bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 22
Trong ngày: 8
Trong tuần: 1432
Lượt truy cập: 774696

XE ĐẠP! XE ĐẠP ƠI!

XE ĐẠP! XE ĐẠP ƠI!

                          Tản văn của Vũ Nho

vu_nho_iu

Xe đạp  những năm đầu thế kỉ 21 chỉ còn ít ở thành phố. Đó là xe của các bà  đã già già đi chợ, một số của các cụ ông  chơi thể thao duy trì sức khỏe và đa số  các em học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở đi đến trường trong khoảng cách gần. Thế nhưng cách dây chưa lâu, nó là phương tiện giao thông chủ yếu  của người Việt. Hà Nội trước năm 1975 được coi là thành phố của xe đạp. Bấy giờ,  người sở hữu một chiếc xe nhãn hiệu “Favorit” (Favourite),  hay “Đia măng” (Diamond) coi như  là dân chơi, dân sành điệu. Còn Thống Nhất hay Phượng Hoàng thì xoàng thôi!

Tôi được biết đến xe đạp khi là học sinh cấp III trường huyện. Hồi ấy, ngay cả các thầy giáo cấp 3 của chúng tôi, không phải thầy nào cũng có xe đạp. Lớp tôi có Thế Năng, nhà ở Đồi Khoai, với bạn Hà, bạn Thuần ở phố Rịa thi thoảng thấy đi xe đạp. Hình như là xe của nhà chứ không phải là xe riêng của các bạn. Một lần Thế Năng mang xe đi và cứ nằn nèo “mời” tôi ngồi để Năng đèo. Nể bạn, tôi ngồi lên, Sau phút loạng choạng, Năng cho xe đi  bon bon. Bất ngờ xuống một con dốc. Dốc không cao, nhưng xe phóng vù vù. Có lẽ do cuống, Năng không kịp phanh. Xe cứ thế lao vùn vụt, tay lái cu chàng loạng choạng. Năng hét: “Ngồi chắc, không được nhảy xuống”. Tôi là tay gan lì, không sợ nên cứ ngồi kệ Năng xử lí. Gần hết dốc, xe đi chậm, tôi nhảy khỏi xe. Năng cũng kịp phanh dừng lại. Hai chàng hết hồn vì  may mà không “ngã gẫy răng”!

          Khi học Đại học Sư phạm Việt Bắc, mãi đến năm thứ ba thì tôi mới biết đi xe đạp. Dạo ấy về hè, ở làng tôi, bác Luận, một ông bác họ cũng có xe đạp Phượng Hoàng của Trung Quốc. Tôi mượn để tập đi ở sân kho. Do mạnh dạn, lại cũng có tí “năng khiếu” thể thao, nên tôi tập một hôm là biết đi. Rồi đi thành thạo ở trong sân.

       Việc đi xe đạp ở sân kho rộng rất khác với đi xe đạp trên đường. Vì trên đường phải tránh ổ gà, tránh người, tránh xe đi ngược chiều. Bởi thế mà một hôm tôi mạnh dạn mượn xe đạp của bạn, đạp từ bản Nà Ri (nơi khoa Văn sơ tán) ra đến Phú Minh. Khi đi thì vừa đạp vừa dắt. Nhưng “lượt về” thì tôi dắt hoàn toàn, vì đường về  dốc, khó hơn. Chỉ sợ ngã làm hỏng xe của bạn. Khoa Văn hồi đó,  mỗi anh bạn Trần Văn Loa có xe đạp thiếu nhi Liên xô và một vài anh cán bộ (giáo viên cấp 2, công an) đi học là có xe đạp.

