TIỄN BIỆT NGƯỜI RONG CHƠI
MAI NAM THẮNG
Tôi đọc bài thơ NHỮNG GIỌT MƯA ĐỒNG HÀNH của anh vào khoảng đầu năm 1982. Lúc đó tôi là Binh Nhất đóng quân ở Cam Lộ-Quảng Trị. Bài thơ sau đó được trao giải Nhì cuộc thi thơ 1981-1982 của báo Văn Nghệ.
Cho đến nay đã đọc nhiều bài thơ và trường ca của anh, nhưng tôi vẫn hết sức ấn tượng với NHỮNG GIỌT MƯA ĐỒNG HÀNH. Theo tôi, đó là bài thơ tinh khôi, trong trẻo, tinh tế, hồn nhiên, tự nhiên... nhất của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha.
Hôm qua nói chuyện với nhà phê bình Văn Giá và nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu về Nguyễn Thụy Kha, tôi nhắc lại nhận xét trên đây và được 2 ông gật đầu đồng tình.
Tôi không nhớ đã được làm quen với nhà thơ anh Nguyễn Thụy Kha từ lúc nào, hồi những năm giữa thập niên 80 ra HN học ĐH; hay từ sau năm 1988, khi tôi đã trở thành nhà báo QĐ rồi nhà thơ áo lính, hoạt động trong một môi trường giúp tôi có rất nhiều người bạn vong niên là bạn văn bạn rượu của anh...
Tôi cũng không nhớ tôi quý trọng anh từ khi nào và vì đâu, nhưng tôi có cảm nghĩ anh cũng quý mến tôi. Bằng chứng là đôi khi tôi nhận được điện thoại của anh, hỏi mày đang ở đâu ra Laca Lý Quốc Sư ngồi với anh...
Bằng chứng là đôi khi dự hội nghị, hội thảo... có tiệc đứng tiệc ngồi, anh thường “vô tình” đi qua tôi và nói khẽ: Chốc ngồi với anh nhé! Dặn thế tức là trong chiếc túi vải bạt kè kè bên anh, chắc chắn có chai rượu ngon.
Và bằng chứng là có lần tôi sang đặt bài anh, trong câu chuyện văn chương, biết tôi đang ấp ủ trường ca viết về sự kiện “Lèn Hà bi tráng” trên đường Trường Sơn năm 1972, anh đã gửi cho tôi bản word 3 tập trường ca HÀNH LANG THÉP; NĂM THÁNG & CHIỀU CAO; RỪNG ĐỎ của anh, để tôi hiểu biết thêm về bom đạn Trường Sơn cái thời tôi còn chơi khăng đánh đáo.
Anh Nguyễn Thụy Kha ơi, cái trường ca ấp ủ ấy em vẫn chưa hoàn thành. 3 bản thảo Trường ca đã xuất bản của anh, em vẫn cất giữ cẩn trọng trong máy tính và nhờ cả đám mây lưu giữ. Em viết ra điều này để nay mai có thể hỗ trợ việc sưu tầm làm tuyển tập Nguyễn Thụy Kha, nếu có người cần.
Ngày mai gia đình và bạn bè, đồng nghiệp, công chúng... tiễn biệt anh. Cầu chúc anh nhẹ cánh bồng lai, tiếp tục cuộc rong chơi kiếp khác...