NHÀ THƠ ĐOÀN THỊ LAM LUYẾN
BÙI MINH TRÍ
Đoàn Thị Lam Luyến sinh năm 1953, quê quán tại xã Anh Dũng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Năm 13 tuổi, chị được cử vào học Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật khu tự trị Tây Bắc; từ 1976 - 1982 học Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Chị từng làm biên tập viên ở NXB Thanh Niên. Từ năm 2001, Đoàn Thị Lam Luyến công tác trong Hội Nhà Văn Việt Nam, làm Phó Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam. Tập thơ đầu tay của chị là "Lỡ một thì con gái"được nhiều người đón đọc. Hình như thơ vận vào người nên chị là người phụ nữ đa đoan đầy truân chuyên trên con đường đi tìm hai chữ "hạnh phúc". Nhưng ta cũng thấy xuyên suốt các tập thơ là tình cảm yêu thương đằm thắm của chị.
Chị đã cho in 7 tập thơ: Mái nhà dưới bóng cây (thơ, in chung, 1985);,Lỡ một thì con gái (thơ, 1989), Cánh cửa nhớ bà (thơ, 1990);Chồng chị chồng em (thơ, 1991);Châm khói (thơ, 1995), Sao dẫn lối (thơ, 2003), Dại yêu (thơ, 2004).
Chị đã nhận được các giải thưởng:
Giải thưởng cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1989 - 1990.
Giải thưởng thơ của Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho tập thơ "Châm khói" năm 1995.
Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2003 cho tập thơ "Sao dẫn lối".
Giải thưởng thơ Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2004 với tập thơ "Dại yêu".
Các tác bài thơ tiêu biểu của chị là : Khát vọng, Em gái, Châm khói, Ngọn gió lá diều, Biển trong ta, Đà Nẵng, Đàn bà, Đêm cành đa,Đến hang Bồ Nâu học đánh cờ, Đợi, Đừng hứa sẽ cho nhau... Các chủ đề trong thơ của chị phần nhiều là những vấn đề gần gũi với cuộc sống, không ngại nói ra những điều theo khát vọng của mình trong tình yêu, tình cảm vợ chồng, tình mẹ con,…, những tình cảm ấy nhẹ nhàng mà sâu sắc.
Bài thơ Khát Vọng (mới đầu có tên là Gửi tình yêu) của chị được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc nhẹ nhàng mà da diết, trở thành nổi tiếng và chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã nghe, đã biết.
Chị tin tưởng rằng: Nếu gửi tình yêu vào nơi chân thật thì tình yêu thành mật ngọt, gửi tình yêu vào đất thì sẽ nở hoa kết trái, gửi lên trời cao thì sẽ được ngọn gió xanh:
“Nếu ta gửi tình yêu
Vào một nơi chân thật
Thì tình yêu của ta
Sẽ thành hương thành mật
Gửi tình yêu vào đất
Được hoa trái đầy cành
Gửi lên trời cao rộng
Sẽ được ngọn gió xanh
Tin như thế nên chị đã trao tất cả cho người tình một tình yêu cháy bỏng, hiến dâng:
“Ta trao cả cho anh
Một tình yêu cháy bỏng
Như một cánh buồm xinh
Hiến mình cho biển rộng”
Nhưng thật là chua sót cho nhiều (gửi cả trái tim) mà nhận ít thâm chí là khổ đau:
“Ta đã gửi cho anh
Một con tim dào dạt
Và anh trả cho ta
Nỗi buồn đau tan nát!”
Điều chị than thở làm ta thấy xót xa, cảm thông, rằng lòng mình rất rộng, muốn ôm cả đất trời, mà sao khi muốn yêu thương một con người thì lại không được trọn vẹn:
“Ta muốn ôm cả đất
Ta muốn ôm cả trời
Mà sao không yêu trọn
Trái tim một con người?”