          Biết đi xe đạp  rất có lợi vì khi cần có thể mượn đi cho đỡ vất vả. Biết đèo, hay lai xe đạp cũng rất quan trọng. Bởi thế mà tôi không ngừng tập đi và tập đèo. Quả nhiên dịp may thực hành  đã đến. Hồi đó là năm 1972, chưa kí hiệp định Pa ri. Mĩ vẫn bắn phá miền Bắc bằng máy bay. Tôi cuốc bộ trên đường số Một qua thị xã Phủ Lý bị đánh bom hủy diệt. Đang lếch thếch trên đường nhựa nóng như rang, bỗng một người đi xe đạp cùng chiều dừng lại hỏi: “ - Này, chàng trai, biết đi xe đạp chứ?”. Tôi đáp “Biết!”.  - “Đèo được không?”. “Được!”. – “ Lên xe đèo tôi”. Thế là tôi lên xe đèo người đàn ông lạ gặp trên đường. Thì ra anh là giảng viên trường Đại học mĩ thuật công nghiệp Hà Nội. Anh đạp xe từ Ninh Bình ra đã mệt. Hai anh em đèo nhau qua Phủ Lý không một bóng người. Qua Đồng Văn thì phải, anh bảo ghé vào làng ven đường, anh có người cha nuôi ở đó. Đúng ngày đó, nhà ông bố nuôi của anh có giỗ. Rất đông người ăn uống. Thế là tôi cũng được ăn ké. Có cá chép, có thịt lợn, lại có cả thịt ngan. Bấy giờ, mâm cỗ như vậy là rất sang, phải là nhà kinh tế khá giả mới có. Anh em ăn uống no nê, nghỉ ngơi, rồi chào cả nhà lên xe đạp bon tiếp về Hà Nội. Đến gần Hà Nội, có xe buýt về thành phố, tôi lên xe ô tô, còn anh đạp xe một mình. Anh cho tên và địa chỉ hẹn khi rỗi thì vào chơi. Tôi nhớ mãi  tên anh là Tống Như An, cán bộ giảng dạy của Đại học Mĩ Thuật Công nghiệp. Sau này khi chuyển từ Thái Nguyên về Hà Nội, có lần tôi đã ghé trường anh ở Đê La Thành để thăm, được người ta trả lời thầy An đã  nghỉ hưu và về quê. Kể thêm chuyện “đèo” xe đạp.  Hồi nhà tôi học xong Trung học sư phạm hoàn chỉnh lên Thái Nguyên thăm tôi. Hôm ấy cán bộ của khoa Văn được công đoàn mời đi xem phim ở rạp. Vì tay lái còn non, lại ngại nhỡ làm ngã vợ thì mang tiếng, vì vậy tôi phải nhờ một ông bạn đèo mình, còn “phu nhân” thì gửi một ông khác đèo hộ. Đảm bảo an toàn tuyệt đối.

                                                                             

          Trong làng tôi có gia đình ông bà Thám là anh em đằng mẹ tôi. Con trai của ông bà là Nguyễn Đức Tịnh cùng học trọ cấp 3 một nhà với tôi. Lúc này Tịnh đang đi học nước ngoài. Tôi được ông bà tin cậy cho mượn chiếc xe đạp Phượng Hoàng để đi chỉ đạo sinh viên thực tập ở Bắc Cạn. Đây là lần đầu tiên tôi đi xe đạp “xuyên miền Bắc”. Từ nhà đạp xe thẳng ra Hà Nội, tôi nghỉ ở nhà thầy Mai Xuân Hải, thầy dạy cùng khoa với tôi. Hôm sau đạp xe sang  Yên Viên (Tàu  hỏa Thái Nguyên chỉ về đến Yên Viên, vì cầu Long Biên bị đánh hỏng). Khi tới nơi thì tàu đã chạy. Thế là buộc lòng tôi phải đạp lên Thái Nguyên, lên thẳng làng Lân, nơi khoa sơ tán. Tôi lấy tem gạo, phiếu thực phẩm cho Đoàn thực tập rồi sáng hôm sau lại trực chỉ đạp xe thẳng lên Bắc Cạn. Không biết đường, nhưng cứ vừa đi vừa hỏi. Có đoạn đường vắng teo, không một bóng người. Đến xâm xẩm tôi thì tôi cũng đến được Bắc Cạn. Ba ngày, 2 đêm, đi khoảng hơn 300 cây số. Đó là kỉ lục xe đạp của cua-rơ nghiệp dư. Nhân nói chuyện xe đạp đường dài tôi nhớ cuộc” điền dã” xuyênViệt của Tổ Văn học Việt Nam. Năm 1973 sau hiệp định Pari, thầy Phạm Luận, thầy Vi Hồng, anh Lý Duy Hiển, Bàn Tiến Tân và tôi đem xe đạp lên tàu hỏa (Lúc ấy Tân có xe đạp nữ của vợ, còn tôi chưa có xe, nên Tân đèo tôi). Vào ga Vinh, chúng tôi đạp xe về thăm quê cụ Phan Bội Châu, quê bác Hồ. Sau đó sang Nghi Xuân thăm quê Nguyễn Du. Rồi đạp xe tuốt vào Vĩnh Linh. Gửi xe đạp ở bờ Bắc, qua cầu Hiền Lương, mua vé ô tô vào Đông Hà. Đó là chuyến xe đạp kết hợp tàu hỏa, ô tô xuyên Việt. Chỉ tiếc là do quá nghèo nên không có một tấm ảnh nào ghi lại.

