bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 28
Trong ngày: 350
Trong tuần: 1362
Lượt truy cập: 636976

TRUYỆN NGẮN CỦA PHẠM THỊ DUYÊN

NHỮNG VIÊN SỎI PHÁT SÁNG

               TRUYỆN NGẮN CỦA PHẠM THỊ DUYÊN

Phải thừa nhận rằng những chuyện có thể sảy ra trên đời luôn cũ như truyện cổ tích. Và không có gì cũ hơn những câu chuyện rủ rỉ của ông Báo. Tôi muốn kể ngày đó chúng tôi còn rất bé, bé đến nỗi không thể phân định được phương hướng cũng như nhận biết được những gì tốt xấu. Nhưng chúng tôi lại biết ngày xưa quỷ hiện hình đằng đông, bây giờ quỷ hiện vào lòng trẻ con. Trẻ con chúng tôi khôn hơn thời mệ tôi và ông Báo lúc bấy giờ, nên mặt trời chẳng mấy khi bị che khuất và bóng cây nêu cắm trước mộ người mới chết ngắn cũn như cái áo cộc của người già trong làng thôi.

Đấy là mỗi lần ông Báo muốn đi đâu xa lâu ngày hoặc giả cốt giữ chân chúng tôi khỏi lẵng nhẵng bám theo ông ra đìa đắp phai, làm xe cọn, lên rừng bẫy thú thì ông lại buông lời khen ngợi như thế hoặc phải bỏ thì giờ ra mà kể hằng hà sa số những câu chuyện ông đã từng nuốt căng phồng cái bụng của ông cơ. Này nhé, cổ xưa trong làng có những ông thày mo đi lại hiên ngang trên những chiếc lưỡi cày nung đỏ. Lịch sử cái nanh hùm đeo trên cổ thằng Nước là của con hùm cuối cùng ông Bôi bẫy được chỉ bằng con dao rựa đi rừng, lúc ông chết, phải chôn ở giữa làng, rào ba vòng, chín quây, canh giữ đến ngày thứ bốn mươi chín, ngôi mộ vẫn bị cào bới và bị tha mất xác. Lần theo lốt chân ông hùm lên rừng,  chỉ còn sót lại mỗi cái đầu, triệu về kè đá kín bưng nên có sự tích mộ đầu lâu.  Một mùa đông xa thật xa, người dân làng tôi đang sống thanh bình với đại rừng bỗng đâu có hàng chục chiếc quan tài được trở về cất dấu trong hang Sủ. Người con gái đẹp như tiên sa bị bắt làm thần giữ của. Mùa đông năm sau những chiếc quan tài lại theo đường mòn bắt đầu cuộc hành trình về phương Bắc. Trong sân nhà ông lang xóm những đội quân âm binh tập giáo mác loảng xoảng. Những con ma xó đói ăn lục bát đĩa nhà người nghèo. Và chuyện này ông không kể, thằng Nước con ông cũng không đời nào kể.  Chuyện một người bỏ làng ra làm nhà ở chân đồi kẹ, phúc lành của những người sống dành cho những người đã chết.