Lại có người “Em gái” cũng ngộ nhận trong tình yêu như chị, cũng yêu “chí chết”, “tìm lối phong rêu” lẫn lộn cả bốn mùa xuân hạ thu đông:
“Em đầy ngộ nhận như tôi
Cũng yêu chí chết cái người mình yêu
Cũng tìm những lối phong rêu
Để rồi bước trật bước trèo uổng công
Mắt thì thăm thẳm mùa đông
Trái tim mùa hạ, tấm lòng mùa thu
Mùa xuân ở phía sa mù
Mà băng tuyết... đến bao giờ cho tan ?”
Người ta thường nói :”Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” , nên chị đã cưu mang cô em, nhắc nhở cô em kẻo bị lỡ làng, làm những việc huyễn hoặc, không tưởng như “lấy sóng làm cầu/khơi xa làm bến/ đáy sâu làm thuyền
“Gặp em cơ nhỡ cưu mang
Em đâu biết đến lỡ làng về sau
Em đương lấy sóng làm cầu
Khơi xa làm bến, đáy sâu làm thuyền”
Và nếu làm như thế lại rơi vào vết xe đổ của chị “khao khát để làm yên”, “duyên làm phúc”, để rồi tự an ủi: “Lấy bấy nhiêu cái thất tình làm vui.”
“Lấy khao khát để làm yên
Lấy duyên làm phúc lấy tiền làm khinh
Rồi ra em giống chị mình
Lấy bấy nhiêu cái thất tình làm vui”.
Bài thơ “Chồng chị chồng em” của Đoàn Thị Lam Luyến nói lên tất cả những sự đau khổ của người phụ nữ trong tình yêu và trong hôn nhân.
Đầu tiên không hiểu là sự nối tiếp lấy một người chồng hay là sự tranh nhau:
“Xưa thì chị, nay thì em
Phải duyên chồng vợ, nối thêm tơ hồng”
Nhưng cuộc sống ấy như “lúa đã gặt bông”, “cải đã chặt ngồng”. Cũng có khi đó là một cặp đôi lỡ làng gặp nhau, tác giả dùng nghệ thuật ẩn dụ“Cái dần vục phải cái sàng” thật là cảm cảnh:
“Cái dần vục phải cái sàng
Xui cho hai đứa nhỡ nhàng gặp nhau”
Cuộc tình của Mỵ Châu – Trọng Thủy trong lịch sử còn được nhắc nhớ mãi:
“Lá bùa từ thuở Mỵ Châu
Lá bài Trọng Thuỷ còn đau đến giờ
Tình yêu một mất mười ngờ
Khiến cho biển cứ khuất bờ trong nhau”
Tình yêu lứa đôi như “cái duyên, cái phận” mà
“Khi vui muốn có một người
Khi buồn muốn cả đất trời hoà chung”
Đã thế thì thôi chẳng lo nghĩ buồn bực làm gì, vì từ “hai mảnh tay không”cho dù chịu cảnh “mẹ ghẻ, con chung, chồng người”, giống như ngày xưa nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã phải gào thét lên:
“Chém cha cái kiêp lấy chồng chung
Kẻ đáp chăn đơn kẻ lạnh lùng
Năm thì mười họa hay chăng chớ
Một tháng đôi lần có cũng không”
Cả chị cả em thôi cũng đành ngậm ngùi sống cho qua ngày, chị thì mất mối tình đầu còn em thì hứng “bã trầu về têm”:
"Chị thản nhiên mối tình đầu
Thản nhiên em nhận bã trầu về têm."
Câu thơ ẩn dụ thật hay, mà cũng thật đau lòng!
Đây là toàn văn bài thơ:
Xưa thì chị, nay thì em
Phải duyên chồng vợ, nối thêm tơ hồng
Được lúa, lúa đã gặt bông
Được cải, cải đã chặt ngồng muối dưa
Mặn mà cũng khác ngày xưa
Bâng khuâng như chửa bao giờ bén duyên
Gần được ấm, xa được êm
Biết thì ruộng hoá cũng nên mùa màng
Cái dần vục phải cái sàng
Xui cho hai đứa nhỡ nhàng gặp nhau
Lá bùa từ thuở Mỵ Châu
Lá bài Trọng Thuỷ còn đau đến giờ
Tình yêu một mất mười ngờ
Khiến cho biển cứ khuất bờ trong nhau
Cái phận trước, cái duyên sau
Nào ai tính được dài lâu với trời ?
