bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BS ĐINH HỮU DUNG!NƯỚC VỐI ĐẶC SẢN VÙNG ĐỒNG CHIÊM GIA VIỄN RẤT SẴN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BẠN NHƯ NGUYỆT ĐÃ GỬI BÀI!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA BÀI LÊN TRANG, LÀM CHO TRANG THÊM PHONG PHÚ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 7
Trong ngày: 36
Trong tuần: 654
Lượt truy cập: 623213

VỀ MIỀN CỔ TÍCH THẢ THƠ TRÊN THUYỀN

VỀ “MIỀN CỔ TÍCH”

THẢ THƠ TRÊN THUYỀN

 

Bút ký của Nguyễn Đình Bắc 

 nh_bc_1

          Chín giờ kém mười lăm, xe chúng tôi rời bán đảo Linh Đàm, lượn qua vòng xuyến Pháp Vân rồi nhằm Phương Nam thẳng tiến. Buổi sáng mùa thu trong veo làm cho ai nấy lâng lâng, phấn chấn.

         Xe lao vun vút trên đại lộ 1A. Mọi người hào hứng kể những câu chuyện tiếu lâm thời a còng, và đọc cho nhau nghe những vần thơ mới nhất. Với chất giọng ấm áp, truyền cảm của người quê lúa, Tâm Dung say sưa với bài thơ “Biển màu nắng”:

“Biển quê mình chẳng huyền thoại thế đâu

Bát ngát phớt hồng vương hồn của nắng”…

              Chính hai câu thơ này đã thôi thúc chúng tôi tìm về với miền biển “vương hồn nắng” ấy.

             Khoảng ba giờ chiều, xe dừng trước ngôi nhà bốn tầng khang trang, đó là tư dinh của Bác sỹ Trần Hiền, Trưởng khoa Xét nghiệm bệnh viện huyện Kiến Xương và cũng là cây bút quen thuộc của làng Văn học Nghệ thuật Thái Bình. Đón chúng tôi là hai nhà thơ Quốc Anh và Thường Dân - chủ con “thuyền thơ” mà chúng tôi hằng ngưỡng mộ.

             Xuống xe, sau một chặng đường dài, ai nấy ra sức hít hà cái hương vị thơm thơm ngai ngái của vùng quê lúa sau mùa gặt. Những cốc nước vối đậm đà tình thôn dã đem đến một cảm giác ấm áp và thân tình. Sau phút hàn huyên, cả chủ khách cùng lên xe hướng về phía biển. Chuyện nổ râm ran như quen biết từ lâu. Thật kỳ lạ, cái duyên thơ nó kéo mọi người lại gần nhau, quện vào nhau như trăng với gió.

              Xe dừng trên bãi biển Cồn Vành. Mọi người nhảy ào xuống cát. Đón chúng tôi có hơn chục thi nhân đã đợi từ lâu. Mấy nàng thục nữ tranh thủ đi thay đồ để được đằm mình trong những con sóng “vương hồn nắng” ấy.

              Sau một hồi ngắm biển, bữa cơm dân dã được bày ngay trên bờ cát mịn màng. Và thế là rượu, là bia và nhất định là… thơ!…

Tiếng chạm ly lanh canh trong mặn mòi gió biển làm khơi dậy tiếng lòng ngân nga, rạo rực của các thi nhân. Rượu tiếp rượu… thơ đòi thơ… cho đến khi biển mang màu sẫm lúc nào chẳng ai hay biết.

Chúng tôi đợi gió, đợi trăng và đợi cả hồn thơ từ biển mặn. Gió thì thào như quen như lạ, đòi trăng. Nhưng chẳng hiểu vì sao trăng vô tình, trăng lỡ hẹn. Tôi cùng Thường Dân nhảy ào xuống biển. Biển thẫm như nhung, mặn mòi như tình bạn. Đằm mình trong huyền bí của biển đêm, chúng tôi kể cho nhau nghe về thơ, về đời và về những con sóng trong lòng suốt một thời trai trẻ...

             Đêm Kiến Xương mềm như lụa. Chúng tôi chìm trong giấc mơ huyền ảo… cho đến khi con chim khách lách chách trên cành sấu, mọi người bừng tỉnh giấc, ai nấy hấp hổi, vội vàng để về với “Xóm Cổ Tích” về với “Thuyền thơ”.

                Xe dừng trên lộ lớn, đoàn chúng tôi theo con đường nhỏ băng qua cánh đồng mới gặt còn thơm thơm mùi rạ. Con Sông Sứ trong như màu mắt, chòm lục bình hờ hững nhẹ nhàng trôi. Trước mặt chúng tôi, hàng chục gốc si già đến trăm năm tuổi, chúng lặng lẽ nghiêng bóng xuống dòng Sông Sứ, buông hờ làn rễ như tơ trên mặt nước, hình như chúng muốn tạo dáng người thiếu nữ năm xưa vào những chiều hoàng hôn đã từng sả làn tóc biếc buông lơi trên bến sông này.