          Thời bấy giờ xe đạp là cả một gia tài. Xe đạp có biển kiểm soát treo ở khung hoặc ở đằng sau yên xe. Tôi ra trường, làm cán bộ giảng dạy của khoa Ngữ văn trường Đại học từ tháng  9 năm 1970  mà năm 1975, thống nhất đất nước vẫn không mua nổi chiếc xe đạp. Có anh bạn khoa Sử đi Sài Gòn, mang ra một chiếc khung xe đạp nữ. Hồi ấy đó là món hàng có giá, Tôi dành dụm tiền lương mua chiếc khung xe đó. Rồi tôi ra chợ giời mua đôi vành, xích, líp cùng các phụ tùng khác. Anh Ngô Đức, một cán bộ cùng tổ bộ môn đã giúp tôi  lắp ráp hoàn chỉnh một chiếc xe. Thế là  năm 1976 tôi cũng đã có chiếc xe đạp để làm phương tiện đi lại. Anh Đức quả là người khéo tay và vô tư. Nếu không có anh  giúp thì chả biết bao giờ tôi mới có xe đạp. Thế là từ đấy, khi về hè, về Tết, tôi đều đem xe lên tàu hỏa. Xuống ga Phủ Lý là tôi leo lên ngựa sắt phóng về nhà. Chấm dứt thời kì đi xe “Căng hải”.

Nói chuyện xe đạp có biển là loại xe phân phối. Khi tôi lắp ráp được chiếc xe nữ thì cũng hết thời cấp biển, hết thời phân phối các mặt hàng như xích, líp, nan hoa, săm, lốp. Khi đó, những thứ này cực hiếm. Nhiều người đi xe lốp đắp, lốp buộc dây chằng.  Tôi sau khi lắp xe, được ông anh họ làm ở nhà máy quốc phòng tặng cho một cái líp xe của nhà máy anh. Thật  vui sướng vì chất lượng chiếc xe  của tôi được nâng cấp. Sau  này, tôi lại được bạn học Đại học Lộc Phương Thủy tặng cho một cái bơm xe bằng inoc sáng loáng. Cái bơm tay ấy vô cùng tiện lợi. Xe, phụ tùng xe quý hiếm như vậy nên một số ông có xe đạp tuyên bố xanh rờn : “ Có thể cho mượn vợ, nhưng xe đạp thì không bao giờ!”. Mấy nan hoa, xích, líp hay  săm lốp đều được “ phân phối” qua bình chọn của Công đoàn, qua gắp thăm. Bởi vậy mà một ông đồ Nghệ nào đó đã bực mình ra vế đối “ Cái cứt gì cũng phân, phân như cứt”.

         Khi đi Liên xô làm nghiên cứu sinh, nhờ tiếng Nga tốt, xong luận án sớm, tôi đi “cày” nhà máy. Người ta thì chỉ dám mua xe đạp hàng “còm”, còn tôi thì chơi một xe đạp SPORT mới khự, một tủ lạnh Saratov, một tivi  iunot, nhiều bàn là, máy khâu quay tay, chạy điện,…Tất cả đều mới.

          Tôi còn nhớ sau khi đổi tiền, tôi nhờ thầy Mai Xuân Hải dẫn đi mua một chiếc xe Hoàn Kiếm hình như giá trên 300 đồng tiền mới. Thế là tôi đi xe đạp SPORT mới. Nhà tôi đi xe Hoàn Kiếm mới, còn chiếc xe nữ đầu tiên trở thành xe để thồ lúa, thồ phân.

          Không nhớ thời điểm cụ thể, nhưng khi đó là quãng năm 1988, nhà xuất bản Giáo dục còn ở phố Lê Thánh Tông ( bây giờ là nhà khách của Bộ  Giáo dục thì phải). Tôi có việc liên hệ để xuất bản bản dịch cuốn sách “Cha mẹ và con cái”. Cuốn này, tôi đã dịch và công bố trên báo Phụ Nữ Việt Nam, giờ muốn in sách. Chỗ bảo vệ không có ai trực. Tôi khóa xe đạp, lên tầng làm việc với biên tập viên. Xong việc, tôi xuống tìm xe thì…không thấy xe đạp đâu nữa. Thật  may là kẻ gian đã cắt khóa, chưa kịp dắt đi thì người bảo vệ phát hiện ra, dắt xe của tôi vào chỗ an toàn. Nếu mất xe đạp khi ấy, chắc tôi sẽ bị ảnh hưởng tâm lí ghê gớm, khó làm việc hiệu quả.

