Cầm Sơn
XUYÊN QUA CÁNH RỪNG X
Đoàn cán bộ chuyên viên đại diện cho năm Bộ chuyên ngành có liên quan đi khảo sát đến các công ty Lâm nghiệp để nghiên cứu đề án sắp xếp lại các Nông Lâm trường Quốc doanh trong tiến trình tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước do Phó Tổng giám đốc Ngô Hùng chỉ đạo vào làm việc tại Công ty Lâm nghiệp Tứ Lâm. Nhiệm vụ của đoàn chủ yếu là nghe ý kiến từ cơ sở nên nội dung nghị sự tập trung vào ý kiến của Đức. Theo Đức thì đã đến lúc những người làm công tác quản lý công ty Lâm nghiệp Quốc doanh phải nhìn nhận thẳng thắn và đánh giá trung thực hoạt động của mình. Các Lâm trường trước đây là doanh nghiệp độc lập gọi tắt là doanh nghiệp 388 trực thuộc Sở Nông Lâm nghiệp đã không biết bao nhiêu lần viết phương án đổi mới, sắp xếp lại Lâm trường, rồi bàn giao, chuyển đổi từ nơi này sang nơi khác, rồi đổi tên thành công ty cho phù hợp với cơ chế thị trường. Rốt cuộc, Lâm trường vẫn cứ là Lâm trường?! Nhà nước vẫn phải cho cái phao cứu sinh bằng cách cho vay vốn ưu đãi lãi suất thấp. Vẫn ì ạch, vẫn trồng thì nhiều nhưng thành rừng thì ít, năng suất, hiệu quả kém, đời sống của đại đa số người lao động vẫn nhếch nhác, thậm chí nhiều nơi công nhân còn phải bỏ việc hàng loạt. Chính vì vậy, ngày nay các công ty Lâm nghiệp này chỉ còn lại một số người làm công tác quản lý, kỹ thuật. Gần như toàn bộ nhân công, lao động đều thuê khoán nông dân địa phương.
Tại sao các công ty Lâm nghiệp này vẫn còn tồn tại đến giờ? Hoàn toàn không phải do Tổng công ty Lô Giang cần có vùng nguyên liệu nên phải đầu tư phát triển Lâm nghiệp. Tất cả đều do chính sách Nhà nước! cam đoan rằng, nếu các công ty Lâm nghiệp vừa qua vẫn là doanh nghiệp độc lập, trực thuộc quản lý Nhà nước là Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn thì các công ty Lâm nghiệp này còn vững vàng, khá giả hơn nhiều. Chính sách đối với Lâm nghiệp Quốc doanh là được vay vốn với lãi suất ưu đãi, chỉ bằng sáu mươi phần trăm so với lãi suất thông thường. Mặt khác, chỉ số trượt giá CPI hàng năm lại rất cao. Do đó, dẫu tổ chức sản xuất kém, năng suất rừng và hiệu quả kinh doanh thấp thì nó vẫn cứ tồn tại do chính sách ưu đãi này. Song vì phụ thuộc nên các khoản vay đều do Tổng công ty Lô Giang đứng vay. Là đơn vị cấp dưới, sản phẩm chỉ có nghĩa là giao nộp. Với thế mạnh ấy, Tổng công ty Lô Giang coi như độc quyền về giá, độc quyền về cách thức giao nhận, độc quyền về phẩm cấp hàng hóa. Một sự việc hiển nhiên là người trồng rừng nào trong vùng nguyên liệu cũng đều thấy rất rõ rằng giá nguyên liệu của nhà máy thuộc Tổng công ty Lô Giang bao giờ cũng thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường, đặc biệt là loại gỗ có đường kính lớn thì càng bị thiệt thòi, nhưng vốn đã nhận thì gỗ phải trả.
Mấy năm gần đây, Ngân hàng Phát triển tạm dừng không giải ngân, tự dưng các công ty Lâm nghiệp điêu đứng và diện tích trồng mới sụt giảm hẳn. Vậy vai trò của Tổng công ty Lô Giang là gì? Hay chỉ làm trung gian, làm cầu nối giữa chính sách nhà nước với các công ty Lâm nghiệp?
Việc “ Tái cấu trúc” lần này cũng là một lần đổi mới, sắp xếp lại. Rồi nó lại giống các lần trước, đò đưa làm mới cái bình còn cái ruột vẫn thế thì chẳng nên làm làm gì cho tốn tiền của, giấy mực của nhân dân. Đổi mới phải tuân thủ theo những điều kiện khách quan của xã hội, của cơ chế thị trường, có nghĩa rằng: tự thân nó phải đổi mới để tồn tại chứ không thể dùng chính sách Nhà nước can thiệp cho nó tồn tại.
Trước hết, hãy nhìn vào các công ty Lâm nghiệp ta thấy mỗi một công ty đều có Giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng và một loạt các phòng ban. Cán bộ, nhân viên gián tiếp vài chục người ăn lương với mức lương luôn luôn được báo cáo năm sau cao hơn năm trước, ngoài lương ra, các chi phí quản lý khác cũng không kém phần hoành tráng! nhưng mỗi năm chỉ trồng mới được từ một trăm đến hai trăm héc ta rừng. Đương nhiên tất cả những chi phí này đều hạch toán vào giá thành trồng rừng.
Thứ hai, để đánh giá được hiệu quả sản xuất phải sau một chu kỳ cây mới nhìn thấy. Vậy trách nhiệm của Giám đốc và cả một bộ máy cồng kềnh ấy họ chịu trách nhiệm thế nào? Phân định trách nhiệm và quyền lợi của họ ra sao?
