Lê Anh Phong
VỚI MỘT MIỀN THƠ
( Đọc Phần Thơ “ Tác phẩm Tuyển chọn, Tập 3 - Hội Nhà văn Hà Nội -
Chi hội Hà Đông, Sơn Tây, Nxb Hội Nhà văn - 2020 )
Kính thưa các nhà thơ, nhà văn!
Kính thưa các bác, các anh, các chị và các bạn!
Được BCH Chi hội tin cậy giao cho công việc biên tập, từ thực tế những gì đã đọc, với tinh thần khoa học, thẳng thắn và xây dựng, tôi xin phép được có đôi lời suy nghĩ và cảm nhận về Phần Thơ trong “Tác phẩm Tuyển chọn” của chúng ta. Tuy chỉ là góc nhìn cá nhân, nhưng mong rằng có thể mang đến cho các bạn thơ một sự tham khảo nào đó.
Mục đích chính của biên tập là phát hiện cái hay cái đẹp, đồng thời cũng hiệu đính một số nhầm lẫn. Một vài bài cần sửa đều có trao đổi với tác giả, không áp đặt, tuỳ thuộc vào sự lựa chọn của người viết. Nhưng, cũng có những điều nằm ngoài khả năng và ý chí của Ban Biên tập.
Có thể nói, gương mặt và chân dung nhà thơ hiện lên qua chính tác phẩm của mình. Đó là căn cước, là tấm thẻ đích thực của mỗi người cầm bút, của mỗi nhà thơ chúng ta. Nói như nhà thơ Pháp gốc Do thái Etmong Giabex: Chữ bầu lên nhà thơ!
Tác giả gửi nhiều nhất 19 bài. Có một số ít nhà thơ chỉ gửi 3 hoặc 4 tác phẩm. Từ 213 bài thơ, Ban Biên tập chọn ra được 170 bài của 36 tác giả. Để xứng với tên gọi “Tác phẩm Tuyển chọn”, việc lựa chọn này chỉ mang tính tương đối. Thật cảm động và trân trọng, một số nhà thơ đã gửi bài khi đang còn trong bệnh viện.
Kính thưa các nhà thơ, nhà văn!
Kính thưa các bác, các anh, các chi và các bạn !
Cho phép tôi được đi sâu hơn vào câu chuyện của Thơ trong tập sách mới xuất bản của chúng ta. “Tác phẩm Tuyển chọn” là sự hội tụ các tác giả ở nhiều độ tuổi, với những trải nghiệm khác nhau. Có thế hệ nhà thơ chống Pháp, chống Mỹ, nhưng cũng có thế hệ nhà thơ hậu chiến, nhà thơ của hai thập kỷ đầu thế kỷ XXl. Có bài thơ bằng tuổi đời của tôi. Bài “Tìm dấu danh nhân” được tác giả Trần Hồng Tiến, 91 tuổi, viết ngày 19/5/1959, khi ấy nhà thơ mới tròn 30 tuổi. Nhưng, cũng có nhiều bài thơ ra đời trong đại dịch covid và được gửi đến Ban Biên tập.
Khoảng cách nhiều thế hệ dẫn tới sự đa dạng về quan niệm. Đó còn là sự khác nhau về hệ hình trong tư duy thơ. Bên cạnh những câu chuyện lớn: chiến tranh vệ quốc, lịch sử, truyền thống..., cùng sự hoài niệm, ngợi ca... là những bài thơ từ câu chuyện đời thường, từ lo âu trăn trở, buồn vui khuất lấp của thân phận con người. Bên cạnh hướng ngoại, nhiều bài thơ đã trở về hướng nội và nhà thơ đối diện với chính mình. Những khoảnh khắc bất chợt hiện lên từ đời sống: Lời ru, tiếng chuông chùa, tiếng rao đêm, giọt mưa, lá rụng... với biết bao nỗi niềm của cảm xúc, của chiêm nghiệm và suy tư. Quá khứ và hiện tại, cái tôi và cái ta, thật và giả, ánh sáng và bóng tối, đời sống tâm linh và đời sống thế tục... Quê hương, thiên nhiên, đất nước, con người, tình yêu, tình bằng hữu, tình đồng đội, tình cảm gia đình... Đó là cách nhìn đa chiều, dân chủ và nhân bản. Đó còn là sự nhạy cảm của tâm hồn nhà thơ trước cuộc đời.
