Bùi Việt Thắng
VĂN HÓA NHÀ VĂN VÀ SỰ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA
I. TIẾP CẬN VĂN HỌC TỪ VĂN HÓA
Văn hóa là một phạm trù/khái niệm vĩ mô, theo định nghĩa của UNESCO: “ Văn hóa phản ánh và thể hiện một cách tổng quát sống động mọi mặt của cuộc sống (của mỗi cá nhân và các cộng đồng) đã diễn ra trong quá khứ, cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng bao thế kỷ, nó đã cấu thành nên một hệ thống các giá trị, truyền thống và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc tự khẳng định bản sắc riêng của mình”. Định nghĩa tổng quát này giúp chúng ta tri nhận chân lý: Mọi hoạt động của xã hội loài người hướng đến tiến bộ, phát triển, nhân văn đều không nằm ngoài văn hóa.
Văn học là một hình thái ý thức đặc thù, thuộc thượng tầng kiến trúc. Ở Việt Nam, đã có một thời gian, văn học được tiếp cận, phân tích từ góc độ xã hội học (đôi khi đơn giản, bình quân chủ nghĩa máy móc), điều đó không tránh khỏi cực đoan. Nhưng sau đó chúng ta lại sang một cực đoan khác khi một số ít người gần đây vội vã tiếp thu lý thuyết ngoại nhập (một cách thiếu chọn lọc), thiên về tiếp cận văn học từ chủ nghĩa Cấu trúc, chủ nghĩa Hình thức, Phân tâm học, Ký hiệu học,... Từ thập niên 90 của thế kỷ tước đã dấy lên trên toàn thế giới phong trào đề cao văn hóa (chẳng hạn Nghị quyết của Liên Hợp Quốc coi thập kỷ 1988-1997 là “thập kỷ phát triển văn hóa thế giới”). Văn hóa, vì thế là khởi điểm và là đích đến của các xã hội phát triển bền vững.
Tiếp cận văn học từ văn hóa là nhận thức được các giá trị mới của một hoạt động tinh thần đặc thù góp phần phát triển xã hội. Trở lại với Phong trào Thơ mới 1932-1945, chúng ta sẽ thấy vì sao nó được coi là một cuộc cách mạng trong thi ca/văn học. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX đang hội nhập văn hóa thế giới dưới ảnh hưởng của văn hóa phương Tây (lúc này chủ yếu là văn hóa châu Âu và Pháp), văn học Việt Nam trở dạ, làm cuộc chuyển đổi hệ hình ngoạn mục từ phạm trù “trung đại” sang “hiện đại”. Cái giá trị mới mà Thơ mới nói riêng, văn học lãng mạn nói chung tạo dựng được chính là đề cao giá trịcá nhân (có ý kiến đang gây tranh luận cho rằng nó ngược với tính “phi ngã” của văn học quá khứ, tức văn học trung đại). Xuân Diệu viết: “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất/ Không có chi bè bạn nổi cùng ta” (Hy Mã Lạp Sơn, 1935-1941). Nhà văn tự ý thức về giá trị của cá nhân là xuất phát điểm để tái hiện nghệ thuật cuộc đấu tranh đôi khi không phân thắng bại giữa cá nhân và xã hội, giữa truyền thống và hiện đại, giữa chấp nhận và “nổi loạn” như nhà văn Hoàng Ngọc Phách đã thể hiện thành công trong Tố Tâm (tiểu thuyết, 1925).Một cuốn sách dày chưa đến một trăm trang nhưng gây bão trên văn đàn đương thời và cho đến tận những thập kỷ đầu thế kỷ XXI nó vẫn có vai trò “khai sơn phá thạch”, vẫn có ý nghĩa mở đường cho sự tìm tòi nghệ thuật về con người thời đại.
Cũng chính Xuân Diệu (nhà thơ “mới nhất trong các nhà Thơ mới”) và thế hệ của ông sau Cách mạng tháng Tám (1945) lại hướng ngòi bút tới việc tìm tòi những giá trị mới trong thời đại mới. Nói theo cách của nhà thơ Chế Lan Viên, thế hệ ông trải qua một chặng đường “từ thung lũng đau thương đến cánh đồng vui”, đó chính là “cuộc tái sinh màu nhiệm” khi cả một thế hệ nhà văn trước 1945 đồng lòng, tự giác đi theo Cách mạng, hòa mình vào đời sống chiến đấu và lao động vĩ đại của nhân dân. Từ ngày ấy, giá trị mà họ kiếm tìm và thể hiện trong tác phẩm nghệ thuật lại là mối quan hệ riêng -chung. Không hề ngẫu nhiên khi thi sỹ Xuân Diệu đã ra mắt tập thơ Riêng chung (1960) đánh dấu bước chuyển biến dứt khoát, mạnh mẽ, thành công của người nghệ sỹ khi tìm thấy cảm hứng và chất liệu sáng tác từ chính đời sống của nhân dân cần lao. Một thi sỹ vốn lấy cái “Tôi” làm trung tâm vũ trụ nay chuyển hóa tư tưởng - tình cảm: “Tôi đi trên đất nước thân yêu/ Không biết bao nhiêu, chỉ biết nhiều/ Ngói mới/ Muốn trùm hạnh phúc dưới trời xanh/ Có lẽ lòng tôi cũng hóa thành /Ngói mới” (Ngói mới, 1959). Đó cũng là thời kỳ Chế Lan Viên cô độc từ Điêu tàn (1937) tiến thẳng đến Ánh sáng và phù sa (1960), Huy Cận từ Lửa thiêng (1940) đã hân hoan, tưng bừng với Đất nở hoa (1960).
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975) một thế hệ nhà văn mới đã xuất hiện. Họ là những người trẻ tuổi, tâm hồn phơi phới lý tưởng: “Không có sách chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình” (Hữu Thỉnh: Đường tới thành phố). Thế hệ nhà văn chống Mỹ được đào luyện và trưởng thành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Họ được trang bị bằng truyền thống văn hiến/văn hóa dân tộc, họ được tiếp cận di sản văn hóa thời hiện đại thông qua các tiền bối cách mạng. Các nhà văn thế hệ này thấm nhuần văn hóa quá khứ bởi tinh thần quật khởi dân tộc qua Bình ngô đại cáo, Hịch tướng sỹ, Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc, Nhật ký trong tù, bởi tinh thần nhân văn qua kiệt tác Truyện Kiều. Tổ quốc, độc lập tự do, hòa bình là những giá trị mới mẻ mà các nhà văn thế hệ chống Mỹ đã mặc nhiên coi là sứ mệnh sáng tác của mình. Những ngày tháng chiến tranh ngân vang những vần thơ: “Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn ngàn năm!/Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?/ Chưa đâu! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất/Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc/Nguyễn Du viết Kiều và đất nước hóa thành văn/Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc/ Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng” (Chế Lan Viên: Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng, 1965). Có người nói, đó là thời đại của cái “chung” lớn hơn (đôi khi làm lu mờ) “cái riêng”, con người cá nhân phải hy sinh tận cùng vì nghĩa lớn. Nhưng trên quan điểm lịch sử - cụ thể thì nhận thức đó, tâm thế đó, hành xử đó là tất yếu, không thể đảo ngược. Nếu Tổ quốc không có độc lập tự do, đất nước không có hòa bình, xã hội không ổn định thì con người cá nhân tìm đâu ra cơ hội để thi thố, để an cư lạc nghiệp.
