bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 11
Trong ngày: 252
Trong tuần: 1158
Lượt truy cập: 632193

TRUYỆN NGẮN CẦM SƠN

CHUYỆN TÌNH NGƯỜI THỢ MỎ

                                                                            CẦM SƠN

 

 nh_cm_sn

NHÀ VĂN CẦM SƠN

 

Sau một ngày cán bộ công ty chỉ dẫn đi thăm khai trường mỏ Cao Sơn. Chúng tôi được bố trí tiếp xúc với một số cựu cán bộ, công nhân là những người có mặt ngay từ ngày đầu thành lập công ty. Tôi chú ý đến câu chuyện của cựu quản đốc công trường Xúc, Khoan Nguyễn Văn Chiến. Dẫu đã vào cái tuổi 72 nhưng thân hình ông vẫn to cao vạm vỡ, giọng nói sang sảng đầy khí lực. Ông kể:

Tôi được cử cùng một đoàn công nhân của các mỏ sang Liên Xô học tập một năm. Sau khi về nước thì được trưng dụng là một trong ba mươi hai người đầu tiên thành lập mỏ Cao Sơn này với cương vị quản đốc và làm Bí thư chi đoàn. Ngay lập tức sau đó, lãnh đạo mỏ lại tuyển dụng thêm công nhân nên chi đoàn thanh niên cũng có đến trên ba mươi người toàn nam thanh nữ tú. Ngày đầu thành lập, chưa có trụ sở, chưa có nơi ăn chốn ở, những công nhân xa quê phải ở nhờ nhà dân, còn tôi do nhà bố mẹ ở gần nên sinh hoạt cũng có nhiều thuận lợi. Thành lập mỏ là bắt tay ngay vào công việc, mỏ chúng tôi khai thác lộ thiên nên việc trước tiên là kéo điện vào mỏ, sau đó cùng chuyên gia Liên Xô lắp máy khoan, máy xúc để bóc đất đá. Buổi sáng 6 giờ xe đưa lên núi, buổi chiều cũng lại 6 giờ xe mới đưa về. Nước ngọt không có phải ra vịnh rửa ráy qua loa bằng nước biển. Bấy giờ có câu truyền miệng của thợ mỏ là: “Sáng ăn cơm tiệm, tối ra vịnh ngồi” …

Ông kể nhiều về kỷ niệm của những ngày đầu thành lập, những ngày khó khăn gian khổ nhưng từ lãnh đạo đến công nhân, ai ai cũng hăm hở, một lòng một dạ chung tay xây dựng mỏ. Tôi ghi chép đầy đủ nhưng lại quan tâm nhiều đến chi tiết về một tai nạn nghề nghiệp của ông. Ông kể:

