bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 14
Trong ngày: 111
Trong tuần: 1582
Lượt truy cập: 778032

XUYÊN QUA CÁNH RỪNG 11

 Cầm Sơn

XUYÊN QUA CÁNH RỪNG (11)

   Việc Tùy được đề bạt lên làm giám đốc công ty Tứ Lâm thay Đức về nghỉ hưu là chuyện bình thường bởi Tùy đã từng làm phó giám đốc đến hơn chục năm, không một địa chỉ cụ thể nào trong địa bàn hoạt động của công ty mà Tùy không nắm rõ. Nó chỉ bất ngờ một chút bởi bỗng dưng Đức đột ngột xin nghỉ hưu trước tuổi. Tuy đã làm phó giám đốc giúp việc cho Đức nhiều năm nhưng khi thay Đức, phải làm việc độc lập, Tùy vẫn thấy có phần như bị hẫng hụt đâu đó, nhiều việc lúng túng không biết xử lý ra sao, nhiều việc quyết rồi vẫn cảm thấy hình như chưa đúng. Chính vì thiếu tự tin nên mọi việc lớn bé của công ty hầu như đều do Lệ điều hành. Là phụ nữ nhưng tính cách hiếu thắng lại là kế toán trưởng nắm tiền bạc trong tay, nhiều người phải kính nể để được việc nên lúc nào Lệ cũng coi những suy nghĩ của mình, cách làm của mình là đúng, là trên hết không chịu nghe ai. Thời Đức còn làm việc Lệ luôn bị ấm ức bởi không thể vượt mặt ông giám đốc đã bàn giao chức kế toán trưởng cho Lệ nên khi Đức xin nghỉ hưu, Lệ mừng đến mức đứng giữa sân công ty nói lớn “ Lão Đức hết thời rồi”.
   Ngồi trong chiếc xe Toyota fortuner mới được Tổng công ty cho mua thay chiếc xe cũ của Đức thường đi, Lệ nói với Tùy:
- Về tổ chức sản xuất, khâu Lâm sinh bãi bỏ việc giao đất khoán rừng cả chu kỳ cho các hộ, đến lúc thu hồi sản phẩm rất phức tạp, nhiều hộ dân họ tỉa cây bán trộm rồi chây ì trả không đủ gỗ theo hợp đồng thì công ty cũng chỉ nắm đằng lưỡi. Từ nay chỉ thuê người dân làm theo công đoạn, làm theo hình thức này thì lại còn rút được cái khoản chênh lệch giữa thuê khoán theo giá rẻ với giá dự toán cho thanh toán còn trang trải bao nhiêu thứ việc không vào danh mục nào, mấy lại anh em mình cũng còn phải có thu nhập nữa chứ.
- Việc ấy không thể thay đổi đánh đùm một cái mà phải làm dần dần, tôi còn thông qua trong Thường vụ nữa chứ.
- Thường vụ với chính vụ gì, chẳng qua chỉ là hình thức, anh vừa là giám đốc vừa là bí thư Đảng ủy ai dám chống lại anh. Bây giờ anh cầm cờ anh cũng phải thể hiện mình, phải tạo ra cái mới chứ việc gì phải theo vệt xe đổ của lão Đức.
- Ngày xưa ông Đức vừa giao đất vừa thuê khoán công đoạn, kiểu tổ chức sản xuất hỗn hợp ấy có cái hay của nó.
- Nhưng mấy nghìn mét khối gỗ không thu được thì anh nghĩ sao?