Văn hóa cũng như các lĩnh vực xã hội khác hiện tại đang nổi cộm nhiều vấn đề. Bước vào cơ chế thị trường (định hướng xã hội chủ nghĩa), chúng ta đang mải miết, chú mục hăng say hướng tới tăng trưởng kinh tế nên đôi khi sao nhãng văn hóa, môi trường và các lĩnh vực tinh thần khác. Ai đó nói chí lý, văn hóa là tay phanh, kinh tế là tay ga (!?). Văn hóa là sự điều hòa xã hội ứng nghiệm. Văn học Đổi mới (từ 1986) sau đà thăng tiến trong khoảng mười lăm năm đầu hiện đang chững lại, thậm chí có vẻ đang lúng túng vì bản thân công cuộc Đổi mới từ 1986 đến nay cũng trải qua những giai đoạn, yêu cầu, quyết sách, mục đích không giống nhau. Thời kỳ đầu Đổi mới, văn nghệ sỹ hồ hởi với khẩu hiệu “cởi trói”, với phương châm “tự cứu mình trước khi Trời cứu”. Xét về văn hóa, xã hội đang có sự thay đổi, thậm chí khủng hoảng về các giá trị. Các quan hệ xã hội đang bị chi phối ngặt nghèo bởi lợi ích (kể cả lợi ích nhóm). Văn nghệ sỹ sau những vô tư cống hiến cho sự nghiệp chung trong chiến tranh đang muốn trở về với những đòi hỏi tự thân như tự do sáng tác, tự do thể hiện cá tính, tìm tòi nghệ thuật trong khung cảnh thế giới phẳng. Đang có xu hướng đề cao “văn hóa là chấp nhận cái khác mình”. Giới trẻ trong lĩnh vực nghệ thuật/văn học đang cổ vũ cho thuyết “tự ngã trung tâm”. Họ đứng giữa cuộc đấu tay đôi “riêng - chung”. Nhưng rốt cuộc họ ngả về bản thân, cá nhân (đôi khi cực đoan). “Văn trẻ giỏi thêu thùa bản thân nhưng kém vá may cho người khác” - nhận xét của nhà thơ Hữu Thỉnh không phải không có lý lẽ của nó. Không thể phủ nhận sáng tác nghệ thuật là nhằm thể hiện cái riêng của chủ thể. Không thể phủ nhận giá trị của cá nhân khi chính nó góp phần tạo nên xã hội. Nhưng cá nhân theo lối ích kỷ (vị kỷ) sẽ khiến kết quả đi theo hướng khác. Đọc văn trẻ, sẽ thấy nhiều những “cô độc”, “cơ bản là buồn”, “bóng đè”,...Không riêng gì “văn trẻ”, ngay “văn già” đôi khi, ai đó cũng không tránh khỏi chung chiêng, lúng túng khi không xác tín được tác phẩm của mình đem tới giá trị mới nào cho độc giả. Chính vì thế chấn hưng văn hóa là cơ hội chấn hưng văn học. Một nền văn học lớn phải được dựng xây trên nền tảng văn hóa vững chắc.
II. ĐẾN HIỆN ĐẠI TỪ TRUYỀN THỐNG- TINH THẦN TIẾP BIẾN VĂN HÓA CỦA NHÀ VĂN
Xét về phạm trù thời gian, tồn tại của xã hội luôn là sự gắn bó mật thiết, biện chứng giữa quá khứ và hiện tại. “Đến hiện đại từ truyền” thống là cách diễn đạt của nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Huợu (1927-1995) trong tác phẩm cùng tên (Nhà xuất bản Văn hóa, 1996). Quan điểm của nhà khoa học có tính chất gợi mở nghiên cứu tư tưởng/ văn hóa/ văn học dựa vững trên cơ sở triết học. Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam diễn ra trong khoảng thời gian 15 năm (1930-1945), được nhận thức như là ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa phương Tây (hiểu là văn hóa châu Âu và Pháp). Tất nhiên không thể phủ nhận thực tế khách quan này. Nhưng rất ít người có suy nghĩ nghiêm túc theo quan điểm của nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Hượu - chúng ta đến hiện đại từ chính truyền thống văn hóa dân tộc. Những nhà văn lớn trong quá khứ đều là những nhà văn hóa từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Hồ Chí Minh.
Các nhà thơ trong phong trào Thơ mới (1932-1945) lâu nay được xem là những nhà cách tân thơ dưới ảnh hưởng của thơ ca lãng mạn Pháp. Người ta thường bấu víu vào những câu thơ sau của Xuân Diệu: “Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine/ Hai chàng thi sĩ choáng hơi men/ Say thơ xa lạ, mê tình bạn/ Khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quen” (Tình trai) để nói về “chất Tây” của thơ Xuân Diệu và các thi nhân khác cùng thời. Nhưng ít ai để ý, sau này Xuân Diệu đã viết công trình đồ sộ Các nhà thơ cổ điển Việt Nam (2 tập, 1981-1982, ngót 1000 trang). Công trình tiếp cận các nhà thơ cổ điển dân tộc: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Nguyễn Đình Chiểu, Tản Đà,... Rõ ràng Xuân Diệu thấm nhuần di sản văn hóa truyền thống dân tộc đến độ sâu rộng. Nhiều người nghĩ chỉ có Nguyễn Bính viết lục bát (một thể thơ thuần Việt) hay, nhưng sẽ bất ngờ nếu đọc lục bát Xuân Diệu: “Đêm qua bốn phía trăng vàng/Bên em anh cứ bàng hoàng tỉnh mơ/ “Tưởng bây giờ là bao giờ”/ Thật đây, em vẫn là thơ trên đời/ Dấu nằm còn đó em ơi/ Dấu hương vương vấn từng hồi ngất ngây/ Thoảng thơm lan xạ nào tày/ Hơi thương em thở, ngát đầy hồn anh” (Dấu nằm). Trong tiểu luận xuất sắc Sự uyên bác với việc làm thơ (1985), Xuân Diệu viết: “Chao ôi! Chúng ta làm việc còn quá ít, chúng ta yêu thơ văn của dân tộc còn thiếu sót quá; thơ của chúng ta mấy chục năm qua đã hay rồi, tuy nhiên theo tôi nghĩ, nếu chúng ta tiếp nhận đầy đủ sâu sắc hơn nữa cái vốn truyền thống của cha ông, thì thơ hiện kim của ta còn có thể hay hơn nữa, sâu hơn nữa, phải uyên bác chứ (…). Đối với vốn thơ dân tộc, chúng ta còn nhiệm vụ uyên bác hơn nữa, để rút tối đa mật nhụy - Tôi xin chuyển sang cái niềm vui đi hút mật nhụy, đi thâu lượm, hãy chỉ để nói về thơ, cái hay của thơ cổ kim Đông Tây (…). Thơ Việt Nam ta rất nhiều chất nhạc, mà điển hình là lục bát của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, và song thất lục bát trong Chinh phụ ngâm, thơ thất ngôn của Hồ xuân Hương tính nhạc rất nôm và thật trong sáng”. Thơ Tố Hữu, về loại hình là thơ trữ tình - chính trị, nhưng về giọng điệu thì chan chứa chất dân ca miền Trung, đặc biệt xứ Huế mộng mơ. Thơ lục bát Tố Hữu vừa truyền thống vừa hiện đại (Bầm ơi, Việt Bắc, Kính gửi Cụ Nguyễn Du,…).