***

Bắn gà rừng trên đồng ruộng vốn là niềm yêu thích của tôi, nhưng tôi chỉ có cái nỏ bằng gỗ xoan. Con gà trống trắng ưa đỏm dáng. Tôi giương nỏ, nheo mắt, ngắm, lại xẩy, mũi tên của tôi quá nhẹ, con gà ranh mãnh đã kịp dang đôi cánh nhẹ như cánh chim câu bay vút lên ruộng trên. Nó ưỡn ngực tóc tóc bầy gà mái quanh đó tỏ vẻ xem thường sự chú ý của tôi. Cứ thế, nó bay còn tôi lóp ngóp giữa những thân lúa cao lút, sắc và rặm. Khi tôi tìm được chỗ ngắm thoải mái con gà đã đập cánh biến mất tăm. Loay hoay mãi tôi mới tìm được lối ra khỏi ruộng lúa. Khoảng không gian mở ra trước mắt vô cùng lạ lẫm, cách một con suối nhỏ, bên kia là đìa rừng, hình như là vậy, bởi một lần bố tôi kể chuyện lang Bùi cược đất. Người với thú có sự phân chia rạch ròi lắm, đất của con người chỉ có từ bờ rào gai đổ về thôi, còn bên kia con suối này là của rừng. Thường thì con người chỉ dám vào rừng lấy củi, hái măng khi trời sáng, còn ban đêm khi con người đã đi ngủ thú dữ mới dám mò vào làng bắt lợn vồ chó. Tôi hơi chùn lại, buông nỏ, tìm lối về làng. Nhưng con gà trống trắng lại vươn ức, tóc tóc te, ngang nhiên thả cánh dập dờn mấy hồi trên giang sơn của riêng nó, lập tức có cả một dàn đồng ca phụ hoạ, xôn xao. Tôi dòm quanh. Xa phía dưới chân đồi có người đàn ông đang bắc một cái xe cọn cho nước đổ vào khu đất hoang bên kia rừng, hẳn ông ta  nhiều hơn tuổi bố tôi. Chọn chỗ có xe cọn rốc nước vào ruộng tìm đường lội sang. Cỏ rẽ và mặt bùn rắn. Lội ùm xuống. Thấy động, con gà cảnh giác, nó rướn cao cổ, đuôi hạ thấp xuống mặt đất, tiếng phựt rất mạnh vút qua đầu tôi cắm phập vào ức khi nó vừa kịp cất cánh lên khỏi ngọn lúa. Nó tóc tóc lên mấy tiếng rồi rơi xuống. Hình ảnh đó thật ấn tượng đối với tôi. Lòng tôi cuồng lên rạo rực.

Tôi ngoái lại tìm người hâm mộ. Mũi tên thần kỳ là của một thằng bé đen nhem, cóc cáy không khác nào củ ráy. Nó bảo với tôi: Của mày đấy. Ở đây đầy gà rừng, tao chỉ bắn chơi cho đỡ chán tay thôi. Nó bảo chỉ bắn chơi cho đỡ chán tay thôi a. Cách bắt quen của nó hay đấy. Nỏ của mày xoàng lắm, mày có thích không! Tao cho mày đấy. Nó vừa nói vừa chìa cái nỏ ra trước mặt tôi. Tôi đưa tay đón bắt một cách bình thường, tay tôi hơi chĩu xuống, cái nỏ quả là nặng, dây làm bằng ruột mèo rừng căng phải biết. Đi với tao về nhà, tao còn cái nữa, hai đứa mình lên đồi kia bắn nhiều hơn. Nói rồi nó quay sang chỗ người đàn ông vẫn đang hì hụi đào đất, nó hú mấy tiếng, ông gật gật và cũng hú lên. Bố mày à? ừ. Bố tao biết nhiều thứ lắm, nhà tao ở trên đồi kẹ kia kìa, – Nó khoát tay – Ngôi nhà bé tí, dị dọ như người già ốm yếu kia á. Bố tao bảo rừng lành lắm, rừng cho nhà tao lúa, sắn để ăn, cho củi để đun và còn cho chim thú để đổi lấy quần áo mặc đấy. Rừng chỉ không cho những người ác ở thôi. Và có nghĩa là ông hùm không rình bắt nhà nó a. Nghĩ vậy nhưng tôi chờ nó ở ngoài mảnh vườn lởm chởm đá và bụi sim mua. Đứng đây nhìn rất rõ ngôi làng của tôi. Ngôi làng xanh rì, khum khum, lùm lùm, co cụm như cái thúng úp giữa ruộng lúa nhỏ hẹp. Ruộng lúa cũng lô nhô những thằng bù nhìn rơm canh đuổi chim muông xuống phá phách trông như vệ binh của làng. Không thể trông thấy cổng làng, chỉ có con đường mòn xanh xám cỏ may. Khi mặt trời vừa rơi xuống bên kia đầu núi Sủ là người lớn trẻ nhỏ ý ới gọi nhau về,  lấy rào rấp kín cổng ngõ. Hoá ra ngôi nhà tôi sống vô cùng nhỏ bé, yếu ớt giữa đại ngàn mênh mông, bất tận. Lần đầu tiên tôi đi ra khỏi làng, tôi đứng trước cửa nhà thằng Nước, nhìn về làng và tôi có cảm giác làng của tôi không thể bảo vệ được tôi.