Ngày nay, trong vùng các tỉnh trung tâm miền núi phía Bắc đã có khá nhiều trang trại rừng tư nhân cho năng suất , hiệu quả cao. Những trang trại này hoàn toàn không hề được hưởng một chính sách ưu đãi nào, ấy vậy mà họ vẫn phát triển, vẫn có thể nuôi hàng vài chục đến hàng trăm lao động, vẫn có tiền để mua thêm đất phát triển thêm rừng. Nếu những ông chủ này được Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn và nếu được giao hoặc thuê đất thì chắc chắn họ cũng trồng rừng nhiều không kém gì các công ty Lâm nghiệp hiện tại mà chẳng cần đến một bộ máy cồng kềnh, chẳng cần phải chi tiêu”hoành tráng” như các công ty Lâm nghiệp Quốc doanh. Đương nhiên giá thành trồng rừng thấp xuống và hiệu quả sẽ cao hơn các công ty Lâm nghiệp Quốc doanh rất nhiều lần.
Đề cập đến vấn đề “tái cấu trúc” Đức cho rằng cần dựa trên nguyên tắc không làm biến động lớn ảnh hưởng đến đời sống của số đông người lao động, lấy hiệu quả sản xuất làm thước đo chính, khuyến khích khu vực trực tiếp tạo ra sản phẩm xã hội, xóa bỏ cấp trung gian và nền kinh tế ngầm chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm người, đảm bảo an sinh xã hội nhằm tiến tới một xã hội văn minh, dân chủ, công bằng với một nền kinh tế minh bạch. Với góc nhìn của người từ cơ sở sản xuất, Đức cho rằng cần tái cấu trúc theo hướng tách các công ty Lâm nghiệp ra khỏi Tổng công ty Lô Giang trở thành một công ty độc lập và tiến hành cổ phần hóa mà Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối. Nhà nước chỉ tạm thời để lại phần vốn đang nằm trong các công ty này và không đầu tư thêm, cử người giám sát quản lý phần vốn Nhà nước ở công ty trong một thời kỳ nhất định để các công ty này đi vào hoạt động nền nếp, sau đó sẽ rút dần phần vốn Nhà nước cho tới khi rút hết. Mọi tổ chức kinh tế, mọi cá nhân trong và ngoài nước không thuộc thành phần kinh tế Nhà nước đều có thể tham gia mua cổ phiếu của các công ty này, nhóm cổ đông nào, người nào có tỷ lệ cổ phần lớn nhất sẽ nắm giữ quyền lãnh đạo công ty. Điều này sẽ giúp cho các công ty Lâm nghiệp thoát khỏi cơ chế xin-cho, thoát khỏi sự khống chế của cấp trung gian, có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình. Có quyền tự tiêu thụ sản phẩm của mình theo giá thị trường và phẩm cấp sản phẩm không bị khống chế về giá, tạo ra sự công bằng xã hội trong sản xuất nghề rừng. Đảm bảo tiết kiệm, tăng giá trị cho xã hội vì gỗ lớn sẽ được chọn lựa để sử dụng vào mục đích cao hơn, giá trị lớn hơn, gỗ làm nguyên liệu chỉ cần gỗ nhỏ, giá trị thấp hơn.
Vấn đề quản lý đất của các công ty Lâm nghiệp hiện nay đang là vấn đề nhạy cảm, thu hút sự chú ý của nhiều người. Đất của các công ty Lâm nghiệp đang quản lý sẽ được giao theo số lượng cán bộ công nhân viên và cho từng người, diện tích được giao theo tiêu chí thâm niên công tác trong nghề Lâm nghiệp và không được vượt quá hạn mức của địa phương quy định. Diện tích đất này được tính coi như là cổ phần góp vốn của người lao động làm cơ sở chia cổ tức cho mỗi kỳ quyết toán. Đồng hành với việc giải quyết giao cấp đất cho người lao động là việc kiểm tra tình hình sử dụng đất của các công ty Lâm nghiệp, những hành vi sử dụng đất vi phạm với các điều khoản của luật đất đai sẽ phải xử lý và làm rõ trách nhiệm của người quản lý. Ngoài ra, những diện tích đất mà các công ty đang sử dụng có hiệu quả không có tranh chấp với nhân dân địa phương thì công ty sẽ được thuê và phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước theo từng hạng đất. Những diện tích đất tranh chấp và những diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng không có hiệu quả sẽ trả lại cho chính quyền địa phương xử lý. Giải quyết theo hướng này sẽ làm giảm sự căng thẳng về tranh chấp đất hiện nay đang từng ngày, từng giờ xảy ra rất phức tạp ở tất cả các địa phương có đất của các công ty Lâm nghiệp. Lý do là các công ty Lâm nghiệp đang được sử dụng một quỹ đất quá lớn so với số người hiện có và không phù hợp với năng lực làm lãng phí đất. Trong khi đó, người bản xứ tại địa phương lại thiếu đất nên đã gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân.
