VỀ VĂN HÓA ẨM THỰC CỦA NGƯỜI VIỆT
PGS.TS.Vũ Nho
Ăn uống là một hoạt động quan trọng của động vật để duy trì sự sống. Đối với con người cũng vậy. Hoạt động ăn uống diễn ra hàng ngày và có từ khi con người còn chưa có chữ viết, thậm chí còn ăn lông ở lỗ. Bởi vậy, không lạ gì, khi bắt đầu sáng tác văn thơ dân gian để truyền miệng, con người đã chú ý đến hoạt động này. Ăn cái gì, ăn như thế nào, cảm giác ăn ra sao. Và ăn thế nào cho ngon, cho đẹp, cho có văn hóa, cho thanh lịch.
Người Việt có rất nhiều câu tục ngữ, ca dao về chủ đề này. Thử xem người xưa đã quan niệm thế nào về ăn uống.
Ăn là điều được nói đến khá nhiều trong tục ngữ.
- Ăn trông nồi, ngồi trông hướng
- Ăn chắc mặc bền
- Ăn kĩ no lâu, cầy sâu tốt lúa
- Ăn vóc học hay
- Ăn cỗ đi trước lội nước đi sau
- Ăn chọn nơi chơi chọn chốn
- Ăn bún thang cả làng đòi cà cuống
- Ăn cơm với cáy thì ngáy pho pho, ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy
Trong cuốn “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam”, các tác giả đã kê ra gần 400 câu tục ngữ thành ngữ có từ ĂN. ( Nguồn: Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào – Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Nxb Văn Hóa, in lần thứ tư, 2000)
Trong ca dao thì số lượng cũng phong phú không kém.
Lấy anh thì lấy đến già mới thôi
Dành cơm nuôi mẹ, mẹ già yêu răng
Chồng một thì lấy chồng chung thì đừng
Thương sao cho được vợ người mà thương
- Ăn rồi nằm ngả nằm nghiêng
Có ai lấy tớ thì khiêng tớ về
Ăn sung sung chát ăn đào đào chua
Biết bao điều mà cha ông ta đã gửi gắm trong những câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao thể hiện quan niệm và thái độ văn hóa đối với sự ăn uống.
Chúng tôi chỉ khảo sát một vài vấn đề quan trọng xung quanh việc ĂN mà thôi.
Ăn những món thông thường , nhưng cũng cần biết những thứ nào là ngon, là tốt cho xứng với đồng tiền bỏ ra. Có những câu tục ngữ định giá các thứ đó như là cẩm nang cho người nội trợ:
- Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần. Nước mắm Vạn Vân, cá rô đầm Sét, cơm cháy Ninh Bình.
- Ổi Định Công, hồng làng Quang, chè vối cầu Tiên, rượu hũ làng Ngâu, bánh đúc trâu làng Tó...
- Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì
Tương Bần, húng Láng có gì ngon hơn?
Vải Quang, húng Láng ngổ Đầm
Cá rô đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây
Thanh Trì có bánh cuốn ngon
Có gò Ngũ nhạc có con sông Hồng
Không phải chỗ nào cũng có thể ăn. Miếng ăn quan trọng thật, nhưng không thể ăn bằng mọi giá, mọi cách. Người Việt trọng danh dự không “ăn chạ”, “ăn chực”. “Ăn có mời làm có khiến”. Nghĩa là phải có lời MỜI thì mới ăn. Vì rằng thái độ trân trọng của người đãi ăn là rất quan trọng. Bởi thế mới có quan niệm “Lời chào cao hơn mâm cỗ”!
Ăn uống phải lịch sự, phải thể hiện văn hóa khi ăn. Không ai ưa và không ai chấp nhận kiểu “ăn tục nói phét , “ăn không nói có”, “ăn cháo đá bát”, “ăn thủng nồi trôi rế”…
Ăn uống phải nhìn trước nhìn sau, phải có ý tứ. Cho nên ăn trông nồi, ngồi trông hướng. Trong hoàn cảnh lương thực thực phẩm thiếu thốn thì việc ý tứ, nhường nhịn người cao tuổi là một thể hiện văn hóa, đạo đức của con người:
Đói lòng ăn hạt chà là
Dành cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng
Nhường nhịn chồng con là cái nết đẹp của người phụ nữ trong ăn uống:
Miếng nạc thì để phần chồng
Miếng xương mẹ gắp, miếng lòng phần con
Ăn uống phải tiết kiệm , không hoang phí để còn phòng lúc đói ngày ba tháng tám.
Lúc còn thì phải ăn de
Đến khi hết gạo thì dè mới ra
Hoặc như đồng bào Thái dặn dò:
Ăn phải dành, có phải kiệm
Đừng ăn quá miệng, đừng diện quá đáng
Ăn uống đạm bạc thì bình an, bình thường. Ăn uống sang trọng thì lo lắng. Bởi vì rất khó mà có được miếng ăn như thế, khi mọi người đều nghèo. Hoặc là phải lo mưu mẹo để giữ miếng với chức sắc, quan lại nhòm ngó. Hoặc là lo mánh mung để có thể hơn người. Thành ra:
- Ăn cơm với cáy thì ngáy pho pho
Ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy
Người Việt chấp nhận việc ăn uống đơn giản, thậm chí là nghèo nhưng tinh thần thanh thản, hơn là cuộc sống sung túc hơn nhưng không hòa thuận, mặt nặng mày nhẹ, mất đoàn kết trong gia đình:
Còn hơn cá thịt nói nhau nặng lời.
