bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 11
Trong ngày: 68
Trong tuần: 895
Lượt truy cập: 797380

TẢN VĂN CỦA TÂM DUNG

CON SỨA BIỂN 

 

Tản văn của Phạm Ngọc Tâm Dung 

 tm_dung_1

         

          Làng tôi ở khá gần với biển. Đầu mùa hè năm ấy, nhằm ngày đẹp giời, bọn con gái xóm tôi rủ nhau xuống chơi biển, nhân thể vào thăm nhà dì cái Xoan lấy chồng ở Xóm Chài. Sau hơn hai giờ đồng hồ cuốc bộ, cuối cùng bọn "con gái đồng trong" chúng tôi cũng về tới biển. Mùa này, hai dòng Sông Hồng và sông Trà Lý chưa phả nước lẫn phù sa ra, nên nước biển trong veo.Từng đợt sóng uốn lượn êm đềm và xanh ngắt. Gió nhè nhẹ, mang theo mùi ngai ngái tanh tao của rong biển và cá tôm. Ngoài kia, những con thuyền đánh cá của ngư dân chập chờn, lúc ẩn vào sóng, như đang chu du, khám phá sự huyền bí của thủy cung thăm thẳm, lúc lại như bay lên không gian, kiêu hãnh cùng mây bạc và mặt trời...

 

            Tôi và Xoan, mặc cho lũ bạn gào thét ngăn cản, cứ để nguyên quần dài, áo cánh hở khuỷu tay, lội ào xuống biển. Nền bãi  biển Đồng Châu quê tôi khá nông nhưng lại không thuần cát. Bàn chân đạp lổn nhổn cặn cây sú vẹt lẫn cát sa, chúng tôi hòa mình vào biển, tự mãn để cho những làn nước của đại dương bao la và hùng vĩ kia, quấn quýt, mơn man trên khắp cơ thể trinh bạch, thiếu nữ của mình; để cho nàng tiên sóng hiền lành của Biển Đông, dành những hạt ngọc nước, lồng chút ánh mặt trời, mà trở nên trong suốt, long lanh kia thoa lên tóc, lên vành tai, lên má, lên mắt, lên môi vị mằn mặn, âm ấm, hào phóng thánh thiện và bao dung...

 

             Phía bờ xa, lũ bạn chúng tôi cứ trở nên... bé nhỏ dần. Và kìa, đã có vài đứa xắn quần mon men nơi mép nước.

Thế chứ!

Chúng tôi đắc thắng, tiếp tục vui đùa cùng nhau và cùng sóng. Bỗng một chú sóng tinh nghịch tung bọt trắng, ào tới, tấn công. Không kịp trở tay, chân tôi bị hất tung khỏi nền bãi,  con sóng trùm lên, dúi đầu tôi, dìm nghỉm xuống nước và sấn sổ chồm lên, cuốn tôi phăng phăng như thể chiếc lá vào dòng trôi của nó. Khi cố vùng dậy được, mở mắt, thấy cái Xoan đang nhìn tôi, cười như nắc nẻ. Hiếu thắng, chúng tôi lại tưng bừng   mong đợi...anh chàng sóng khác, từ ngoài khơi chồm tới!

Tuổi trẻ là vậy, đố có biết sợ là gì!

Sự hưng phấn làm cho hai đứa con gái táo bạo Miền Sông Nước muốn hò hét cho cả...biển trời..."biết danh"!

Bỗng, tôi thấy cánh tay mình có cảm giác đau nhoi nhói, rồi đau dữ dội như thể bị kim đâm hoặc roi quất vào da; rồi càng lúc, càng đau hơn; rồi đến mức gần như tê cứng; rồi cuối cùng không thể chịu đựng  được nữa, tôi bật khóc  nức nở!

Cái Xoan lo tái mặt. Nó vừa vẫy tay gắng gọi trợ giúp của lũ bạn trên bờ, vừa  cố sức dỗ dành và dìu tôi vào bờ. Cơn buốt giật, làm đầu óc tôi choáng váng, như muốn xỉu. Sóng nước vô cảm dường như càng lúc càng... mạnh hơn! Hết con sóng này đến con sóng khác, thi nhau vùi dập, cản đường hai cá thể xiêu vẹo, lạc lõng, dám cả gan giỡn mặt cư dân Thủy Tề, giữa chốn biển khơi, mênh mông, xa lạ!

Lũ bạn tôi, hầu như không nghe tiếng. Họ vẫn vô tư đuổi nhau trên bãi cát và té nước hay ném cát vào nhau.