    Tuỳ chưa trả lời ngay câu hỏi của Lệ. Ngày anh Đức còn làm việc anh ấy đã có trao đổi việc này, bởi lúc ban đầu giao khoán, khi ấy còn gọi là lâm trường, cán bộ nghiệp vụ tính toán không hợp lý, họ dựa vào kết cấu dự toán cho rằng toàn bộ các yếu tố chi phí chung là của lâm trường nên họ đưa ra con số là cứ nhận sáu mươi mốt ngàn đồng thì cuối chu kỳ cả gốc lẫn lãi phải trả một mét khối gỗ, trong khi đó giá nguyên liệu tại thời điểm ấy là ba trăm chín mươi ngàn đồng một mét khối. Một bài toán đơn giản trừ cước vận tải và khai thác hợp lý một trăm bốn mươi ngàn đồng còn hai trăm năm mươi ngàn đồng. Như vậy lâm trường lấy gấp hơn bốn lần so với lúc đầu tư, Trong khi đó lãi suất ưu đãi lâm trường vay đến cuối chu kỳ phải trả Ngân hàng cả gốc lẫn lãi chỉ bằng một trăm sáu mươi phần trăm. Lâm trường ăn không nhiều thế? Bấy giờ dân họ đâu có hiểu, cứ thấy ký được lấy tiền là tốt rồi nên đến khi phải trả gỗ mới té ngửa ra là thiệt thòi quá. Vì mình đã thiếu sòng phẳng với dân lúc ký hợp đồng nên đến khi thanh lý họ cũng không sòng phẳng với mình. Gọi là không thu được nhưng thực chất giá thành các năm đã cõng hết lượng gỗ ấy rồi. chẳng qua có ghi cũng chỉ là  theo dõi ngoài bảng tổng kết tài sản. Tưởng giám đốc là dân kỹ thuật không biết nên cô này định gây áp lực đây. Sau này giao khoán cả chu kỳ, ông Đức đã cho tính toán lại, bình đẳng, sòng phẳng. Mà đã bình đẳng rõ ràng thì dân họ sẽ vui vẻ thực hiện.
- Mấy nghìn mét khối gỗ không thu được, thế nó nằm ở chỗ nào trong bảng tổng kết tài sản?
- Nó nằm chỗ nào thì anh cần gì phải quan tâm.
- Tôi là giám đốc, tôi phải biết việc đó chứ.
- Thôi, không nói chuyện ấy nữa. Cái việc giao đất khoán rừng cả chu kỳ cho dân anh nghĩ sao?
- Tiếp tục giành một phần trong kế hoạch để giao cho dân cả chu kỳ. Cách ăn chia sản phẩm phải tính toán cho sòng phẳng như anh Đức đã từng làm.
- Nếu không nghe thì tuỳ anh, còn bao nhiêu cái phải lo anh tự lo lấy. Em xin chịu!
   Lệ bậm bục, lấy túi quýt  mới mua trước lúc lên xe ra bóc. Cô thừa hiểu dẫu nói thế nhưng Tuỳ vẫn phải chiều theo ý cô, không có bàn tay cô, đố Tùy làm được việc gì.  Hừ! ký theo kiểu lão Đức thì công ty ăn gì. Còn bao nhiêu thứ phải chi tiêu. Ví dụ cứ mỗi lần ra làm việc ngoài Tổng công ty Tùy đều phải lót tay cho Hoàng khi thì hai ba triệu, khi thì năm bẩy triệu , những khoản ấy chi vào đâu, phải lấy từ  chênh lệch trong thuê khoán chứ, mà lại hoàn toàn hợp pháp, không thanh toán vượt dự toán, có đến kiểm toán giời cũng chẳng làm gì được. Ngày xưa khi Hoàng còn làm giám đốc dưới công ty Xuân Lâm anh ấy có giao khoán cả chu kỳ cho dân đâu. Có chăng chỉ trong nội bộ hàng ngũ cán bộ chủ chốt. Bây giờ quân tướng bên ấy người nào cũng có năm ba chục héc ta rừng. Tiền ở đấy mà ra chứ đâu,  còn trông  chờ vào mấy đồng lương còm thì làm được gì. Tới đây không làm kiểu ấy cũng không được, chính anh Hoàng sẽ có quy định về việc ngừng giao đất khoán rừng cả chu kỳ, hôm nọ anh ấy đã nói như thế rồi. Có điều giao đất khoán rừng là chủ trương của Chính phủ nên không thể cấm mà chỉ khuyến cáo các công ty không  áp dụng thôi.
