tiếng cười, giọng nói, còn nhận ra cả một phần phong cách văn chương lộ qua tướng mạo. Xem tranh vẽ Tố Hữu, ta chẳng những được ngắm nghía ông ở khoảng cách xa "Trông ông như một ngọn tháp cổ kính ", mà còn nhìn ở khoảng cách gần với những nét đặc tả: "Đôi mắt riu riu nửa thức nửa ngủ, có lúc lơ đãng vô vi như một người đang nhập thiền, có lúc lại ánh lên long lanh sáng như một mảnh thuỷ tinh vỡ” (tr. 13). Hơn các hoạ sĩ vẽ bằng màu trên toan, Trần Đăng Khoa còn vẽ cho ta nghe thấy giọng Huế và cả ngữ điệu của Tố Hữu nữa: “Làng bản đỏ đèn đỏ lửa. Hầy, nghe vui hỉ, nghe cũng rậm rật đấy chứ hỉ. Rồi Tố Hữu quay lại mấy anh em, nheo nheo một bên mắt vẻ trẻ trung tinh nghịch - Này, xem ra không thể tin cánh văn nghệ được đâu hỉ. Phịa, toàn là phịa” (tr. 17).

          Xuân Diệu, người thầy dạy nghề nghiêm khắc và gần gũi, Trần Đăng Khoa đã vẽ bức chân dung lớn với tất cả sự yêu thương, thành kính và biết ơn. Một khoảnh khắc của gương mặt nhà thơ: “Gương mặt Xuân Diệu nhuốm một nỗi buồn âm thầm. Ông đưa tay vuốt mái tóc nhuộm đen nhưng chân tóc lại bạc trắng, cả chân mày cũng bạc, bạc xoá như một nhuốm tàn nhang cháy dở"(tr. 49). Xuân Diệu làm việc: "Ông quên béng nhà đang có khách. quên cả cái nóng ngun ngút của Hà Nội mất điện và tiếng ồn ào náo động của đường phố tan tầm. Xuân Diệu như bò xoài trên trang giấy. Có lẽ bố tôi cày ải, chạy bão cũng không cực nhọc, khốn khổ như Xuân Diệu cày trên cánh đồng giấy của mình "(tr. 27). Tưởng như chúng ta còn nghe giọng nói của Xuân Diệu vừa thân tình, vưà bỗ bã , nhưng là cách nói của một nhà thơ: "Cậu chả hiểu gì cả. Yêu nhau rồi say đắm nhau rồi thì còn gì là đoảng nữa. Đến cái mùi hôi nách của nó cũng thành hương nhài hương huệ. Lỗ mũi mười tám gánh lông. Chồng yêu chồng bảo tơ hồng trời cho. Đấy, lấy nhau rồi mà còn thế, huống hồ nữa là đang yêu. Mà cậu đã yêu chưa “(tr. 46).

          Lê Lựu, ông bạn thợ cày đồng bãi Hải Hưng vào làng văn chương với gương mặt độc đáo: "Trông anh nhôm nhoam luộm thuộm và lúc nào cũng tất tả. nhếch nhác như một gã thợ cày vừa từ một thửa ruộng” (tr. 76) Khi khác Lê Lựu được vẽ như một bà nhà quê “Lê Lựu đang ngồi xổm trên chiếc ghế dài kê dọc hành lang, bỏm bẻm nhai bánh mì. Trông anh như một bà đi chợ vừa buông quang thúng, giờ thì đang thảnh thơi nhai trầu vỏ "(tr. 145). Ta còn nghe cả cái cung cách than thở nói năng, và cả lối nghĩ riêng Lê Lựu: “Nghe cái quái gì. Tao làm hỏng bố nó rồi! Không ngửi được. Chữ nghĩa bò lổm ngổm như kiến đen. nhưng chẳng có hồn vía gì. Đọc cứ bở ra. Tức thế chứ! Rồi Lê Lựu càu nhàu, tiếc bát phở đêm qua đổ vào hang chuột, đổ vào cái lỗ giời ơi đất hỡi “(tr. 82)