Đang lúc bối rối, chúng tôi bỗng giật thót mình, bởi tiếng nói oang oang, át tiếng sóng của một người đàn ông rẽ sóng lao đến từ phía sau, như thể một vị thần biển cứu tinh:

- Bị chuột rút hay sứa châm đây!

Tôi chưa kịp định thần vì cơn đau, và vì sự xuất hiện đột ngột của người lạ, bạn tôi đã nhanh nhẩu, hổn hển...trình bày. Và cũng nhanh như lúc đến, anh dìu và đẩy thốc chúng tôi lên chiếc thuyền nan, mạn thuyền ăm ắp, lóng lánh những con sứa biển trong suốt, tua tủa chân tay và tanh tanh, ngai ngái.

Bác chài đứng tuổi, to cao, râu quai nón đang bẻ lái, hai người vội vã đưa thuyền cập bến sớm hơn dự định để cứu người. 

Tôi được đặt ngồi trên các mảnh ghép tre nơi mũi thuyền nan. Trang nam ngư phủ ấy, lấy từ chiếc bị ra một chai dấm trắng. Anh xối rửa vết thương cho sạch, rồi thật nhanh, dùng một cái nhíp nhỏ, cẩn thận từng chút, rút cho bằng hết những xúc tu sứa độc, dính từng vệt dài đỏ ửng, trên cánh tay khốn khổ của tôi!

Cuộc sơ cứu khẩn trương vừa xong, thì thuyền nan cũng vừa cập bến. Hai cha con chủ thuyền nhanh tay chuyển hàng lên bờ cho người nhà chờ sẵn. Tất cả, chạy đua cùng thời gian, để chế biến sứa tươi, cho càng nhanh càng được giá.

 

              Người xóm chài giàu vốn giàu kinh nghiệm và tốt bụng. Bác gái bỏ việc, dìu tôi vào nhà. Bác hiền hậu, ân cần dùng nước ấm, tầm hơn bốn mươi độ, cho tôi ngâm vết đau chừng nửa giờ. Tôi thấy cảm giác nhẹ nhàng đôi chút, dù vệt đau sưng vù tai ác kia đã chuyển từ màu đỏ nâu sang tím lịm trên da. Rồi bác đưa chúng tôi về trạm xá gần đó để chị y tá thoa kem kháng sinh và cho uống thuốc giảm đau.

Trưa hôm đó, người ngư dân từng cứu tôi, tươi cười xuất hiện với một bịch to tổ bố, gồm mười nắm cơm muối vừng, kèm gói tôm biển rang thơm phức, một đùm lạc luộc nóng hổi cùng nải chuối chín vàng ươm.

- Quà của mẹ anh cho các bé!

Chúng tôi vỡ òa sung sướng, xúc động, gửi lời cảm ơn bác, cảm ơn anh rồi ...mở tiệc "ăn mừng" thoát hiểm và cuộc... hội ngộ thú vị!

"Người ấy" là một chàng trai trẻ, dáng thư sinh nhưng săn chắc. Anh cầm cánh tay tôi, xem vết thương và gật đầu vẻ hài lòng, rồi mủm mỉm và tinh quái pha trò:

- "Chiến tích" này, đích thực là của một...anh chàng sứa. Mà kể hắn cũng... khôn róc đời, vì đã kịp... chọn một cánh tay trắng nõn, xinh như tay tiên thế này, để mà...kết thân cho...bõ...đời trai biển cả!

Cả nhóm cười vang nhà, gió biển cũng vào như vào hùa và cảm thông  với lũ học trò trường huyện vô tư, trốn việc nhà trong ngày nghỉ, đi chơi và lâm nạn.

 

             Sau rồi, đám bạn tôi lao vào học, vào thi và...vào yêu đương và cũng quên dần chuyến đi biển không mấy may mắn đó. Chỉ có tôi, dù vết thương đã liền da, nhưng trong lòng đứa  con gái tuổi mười bảy nơi tôi, vẫn chẳng hết...bâng khuâng!

 

           Cái Xoan sau một dịp về thăm dì đã chuyển cho tôi bức thư của...người ấy.

Nhìn chiếc phong bì tự làm rất khéo, nét chữ thanh thoát mềm mại, nắn nót, mà chân phương kia, đã làm cho con tim bé bỏng của tôi loạn nhịp.

 Thì ra, khi gặp và cứu tôi, anh đang là sinh viên năm cuối, ngành Thủy văn của Đại học Thủy Lợi Hà Nội về giúp cha trong dịp nghỉ hè.

Và từ đấy, những bức thư của chúng tôi đã tìm được đường đi lối về  bằng những con tem hồng xinh xắn. Từ sự ân nghĩa, tư tình bạn, tôi đã yêu người trai xứ biển có đôi mắt đẹp và buồn ấy lúc nào không hay!