 Lệ đưa cho Tuỳ một quả quýt đã bóc vỏ rồi dịu dọng:
- Việc không giao cả chu kỳ cho dân không phải là ý của em mà là của anh Hoàng đấy, mình là cấp dưới, đừng dại gì mà làm trái ý cấp trên. Cứng cựa như ông Đức mà còn phải đổ nữa là.
- Xem ra cái gì cô cũng biết, hơi bị nhọn đấy. Chẳng phải âm mưu lật đổ ông Đức cũng là có phần tích cực của cô hay sao.
- Ngày ấy em phải dục ồi ồi mấy lần anh mới chịu ra báo cáo về việc lão Đức nói xấu lãnh đạo Tổng công ty. Lão ấy còn bảo rồi sẽ viết truyện về cái Tổng công ty này. Có phải lúc nào mình cũng nói được đâu, chắc gì cấp trên họ đã tin mình, họ lại cho là mình kèn cựa. Đằng này có cả ông Lập, ông Vũ Quý cùng nghe, anh có nói với ông Hoàng thì ông Hoàng cũng sẽ kiểm tra thông tin qua ông  Lập, ông Quý, mà những ông này không thể nói khác, thế là anh sẽ được cấp trên tin tưởng. Mà có thế mới hạ gục được lão Đức để anh ngồi vào cái ghế ngày hôm nay chứ.
  Với tay kéo thắt dây bảo hiểm theo lời nhắc nhở của lái xe, Tuỳ nghĩ cô này lại kể công đây. Đâu có phải như lời cô ấy nói, làm sao chỉ vì những thứ vu vơ ấy mà hạ gục được anh Đức, mà sao cô ta lại nghĩ đấy là một cuộc lật đổ, hẳn là trong bụng cô ta có ý đồ ấy thật. Với anh Đức, dù rất khắt khe kể cả đối với Tuỳ nhưng dẫu thế nào thì Tuỳ cũng vẫn luôn kính trọng và cảm phục sự chuẩn mực, luôn tôn trọng nguyên tắc sống do anh đặt ra cho chính bản thân mình. Là phó giám đốc phụ trách sản xuất, có những lô rừng trồng mới chưa đạt yêu cầu chất lượng do chỉ đạo lơ là bị anh nói mất mặt, đôi khi Tuỳ cũng thấy ấm ức, khó chịu. Nhưng anh lại nói “ Cũng là vì các cậu cả thôi, nói bây giờ các cậu ghét nhưng rừng có năng suất cao hay thấp thì được hưởng hay phải chịu cũng là các cậu. Lúc ấy tôi nghỉ hưu lâu rồi” Còn nhớ năm ngoái, khi giá nguyên liệu nhập vào nhà máy hạ thấp, anh Đức đã chỉ đạo cho hạn chế khai thác để chờ giá lên, chính vì thế mà đến giờ công ty Tứ Lâm còn có cả một năm gỗ để dành chưa đẵn, tiền đấy chứ đâu. Đối với anh Đức, sự ổn định và phát triển bền vững của công ty được đặt lên hàng đầu. Anh thường nói “ Công ty có vững vàng thì chúng ta mới tồn tại, làm ăn lơ mơ, sập tiệm, không lo nổi đời sống cho công nhân thì mỗi người một nẻo và tội trước hết là ở anh giám đốc đứng đầu chứ không thể đổ lỗi cho cơ chế hay cho bất cứ ai khác ” Ngược lại với anh Đức, ông Hoàng bên Xuân Lâm, trước khi được đề bạt lên cấp Phó Tổng giám đốc, ông ta đã cho khai thác hết một năm trước tuổi rừng thuần thục. Sự tiến bộ của ông Hoàng xem ra cũng bắt nguồn từ những việc làm mà người đời cho là “khôn ngoan” ấy.
- Thực lòng tôi vẫn thấy không phải với anh Đức
- Không phải cái nỗi gì, anh nói đúng chứ có phải bịa ra đâu. Cứ để lão ấy làm thêm nữa thì bọn mình nghèo rớt. Cuối đời lão ấy đâm thành gàn dở. Bản thân lão ấy cũng từng làm kế toán trưởng, lão ấy phải biết đụng độ với kế toán trưởng thì sẽ thế nào chứ. Lão ấy phải trả giá thế là đáng đời lắm.