Hễ có điều kiện là tôi lại trốn nhà theo thằng Nước lên rừng bắn gà, ra suối, xuống khe tỉa cá, chúm lươn. Tôi theo nó thôi chứ cũng chẳng làm được trò trống gì. Phải công nhận là nó sát cá, sát chim nhưng còn lâu mới bằng ông Báo – bố của nó. Cứ độ nửa tuần trăng ông lại đem những thứ săn bắt được vào biếu người trong làng. Người làng tôi quý cái tình ấy nhưng họ không mấy khi mời ông qua ngưỡng cửa nhà mình. Họ bảo sở dĩ ông trụ được ở ngoài đìa rừng mà không bị thú dữ lôi đi là nhà ông đang thờ con ma rừng.

Mùa lúa chín những con gà bắt đầu béo nũng nĩnh, chúng bay ngắn hơn, thằng Nước dễ dàng tóm bắt. Nó không thích những thứ gì dễ dãi. Tôi bắt đầu thấy nhàm chán. Tôi năn nỉ rủ nó chui bụi săn cầy, hay xuống rừng măng bắt dúi. Nó bảo chẳng có gì hứng thú cả. Đợi khi nào tao bằng tuổi cây núc nác, chịu được mưa rừng thì bố sẽ cho tao vào đại rừng bẫy thú. Nhưng tao thích bẫy tê tê hơn. Con tê tê nó láu cá lắm. Muốn bắt được nó đừng quen lần theo như tìm lốt chân gấu thì chỉ có tìm sủi bóng trăng. Ngón cái của nó cẩy đất ngược lạ mà. Còn bẫy gấu chó thì phải lên rừng hạt dẻ. Mày biết con gấu chó chưa? Tôi lắc đầu, nó hất hàm, rừng dẻ đằng kia kìa. Nếu mày muốn tao sẽ dẫn mày đi, nhưng mày không được hét lên tức là mày phải có lòng can đảm ấy. Một lần tao tha thẩn ở đó lấy vỏ quặt về cho bố tao ăn trầu, mũi tao gặp phải mùi khắm lặm, hoá ra ở ngay dưới gốc cây sòi  có một con hùm con đang nằm ngủ, bố tao bảo khi nào bọt sùi ra bên ria mép nó to bằng cái vòng tay ôm này là nó tỉnh. Tao hãi quá, tè luôn ra quần. Tôi sợ toát mồ hôi nhưng vẫn háo hức và hi vọng. Nó dắt tôi xuống rừng ma. Những bãi cỏ mồ thấp tè xen kẽ giữa những hòn đá mồ côi. Những hòn đá xám xịt rêu chỉ nhỉnh hơn những cái đầu người lẩn khuất trong bụi cây rậm. Tôi leo lên cây vả nó kéo tôi tìm cây sung mật, tôi đò mồm gặm quả dâu da đất nó dụ tôi bứt quả gắm rừng. Gắm rừng bùi và ngon phải biết. Rừng với tôi là một thứ gì đó u minh dằn dữ và cũng hiền hậu vô cùng. Đôi khi tôi có cảm giác rừng cũng bí hiểm như lòng ông Báo. Tôi chưa được chứng kiến ông cáu giận, nạt nộ ai bao giờ, ông thật hiền lành. Đó là những lúc ông ngồi cạp rổ dưới bóng cây núc nác hoặc nằm gác chân, quại gió bằng cái quạt mo và ngẫu hứng đọc vè, những câu vè không có vần điệu trầm bổng ngọt ngào như lời hát đúm của bà tôi. Tôi cũng nằm trên chõng, chân đạp vách, chân bắc thượng lên cái cửa chống gió. Thằng Nước nằm giữa, nó thích nằm chổng mô, cuốn con sâu thuốc cho ông rồi nó bắc hai cái que tre phách nhịp .

– Đời tôi vất vả cơ hàn, Không cha không mẹ như đàn không dây, Họ hàng nội ngoại đông tây, Anh em chú bác tôi không được nhờ, Mới lên bốn tuổi ấu thơ, Bạ đâu ngủ đấy là nhà của tôi, Thấy tôi biết chăn trâu cắt cỏ, Lang xóm mắt về làm con ở đầu sai, Lại còn đánh đập dã man, Khác nào như thể quân thù mà thôi. Đời tao nào khác kiếp ngựa trâu, phải không hở. Ồ mà chúng mày con nít nghe làm gì?

Tôi thích nghe gọng ông hào sảng khi ông vè đi làm cách mạng. Cái giọng kích thích tôi ghê gớm, ông cười hềnh hệch như chẳng bao giờ biết buồn. Cái chân cà nhắc của ông rung rung.

– Bà ơi nấu nướng chăm con, Để con khỏi khổ như là thân tôi.

