TRỞ LẠI MIỀN XƯA
Bút kí của Vũ Nho
Ôi Cao Vân, Phú Minh, Quảng Nạp
Trái tim ta đập ở Thái Nguyên.
( Nguyễn Đình Thi - Quê hương Việt Bắc)
Trong đợt công tác của Chi hội nhà văn Giáo Dục lên Thái Nguyên, rất tự nhiên, câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi trong bài “Quê hương Việt Bắc” âm vang lên trong trí nhớ của tôi. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi chỉ ở Việt Bắc trong chín năm kháng chiến. Còn với tôi, Thái Nguyên, Việt Bắc là cả thời sinh viên 4 năm ở rừng Đại Từ, một thời trẻ trung 10 năm làm cán bộ giảng dạy khoa Ngữ Văn ở khu Mỏ Bạch, có sơ tán lên Phú Lương và Định Hóa ít ngày. Và 2 năm 1984-1986 sau khi ở Nga về lại khoa. Ấy là chưa kể khi đã về Hà Nội, tôi vẫn quay lại Thái Nguyên trong các đợt tập huấn thay sách, các đợt chấm thi giáo viên giỏi THCS, THPT, các đợt dạy chuyên đề cho lớp Thạc sĩ và chấm luận văn; các dịp kỉ niệm thành lập khoa, thành lập trường ĐHSP Việt Bắc, nay là ĐHSP Thái Nguyên. Thái Nguyên cũng là nơi tôi bắt đầu viết văn, dịch sách. Các bạn viết của tôi là các nhà văn Vi Hồng, Ma Trường Nguyên, Hồ Thủy Giang, Trịnh Thanh Sơn, Hoàng Minh Tường, Hà Đức Toàn, Nguyễn Đức Thiện, Đoàn Thị Ký,… sau này là Trần Thị Việt Trung, Ngô Gia Võ, Nguyễn Thúy Quỳnh, Nguyễn Đức Hạnh,… Các nhà nghiên cứu có thầy Phạm Luận, thầy Vũ Châu Quán, anh Lâm Tiến, GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, GS.TS. Lộc Phương Thủy, PGS.TS. Nguyễn Huy Quát, PGS. TS. Nguyễn Văn Lộc, GS. TS. Vũ Anh Tuấn, TS. Ngô Văn Thư,… và rất nhiều các PGS.TS. của khoa Ngữ văn, một khoa mạnh của trường trước kia cũng như bây giờ. Bởi vậy mà Thái Nguyên luôn ăm ắp trong tôi.
Tôi được phân công làm trưởng nhóm 4 người gồm tôi và nhà văn Vũ Bình Lục, nhà thơ Hoàng Việt Hằng, nhà thơ Minh Thắng (dân Nghệ An, sau khi đi bộ đội về học khóa 13 khoa Vật lí ĐHSP Việt Bắc, ra trường, công tác ở Đại học Nông lâm Thái Nguyên).
Kể từ cái ngày tôi gặp bạn Đào Hữu Lượng rồi hai chàng lên nhập học theo con đường từ Bờ Đậu vào Đại Từ đến hôm này trở lại miền đất xưa vừa chẵn 53 năm, tức là hơn nửa thế kỉ. Chỉ dăm năm cảnh vật đổi thay đã không nhận ra được, huống là sau hơn năm mươi năm. Không còn nhà hắt hiu lau xám, không còn đường đất đỏ bụi. Đường nhựa phẳng lì. Chiếc xe của sở Xây dựng nghe nói giá cũng hơn 2 tỉ do chú Giang lái chạy êm ru. Chúng tôi đến phòng Giáo dục huyện Đại Từ, gặp trưởng phòng Trần Đức Minh và phó trưởng phòng Vũ Thị Bích Hường. Cô Hường có xe ô tô, nhà ở thành phố Thái Nguyên, đi về trong ngày. Có lẽ quãng đường đi của cô Hường từ ngày có xe phải dài gấp vài lần xuyên Việt từ Lũng Cú tới Cà Mau. Anh Trần Đức Minh học ở khoa Vật Lí khóa 27 có vợ là cô giáo môn Văn, Lê Lan Hương. Anh Minh hồ hởi mách lần trước nhà văn Chu Thị Thơm cựu giáo viên Văn trường THPT Đại Từ tặng sách, có nhiều cuốn của các thầy cô trong Đoàn, làm chúng tôi rất vui.
