bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 68
Trong ngày: 405
Trong tuần: 1187
Lượt truy cập: 773864

VIẾT BÊN Ô CỬA

Viết bên ô cửa
(Đọc thi tập Bóng của hoa của nhà thơ Đặng Minh Kính,
Nxb Hội Nhà văn, 2024)

LÊ ANH PHONG

anh_anh_phong

Cách đây 13 năm, lần đầu được nghe nhà thơ Đặng
Minh Kính đọc thơ tại Hàng Buồm lộng gió: “Người
Hà Nội/ Nhưng không rành tìm lối/... Tìm đường/ Lạc chốn văn
nhân/ Nghe thơ đọc/ Biết đã gần Hồ Gươm”. Lúc ấy, tôi có cảm
giác mình đang gần một Người Thơ. Nay, Hồ Gươm đã
dành cho đọc chậm cuối tuần. Và tôi đã đọc thi tập “Bóng
của hoa” của tác giả vừa tròn 80 xuân.
“Cho tôi hóa một lần cơn gió/ Mùa thu chải tóc cho cây/ Mùa
lơ đễnh/ Mùa nhẹ dạ/ Để tình yêu vuột mất trên tay/ Chỉ một lần
thôi/ Ngọn gió heo may/ Thoắt đến/ Thoắt đi/ Ai nào giữ được/
Ngọn gió khô mà rất nhiều nước mắt/ Trong chiếc khăn ẩm ướt
mùa thu”. Như tình yêu, mùa thu thật đẹp, nhưng cũng là
mùa của giông bão. Thao thức hóa thân trong “cơn gió mùa
thu”, chợt đến, chợt đi, heo may vẫn chập chờn ký ức. Bài
thơ trên chị viết năm 71 tuổi. Sức sống thơ Đặng Minh Kính
là ở mạch ngầm của nghiệm sinh, của trữ tình nội tâm sâu
lắng, nhưng hình thức biểu đạt lại trẻ trung, giữ được chất
thơ của đời sống. Trên đường đời và đường thơ, chị vẫn
mang theo chiếc khăn của hương mùa, của nỗi niềm thấm
thía. Vì nó là ẩn ức, là cuộc đời chị. Và có lúc, dù “chim


đậu cành cong”, nhưng chiếc khăn mỏng manh ấy lại vẫy
vào khoảng trời chập chờn của khoảnh khắc bay lên: “Có
lần cũng sợ/ Có lần cũng run/ Hôm dưới chân tượng đài Thánh
Gióng/ Trong tay mình ta ngỡ sắp bay lên”. Với mạch chữ này,
thơ Đặng Minh Kính đôi khi lâm vào tình thế dùng dằng của
tơ lòng mắc mớ...
Dư chấn trong tình yêu, nhưng thơ không làm cho người
đọc thất vọng, kể cả giây phút rơi vào trống vắng trong đắng
đót của tự do: “Ly hôn xong/ Cầm tự do trên tay/ Chẳng biết để
làm gì”. Trong chạng vạng, tôi đọc bức tranh “Đốm sáng” từ
“một bông hoa trắng/... Sâu thăm thẳm mà trời đêm sắp tối/... Ở
chốn mênh mang. Khuất bên đời”. Có những câu thơ như được
viết giữa đường biên của tiếng chuông nhà thờ và âm vang
tiếng gọi của đời thường. Giữa hai bờ ký tự, con thuyền thơ
bên phía lở của dòng sông dâu bể, ra khơi hay neo lại bến
bờ: “Ta sửa mình mươi lần/ Để có thể bên nhau/ Mà không dám/
Lễ nghi thần thánh/ Hai đám mây cách xa/... Chẳng thể nào sấm
sét/ Chúng ta - hai tòa nhà/ Vời vợi hướng về nhau/ Tuyệt vọng
mang hình ô cửa”. Với chị, tình yêu là thiêng liêng. Trong
“tuyệt vọng” vẫn “mang hình ô cửa”. Cô đơn mà cao cả “như
bức tranh thánh” treo ở ngôi nhà, nơi ô cửa không bao giờ
đóng lại. Và ở đó có cả “Câu thơ còn đang viết dở/ Em sẽ mang
theo cùng hơi thở/ Dù trăm ngàn cũng hóa tàn tro/ Hãy mở tay
ra/ Em xin lại câu thề/ Lời dại khờ khi ta còn yêu mến/ Thế, được
rồi anh ra đi mãn nguyện/ Đừng ngoái nhìn lửa cháy phía sau
lưng”. Trong đêm khuya, khi đọc đến chữ cuối cùng của bài
thơ này, tôi mở ô cửa nhỏ bên bàn viết, gió bỗng tràn vào,
giấy trắng bay... bay...
Trong thực tế đời sống văn chương, những bài thơ còn
lại với thời gian hiếm khi ra đời từ sự hớn hở, từ no đủ
mãn nguyện. Nỗi cô đơn và nỗi buồn như một cặp đôi. Đó