Suốt cuộc đời làm việc của tôi, dù ở cương vị nào cũng luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Lãnh đạo mỏ rất quý mến không ai chê trách tôi điều gì. Nhưng có một chuyện làm cho tôi cứ áy náy, chênh chao, đeo đẳng mãi. Ấy là chuyện tai nạn của Trần Hồng Trung. Trung và tôi đều là những công nhân từ mỏ khác được đi học nghề bên Liên Xô rồi cùng về xây dựng mỏ từ những ngày đầu. Tôi được lãnh đạo mỏ phân công làm quản đốc Công trường Khoan còn Trung làm tổ trưởng phụ trách một máy khoan. Việc phân công này có lẽ là do tôi lớn hơn Trung ba tuổi thôi chứ lúc bấy giờ thì quản đốc với công nhân cũng cùng làm việc như nhau chứ chẳng có ai phân biệt là cấp trên, cấp dưới như bây giờ. Hôm ấy đầu dây điện ở ổ tiếp nối giữa cột với máy khoan bị đứt, cần cắt điện để nối lại. Cầu dao điện ở tận trên trạm biến áp trung tâm, nó cách xa hàng vài trăm mét mà trời thì nắng như đổ lửa. Vậy là Trung cử chú Lập là thợ phụ của Trung đi lên trạm biến áp cắt cầu dao điện. Ám hiệu an toàn là sau khi cắt xong cứ đứng lại dưới hộp biến áp. Nếu Trung nhìn thấy Lập đứng ở đấy là cầu dao đã được cắt điện. Không biết ma xui quỷ khiến thế nào lại có một cậu công nhân đi đâu qua đấy nhảy lên chỗ biến áp để nhìn ngắm khai trường. Các anh đã ra thăm khai trường thì thấy đấy, mặc dù có xe chở nước tưới liên tục nhưng khai trường vẫn cứ bụi mù bụi mịt, cộng với cái nắng chói chang như hoa cà hoa cải trước mắt thế, với cự ly vài trăm mét làm sao mà nhìn cho rõ mặt người. Trung thấy có người đứng ở đấy yên chí là Lập đã cắt cầu dao. Vậy là xảy ra tai nạn, vừa là do điện giật, vừa là bị ngã từ đỉnh cột điện xuống, Trung đã tử vong ngay tại chỗ. Cán bộ an toàn lao động, sở Lao động, cảnh sát hình sự đến điều tra. Tất nhiên trước tiên là người ta phải chất vấn lấy lời khai của Lập, sau đó là tôi rồi. Lập khai anh ta là phụ việc, máy chính sai gì thì làm thế thôi. Khi anh ta đi lên phía cột điện có cái biến áp còn cách khoảng non trăm mét thì thấy có một người cũng mặc quần áo công nhân đứng làm gì đó bên dưới cột điện có cái máy biến áp nhưng Lập cũng không để ý làm gì. Lúc lên đến nơi cắt cầu dao thì người ấy đã đi rồi nên không biết là ai. Khi cắt cầu dao xong nhìn xuống khai trường thấy người ta xúm xít chỗ máy khoan của mình nhưng cũng chưa biết là đã xảy ra việc gì. Còn tôi người ta chất vấn khi xảy ra vụ việc tôi đang ở đâu? Tôi khai là tôi đang ở trên khai trường nhưng là ở chỗ một mũi khoan khác, chỉ đến khi người ta phát hiện ra Trung bị tai nạn thì tôi mới biết. Thực ra nếu bình thường thì tôi không phải là người trực tiếp tham gia công việc để xảy ra tai nạn. Việc này chỉ có cậu Trung và cậu Lập là những người trực tiếp cấu thành nên sự việc gây ra tai nạn, người ta phải tập trung khai thác cậu Lập mới đúng. Tôi là quản đốc chỉ là trách nhiệm liên đới thôi. Nhưng người ta lại tập trung xoáy vào tôi. Cảnh sát hình sự gọi lên gọi xuống hỏi đi hỏi lại vặn vẹo chẳng đâu vào đâu, ví như: “Anh làm quản đốc, khi máy của công trường anh xảy ra sự cố, tại sao anh không có mặt ở đó để giải quyết?” Hoặc “Trời nắng gay nắng gắt thế mà tại sao lại xuất hiện một anh công nhân đứng ở chỗ nắng ấy làm gì?” Tôi đã trả lời là “Sự cố tầm ấy thì máy trưởng giải quyết được rồi, vả lại họ có báo cáo với tôi đâu mà tôi biết. Cả công trường có biết bao nhiêu cái sự cố khác chứ đâu phải chỉ có một cái sự cố ấy!” Và: “Đấy là việc của người ta, tôi làm sao biết được!”. Nhưng rồi lần sau triệu tập tôi họ vẫn lại hỏi lại những câu hỏi ấy. Tôi đã phải phát khùng quát lên là “Tôi đã trả lời rồi, các anh đừng hỏi những câu rớ rẩn như thế nữa có được không!”. Nhưng họ vẫn không tha làm đầu óc tôi vô cùng mệt mỏi. Cuối cùng thì họ cũng lộ ra là họ nghi tôi có liên quan bởi tôi và Trung lúc ấy cùng theo đuổi yêu một cô gái, cô ấy tên là Nguyễn Hồng Hạnh cũng là công nhân ở mỏ. Tôi nói với họ là chuyện ấy chẳng liên quan gì đến chuyện sản xuất ở công trường. Chúng tôi là những thằng đàn ông đàng hoàng, chuyện nào đi chuyện ấy. Cuối cùng thì rồi họ cũng chả làm gì được tôi bởi lỗi là do sơ xuất, vi phạm quy trình của chính người bị nạn. Theo quy định, lẽ ra Trung phải trực tiếp đi cắt cầu dao điện rồi mới được thực hiện các thao tác tiếp theo, nhưng anh đã chủ quan sai Lập đi cắt cầu dao. Việc dùng ám hiệu bằng hình ảnh người đứng dưới cột điện cũng là một sự vi phạm quy trình về an toàn lao động. Còn Lập là thợ phụ nên cũng không phải là người chịu trách nhiệm chính. Trung đã từng được đào tạo ở nước ngoài, là thợ bậc bốn phải hiểu kỹ lắm những quy định về an toàn lao động rồi chứ.