Phần trên, chúng tôi nói về tiếp biến truyền thống thơ dân tộc ở những nhà thơ tài năng thời hiện đại. Trong lĩnh vực sáng tác văn xuôi, Nguyễn Công Hoan (1903-1977) vẫn được coi là một cây đại thụ với gia tài khoảng 300 truyện ngắn và nhiều truyện dài/ tiểu thuyết. Có thể nói, không ai khác, chính Nguyễn Công Hoan là người tiên phong mang tiếng cười vang dội vào văn đàn Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Người ta nói, “tiếng cười là vũ khí của người mạnh”, là “phép vệsinh tinh thần”, “một nụ cười bằng mười thang thuốc”, là “cách giã từ quá khứ để đi tới tương lai”,…Đặc biệt, truyện ngắn Nguyễn Công Hoan thấm đẫm tiếng cười về một thế gian chứa chất ái ố hỷ nộ, tham sân si. Giới nghiên cứu đã chỉ ra nguồn suối folklore (văn hóa dân gian) tạo nên nguồn mạch cảm xúc sáng tác của nhà văn. Truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan gần gũi với truyện cười, ngụ ngôn, giàu tính giễu nhại, hài hước, xét về cảm hứng sáng tác và hiệu quả thẩm mỹ. Về kết cấu, truyện ngắn Nguyễn Công Hoan rất năng động, gọn nhẹ, linh hoạt, có thể đọc bất cứ ở đâu, lúc nào. Một lối kết cấu gần với loại hình truyền khẩu, vì thế truyện có thể kể lại cho người chưa đọc nghe, mà vẫn tinh tươm (Người ngựa, ngựa người chẳng hạn).
Văn học Việt Nam đương đại, đặc biệt từ sau Đổi mới (1986) đã gặt hái nhiều thành tựu (thông qua các giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam và các giải thưởng Quốc gia như Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT, Giải thưởng Nhà nước về VHNT). Nhưng xét trên phương diện phát triển bền vững,sẽ thấy không ít vấn đề, lực cản, nằm chính trong đội ngũ nhà văn (lực lượng sáng tác). Thế hệ tiền chiến (trước 1945) đã vắng bóng hoàn toàn trên văn đàn (chỉ còn nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, đã 100 tuổi). Thế hệ chống pháp chỉ còn rất ít (tiểu biểu như Vũ Hạnh, Hồ Phương, đã trên 90 tuổi), thế hệ chống Mỹ đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong và sau chiến tranh. Chủ lực trên văn đànhiện nay đa số là những tác giả sinh từ những năm 50 của thế kỷ trước. Quan sát thực tế sáng tác, sẽ thấy thế hệ 6x, 7x, 8 x, 9x, nhìn chung đang có xu hướng, tâm thế khước từ, xa rời truyền thống văn hóa/văn học dân tộc. Họ đang say mê thích thú tìm kiếm con đường tới hiện đại bằng cách “nhập cảng” các chủ nghĩa Hậu hiện đại, Hậu thực dân, Nữ quyền, Sinh thái, Phi lý,… Tất nhiên chúng ta không thể “ếch ngồi đáy giếng”, phải biết “ngoài trời còn có trời”. Nhưng ít người nghĩ rằng, viết là trước hết cho 100 triệu người Việt (trong và ngoài nước) đọc. Trong bối cảnh giao lưu văn hóa, thế giới phẳng/mở thì một sản phẩm văn hóa có giá trị của một quốc gia có thể trở thành văn sản chung của nhân loại.
Mới đây, chúng tôi đã làm khách mời cho chương trình Sách & cuộc sống của VOV, giới thiệu tác phẩm Bến không chồng (tiểu thuyết, 1990) của Dương Hướng. Tác phẩm được chuyển thành phim (phim truyện và phim truyền hình đều của đạo diễn Lưu Trọng Ninh), nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 1991, được dịch sáng tiếng Anh và Pháp, được tái bản nhiều lần. Ba mươi năm đời sống của một tác phẩm, liệu đã là bằng chứng cho sức sống của nó? Gần đây ở quê hương nhà văn (UBND xã Thụy Liên, huyện Thái Thụỵ, tỉnh Thái Bình phối hợp với Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Ninh) đã xây dựng khu lưu niệm (bia đá) tác phẩm Bến không chồng. Vì sao nó được tiếp nhận đặc biệt như thế? Theo tôi, tác phẩm đã vượt ra ngoài phạm vi văn học thông thường, nó trở thành một hiện tượng văn hóa đương đại. Tác giả trở lại với vấn đề văn hóa truyền thống Việt Nam - văn hóa làng xã, cộng đồng, những vấn đề của “tam nông” - trong và sau chiến tranh với bao mất mát đau thương, với những phận người kém may mắn, đặc biệt là phụ nữ. Xét về nghệ thuật tiểu thuyết, Bến không chồng nằm trong phên giậu của truyền thống văn học: Lối kể chuyện theo trình tự thời gian, ngôn từ chân phương, dân dã, bố cục sáng rõ (không mù mờ như hiện nay khi một số tác giả viết theo phép “mê lộ” của chủ nghĩa Hậu hiện đại). Đặc biệt nhà văn tiếp cận, phát hiện con người từ tầng sâu văn hóa dân tộc (qua ứng xử, qua ngôn ngữ, qua thái độ với tự nhiên,…). Thành công của Bến không chồng là đã đến được hiện đại từ truyền thống, một tác phẩm văn học có căn cốt văn hóa.