- Nhưng có phải anh ấy không chú ý đến bọn mình để lấy riêng cho anh ấy đâu, những khoản tiết kiệm từ nguồn trồng rừng đều chi cho xây dựng  nhà cửa, đường xá nên công ty hôm nay mới khang trang thế này chứ. Tôi không nghĩ là ai có thể lật đổ được anh ấy,  anh ấy xin nghỉ là do anh ấy thôi, việc này anh ấy đã tâm sự với anh Tâm phó bí thư, chủ tịch công đoàn từ nhiều tháng trước khi anh ấy xin nghỉ.
- Trên thì ông Hoàng, ông Chu Tài không ưa, dưới thì quân sĩ không ủng hộ, không nghỉ mà được à. Lão ấy xin nghỉ là lão ấy còn khôn lắm đấy. Làm ăn bây giờ người ta đều phải nhìn trên dưới ngang dọc, nhìn các mối quan hệ xem nó ra làm sao mà ứng xử. Không hòa nhập được với nhóm, không cùng hội cùng thuyền thì phải bật ra chứ còn sao nữa.
- Sao trước đây anh Đức còn làm việc cô không nói những điều ấy, tôi chẳng thấy cô có vẻ gì chống đối anh ấy cả.
- Chống ngầm chứ ra mặt thì lại chết như lão ấy bây giờ à. Mà cả anh cũng có nhiều cái ngấm ngầm chống lão ấy đấy chứ.
- Tôi đâu có chống anh ấy, chẳng qua những gì tôi thấy không thỏa đáng thì không làm thôi.
- Thôi đi anh ạ, bây giờ ai chẳng mũ ni che tai, gió chiều nào che chiều ấy, đã yếu mà còn ra gió thì cảm lạnh chết là đúng rồi.
- Nhưng phải công nhận anh Đức anh ấy làm rất chặt chẽ, ông Hoàng cho cả đoàn cán bộ vào thanh tra có làm được gì ông ấy đâu, phê bình mấy cái vặt vãnh cho nó có vì thế thôi chứ. Còn cô, tôi thấy cô làm nhiều cái liều lắm.
- Bây giờ ở đâu cũng thế cả. Cái lão Đức ấy nó nhát xít thì nó thế chứ lo gì. Công ty mình bằng cái nứt muỗi ai thèm nhòm ngó, mà anh không nghe người ta nói     “ Thanh  cha thanh mẹ thanh gì, hễ có phong bì là nó thanh kưu”. Thử hỏi bây giờ có anh Quốc doanh nào mà làm đúng trăm phần trăm theo hàng mớ các quy định có từ thời Xã hội chủ nghĩa? Phật ý cấp trên, họ bới ra thì đến ngay như người đàn bà nổi tiếng châu Á đã từng được phong anh hùng lao động, đến tận lúc nghỉ hưu vẫn không chồng không con, không nhà ở, suốt đời làm giám đốc Nông trường  chỉ lo cho đời sống của người  nông dân mà cũng phải vào tù kia kìa, mà dở luật ra thì họ xử tù cũng đâu có sai. Ngạn ngữ chẳng có câu “Bói ra ma, quét nhà ra rác” đấy sao. Bên trên có người đỡ rồi thì chẳng phải sợ gì cả, mà muốn cho bên trên họ đỡ mình thì  ăn chia cho sòng phẳng, kiếm được cái gì thì cứ báo cáo thẳng thắn rõ ràng, phần nào cống nộp cấp trên, phần nào ban phát  kẻ dưới. “ Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”, như thế chả là minh bạch, công bằng đấy hay sao. đối với cánh thanh tra thanh bố  thì cứ mềm mỏng, tuỳ từng vụ việc  mà lựa phong bì nặng nhẹ, chẳng có thằng nào chết đâu mà sợ.
- Là tôi vẫn phải nhắc nhở cô
- Anh sợ thì cứ để đấy em làm. Anh chỉ việc ngồi mà ký thôi. Có cái quái gì to tát đâu. Trên đời này chẳng có thằng dở hơi nào mà lại đi chê tiền.Việc gì cứ có tiền là xong hết.