Về chứng lý, tôi không có lỗi gì trong vụ việc này nhưng về mặt tinh thần, tôi đâm ra mặc cảm, lúc nào cũng thấy như mình là người có lỗi với bạn. Đúng là tôi và Trung đều theo đuổi một tình yêu đối với Hạnh nhưng chúng tôi rất thân thiện, rất bình đẳng và sòng phẳng với nhau. Chúng tôi đều nghĩ rằng quyền quyết định là ở Hạnh chứ đâu phải là tôi hoặc Trung. Nhưng cảnh sát họ lại nghi tôi có âm mưu gì đó hãm hại Trung để giành giật người yêu. Thật khốn nạn, cảnh sát họ đánh giá tôi thấp quá mà hình như đối với cảnh sát, họ nhìn ai cũng đều thấy là tội phạm thì phải. Những ngày sau đó, tôi không còn có hứng để gặp lại Hạnh nữa. Tôi có cảm giác như nếu yêu Hạnh thì chính mình sẽ là người có tội với Trung. Mặc dù trong lòng tôi da diết nhớ Hạnh nhưng tôi vẫn cứ phải ghìm lòng lảng tránh. Mà hình như Hạnh cũng có ý lảng tránh tôi. Được một thời gian sau, Hạnh xin chuyển công tác sang đơn vị khác. Thế là vĩnh viễn chúng tôi xa rời nhau.

Vậy là dẫu không có ý định nói về tình riêng nhưng như thế là tôi đã kể cho anh nghe mối tình đầu của tôi rồi đấy nhé!

Nhưng bây giờ bà Hạnh ở đâu, anh có biết không?

Rồi tôi lấy vợ, có gia đình. Mối tình đầu ấy cũng nhòa mờ đi để thay thế vào đấy là biết bao nhiêu lo toan cho cuộc mưu sinh của gia đình. Mãi gần đây, một lần ra thăm Công viên Văn hóa Cao Sơn - Lưu Thủy của công ty, tôi mới lại được gặp bà ấy trong đội ngũ những tình nguyện viên phục vụ chăm sóc ngôi chùa Linh Sơn Tự.

 

*

 

Không khó khăn gì để gặp được người đàn bà có tên là Nguyễn Hồng Hạnh ở công viên Cao Sơn – Lưu Thủy. Bà đã đồng ý hẹn tôi đến nhà riêng của bà để nghe bà kể chuyện...

Có đoạn lời trong một bài hát viết “Chuyện tình yêu ban đầu, mấy ai may mắn chung nhịp cầu” có lẽ rất đúng với tôi. Những chuyện thầm kín này thường người ta “Sống để dạ, chết mang theo” chứ không mấy khi lại kể ra làm gì. Nhưng ông là nhà văn, nể tình ông nài nỉ, mấy lại ý định của ông cũng chỉ là cố gắng tái hiện lại một thời gian khổ nhưng rất đáng tự hào của người thợ chúng tôi những ngày đầu mới thành lập mỏ nên tôi đồng ý kể cho ông nghe.