Kế hoạch hàng năm sẽ do các công ty cổ phần Lâm nghiệp tự xây dựng, không nhất thiết chỉ là trồng cây nguyên liệu giấy mà sẽ kết hợp trồng cả cây lấy gỗ, lấy nhựa…tùy thuộc vào thực tế thị trường, tùy thuộc vào các điều kiện sản xuất và đối tác . Các quyền lợi và nghĩa vụ của công ty cổ phần Lâm nghiệp này được bình đẳng như những công ty Lâm nghiệp tư nhân, công ty có vốn nước ngoài và các chủ trang trại tư nhân. Nhà nước khuyến khích tất cả mọi thành phần kinh tế trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển rừng. Mọi thành phần kinh tế phải được bình đẳng về lợi ích và nghĩa vụ. Về tài chính, các khoản nợ sẽ được cân đối với tài sản hiện có. Đối với Ngân hàng phát triển thì trả dần theo hợp đồng vay vốn, đối với vốn nợ ngắn hạn thì sẽ trả bằng nguồn vốn thu từ phát hành cổ phiếu lần đầu và ký hợp đồng trả dần bằng sản phẩm với các đơn vị có nhu cầu sử dụng gỗ.
Trong giờ giải lao, Ngô Hùng nhắc nhở Đức:
- Ý kiến của cậu không song trùng với ý kiến chỉ đạo của Tổng công ty. Hiện Tổng công ty đang xây dựng dự án mở rộng nhà máy giai đoạn hai, điều đó đương nhiên là phải có một vùng cung cấp nguyên liệu đủ lớn nên không những không thể trả đất mà còn phải xin thêm nữa là đằng khác.
- Tôi không cần biết Tổng công ty chỉ đạo thế nào, Công ty tôi là công ty có quy mô lớn nhất trong Tổng công ty mà những năm gần đây cũng chỉ có kế hoạch trồng hai trăm héc ta thì tôi chỉ cần quản lý hai ngàn héc ta đã quá đủ. Anh cũng đã từng làm giám đốc Lâm trường, anh biết là khi đối mặt với dân anh giải thích như thế nào với một cái quỹ đất khổng lồ tạo điều kiện cho việc sử dụng lãng phí, thậm chí còn là mầm mống, tiền đề cho tham nhũng trong khi rất nhiều người dân họ không có đất trên chính quê hương của họ. Trên chính mảnh đất mà cha ông họ đã từng đổ máu hy sinh để gìn giữ.
- Thì ta vẫn giao đất cho họ theo nghị định 135 kia mà!
- Quy mô lớn như công ty tôi mà mỗi năm chỉ trồng được có hai trăm héc ta, trong khi đó quỹ đất quản lý và nhu cầu của dân phải trồng hàng ngàn héc ta, cứ ôm khư khư không chịu trả lại đất thì chính chúng ta đang là vật cản của lực lượng sản xuất. Mỗi lần Hội Đồng nhân dân huyện họp, họ chất vấn về việc này tôi cứ phải trả lời loanh quanh trí trá. Không chỉ là dân thường mà đến cả những người có chức sắc trong huyện họ cũng coi cánh giám đốc các công ty Lâm nghiệp chúng tôi như những tên địa chủ đời mới, chính vì thế mà tôi có thể ký giao đất cho dân, cho cán bộ công nhân theo nghị định 135 một hai chục héc ta mỗi người chứ bản thân tôi thì không dám nhận đến một mét vuông.
- Nhưng dự án mở rộng nhà máy giai đoạn hai là một chủ trương lớn của Tổng công ty đang được các Bộ ngành xem xét trình lên Chính phủ phê duyệt. Chúng mình là cấp dưới phải tuân thủ ý kiến của cấp trên chứ.
- Tôi đâu có chống lại cấp trên. Kế hoạch tôi vẫn hoàn thành, gỗ lạt giao nộp đầy đủ không hề phá rào bán ngoài một tấc. Còn trên hỏi thì tôi trả lời theo đúng những gì tôi suy nghĩ. Tôi và anh, những người đã đi gần hết chặng đường công tác, trong cuộc đời cũng đã từng trải qua thăng trầm, hưng vong nhiều rồi, đến đoạn cuối này tôi không muốn nói dối lòng mình nữa. Với tư cách là đồng nghiệp, tôi cam đoan trong lòng anh cũng không tán đồng với cái dự án mở rộng nhà máy giai đoạn hai ấy, nhưng anh không dám nói ra. Dẫu sao tôi thấy anh vẫn còn có lương tâm ở chỗ không phản đối nhưng cũng không a dua tán dương như một số những thằng hề khác. Bây giờ dân trí cao, cán bộ, công nhân kể cả nhân dân trong vùng họ đều nhìn thấy cái dự án ấy là cái thứ gì rồi nhưng họ đâu có quyền can thiệp, còn những kẻ có quyền thì họ đang say sưa với quyền lực, họ đâu cần biết nhân dân đang nghĩ gì về họ. Họ ngồi trên quyền lực, ngồi trên nhân dân cơ mà.
- Cậu cũng thật quá đáng.
- Tôi biết là nói ra những điều này sẽ chẳng có lợi gì cho cá nhân tôi, nhưng tôi không thể nói những điều ngược với lòng mình. Có lẽ tốt nhất là cũng nên im lặng. Nhưng liệu cứ im lặng thì lòng mình có thanh thản được không? Câu hỏi ấy tôi muốn dành cho anh đấy.