 

          Mỗi kỳ nghỉ, anh thường  đưa tôi về biển. Nhớ lắm những buổi mai, trên bờ cát, khi con sóng hiền lành, làn gió ngọt lịm đẫm hơi sương và mặt trời non còn lim dim ngái ngủ; những buổi chiều, gió và sóng thi nhau ca khúc ca tình ái, đi bên nhau, anh hay gọi..." xấu" tôi là "nàng sứa nước ngọt".

- Này nhé: em và con sứa giống nhau một cách lạ kỳ; cũng mềm yếu và trắng muốt hệt nhau; khi quẳng xuống nước, cũng nổi như bèo giống nhau; lúc cần..."chiến đấu" lại thì dùng vòi...xúc tu xinh đẹp, mềm nhũn mà cho đối phương những ngón...chết đòn!

Và cuối cùng thì...độc chiêu khóc nhè ăn vạ... cũng in hệt y chang!

Tôi giận điếng người và rút cục cũng ngẩn tò te vì...đúng quá!

 

Lại có lần, anh hào hứng kể tôi nghe đường đi lối về của loài sứa biển.

- Con sứa thường nương triều vào ven bờ. Tuy không phải ra khơi xa nhưng mà bắt được nó vất vả, cực nhọc lắm. Lưới kéo lên, có con nặng vài chục cân.

Ngoài số bán buôn cho thương lái, người ta thường bớt lại vài sọt muối sú vẹt nhà ăn và làm quà. Em tập làm sứa đi để mai sau chúng mình có...thất nghiệp thì còn có nghề mà...nuôi con!

Tôi lườm anh cháy mắt!

và chìa cánh tay bị sứa chích năm nào để tỏ ý vẫn còn...tức giận, bởi kẻ đánh bắt đã "ủ mưu" đẩy con sứa đáo để bắt nạt người...lạ mặt rồi vờ ra tay...cứu giúp...

Nơi rừng thông chắn sóng. Anh với tay bứt trải vài chùm lá, hai đứa ngồi nghỉ chân ngắm biển. Trời bắt đầu chuyển gió mát lạnh! Vài hạt mưa bóng mây làm cho tiếng réo rắt nhạc thông như trầm xuống hơn. Sau bao nhiêu vòng vo tam quốc, chúng tôi lại..."đĩa" lại câu chuyện nhờ "ông tơ" sứa mối manh mà nên tình, nên nghĩa.

 

             Và dường như để cho tôi thêm yêu loài động vật không xương sống nơi biển cả này hơn, trong những bức thư dài, mấy tờ polua, người con trai trung thành của biển, từng là học sinh giỏi văn Miền Bắc, là sinh viên ngành thủy văn và là người tôi tự hào, yêu thương ấy, hào hứng "diễn thuyết" về vẻ đẹp mềm dịu mong manh, cá tính cũng như thật nhiều tác dụng của nó:

-" Em biết không, loài sứa được mệnh danh là

"Hoa hậu  đại dương"  Loài "cư dân" trung thành của đại dương này, có cấu trúc trong suốt, khiến ánh mặt trời xuyên thấu cơ thể chúng. Loại thì màu đỏ, rồi mà đỏ đô, xanh ngọc, xanh da trời. Các sắc tố đều do chính sứa tạo ra chư không phải tảo cộng sinh. (Cũng giống như làn da, màu tóc của những người đẹp ấy mà). Chúng hòa lẫn với nước biển xanh, tạo nên một chỉnh thể tuyệt đẹp. Đó là một vẻ đẹp mềm mại, mong manh, không kém phần lộng lẫy, bởi những xúc tu cái dài, cái ngắn, xen nhau, xòe rộng, dài miên man được sóng biển nương nhẹ, vỗ về, ve vuốt...

Và xưa nay, phàm những "người đẹp" thường hay... khó tính!

Ai tiếp xúc gần, đều dè chừng nọc độc "nàng" ấy phóng ra từ...những ngón tay thon. Một thống kê rất gần, anh biết: Mỗi năm, có tới 150 triệu người trên thế giới bị sứa tấn công. Tốc độ tấn công của nọc độc còn nhanh hơn một viên đạn thoát ra từ nòng súng...

Nhưng với "ông tơ" sứa trắng năm nào, ở biển Thái Bình nhà ta, thì anh ngàn lần cảm ơn ông ấy..."

 

           Rồi những đêm về biển, biển khoác lên mình chiếc áo xanh lơ của trăng. Tiếng đàn ghi ta của anh như gọi hơi thở phập phồng dập dìu của biển trở về với ngàn bến, ngàn sông, với tình yêu bất tử!