– Eeng bịa rồi!

Thằng Nước giãy nảy. Ông mở mắt.

– Ờ, ờ .

Thằng Nước làm ra bộ ngẫm nghĩ một lúc lâu.

– Con cũng muốn có mệ, có mạng.

Ông lại lặng im. Tất cả mọi lớp cơ trên mặt ông trùng xuống, mắt ông đờ đẫn, trôi trôi.

Lần này, ông Báo lại đi xa. Bố thằng Nước vẫn thường đi như thế sau mỗi ngày mùa. Nó không biết bố đi đâu. Nó không khóc đòi theo cũng như không sợ hãi ở một mình. Nó đếm ngày bố nó đi bằng cách bỏ que đóm vào ống nứa hay dắt lên tấm liếp. Bố nó vẫn dặn nó làm như vậy. Nhưng lần này nó bỏ đầy cái ống nứa đó mà ông Báo vẫn chưa về. Nó buồn rầu không thiết lên núi săn bắt như mọi khi. Tôi dẫn nó về làng bắt bạn mới. Chắc hẳn đây là lần đầu tiên nó đặt chân vào làng. Bọn trẻ con dè dặt đón nó như người làng tôi đón nhận tình cảm của ông Báo. Nó bỗng ne nép và lấm lét đứng nhìn bọn trẻ chúng tôi đùa rỡn trên lưng trâu. Tôi bảo: Mày cùng cưỡi với tao nhé. Nó khinh khỉnh. Trâu nhà mày hiền lắm. Tao thích con trâu trên đồi sắn hơn.  Nói rồi, nó lùi lũi trở về ngôi nhà của nó và ngồi chơ vơ trên tảng đá. Ngóng xa xôi.

Nó chưa bao giờ hỏi bố nó về mạng của nó cũng như vì sao chỉ có hai bố con nó sống cô quạnh ở nơi rừng ma hoang vắng như thế này. Những lúc buồn bực nó đâu biết khóc đòi làm rỗi như tôi. Nó đón nhận sự săn sóc của cha nó hồn nhiên như cây núc nác mọc ở đầu hồi nhà nó. Đôi khi có cảm giác trong ngôi nhà đó chỉ có hai người bạn.

Một tuần trăng lặng lẽ trôi qua, cuối cùng tôi cũng giúp nó dắt que đóm thứ ba mươi mốt vào trong ống thì ông Báo về. Nhưng lần này không chỉ có mình bố nó mà có thêm một người đàn bà nữa. Người đàn bà đó sùm sụp cái khăn mỏ quạ, đeo yếm, thắt dải dây lụa. Bố nó bước vào nhà, người đàn bà đó cũng bẽn lẽn, ngượng ngập bước theo sau. Bước đi không phải của người quen trèo đồi. Nó thắc mắc nhìn bố rồi nhìn người đàn bà một cách khó hiểu. Ông Báo cười hềnh hệch: Tao dẫn mạng về cho mày đấy. Ông quay lại nhấc bị cói trên vai người đàn bà đó đặt xuống chõng tre: Bà nấu cơm cho người đàn ông nhà này ăn thôi. Người đàn bà đó khẽ cười bắt thân với nó khi nó đang nằm gọn trong lòng bố nó. Đêm xuống, bà chong đèn vá lại cho bố nó cái áo rách vai, khâu cho nó đôi quần mới. Gặp tôi, nó khoe. Tôi thì thào: Mạng mày đấy à. Nó tự đắc bảo: Mạng  tao đấy, nhưng không phải mạng đẻ. Đôi mắt nó ánh lên niềm hạnh phúc ưu tư.