   Lệ về rồi, Tùy ngồi một mình suy ngẫm. Ông Đức là dân kinh tế mà còn thúc thủ với cô này, mình là dân kỹ thuật kiểm soát thế nào được kế toán trưởng. Trước khi nghỉ ông Đức cũng có dặn phải thận trọng với cô Lệ, cô ấy tính hiếu thắng, hay lạm quyền, làm kế toán trưởng hơi nhọn một tí cũng tốt nhưng thiếu trung thực thì phải cảnh giác, nghiệp vụ thì dốt, thời buổi này đến cái máy vi tính cũng không biết sử dụng những ứng dụng thông thường nói chi đến phần mềm kế toán, mọi việc đều phụ thuộc vào cấp dưới, ấy thế nhưng lại mồm năm miệng mười, giỏi bày đặt mưu mô lắt léo, những thủ thuật tinh vi để luồn lách hợp lý hóa những việc làm sai. Kế toán trưởng cũng chỉ là cấp dưới. Mọi việc khó nghĩ thì nên bàn bạc thống nhất trong thường vụ, đừng cái gì cũng nghe theo kế toán trưởng. Không phải cậy nắm giữ mấy đồng tiền mà muốn làm gì thì làm. Đành rằng tiền bạc có thể chi phối được nhiều người phải lệ thuộc vào nó nhưng lạm quyền làm ẩu, vun vén cho cá nhân thì không thể chấp nhận được. Điều quan trọng nhất là phải hết sức quan tâm đến đời sống của người lao động, không  chỉ có cán bộ công nhân của công ty mà còn phải chú ý đến  các hộ dân đang ký hợp đồng cả chu kỳ với công ty nữa, dân gian thường nói mình ăn bát cơm thì cũng phải nghĩ cho người khác bát cháo, các cụ ta xưa lại còn dạy “Tửu trung bất ngữ chân quân tử - Tài thượng phân minh đại trượng phu”. Là người được Nhà nước cho ôm một đống tiền nên mình phải đứng trên đồng tiền mà phân phối cho công bằng, minh bạch thì người đời mới nể phục chứ còn nằm trong đống tiền mà lùng nhùng nhập nhèm mờ ám thì dù chức tước to đến mấy người đời cũng vẫn cứ  khinh miệt. Lời ông ấy nói cũng đúng nhưng hôm  ông Hoàng vào họp với cán bộ công ty công bố quyết định thay giám đốc ông ấy nói ông Đức không còn phù hợp với cơ chế thị trường nên đã xin nghỉ. Xem ra cách nghĩ của ông Đức na ná như kiểu ông đồ kẻ sĩ cổ hủ ngày xưa, không phù hợp với cơ chế thị trường bây giờ thật. Cô Lệ cô ấy cũng có cái lý của cô ấy, ý cấp trên thế thì mình phải theo dại gì mà làm ngược để rồi không phải đầu cũng phải tai. Bây giờ xem ra ông Hoàng có vẻ thân mật với cô ấy, chủ trương gì ông Hoàng mới nghĩ ra cô ấy đã biết, cũng không thể không nghe cô ấy được. Mà cô ấy là kế toán trưởng cũng là người phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, cô ấy cũng phải lo cho cái thân cô ấy chứ. Thôi thì cứ mặc cô ấy làm, đỡ suy nghĩ mệt cái đầu. Bây giờ cơ chế thị trường, người nào cũng phải tự lo cho cái thân mình trước đã. Có khấm khá thì mới nghĩ được cho người khác, đối với người lao động thì cứ cố gắng thanh toán sòng phẳng là tốt rồi chứ lo đâu được xa hơn. Đúng là phải giải tán cái xưởng xẻ thật, lo nuôi đến gần ba chục công nhân mà chả mang lại lợi ích vật chất gì, đã thế lại còn hay thắc mắc. Theo đề xuất của cô Lệ là cứ chuyển tất cả đi hai đội trồng rừng thuộc xã Mường Lai và  Mường Khả, trong ấy còn nhiều đất, công ty vẫn lo công ăn việc làm cho công nhân đấy chứ.  