Truyền thống và hiện đại là hai phạm trù mà bất cứ lĩnh vực nghệ thuật nào cũng phải đối diện, giải quyết trong thực hành sáng tác, không riêng văn học (nghệ thuật ngôn từ). Trong vòng vài chục năm gần đây, Nguyễn Huy Thiệp nổi lên như một nhà văn tài năng, “kẻ khuấy động văn đàn đương đại Việt”. Tác phẩm của ông được dịch và xuất bản bằng nhiều thứ tiếng trên thế giới. Độc giả phương Tây thích đọc Nguyễn Huy Thiệp, đã đành. Độc giả Việt vốn ham thanh chuộng lạ, sùng ngoại nhưng cũng đón nhận nồng nhiệt Nguyễn Huy Thiệp. Vì sao? Người ta nói đã/đang/sẽ phải “đi tìm Nguyễn Huy Thiệp” . Vì lý do gì? Gạt sang một bên những chỉ trích về những thiếu sót khó tránh khỏi , chúng ta thấy, nhà văn đã khôn ngoan chọnđi con đường đến hiện đại từ truyền thống. Không nên khoác cho Nguyễn Huy Thiệp bộ “xiêm áo” của chủ nghĩa Hậu hiện đại trong văn học Việt Nam đương đại (cùng với Phạm Thị Hoài, Hồ Anh Thái,…). Đọc kỹ, sẽ thấy văn Nguyễn Huy Thiệp chảy ra từ nguồn suối truyền kỳ trong văn học trung đại (Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, thế kỷ XVI, chẳng hạn). Ngay lối viết phối hợp vần văn (thơ) và vận văn (văn xuôi) đã cho thấy tác giả rất có ý thức dùng “bình cũ rượu mới”.
III. CHIẾM LĨNH SỰ THẬT - BẢN LĨNH VĂN HÓA CỦA NHÀ VĂN
F. Ăng-ghen viết: “Thà phải tìm hiểu sự thật suốt đêm còn hơn nghi ngờ nó suốt đời”. Sự thật có ý nghĩa lớn lao đối với con người trên hành trình tìm chân lý. Văn hào Nga thế kỷ XIX, L.Tôn - xtôi (1828-1910), tác giả bộ tiểu thuyết sử thi nổi tiếng thế giới Chiến tranh và hòa bình được lãnh tụ Vô sản V. Lênin đánh giá rất cao, là “Tấm gương phản chiếu cách mạng Nga”. Trong nhật ký văn học của mình, L.Tôn -xtôi đã viết: “Sự thật là nhân vật mà tôi yêu mến nhất, chăm chút nhất khi viết”. Sau này, tựa vào ý đó, có người cho rằng, khát vọng muôn đời của nhà văn khi sáng tác là được “nhúng bút vào sự thật”. Đó là một đòi hỏi, nguyện vọng chính đáng của người nghệ sỹ ngôn từ. Hậu thế hay lấynhững câu thơ mở đầu kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du để làm phương châm viết: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau/ Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng/ Lạ gì bỉ sắc tư phong/ Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” - “những điều trông thấy”, “cuộc bể dâu” chính là sự thật, không cần bàn cãi. Trong các giáo trình đại học trước đây, chủ nghĩa hiện thực được đánh giá là tiến bộ và ưu việt hơn chủ nghĩa lãng mạn, vì nó phản ánh trung thành hiện thực như ý kiến của Ăng-ghen: “Chủ nghĩa hiện thực đòi hỏi ngoài sự chính xác của các chi tiết còn phải xây dựng thành công những tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình”.
Nhưng khái niệm sự thật, có độ mở lớn, sâu, nhiều tầng nghĩa. Có sự thật của những cuộc giao tranh giai cấp quyết liệt, là sự đốikháng giữa người giàu và nghèo, giữa thống trị và bị trị. Có sự thật của những cuộc chiến tranh xâm lược và chiến tranh chính nghĩa chống xâm lược. Có sự thật của cuộc đấu tranh chống “nội xâm”. Lại có sự thật tâm hồn, tâm trạng, tâm linh vốn rất tinh vi, khó nắm bắt và thể hiện. Thậm chí khi đi vào những vấn đề của “bản thể” con người lại càng rối ren, mù mờ, bí ẩn, mông lung. Trước đây chúng ta đề cao Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Bùi Hiển, Kim Lân,…những đại diện xuất sắc của trào lưu hiện thực phê phán hơn các nhà thơ trong Phong trào Thơ mới và các nhà văn thuộc tổ chức Tự lực văn đoàn, vì họ là các nhà văn lãng mạn. Nhưng Thạch Lam là trường hợp làm khó các nhà lý luận. Rõ ràng ông có chân trong Tự lực văn đoàn do anh trai mình -nhà văn Nhất Linh - làm chủ soái.Sáng tác của Thạch Lam thì thấm đẫm cảm hứng hiện thực, bức tranh đời sống và tâm trạng con người thời đại được nhà văn tái hiện không thể nói là không chân thực, trung thực (Hai đứa trẻ, Gió lạnh đầu mùa, Cô hàng xén, Đêm ba mươi,…). Đã có lúc L.Tôn -xtôi thú nhận nhiều khi ông không rõ mình là nhà lãng mạn hay nhà hiện thực. Từ đó kéo theo quan niệm về sự thật cũng khác nhau: Sự thật là cái vốn có, tồn tại khách quan, nhà văn là người thư ký trung thành của thời đại có nhiệm vụ ghi chép trung thực trong tác phẩm. Như vậy sự thật mang tính khách quan cao độ, trong khi danh họa Tây Ban Nha Pa-blô Pi-cat-xô (1881-1973) lại có quan niệm khác: “Tôi vẽ như tôi nghĩ chứ không phải như tôi nhìn thấy sự vật”. Nếu như thế thì sự thật mang tính chủ quan, liệu có thể chấp nhận?
Sự thật mà nhà văn tái hiện trong tác phẩm có lợi cho ai lại là một vấn đề làm tốn giấy mực của nhiều lý luận gia từ trước tới nay. Các cây bút trẻ thường ca thán “Tôi viết sự thật nhưng nhà phê bình và công chúng lại nhận xét là không trung thực” (!?). Ở đây phải đặt ra câu hỏi “Nhà văn viết ra sự thật nào, có lợi cho ai?”. Nếu anh viết sự thật về sự “cô độc “cơ bản là buồn”, “bóng đè”, “sợi xích”, “nổi loạn”, “bóng”,… chắc chắn số đông công chúng khó tiếp nhận, chấp nhận. Vì sao? Vì đó chỉ là những tâm trạng bi quan, não nề của một cá thể, chắc chắn những “ca” tiêu cực đó khó lan tỏa và nhận sự đồng cảm của đồng loại. Cuộc sống đòi hỏi con người phải kiên trì, dũng cảm vượt qua nhiều chướng ngại để đạt được mục đích. Con người gánh trên đôi vai sức nặng của những trần ai vật chất, tinh thần đã quá nhiều, không cần nhà văn chất đống thêm lên những bi ai khổ hạnh hay ức chế vật vã. Con người cần được thấu cảm, đồng cảm, chia sẻ để tự tin vững bước đi lên.