Những ngày sau đó có mấy người rẽ rào, lội suối nhà ông Báo, nhưng là người làng. Đàn bà mang rơm, đàn ông lên rừng chặt nứa. Người pha nứa, người nhào bùn, người băm rơm, gắp ranh. Họ cười nói, họ đánh từng gắp ranh qua tay nhau lên lợp lại mái nhà cho nhà thằng Nước. Ngôi nhà được căn thêm một trái bếp phía mặt trời lặn và mở thêm gian buồng phía mặt trời mọc. Ô cửa chống nhìn thẳng ra cây núc nác. Mùa đông năm đó, bầu trời xanh thẳm và gió ràn rạt thổi trên những cánh đồng khô nẻ. Nước trong khe cũng cạn róc. Nhà thằng Nước đào giếng. Gặp ngôi mộ giả có rất nhiều chiêng đồng, chiêng đúc. Thằng nước bảo. Chiêng của nhà Lang đấy. Phải đem về nhà trưởng thôn cất cho. Tôi háo hức mừng thầm. Mùa xuân năm nay mở hội phường sắc bùa to đây, làng sẽ vui lắm a. Nhưng tao không ở nhà đi chúc tết được đâu! Nó bảo nó muốn đi làm một việc như bố nó vẫn thường đi. Tôi chột dạ hỏi: Đi tìm mạng mày à. Nó không trả lời. Mày thi bắn nỏ thay tao nhé! Tôi bỗng thấy lòng bần thần, trống trải vô cùng. Mày không đợi đủ tuổi lớn để vào rừng sâu săn thú. Không đợi con trâu đói ăn lùng vào đồi sắn, húc cặp sừng nhọn hoắt vào mô đất bở rồi khoan thai gặm những củ sắn ứa nhựa một cách ngon lành à? Tao là bạn của mày mà, mày cho tao đi cùng đi. Nó chằm chằm nhìn tôi. Mày muốn đi như tao à, còn phải đợi thêm ba cái tết nữa.

Mùa tu hú, tôi cũng được đi ra khỏi làng, nhưng không phải đi như nó mà là đi học, rồi được tuyển thẳng vào thiếu sinh quân. Một lần tôi gặp Nước đi tải gạo lên Tây Bắc theo đường sông Đà suối Hút rồi nghe tin nó bị thương ở mường Chuồn. Ngày nghỉ phép, tôi trở về làng. Tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay chóng vánh của quê hương tôi. Người xuôi lên khai hoang lập làng mới, xóm mới. Rừng thưa, quang vắng. Ruộng đã lên cả trên đồi cao. Nương sắn ở xa tít xa. Chính tôi cũng không còn có thể nhận ra nhà mình. Bộ đội về làng, vào rừng tập xe tăng. Thú rừng cũng vì thế mà chốn sâu vào rừng sâu. Đoạn đời chúng tôi đã trải qua bỗng chốc trở nên xa xôi như những câu chuyện cổ. Lòng mênh mang buồn. Mạng vui mừng kể rất nhiều về cái sự đổi mới, chuyện người còn người mất trong thời gian tôi đi xa. Mạng thầm thì bảo: Ông Báo ở làng Xuân Mai à. Ngày xưa, trước ngày thằng Nước đi làm giao liên, nhà ông Báo đào giếng bên cây núc nác nhặt được rất nhiều chiêng. Chuyện đó thì tôi biết. Nhưng còn chuyện vợ ông giấu cái lọ sành, đổ ra chỉ thấy toàn sỏi là sỏi. Mạng nó phàn nàn với mạng tôi, cái lọ đó mà để trong nhà thì đúng là chẳng có được cái lợi lộc gì. Hơn nữa mạng nó vốn là người ưa sạch sẽ, bà đổ tất cả những thứ đó vào chuồng lợn. Bỗng dưng những viên sỏi đó sáng rực cả góc chuồng. Một thứ ánh sáng khủng khiếp và quái đản. Đêm nào mệ thằng Nước cũng nhìn thấy có một người con gái cứ về đòi bà phải trả lại cái lọ đó. Còn ông Báo không nguôi khùng giận, những thứ đã bỏ đi, bị làm uế tạp thì làm sao còn lấy lại được nữa. Mạng thằng Nước mới vỡ lẽ, trong những ngày bà chưa theo về làm vợ của ông, những viên sỏi phát sáng đó đã đón đợi ông như ánh trăng chiếu đường cho người nghèo lang thang. Nó giải toả nỗi buồn bực trong lòng ông. Với ông không có gì đẹp và ấm áp như những viên sỏi đó. Nó đã an ủi ông trong suốt những đêm dài cô quạnh.  Hãi quá, mệ thằng Nước đi gọi thày mo, thày mo làm lễ ba ngày chín đêm mà vẫn không khỏi ốm… Năm đó lũ rừng, mưa rừng, con suối hiền lành trước cửa nhà ông Báo bỗng chốc trở nên hung bạo, nước chảy xiết vùi luôn mạng nhà thằng Nước, cuốn đi.

Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng

Đêm nồng nực, chỉ có tiếng trẻ con bi bô học bài, tiếng lúa đập vào con lăn bồm bộp, ông Báo không nhận ra tôi. Lưng ông đã còng và bước đi chậm chạp. Ngôi nhà vách đất của ông lọt thỏm giữa những ngôi nhà ngói mới xây. Chỉ có cây núc nác già cao vóng, bây giờ là mùa núc nác ra hoa, những bông hoa của nó cũng kỳ dị, dầy bịch và giống như những quả chuông nhỏ rớt xuống sân giếng trơn rêu đỏ thâm như màu máu. Trên vòm cao, ở những cái núm thâm thẫm đã lấp ló quả non hình thanh kiếm. Ăn quả núc nác, người làng tôi chữa cho cái lưng đau luôn thẳng. Tôi tiếc cho ông Báo không bao giờ biết mùi vị nhặng đắng của nó. Ông báo ngồi rít thuốc lào sòng sọc. Tôi ngồi thả mình bên chõng. Ông nhìn ra xa. Tôi nhìn lên bầu trời. Trời trong. Sao dày đặc. Sao như vàng tấm sóng sánh trôi trong con suối. Tôi nhìn ông. Chân trời chợp chờn ánh chớp. Trời ngày mai chắc có mưa. Ông vẫn ngồi lặng nhìn vào xa xôi. Cả quãng đời ông tưởng như đã rơi vào quên lãng.

***

Đó là một thời xa xưa lắm, xưa như những câu chuyện cổ tích. Ông đốn tre trên rừng về qua khe nước. Tay chân sưng vù vì muỗi đốt, vì vắt cắn. Ông vục mặt xuống suối. Một vài giọt nước mát lành rơi lộp độp xuống tấm lưng để trần của ông. Đương dưng sao trời đổ mưa. Mới làm lễ xuống đồng kia mà. Đấy là ông thoáng chột dạ vậy thôi. Rồi tiếng nước ụp xoà. Tiếng con gái cười trong veo như nước suối trong trên đá xanh. Cười vô tư không hề vướng bận lo toan. Tiếng cười rất quen. Ông đưa mắt tìm quanh. Giật thót mình. Thôi đúng rồi, cô Sánh, cô Sánh con ông Lang xóm. Sao ông lại trở về đúng lúc cô ra suối tắm. Bất chợt gợi ông nghĩ đến trận đòn cột trong truồng trâu. Ông mường tượng ra cô Sánh sẽ lấp ló sau khung cửa sổ căm giận nhìn ông. Ý nghĩ làm bước chân ông lùi lại, vấp phải hòn cuội trơn, người ông ngã bệt xuống nước. Khuôn mặt cô Sánh bỗng nghiêm túc, gò má trắng mịn, mát mẻ như sương xuân bỗng ửng hồng như quả dâu da đất vừa độ chín. Đôi môi cô khép lại gọn ghẽ rồi nở ra cùng đôi mắt hạt bí là đà như con chim gọi bạn. Cái váy vặn lên quá nửa bung xoã như gim xuống mặt nước. Bất chợt cô bỏ chạy, phá lên cười. Tiếng cười như gim ông vào, cuốn ông đi.

Từ buổi đó, cô hay đà đưa con mắt hạt bí mỗi khi gặp ông. Mà ông cũng chỉ dám lấm lét liếc trộm vào cửa buồng của cô mỗi khi ông vác củi ngang qua. Hội phường sắc bùa năm đó cô Sánh đi hát đúm, ném còn ở làng bên. Cô đi từ tờ mờ sớm cho đến trăng khuya. Ông cũng phải lên rừng đốn gỗ từ khi con gà chưa đánh thức ông mặt trời. Qua con suối, bỗng dưng lòng ông dở chứng. Nó bắt cái chân ông quay lại. Và ông cứ ngồi ì ở đó cho đến trăng tà. Vu vơ buông câu đúm.

–  Ủn ý đẹp lắm, đẹp nhì. Thắm như bông chuối giữa rừng sớm mai…

Lời chưa rứt, bỗng có tiếng con gái cất lên:

– Eeng gia khoẻ đẹp lắm nhì. Lên rừng cọp sợ, xuống đồng lúa xanh, hoẵng dữ eeng bẻ cặp nanh, lúa xấu lá ổi bẻ cành trừ sâu.

Thì ra là cô Sánh. Tóc cô ướt đẫm sương đêm. Cô đặt cái lọ xuống tảng đá gần mặt nước. Cô giơ tay vẫy vẫy, quả còn rơi khỏi tay. Cô ếm bùa yêu cho ai đấy? Ông vừa rời khỏi phiến đá. Cô phá lên cười rồi bỏ chạy.