          Với tôi, đi xe đạp thế là cũng tươm chán. Tôi không có ý định (mà điều kiện kinh tế cũng không cho phép) đổi xe đạp để lên đời xe máy. Mặc dù một lần sau Tết, đến chơi ăn Rằm ở nhà một người bạn, khi ra về, tôi lấy xe đạp và đi cùng một đoạn đường với Trần Đăng Xuyền khoa Văn ĐHSP Hà Nội. Xuyền cao hứng bảo “Ông có thấy đi xe đạp là một nỗi nhục cho những thằng Tiến sĩ nước ngoài như tôi và ông không? Phải lên đời xe máy thôi!”. Tôi ừ à. Quả nhiên ít lâu sau, tôi thấy ông bạn Xuyền cưỡi xe máy vèo vèo. Còn tôi thì vẫn an tâm đạp xe đạp.  Vì cứ xe đạp kẽo kẹt nên trong lớp tiếng Anh của Bộ Giáo Dục mở cho cán bộ các Vụ mọi người vù vù xe máy thì tôi vẫn không biết đến thứ xe đắt giá đó. Lớp tiếng Anh rất hay tổ chức tham quan dã ngoại. Khi thì chùa Thầy, khi thì suối nóng Kim Bôi, khi thì chùa Trấn Quốc. Vì không có xe máy nên trừ phi lớp tổ chức đi ô tô, còn lại thì tôi  - đệ tử trung thành của xe đạp, phải nhờ các bạn “đèo”. Trong một lần làm “vật thồ” cho một bạn  nữ cùng lớp chưa lập gia đình thăm Phủ Tây Hồ bằng xe máy, tôi có được bài thơ đã đọc cho cả lớp nghe, nay chép vào đây. Nghĩa là nó cũng liên quan đến chàng tôi “xe đạp”:

                             

Cầu duyên nơi Phủ Tây Hồ

Chắc là bởi tại duyên Trời Phật

Nên mình không hẹn hoá thành đôi

Rồi quên trời đất quên phường phố

Ta cứ đi và mưa cứ rơi

 

Em còn trẻ quá xinh tươi quá

Anh cũ như là chuyện của anh

Mưa xuân mát bật mầm cây cỏ

Thấm ngọt vào trong chuyện chúng mình

 

Giá lại vào chùa dâng lễ nữa

Vẫn khấn cho ai tóc mãi xanh

Mãi thắm môi cười long lanh mắt

Như bây giờ Em đi bên Anh.

  Phủ Tây Hồ mùa xuân

 

Mãi đến năm 1995 thì phải, tôi mới dành dụm đủ tiền để mua lại một chiếc xe máy  Nhật cũ “kim vàng giọt lệ” giá 15 triệu. Mua xong, tôi phải nhờ một ông bạn “đi hộ” về nhà vì chưa biết đi. Có xe máy, tôi tập ở sân trường Cán bộ quản lí. Chỉ vài buổi, thạo, tôi đi ra đường. Khi đi xe đạp tôi đi làm bình thường. Có xe máy, tôi đi sớm hơn 1 tiếng đồng hồ để yên tâm hơn vì đường vắng.

          Tôi cứ nghĩ có xe máy rồi, nhưng thi thoảng vẫn đi xe đạp để “rèn luyện”. Nhưng không phải thế. Quen xe máy, đi xe đạp sẽ rất khó khi sang đường, khi vượt ngã tư. Thế là chiếc xe đạp của tôi được cho về nhà quê cho cậu em. Mà thi thoảng nó mới được dùng, vì  sau này, các cậu cũng đã lên đời xe máy.

          Bây giờ thì trong nhà tôi chỉ có một chiếc xe đạp Nhật khung nữ, tôi mua lại của một anh bạn. Chiếc xe rất bền. Nhà tôi dùng để đi chợ.  Hai ông láng giềng chỗ tôi vẫn đạp xe thể dục. Tôi thì  “bai bai” hoàn toàn xe đạp. Đi thể dục thì đi bộ là thích hợp. Chả biết thế có đúng không, nhưng tôi toàn đi bộ. Và nhớ chiếc xe đạp, tôi nhớ một thời tuổi trẻ của mình, nhớ Hà Nội toàn xe đạp, nhớ một thời nghèo khổ, khó khăn “không của riêng ai”!

                                                            Hà Nội 5 tháng 7 năm 2018

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)