Một yêu cầu khác đối với nhà văn không kém phần quan trọng: Cần minh bạch trong lúc tiếp cận, đối diện với sự thật. Đang có xu hướng nhân danh sự thật (nằm trong căn bệnh nhân danh, có nguy cơ phát thành dịch), nhân danh con người (cái gọi là “nhân vị chủ nghĩa”) để viết ra những tác phẩm kiểu “điếm trai”, “bóng đè”, “ổ rơm”, “nổi loạn”, khêu gợi và truyền bá những ham muốn, dục vọng bất thường (có khi bệnh hoạn), xa lạ so với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Sự thật phải đi đôi với mỹ cảm (cảm xúc về cái đẹp), đó là nguyên tắc viết muôn thuở. Có một số cây bút thích thú viết về “loạn luân”, “vô luân”, “chuyển giới” coi đó là đi vào tận cùng cùng bản thể con người, là sự “ca tụng thân xác”. Sự thật được nói ra (viết ra) đúng lúc, đúng đối tượng lại cũng là một vấn đề (cái ngữ cảnh, văn cảnh hợp lý). Đại để, không thể giảng giải phẫu sinh lý, giới tính cho học trò lớp 1, cũng như trong đám ma không nên cười đùa và trong đám cưới không nên sầu não mặc dù tâm trạng có thể có thật. Ở đây chưa nói đến mức độ nguy hiểm của xuyên tạc sự thật, bóp méo sự thật, đổi trắng thay đen của một vài cây bút lòng dạ thiếu công minh, ráo cạn sự khoan dung, luôn luôn đay nghiến đồng bào mình và quá khứ hào hùng, đau thương của dân tộc, hay thậm tệ hơn cố ý đạp đổ thần tượng và ra sức hô hào “nhổ nước bọt” vào lịch sử. Đó chỉ là “sự thật” trong ngoặc kép!
Sức mạnh của cái đúng (sự thật) là chân lý không thể chối cãi. Dân gian có câu “nói phải củ cải cũng nghe”. Nhưng sức mạnh của cái đúng (sự thật) chỉ có ý nghĩa khi nó được nhìn nhận, tái hiện trong tác phẩm một cách toàn diện, trong tính hệ thống và xu thế phát triển.Sự thật cần được nhà văn chiêm nghiệm thấu đáo, tránh thấy cây mà không thấy rừng khi viết. Định đề “Văn học là lương tri thời đại” luôn luôn đúng. Nhà văn là người có trọng trách tinh thần với xã hội. Ngòi bút của anh bị bẻ cong vì một lý do nào đó tác hại dài lâu với tinh thần nhiều thế hệ. Đúng như nhà thơ Phùng Quán (1932-1995, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 2007) cách nay hơn 60 năm đã viết: “ Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không nói ghét thành yêu/ (…)/ Tôi muốn làm nhà văn chân thật/ Chân thật trọn đời/ Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi/ Sét nổ trên đầu không xô ngã tôi/ Bút giấy tôi ai cướp giật đi/ Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá” (Lời mẹ dặn, 1957). Trên tinh thần tôn trọng sự thật nhà văn đã viết thành công Tuổi thơ dữ dội (tiểu thuyết) và Ba phút sự thật (ký).
Khát vọng chiếm lĩnh sự thật thể hiện nhân cách, bản lĩnh văn hóa của nhà văn tài năng. Con người thời đại (nhất là người trẻ tuổi) đang sống trong thế giới ảo. Mạng xã hội đã mở rộng giao diện, biên độ tiếp xúc, tương tác giữa mọi người. Nhưng tính chân thực/trung thực của thông tin lại có nguy cơ giảm thiểu đến mức đáng báo động. Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một học sinh gái vì mẹ vội đi làm nên đưa đến trường sớm, phải đứng ngoài cổng, làm tốn bao nhiêu thời gian và công sức của thế giới “phây”. Cuối cùng tất cả những ai nhẹ dạcả tin đều bị “quả đắng” (!?). Con người thời đại đang tốn phí thời gian vô ích vào những “sự thật” trên trời. Mạng xã hội đang lập “ma trận” mê dụ những người thừa thời gian và hiếu kỳ. Muốn tiếp cận, chiếm lĩnh sự thật nhà văn phải “bắt tận tay day tận trán” (mục sở thị). Không riêng văn học, trong lĩnh vực báo chí vấn đề phản ánh sự thật cũng đang nổi lên như một thách thức không dễ vượt qua. Báo chí là một nghề nguy hiểm. Vì thế viết sự thật cũng không tránh khỏi nguy hiểm cho nhà báo. Họ cần một “cái đầu lạnh và trái tim nóng”, cũng như nhà văn vậy, nếu muốn tôn trọng sự thật và phát huy sức mạnh của cái đúng. Chúng tôi nghĩ, ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV, 2019, rất đáng suy nghĩ: “Hầu hết các bài tham dự giải và đoạt giải Báo chí Quốc gia chủ yếu là phản ánh mặt trái, mặt tiêu cực, hạn chế, còn ít bài mang tính chất phát hiện nhân tố mới, điển hình tốt, gương người tốt, việc tốt nhằm lan tỏa chân, thiện, mỹ trong xã hội” (Báo Tin tức, TTXVN online, 21-6-2020, 20h52p). Câu hỏi “Tại sao?” cần thiết đặt ra với người cầm bút.
IV.TÌNHYÊU TIẾNG MẸ ĐẺ - CỐT LÕI VĂN HÓA CỦA NHÀ VĂN
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là một nhiệm vụ có tính chiến lược văn hóa của không chỉ riêng ngành giáo dục, mà là trách nhiệm và đóng góp của toàn xã hội, trong đó có các nhà văn vốn được tôn vinh là những “kỹ sư tâm hồn”. Đang có xu hướng (nhất là giới trẻ) tôn sùng tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh, coi tiếng Việt là “quê kiểng” (!?). Hãy dạo quanh Hà Nội, sẽ thấy các khu đô thị/chung cư mới được đặt tên thuần bằng tiếng Anh như Imperia Garden, Madrin Garden, Times City, Royal City...Trong thế giới phẳng/mở tinh thần và tâm thế hội nhập kích thích một thế hệ mới phấn đấu trở thành “công dân toàn cầu”. Điều đó hoàn toàn chính đáng. Nhưng một người Việt Nam nói giỏi tiếng Anh, Pháp…song lại yếu kém tiếng Việt thì tình hình sẽ như thế nào? Hơn thế, nếu một nhà văn nhưng lại không giỏi tiếng mẹ đẻ thì tình hình lại càng đáng bi quan. Không nhiều người lưu tâm một thực tiễn: Tiếng Việt (tiếng mẹ đẻ) là sự khúc xạ rõ ràng nhất tâm hồn, tính cách của người Việt và cũng là ánh phản của văn hóa Việt. Trong phạm trù văn hóa Việt, văn học đóng một vai trò quan trọng, nếu không nói là tất cả (3 Danh nhân Văn hóa Thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận đều là 3 nhà văn cổ điển - Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Nguyễn Du). Trong lĩnh vực văn học Việt, tiếng Việt (hiểu là Quốc ngữ Nôm trước đây và Quốc ngữ Latinh như hiện nay) đã được các nghệ sỹ ngôn từ lựa chọn, tinh tuyển, đúc kết trong tác phẩm từ văn học dân gian đến văn học thành văn (vẫn thường được gọi là văn học bác học).
