bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 17
Trong ngày: 489
Trong tuần: 1259
Lượt truy cập: 774025

TRUYỆN CỦA VŨ THIỆN KHÁI

THÀY GIÁO LÀNG

THUỞ ẤY

 

 TRUYỆN NGẮN CỦA VŨ THIỆN KHÁI

 

nh_v_thin_khi_1

 
  

 


     N hững thày giáo làng ngày ấy của chúng tôi bây giờ, đã ngự trên mấy tầng mây thăm thẳm. Xa cách với chúng tôi vô tận vô cùng. Con người ta nếu có tái sinh, chập trùng như vậy, kiếp sau cũng khó mà gặp lại. Bây giờ cứ nhớ đến các thày là chúng tôi muốn ứa nước mắt rồi. Chúng tôi, một thế hệ cùng làng được sinh cùng năm 1945. Đứa trước, đứa sau cũng chỉ cách nhau vài ba tuổi. Trước các thày, chúng tôi luôn là những đứa trẻ con, dù đã là đại tá, nhà văn, thủ trưởng cơ quan cấp tỉnh, những ông già của một bầy cháu chắt gái trai nội ngoại.

Gọi là thày giáo làng vì họ là những người làng. Có khi cùng chung họ mạc, hàng năm cùng ngồi một chiếu ăn giỗ Tổ với nhau. Buổi sáng cầm viên phấn, cái thước bảng, buổi chiều thày xắn quần lội ruộng cầm cuốc, cầm cày. Những năm chúng tôi cắp sách đến lớp học đầu đời, làng chúng tôi còn bị o ép trong vùng tề ngụy. Cách làng một cây số giặc đóng đồn Xanh. Đêm ngày lính Tây, lính ngụy đi ba tui rầm rập. Bên kia sông Đáy là vùng tự do khu Bốn. Xa xa nữa là chiến khu Việt Bắc - Thủ đô gió ngàn. Hàng ngày trong lớp học, thường có tiếng bom ì ầm nơi chân trời nào đó vọng về, lẫn tiếng thày giảng bài. Có lúc lời thày bị tiếng máy bay bà già bay qua mái nhà át đi. Thời ấy, chưa làng nào có trường học. Lớp vỡ lòng của chúng tôi là nhà của thày. Chúng tôi ngồi phệt xuống nền nhà, kê cánh cửa làm bàn học. 

Người thày đầu tiên của tôi là cụ Binh Tuyền. Cụ có mấy năm đăng lính đánh trận tận bên Châu Phi. Hết thế chiến thứ nhất, cụ được giải ngũ về làng. Hai đồng ngũ cùng quê với cụ trở về, bằng hai cái tên trong tấm giấy tri ân của mẫu quốc Pháp. May mắn cụ sống sót. Khi mở lớp dạy vỡ lòng, cụ đã lên hàng cao tuổi, lông mày, mái tóc cùng bạc trắng, râu dài như râu tiên ông. Nhưng tiếng cụ sang sảng như thời tại ngũ cụ ưỡn ngực hô ắc ê ắc ê. Ở chung với Tây mấy năm, cụ có thói quen hay chêm vào mấy tiếng bồi. Dạy chúng tôi đánh vần a b c và tập viết, tập đọc, ai đọc đúng âm, viết chữ đẹp được cụ ré boòng luôn miệng. Chúng tôi hiểu cụ khen tốt tốt, thích lắm. Buổi nào cụ cũng day đi day lại một câu: Nét chữ tính cách người, hàng có ngay thẳng, nét có cứng cáp, sách vở không lấm lem mới nên người sạch sẽ đoan chính, làm việc không cẩu thả. Nên cụ rèn chúng tôi tập viết kỹ càng, nghiêm ngặt lắm. Sai sót một chút, dây mực vào trang giấy là bị úp bàn tay lên mặt bàn, để cụ ghè một thước kẽ. Có đứa bị ghè ba bận một buổi học. Đứa nào sai liên tục, cụ cho bạn viết đẹp nhất cầm thước ghè thay cụ. Cùng lớp có anh Kếu, hơn bọn chúng tôi ba bốn tuổi, cao Kều to xác mà học dốt nhất lớp, bị mấy bạn theo lệnh cụ thi hành hình phạt đỏ nhỡn mu bàn tay. Lúc ra về, cách xa cổng nhà cụ một chút, liền bị anh lấy thước ghè trả lại. Đứa nào cũng sợ. Sau này anh về xã làm hiệu trưởng cấp một, viết chữ lên bảng đẹp như chữ in, cả trường đều thán phục. Biết thấm thía ơn thày thì cụ giáo đã thành mây trắng tự lâu rồi. Giỗ cụ, có năm chúng tôi về đầy đủ, anh Kếu rơm rớm nước mắt nói giữa đồng môn nhờ thày mới được như vầy.