Anh chị nào không đi thì phải có đơn xin nghỉ tự túc. Hai nơi ấy ở sâu xa, trường học cho trẻ con không có chắc chắn là chẳng ma nào đi, như thế công ty vẫn không phải lo thêm kế hoạc trồng rừng, cho nghỉ được hàng loạt công nhân mà không vi phạm luật Lao động. Gỗ bồ đề trước đây ông Đức đã xin phép được Tổng công ty cho sử dụng sang chế biến để lo công ăn việc làm cho công nhân thì nay bán cho thương lái giá rất cao vì  nhu cầu cho thị trường gỗ bóc đang cháy, gỗ bồ đề bây giờ ngoài thị trường còn cao hơn cả gỗ keo trong khi đó giá gỗ bồ đề vào nhà máy chỉ bằng hai phần ba giá gỗ keo. Chỉ cần hạch toán bằng giá giao nhà máy cũng rút được chênh lệch giá mấy trăm triệu, việc gì cứ phải chạy ngược chạy xuôi lo tiêu thụ gỗ chế biến để nuôi một lũ chỉ biết thắc mắc kêu ca mà bản thân thì lại chả được cái gì. Đã gọi là cơ chế thị trường thì cứ cái gì có lợi là làm, cái gì không mang lại hiệu quả thì dẹp. Ông Đức không phải là người dốt nhưng rõ ràng là không còn phù hợp với cơ chế thị trường bây giờ thật. Ông ấy lo cho người lao động nhưng ai lo cho ông ấy, cấp trên nó duyệt cho ông ấy được tự xử lý gỗ bồ đề thì cũng phải cống nạp cho nó chứ, giá chênh lệch giữa nhà máy với thị trường thì nó biết nhưng đem chế biến để lo công ăn việc làm, lo thu nhập cho người lao động thì không còn cái chênh lệch ấy nữa, cấp trên nó có biết đâu việc ấy, nó cho rằng anh ăn tham, ăn dầy không biết xử xự trên dưới, làm sao nó còn có thể ủng hộ anh. Cứ thẳng băng như cô Lệ cô ấy nói lại hay, sòng phẳng, rõ ràng, cấp trên đồng ý thì duyệt, thì có phần,  không đồng ý thì thôi, cùng nghỉ khỏe, chẳng ai nghi kị, tị nạnh ai đâm ra lại thành đoàn kết, vui vẻ, mà đã đoàn kết thì việc gì cũng thành công. Đất nước này ai mà chả được răn dậy cái sự quan trọng của hai từ “Đoàn kết”.
 
     Ban đầu là bán thanh lý máy móc, thiết bị của cái xưởng xẻ. Tài sản của xưởng này ngày trước chỉ hạch toán có một tỷ đồng lấy từ quỹ Xây dựng cơ bản tập trung nhưng xưởng này còn được đầu tư khá nhiều từ nguồn quỹ tiết kiệm nên khi bán thanh lý khoản ấy lại được rút ra để ngoài sổ sách. Cái ô tô Hoàng hứa thanh lý bán cho Đức lẽ ra thu được gần ba trăm triệu thì chính ông Hoàng lại giới thiệu người của ông ấy vào mua với giá chưa đầy hai trăm triệu. Lệ nghĩ, Theo lộ trình thì kỳ này không thể lần lữa được nữa, dứt điểm phải tiến hành cổ phần hóa toàn Tổng công ty. Nếu đến khi đoàn kiểm kê đánh giá giá trị tài sản của Nhà nước vào thì bao nhiêu những tài sản thuộc nguồn quỹ tiết kiệm họ cũng sẽ đưa vào phần tài sản của Nhà nước. Mình phải vất vả, đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có, chả dại gì để cho Nhà nước họ thu. Bây giờ phải tranh thủ bán đi mà đưa về thu nhập cho anh em. Bên công ty Mai Lâm họ xin kinh phí Xây dựng cở bản chuyển một đội sản