Theo sự điều hành của chủ tọa, tiến sĩ khoa học Huỳnh Thị Mỹ Hạnh đại diện cho Viện nghiên cứu cây nguyên liệu phát biểu. Mỹ Hạnh cho rằng ý kiến của giám đốc công ty Lâm nghiệp Tứ Lâm là phiến diện, cục bộ, chưa có con mắt nhìn nhận ở tầm vĩ mô. Nếu là nhà đầu tư, nhất là các công trình mang tính dài hơi thì giữa quy mô lớn hiện đại và nhỏ lẻ manh mún nên chọn phương án nào? Nhà máy lớn ví như đại lộ, nhà máy nhỏ ví như đường làng. Ở quy mô manh mún thì đường làng dù hẹp mấy cũng lách được; rẽ ngang rẽ dọc tuỳ tiện cũng xong. Nhưng khi ra đại lộ thì nên dùng xe tải hạng nặng hay dùng xe thô sơ, xe tự chế? đường rẽ cũng phải có chốn có nơi đàng hoàng chứ. Muốn phát triển nhanh thì phải sản xuất lớn, sản xuất lớn mà không chủ động về nguyên liệu thì làm sao vận hành ổn định? Theo quy hoạch thì vùng nguyên liệu của Tổng công ty Lô Giang lên đến ba trăm bốn mươi ngàn ngàn héc ta. Những cánh rừng mênh mông bạt ngàn để người quản lý có thể đi kiểm tra bằng máy bay thay vì chia nhỏ manh mún cho từng hộ nông dân thì liệu ngành công nghiệp rừng có phát triển được không? Giá nguyên liệu của Lô Giang rẻ hơn thị trường thì giá thành sản phẩm của nhà máy sẽ hạ, có như thế mới đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ về bình ổn giá và như thế hưởng lợi chính là người tiêu dùng. Kể từ khi trồng nguyên liệu đến lúc sản xuất ra sản phẩm là một chu trình công nghệ khép kín , nhờ công nghệ này ta có thể tiết kiệm được nguyên nhiên vật liệu, nếu tách ra thì ưu thế của thương hiệu Lô Giang cũng sẽ không còn. Vì vậy, cổ phần hóa là điều tất yếu phải thực hiện nhưng không thể tách ra để sản xuất phải trả giá vì sự manh mún, nhỏ lẻ. Mặt khác, nếu tách ra thì ngành Lâm nghiệp liệu có đóng góp được gì cho ngân sách Nhà nước. Hiện nay, đúng là có một thực tế nghịch lý: doanh nghiệp Nhà nước thì thua lỗ nhưng một số cá nhân làm công tác quản lý doanh nghiệp thì khấm khá. Đó là tồn tại của doanh nghiệp Nhà nước. Thế nhưng cũng phải thừa nhận về kinh nghiệm trồng rừng thì họ hơn hẳn những người dân không chuyên. Trong một chu trình công nghệ khép kín, việc điều hành có thể dẫn tới việc nơi này thiệt thì nơi khác lợi. Nếu người trồng rừng thiệt thì người sản xuất được lợi. Lợi cuối cùng là giá thành sản phẩm rẻ, nhà sản xuất có nhiều lợi nhuận, sẽ lại có bước phân phối lại trong toàn Tổng công ty dưới dạng hỗ trợ, trợ giá, phúc lợi. Và đó là việc lưu chuyển chính sách nội bộ của một doanh nghiệp. Nhà nước đâu có can thiệp vào việc mua bán giá nguyên liệu của nội bộ doanh nghiệp? không hiểu tại sao những người làm Lâm nghiệp không nghĩ đến việc nâng cao năng suất rừng bằng những nghiên cứu, khảo nghiệm khoa học như loài cây, mật độ, chế độ dinh dưỡng, năm khai thác để có hàm lượng cellulose cao nhất mà lại chỉ quanh quẩn so đo thiệt hơn giữa khu vực này với khu vực khác. Theo con số thống kê của Viện nghiên cứu cây nguyên liệu tổng hợp thì hiện nay năng suất rừng bình quân của các công ty Lâm nghiệp mới chỉ đạt năm mươi mét khối cho một chu kỳ tám năm. Thế nên dù mua rẻ hơn hai mươi phần trăm so với bên ngoài cũng rất khó khăn để có thể bù đắp do những tồn tại hiện nay. Theo báo cáo từ các công ty Lâm nghiệp, nhiều nơi rừng của công ty mới khai thác xong đã bị dân cả làng cả xóm kéo lên xâm chiếm, vậy mà những người thi hành pháp luật ở địa phương lại làm ngơ, né tránh điều gì, hay tại bởi những lá phiếu bầu? Điều này có hấp dẫn đầu tư nước ngoài hay không, phải mất bao nhiêu thời gian nữa để giáo dục người dân hiểu đấy là hành vi phạm pháp? Cuối cùng hãy dạo một vòng quanh các tỉnh thuộc vùng nguyên liệu của Tổng công ty Lô Giang, ta có thể quan sát thấy ngay sự khác biệt giữa rừng của các công ty Lâm nghiệp với rừng của dân về chất lượng.
Bài phát biểu của Mỹ Hạnh vừa dừng thì Ngô Hùng bật dậy:
- Có lẽ cuộc tiếp xúc đến đây là đủ. Bây giờ mời đoàn nghỉ để chiều ta sang một công ty khác.
Một chuyên viên của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn cũng đứng lên có ý kiến:
- Thời gian còn sớm, đề nghị đồng chí Ngô Hùng cho tiếp tục mạn đàm. Tôi không ngờ cuộc trao đổi ngày hôm nay ở tận một công ty Lâm nghiệp vùng sâu vùng xa lại thú vị đến như thế. Đề nghị đồng chí Đức và các cán bộ của công ty, xin các đồng chí cứ tiếp tục phát biểu thẳng thắn những quan điểm của các đồng chí.