Như để có thêm thời gian hình dung lại hình ảnh quá khứ đã chôn lấp trong lòng cách đây gần bốn chục năm tưởng như đã vĩnh viễn lãng quên, bà Hạnh đẩy chén nước sang phía tôi:

- Ông uống nước đi, nếu cần ghi chép thì cứ chuẩn bị giấy bút, tôi sẽ từ từ kể đủ để ông có thời gian ghi nhớ. Chỉ có điều sau này viết thành truyện thì phải tránh đi, đừng để người đọc là công nhân mỏ này họ nhận ra tôi là được.

- Bà yên tâm, đấy là nghề nghiệp của chúng tôi, truyện sẽ rất trung thành với những gì bà kể nhưng sẽ không ai nhận ra bà đâu bởi giống như một món ăn, có nguyên liệu chính nhưng lại còn có biết bao nhiêu phụ gia, gia vị gia giảm. Nhiều khi chỉ là bột đậu mà người ăn lại tưởng lầm là thịt như món ăn chay của nhà chùa chẳng hạn.

Bà Hạnh cũng đưa chén nước lên môi chiêu một ngụm, im lặng thêm một lát rồi chầm chậm với một giọng kể nhỏ nhẹ như bà tự nói với chính mình...

Mỏ Cao Sơn được thành lập năm 1974, bấy giờ nơi chúng ta ngồi đây chỉ là một bãi sú vẹt sình lầy. Các đời lãnh đạo nối tiếp nhau cho đổ đất đá lấn biển với diện tích hàng trăm héc ta mới thành nhà cửa, đường xá, sân vận động, trạm xá, công viên, hồ nước sinh thái, làng xóm như ngày hôm nay. Bấy giờ tôi là cô công nhân ngoài hai mươi tuổi mới được tuyển dụng từ Hưng Yên cùng với năm cô bạn cùng trang lứa do một bác là quản đốc ở mỏ về làng kéo em gái ra thì tuyển luôn thêm mấy đứa chúng tôi. Những ngày đầu, chúng tôi phải ở nhờ nhà dân chứ đã làm gì có nhà tập thể. Trên công trường bóc đất đá phần lớn là công nhân nam, con gái chúng tôi chỉ có vài chục đứa làm những công việc phục vụ sản xuất. Ở nhà cứ tưởng ra vùng mỏ làm công nhân thì oai lắm nhưng hóa ra cũng chả hơn gì ở nông thôn, có cả hàng trăm thứ việc không tên, lãnh đạo phân công công việc theo từng ngày, bữa ăn chỉ toàn ngô xay với bo bo chứ có được mấy hạt gạo. Đối với phụ nữ chúng tôi, khổ nhất là việc tắm rửa, nước giếng thì chỉ là nước phèn đỏ oạch nhưng cũng phải tiết kiệm vì ở nhờ nhà dân, giếng cũng có mấy nước đâu nên phải biết giữ ý chứ, nước ở bể chứa là nước mưa thì dùng làm nước nấu ăn không động vào được. Đang ở làng quê, thỏa thuê tung tẩy nay lại bị vào khuôn khổ với điều kiện sống nghiệt ngã thế nên năm đứa cùng làng chúng tôi chỉ còn lại ba, hai đứa không chịu nổi đã bỏ về. Nói khổ thì khổ vậy nhưng cũng rất vui. Chúng tôi có chi đoàn thanh niên sinh hoạt thường xuyên sôi nổi, việc gì chi đoàn thanh niên cũng là mũi nhọn. Tôi nhớ không thể quên cái lần chi đoàn thanh niên cờ dong trống mở kéo quân vào rừng Mông Dương. Hơn ba chục đứa thanh niên cả nam cả nữ dựng lán ở trong ấy đến gần hai tháng để khai thác cây đem về làm nhà. Ban ngày làm việc nặng nhọc, ăn uống kham khổ nhưng ban đêm tập trung quây quần bên đống lửa múa nhẩy, ca hát cuốn hút chúng tôi, đan quyện chúng tôi thành một khối thống nhất khó có thể tách rời. Thanh niên bây giờ các cháu chúng nó sung sướng nhưng không thể có được cái tinh thần, khí thế hào sảng như thời chúng tôi. Anh Chiến làm bí thư chi đoàn, phân công đám thanh niên là con trai đi chặt cây lấy gỗ còn mấy đứa con gái chúng tôi thì lo lấy củi, tiếp vận lương thực, thực phẩm, lo cơm ăn nước uống cho đoàn. Làm việc được hơn một tuần trong rừng thì xảy ra chuyện tôi đẵn cây củi vào cái mắt cứng bị con dao văng ngang bập vào bên tay trái. Vết thương không lớn như lại trúng ngay động mạch. Y tá phải ga rô và yêu cầu cấp tốc đưa tôi về ngay bệnh viện mới giải quyết được. Nhận được tin báo, anh Chiến về đến lán thì bế thốc tôi lên vai chạy luôn ra khỏi rừng. Anh Trung và y tá cũng chạy theo. Vừa chạy vửa phải tạm dừng để y tá nới ga rô tránh tụ huyết gây hoại tử. Vậy là anh Chiến và anh Trung thay phiên nhau vác tôi chạy. Đoạn đường chạy bộ ấy phải dài bốn, năm cây số mới đến được nơi có ô tô mỏ để đi nhờ.

