bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 11
Trong ngày: 122
Trong tuần: 939
Lượt truy cập: 629763

VÂN NAM KÍ SỰ

 

VÂN NAM KÝ SỰ
Đỗ Trung Lai
Bạn rủ chơi Vân Nam. Sao lại không nhỉ? Vân Nam gần, giáp với 4 tỉnh của ta (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang). Sông Hồng, người Trung Hoa gọi là Nguyên Giang, giống như sông Đà, bắt nguồn từ Vân Nam mà chảy sang ta. Sông Mê Công, người Trung Hoa gọi là sông Lan Thương, tuy bắt nguồn từ Tây Tạng, nhưng cũng qua Vân Nam rồi đổ vào Nam bộ Việt Nam. Con sông Trường Giang (Dương Tử) nổi tiếng cũng chảy qua Vân Nam với cái tên Kim Sa, nơi thầy trò Đường Tăng, trên đường thỉnh kinh, thu phục thêm Sa Tăng cần mẫn và chung thủy, rồi mới “về Đông”, qua Giang Đông. Khi làm phim “Tây du ký”,đạo diễn cũng chọn Rừng Đá (Thạch Lâm) Vân Nam cho nhiều cảnh, đặc biệt là cảnh Tôn Ngộ Không bị Như Lai đè - đày ở Ngũ Hành Sơn suốt 500 năm. Cái lỗ đá để ông Hành Giả khỉ thò đầu ra, giờ vẫn còn đó và trở thành nơi để bao du khách chui đầu qua mà chụp hình kỷ niệm.
Chưa hết! Khi ký được hiệp định khai thác Vân Nam với Từ Hy Thái Hậu nhà Thanh, những năm 1909 - 1910, người Pháp cho làm đường sắt khổ nhỏ (1,1m) Côn Minh - Lào Cai để chở sản vật Vân Nam tới Lào Cai, rồi về Hải Phòng qua Hà Nội và ngược lại, chở máy móc thiết bị và hàng hoá Pháp qua Việt Nam tới Vân Nam. Sử sách ghi rõ, khi chưa có đường sắt này, kim ngạch xuất khẩu của Vân Nam chỉ là 1.200 vạn lạng bạc/năm. Đến năm 1912, đã đạt 2.200 vạn lạng, và năm 1927 lên tới 3.000 vạn lạng. Tới nửa đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, 2/3 vật tư, nông lâm sản “xuất/nhập khẩu” của Vân Nam đi theo con đường này. Lúc ấy, xe lửa Pháp còn chạy nhanh hơn ô-tô Vân Nam, vì đường bộ hẹp, xấu, đèo dốc nhiều, đắt và bất tiện. Thế là, đường sắt Côn Minh - Hải Phòng có sớm hơn cả các tuyến đường sắt nối Côn Minh với nội địa Trung Hoa. 50 năm sau, Trung Hoa mới có đường sắt Côn Minh - Thành Đô (Thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên), giáp Bắc Vân Nam. Sau đó, họ làm thêm các tuyến Côn Minh - Quý Dương (Thủ phủ tỉnh Quý Châu), giáp Đông Bắc Vân Nam, và gần đây, họ làm thêm để tới Nam Ninh (Thủ phủ tỉnh Quảng Tây, giáp Tây Nam Vân Nam). Đến năm 2006, mới có đường sắt tới Đại Lý và bây giờ, nghe nói đã kéo dài tới tận Lệ Giang. Họ cũng đã lên kế hoạch khôi phục và cải tạo đường sắt cũ của Pháp, tức là cải tạo tuyến đường sắt khổ 1,1 m, thành khổ 1,4 m. Để đi lại, đặc biệt là để vận tải, đường sắt vốn có ưu thế ở các vùng miền núi non, khe vực.
Người Trung Hoa giờ vẫn trách Từ Hy vì đã yếm thế và nhẹ dạ mà cho người Pháp làm đường sắt Côn Minh - Lào Cai, thuộc tuyến đường sắt Côn Minh - Hà Nội (Côn-Hà thiết lộ). Nhưng lại cũng do người Pháp đến, đem nho Pháp theo ăn, rồi vứt hạt xuống đất, mà do quá hợp thung thổ, nho Pháp tốt bời bời ở Vân Nam. Bây giờ, cả huyện Di Lặc (nằm trên đường Lào Cai - Côn Minh) là một "huyện nho", mà một huyện ở đây, nhiều khi còn rộng hơn cả một tỉnh ở nước ta. Bên đường, mùa xuân, nho đã rụng hết lá, vườn trại bạt ngàn, đang lấm tấm hoa giữa những chồi non. Bây giờ, người Vân Nam bảo, họ còn giữ và nhân được cả những giống nho Pháp quý ngày xưa ấy, dù nay ở Pháp đã bị thất truyền! Bây giờ, rượu nho Vân Nam đã được đưa vào thực đơn của chính phủ Trung Hoa, vào các bữa tiệc chiêu đãi khách quý quốc tế - đã thành “quốc tửu”.