Ngô Hùng nhìn Đức như có ý muốn nhắc nhở điều gì đó, Đức nhìn sang Mỹ Hạnh. Mỹ Hạnh cũng nhìn thẳng váo Đức và đế một câu:
- Nội dung phát biểu của tôi nếu đồng chí Đức thấy có điều gì chưa thỏa đáng thì cứ cho xin ý kiến phản hồi.
Đã đến tình huống này thì không thể dừng lại được nữa rồi, phải tranh luận cho ra lẽ thôi. Theo Đức thì nhà máy đương nhiên phải có vùng nguyên liệu. Nhưng không nhất thiết nhà máy phải quản lý người sản xuất nguyên liệu. Vùng nguyên liệu hiện nay và kể cả trước đây mười năm đã thừa nguyên liệu cung cấp cho nhà máy. Chắc mọi người chưa thể quên, trước đây phải có chỉ tiêu mới được nhập nguyên liệu vào nhà máy. Đã mất biết bao nhiêu giấy mực xung quanh chuyện này. Rất nhiều đối tượng chẳng liên quan gì đến rừng nhưng lại có chỉ tiêu nhập nguyên liệu, họ chỉ cần ngồi chơi không bán cái mảnh giấy ấy để lấy tiền còn người trồng rừng thì điêu đứng khi trồng ra rừng mà không tiêu thụ được. Rất may là Nhà nước cho phép xuất khẩu dăm mảnh từ gỗ rừng trồng đã cứu cánh cho nông dân vùng nguyên liệu. Ngày nay, nhu cầu tiêu thụ gỗ của nhà máy thuộc Tổng công ty Lô Giang cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nguồn cung. Gỗ rừng trồng còn được cung cấp cho nhiều nhu cầu khác như chế biến mộc dân dụng, dăm mảnh xuất khẩu...Dẫu có ba nhà máy lớn của ba Tổng công ty trên khu vực cũng sẽ không bao giờ thiếu nguyên liệu, miễn sao phải chấp nhận giá theo cơ chế thị trường.
Về mặt lý thuyết, đúng là sản xuất lớn sẽ có nhiều điều kiện để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng sản xuất Nông nghiệp, trong đó bao gồm cả Lâm nghiệp ở nước ta có đặc thù riêng, đồi núi với độ dốc lớn, bản làng người dân sống rải rác xen kẽ với rừng… Nếu như trước đây trên hai mươi năm, ta đã từng xây dựng một nền Nông nghiệp tiến lên sản xuất lớn XHCN, đồng ruộng chim bay mỏi cánh không có chỗ đậu, Hợp tác xã Nông nghiệp hợp nhất toàn xã. Quy mô xem ra rất hoành tráng, làm ăn lớn thì phải hoàng tráng rồi, nhưng nó chỉ “Hoành tráng” ở bộ mặt trụ sở HTX và ông chủ nhiệm, còn chia công điểm thì xã viên có nơi chỉ được hai, ba lạng lúa một công, chính vì thế mới đẻ ra khoán chui, chính vì thế chúng ta mới có một Kim Ngọc và tiếp theo là “khoán 10”, “khoán 100”, thực chất là chia ruộng nhỏ ra cho từng hộ. Tất nhiên nhược điểm của nó là manh mún mà bây giờ đang phải khắc phục bằng cách “dồn điền, đổi thửa”. Nhưng phải nói là sau “Khoán 10”, bộ mặt Nông thôn đã được hồi sinh, năng suất lúa không phải là năm tấn mà là tám tấn, mười hai tấn.Từ đói nghèo nước ta vươn lên thành nước nằm trong tốp dẫn đầu về xuất khẩu gạo. Nông nghiệp canh tác trên đồng ruộng bằng phẳng còn phải chia ra, vậy Lâm nghiệp canh tác trên đất dốc sao không chia? Thực chất Chính Phủ đã từng có Nghị định 01 vào năm 1994 và 135 vào năm 2005 về việc giao khoán đất cho công nhân và nhân dân địa phương đối với các Nông, Lâm trường Quốc doanh chứ không phải bây giờ mới nói. Vậy nên việc giao đất rừng đến từng hộ dân là việc cần thiết, nên làm ngay. Còn giao thế nào thì trách nhiệm đó thuộc các ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn , Tài nguyên môi trường...Hình ảnh cái ô tô to chạy ngoài đường lớn như chị Mỹ Hạnh nghĩ cũng giống như cái Hợp tác xã hợp nhất toàn xã. Mà các công ty Lâm nghiệp nằm trong Tổng công ty Lô Giang hiện nay chỉ khác Hợp tác xã Nông nghiệp ngày xưa ở dáng vóc bề ngoài chứ thực chất nội dung thì có khác gì đâu?