Văn học dân gian (nằm trong phạm trù Folklore - Văn hóa dân gian) là nguồn sữa vô cùng tận để các nhà văn thời hiện đại học hỏi, khai thác và sử dụng. Nếu văn học là nghệ thuật ngôn từ, nếu ngôn từ có khả năng biểu cảm và diễn đạt cao, sâu (ý tại ngôn ngoại) thì một nhà thơ sáng tác thơ lục bát không thể không học hỏi, gây dựng vốn liếng chữ nghĩa từ suối nguồn ca dao. Lúc nhập môn văn học chúng ta thường được dẫn giải và bình giảng câu ca dao: “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”. Chỉ một cặp lục bát mà như thấy đầy đủ cả quang cảnh lao động đẹp đẽ, gần gũi (một cô thôn nữ đang tát nước bên đường), thấy cả tình tứ của đôi lứa (chàng trai hỏi, mà không cần, chờ câu trả lời, theo lối bông đùa, chòng ghẹo nhưng không hề khiếm nhã). Có cả không gian (thôn làng, ruộng đồng), thời gian (đêm trăng), có con người (cô gái, chàng trai), có khung cảnh (đồng ruộng, xóm thôn, trăng sao) hòa quyện, quấn quýt, lên hương đời. Nhà thơ Ngô Văn Phú đã viết bài thơ/ca dao nổi tiếng Bông và mây: “Trên trời mây trắng như bông/ Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây/ Những cô má đỏ hây hây/ Đội bông như thể đội mây về làng”. Đại thi hào Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều (bằng chữ Nôm, hình thức thơ lục bát) chắc chắn đã nhập tâm kho tàng lục bát Việt. Xuân Diệu trong tiểu luận Sự uyên bác với việc làm thơ viết: “Mấy câu thơ Vịnh cây mía của Nguyễn Trãi mà cho tới khi kỷ niệm 600 năm Nguyễn Trãi trên thế giới và trong nước xong xuôi đâu đó rồi (1980) hàng năm sau tôi mới khám phá ra và bây giờ mới nói ra: “Ăn nước kìa ai được thú/ Lần từng đốt mới hay mùi”. Thông thường ta ăn cái và uống nước, nhưng vì là cây mía, cho nên Ức Trai nói là ăn nước: đây là Ức Trai dạy chúng ta thái độ đi tìm chân lý: đừng tổng kết vội vàng, phải xuất phát từ từng phần của thực tại cái đã; nếu ăn gốc mía trước, ta sẽ bảo đây là cái gốc tre, nếu ăn ngọn mía trước, ta sẽ bảo là chanh, có chua, ăn đoạn giữa mới là ngọt; huống chi cũng có những đốt ở giữa hẳn hoi, mà không ngọt, phải lần từng đốt thì mới hay mùi” (Xuân Diệu tác phẩm chọn lọc, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2009, tr.207-208). Hồ Chủ tịch là người sử dụng thành ngữ, tục ngữ rất nhuần nhuyễn và hiệu quả. Người viết: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi” (Hồ Chí Minh - Tác gia, tác phẩm, nghệ thuật ngôn từ, Nxb Giáo dục, 2005, tr. 873). Trong trường hợp này tác giả đã sử dụng câu tục ngữ “sông cạn, núi mòn”, có bổ sung thêm yếu tố “có thể” để tăng thêm sự khẳng định một chân lý khách quan được mọi người thừa nhận.
Nhà văn có ý thức trau dồi ngôn ngữ sẽ tìm đến học cách viết của các bậc trưởng lão làng văn cùng thời, cùng thung thổ văn hóa (trong đầu họ có nhiều “bồ” chữ). Nhà văn Tô Hoài (1920-2014) là người rất có ý thức “điền dã” để lắng nghe lời ăn tiếng nói người bình thường (ở Thủ đô). Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn kể lại một kỷ niệm làm báo với nhà văn Tô Hoài (Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Người Hà Nội): “Có lần tôi đưa nhà văn Tô Hoài duyệt bài Số nhà trong thành phố mà tôi vừa viết xong. Bác đọc và lấy bút xóa ngay chữ thành, chỉ còn là Số nhà trong phố. Bác nhìn tôi cười: “Chỉ là số nhà thôi chữ thành phố của cô hơi to chuyện quá phải không?”. Tôi gật đầu khâm phục. Bác chỉ cần xóa đi một chữ, mà bài báo nhỏ của tôi bỗng giản dị nhưng chính xác hơn rất nhiều” (Báo Người Hà Nội, số 18+19/2020). Nhà văn Nguyễn Tuân (1910-1987) trong bài Về tiếng ta có nhấn mạnh một ý, khi viết đã vận dụng “cả năm giác quan mới phát huy tột cùng hiệu năng của tiếng Việt”. Nhà văn đã kể lại cho nhà phê bình văn học Ngọc Trai nghe chuyện ông “cãi” nhau với nhà văn Tô Hoài về cái tên sách Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi. Nhà Văn Tô Hoài: “Ông là lôi thôi lắm, cứ để cái tên Hà Nội đánh Mỹ nó cũng đầy đủ rồi, cần gì phải dài dòng thế”. Nhà văn Nguyễn Tuân: “Tôi nói Hà Nội ta là Hà Nội của chúng ta đây! Hà Nội của ta đây! Tôi tự hào với cái Hà Nội của ta, thế có được không? Thế còn đánh Mỹ giỏi thì phải nói rõ ra là đánh Mỹ giỏi chứ chỉ nói đánh Mỹ thì ai biết ta đánh Mỹ như thế nào? Một cái tên sách, nó cũng là cái tên sách của tôi, sao ông cứ bắt tôi phải giống mọi người?” (Ngọc Trai: Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Tuân, Nxb Hội Nhà văn, 2010, tr.11). Theo cách diễn đạt của Nguyễn Tuân thì “chữ” cũng thể hiện phong cách nhà văn (như cách hiểu mỗi nhà văn có một “vân chữ” như mỗi người có một vân tay).
Văn hào Trung Quốc Lỗ Tấn đã nói, đại ý, từ khi loài người sinh ra chữ thì thì quỷ thần trong núi cũng phải than khóc. “Nhà văn là triệu phú chữ” (Ma Văn Kháng). Những ý kiến này đều nói về sức mạnh của chữ trong tay nhà văn. Đọc sát văn học Việt đương đại, chúng tôi không khỏi băn khoăn trước thực trạng và tương lai của tiếng Việt. Trước hết, nó đang bị “báo hóa”, nghĩa là nặng về thông tin theo phong cách thông tấn, giảm thiểu phẩm chất mỹ cảm vốn có của nghệ thuật ngôn từ (con số hơn 800 ấn phẩn báo chí giấy cũng giúp hình dung về tương quan giữa báo và văn). Thông tin mà tác phẩm văn học đem tới cho người đọc là “thông tin thẩm mỹ”, vì thế không thể biến ngôn ngữ báo chí thành ngôn ngữ văn học. Các cây bút trẻ lại riêng thích tạo nên lối văn hiện đại theo phương Tây (kiểu câu “tác phẩm được viết bởi tác giả trẻ”). Không ít nhà văn khi viết (có thể chiều theo thị hiếu người đọc hôm nay thích chất bình dân) nên đưa nguyên xi lời ăn tiếng nói vào tác phẩm, lẫn lộn giữa văn nói và văn viết, tao nên một “món mới” là “khẩu văn” (có người cho rằng đây là kiểu “ngôn từ không vô trùng” để so sánh/ đối lập với “ngôn ngữ trong chân không”). Nằm trong quỹ đạo của văn hóa đại chúng (đem sản phẩm đến mọi nhà, mọi người nhanh nhất, đơn giản nhất, hiệu quả nhất) không ít tác giả đã thích thú với cái gọi là “công nghệ viết văn” (có một số mẫu cốt truyện, mẫu câu thoại, mẫu mở đầu và kết thúc với thể loại truyện). Cổ nhân thường gắn chữ với nghĩa (chữ nghĩa). Một chữ ít nghĩa, hoặc kém nghĩa sẽ trở thành “xác chữ”.
