MAI ANH VỀ
Vũ Thanh Tùng
Mai anh về cố đô ngàn tuổi
Dòng Sào Khê con nước yên bình
Gặp lại em Tràng An xuôi mái
Ngân điệu chèo ngọt giọng môi xinh
Mai anh về Kỳ Lân Dục Thúy
Cánh chim xanh dòng Đáy dịu dàng
Ngọc Mỹ Nhân mơ màng tỉnh thức
Xôn xao chiều sóng nước Vân Giang
Mai anh về Thung Nham Tam Cốc
Dải Ngô Đồng lúa đã vàng ươm
Con đò nhỏ tay chèo như múa
Cánh cò chao chiêù nắng xâu cườm
Mai anh về Biện Sơn Tam Điệp
Cửa Thần Phù sóng vỗ nôn nao
Còn vang tiếng voi gầm ngựa hí
Hoàng đế Quang Trung ra Bắc xuân nào
Mai anh về rừng già nguyên thủy
Động Người xưa trầm tích quê nhà
Hương hoa cúc mùa thu nồng đượm
Nghe vẳng buồn điệu hát thánh ca
Mai anh về Vân Long, Địch Lộng
Nước mênh mang sen súng bạt ngàn
Nghe tiếng sáo ngàn xưa còn vọng
Bức tranh thần* đợi nước mưa chan
Mai anh về Bãi Ngang Cồn Nổi
Viếng thăm đền người mở đất năm xưa**
Nhà thờ đá mắt em thăm thẳm đợi
Sông Ân ngọt ngào chẳng kể nắng mưa
Mai anh về rồi anh ở lại
Làm rể hiền sông núi Hoàng Long
Miền đất nhỏ tình người thắm mãi
Gái cố đô sau trước vẹn lòng.
* Trong hang khu du lịch Địch Lộng, có một bức tranh chỉ hiện lên khi có nước chảy tràn qua kể về cảnh người ta phạm tội bị đày xuống địa ngục.
** Đền thờ Nguyễn Công Trứ người có công chiêu dân mở đất Kim Sơn, Tiền Hải.
Lời bình của Nhà thơ Trần Trọng Giá
Bài thơ “Mai anh về” của tác giả Vũ Thanh Tùng là một bản tình ca dịu dàng, vừa hoài niệm, vừa chứa đựng tình yêu sâu đậm với mảnh đất Ninh Bình - cố đô Hoa Lư ngàn ngàn năm văn hiến. Bài thơ cũng có thể được gọi là câu chuyện kể bằng thơ về đất và người Ninh Bình. “Mai anh về” được tác giả sử dụng điệp ngữ, được nhắc lại qua từng khổ thơ như dẫn dắt người đọc, không chỉ là hình ảnh mà còn thấy có cả âm thanh xao động, không chỉ là lời hứa hẹn của người con xa xứ sẽ trở về quê hương mong được làm chàng rể đất Ninh Bình, mà còn là những cảm xúc chân thành, đầy chất thơ, kết hợp hài hòa giữa tình yêu đôi lứa và tình yêu quê hương Ninh Bình, một mảnh đất đầy trầm tích lịch sử, văn hóa.
Bài thơ “Mai anh về” cũng là một lần nhắc nhở tôi, người con của quê hương Ninh Bình hãy trở lại dòng chảy của lịch sử. Ở thế kỷ X, vùng đất Hoa Lư được người dân nước Việt, được vua Đinh Tiên Hoàng chọn làm nơi xây dựng kinh đô. Và từ đó, lịch sử Ninh Bình với văn hóa Hoa Lư đã tạo dấu mốc quan trọng khơi mạch nguồn hình thành văn minh Đại Việt. Đi suốt chiều dài lịch sử, điểm lại những di sản văn hóa trên đất Ninh Bình cho chúng ta thấy được bức tranh văn hóa của ông cha để lại đa sắc màu, lắng sâu hồn sông núi. Dấu tích thành quách xưa cùng hàng ngàn công trình kiến trúc, các di vật, di văn bia đá đang thi gan cùng tuế nguyệt. Ở một góc độ nào đó, tôi nghĩ tác giả Vũ Thành Tùng không chỉ nói “Mai anh về cố đô ngàn tuổi” mà tác giả đang “chép sử bằng thơ”.