cũng là một trong những lý do cơ bản của thơ: “Ta đứng
đó/ Cánh chim cô lẻ/ Mổ vu vơ cọng cỏ/ Bên bờ sông trong Kinh
Thánh xưa”, “Có một lần quên bóng ở nhà anh/ Từ đó em sống
đời như một nửa/... Bóng chờ em hay em nhớ anh”. Vu vơ trong
hao khuyết, lẻ bóng trong mảnh vỡ, nhưng thơ Đặng Minh
Kính không âm u trong khổ đau. Vẫn ánh lên một diễn
ngôn ý nhị, tinh tế, giàu suy tư liên tưởng. Vượt qua nỗi
buồn bằng cái đẹp, đó là bức tranh của giọng nói. Vượt qua
ngữ pháp của tục lụy, đó là mặc khải của tình tự, sự sống
mở lời.
“Ý kị thô, mạch kị lộ”, nhiều bài thơ của chị không dành
cho cách đọc đơn giản, sơ lược. Giữa hiện thực được phản
ánh và điều muốn nói có một khoảng cách dành cho người
đọc. Chiếc “Áo kẻ ô” chập chờn như mê lộ, thôi miên người
cầm bút vào “cuộc cờ” nào đó, một cuộc cờ nhiều dự cảm,
không biết bao giờ mới kết thúc, mà chúng ta là những
quân cờ di động: “Người mặc áo kẻ ô/ Đẩy ta vào cuộc cờ/
Không biết là nên lui hay tiến/ Chiếc áo kẻ ô/ Đường ngang ngực
là đường vào tim/ Trên cùng là mái tóc tơ vò/ Ta nhìn rõ/ Đôi
môi hé không lời/ Cái ngập ngừng kẻ khôn/ Còn ta là kẻ dại/ Kẻ
dại viết ra giấy/ Những dòng chẳng vào đâu/ Phải lòng câu thơ
rắc rối/ Như chiếc áo kẻ ô/ Như cuộc cờ không kết”. Thơ viết mở,
nhiều tầng liên tưởng, sâu sắc trong ẩn dụ, mở ra nhiều ngả
đường cho tiếp nhận.
Trong thơ Đặng Minh Kính, tình yêu không xa rời thế sự
và thời cuộc. Với thơ nữ, đây là phẩm chất đáng quý. Thơ
là câu chuyện của tình thế tồn tại người, của sự đối diện với
chính mình. Trên hành trình thi ca, để đi tới mình không
thể lẫn vào đám đông. Điều đó không có nghĩa cá nhân
tách khỏi cộng đồng, dửng dưng với buồn vui nhân thế.
Ký ức và hiện hữu, vô thường và cộng cảm, chữ nghĩa của


thơ chị không ít lần thảng thốt trong khắc khoải hiện sinh:
“Những người xưa đâu nhỉ/ Hoa chuối lơ mơ cuối vườn/ Giật
mình tắc kè đớp bóng/ Với tay chạm một làn hương”. Giật mình
trong cơn mê khi bóng ta thành cánh bướm, khi “Thời gian
trốn sau mây/... Quả giật mình, quả rụng”. “Thoáng chốc” là
bài thơ của bản ngã và tha nhân, của tôi đi tìm tôi “giữa bảy
tỉ người”, giữa thời gian mây trắng. Giữa mơ hồ bất trắc,
khát vọng sống và bản lĩnh giúp nhà thơ đứng lên “khật
khưỡng tập đi trong hình mới”, trở lại đúng nghĩa con người,
dẫu mãi “mãi chỉ là cỏ hoa”. “Cắt chữ” là câu chuyện của thi
ca nơi đất gió. Đâu phải là vàng mã trang kim, nhưng thơ
cũng thật mong manh mơ hồ. Thơ đứng ở đâu giữa cuộc
đời này, giữa những tình thế của tâm trạng: “Nghe đồn cắt
chữ mà say/ Xoa tay trên giấy cũng đầy túi thơ/... Ngồi buồn cắt
chữ một mình/ Chữ yêu thì có, chữ tình thì không/ Chữ đầu núi,
chữ cuối sông/ Chữ thương mà vẫn cõi lòng dửng dưng/... Bất
ngờ một trận gió lên/ Bài thơ vừa mới như tiền giấy bay”. Có
thể nói, “Nhà hình ống” là bài thơ điển hình cho “tình thế
con người và tình thế của thơ”, khiến bạn đọc nhớ tới câu
thành ngữ “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”: “Ở nhà hình ống/
Người mỏng như giấy/ Hơi thở cũng gầy/ Đi phải đi nghiêng/...
Có những câu thơ/ Chỉ làm một nửa/ Một nửa ngập ngừng/
Lặng yên nhà ống/ Khe khẽ ngân nga...”. “Người điên hát” ám
ảnh người đọc bởi sự thật nghiệt ngã, trớ trêu, “khúc quân
hành” lại vang vang nơi “chợ đông”, của người cựu binh với
“túi bọc... gói lắm điều tạm bợ”.
Có lẽ, lý do chính mang đến cho thơ Đặng Minh Kính
cái nhìn sâu vào hiện thực, tự nhiên mà đằm thắm, trầm
tĩnh và suy tư, là bởi sự kết hợp hài hòa cảm xúc và trí
tuệ. Chữ nghĩa như neo lại giữa phôi pha, đánh thức người
đọc. Ta hãy cùng nhà thơ đến với “Vườn mộ tháp”: “Mộ


