VỊ TƯỚNG VĂN HÓA
PGS. TS. Vũ Nho
THƯỢNG TƯỚNG NGUYỄN HUY HIỆU
Thượng tướng, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học quân sự Cộng hòa Liên bang Nga Nguyễn Huy Hiệu là một người nổi tiếng. Điều đó thì mọi người đều đã biết. Chỉ nguyên việc từ người lính trở thành cán bộ chỉ huy dũng cảm, được phong danh hiệu Anh hùng khi còn rất trẻ, được phong Tướng khi cũng còn rất trẻ cũng đã rất đáng khâm phục và ngợi ca. Có nhiều nhà văn, nhà báo đã viết sách về cuộc đời binh nghiệp và khoa học của ông. Bản thân ông cũng đã viết về môi trường, về vấn đề biển đảo với những cuốn sách giàu tính nghiên cứu và tư liệu thực tế phong phú.
Ấn tượng mạnh mẽ đối với tôi sau khi đọc một số cuốn sách viết về ông và ông viết, sau mấy lần tiếp xúc trực tiếp thì có nhiều, nhưng nổi bật và sâu sắc chính là một con người văn hóa, một chiến sĩ, một vị chỉ huy, một vị tướng văn hóa.
Trữ lượng văn hóa đó tiềm ẩn trong đời sống gia đình hậu duệ của Định quốc Công Nguyễn Bặc, một danh tướng của vua Đinh Tiên Hoàng. Bố của vị thượng tướng tương lai chỉ là một người dân bình thường nhưng ham học “sách của ông nhiều, xếp đầy giá”, ông rất tình cảm và minh triết khi tiễn người con trai ra trận. Ông nói về truyền thống của gia tộc, nói về quy luật sống chết và quan trọng nhất là dặn con : “ Con nhớ, các cụ xưa nói : Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”. Một câu nói như là đúc kết kinh nghiệm sống, kinh nghiệm ứng xử. Chàng trai đã hiểu đúng ý nghĩa sâu xa của lời cha dặn : “Mình đối xử với mọi người như thế nào,, thì về sau mọi người đối xử với mình như thế. Phải biết trân trọng quá khứ, phải tri ân những người đã giúp đỡ mình, đã hi sinh vì mình, trân trọng lịch sử” ( Một thời Quảng Trị, nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân, 2009, trang 493). Và suốt cuộc đời trận mạc của mình, người trai vùng biển Hải Hậu đã hành động và ứng xử theo lời cha dặn, theo tinh thần nhân văn và văn hóa đó.
Tinh thần văn hóa thể hiện rất đậm trong mói quan hệ với các chiến sĩ dưới quyền, với các đồng đội cùng cấp bậc và với các vị chỉ huy, người thầy trong chiến trận.
Vị Thượng tướng tương lai nhớ rõ người chiến sĩ đầu tiên của Trung đoàn 27 hi sinh là tiểu đội phó Dương Văn Dũng, quê ở thôn Lục Tây, xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, hi sinh ngày 27 tháng 2 năm 1968 do bom tọa độ, được an táng tại xã Vĩnh Hiền, Vĩnh Linh. Ông nhớ trận chiến đấu ngày 6 tháng 3 năm 1968. Họ tên, chức vụ, quê quán các cán bộ, chiến sĩ hy sinh là Trung đội trưởng Lê Ngọc Thu, Trung đội trưởng Phạm Sĩ Công, chiến sĩ Cao Như Thiêm, Lê Hữu Biền, Nguyễn Văn Biền, Trần Ngọc Hà. Nơi an táng là xã Vĩnh Trường, khu vực Vĩnh Linh. Chính nhờ luôn luôn sâu sát, nhớ kĩ những tổn thất, mất mát của đơn vị, mà sau này, một số liệt sĩ được tìm thấy phần mộ.
Luôn luôn quan tâm đến các đồng đội, nên vị chỉ huy nhớ chi tiết họ tên những đồng chí là cán bộ lãnh đạo Trung đoàn. Từ Trung đoàn trưởng, Trung đoàn phó, Chính ủy, Phó chính ủy, Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm chính trị.