Ngay từ những câu thơ đầu tiên, Vũ Thanh Tùng gửi gắm tình cảm bằng hình ảnh dòng Sào Khê hiền hòa, những con nước yên bình đã gợi lên một không gian thanh bình, cổ kính của vùng đất cố đô. Ninh Bình hiện lên như một bức tranh thủy mặc sống động: từ dòng Sào Khê, Tràng An, Kỳ Lân Dục Thúy, Thung Nham Tam Cốc, Biện Sơn Tam Điệp đến rừng già nguyên thủy, động Người xưa, Vân Long, Địch Lộng. Mỗi địa danh đều mang một dấu ấn lịch sử, một nét đẹp riêng khiến lòng người đọc thêm xao xuyến, bồi hồi.
Mai anh về cố đô ngàn tuổi
Dòng Sào Khê con nước yên bình
Gặp lại em Tràng An xuôi mái
Ngân điệu chèo ngọt giọng môi xinh
Tác giả Vũ Thanh Tùng khéo kết hợp hài hòa giữa hình ảnh thiên nhiên và con người. Hình ảnh con người hòa quyện cùng thiên nhiên một cách tinh tế.
Mai anh về Thung Nham Tam Cốc
Dải Ngô Đồng lúa đã vàng ươm
Con đò nhỏ tay chèo như múa
Cánh cò chao chiêù nắng xâu cườm
Người đọc có thể cảm nhận được điều đó qua những câu thơ như “Gặp lại em Tràng An xuôi mái / Ngân điệu chèo ngọt giọng môi xinh” hay “Con đò nhỏ tay chèo như múa / Cánh cò chao chiều nắng xâu cườm”. Sự xuất hiện của con người, đặc biệt là hình ảnh người con gái Ninh Bình, không chỉ làm cho cảnh sắc thêm sinh động mà còn tượng trưng cho vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm của những người con gái nơi đây.
Mai anh về Bãi Ngang, Cồn Nổi
Viếng thăm đền người mở đất năm xưa
Nhà thờ đá mắt em thăm thẳm đợi
Sông Ân ngọt ngào chẳng kể nắng mưa
Bài thơ còn là lời tỏ tình chân thành của chàng trai dành cho người con gái nơi cố đô. Đó không chỉ là tình yêu đôi lứa mà còn là lời thề hẹn gắn bó suốt đời với mảnh đất quê hương: “Mai anh về rồi anh ở lại / Làm rể hiền sông núi Hoàng Long”. Tình yêu này được tác giả gửi gắm bằng trái tim qua sự miêu tả về vẻ đẹp của thiên nhiên và những nét văn hóa độc đáo của vùng đất Ninh Bình, khiến cho tình yêu ấy trở nên thật trọn vẹn và sâu sắc.
Mai anh về của Vũ Thanh Tùng không chỉ nói về tình yêu mà còn sâu đậm âm hưởng lịch sử và văn hóa. Những địa danh lịch sử như Biện Sơn, Tam Điệp, Cửa Thần Phù hay câu chuyện về Hoàng đế Quang Trung, động Người xưa... được tác giả khéo léo lồng ghép vào bài thơ, làm cho tác phẩm không chỉ mang tính chất trữ tình mà còn giàu giá trị lịch sử. Những hình ảnh này giúp người đọc cảm nhận được chiều sâu văn hóa và lịch sử của Ninh Bình, từ đó thêm yêu mến và trân trọng mảnh đất này.
Bài thơ khép lại bằng lời hứa của người con xa quê sẽ quay trở về và gắn bó mãi mãi với mảnh đất Hoa Lư:
Mai anh về rồi anh ở lại
Làm rể hiền sông núi Hoàng Long
Miền đất nhỏ tình người thắm mãi Gái cố đô sau trước vẹn lòng.
Lời hứa ấy không chỉ là tình yêu đôi lứa mà còn là sự gắn bó máu thịt với quê hương, với miền đất đã nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nên con người luôn hướng về nguồn cội.
Có thể nói, “Mai anh về” là một bài thơ đẹp, giàu cảm xúc. Tác giả đã dùng những hình ảnh mộc mạc, giản dị, gần gũi nhưng vô cùng sống động để vẽ nên một bức tranh Ninh Bình vừa trữ tình vừa giàu bản sắc văn hóa, khiến người đọc không khỏi rung động trước những tình cảm chân thành đầy sâu lắng qua từng câu thơ của tác giả Vũ Thanh Tùng.