xuất vào trong rừng còn khu văn phòng đội cũ ngoài thị tứ thì cho bán đi, cái đội cũ này ngày trước cũng xây dựng bằng quỹ tiết kiệm không có trong bảng tổng kết tài sản, vì ở gần đường nên khi bán được giá cao, còn làm nhà đội trên đất rừng của công ty thì chả mất đồng nào, chả phải xin phép ai, thu được khối tiền, cống nộp cho ông Hoàng một phần còn lại đem chia nhau tắp lự luôn. Bên mình cũng có mấy việc cần làm. Một là hai lô đất ngày xưa ông Đức cho mở rộng  làm vườn ươm.  Một miếng ở sát đường Quốc lộ, một miếng ở ngay thị trấn, tranh thủ nhanh Phòng Địa chính huyện mà cắt ra  cho cán bộ làm nhà cũng có nguồn thu. Hai là cho bán bỏ cái nhà sàn gỗ ngày xưa ông Đức dựng làm nhà Văn hóa, nó chả phục vụ gì cho sản xuất lại còn chĩa cái đầu hồi vào sảnh nhà giám đốc đang ngồi. Về mặt phong thủy là kiêng lắm. Ngày trước ông Đức cho làm thế nên cái ghế của ông ấy bay mất là đáng đời. Lệ nói với Tuỳ:
- Phải cho bán thanh lý cái nhà sàn đi anh ạ, nó chọc cái đầu đốc vào sảnh nhà Giám đốc thế kia là độc địa lắm.
- Để tôi báo cáo xem ý ông Hoàng thế nào cái đã
- Em chưa trình bày hết ý thì ông Hoàng đã đồng ý luôn rồi. Ông ấy còn hứa sẽ giải quyết cho xây một cái nhà cấp bốn thay thế vào chỗ ấy bằng nguồn vốn Xây dựng cơ bản tập trung nữa kia.
- Cô chỉ được cái cầm đèn chạy trước ô tô
- Thế thì nhẹ việc cho anh quá còn gì nữa. Đã bảo chỉ việc ngồi ký rồi hưởng thành quả chả sướng hay sao.
- Việc này tôi phải nói qua với anh Đức.
- Ông ấy nghỉ từ tám đời nào rồi, Bây giờ là quyền ở mình, việc gì mà phải báo cáo báo cầy với cái bóng ma ấy nữa.
- Hồi trước mình cho bán khu nhà ở đội Mường Nga để lấy tiền xây nhà mới chuyển đội vào gần rừng, ông ấy thấy hợp lý nên ủng hộ không có ý kiến gì. Nay bán cái nhà Văn hóa giữa văn phòng công ty do người ta xây dựng bằng tiền tiết kiệm chi phí thì cũng nên trao đổi với người ta một câu. Mất gì câu nói.
- Cái đó tùy anh, nhưng nghe nói ông ấy đang đi học lớp bồi dưỡng viết văn tận Yên Bái , Lào Cai gì ấy cơ. Đợi ông ấy về thì có mà người ta đến kiểm kê tài sản xong rồi.
- Không sao, tôi sẽ gọi điện thoại cho ông ấy. Cũng chỉ cần có nói với nhau thôi, còn việc của mình thì mình cứ làm chứ.
- Còn một việc nữa, anh Hoàng sẽ cho người của anh ấy sang mua. Anh ấy bảo sẽ trả tiền sòng phẳng và không phải phong bao cho anh ấy nữa. Cái phần được mua thanh lý là phần của sếp rồi
- Ông ấy định lấy làm gì
- Ơ cái anh này không biết à, anh ấy có mấy chục héc ta rừng bên Xuân Lâm. Đang cần có một cái nhà sàn làm trang trại cho mấy đứa cháu trông coi.
- Hóa ra là cũng đều có mưu mô sếp đặt cả. Trò này lại là do cô tham mưu để tâng công với ông ấy chứ gì
- Thì được lòng sếp có mất gì đâu, mọi người cùng có lợi đấy chứ. anh ấy bảo sẽ trả tám mươi triệu. Rẻ một tý nhưng bán cho anh ấy thì tiền này chia nhau luôn, chẳng phải vòng vo tam quốc mà cũng chẳng phải sợ cái con mẹ hàng lươn nào nữa.