Trong bài thơ Tiếng Việt, nhà thơ Lưu Quang Vũ viết: “Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói/ Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ/ Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ/ Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát/ Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh/ Như gió nước không thể nào nắm bắt/ Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh/ Dấu hỏi dựng suốt ngàn năm lửa cháy/ Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn/Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối/ Tiếng heo may gợi nhớ những con đường/Một đảo nhỏ ngoài khơi nhiều kẻ nhận/ Vẫn tiếng làng, tiếng nước của riêng ta/Tiếng chẳng mất khi Loa Thành đã mất/ Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già”. Một đoạn trích bài thơ Tiếng Việt được dùng làm đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, năm 2016, gây tranh cãi xung quanh câu “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”. Một số ý kiến cho rằng chữ bùn đã hạ thấp giá trị của tiếng Việt, nhưng đa số ý kiến đồng tình và khen tác giả tìm ra chữ “bùn” là đắc địa (gợi nhớ bài ca dao: “Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng/ Nhị vàng, bông trắng, lá xanh/ Gần bùn, mà chẳng hôi tanh mùi bùn”). Nhạc sỹ Phạm Duy đã sáng tạo nhạc phẩm Tình ca, trong đó dành phần lớn ngợi ca vẻ đẹp của tiếng Việt, đã đi vào lòng người thẩm âm nhiều thế hệ.
V. TIẾP THU TINH HOA VĂN HÓA THẾ GIỚI - MỘT PHƯƠNG DIỆN TÀI NĂNG NHÀ VĂN
Theo tinh thần biện chứng, không có sự vật nào phát triển trong thế cô lập, đóng cửa, bế quan tỏa cảng, bảo thủ; trái lại nó chỉ có thể phát triển trong tương tác với sự vật khác. Văn hóa/văn học tất nhiên cũng phát triển theo quy luật đó. Nhìn tổng thể, trong chiều dài lịch sử mấy nghìn năm, văn hóa /văn học Việt Nam đã trải qua bốn thời kỳ giao lưu và hội nhập khu vực và thế giới (theo thứ tự thời gian): Văn hóa/văn học Trung Hoa (khoảng 2000 năm), văn hóa/văn học châu Âu (chủ yếu là Pháp, khoảng 100 năm), văn hóa/văn học Nga Xô -viết (gần nửa thế kỷ, từ sau 1945 đến khi Liên bangXô- viết tan rã), văn hóa/ văn học thế giới (từ 1986, gắn với công cuộc Đổi mới, không có mô hình duy nhất, theo tinh thần quan hệ đa chiều). Ở đây, cần nhấn mạnh đến tinh thần tiếp biến văn hóa như một phương thức hữu hiệu để người nghệ sỹ (ngôn từ) Việt Nam vừa đứng vững trên nền/thung thổ văn hóa dân tộc vừa hút mật tinh hoa của văn hóa nhân loại. Sự sáng tạo của Đại thi hào Nguyễn Du trong quá trình viết kiệt tác Truyện Kiều là một ví dụ tiêu biểu. Rõ ràng phần “bột” (cốt truyện dựa theo Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, đời Minh, Trung Quốc) là của “ngoại”, nhưng qua bàn tay nghệ sỹ thiên tài nó trở thành Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều). Theo nhà văn Đặng Thai Mai, Truyện Kiều trở thành “linh kinh” của người Việt Nam, nó có thể báo cho người ta những bước may rủi trên đường đời (Nguyễn Du tiếp cận từ góc độ văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014, tr.12). Kim Vân Kiều truyện là tiểu thuyết chương hồi (20 hồi), Truyện Kiều là tiểu huyết bằng thơ (3254 câu lục bát, một thể thơ thuần Việt). Người Việt Nam có thể Bói Kiều, Lẩy Kiều, Tập Kiều, Nhại Kiều. Kiệt tác này đã vượt ra ngoài khuôn khổ, tính chất của một tác phẩm văn học thông thường, trở thành một di sản văn hóa (năm 2015, Đại thi hào Nguyễn Du được UNESCO tôn vinh Danh nhân Văn hóa Thế giới). Thơ chữ Hán của Nguyễn Du trong Bắc hành tạp lục, Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm là bằng chứng thuyết phục về sự sáng tạo của Đại thi hào khi tiếp biến thơ Đường của Trung Quốc (nhiều ý kiến cho rằng Nguyễn Du gần gũi với Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Lý Bạch).