Sau sự kiện ấy, là con gái nhậy cảm nên tôi biết cả hai người đều có ý “tấn công” tôi. Tôi yêu quý và kính nể cả hai bởi các anh đều là những thanh niên “mẫu” của mỏ lúc bấy giờ. Theo tôi, những người đã từng được đào tạo ở Liên Xô, hình như máu người Nga đã ngấm vào truyền sang họ nên họ đều phóng khoáng, rộng lượng và kẻ cả. Họ thường nhường nhịn không chấp vặt. Tôi yêu và quý phong cách Nga của họ. Tôi thường xuyên giao du với cả hai người và cả hai người cũng thường xuyên giao du với nhau, họ là những người bạn thân thiết. Họ dậy tôi hát những bài hát của người Nga và tôi rất thích hát cùng với họ “Я люблю тебя, жизнь/ Что само по себе и не ново/ Я люблю тебя, жизнь/ Я люблю тебя снова и снова... (Cả tình yêu trao cuộc sống/ Mãi mãi ta nên yêu người tình yêu thắm nồng/ Cả tình yêu trao cuộc sống/ Mãi mãi ta hiến dâng người tình yêu thiết tha...)”. Tôi còn được họ dẫn dắt giao du và cùng hát chung với những chuyên gia người Nga. Tôi thuộc nhiều bài và giọng tiếng Nga của tôi cũng khá chuẩn nên nhiều bác chuyên gia rất thích hát chung với tôi. Cuối cùng thì hai anh cũng đặt vấn đề với tôi. Ông có biết họ làm thế nào không? Cả hai người cùng đến gặp tôi. Họ bảo: “Cả hai đứa chúng tôi đều yêu em và muốn được em nhận lời yêu. Em hãy chọn lấy một. Khi nào chọn được thì thông báo cho bọn anh”. Tôi thật sự lúng túng, có lẽ trên đời này chả có ai đi ngỏ lời yêu kiểu ấy. Còn tôi thì đúng là chả biết chọn ai, ai tôi cũng yêu, ai tôi cũng quý. Tôi đem chuyện ấy nói với con bạn thân cùng làng (Bà ấy sau này được đi học lên làm việc trên Tổng Công ty rồi lấy chồng ở luôn lại Hà Nội). Nó nghĩ ra một sáng kiến và tôi đã làm theo sáng kiến của nó.

