bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 35
Trong ngày: 631
Trong tuần: 1367
Lượt truy cập: 774330

TƯỞNG NHỚ NHÀ VĂN DỊCH GIẢ ĐĂNG BẨY

Vanvn- Do lâm bệnh nặng nhà văn, dịch giả Nguyễn Đăng Bảy đã từ trần hồi 2h30 ngày 14.8.2024 (tức ngày 11.7 năm Giáp Thìn), hưởng thọ 77 tuổi. Lễ nhập quan lúc 6h45 ngày 16.8.2024, lễ viếng từ 7h30 đến 8h45 ngày 16.8.2024 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 103, sau đó đưa đi hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ ở Văn Điển, Hà Nội và an táng tại Nghĩa trang nhân dân Cự Khối, Gia Lâm, Hà Nội.

Nhà văn, dịch giả Nguyễn Đăng Bảy (1948-2024)

Nhà văn, dịch giả Nguyễn Đăng Bảy còn có bút danh Đăng Bẩy, sinh ngày 12.11.1948, quê quán Thổ Khối, Long Biên, Hà Nội. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 2006.

Ông tham gia thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước (N97-P30), làm công nhân cơ giới trồng rừng, du học tại Học viện Kỹ thuật Lâm nghiệp LAT (Liên Xô), kỹ sư thiết kế máy công cụ (Viện IMI). Về sau ông chuyển về làm Báo Văn Nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, từng là Thư ký tòa soạn Báo Văn Nghệ.

Tác phẩm chính của Nguyễn Đăng Bảy đã xuất bản: Ra đi không trở lại (truyện dịch V.Bykov – 1983). Thu trong rừng sồi (tuyển truyện ngắn Liên Xô – 1984). Kẻ Đánh cắp thần linh (truyện ngắn hiện đại Châu Á -1985). Tình yêu khôn lường, (biên soạn – 2008).

Suy nghĩ về nghề văn, ông từng viết: “Văn chương quả là duyên nợ trong trường hợp tôi. Tuy kinh qua nhiều nghề nhưng vì có một bài thơ được in trên Văn Nghệ năm 1968, tôi chuyển sang dịch thuật và làm báo văn chuyên nghiệp đến nay”.

Nhà văn, dịch giả Nguyễn Đăng Bảy đã từ trần hồi 2h30 ngày 14 tháng 8 năm 2024 (tức ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn) tại Hà Nội, hưởng thọ 77 tuổi.

Hội Nhà văn Việt Nam và Ban Biên tập Vanvn.vn xin chia buồn sâu sắc với gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp của nhà văn, dịch giả Nguyễn Đăng Bảy!

VANVN

TRANG TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC XIN CHIA BUỒN VỚI GIA ĐÌNH!

XIN ĐĂNG LẠI MỘT BÀI VIẾT CỦA NHÀ VĂN ĐĂNG BẨY NHƯ MỘT NÉN NHANG TIỄN BIỆT!



HÌNH THÀNH MỘT CỐT CÁCH

(Đọc Thức Hạ của Cao Ngọc Thắng– Nxb Hội Nhà văn, 2011.)

                                      ĐĂNG BẨY

Phàm đã là người yêu thơ, ai chẳng muốn sau khi cất công đọc-thăm-dò, lại còn hứng thú để đọc lại, bất kể tập thơ ấy dày hay mỏng… Với trường hợp Thức Hạ của Cao Ngọc Thắng, tôi tin, nó sẽ được đọc lại không chỉ một lần.

Vì trong một loạt bài mang phong vị đồng quê: Nắng I, Nồm, Gánh nước, Gầu sòng em… ta gặp những câu thơ thân ái, như:

“Đằm thắm ơi, đằm thắm ơi...

Yêu  

        đằm thắm

Cả cuộc đời

                     khát khao” (Xa xăm)

 Song, đó chỉ là điểm xuyết. Xuyên suốt Thức Hạ là một giọng thơ không vồ vập ồn ào, mà - theo tôi – có những điểm nhấn xứng đáng đi vào bộ nhớ của người đọc và đồng nghiệp.