Theo yêu cầu của Đoàn công tác, chiều ngày 1 tháng 4, chúng tôi đi ven sườn Tam Đảo, thăm hồ Vai Miếu, qua đền thờ Tể tướng Lưu Nhân Chú, qua nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên, ghé công ti chè Hà Thái, và bất ngờ thăm công ti chè tư nhân Tuất Thoi có sản phẩm nổi tiếng mà nhà thơ Hoàng Việt Hằng là một khách quen. Hóa ra nhà thơ kiêm nhà báo Hoàng Việt Hằng còn rành rẽ Đại Từ hơn cả tôi. Hồ Vai Miếu chính là do Hoàng Việt Hằng đề nghị ghé thăm vì trước đã đến một lần. Con hồ khá đẹp thuộc xã Kí Phú, nơi khoa Văn trường Đại học Tổng hợp ngày xưa sơ tán. Đang mùa nước cạn nên từ đập xuống thuyền máy khá dốc. Chúng tôi được cô Nguyễn Thị Hằng cho đi vòng quanh hồ. Một cơ sở nuôi cá lồng trên bè khá quy mô. Bờ hồ có ngôi “biệt thự” của vợ chồng cô Hằng rất đẹp và thơ. Hai vợ chồng và 2 cậu con trai, một cháu lớp 9, một cháu lớp 3 sáng nào cũng đi học bằng thuyền máy. Chúng tôi lên thăm nhà. Cô Hằng vui vẻ giới thiệu máy vò chè, máy sấy chè của gia đình mới sắm. Tầng hai của ngôi nhà sắp hoàn thiện việc lát sàn. Sẽ là nơi cho khách du lịch thăm hồ ăn uống. Chắc là nhà thơ Hoàng Việt Hằng sẽ làm thơ hoặc viết báo về nơi này.
Sau khi rời hồ, chúng tôi đi qua núi Võ, nơi có đền thờ Tể tướng Lưu Nhân Chú. Nơi đây mới diễn ra Lễ tưởng niệm 585 năm ngày mất của ông và 560 năm ngày mất của Đại tướng – thái úy Lưu Trung. Núi Văn, núi Võ đã từng vào thơ của nhà thơ Hà Đức Toàn. Và Tể tướng Lưu Nhân Chú đã vào sách của nhà văn Hồ Thủy Giang. Nhà văn Vũ Bình Lục người rất mê sử nói cho chúng tôi nghe về vị tướng lừng danh này. Bạn Phong, cán bộ của phòng Giáo dục nói thêm cho chúng tôi biết về vị trí núi Văn, bãi quần ngựa và hồ tắm ngựa gắn liền với khu đền thờ.
Theo anh Nguyễn Anh Từ, người từng 21 năm giữ chức Phó Chủ tịch phụ trách Văn- Xã của huyện, thì Đại Từ có đến 69 di tích văn hóa, lịch sử. Quả là rất nhiều. Xe đi một đoạn thì chúng tôi đến nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên năm 1936 ở xã La Bằng. Đây là di tích Lịch sử quốc gia. Và điều lí thú là La Bằng hiện là vùng chè Thái ngon nhất cùng với thương hiệu chè Tân Cương.
Không may cho chúng tôi là khi đến công ti chè Hà Thái trên đất La Bằng thì cô phụ trách bán hàng và giới thiệu sản phẩm đã nghỉ. Chỉ có bác bảo vệ hồ hởi mời thưởng thức chè. Chúng tôi xem khu vườn chè. Từng chụp ảnh các cụ chè cổ thụ hơn hai trăm tuổi trên Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái, nên tôi ngạc nhiên với các “cụ” chè 200 tuổi, 150 tuổi thấp lùn nhiều thân nhỏ nơi đây. Tôi hiểu sự khác biệt giữa các “cụ” chè mọc tự nhiên và chè “đốn” ở La Bằng.Và tôi còn vô cùng ngạc nhiên về nhà thơ Hoàng Việt Hằng. Hóa ra chị là một “chuyên gia” về chè ngon. Chỉ cầm chè trong tay đã có thể nói về độ ngon cỡ nào. Chị kể về công thức “ Nhất nước, nhì pha, tam trà, tứ ấm” và khoe ấm “Tử sa” mua ở bên Tàu, cùng bí quyết chuẩn bị nước, cách pha thế nào để có ấm chè ngon. Thế mới biết ẩm thực cũng lắm công phu! Bất ngờ chúng tôi nhìn thấy biển của công ti “Tuất Thoi”. Cả nhóm rẽ vào để xem quy trình làm chè. Anh Tuất nhận ra vị khách quen Hoàng Việt Hằng ở Hà Nội mà công ti anh thường “ship” chè.
Anh Tuất hồ hởi chỉ cho chúng tôi xem hàng loạt máy vò chè đang làm việc và máy sấy chè. Ngày xưa vò chè bằng tay, rồi đi cấy, tay đen nhẻm đến mức về phố phải giấu tay đi. Bây giờ có máy làm. Người làm chè đỡ vất vả rất nhiều. Máy sấy của nhà anh đốt bằng ga nên rất sạch sẽ. Đóng gói, hút chân không tại nhà. Sản phẩm chè Tuất Thoi từng nhận cúp vàng 10 làng chè ngon nhất tỉnh Thái Nguyên, Giải Văn hóa chè Việt Liên hoan Trà quốc tế lần thứ nhất 2011, Giải Thực phẩm Việt vì sức khỏe người Việt 2012. Nhâm nhi chén trà thơm, chúng tôi nghe anh kể về cố gắng thu mua chè để có chè ngon xuất đi khắp cả nước. Tôi hiểu rằng người nông dân Đại Từ đã biết cách làm giàu ngay trên quê hương mình. Chỉ qua việc làm chè, tôi biết đời sống của người dân Đại Từ đã rất khác thời chúng tôi học ở trong rừng.