Đám công nhân mỏ là phụ nữ chúng tôi khi đi làm mặc quần áo bảo hộ của mỏ cấp phát đồng đều giống nhau rồi. Tầng mỏ trên khai trường thì bụi mù, nắng gắt nên đứa nào cũng quấn khăn bịt mặt chỉ hở mỗi hai con mắt để nhìn. Theo kế hoạch thì sáng ngày thứ năm hai anh phải đứng ở hai đoạn đường khác nhau để nhận ra trong đoàn công nhân nữ đi làm ai là tôi. Chỉ cần đi ngược chiều rồi vỗ nhẹ vào vai tôi là được, nếu vỗ nhầm thì tự chịu hậu quả. Nếu một trong hai anh nhận sai thì người nhận đúng sẽ thắng cuộc. Nếu cùng đúng thì sẽ làm cách khác, nghĩ sau. Cả hai người đều hồ hởi và có vẻ thích thú với cái cách yêu cầu của tôi. Họ cho đấy là cách hay nhất, công bằng nhất. Dẫu người nào có bị thất bại cũng thấy thỏa mãn bởi tình yêu của mình chưa đủ chín. Vậy mà...buổi chiều ngày thứ tư thì xảy ra sự cố anh Trung bị điện giật...

Xúc động, bà Hạnh tạm dừng lời vào buồng tắm rửa mặt rồi mới quay lại kể tiếp.

Khoảng một tuần sau sự cố anh Trung bị điện giật, cảnh sát hình sự họ mời tôi lên trụ sở mỏ. Họ hỏi về quan hệ của ba chúng tôi rồi họ lại thăm dò xem ông Chiến có những động thái gì khác thường không. Tôi nhận ngay ra là họ có ý nghi ngờ anh Chiến. Lúc ấy tôi nghĩ, làm sao lại có thể có chuyện gì giữa các anh. Tôi mảy may không hề có một chút gợn nhỏ gì về tình bạn của các anh. Còn họ là cảnh sát, họ có quyền nghi ngờ, đấy là việc của họ. Vậy là anh Chiến đang gặp rắc rối về chuyện này. Người chết thì đã chết rồi, không thể chỉ vì chuyện của mình mà lại để rắc rối cho người đang sống. Tôi kể cho họ nghe cách chọn người yêu của tôi nhưng lại nói khác đi là việc ấy đã kết thúc, anh Chiến nhận ra tôi còn anh Trung thì đã nhận nhầm người.

Sau chuyện này, tôi cảm thấy như có lỗi với anh Trung vì mình đã nói dối không đúng sự thực. Nếu chuyện nhận người đã xảy ra, có gì đảm bảo rằng anh Chiến nhận đúng còn anh Trung nhận nhầm. Nhỡ ngược lại thì sao. Mang trong lòng nỗi ân hận ấy, tôi không muốn gặp lại anh Chiến nữa mặc dù cũng rất nhớ anh. Và hình như anh cũng có ý lảng tránh tôi. Tôi hiểu và thông cảm với những suy nghĩ của anh. Nhiều lúc lẩn thẩn nghĩ anh Chiến tuổi Thân, anh Trung tuổi Hợi, tôi tuổi Dần nằm vào “tứ hành xung”. Không đến được với nhau chắc do trời định. Còn sống ở đây, còn nhìn thấy anh thì tôi không chịu được. Vậy là tôi đã nhờ anh con bạn làm quản đốc người cùng làng xin cho tôi chuyển sang làm việc bên Nhà sàng Cửa Ông.