Công bằng mà nói, hệ thống Lâm trường đã có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển rừng. Có được một đội ngũ cán bộ vừa có trình độ khoa học kỹ thuật về Lâm nghiệp vừa am hiểu để ứng xử phù hợp với môi trường xã hội như ngày hôm nay không phải là dễ. Không thể một sớm một chiều để các công ty Lâm nghiệp tan rã. Nhưng cũng không có nghĩa là nó cứ hoạt động nửa sống nửa chết và cố ôm một quỹ đất khổng lồ, lãng phí như ngày hôm nay. Chắc chắn Nhà nước không thể cứ đầu tư ưu đãi mãi. Chủ đầu tư phải lấy từ giá thành, từ lợi nhuận sau thuế để đầu tư. Liệu Tổng công ty Lô Giang có giữ nổi hoặc có còn muốn giữ các công ty Lâm nghiệp nữa không? Chính sách Nhà nước càng ngày càng công bằng. Tới đây, các chủ rừng sẽ được Nhà nước trả tiền dịch vụ môi trường. Đồng thời song song với việc đó, tôi nghĩ các chủ rừng cũng phải nộp thuế: Thuế sử dụng đất, thuế Giá trị gia tăng. Từ trước đến giờ ngành Lâm nghiệp không phải nộp thuế Giá trị gia tăng cứ tưởng thế là được ưu ái. Người ta quen nghĩ rằng thuế chỉ là do nhà máy chế biến đóng góp cho Ngân sách chứ những người làm Lâm nghiệp thì đóng góp được gì. Không đúng! không công bằng. Chẳng qua là do dòng chảy của nguồn tiền khai kênh chưa đúng! Nếu sản xuất Lâm nghiệp nộp thuế Gía trị gia tăng thì nhà máy được khấu trừ. Tổng số tiền nộp vào Ngân sách không đổi, rõ ràng là thành tích về nộp Ngân sách của ngành sản xuất Lâm nghiệp đã không được đánh giá.. Phải nói thêm về điều này cho rõ nghĩa, nếu nguyên liệu chịu thuế Gía trị gia tăng thì giá nguyên liệu sẽ được điều chỉnh một cách tự nhiên theo quy luật thị trường, nằm ngoài ý chí con người.
Nông thôn miền núi phía Bắc của ta hiện nay rất nghèo, Người dân quen sống nhờ rừng. Dựa vào rừng, phát nương làm rẫy, lấy củi lấy măng...từ xa xưa thì người ít, rừng nhiều. Sự tàn phá của con người không bằng sự tăng trưởng của rừng nên rừng không bị làm sao. Ngày nay thì rừng ít, người đông. Rừng không còn để phá, hoặc nếu có còn thì cũng đã phải giữ rừng ở mức báo động rồi. Dân ở rừng không có đất thì sẽ sống bằng gì? Đi làm thuê? Xuất khẩu lao động? Đâu có phải người nào, hoàn cảnh nào cũng làm được những việc chính đáng ấy! Làm Ca ve đĩ điếm? Khai thác trộm tài nguyên rừng tự nhiên và rừng trồng ?...Tất cả đều đã và đang xảy ra. “ đói, đầu gối phải bò”. Từ ngàn xưa cha ông ta cũng đã nói như vậy.
Chị Mỹ Hạnh nói người Lâm nghiệp chúng tôi sao không chú ý đến các biện pháp khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất rừng mà lại chỉ loanh quanh đến việc tỵ nạnh trong phân phối. Chúng tôi là người ứng dụng, còn nghiên cứu khoa học kỹ thuật thì phải hỏi chính cái Viện của chị chứ, những năm gần đây, Viện của chị tiêu hết bao nhiêu tiền của nhân dân và nghiên cứu được những gì đóng góp cho sự nghiệp phát triển rừng kinh tế? Rồi chị lại nói: “ Nếu nơi này thiệt thì nơi kia được lợi”. Chị thuộc nhóm người ở khâu chế biến, mà khâu chế biến thường bao giờ cũng ngồi trên lưng nhóm người sản xuất nguyên liệu nên chị nói nhẹ nhàng cứ như không có chuyện gì xảy ra. Chị cứ thử về làm giám đốc công ty Lâm nghiệp một thời gian xem, chị sẽ suy nghĩ thế nào. Chị ở Hà Nội, ít có dịp tiếp xúc với xóm bản miền núi. Nghèo lắm chị ạ, có gia đình còn đứt bữa nữa kia. Đối với họ một ngàn đồng cũng rất quý, cho nên những người làm quản lý nhất thiết phải thuộc lòng trong tâm khẩu hiệu: “ Tiến tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đồng thời nhìn nhận sự việc không chỉ bằng đôi mắt, bằng pháp luật mà còn phải bằng cả cái tâm, bằng tình thương yêu đồng loại, đồng bào và bằng chính những điều mà chúng ta đang nêu gương học tập.
Việc dân tổ chức cả làng đi cướp đất của công ty Lâm nghiệp là vi phạm pháp luật. Các nhà lãnh đạo địa phương cũng không thể nói là họ đồng tình với dân về việc ấy. Nhưng pháp luật không thể trị toàn dân được. Những người làm quản lý Nhà nước chắc chắn phải nhìn nhận sự việc từ căn nguyên. Do đâu mà lại xảy ra những sự việc đáng tiếc ấy? Không phải chỉ là do lá phiếu bầu như chị Mỹ Hạnh nói , mà nếu là do lá phiếu bầu thì cũng đúng chứ sao. Thể chế chính trị nào cũng phải bảo vệ lợi ích của số đông nhân dân chứ. Việc tái cấu trúc nền kinh tế trong đó có việc tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước cần phải làm khẩn trương, kiên quyết. Không những chỉ vì sức khỏe của nền kinh tế mà còn vì an sinh xã hội.