(Tất nhiên, khi đời sống xã hội phát triển thì sẽ có bốn mức để cho người ta lựa chọn : 1. Ăn cá thịt mà hòa thuận. 2. Ăn cơm rau mà hòa thuận. 3. Ăn cá thịt mà cãi nhau.4. Ăn cơm rau mà cãi nhau). Rõ ràng đem so sánh tinh thần và vật chất, thì người Việt vẫn nghiêng về tinh thần hơn là vật chất.
Người Việt trong bữa ăn gia đình có một bát nước chấm chung. Đấy cũng là một cách thể hiện sự hòa đồng, sự đoàn kết và “chia ngọt sẻ bùi”. Gần đây, một số cho rằng cần học phương Tây, mỗi người một bát nước chấm cho lịch sự. Nên nhớ rằng bát đĩa khi xưa không phải là nhiều như bây giờ. (Tôi còn nhớ khi dẫn sinh viên đi thực tập ở trường cấp 3 Bắc Cạn, thủ phủ của tỉnh Bắc Cạn cũ, khi đó nhập với Thái Nguyên là Bắc Thái, quãng năm 1973, liên hoan tạm biệt nhà trường, không đủ chén để uống rượu, chúng tôi rót rượu ra bát. Uống xong thì dùng bát lấy cơm). Học phương Tây cũng tốt thôi. Nhưng mâm cỗ chắc vẫn phải có các bát đĩa thức ăn chung, chứ không thể làm sáu bát to, mỗi bát có đủ thịt, rau, cá, canh cho mỗi người để “lịch sự”!
Một điều cũng đáng chú ý là khi bắt đầu ăn, bao giờ cũng có chuyện “mời”. Mời trước nhất là người cao tuổi : ông, bà, khách (tùy tuổi tác) cha, mẹ, anh, chị.
Đấy là một phong tục thể hiện thái độ văn hóa. Người theo đạo Kito thì làm dấu thánh cảm tạ Chúa trước khi ăn. Một số dân châu Âu thì chúc “ ngon miệng”!
Rõ ràng, cái sự ăn có rất nhiều điều để bàn bạc, suy ngẫm. Bởi vì ăn uống, hay gọi là ẩm thực phản ánh văn hóa của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng và mỗi dân tộc.
Một điều không thể không chú ý là cách chế biến thức ăn, cách thêm các gia vị cho món ăn thêm ngon, thêm hấp dẫn cũng thể hiện trình độ văn hóa ẩm thực của người xưa. Người Việt dùng rất nhiều loại gia vị khác nhau để chế biến tức ăn.
Thức gì, nấu với những gì thì hợp, thì ngon. Đó là một sự tinh tế trong ăn uống được tổng kết như là kinh nghiệm chế biến.
Chẳng hạn như dưa khú là dưa bị hỏng, bị kém phẩm chất. Nhưng nếu biết cách thì vẫn trở thành món ngon:
- Chồng chê thì mặc chồng chê
Dưa khú nấu với cá trê ngọt lừ.
Hoặc kinh nghiệm về món ốc:
Cái nước nó xám nhưng mùi nó ngon.
Một số món ăn dân dã đơn giản mà rất ngon:
Người chết nửa mùa cũng sống lại mà ăn
Gái muốn mĩ miều, tìm lá đinh lăng
Thế gian có kẻ mất chồng như chơi
Bài ca dao được nhà nghiên cứu văn học dân gian Hoàng Tiến Tựu sưu tầm cho thấy các loại thịt thì cần những gia vị gì cho phù hợp:
Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Mẹ ơi mẹ hỡi mua tôi đồng riềng
Con trâu cười ngả cười nghiêng
Tôi không ăn riềng, mua tỏi cho tôi.
Thịt gà luộc ăn với lá chanh, thịt lợn nấu với hành, thịt cho nấu riềng, thịt trâu xào tỏi. Phải sành ăn mới có thể tổng kết được như thế.
Rõ ràng người Việt là một dân tộc sành ăn, tinh tế trong nghệ thuật ẩm thực. Đó cũng là thể hiện một trình độ văn hóa cao của một đất nước “vốn xưng nền văn hiến đã lâu” ( Nguyễn Trãi). Chúng ta có quyền tự hào về ông cha mình, chẳng những tài khéo “ Tay người như có phép tiên/ Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ” ( Nguyễn Đình Thi), mà còn tự hào về cách biến những thứ bình thường của sản phẩm nông nghiệp thành những món ăn ngon, bổ dưỡng, chứa đựng minh triết trong ăn uống của phương Đông./.