          Bất cứ vẽ chân dung lớn hay vẽ tranh nho nhỏ do tiện tay thì phác hoạ, Trần Đăng Khoa đều chọn những chi tiết đặc sắc có thể làm sáng bừng thần thái người mà anh muốn vẽ. Phù Thăng teo tóp thì so với hạt thóc lép. Trần Mạnh Hảo quyết liệt so với “bà nhà quê vừa bị bắt trộm gà ". Nguyễn Tuân hồn nhiên như trẻ con” thực sự là một đứa trẻ cao tuổi", Phạm Tiến Duật là "nhà truyền giáo vĩ đại có khả năng thôi miên hàng triệu người. . . "

          Phải nói rằng những chân dung vẽ bằng văn xuôi này và cả những chân dung bằng thơ của Xuân Sách mà một thời bị coi như "một tiếng bom” giúp cho bạn đọc nhìn nhà văn trực tiếp, cụ thể và sinh động và từ nhiều góc độ hơn là cách chiêm ngưỡng họ gián tiếp qua những trang văn họ viết.

 

  1. Về chân dung tự hoạ

 Để các nhân vật vào tranh không phải băn khoăn, và cũng để bạn đọc độ lượng với cách vẽ có khi tếu táo của mình, Trần Đăng Khoa đã treo chềnh ềnh bức tranh tự hoạ ở ngay lối vào phòng tranh. Bức tranh vẽ sơ lược bằng ngòi bút biếm hoạ và cỡ tranh thì nhỏ xíu. Nhớ bài thơ "Khi mùa thu sang “Trần Đăng Khoa có hai câu độc đáo:

                             Bạn nhỏ cưỡi trâu về ngõ

                             Tự mình làm nên bức tranh

Chính Trần Đăng Khoa khi vẽ chân dung mọi người, tự mình đã làm nên bức tranh Trần Đăng Khoa "đồ sộ “không kém bức tranh nào. Trần Đăng Khoa trẻ con. Trần Đăng Khoa người lớn. Trần Đăng Khoa ở Nga. Trần Đăng Khoa sang Mĩ. Trần Đăng Khoa nói chuyện với mọi người. Trần Đăng Khoa đối thoại với ma, với hổ. Cậu bé nhà quê mặt mũi đen nhẻm xấu xí, áo quần nhếch nhác, nhem nhuốc (tr40). Sang Nga cậu cũng không khá hơn được mấy tí "Một củ hành tây bên trên loà xoà những lá, còn ở dưới thì lờ phờ mấy cái rễ xoăn xoeo". Cái mặt được Lê Lựu biếm hoạ:” Còn cái mặt chú í a, ta nói chú đừng tự ái nhé, nó ngay thuồn thuỗn như mặt ngỗng ỉa” (tr. 96). Bị Xuân Diệu thuyết cho thì "im tịt chẳng nói được gì” nhưng cũng biết "cười xuế xoá” làm cho Xuân Diệu vui và khiến cho ông "ớ ra” khi đang tử hình trường ca. Rồi Trần Đăng Khoa ọ ẹ nói tiếng Nga. Trần Đăng Khoa "cười khụt khịt” như một lão dở người. Trần Đăng Khoa tròn mắt kinh hãi. Trần Đăng Khoa lập tổ hợp sản xuất thơ Việt Mĩ. Trần Đăng Khoa loong toong chạy ra chạy vào cho bếp núc thêm phần rôm rả. . . Nhân vật Trần Đăng Khoa là trung tâm của phòng tranh. Đó cũng là một thành công đáng kể.

         

          Chẳng rõ là sau một loạt những tranh nổi tiếng vẽ bằng lời như thế, liệu Hội Mĩ Thuật nước nhà có ý định kết nạp Trần Đăng Khoa làm hội viên hay không ?


Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)