Ở đây cần nhấn mạnh, nội dung phản ánh thật phong phú, nhưng để trở thành bài thơ hay lại là câu chuyện khác.
Cũng có y kiến cho rằng, không có thơ cũ hay thơ mới, chỉ có thơ hay và chưa hay. Nhưng cũng xin được trao đổi thêm, thơ hay của một thời có thể có nhiều bài, nhưng thơ hay của muôn thời thật hiếm. Đó là Thi Thánh. Trở lại đời thường của Thơ, rõ ràng mỗi thời đại có câu chuyện và vẻ đẹp của riêng mình. Mỹ cảm và biểu đạt của mỗi thời cũng khác nhau. Thơ không nằm ngoài tiến trình hiện đại hoá. Tuy nhiên, lựa chọn lối đi nào là tuỳ thuộc vào cái căn tính, kiến văn và cái tạng của người cầm bút. Phải chăng vừa truyền thống vừa hiện đại là con đường của thơ hôm nay nên hướng tới ?!
Có thể nói, đa dạng là đặc điểm nổi bật. Đa dạng về thể loại: Đường luật, lục bát, thơ tự do, thơ văn xuôi, ... Đa dạng trong phong cách, trong biểu đạt và lối nói. Cái hay, cái Đẹp trong thơ cũng thật đa dạng. Có cái hay của tứ, có cái Đẹp của ngôn từ. Có cái hay ở sự sâu sắc của tư tưởng, có cái Đẹp trong lối nói. Có cái hay ở toàn bài, có cái Đẹp ở riêng câu. Người thì phảng phất nét cổ xưa trong văn phong, người thì tươi mới trong lối viết. Người thì mộc mạc, người thì thêu hoa dệt lụa. Bên cạnh tả thực có siêu thực và tượng trưng... Bên cạnh vẻ dịu dàng đầy nữ tính là khí chất nam tính trong thơ. Đây là câu thơ đa đoan, kia là câu thơ nhu mì lặng lẽ. Đây nghiệm sinh suy tư, kia giãi bày tâm trạng. Đây là cách hành văn nghiêm ngắn, kia là chất uy-mua, khôi hài, hóm hỉnh trong lối viết. Song hành với truyền thống, tuy không nhiều nhưng cũng có xu hướng đổi mới theo dòng cách tân của thi ca đương đại... Điều đó mang đến vẻ đẹp muôn màu của “thời gian và trang viết”.