Mùa cơm mới, cô không còn kiếm cớ như vô tình đi qua nhà kho nữa. Người con trai bản khác đã về ở rể. Cô thường tiến thẳng đến chỗ ông, nhìn thẳng vào mắt ông, sai bảo ông đi bứt dâu da đất, sim rừng, ổi rừng. Cứ thế một lần, hai lần và ông quen như đó là công việc của ông vẫn thường làm trong nhà lang xóm. Khi con cuốc gọi ran ngoài ruộng, vòng dây xà tích đeo bên hông căng căng kéo cái váy hơi hếch lên là ông lang Bùi cho gả cô Sánh về nhà chồng lấy cả trăm đồng bạc trắng. Thời đó, mỗi khi nhà Lang có cưới gả, cỗ bàn, tất tật mọi người trong bản phải đến cống nạp và làm lụng. Suốt cả tuần trăng ông phải nằm trên rừng chặt sao cho đủ củi làm cỗ. Ông cứ làm hùng hục, quên ngày, quên đêm, không nghĩ ngợi, không muộn phiền. Bản mặt lúc nào cũng bằm bặm, gặp người quen, vui câu chuyện: Đũa mốc đòi gắp thịt công a? Lão lang Bùi đánh mày lệt cẳng mà mày vẫn thương con gái nó à? ông chỉ vu vơ cười.

***

Mùa thu, hoa dẻ nở trắng đồi, ông cùng đám người ở nhà lang lên rừng săn gấu, lấy mật làm cao. Mải theo con gấu chó, đám người bị lạc xuống đồn điền cà phê. Thấy toán người cu li đang dùng gậy gộc đánh đập quan cai tây. Khuôn mặt họ đằng đằng sát khí. Bị kích động. Trong lòng ông đã thức tỉnh một điều gì đó, cái điều đã làm cho những câm lặng trong lòng ông bỗng biến thành sự uất ức, và bằng hành động là sự đánh trả. Bàn tay ông đã nhuốm máu a? Ông Bàng hoàng sợ hãi. Làn gió đó đã cuốn ông đi, rủ rỉ với ông, khiêu khích sự thù hận trong lòng ông bằng bầu không khí hừng hực rung trời lở đất đang diễn ra ở mọi nơi, mọi chỗ. Chỗ nào ông cũng thấy những con người đầy sự bí mật, những người cu li bảo cho ông biết được ý nghĩa của cuộc sống, nỗi khổ nhục của những bần nông như ông đang phải trải qua. Làn gió đó đã thổi vào làng ông. Những con người sống bên ông họ không vui mừng, hồ hởi như khi được lang xóm thưởng cho một tấm vải mới hay bát cơm không độn ngô sắn. Họ tiếc những cánh đồng của bố mệ, ông bà họ bị xiết nợ. Họ thấy phải có bổn phận là người được uỷ thác, được vận mệnh sui khiến. Và họ nắm chặt hai bàn tay giơ lên, cùng với lời hô vang chắc nịch. Cầm con dao rựa đi rừng, cái liềm gặt lúa, cuốc xẻng và gậy gộc. Họ xông đến nhà chúa đất, lang xóm. Ông cũng lẫn vào họ. Cũng giỡ nhà, phá bếp. Thục vào buồng chia từng đụn thóc móc, thóc chăm. Tủi nhục, gia đình lang xóm bỏ làng đi. Mùa măng, ông đã dựng ngôi nhà nhỏ gần bên con suối thì Sánh về. Trên tay bế một đứa trẻ. Sánh đợi ông ở bên đống củi. Trời nhá nhem tối. Ông không thể nhận ra ún Sánh. Sánh gầy tong teo, xơ xác. Lòng ông cồn lên nỗi buồn khó tả. Tim ông nhói lên rồi thắt quặn.

– Ún quen chơi rồi, ún không biết làm gì để nuôi con.

Vứt trả thằng bé vào tay Sánh, mắt ông tối sầm.

– Không được, đừng bắt tôi phải nuôi nó.

– Ủn xin eeng gia. Nó chưa biết làm điều xấu, nó không có tội, eeng đừng bỏ rơi nó.