Không ít lần, tướng Hiệu bày tỏ sự kính trọng và biết ơn hai vị trướng trực tiếp chỉ huy, biết rõ năng lực của cán bộ dưới quyền, đã giao các nhiệm vụ phù hợp và rút về đào tạo, bồi dưỡng để phục vụ lâu dài trong quân đội. Đó là tướng Lê Trọng Tấn và tướng Lê Quang Đạo. Viết luận văn Tiến sĩ “Nghệ thuật đánh địch ngoài công sự trong chiến dịch tiến công”, nhà nghiên cứu không quên cám ơn các vị tướng, các nhà khoa học quân sự giúp đỡ như Thượng tướng Giáo sư Hoàng Minh Thảo, Thượng tướng Nguyễn Hữu An, Phó giáo sư Phan Văn Hòe, Tiến sĩ Nguyễn Trường Cửu , các giáo viên Học viện Quốc phòng, Học Viện Chính trị quân sự. (Sách đã dẫn, trang 512).
Thể hiện rõ nhất thái độ văn hóa là biết ơn đồng đội, đồng chí của mình là khi ông được phong danh hiệu Anh Hùng :
“… Hôm nhận danh hiệu anh hùng tôi đã khóc. Tôi nhớ đến hình ảnh Đại đội trưởng Mai Xuân Tình, Chính trị viên Đặng Quang Hồng, Trung đội trưởng Phan Hữu Mỹ, Nguyễn Đình Cư,…chiến sĩ Cao Như Thiêm, chiến sĩ B41 Phùng Văn Khoét, Trung đoàn trưởng Cao Uy và biết bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 – Mặt trận B5 thân yêu của tôi đã ngã xuống… Nhờ họ tôi mới có được vinh quang này”.(Sách đã dẫn, trang 10).
Tinh thần văn hóa, nhân văn còn được thể hiện khi tiếp xúc trực tiếp với đối phương ở bên kia chiến tuyến. Đó là quan hệ ứng xử với chuẩn tướng Phạm Hà Thanh phụ trách Tổng y viện Cộng Hòa. Dứt khoát, kiên quyết, độ lượng, đó là thái độ làm cho đối phương kính trọng, nể phục.
Người Việt luôn coi trọng ơn nghiã. Uống nước nhớ nguồn. Ơn ai một chút chẳng quên. Tướng Nguyễn Huy Hiệu là người như thế. Khi gặp má Sáu Ngẫu cung cấp tình hình địch ở Lái Thiêu và chỉ đường bằng tấm bản đồ chi tiết, tướng Hiệu đã hứa sẽ có dịp trở lại. Sau chiến thắng 30 tháng 4, đúng ngày 1 tháng Năm, ông đã trở lại thăm bà má và hai em Phước, Đức. “Tôi đã nhiều lần về thăm má khi má còn sống và góp phần xây mộ má khi má qua đời. Sau này nhạc sĩ Văn Thành Nho có sáng tác bài hát “Tấm bản đồ má trao” dựa trên câu chuyện có thật về má Sáu Ngẫu”. (Sách đã dẫn, trang 462).
Đối với mảnh đất Quảng Trị một thời máu lửa, tướng Hiệu càng không bao giờ quên. Tác giả Lê Thị Thanh Bình kể :
“ Năm nào ít nhất cũng tới 2 lần Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu trở về Quảng Trị. Cốp xe chỉ dành để chất đầy hương, hoa, vàng mã. Bánh xe lăn về quá khứ, ngược về kí ức oai hùng, đau thương và bi tráng. Trong các khu nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9, Hải Lăng, Thành Cổ, đồng đội của ông đã ngã xuống, linh hồn yên nghỉ mãi mãi nơi này. Nếu thắp lên nén hương thơm kia, đốt được một ít vàng mã cho linh hồn người đã khuất mà đồng đội của ông ấm lòng hơn dưới đất lạnh kia thì ông muốn làm nhiều hơn thế nữa. Chiến tranh đã đi qua hơn 30 năm, chiến trường ác liệt năm xưa giờ đã trở thành tượng đài thiêng liêng ghi dấu những chứng tích hào hùng và oanh liệt của cuộc tử chiến giành độc lập cho dân tộc. Lần nào trở lại đây ông cũng khóc”. (Sách đã dẫn, trang 568).