Khi vui muốn có một người
Khi buồn muốn cả đất trời hoà chung.
Đã từ hai mảnh tay không
Kể chi mẹ ghẻ, con chung, chồng người
Dở dang suốt nửa cuộc đời
Bỗng dưng hiện một mặt trời trong nhau
Chị thản nhiên mối tình đầu
Thản nhiên em nhận bã trầu về têm.
Bài thơ “Châm khói” chỉ có 4 câu nhưng hình như là tổng kết của cả tập thơ cùng tên và cũng là nỗi lòng của chị. Đó là trong tình yêu “già mà còn dại”, cho nên “khói lửa đắng đót trái tim”:
CHÂM KHÓI
“Ngoài bốn chục chưa khỏi điều non nớt
Cả tin nghe, cả tin nói, cả tin cười
Que diêm mảnh chực châm bờ rạ ướt
Khói lửa nào đắng đót trái tim côi.”
Ở một chủ đề khác cũng nói lên nỗi khổ của người phụ nữ. Người ta đã tổng kết rằng nhà văn nhà giáo, nhà báo là những người vất vả mà nghèo nhất trong xã hội. Tác giả nói về nhà giáo, về cô giáo mầm non. Hai câu thơ đầu mới đọc ta thấy giật mình:
“Em là cô giáo mầm non
Nghề chi mà dễ sớm con muộn chồng”
Rồi bình tĩnh lại thì mới hiểu các con của cô giáo không phải là con đẻ mà là các con ở lớp mẫu giáo. Sớm con là bởi cô giáo còn rất trẻ và chưa có chồng .
Các câu tiếp theo nói lên nỗi vất vả của cô giáo“đêm vắng, ngày đông”, trẻ thì cũng có cháu ngoan, nhưng cũng có những cháu đứa ẩm, đứa ương - lạ đời.
Thế mà cco giáo vẫn không được lòng của xã hội, như là “Chăm thì chăm thế, mẹ chồng vẫn chê”
Còn đối với những cô đã có chồng con thì :“con mình mình nhãng, con người mình chăm”. Cái nghề thành cái nghiệp “Yêu trò cũng hệt như ta yêu mình”
làm chúng ta thấy thương và cảm thông sâu sắc với những tâm sự của các cô.
Hai câu kết là một hình tượng đẹp và gói lại chủ đề của bài thơ:
“ Trẻ thơ như chiếc lá diều
Em là ngọn gió một chiều đương thu.”
Toàn văn bài thơ như sau:
Em là cô giáo mầm non
Nghề chi mà dễ sớm con muộn chồng
Đêm thì vắng, ngày thì đông
Chăm thì chăm thế, mẹ chồng vẫn chê!
Sáng sớm đi, tối muộn về
Trong nhà chân đất, dép lê ngoài đường
Chồng thì khi giận khi thương
Trẻ thì đứa ẩm, đứa ương - lạ đời.
Trẻ ngoan thì cô mới cười
Con mình mình nhãng, con người mình chăm
Lương mình chẳng đủ mình ăn
Thì em cấy ruộng cho bằng người ta!
Nghề đâu là nghiệp đấy mà
Yêu trò cũng hệt như ta yêu mình
Mình cho ta trọn cái tình
Ta lại cho mình những cái ta yêu
Trẻ thơ như chiếc lá diều
Em là ngọn gió một chiều đương thu.
Bài viết đến đây đã dài , xin phép dừng lại để các độc giả tự tìm hiểu thêm về thơ của nữ sĩ Đoàn Thị Lam Luyến.
Bùi Minh Trí