 Sang đơn vị mới rồi nhưng trong lòng tôi vẫn nặng trĩu nỗi niềm với những u uẩn của câu chuyện tình bến cũ nên tôi trở thành tự kỷ, lãnh đạm đối với đàn ông. Mà ngày ấy mới thoát khỏi chiến tranh, đàn ông là thứ quý hiếm lắm chứ phụ nữ thì đông chàn chạt. Đương nhiên là tôi bị gạt vào góc khuất dành cho thứ sản phẩm tồn kho rồi. Tôi lao vào công việc và tham gia trong đội văn nghệ, hát cho nó quên đi tất cả ấy mà. Thanh niên Việt Nam thì cao không tới, thấp không nhìn. Mấy lại họ cũng không có ai chú ý đến tôi nữa. Mặt khác, tôi lại quen thân nhiều với các chuyên gia bởi tôi thường xuyên hát cặp với họ. Năm tháng cứ vùn vụt chạy qua, ngó đi ngó lại đã ngoài ba mươi tuổi. Tôi đánh bài liều quài với một anh chuyên gia sắp hết hạn về nước có cái tên là Nikola Corolop và sinh được một cháu gái. Cũng nghĩ là xin lấy một đứa nuôi cho có mẹ có con sau này, anh ta về nước rồi thì đỡ khỏi lằng nhằng, rắc rối cho anh ta và cho cả chính mình. Tôi cắn răng vượt lên trên tất cả những kỳ thị, những tiếng chì tiếng bấc để nuôi dạy con gái. Vì người ấy đã về nước chẳng ảnh hưởng gì nữa nên tôi công khai đặt tên con trong giấy khai sinh là Nguyễn Cosina. Năm con bé lên mười tuổi, bỗng nhiên Nikola Corolop xuất hiện. Anh bảo về nước anh mới lấy vợ, nhưng vợ anh lại bị bệnh ung thư mất cách đây hai năm, chưa sinh cho anh được đứa con nào. Đang buồn chán lang thang thì được bạn bè cho biết là anh có một đứa con gái bên Việt Nam. Mừng quá, anh bay sang và tìm gặp tôi luôn. Anh muốn đón tôi về nước để đền đáp cho tôi những ngày thiệt thòi nuôi con một mình nhưng tôi thấy mình không thể xa rời được quê hương. Chúng tôi đã làm một đám cưới muộn và có một ngôi nhà. Tôi vốn dĩ là công nhân mỏ Cao Sơn, anh lại là chuyên gia Liên Xô đã từng sang giúp đỡ ngành Than nên lãnh đạo mỏ Cao Sơn cũng ưu tiên cho chúng tôi một mảnh đất ở làng mỏ này. Anh về nước thu xếp và sang ở hẳn Việt Nam với mẹ con tôi. Sau khi con gái chúng tôi học hết phổ thông, anh thu xếp cho cháu sang Nga học đại học. Mấy năm trước cháu đã ra trường nhưng ở lại làm tiếp học vị tiến sĩ. Anh phải về bên ấy phục vụ, trợ giúp cháu. Nghỉ hưu, sống một mình, tôi tình nguyện ra chùa phục vụ. Hằng ngày cũng có thời gian được tụng kinh, niệm phật cầu mong cho muôn nẻo kiếp người được bình an, siêu thoát. Gần đây, tôi nhận được tin có một bạn trai cùng làm nghiên cứu sinh với cháu có bố mẹ là người ở Công ty Cổ phần Than Cao Sơn. Được biết con anh Chiến cũng tầm tuổi cháu đang học ở bên ấy. Không biết bạn trai của cháu có phải là con anh Chiến không. Nhưng đúng là như thế thì ông trời thật có mắt.

Tôi ghi lại địa chỉ và số điện thoại của mình đưa cho bà Hạnh và nói: Rất cám ơn bà đã cho tôi nghe một câu chuyện tình, nhưng nó là mối tình lớn lao, cao đẹp hơn nhiều những chuyện tình giữa con trai với con gái thông thường. Khi nào các cháu làm đám cưới, xin bà hãy gọi cho tôi, bằng giá nào chúng tôi cũng sẽ đến để chúc mừng các cháu!

Tạm biệt bà Hạnh, người nữ công nhân có mặt từ những ngày đầu thành lập mỏ Cao Sơn, được nghe câu chuyện của ông Chiến và bây giờ là chuyện của bà Hạnh, trong lòng tôi cứ thấy ngân nga mãi lời ca bà Hạnh hát trong lúc kể chuyện cho tôi nghe:

“... Một ngày mới, vẫy chào ta/ Bạn đời ơi ta muốn dâng ngọn lửa cháy này/ Cho cuộc sống, bao vui buồn/ Xin hạnh phúc, dẫu muộn màng sẽ đến với ta...”

 

                                                                 Mỏ Cao Sơn – Hà Nội 2016

 hoagao2

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)