Lớn hơn một chút, vài chục đứa cùng làng chúng tôi phải đến học ở trường hàng tổng. Một tổng to bằng mấy xã bây giờ, mà chỉ có một trường tiểu học với ba phòng học. Trường chỉ dạy đến lớp ba. Năm học lớp năm (lớp một bây giờ) chúng tôi được học thày giáo Huỳnh. Thày Huỳnh là hương sư ăn lương nhà nước. Nhưng cũng là người trong làng. Dáng thày cao dong dỏng, cử chỉ nho nhã. Học trò mắc lỗi to nhỏ thế nào thày chỉ nhỏ nhẹ dạy bảo, chưa bao giờ đánh một ai. Ngày ấy, ngay từ lớp năm chúng tôi đã phải học tiếng Pháp rồi. Tận bây giờ tôi còn nhớ như in giọng thày đọc léc tuya bổng trầm như hát. Cuối buổi học thày thường giữ chúng tôi ở lại vài chục phút. Thày kể chuyện lịch sử oanh liệt của nước ta. Chuyện chiến thắng Chi Lăng, Bạch Đằng khiến giặc ngoại xâm bạt vía. Chuyện Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc bán nước cầu vinh. Lúc thày nói lâm ly tha thiết, lúc ào ào giận dữ như mắng sả vào mặt ai đó. Tùy lúc, thày biến hóa thành hai con người. Người yêu thương rủ rỉ với học trò. Người phẫn nộ căm ghét quân Việt gian phản phúc. Chẳng biết nguồn cơn nào, chưa dạy chúng tôi được hết niên khóa thì thày bị phát bệnh điên. Thời ấy đang kháng chiến, chẳng có điều kiện chạy chữa, bệnh thày ngày một nặng. Nhà thày ở cuối làng. Nhà tôi ở đầu làng. Sáng nào, chiều nào tôi cũng thấy thày lặng lẽ đi qua cổng nhà tôi, tóc rối bời dài chấm vai. Nhưng áo quần sạch sẽ phẳng phiu như ngày còn dạy học. Ngày còn đứng lớp, thày hay ngửa mặt nhìn lên trần nhà, cười lặng lẽ. Bây giờ bị điên rồi, thày vẫn vậy, hai tay đút túi áo, ngửa mặt thẫn thờ ngó ngọn tre hai bên đường, miệng không ngớt cười không ra tiếng. Có lần nhận ra tôi, thày đứng lại gọi tên, bảo đọc một đoạn bài ngày khai trường trong cuốn tập đọc Pháp văn. Tôi đứng giữa đường khoanh tay đọc một lèo. Thày xoa đầu tôi nói xà và biêng xà và biêng rồi cho điểm vanh xuyếch vanh. (chào em, tốt, hai mươi trên hai mươi), theo thang điểm hai mươi, không phải mười như bây giờ. Thày điên dại mà hiền. Vậy mà thày chết thảm. Sáng ấy lính Tây đồn Xanh phục kích trong đê phía bến đò chờ Việt minh qua sông, chẳng biết thày có biết không. Nhân lúc ấy có mấy con trâu nhà ai thả ăn cỏ sớm, thày chạy ra quất roi túi bụi lùa trâu vào đám lính Tây, chúng hốt hoảng bắn loạn xạ, trâu chết, thày cũng bị găm nhiều vết đạn. Sau hòa bình 1954, thày được ghi nhận chiến công vì đã cứu được đoàn cán bộ cao cấp của Trung ương về chỉ đạo kháng chiến. Sự kiện này có ghi trong sử địa phương.