Trong tiếp biến văn hóa/văn học châu Âu giai đoạn đầu (chủ yếu là văn hóa/ văn học Pháp), các nhà văn viết tiểu thuyết nửa đầu thế kỷ XX đã học hỏi kinh nghiệm nghệ thuật của các nhà văn pháp. Giới nghiên cứu đã chỉ ra sự gần gũi trong sáng tác của các nhà văn Pháp với nhà văn Hồ Biểu Chánh (1885-1958), tác giả của hơn 60 cuốn tiểu thuyết. Tương tự, những nhà văn thời kỳ 30 năm đầu thế kỷ XX như Phạm Duy Tốn (1883-1924) đã viết thiên truyện nổi tiếng Sống chết mặc bay (1918), rất gần gũi với thiên truyện Ván bi-a của nhà văn Pháp thế kỷ XIX A. Đô-đê (1840-1897). Tuy nhiên Hồ Biểu Chánh, Phạm Duy Tốn vẫn là những nhà văn Việt Nam tài năng có nhiều đóng góp vào sự phát triển văn học dân tộc thời hiện đại (sáng tác bằng Quốc ngữ Latinh)
Xuân Diệu, nhà thơ “mới nhất trong các nhà Thơ mới” (Hoài thanh - Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam, 1942) công khai chuyện làm thơ của mình đã ảnh hưởng từ các nhà thơ Pháp như thế nào: “Tháng 10 năm 1981, khi nói chuyện ở Đại học Soócbon Pari: “Đề tài tình yêu trong sáng tác của Xuân Diệu”, bài thơ tình mà tôi dẫn đầu tiên là bài Yêu là chết ở trong lòng một ít, vì trong bài thơ ấy tôi đã vay mượn của ba thi sĩ Pháp; Tôi muốn thính giả người Pháp thấy một thi sĩ Việt Nam chân thực đền ơn trả nghĩa và cũng uyên bác kim với cổ, Đông với Tây, họ sẽ vui, và tôi sẽ đắc nhân tâm tức là được chính trị - Nhà thơ Pháp Étmông Harôcua có bài thơ ngắn rất nổi tiếngPartir, c’est mourirun peu= Đi, là chết ở trong lòng một ít; đúng quá, những đôi lứa muôn đời dứt gan dứt ruột phải biệt xa nhau; khoảng 1934-1938, tôi đang yêu, bèn vận vào mình và chuyển sang: “Yêu là chết ở trong lòng một ít/Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu/Cho rất nhiều, nhưng nhận chẳng bao nhiêu”. Câu thứ ba tôi lấy dáng dấp một câu thơ trong bài thơ tình duy nhất không tiền khoáng hậu của Fêlix Arơve (1806-1850), tất cả sự nghiệp sáng tác của ông đã vào lãng quên, duy có bài thơ thất tình, thơ tình tuyệt vọng của ông: Mon âme a son secret= Lòng ta chôn một mối tình, là còn sống mãi hơn 150 năm nay đến nỗi tự vị Larutxơ cũng phải nhắc đến; trong đó có câu:- Dù anh có đi trọn con đường trần thế của mình. N’osant rien demande’, et n’ayant rien recu = Chẳng dám xin và chưa hề nhận được gì, tôi chuyển câu này thành “Cho rất nhiều, nhưng nhận chẳng bao nhiêu” (…). Tôi cũng láy theo điệu rông-đô (rondeau) của nhà thơ Sáclơ Đoóclêăng thế kỷ XV: “Yêu là chết ở trong lòng một ít/ Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu/ Cho rất nhiều, nhưng nhận chẳng bao nhiêu/ Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết/ Phút gần gũi cũng như giờ chia biệt/ Tưởng trăng tàn hoa tạ với hồn tiêu/ Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu/ Yêu là chết ở trong lòng một ít”. Và ở cuối đoạn thứ ba, câu thứ 13 là câu cuối cùng, lại láy câu thứ nhất. Và có thể nói một cách chân thật: Saclơ Đoóclêăng khi láy lại, đã tạo ra một nhạc điệu rất hay, tuy nhiên không đắc thế bằng tôi khi láy lại các câu, vì mùa xuân không luẩn quẩn, còn tình yêu khi không được chia xẻ, thì người đang yêu như con tằm rút ruột tự giam thân, vướng vít ở trong cái kén đau khổ bịt bùng” (Xuân Diệu tác phẩm chọn lọc, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2009, tr.217-218). Cần có một ghi chú trong trường hợp này: Trong các tuyển thơ, bài thơ này (Yêu là chết ở trong lòng một ít) có nhan đề Yêu.
Các nhà văn Việt Nam thời đương đại đã ảnh hưởng và học tập tinh hoa văn học thế giới? Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra ảnh hưởng của nhà văn Đức E. Rơ-mac (1898-1970), tác giả tiểu thuyết chiến tranh nổi tiếng thế giới Phía Tây không có gì lạ (Tên khác: Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh, 1929) đến Bảo Ninh khi viết Thân phận của tình yêu (tiểu thuyết, 1990, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 1991, sau này khi tái bản lấy tên Nỗi buồn chiến tranh). Trong dịp đến Bắc Kinh (6-2019) tham dự lễ ra mắt tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh được dịch sang tiếng Trung quốc (Dịch giả: Phó giáo sư Hạ Lộ), nhà văn Bảo Ninh đã trả lời phỏng vấn của Tập đoàn Truyền thông Bành Phái Tân Văn. Trong trả lời phỏng vấn, nhà văn Bảo Ninh nhấn mạnh ý tưởng: “Nếu không cầm súng đánh trận, tôi không thể viết như vậy”. Ông đã chia sẻ với độc giả: “Từ nhỏ, đã thuộc lòng nhiều đoạn trong Tam Quốc Diễn Nghĩa (…). Thời gian tại ngũ tôi có đọc Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh. Sách này tôi thu được từ chiến hào những lính Cộng hòa (Nam - Việt Nam). Tôi và các chiến hữu (lính Bắc Việt) đọc rồi bị cuốn hút. Nó có ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ của tôi về chiến tranh. Cũng ảnh hưởng đến sáng tác của tôi nữa. Còn mức độ ảnh hưởng ra sao thì bản thân cũng không thật rõ” (Tạp chí Nhịp cầu Thế giới online).
Trong số các cây bút trẻ thế hệ 7X, độc giả rất mến mộ nhà văn Phạm Duy Nghĩa (sinh 1973), hiện là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Công việc quản lý chắc không có gì quá nặng nề với nhà văn khi làm việc trong môi trường “quân phong quân kỷ”. Phạm Duy Nghĩa, theo chúng tôi, là cây bút truyện ngắn không thuộc loại “ăn khách” trong cơ chế thị trường hiện nay. Nhưng văn (truyện ngắn) của anh thuộc loại văn đẹp, sâu lắng, trầm tĩnh, nhiều chất thơ. Ngòi bút của anh hướng nhiều về con người trong mối quan hệ với thiên nhiên. Anh tự nhận: “Tôi có chịu ảnh hưởng văn học Xô-viết, văn học Đông Âu nên có ý thức dành cho thiên nhiên vị trí ưu ái, trân trọng trong tác phẩm” (Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 5/2/2011). Đọc Phạm Duy Nghĩa, thấy phảng phất phong vị văn xuôi của nhà văn Nga nổi tiếng thời hiện đại T. Ai-tơ-ma-tôp (1928-2008). Đọc Cơn mưa màu mận trắng (Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn, 2003-2004, của Báo Văn nghệ) độc giả tinh tường sẽ nhận ra dư vị tác phẩm Núi đồi và thảo nguyên của nhà văn Nga đã thấm vào văn Phạm Duy Nghĩa một cách khéo léo, tinh tế.
Chúng tôi cũng không khỏi băn khoăn nhận thấy một số cây bút đã “học hỏi” thế giới một cách máy móc khiến cho tác phẩm của họ có cái vẻ “thời thượng”. Nói cho cùng, sự sàng lọc của thời gian (vị quan tòa công minh nhất) mới là quyết định vì “thời gian vặt lông” tất cả, không trừ ai./.
Hà Nội, tháng 6-2020
B.V.T
------------------
THÔNG TIN VỀ TÁC GIẢ
Bùi Việt Thắng, nguyên Giảng viên chính, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, Khoa Văn học, Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội).
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Kiều học Việt Nam
ĐT/ 0903202555
Địa chỉ nhà riêng (gửi thư báo): Phòng 1403/ tầng 13/ Tòa nhà HACISCIO. Số 15/ Ngõ 107, Đường Nguyễn Chí Thanh, Q. Đống Đa, Hà Nội
Người gửi / điện thoại