Lại nói đến năng suất rừng. Đúng là nhìn tổng thể rừng của các công ty Lâm nghiệp tốt hơn rừng của dân trồng. Nhưng rừng của công ty Lâm nghiệp được đầu tư bằng vốn ưu đãi tới hơn hai mươi triệu cho một héc ta chu kỳ còn rừng của dân có ai cho vay vốn đâu, nên hộ nào có điều kiện thì đầu tư cao, hộ nào nghèo thì đầu tư thấp. Vậy làm sao tốt hơn rừng của công ty Lâm nghiệp được. Nói thế không có nghĩa là tất cả, hiện nay đã có nhiều trang trại rừng có năng suất tới một trăm sáu mươi mét khối cho một héc ta. Nếu nói đến hiệu quả thì hiện tại rừng của dân có hiệu quả hơn rừng của các công ty Lâm nghiệp nhiều vì họ đầu tư rất thấp. Quay trở lại cái “Khoán 10”, như đã nêu ở trên, sau “khoán 10” năng suất lúa cao hơn hẳn thời kỳ còn Hợp tác xã toàn xã. Vậy nếu giao đất cho dân và có những chính sách hỗ trợ cho vay vốn hợp lý thì chắc chắn rừng sẽ tốt gấp nhiều lần như hiện nay. Như chị Mỹ Hạnh nói: năng suất bình quân của các công ty Lâm nghiệp cũng mới chỉ đạt năm mươi mét khối trên một héc ta. Đâu có cao hơn năng suất bình quân của dân trồng?! Mà đầu tư hai mươi triệu để sau tám năm mới thu được năm mươi mét khối gỗ thì chỉ số CPI tăng cao là phải.
Cuộc họp kết thúc, Đức mời mọi người về nhà ăn của công ty dùng cơm. Lúc ấy đã là mười một giờ nhưng Ngô Hùng từ chối làm cho cả đoàn phải lên xe ra thị trấn phố huyện cách ba mươi cây số mới được ăn trưa. Mỹ Hạnh xin phép được ở lại để còn trao đổi thêm với công ty Tứ Lâm một vài công việc có liên quan.
Văn phòng công ty Tứ Lâm tọa lạc trên một gò cao, trước đây là một quả đồi được san gạt phần đỉnh làm mặt bằng nên nó hầu như độc lập với làng bản của dân. Ngoài hai dãy nhà hai tầng là văn phòng làm việc còn có vài ngôi nhà cấp bốn một tầng làm nơi ăn nghỉ cho những cán bộ ở xa nghỉ lại công ty. Sân vườn được quy hoạch gọn gàng, có vườn hoa, núi non bộ, đài phun nước và nhiều cây bóng mát. Dưới tán lá của cây vườn rải rác đây đó được đặt những bộ bàn ghế đúc bê tông để sau những giờ làm việc người ta có thể ngồi thư giãn xả stres trong môi trường thân thiện với thiên nhiên. Ban đêm, trên những tán cây được chăng những ngọn đèn nhiều mầu nhấp nháy tạo ra cảm giác như người ta đang ngồi trong công viên của một thành phố. Mỹ Hạnh và Đức ngồi ở một cái bàn tận cuối góc vườn cây, Hạnh bảo Đức lấy một chai rượu nhẹ và một ít trái cây. Lại vào một đêm tối trời đầy sao nhấp nháy. Sau khi cạn một ly rượu, Mỹ Hạnh nói với Đức:
- Ban sáng anh làm ông Ngô Hùng phật ý bỏ đi không ăn cơm. Liệu rồi sẽ còn xảy ra những rắc rối gì không.
- Có mỗi một cái rắc rối là cơm làm ra rồi không có người ăn làm Đức phải gọi anh em công nhân bên xưởng xẻ sang giải quyết giúp. Nói vui vậy thôi, Đức và Ngô Hùng quá biết về nhau, anh ấy hơn Đức hai ba tuổi nhưng về mặt bằng cán bộ thì sàn sàn nhau. Cùng được đề bạt làm giám đốc Lâm trường một ngày. Anh ấy nóng tính cứ sồn sồn vậy nhưng không ác ý gì, quên ngay ấy mà. Phải nói rằng từ ngày chưa sáp nhập Lâm nghiệp vào nhà máy, anh ấy là một Tổng giám đốc toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Nói thật với Hạnh, giá mà đừng có sáp nhập vào thì hôm nay khối Lâm nghiệp bọn anh còn khỏe hơn nhiều.
- Nhưng Hạnh không hiểu tại sao anh lại cứ phát biểu ngược lại chủ trương của Tổng công ty
- Không có nghĩa là việc sáp nhập khối sản xuất nguyên liệu và chế biến vào nhau là không tốt. có thể nó sẽ là cơ sở thuận lợi để tạo ra thế mạnh cho Tổng công ty, nhưng mạnh lên hay yếu đi lại là do người lãnh đạo đứng đầu. Vốn dành cho trồng rừng nguyên liệu mỗi năm chỉ cần bốn năm chục tỷ đồng mà Chính phủ đã cho phép trích từ giá thành ra để đầu tư cho nguyên liệu, vậy mà ba bốn năm nay, các công ty Lâm nghiệp không có lấy một đồng cắc nào đầu tư, cứ trông chờ vào Ngân hàng phát triển cho vay ưu đãi, sao mà Nhà nước cứ phải ưu đãi mấy ông doanh nghiệp Quốc doanh trong khi nhân dân lao động miền núi vẫn còn rất nghèo đói. Không có vốn thì lấy gì để trồng mới, mà không trồng rừng thì còn gọi là công ty Lâm nghiệp nỗi gì nữa.
- Thì các anh phải đi vay mà trồng như cái anh công ty Nguyên liệu miền Nam ấy chứ.