 

        Thế mà rồi chúng tôi mãi chẳng thành thân. Sau chiến tranh, anh xuất ngũ trở về, rồi nên nghĩa tào khang với một cô gái xóm chài xứ biển, bao năm qua, chị đã thay anh chăm sóc mẹ già; rồi sống một đời phóng túng, tung hoành cùng biển trời mênh mông, cùng cây đàn ghi ta; cùng lời ca giông bão; cùng con cá, con cua và...con sứa quê nhà!

 

             Và tôi, bao năm, tôi lang thang trên phố phường đông đúc. Ngày này qua tháng khác, sống chật hẹp cùng căn nhà bé nhỏ như cái hộp diêm và những giấc mơ thăng trầm về cuộc đời, về  biển. Những buổi chiều ngập chìm...tâm trạng. Bao kỷ niệm vơi đầy: Tôi nhớ mẹ, với đùm lá dong, năm xu quà chiều sứa muối sú vẹt, cho lũ con, mua từ ông lão gánh hai chiếc nồi hông bán dạo mỗi chiều hè nắng gắt!

Tôi nhớ anh với đôi mắt buồn biết nói và những câu chuyện về con sứa. Nỗi nhớ  đã đưa tôi đến với món sứa đã len lỏi vào ẩm thực "đặc sản" của người Hà Thành. Thay vì kiếm một nhà hàng đặc sản sang trọng, chọn trong mấy món thực đơn, gọi đĩa nộm sứa ngó sen, sứa xào thập cẩm, sứa xào sa tế, hay bún sứa nước lèo... mà tôi mò tới một nhà hàng quen ở góc phố Lương Văn Hưu - Hai Bà Trưng, Hà Nội để thưởng cho mình đĩa sứa muối sú vẹt Thái Bình.

Bà chủ hàng phúc hậu, nền nã, tên là Phạm Thúy Lập. Thực khách ở đây khá đông và phần nhiều là khách quen.

Tay thoăn thoắt vừa dùng con dao bén bằng cật tre cắt sứa, bà vừa chia sẻ:

- Sứa nhà em nhập từ Hải Phòng về. Phải rửa kỹ lại và tự muối bằng vỏ cây và quả sú vẹt để khử mùi tanh và cho màu đỏ đô bắt mắt, gây thương nhớ.

Ở Hải phòng, người ta chấm với dấm bỗng, chưng cà chua, mẻ.

Nhưng với bốn đời gia truyền nghề, nhà em chỉ chấm mắm tôm chanh tiêu ớt, đường...kèm tía tô và các loại rau thơm, đậu  nghệ nướng, cùi dừa thái mỏng.

Mải nghe bà chủ quán trần tình, chừng hai mươi phút mới đến lượt mình.

Nhìn đĩa sứa muối sú vẹt màu đỏ nâu, xếp thật khéo với đầy đủ, mình sứa, riềm sứa và chân sứa, bên cạnh rổ rau thơm xanh tơ và thơm ngát, đĩa đậu nướng vàng giòn bốc khói, lát dừa trắng tinh bên đĩa chanh, ớt tươi rói vị chua cay, mà vị giác của người ta thêm một lần được đánh thức.

Ta hãy cuốn chúng lại, và ta cứ điềm nhiên nhấn đũa thật...táo bạo vào bát mắm tôm, rồi hít hà hương vị của chúng và đưa vào miệng đi.

Vị giòn sần sật của sứa ( nhất là phần chân), vị thơm tho của gia vị, vị bùi béo của cùi dừa, đậu nướng...

Ái chà! Ai dám bảo là ta là chẳng...sành ăn!

Nói vui là vậy, nhưng "Anh xã" nhà mình thì lại...không thích mấy, nể vợ thì ăn chơi!

Thì có sao!

Trong mênh mông đại dương, người ta có thể tôn sùng cá voi, cá nhà táng, cá kình là vua, là chúa biển khơi; hay người ta có thể rùng mình kinh hoàng  nói về các loài đỉnh cao hung dữ  như cá mập, cá sư tử, thủy quái...

Nhưng với sứa - một sinh vật trông thật mềm yếu, trong khiết, xinh đẹp, cá tính... cho thức ăn ngon,  nhưng lại xuất hiện cách đây 650 triệu năm, trước khi cả loài khủng long và tồn tại muôn đời trong đại dương mịt mùng sóng vỗ, đặc biệt khi di chuyển không dũng mãnh lao lên phía trước mà bình tĩnh, thận trọng, rồi tiến...giật lùi... nhưng để lại không ít ấn tượng thăng trầm, thật cũng đáng để cho ta suy ngẫm về thế thái nhân tình!

hoa_sung_1


In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)