VÀO HÈ
Dương Thúy Mỹ
Mùa Xuân – Mùa Thu – Mùa Đông
Tu hú bận việc nên không có nhà…
Nắng non là nắng tháng ba
Hồ Sen đã thắm, mắt Na đã tròn
Mận đào ron rốt xanh non
Vải Thiều hung húng mầu son trĩu cành
Chỉ còn thiếu một âm thanh
Tiếng Chim Tu hú là thành hè thôi
Hình như biết việc mình rồi
Sớm nay chim đến hót lời đầu tiên
Đàn ve tấu nhạc bùng lên
Cùng nhau kịp hẹn quê em vào hè
Lời bình của Vũ Nho
Thời khắc chuyển mùa là một thời khắc kì diệu của thiên nhiên. Từ mùa này sang mùa khác, từ thời điểm này sang thời điểm khác đôi khi chỉ là sự thay đổi rất nhỏ, rất khó nhận ra:
Thêm một chiếc lá rụng
Thế là thành mùa Thu
Thêm một tiếng chim gù
Thành ban mai tinh khiết
Nhà thơ Trần Hòa Bình đã viết như thế trong bài thơ “ Thêm một” nổi tiếng. Nhà thơ Dương Thúy Mỹ lại chú ý đến thời gian vào Hè. Đó là thời khắc chuyển từ mùa xuân qua mùa Hè. Tất cả những gì được sinh trưởng, được phát triển trong mùa Xuân đều đã chuẩn bị sẵn sàng để “vào hè”, để bước sang mùa mới. Chúng ta thấy cái “ nắng ửng” ( Trong làn nắng ửng khói mơ tan) của thi sĩ Hàn Mặc Tử trong “ Mùa xuân chín” giờ đây thành “ nắng non” của tháng Ba, nắng chớm Hè, chưa gay gắt lắm. Rồi sen nở, mắt na đã tròn, mận, đào hôm nào còn là hoa của mùa Xuân, giờ đã kết trái, đã “ rôn rốt xanh non”, vải thiều cũng đã ưng ửng chín. Hầu như tất cả đã sẵn sàng chỉ đợi một “hiệu lệnh” là nhất loạt “vào hè”. Cái hiệu lệnh quan trong ấy được nhà thơ dành cho chim tu hú với tiếng kêu vang vọng:
Chỉ còn thiếu một âm thanh
Tiếng chim tu hú là thành hè thôi
Hình như biết việc mình rồi
Sớm nay chim đến hót lời đầu tiên
Buổi sớm vào hè được đàn ve tấu nhạc phụ họa với tiếng chim tu hú làm chúng ta nhớ đến tiếng tu hú trong thơ Tố Hữu ( Khi con tu hú gọi bầy/ Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần/ Vườn râm dậy tiếng ve ngân…).
Đàn ve tấu nhạc bùng lên
Cùng nhau kịp hẹn quê em vào hè.
Thì ra thiên nhiên như cũng có tình, có hẹn hò để làm nên mùa hè rực rỡ, sôi động của quê em.
Có một chút băn khoăn thì có lẽ hai câu lục bát mở bài hình như không ăn nhập lắm với việc hẹn vào Hè, nếu bỏ đi thì bài thơ lại gọn gàng, chặt chẽ hơn.
Hà Nội, tháng 8/2018
Người gửi / điện thoại