- Công ty Nguyên liệu Miền Nam là đặc cách của Tổng công ty, còn bọn anh Tổng công ty chỉ uỷ nhiệm và bảo lãnh được phép vay dưới năm tỷ đồng thôi.
- Thế thì Tổng công ty phải đứng ra vay cho các công ty chứ?
- Lý thuyết thì như vậy!
- Nhưng các công ty Lâm nghiệp không được Tổng công ty cho vay?
- Vậy nên bọn anh dở đứng dở nằm, muốn tự lo cũng không được. Mấy năm nay không biết Tổng công ty đã chi biết bao nhiêu tỷ đồng cho cái gọi là “Dự án mở rộng nhà máy giai đoạn hai”. Mở rộng lớn như thế nhưng lại không lo trồng rừng thì lấy đâu ra nguyên liệu mà sản xuất? Nhưng chuyện đó là của chín mười năm sau, của lớp đàn em, của con cháu phải lo chứ hôm nay họ chỉ cần có dự án để được đầu tư, được vay nhiều vốn nhằm bóc màu cho cá nhân họ ở giai đoạn xây dựng cơ bản. Cả đất nước này ai cũng biết nạn tham nhũng ở khâu xây dựng cơ bản là rất lớn nhưng bao nhiêu năm hô hào chống tham nhũng thì nó lại cứ phồng to mãi lên.
- Xây dựng cơ bản là giai đoạn tiêu tiền.
- Đúng vậy, dự án càng nhiều, càng lớn thì càng được tiêu nhiều tiền, rơi rụng càng lớn, còn hiệu quả đầu tư trình bày trên dự án chỉ là những số liệu bị bóp méo, tô hồng rồi tự đồng ý với nhau.
- Và lớp đàn em, lớp con cháu sẽ phải nai lưng ra để trả nợ?
- Không sai! Trong khi cán bộ công nhân của các công ty Lâm nghiệp điêu đứng thì quyền trong tay họ, họ cứ vung vẩy như thế không kêu sao được. Thực ra đấy cũng là tình trạng chung của các doanh nghiệp Quốc doanh chứ chẳng phải chỉ riêng ở Tổng công ty Lô Giang này. Không phải những người lãnh đạo họ không biết hay đần độn dốt nát gì nhưng tất cả chỉ vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đã làm méo mó nền kinh tế.
- Anh muốn nói, đấy là căn bệnh phổ biến của doanh nghiệp Nhà nước?
- Hiểu thế cũng đúng, việc tái cấu trúc, thay đổi hình thái sở hữu cho phù hợp làm được càng nhanh, càng sớm, càng tốt cho sức khỏe của nền kinh tế. Cũng có lúc Đức nghĩ thôi thì cứ ngậm miệng cho nó yên nhưng các giám đốc trẻ khác họ bảo đến bác là anh cả rồi mà chả nói thì chúng em sao dám nói. Để nói ra những điều này phải trăn trở lắm vì Đức biết rằng hành động của mình có khác nào nắm tay mình tự đấm vào mặt mình.
- Anh đã quyết liệt như vậy thì hãy cứ đi theo con đường của mình, sẽ còn nhiều trắc trở nhưng Hạnh cũng tin rằng con đường anh chọn là đúng đắn. Thôi, chúng mình đừng nói chuyện này nữa có được không?
- Thế thì còn có chuyện gì để nói.
- Văn chương chẳng hạn, hoặc chẳng nói gì, cứ ngồi im lặng với nhau dưới ánh sao này cũng tốt chứ sao. Hạnh sợ rằng sẽ khó còn có dịp chúng ta được ngồi với nhau như thế này nữa.
- Sao thế? Hạnh sắp xây dựng gia đình à?
- Hiểu thế cũng được.
- Thế thì đáng mừng quá đi chứ.
- Đáng mừng! nào, cạn một ly chúc Hạnh đi….ở bên Nga lạnh, cánh đàn ông uống rượu tốt lắm, phụ nữ cũng uống nhưng chỉ chút chút thôi… như hôm nay, Hạnh cũng muốn uống. Nhiều khi uống ngà ngà một tý, ngủ rất ngon…anh Đức hay thơ, có bài nào viết về rượu không.
- Có đấy, có những điều không biết tâm sự cùng ai thì đổ nỗi lòng vào ly rượu:
Nào xin nâng tiếp chén này
Duyên tình nhân thế mãi đầy chẳng vơi
Ừ thì một chén nữa thôi
Mộng mơ bay bổng bồi hồi lâm li
Lại thêm chén nữa ngại gì
Mặc cho nghiêng ngả vu vi đất trời
Uống đi cho cái sầu vơi
Bao nhiêu toan tính sự đời nhẹ tênh
Uống đi bạn, uống đi anh
Uống thêm chén nữa để thành người tiên…
Rồi bỗng im bặt, không ai nói với ai điều gì. Hai người yên lặng nhâm nhi những kỷ niệm xa cũ, thỉnh thoảng lại nâng ly. Đức cảm thấy Mỹ Hạnh là lạ, hình như trong lòng nàng chứa chất một tâm sự gì bí ẩn nhưng không tiện hỏi. Hai người vẫn cứ yên lặng nhìn nhau và ngắm sao trời. Những ngôi sao gần lấp lánh, những ngôi sao xa tỏ mờ nhiều lúc nhòe đi trong mắt Hạnh…
Mời bạn đọc xem các chương khác ở đây:
Người gửi / điện thoại