Sánh ngồi phịch xuống ngưỡng cửa. Sánh khóc, thằng bé cũng khóc. Sống mũi ông cay xè. Thằng bé có liên quan gì đến ông. Nhưng không biết tại sao nỗi băn khoăn cứ ở mãi trong lòng ông. Ông có nên đẩy Sánh vào nhờ vả người làng hay không? May ra. Chắc chẳng ai muốn rước cái phiền luỵ này? Ông không muốn thấy thằng bé phải sống trong cái cảnh bụng đói cợt rét như ông ngày xưa. Cơn xúc động ấy làm ông bối rối.

– Ủn chỉ biết nhờ eeng. Chỉ có eeng mới đủ lòng thương nuôi nó thành người.

Sánh đặt đứa bé lên đống củi, vội vã bỏ chạy.  Ông cũng tức tốc bế thằng bé đuổi theo. Không thấy Sánh. Ông lưỡng lự quay về. Trời đen kịt. Tiếng bắt cô trói cột rành rẽ, đơn độc ngoài bờ suối vẳng về. Không biết người cà nhắc như ông có nuôi nổi thằng bé không. Ông ẵm nó vào lòng. Nó im thin thít. Con mắt bé tin hin nhắm nghiền mọng nước. Nó lả vì mệt, vì đói, vì khóc nhiều.

Ông chọn cây núc nác làm mạng cho nó. Yểm bùa cho nó bằng chiếc lọ đựng những viên sỏi xuống gốc cây. Từ nay, nó sẽ là người nhà ông rồi. Núc nác là cây kỵ của nhà lang xóm mà. Mỗi mùa cây núc nác trổ hoa là ông lại buộc vào thân cây một cái lạt đánh dấu tuổi cho thằng Nước. Ông phấp phỏng chờ đợi. Nhưng con đường dài lắm, biết Sánh rẽ đường nào?

***

Đêm loãng dần, mênh mông, những chòm sao cô lẻ nhấp nháy.

Câu chuyện đã qua từ lâu, những ánh đèn bên nhà hàng xóm đã tắt từ lâu. Những chòm sao trên trời cũng tắt, chỉ còn ánh chớp loằng ngoằng báo hiệu ngày mai trời sẽ mưa. Ông Báo vẫn ngồi yên như khúc gỗ, thỉnh thoảng ông lại rít điếu cày sòng sọc. Tôi biết ông đang đợi thằng Nước. Ông nhớ tới ngày nó xin ông cho nó đi bộ đội. Hồi đó nó mới chỉ như con chim non mới ra ràng, rồi con chim non đó sẽ bay xa theo khát vọng của nó. Ông mừng vì nó không phải là giống chim cuốc, chỉ biết lủi sâu trong bụi rậm. Lúc ông nghe tin nó đã bắn chết một thằng tây, bắt sống thằng quan cai ngục, xông pha giải vây cho đại đội an toàn thoát khỏi gọng kìm của địch, được gặp Bác Hồ. Lúc ông lại nghe tin nó đã ra quân và sống một cuộc sống bình thường ở một phương trời nào đó. Nhưng ông không khỏi lo cho nó. Biết đâu đấy trong cuộc đời lại run rủi cho cánh chim bằng ấy bay về với ông. Để ông được trông thấy nó cao lớn, vững chãi. Lúc đó ông sẽ hì hụi đào cái nền lên, dốc hết mọi sức lực trong con người ông để tự tay lôi cái hòm gỗ lên. Cái khoá chôn dưới đất ẩm chắc chắn sẽ gỉ, ông có cố sức cũng không thể dùng kìm bẻ được cái lõi sắt ấy. Ông sẽ bảo nó giúp ông. Bằng sức lực đàn ông của nó, nó sẽ bẻ một cách dễ dàng. Tất nhiên nó sẽ ngạc nhiên và cho rằng ông lẩn thẩn khi nó đưa tay đón nhận những viên sỏi đen sì từ bàn tay già nua run rẩy của ông. Không đợi nó hỏi mà ông sẽ kể cho nó nghe câu chuyện ông đã trải qua và chờ đợi. Bằng trí tuệ của nó. Nó sẽ biết cách thắp cho những viên sỏi đó phát sáng trở lại. Chuyện cổ tích về cha đấy: Trước mặt các con của con, con lại bắt đầu kể chuyện về cha: Thuở xưa trên cõi đời này…

Nhà văn Phạm Thị Duyên
CHÉP LẠI TỪ TRANG VANVN.VN
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)