NHÀ THƠ DƯƠNG KÌ ANH RỜI CÕI TAM. HƯƠNG THỌ 78 TUỔI. CLB VĂN CHƯƠNG XIN CHIA BUỒN VỚI GIA ĐÌNH. CẦU CHÚC CHO LINH HỒN NHÀ THƠ SIÊU THOÁT MIỀN CỰC LẠC!
CHÚNG TÔI ĐĂNG LAI BÀI VIẾT CỦA NHÀ VĂN VŨ NHO VỀ TẬP THƠ "MIỀN KÍ ỨC" NHƯ MỘT NÉN NHANG TIỄN BIỆT!
CLBVANCHUONG.COM
TÌM TRONG KÍ ỨC
TẬP THƠ Miền kí ức của DƯƠNG KÌ ANH
Nhà xuất bản Quân đội nhân dân , 2000
Vũ Nho
Mỗi người đều sống một cuộc đời bình đẳng với thời gian, và dù có thiên hẳn về quá khữ, hiện tại hay tương lai, chúng ta vẫn phải thừa nhận quá khứ của mỗi con người càng ngày càng nhiều thêm mãi. Hôm nay ta sống phút giây hiện tại. Ngày mai hiện tại ấy đã thành quá khứ. Ngày kia, những cái gì của ngày mai tương lai cũng thành quá khứ…Tất cả đều chảy trôi và được lưu giữ một phần lớn trong kí ức. Bởi vậy, Miền kí ức là là một phần quan trọng của mỗi đời người. Tuy nhiên không phải với bất kì ai và ở đâu, miền kí ức cũng là miền phong phú của ấn tượng và kỉ niệm, miền an ủi, miền nuôi dưỡng tâm linh trước cuộc đời êm đềm, phẳng lặng, nhạt nhẽo hay dữ dội, ào ạt, mặn mòi.
Dương Kì Anh và tập thơ Miền kí ức chứng rằng kí ức là của cải, là hành trang, là sức mạnh đồng hành cùng và cho con người đi qua thời gian.
Còn nhớ câu thơ ấn tượng của tác giả:
Củ khoai sém đáy nồi thơm đến mức
Rượu Mác ten cũng nhật ở đầu môi
( Bên cửa sổ máy bay – Trong tập Đi qua thời gian)
Rượu Mác ten, hiện tại, hiện hữu trên đầu môi mà phải chào thua, mà chịu nhạt trước mùi thơm khoai sém đáy nồi trong kí ức. Chỉ một chi tiết ấy cũng nói bao nhiêu về cảm quan của thi sĩ trước cuộc đời. Đó là căn nguyên để ta hiểu vì sao người thơ hay sống trong ao ước, hay sống giữa mộng mơ, hay tiếc nuối những chiêm bao, ảo ảnh:
Đời thực không thực
Đời mơ ta mơ
Tìm trong kí ức
Bao nhiêu mong chờ
( Mơ)
Trong miền kí ức mênh mông đa chiều, nhiều tầng lắm bậc ấy, vẫn dễ tìm thấy, nhận ra những vệt chính tập trung, phản ánh mối quan tâm và sự đam mê, sự nhạy cảm và những niềm trăn trở.
Có lẽ đam mê yêu thương là cái tạng muôn đời của thi sĩ. Trong khi thiên hạ “duy” nhiều thứ thì thi sĩ chỉ “duy tình” ( Em thì duy lí còn tôi duy tình - Phạm Công Trứ). Trong khi thiên hạ nguyện cầu nhiều thì thi sĩ thường niệm “ A di đà…tình” ( Thơ Cao Xuân Sơn – Vái trước Phật đài). Dương Kì Anh cũng vậy. Anh đi chùa theo cung cách thi nhân:
Người cầu tài cầu lộc
Anh chỉ cầu có em
( Ghi ở Chùa Hà)
Khi được như sở nguyện thì người thơ cứ như lạc vào trong cõi mộng, cõi mơ:
Tối rồi anh ngỡ còn trưa
Soi gương cứ ngỡ mình vừa đôi mươi
Chuyện đáng khóc, anh lại cười
( Thơ người đang yêu)
Nỗi đam mê ấy thể hiện trong âm thầm khát khao được trẻ, dù chỉ là trong một tiếng xưng hô: “ Hãy gọi anh là anh. Tóc anh hãy còn xanh” ( Tự cảm). Nó thể hiện trong cái nhìn say đắm nhưng rất trân trọng, tôn thờ trước vẻ đẹp như mơ của tuổi hoa niên:
Áo mỏng như là sương khói ấy
Một nét lưng ong một nét cười
Bàn tay như với cùng trời đất
Mưa bụi ướt mềm trên bờ môi
(Với người qua tuổi hoa niên)
Ta thấy người thơ hồn nhiên, chân thành và tự tin trước “thời gian bạc tóc/Đời người tấc gang” :
(Thời gian)
(Biển khát)
Nhưng giữa sự sống lại, trở về tuổi trẻ “ Ngây thơ trăng lại cùng ta …trốn tìm” (Trăng biển) và sự trăn trở của người giác ngộ “ giữa biển đời sục sôi”. “ Mới hay cõi Phật ở nơi lòng mình” ( Ghi ở chùa Nam Đồng) thì những chiêm nghiệm của người “tóc phai như sương” dễ tìm được nhiều đồng cảm.
Con người nhạy cảm hay thảng thốt “ Chợt nhớ, chợt quên, chợt vui, chợt buồn” ( Tự thấy) nhưng niềm thao thức vẫn đau đáu hướng về “ phận người trôi dạt cánh bèo ao quê” ( Phận người); hướng về làng quê “ vườn nhà gió lùa xơ xác” ( Ghé nhà người quen một ngày cuối xuân), “có ngôi nhà xây như lô cốt” ( Chân quê); hướng về những “Tiếng rao đêm cứ thổn thức bồi hồi” (Tiếng rao đêm). Chính điều đó làm cho bạn đọc thấy thêm nhiều vỉa sâu trong tầng tầng kí ức.
Thăm đấu trường La Mã, tác giả có một phát hiện và liền đó là niềm băn khoăn:
Thời gian đã rêu phong những tiếng thét gào
Tôi chỉ thấy du khách nói cười trên khổ đau của nghìn năm trước
Nhưng khổ đau bây giờ, người đời sau nghĩ sao!
(Ghi ở đấu trường La Mã)
Đấy là tác giả liên tưởng theo chiều dọc của Lịch sử mà hỏi thế. Chính người bây giờ cũng phải nghĩ về khổ đau của thời bây giờ chứ! Chẳng lẽ chỉ đợi cho Lịch sử phán xét hay sao? Sao lại nói cười trên khổ đau của nghìn năm trước và có nghĩa là thờ ơ hay vô cảm với những khổ đau bây giờ? Nhà thơ chỉ ghi lại cho chúng ta suy ngẫm, anh không phê phán mà cũng không đặt câu hỏi trực tiếp cho người đọc.
Có khi thơ ở ngoài lời, câu hỏi ngoài câu hỏi là một cách giãi bày của Dương Kì Anh. Anh không cao giọng, thường rủ rỉ nói những điều bất chợt, tự cảm, tự thấy, nói bằng giọng tâm tình. Bởi vậy mà dung dị và vang vọng.
30 tháng Tư năm 2000
Người gửi / điện thoại