Hôm sau chúng tôi qua trường THPT Đại Từ. Đây là ngôi trường mà năm 1969, tôi cùng nhóm bạn gồm Phạm Đức Thông, Trần Trung, Lê Trung Lập và Trần Văn Phi đã về thực tập sư phạm. Tôi có may mắn dạy em Hoàng Hạnh Phúc con của GS Hoàng Như Mai, và em Nguyễn Thị Nam Hoa, con của GS Nguyễn Tài Cẩn. Bây giờ không còn thấy một dấu vết nào của ngôi trường cấp 3 trong chiến tranh. Tôi thấy các em học sinh lớp 10 khá cao lớn, như học sinh thành phố. Các thầy cô giáo có hơn 10 chiếc ô tô để đi lại. Một số thầy cô không sắm ô tô vì nhà gần. Nhà trường có sân bóng, bể bơi, nhà tập đa năng, thư viện 5000 đầu sách. Học sinh đang chuẩn bị cho “Ngày hội đọc sách”. Theo thầy Trần Tùng Sơn, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường ( Hiệu trưởng mới được điều về làm Hiệu trưởng trường chuyên ở Thái Nguyên), nội dung của ngày hội phong phú gồm chuyển thể tác phẩm thành hoạt cảnh, vẽ tranh minh họa, xếp hình, ngâm thơ,…Học sinh các khối lớp rất hào hứng tham gia.
Trường cấp 3 Đại Từ xưa tôi thực tập quy mô nhỏ, học sinh không đông. Năm 1961 mới có 1 lớp 8 gọi là lớp “nhô”. Khi tôi thực tập sư phạm năm 1969 trường mới có 7 lớp. Nay trường thuộc loại lớn nhất tỉnh Thái Nguyên với 45 lớp, 1672 học sinh, 109 giáo viên. Trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2012. Trường có hơn 40 giáo viên giỏi cấp tỉnh, hàng trăm giải học sinh giỏi cấp tỉnh mỗi năm, nhiều năm có giải học sinh giỏi quốc gia. Không chỉ có một trường THPT, hiện nay Đại Từ có thêm 2 trường khác là Nguyễn Huệ và Lưu Nhân Chú. Ba trường THPT có 111 lớp và 4523 học sinh. Tương lai sẽ xây dựng THPT Đội Cấn để chia sẻ sự quá tải với THPT Đại Từ. Trung tâm giáo dục thường xuyên có 355 học viên theo học. Các con số cho thấy dân trí của một huyện miền núi phát triển như thế nào.
Nhà thơ Hoàng Việt Hằng và nhà thơ Minh Thắng đến thăm một trường xa thị trấn Hùng Sơn. Tôi cùng nhà văn Vũ Bình Lục được thầy Trần Tùng Sơn đưa qua thăm “ Khu di tích Lịch sử quốc gia 27 tháng 7”. Khu di tích này toạ lạc trên khu đất rộng hơn 20.000 m2 thuộc tổ dân phố Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn. Nơi đây, ngày 27 tháng 7 năm 1947, trong ánh đuốc dưới gốc đa, hơn 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân họp mặt để nghe công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận sự ra đời của ngày Thương binh - Liệt sĩ toàn quốc. Trên tấm bia đá khắc đoạn tích bức thư, tôi chú ý dòng chữ “ Ngày 27 tháng 7 là dịp để đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh… Tôi xin xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, 1 tháng lương của tôi, 1 bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại phủ chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127 Đ 00)”.
Chính giữa khu là đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các liệt sĩ. Năm 2007, chân hương thờ các anh hùng liệt sĩ từ các nghĩa trang khắp cả nước về đây đã được rước về đây.
Phía bên trái là đền thờ Tiến sĩ Đồng Doãn Khuê người làng Bàn Cờ, đỗ Tiến sĩ năm 1736. Bên phải là đền thờ hai vị công chúa Mai Hoa và Quế Hoa có công với dân làng. Nhà văn Vũ Bình Lục đoán rằng có thể đây là hai vị công chúa thời Lý.
Khu di tích 27 tháng 7 càng có thêm ý nghĩa khi gắn liền với đền thờ danh nhân văn hóa của địa phương.
***
Nhà thơ Chế Lan Viên có câu thơ nổi tiếng:
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!
Tôi đã ở rừng, được rừng và người Đại Từ đùm bọc chở che 4 năm thời kháng chiến chống Mĩ, được Thái Nguyên nuôi dưỡng những năm đẹp nhất của cuộc đời một con người. Vì thế mà “Trái tim ta đập ở Thái nguyên”, và Thái Nguyên đã hóa tâm hồn tôi rất lâu rồi.
Thật sung sướng và xúc động bồi hồi khi được quay trở lại mảnh đất xưa và chứng kiến sự đổi thay kì diệu của Đại Từ. Góp phần quan trọng vào sự đổi thay lớn lao đó là cán bộ, đảng viên, người dân Đại Từ, trong đó có những thầy cô giáo đồng nghiệp, học trò của chúng tôi lặng lẽ, âm thầm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục - sự nghiệp trồng người.
Hà Nội, 6/4/2019
Người gửi / điện thoại