Đời thật thú vị! Sai lầm của Từ Hy được nho Pháp “sửa chữa” như thế, nhưng “sai lầm” của Chu Ân Lai thì còn đang làm người Vân Nam ấm ức. Chả là, vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, để lấy lòng Miến Điện trong việc giải quyết tranh chấp biên giới, Chu Thủ Tướng hào phóng "tặng" cho Miến Điện cả một huyện. Bình thường thì không sao, miền Tây Vân Nam hoang vu, một huyện chả là gì so với lục địa Trung Hoa mông mênh! Thế nhưng, sau đó, người Miến phát hiện ra cả một mỏ ngọc phỉ thuý khổng lồ ở lòng đất huyện ấy. Bây giờ, người Côn Minh vừa nhận gia công phỉ thuý cho Miến Điện (vì người Miến có trình độ chế tác ngọc kém hơn), vừa tiếc dấm tiếc dứt và quay ra trách cứ cố Thủ Tướng của mình. Chuyện này, người Vân Nam kể tôi nghe, thực hư thế nào, tôi chả rõ, nhưng suy ra thì cũng chẳng trái với lẽ trời - "Người tính không bằng trời tính" - mà lại!
Thế nhưng tại sao ở đây tôi lại nói đến Đại Lý, "Đất nước" của Đoàn Dự hào hoa, Đoàn Chính Thuần đào hoa trong "Thiên Long bát bộ" với độc chiêu "Nhất dương chỉ"? Để đi chơi Vân Nam cho thật thú vị, có "hiệu suất" cao, cần đọc lịch sử Vân Nam trước đã. Sơ lược như sau:
Những hoá thạch cho biết, người vượn Nguyên Mưu Vân Nam là giống người vượn cổ nhất Trung Hoa. Thời đồ đá mới, họ đã định cư nhiều ở trung tâm Vân Nam, xung quanh hồ Điền (Điền Trì, giờ là hồ Côn Minh). Họ tiến hoá, phân nhánh, hỗn dung rồi thành ra các tộc người: Thái, Bạch, Di, Hà Nhì (Cáp Nê), Choang (Tráng), Miêu (H'Mông), La Hủ (Lạp Nỗ), Dao, Tạng, Bố Y, Cảnh Pha, Bố Lãng, Phổ Mễ, Nộ, A Xương, Cơ Nặc… (Bây giờ Vân Nam có 26/56 dân tộc của toàn Trung Hoa cùng sinh sống. Người Hán đã chiếm tới 67%, còn lại 33% là các dân tộc khác, mà đông nhất là người Di (11%) rồi đến Bạch (3,6%)…).
Khoảng thế kỷ thứ 3 tr.CN, năm 279, tướng nước Sở (Trang Giao hoặc Trang Kiệu) tiến vào đây, lập ra nước Điền. Đây là những người Hán đầu tiên tới Vân Nam.
Năm 221 tr.CN, Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Hoa, mở đường từ Tứ Xuyên vào tới phía Đông Vân Nam (Đường 5 thước - Ngũ xích đạo - theo quy định chung). Tuy vậy thì nước Điền vẫn còn đó.
Năm 109 tr.CN, Hán Vũ Đế, vua thứ 6 (tính cả Lữ Hậu) đời Tây Hán, điều quân Ba Thục tiến sát nước Điền. Điền Vương đầu hàng. Nhà Hán lập ra quận Ích Châu với 24 huyện trực thuộc, đặt quận lỵ ở huyện Điền Trì (nay là huyện Tấn Minh) và sau khi hạ nốt Côn Minh, thì cũng sáp nhập luôn vào Ích Châu. Trong số 24 huyện ấy, có một huyện tên là Vân Nam (Phía Nam các ngọn núi phủ mây). Đó là hai chữ Vân Nam đầu tiên được biết tới.
Đến thời Tam Quốc (220 - 280 s.CN), cả Vân Nam và Nam Tứ Xuyên được gọi là đất Nam Trung. Năm 225, Gia Cát Lượng, Thừa Tướng Thục Hán, dẫn quân chiếm Vân Nam, chinh phục các bộ tộc ở đây. Chuyện "Bảy lần bắt, bảy lần tha" Mạnh Hoạch (Thất cầm Mạnh Hoạch) diễn ra ở Thạch Lâm, cách Côn Minh 80 cây số.
Sau khi Thục Hán đổ (năm 238), Nam Trung lại "vô chủ"? Các bộ tộc, thị tộc Trung Á tràn sang. Năm 320, thị tộc Thoán di cư tới Vân Nam. Thoán Sâm tự xưng vương, đóng đô ở Điền Trì, nhưng đặt tên là Côn Xuyên. Họ Thoán cai trị vùng này 400 năm.
Năm 739, Bì La Các, thủ lĩnh bộ lạc Mông Xá, đánh đổ họ Thoán, lập ra vương quốc Nam Chiếu, đóng đô ở thành Thái Hoà (nay là Đại Lý), cách Côn Minh hơn 300 cây số. Nhà Đường (Đường Huyền Tông) công nhận Nam Chiếu, sắc phong Bì La Các là " Vân Nam Vương". Các " Vân Nam Vương" cai trị Vân Nam trên 200 năm, trải qua 13 đời vua. ( CÒN TIẾP)
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)