những nhà sư/ Giấu tuổi tên/ Sống tự quên mình/ Thác chẳng
còn mong/ Cỏ lụi vàng trước nắng/ Những viên gạch già/ Lại một
lần nung/ Mấy trăm năm/ Hỏi quê quán/ Hỏi duyên do/ Những
người quanh ta/ Ta còn chẳng biết/ Vườn mộ tháp/ Nghiêng chiều
nắng rọi/ Thức vạt rêu”. Bài thơ của đạo và đời, của lặng lẽ
vô danh nơi đức tin giữa vô tình vô cảm. Thi ca hay là niệm
giác của ưu tư. Ở đây, cái đáng quý của thơ là sự nhạy
cảm, là khả năng nhìn thấy và nói lên được điều sâu sắc
từ thực tế đời sống đâu đây: “Những người quanh ta/ Ta còn
chẳng biết”. Chả lẽ, chỉ có nắng quái chiều hôm mới hiểu
được “Những viên gạch già/ Lại một lần nung”... Thế thì làm
sao ta hiểu được nơi thần thức bay lên từ “Vườn mộ tháp”.
Sống nhạt, sống vô tình, không thể có được những cảm
niệm ấy trong thơ. Và phía mênh mang kia là “Đám cưới
những dòng sông”. Cảm quan sông nước, ẩn ức của mạch
ngầm trào lên khát vọng, dòng sông hay dòng đời, hay
thân phận “người con gái” “cuốn qua bờ bãi/ như thủy thần
đổ xuống biển Đông”.
Thơ Đặng Minh Kính hiện lên nhiều không gian và thời
gian thương nhớ. “Gặp lại dòng sông” là bài thơ của ký ức
“tìm mẹ”. Ta gặp con sông của đạo hiếu, gặp bóng mẹ của
một thời “chở thuốc đi độ thế”. Phải chăng vì vậy, con sông ấy
trong xanh mãi trong tâm tưởng tác giả: “Dòng sông nay đã
già/ Dòng sông xưa mãi trẻ/ Xanh như tóc mẹ/ Ngày xa”.
Cũng có trường hợp, câu vượt lên bài. Chữ chưa mới,
nhưng lại tạo ra những suy tưởng không cũ. Có gì vui hơn,
khi đọc thơ là hạnh ngộ. Ta được gặp một nhà thơ nữ vừa
truyền thống, vừa hiện đại. Tình yêu và thế sự. Cảm xúc và
trí tuệ. Ẩn ức, dự cảm và khát vọng. Thơ Đặng Minh Kính
đa thanh: Trữ tình và ý niệm, độc thoại và đối thoại, tình tự
của nỗi niềm. Viết mở là biểu đạt chính. Thơ ra đời từ vẻ đẹp


của nỗi buồn, từ sự thao thức, từ đời sống nội tâm sâu sắc và
đằm thắm... Đó là lý do của thơ.
Trong thanh vắng đêm khuya, dưới vầng trăng cô đơn,
ánh sáng đủ cho nhiều ô cửa. Ở nơi ấy có câu thơ chị dành
cho con gái:
Tim ta như cánh đồng hoang
Mở ra cơn gió nồng nàn đón mưa.

                  THÁNG 5/2024

anh_cua_trung_nguyen_11

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)