Thày giáo Đan dạy chúng tôi năm lớp tư. Nhà thày cùng xóm với nhà tôi, là hương sư như thày Huỳnh. Ở thày Đan, chúng tôi được truyền thụ lòng yêu nước, kính trọng Việt Minh một cách rất đặc biệt. Y hệt Thày Huỳnh, hầu như buổi học nào thày cũng dành ra ít phút kín đáo kể những chuyện núi, chuyện rừng trên Việt Bắc. Ở đấy là chiến khu, có bộ đội Cụ Hồ kháng chiến. Qua lời thày, chúng tôi hình dung hình ảnh các anh bộ đội vô cùng đẹp đẽ. Tự dưng trong tâm khảm còn non nớt, chúng tôi mơ hồ cảm thấy có một tình yêu thiêng liêng hơn tình yêu cha mẹ đang lớn dần dần. Kháng chiến chín năm chống Pháp vào giai đoạn cuối, thày hy sinh trong một trận Tây càn vào làng. Có tên Việt gian chỉ điểm thày là Việt Minh. Giặc tìm được hầm bí mật của thày. Thày nhất quyết không chịu chui lên cho chúng bắt, cũng không thằng nào dám chui xuống hầm. Chúng dã man chất rơm đốt miệng hầm, rồi quạt gió cho thốc lửa khói vào sâu dưới ấy. Thày bị thiêu cháy. Sau khi giặc rút đi, dân làng chạy đến cứu, lôi được thày lên thì da thịt thày đã nứt nở như khoai bở. Cả làng cùng khóc.

Nửa năm 1954, kháng Pháp thành công, chúng tôi mới biết thày giáo Đan là Bí thư Chi bộ làng. Cả thày Huỳnh cũng là đảng viên cộng sản. Còn vài thày giáo làng, mà chúng tôi được học những năm tiểu học, như là thày giáo Can, sau này là Trưởng ty Giáo dục tỉnh, thày giáo Thu là Chủ tịch huyện. Phần lớn những thày giáo làng của chúng tôi thời ấy đều là Việt Minh, đều là cộng sản trong bóng tối. Chả trách nào mà nhân cách các thày, tinh thần các thày hết thảy đều là những tấm gương sáng chói trong lòng học trò chúng tôi, trong lòng nhân dân, làng xóm. Có thể tự hào nói không chút hổ thẹn rằng, hầu hết vài chục anh em đồng môn chúng tôi, may mắn được thụ giáo các thày đã đi suốt cuộc đời, luôn là những người tử tế. Ngày nay, chúng tôi còn lại gần chục đứa. Dăm đứa hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ. Dăm đứa bệnh già đã đi theo hầu hạ các thày. Nếu còn sống cả, chúng tôi đã vào tuổi bẩy mươi rồi. Nhìn lại, hầu hết không có ai vướng vào tù tội, xấu xa hèn hạ. Phải chăng sự tinh khiết của các thày, đã bảo vệ cho chúng tôi giữ được trong sáng, trên những đoạn đời người khuất khúc?

Bài viết còn nhiều sơ lược này, xin coi là nén tâm nhang của anh em đồng môn chúng tôi, kính dâng hương hồn các thày đang ở trên trời xanh thắm.

 

Viết nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

 anh_chuan_5

       

 

 

  

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)