Đã trở thành mây trắng, nhưng “Bãi Tự nhiên nhìn từ sông Hồng” của cố nhà thơ Đặng Hiển vẫn còn mãi với người đọc: “Bãi vẫn mịn làn da cát trắng / Màn vẫn buông sương nắng như mơ / Ngàn năm bồi lở đôi bờ / Vẫn nguyên tân chiếc giường thơ bên trời”. Có thể nói, đây là một trong số những thi phẩm hay nhất của cố nhà thơ Đặng Hiển. “Ẩn trong Cái Đẹp bao la nỗi đời” vẫn là hằng số trong thơ Nguyễn Thi Mai. Và có lẽ thành tựu lớn nhất, với lục bát, chi đã làm nên một phong cách giọng điệu của riêng mình trong thi ca Việt hiện đại. Chỉ với “Chợ đêm Long Biên” cũng đã đủ minh chứng cho điều đó. Ta gặp nhà thơ Trần Thị Nương tinh tế và đằm thắm trong “Hồn phố”, ánh lên vẻ đẹp của tâm cảm trong văn hiến Hà Nội: “Bồi hồi dạo giữa giấc mơ / Kiếm thần vung loáng nước bờ thời gian / Hút vào dòng chảy lo toan / Nụ cười vẫn ngọc. Phố Tràng vẫn Thi / Thẳm sâu Văn Miếu nói gì / Nghìn năm ngoảnh lại nhiều khi ngỡ ngàng”. Thơ Đào Ngọc Chung có lúc như sóng vỗ, nhưng cũng có khoảnh khắc lắng lại giữa đời thường. Bên cạnh tiết tấu nhịp thơ phảng phất như lời hịch, hùng văn tráng khí, là sự dịu dàng của lục bát: “Dễ gì được bước liêu xiêu / Chìm trong đất Phật, thơ yêu trải lòng”. Cảm hứng lịch sử, cảm hứng văn hoá khơi gợi lòng người niềm tin yêu đi tới. Nhưng, cũng có những câu thơ từ “Ly rượu đêm” được biểu đạt bằng cảm thức hiện đại. Mới trong lối nói mà thấm thía trong trải nghiệm: “Cứ rót rượu đêm vào ly Đời / Em chẳng bao giờ rót rượu xuân cho em cả / Nên chiếc ly nào cũng dễ vỡ, nghe em” (Chu Thị Linh Quang). Còn đây là vẻ đẹp từ cảm thức thời gian, từ sự nhạy cảm của tâm hồn trong thơ Trương Trung Phát: “Trống Văn Miếu rung hay lồng ngực ta rung / Của hôm qua, của hôm nay hay của ngày mai vậy”. Cũng là đề tài chiến tranh, nhưng tác giả Nguyễn Khoái có cách nhìn mới rất nhân bản: “Trong tầm ngắm của mấy o du kích / Tốp lính Mỹ đang đùa vui, đang xem ảnh gia đình / Nòng súng lạnh xê đi xích lại / Bóp cò ư? Không nỡ, thôi, đừng...”. Có thể nói, chiêm nghiệm là tính trội trong thơ Nguyễn Đắc Lập: “Bình lặng qua bão qua giông / Mặt hồ phẳng lặng như không có gì”. Đọc Doãn Thị Ngọc Bạch, ta như thấy những vần thơ bay lên từ giấc mơ “Lũng Cú”, từ hương rượu ngô: “Trăng nghiêng hũ, hương trời dâng suối ngọc / Nóc sơn hà ngạo nghễ ngọn cờ thiêng”. Khác với các tập sách trước, trong tập 3 Tuyển chọn này, nhà thơ Nguyễn Khắc Kình giới thiệu với bạn đọc chùm thơ ngắn. Rất hiện thực nhưng nhiều nghĩ ngợi, cảnh giới và mang màu minh triết từ thực trạng đời sống hôm nay: “Hố đen trong vũ trụ là chưa đúng! / Hố đen nằm ngoài vũ trụ cũng không phải / Hố đen ở ngay trong mỗi con người!”