               Nép mình dưới bóng si, cạnh cây sung già chiu chit quả là một con thuyền đã phủ bóng thời gian. Từ dưới thuyền vọng lên tiếng nhị mơ màng, tiếng sáo trúc véo von như ru hồn vào cõi hư vô. Cây cầu tre vắt vẻo như vô tình gá nghĩa con thuyền thơ mộng với vòm lá si già trầm luân trên bờ Sông Sứ.

            Mây lãng đãng, gió vu vơ, mấy con gọng vó nhảy loàng nhoàng tìm bạn tình trên mặt nước.

               Lòng thuyền không rộng nhưng cũng đủ chỗ cho gần bốn chục thi nhân. Sau khi phân ngôi chủ khách, nhà thơ Thường Dân kể câu chuyện có thực mà như huyền thoại. Chuyện kể rằng: Cái lần thuyền thơ đón khách vào một đêm trăng sáng, một nữ thi nhân vừa đặt chân xuống mạn thuyền, nàng vội vén cao quần khỏa chân xuống làn nước biếc làm vỡ vụn cả vầng trăng. Nào ngờ thi sỹ Quốc Anh đã chộp được cái khoảnh khắc hữu tình đến thần diệu ấy, chàng cao hứng xuất khẩu mấy vần thơ:

“Chân trần khỏa nước mạn thuyền

Em cười rơi cặp đồng tiền xuống sông

Tôi mò, đằm tận đáy lòng

Nước thì có nước, tiền không có tiền

Rủi tôi về chốn cửu tuyền

Xin em đốt vía đồng tiền... được không?”.

            Không thấy tiền, nhưng chẳng biết chàng Quốc Anh mò được những gì trong cái đêm kỳ ngộ ấy. Tôi tự nhủ nếu không có con thuyền, không có ánh trăng huyền ảo, làm gì có thi nhân và lại càng không thể có những vần thơ long lanh đến mộng mỵ dường này.

       Giữa lòng thuyền là những chiếc đĩa màu nâu với chùm quả sung mươn mướt biếc, bên cạnh là những trái lạc luộc căng đầy cùng những chiếc chén sứ và be rượu màu nâu, tất cả như muốn phô rằng: “Người quê chỉ có tấm lòng”…

       Tôi đang như kẻ mộng du lạc vào “Miền Cổ Tích”. Bỗng có tiếng chuông điện thoại, rồi giọng Trần Hiền run run: “Sao rồi, tỉnh rồi à?”. Một tiếng thở phào, đoạn anh chậm rãi nói với mọi người: “Xuân Đam tỉnh rồi”. Nét mặt ai nấy dãn ra, tươi lại sau một giây ngưng thở. Số là thi sỹ Xuân Đam với những thi phẩm “Rượu quê”; “Rượu lạnh”; “Rượu lửa”; “Rượu hát”; “Rượu đắng”… đang là niềm tự hào, niềm ngưỡng mộ của miền quê lúa Thái Bình; Và Xuân Đam, cũng chính là bóng dáng thi nhân của bến sông này, nhưng hiện đang “thập tử nhất sinh” bởi một cơn bạo bênh. Cả Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Bình và các thi hữu Miền Cổ Tích đang hùn lại để xuất bản tuyển tập thơ Xuân Đam, nhưng chỉ sợ anh lại cất gánh về miền thiên cổ trước khi tập sách ra đời.Tôi đảo mắt nhìn bỗng chạm phải những ánh mắt buồn thương ngân ngấn lệ.

      Tâm Dung nghẹn ngào đọc tặng Xuân Đam nhưng cũng là để đốt cháy lòng mình:

“Ta tìm người, người tìm ta

Hẹn muôn năm trước, thế mà vô duyên

Buồn vui, cay đắng ưu phiền

Thì đem gom lại, xay nghiền thành thơ

Thương nhành hoa bưởi ngày xưa

Với tầm xuân ấy ngẩn ngơ vườn cà

Mấy mùa nhãn chẳng đơm hoa

Non xanh là thế, nay ra đồi mồi

Nẻo quen lối đã khác rồi

Chỉ còn ta với một trời… miền xưa !”

      Khóe mắt chị đỏ hoe nhưng không một giọt lệ nào tràn qua được đôi bờ mi thăm thẳm xa, vời vợi nhớ về một thời tuổi thơ đầy ký ức mà nay đã trở thành cái khoảng “Trời miền xưa” mênh mang trong tâm thức chị.

      Một nốt nhạc trầm vương vương trên dòng Sông Sứ để rồi những áng thơ thấm đẫm tình đời cứ lãng đãng, lãng đãng hòa theo... Con thuyền bồng bềnh trong mênh mang vô tận. Giữa cái âm hưởng du dương vời vợi ấy, trong lòng tôi xao xuyến một vần thơ:

“Lặng thầm một chiếc thuyền con

Mà sao chở nặng nguồn cơn cõi Người

Tôi đi quá nửa cuộc đời

Để nay đứng lặng giữa “Trời miền xưa”...

vuon_bui

  

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)