 

Về hình tượng

Tác giả mẫn cảm và hào hứng đón nhịp mùa đi: Xuân Hạ Thu Đông trở thành nhân vật trữ tình trong thơ Cao Ngọc Thắng và hiển hiện đậm nét:

“Đến chợ xuân

Tần ngần

Cánh hồng lên phấn” (Ngỡ ngàng)

Hoặc:

“Đầu năm màu nắng khập khừng

Nắng nhoe tan nỗi lừng chừng gió đông” (Nắng I)

Đó quả là những chi tiết thiên nhiên phong phú được chọn lọc hết sức tinh tế.

“Thu chửa qua đông chừng ngấp nghé

Buồn ôm buồn góc phố hè phơi

Lưng cốc bia sẻ chia ngày ngắn

Lá cây vàng từng chiếc buông vơi” (Ngấp nghé)

Và có khi đạt đến độ duyên dáng:

“Chửa dậy mùa

hương cốm

núp lá sen

đợi” (Đợi).

Chỉ một trận Mưa trong phố mà anh khắc họa được cả một vũ trụ:

“Va tường nhà

Rong xuống đất

Trườn vỉa hè

Lênh lang nước

Bong bóng mưa

Lũ nhóc

Nhảy loi choi

Cóc cười khụ khụ”.

Đọc thấy tiếng cóc cười này, ta hiểu, tác giả không thiếu chất hồn nhiên trong trẻo.

 

Về cung bậc tình cảm

Làm thơ, đương nhiên người nào cũng muốn hé lộ chiều sâu của tâm trạng mình. Cao Ngọc Thắng có khi bâng quơ để “Mùa buông vào tóc” (Nuối tiếc), nhưng nhiều khi anh ký thác nơi bạn đọc những nỗi niềm trắc ẩn từ ký ức và hiện tại, những suy tư, băn khoăn, trăn trở trước cuộc sống.

Phải là người đã đến độ tuổi từng nếm trải những “tháng ba ngày tám” của thời vụ cổ truyền, tác giả mới viết được câu thơ “Bát canh láo nháo/ tháng ba” (Nhớ II).

Đến một vùng Đất nghèo mưa, gặp một hình ảnh, anh lưu lại, không chỉ dừng ở khía cạnh tả thực:

“Những người phụ nữ

nặn đất

không bàn xoay

chân trần

đội nước”

Và ở một bài khác, cũng với cảm xúc hàm ân - tri ân như thế:

“Bờ thửa sống trâu

Đòn xóc hai đầu

Rạ đẫm nước

Bết tóc mai

Bấm ngón – trầy vai

Em gánh – vụ mùa

Chân làng 

                khói thở” (Gánh mùa)

Ta thấy, cả hai đoạn thơ vừa trích dẫn trên đều dừng ở vần trắc - biểu cảm nỗi nghẹn ngào!

“Bạn với người khốn khổ

Gió dịu dàng

                 vuốt

                      mồ hôi” (Gió IV)

“Lật sá cày thấy mây

Nghiêng thảm lúa gió đùa

Cởi áo người nắng cháy” (Và một ngày)

 

Tôi coi, đó là những bài thơ vừa giàu vốn sống vừa giàu cảm xúc.

 

Đau đáu những nỗi đời

Ngay ở lời đề từ tập thơ, Cao Ngọc Thắng đã nói trước điều này: muốn sẻ chia cùng người đọc những nỗi đời anh hằng quan tâm chăm chú.

“Thiện ác chia đâu

Gối đầu trang sách”

Anh nhìn thấy cuộc sống quanh mình là một vũ trụ chứa nhiều âu lo.