. Còn đây là khoảnh khắc của đời thường đằm lắng, đầy nữ tính được so sánh qua thi ảnh lạ của nhà thơ Hạnh Mai: “Mình như con gió / Lang thang bên trời / Ta thành giọt nước / Theo mình bay hơi”. Có bài thơ mong manh khi “Tiếng gõ cửa xa dần trong nỗi nhớ”: “Mặn nồng ấm được là bao / Mình như quả chín rụng vào hư vô” (Cù Thuỳ Loan). Văn nghệ và cuộc đời đã làm nên những vần thơ nhiều nghĩ ngợi của tác giả Xuân Lai khi “ Xem kịch Lưu Quang Vũ “: “Sao có thể / Một câu thơ dang dở / Ở ngoài kia không có màn nhung đỏ / Biết lấy gì khép mở những buồn vui”. Cái riêng và cái chung cùng sự trăn trở, hoài niệm và tấm lòng hiếu nghĩa đã làm nên chùm thơ lục bát viết về mẹ của nhà thơ Nguyễn Đức Bình: “Trắng đầu tay trắng dở dang / Đường trơn tiễn mẹ ngổn ngang kiếp người”. Cũng viết về đại dịch Covid, ngay giữa điểm nóng nhưng nhà thơ Phạm Minh Tân lại nghe thấy “Tiếng chim hót ở nơi tâm dịch”: “ Chợt sớm nay ríu rít một khoảng trời / Lũ chim nhỏ gọi nhau về làm tổ / Cây ngọc lan đầu ngõ bỗng đưa hương”. Sự sống vẫn tiếp diễn. Một khoảng trời cần có với tâm hồn mỗi người trong những ngày giãn cách. Vẫn bám sát tính thời sự của cuộc sống, nhưng thơ có cách phản ánh của riêng mình. Và phải chăng với sự lựa chọn điểm nhìn ấy, biểu đạt ấy, tác giả đã tránh được chất “thông tấn” đưa tin của báo chí. Thơ không lẫn vào báo. Dẫu không thể kể hết, nhưng tôi tin rằng nhiều câu thơ sẽ để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc:
“Niềm vui giục bước lên đường
Bàn chân dẫm nát nỗi buồn cỏ khô”
( Nguyễn Khải Hưng )
“Cố đô rượu đã thay bình
Chênh chao ta rót “cung đình” vào thơ”
( Nguyễn Mạnh Thắng )
“Ai đã đi rất xa ngoài con phố, ai đã khôn rất xa ngoài rêu cổ
Ta bây giờ chợt trở về bé nhỏ thẫn thờ”
( Hà Linh )
“Ngã ba sông
Trăng lạnh quá cơi trầu thành quen lạ
Em hoá cầu
Sông nước vẫn chia ba”
( Lê Ngọc Bảo )
“Chiều nghiêng phố đã lên đèn
Bâng khuâng Thành Cổ bóng em đổ dài”
( Nguyễn Thiết Kế )
...
Bên cạnh đặc điểm đa dạng là phẩm tính Xứ Đoài trong thơ. Chỉ có “Tiếng gầu va giếng nhắc Đoài xưa” trong thơ Nguyễn Trung Sơn cũng làm vang vọng nỗi niềm ký ức từ một miền văn hoá. Bản sắc Xứ Đoài, tình yêu quê hương như mạch nguồn trong thơ. Nó hiện lên qua địa danh, qua ngôn từ và cả trong giọng điệu. Sự trong trẻo của “Giếng cổ làng Vạn Phúc” và “ Giọng Mía ngọt ngào” đã hoá những vần thơ. Thi ca trở thành nơi lưu giữ hồn cốt của miền “mây trắng”. Và góp phần tăng thêm sự đa dạng trong văn chương, văn hoá của Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Dưới bóng mát của thi ca, thơ dễ nghiêng vào nhâm nhi , thù tạc. Nhưng ngoài kia, trong chói chang của “ mặt đường khát vọng”, bao bạn đọc hôm nay đang đón đợi những vần thơ của một không gian khác, một cảm thức khác, từ “Sự mất ngủ của lửa”: “Như đá vỡ, như vật vờ lau chết / Thơ âm âm, thơ thon thót giật mình / Kinh hãi chảy điên cuồng như lửa liếm / Ngửa mặt cười trong tiếng khóc mộng du... / Đêm vĩ đại chôn vùi trong quán nhỏ / Rừng mang mang gọi từng khúc thu vàng / Rượu câm lặng chở những linh hồn rắn / Có một kẻ say hát lên bằng nọc độc trong mình” (Trong quán rượu rắn - Nguyễn Quang Thiều). Đó còn là câu hỏi trước ban mai của tác giả, hay của chính chúng ta: “Ta sẽ bắt đầu điều gì khi bình minh thức dậy / Đi về phía biển khơi hay trở lại rừng” ( Những ngôi sao - Nguyễn Quang Thiều ).
