Từ anh Vệ quốc quân đến anh Bộ đội cụ Hồ
Vũ Nho
Người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam ban đầu mang tên là Vệ quốc quân. Còn thấy tên gọi này trong ca khúc “Đoàn vệ quốc quân” của Phan Huỳnh Điểu, trong bài thơ “Cá nước” của Tố Hữu : “Anh vệ quốc quân ơi/ Sao mà yêu anh thế”. Tôi muốn cùng mọi người nhắc lại một thời của người chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc, những người con từ nhân dân mà ra, được nhân dân nuôi dưỡng, nhận trách nhiệm vẻ vang “vệ quốc” trong kháng chiến chống Pháp.
Ngày ấy, các anh là những chàng trai từ mọi miền quê nghèo, có người còn chưa biết chữ, làm thành những đơn vị đầu tiên của quân đội ta, cùng chung lí tưởng đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc.
Lũ chúng tôi,
Bọn người tứ xứ
Gặp nhau hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi “một hai”
Súng bắn chưa quen
Quân sự mươi bài
Lòng vẫn cười vui kháng chiến
Lột sắt đường tàu
Rèn thêm dao kiếm
Áo vải chân không
Đi lùng giặc đánh
Nhớ- Hồng Nguyên
Trang bị còn thiếu thốn làm sao. Quần áo vẫn là của những trai làng trên đồng ruộng:
Aó anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Đồng chí- Chính Hữu
Nhưng tình thần yêu nước, tinh thần bảo vệ Tổ quốc thì luôn ắp đầy. Các anh ra trận, có người chưa vợ con, có người gửi lại hậu phương “ …người vợ trẻ/ Mòn chân bên cối gạo canh khuya”; và cũng có những chàng trai học sinh thành phố ra trận với vẻ hào hoa dũng mãnh và nỗi nhớ gửi về những cô gái Hà thành:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Tây Tiến- Quang Dũng
Cái đầu “không mọc tóc” của các anh tăng thêm vẻ dũng mãnh chiến binh, nhưng đó là hậu quả của những trận sốt rét kinh hoàng vì thiếu thuốc men thuở đó. “ Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh/ Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi” ( Đồng chí – Chính Hữu). Và đây nữa : “Cơn sốt nằm run đến sập giường/ Rét xong lại dậy cuốc như thường/ Miền Đông “gian khổ mà anh dũng” ( Nhớ miền Đông- Xuân Miễn). Sốt rét còn để lại di chứng vàng da trên má người “Vệ quốc quân” trong bài “Cá nước” :
Giọt giọt mồ hôi rơi
Trên má anh vàng nghệ
Cá nước – Tố Hữu
Các anh đã vượt qua gian khổ, thiếu thốn, bệnh tật, đã trụ vững và chiến thắng. Những người chiến sĩ vệ quốc – những anh bộ đội cụ Hồ ở mặt trận Đèo Cả :
Sau mỗi lần thắng
Những người trấn Đèo Cả
Về bên suối đánh cờ
Người đi hái cam rừng
ăn nheo mắt
Người vá áo
thiếu kim
mài sắt
Người đập mảnh chai
vểnh cằm
cạo râu
Đèo Cả - Hữu Loan
(Sau này những người lính xe tăng trong bài thơ Sau trận đánh của Hữu Thỉnh cũng hồn nhiên như thế). Hình ảnh những chiến sĩ vệ quốc quân- anh bộ đội Cụ Hồ thật đẹp đẽ, hùng tráng trong những vần thơ ca ngợi các anh giữa thiên nhiên:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Tây Tiến – Quang Dũng
Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá ngụy trang reo với gió đèo
Lên Tây Bắc – Tố Hữu
Không chỉ có nhiệm vụ “đi lùng giặc đánh”, các anh còn tự mình vỡ đất tăng gia, làm ra lương thực. Đó là những người “nông binh” trong “Bài ca vỡ đất “ của Hoàng Trung Thông, trong “ Bức tranh sinh hoạt” của Minh Tiệp, trong “ Nhớ miền Đông” của Xuân Miễn.
Giường kê cánh cửa
Bàn ăn lát nứa
Câu đối dán đè khẩu hiệu xinh xinh
Thương nhà dân chật chội
Bọn anh đóng ở đình
Chẳng tu cơm cũng muối
Bức tranh sinh hoạt – Minh Tiệp
Cái thuở ban đầu trang bị thô sơ, còn phải “ Lột sắt đường tàu/ Rèn thêm dao kiếm” ( Nhớ - Hồng Nguyên) nhưng chẳng bao lâu, các chiến sĩ đã có pháo binh ( Voi- Tố Hữu), chúng ta đã sử dụng những vũ khí hiện đại trong trận Sông Lô :
Moóc –chê ta nổ dậy gầm trời
Liên thanh ta bắn tựa mưa rơi
Tặng chiến sĩ sông Lô – Võ Liêm Sơn
Không biết cụm từ “anh bộ đội cụ Hồ” xuất hiện tự bao giờ sau anh Vệ quốc quân, nhưng chắc chắn một điều là trong bài thơ của nhà thơ dân tộc tày Nông Quốc Chấn viết năm 1948, các anh được gọi là “Bộ đội ông Cụ” ( nhan đề của bài thơ). Trong bài thơ “ Bà mẹ Việt Bắc” của Tố Hữu cũng có câu thơ : “Nó đi cứu nước/ Làm lính cụ Hồ”. Các anh được nhân dân đùm bọc, chở che; các anh được nhân dân nuôi dưỡng (Dân no thì lính cũng no – Thanh Tịnh); các anh “ đi dân nhớ, ở dân thương”. Còn đây, tình quân dân thắm thiết, cảm động:
Các anh về
Mái ấm nhà vui
Tiếng hát câu cười
Rộn ràng xóm nhỏ
Các anh về tưng bừng trước ngõ
Lớp lớp đàn em hớn hở chạy theo sau
Mẹ già bịn rịn áo nâu
Vui đàn con ở rừng sâu mới về
Bao giờ trở lại – Hoàng Trung Thông
Nhà thơ Tố Hữu thì khái quát :
Anh về cối lại vang lừng
Chim reo quanh mái gà mừng dưới sân
Anh về, sáo lại ái ân
Đêm trăng hò hẹn, trong ngần tiếng ca
Lên Tây Bắc – Tố Hữu
Tình quân dân, tình người lính cụ Hồ với hậu phương thật là sâu nặng.
Trong cuộc kháng chiến vĩ đại đó của dân tộc, bao người chiến sĩ đã hy sinh thầm lặng:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Tây Tiến- Quang Dũng
Những chiến sĩ trên chiến trường Điện Biên:
Những đồng chí thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân , nhắm mắt vẫn còn ôm
Những bàn tay xẻ núi lăn bom
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên – Tố Hữu
Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã khái quát sức mạnh của những người lính cụ Hồ trên mặt trận Điện Biên:
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa
Đất nước – Nguyễn Đình Thi
Điểm qua một ít thơ kháng chiến viết về người vệ quốc quân, người lính cụ Hồ, chúng ta thấy đó là những con người đẹp nhất, ưu tú nhất, anh dũng nhất đã làm vẻ vang cho quê hương, đất nước. Các anh là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, của đất nước Việt Nam. Tên gọi các anh là một giá trị văn hóa vĩnh hằng.