Âu lo chuyện mùa màng ở cánh đồng quê:

“Hạ đã vơi

                  nắng còn rạo rực

Lũ tràn về

                 khuấy loãng xanh thu

Biển trừng

                  ngầu mắt bão

 Rạ bời bời

                 đồng bãi u u” ... (Hạ III)

Âu lo chuyện môi sinh nơi nhân thế:

“Đại dương

                  hồng lên

                  rực lên

Mặt trời chưa mọc

Mặt trời chưa lặn

Màu cát bụi

Màu các sinh linh

Trôi dạt” … (Nhiễm)

Cho nên, từ một trạng thái nội tâm, cả ngoại cảnh cũng vui lây, buồn lây:

“Tình yêu dang dở

Đá lở vòng tay

Đất trườn trầy trượt

Ngật ngưỡng rừng say” (Xâm thực)

Và, Cao Ngọc Thắng có cái nhìn ái ngại trước sự chuyển đổi từ ngoại đến nội thành:

“Có em thôn nữ

Mắt buồn phía điện giăng

Đồng bãi cồn day dứt

Ruộng mật bờ xôi

                        dùng dằng” (Không nỡ)

Trong Thức Hạ, ta còn gặp những thân phận, những tình huống gợi buồn –  nhưng không làm ảnh hưởng đến Cái Đẹp:

“Ngày nắng ấm ai người ngoảnh lại

Chạm heo may sương giá

                                          mủi lòng” (Chạm)

“Góc vườn nhài nở màu hoa

Thật thà trinh trắng xót xa màu mình” (Bâng quơ màu)

“Thiên nhiên mềm mại

Cái đẹp mong manh” (Nhận thức) 

 

Về ngôn ngữ thơ 

Được biết, Cao Ngọc Thắng từng làm nhiều công việc khác nhau, khi đi bộ đội, khi dạy địa lý ở trường đại học, khi tìm hiểu về kinh tế, về tư tưởng Hồ Chí Minh, khi hoạt động báo chí, truyền thông; và, đã trình bạn đọc một số tập văn xuôi, nhưng trong sâu thẳm, anh vẫn chăm chút nhiều hơn cả cho thơ. Anh thuộc số người hiếm hoi biết dụng công vào vốn ngôn ngữ riêng và cú pháp riêng để làm nên những bài thơ ngắn và gợi. 

“Con đường đẫm nước

Ngọn cỏ vẽ trời đông

Lối mòn nào bằn bặt

Lũ mèo hoang nghịch nát đêm nồng” (Băn khoăn)

“Ngày thường lọt vào hom

Ước mơ qua mắt sàng

Khát vọng xuống nong” (Nhớ IV)

“Cầu vồng em khoe sắc

Tít tắp chân trời xa

Phía ấy mưa vừa tạnh

Nơi anh mây vỡ òa” (Không đề)

Anh dùng nhiều điệp ngữ, một phần do sẵn có, một phần do anh sáng tạo:

- Bật non rau khúc (Nhớ I)

- Bật tiếng chim cu (Hạ IV)

- Ngâu/ tiếng chim cuốc/ chìm/ sông Ngân/ rạch nhớ thương/ sậm sùi/ Chức Nữ

(Ngậm ngùi), 

- Ngắn ngày dài đêm/ Gió hanh hao bấc/ Trâu bò trệu trạo/ Chó mèo lươn khươn (Gió III)

- Cây cầu phao nổi lừ đừ/ Con thuyền say khướt ngất ngư trên dòng (Trên sông) 

 

Sau Bẻ gió (Nxb Thanh niên, 2009) và Giao mùa (Nxb Hội Nhà văn, 2010), lần này Cao Ngọc Thắng trình bạn đọc và đồng nghiệp Thức Hạ như muốn khẳng định một chọn lựa: phải hình thành một cốt cách. Việc này đâu phải người làm thơ nào cũng đủ kiên trì để làm và làm được – nhưng nếu không, làm sao tồn tại được trong một trường thơ đầy rẫy những người làm!

 Tác giả chẳng đã từng tự nhủ khi đến Quốc Tử Giám và chia sẻ với bạn đọc về chí hướng của mình:

“Lả lơi câu chữ

              là thực

              là mơ

 

Miếu Văn

Đâu chấp nhận

               thơ hờ” (Đất thiêng)

Hẳn khi khép lại tập thơ thứ ba của Cao Ngọc Thắng, bạn sẽ thấy mình không đến nỗi phí công: đằng sau những bài thơ chấm phá - có khi tưng tửng nữa - là một gam trầm gợi nhiều ngẫm ngợi. 

                                          Hà Nội, 29-04-2011

anh_cua_trung_nguyen_11

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)