Vâng, đó là những giọt nước mắt nặng tình, nặng nghĩa của một vị tướng với mảnh đất mà bao nhiêu cán bộ chiến sĩ của ông, bao nhiều đồng bào của ông đã ngã xuống cho nền độc lập tự do của Tổ Quốc.
Tướng Nguyễn Huy Hiệu đã tri ân Quảng Trị bằng việc tổ chức Hội thảo Du lịch Quảng Trị “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”. Đồng thời kêu gọi đóng góp xây dựng khu tưởng niệm các đồng đội đã ngã xuống trên đất Quảng Trị anh hùng. Trong đó có những tấm bia đã khắc tên tuổi các chiến sĩ hi sinh, được các thợ đá lành nghề của Ninh Bình thực hiện rất tinh xảo.
Ân tình với đồng đội , đồng bào Quảng Trị đã trải qua một thời đạn bom, máu lửa còn được vị tướng thể hiện trong việc tìm về cây đã xưa nơi chiến sĩ Cao Xuân Thiêm đã anh dũng hi sinh. Ông đã trồng vào chỗ cây đa xưa một cây đa búp đỏ, đã góp tiền xây lại giếng cổ gần cây đa, cái giếng từng góp nước tắm rửa thi hài các chiến sĩ hi sinh trước khi được chôn cất. Và hành động của ông đã làm anh Nguyễn Văn Tuấn cảm động, ủng hộ 100 triệu đồng để khôi phục lại ngôi đình cổ xã Gio An.
Một việc làm mang dấu ấn văn hóa tâm linh của tướng Hiệu là ông đã nhận quà tặng 3 cây bồ đề từ đất Phật Ấn Độ, đem về ươm vào chậu rồi trồng ở 3 nơi là nghĩa trang Liệt sĩ quê nhà xã Hải Lăng, huyện Hải Hậu, Nam Định, khuôn viên Bảo tàng Quân đoàn 1 (Tam Điệp, Ninh Bình) nơi ông trưởng thành từ người chiến sĩ; và một cây ở Nghĩa trang Quốc gia Đường 9. Rất sâu sắc và cảm động là lời của Thượng Tọa Thích Quảng Tùng, Ủy viên Kiểm soát, Hội đồng trị sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Phó Ban thường trực Thành Hội Phật Giáo Hải Phòng :
“Thật là tuyệt vời, cây Bồ đề đất Phật trồng ở nơi hàng vạn anh linh Anh hùng liệt sĩ yên nghỉ thì còn gì bằng. Sự hữu duyên ở chỗ, cây đất Phật trồng nơi những người con trung hiếu không tiếc máu đào , sẵn sàng đấu tranh với cái xấu, cái ác, anh dũng hi sinh vì sự sống của chúng sinh, sự trường tồn của dân tộc. Đây là sự gặp nhau giữa cái tâm của người trồng và sự từ bi hỉ xả của nhà Phật” (Sách đã dẫn, trang 538).
Tinh thần văn hóa của người công dân nước Việt nghìn năm Văn hiến còn thể hiện trên trường quốc tế. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể:
“Tôi đã đi hơn 60 nước trên thế giới. Đến đâu tôi cũng kêu gọi các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức nhân đạo giúp đỡ Việt Nam giải quyết những vấn đề tồn đọng sau chiến tranh. […] Đến nước nào, ở đâu, tôi cũng muốn bày tỏ nỗi khát khao, nguyện vọng thiết tha của nhân dân Việt Nam với nhân dân trên thế giới là : Phải tìm mọi cách ngăn chặn chiến tranh. Hãy cùng nhau bảo vệ hành tinh của chúng ta mãi mãi là hành tinh hòa bình, hữu nghị, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng phát triển…” (Sách đã dẫn, trang 534-535).
Thật tự hào về một vị tướng giỏi trong chiến tranh, cũng là vị tướng văn hóa trong cả chiến tranh và hòa bình.
Không có gì lạ khi Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu được nhiều nhà văn, nhà báo viết sách về cuộc đời oanh liệt, phong phú của ông.
Bài viết nhỏ này, tôi muốn nhìn nhận và tôn vinh ông ở khía cạnh một Vị Tướng Văn Hóa!
Hà Nội, tháng 12 năm 2021
Người gửi / điện thoại