Ở một phương diện nào đó, nhà thơ không thể đứng ngoài thời cuộc. Khi “Văn chương ưa thế sự” thì “Thế sự quý văn chương”. Tuy vậy, khi viết về chuyện đời cũng đừng vô tình để “Con người xã hội” đẩy “Con người thơ” ra khỏi chữ nghĩa. Trong thi ca, chữ nghĩa ưa làm bạn với suy tưởng. Nhưng nó không hề ảo tưởng, dễ dãi. Và càng dị ứng với véo von, nhợt nhạt.
Không chỉ là giãi bày, thơ còn là dự cảm dự báo, là thao thức giữa vùng sáng tối: “Trước cơn giông / hoa quỳnh sao nở sớm / Giữa tối giời / trong trắng lo âu” ( Lê Anh Phong ). Là sự bừng tỉnh của ánh sáng nhân bản khi trong bóng đêm còn ngổn ngang mảnh vỡ: “Như bao đêm / Ta ước lượng thời gian / Bằng khoảng sáng lòng mình” ( Quốc Toản ).
Phải chăng, có những lúc trong cuộc sống phồn tạp dễ bị tổn thương, thơ trở thành địa chỉ tị nạn của tâm hồn. Ngược lại, trong khoảnh khắc của thơ tình, con chữ thăng hoa. Nhưng, cũng cần tránh sa vào bản năng của chủ nghĩa tự nhiên, nhất là khi mê đắm trong ngôn tình.
Đâu đây vẫn còn đơn điệu, lan man trong biểu đạt, nhạt nhoà trong tư tưởng, sơ lược, chưa thấu đáo trong thơ. Đôi lúc cái hay bên cạnh cái chưa hay. Cái hay ở riêng câu nhiều hơn cái hay của bài. Thấp thoáng trong lục bát vẫn còn lặp vần, quẩn vần. Cá biệt, có trường hợp thấy gì viết nấy, kể lể, thơ không có tứ.
Cần mở rộng biên độ của sáng tạo. Cần chú ý cái kết trong thơ. Và thơ cần viết mở...
Thời gian làm nên trang viết. Nhưng, đôi khi tuổi tác cũng đè nặng lên ngòi bút. Tuy mới 63 tuổi đời, nhưng đôi lúc ngồi vào bàn viết, tôi giật mình khi nhớ tới câu nói của cố nhà văn Nguyễn Tuân “Trang giấy là pháp trường trắng”...
Cho phép tôi kết lại bài viết hơi dông dài của mình, bằng cách đọc trọn vẹn một bài thơ của tác giả Phan Văn Ấu. Cũng qua thơ mà tôi được biết anh và tìm đến thăm anh ở một miền quê Xứ Đoài. Bài thơ có tên “Phép tính của mẹ” :
Bán dăm con gà
vài ba con vịt
Mua nắng bán mưa
làm sao đủ cho cháu con đến lớp
Bóng ngày thường nhăn nheo trên tay mẹ
Lồng lộng gió trời những cánh đồng xa
Phép tính này không ai dạy mẹ
phép tính nhân lên
ngón tay mẹ nhân lên
nhân lên những nỗi niềm mưa nắng
Mấy cựu binh nhìn nhau nghe mẹ nhẩm
Mẹ lại nhẩm đời mình trên lưỡi cuốc
tay còn run tỏa hương đất thiêng liêng
Đó là những vần thơ chân thực mà thấm thía, vừa xúc động vừa suy tưởng, được viết ra từ một lão nông đích thực, từ dòng sông và hương đồng trước ngõ ... Thi ca thường sinh ra trong lặng lẽ.
Chia tay anh, trên đường trở về Ngã Tư Sở, trở về nơi hay tắc đường, tôi mang theo cả một miền mây trắng.
Và từ phía miền thơ ấy, âm vang “Mạch nước xứ Đoài / Lọc qua lớp đá ong thềm Đất Cổ” vẫn lặng thầm chảy tới ban mai...
Cảm ơn các bác, các anh, các chi và các bạn đã lắng nghe !
Trước thềm Xuân Tân Sửu 2021
L.A.P