- Gọi là nhà sàn nhưng thực chất nó là một ngôi nhà hai tầng bằng gỗ táu mật. Trả tám mươi triệu, sếp ăn dầy quá rồi còn gì.
- Thì ai dám mặc cả với sếp. Mấy hôm nữa người của anh ấy sang thì em cứ thế  làm việc với họ nhé. Anh không phải quan tâm nữa đâu. Bán cái nhà này có cần phải văn bản văn biếc, ký cốc gì đâu mà lo.
  Gần một tháng sau không thấy Lệ báo cáo gì về cái nhà sàn. Tùy gọi Lệ lên phòng giám đốc trao đổi thì Lệ bảo người của anh ấy đã sang trao đổi rồi. Anh ta bảo theo ý của anh Hoàng là việc này cần thận trọng một tý, cứ từ từ còn nghe ngóng cái đã, không việc gì mà phải vội. Bây giờ công ty cho phổ biến chủ trương bán cái nhà sàn vì nó bị mối xông hư hỏng nặng để thay thế bằng một ngôi nhà xây. Cho chủ trương và họp hành ngay hàng thẳng lối rồi rao bán cho nó dân chủ, công khai. Còn sau cùng mình bán thế nào, bán cho ai là do ở mình. Lệ hỏi Tùy:
- Thế anh đã gọi cho ông Đức chưa
- Tôi gọi cho ông ấy ngay từ chiều hôm trao đổi với cô. Ông ấy đang ngồi trong lớp học nên bảo việc đó phải hỏi ý kiến lãnh đạo Tổng công ty chứ gọi cho ông ấy làm gì.
- Đấy, em đã bảo là không cần trao đổi với lão ấy mà. Về hưu lâu rồi, lão ấy quan tâm gì đến việc của công ty nữa
- Ngày mai họp giao ban với các đội tôi sẽ cho công bố việc này. Có điều dỡ cái nhà ấy đi rồi thì phải xây ngay cái khác thay thế. Mọi thủ tục phê duyệt xây nhà mới cô phải lo  hoàn thiện nhanh đi.
- Đã bảo là thống nhất với ông Hoàng rồi, cái đó mới quan trọng chứ thủ tục giấy tờ thì phút mốt là xong.
  Tân là cán bộ công ty mới xin nghỉ hưu trước tuổi, Tân có một vườn rừng rộng mươi héc ta. Nghe tin công ty Tứ Lâm bán  nhà sàn thì đến công ty hỏi mua. Được hướng dẫn là việc này phải gặp cô Lệ. Tân đến phòng Lệ trao đổi thì Lệ bảo đúng là có chủ trương bán nhà. Tân hỏi:
- Thế bán thì giá là bao nhiêu để còn lo tiền
- Giá phải đợi Tổng công ty phê duyệt. Bây giờ anh cứ viết một cái đơn đăng ký mua để lại đây, bao giờ có giá được phê duyệt thì em sẽ thông báo.
  Tân vừa ra khỏi cửa thì Quang và Minh từ bên Xuân Lâm đến. Sau khi vui vẻ mời hai người ngồi uống nước, Lệ hỏi:
- Thế hôm nay hai cậu định trao đổi gì?
- Chúng em sang xem các anh chị bên này đã tiến hành làm thủ tục đến đâu rồi.
- Nhà làm bằng quỹ tiết kiệm, có quái gì mà phải thủ tục.
- Chú Hoàng dặn phải có đầy đủ thủ tục thanh lý, đủ các chữ ký cần thiết đảm bảo sau này không có eo xèo khiếu kiện gì. Phải có cả phiếu thu tiền còn thu vào quỹ nào thì tùy.
- Chú Hoàng nhà các cậu cẩn thận quá. Được rồi, việc ấy trong nháy mắt thì xong. Lo nộp tiền rồi dỡ nhà.
- Cũng chưa vội, còn phải xem ngày giờ, mấy lại còn phải lo mặt bằng nơi dựng nhà nữa.
- Thế thì về mà xem ngày đi, khi nào nộp tiền, dỡ nhà thì a lô sang trước, chị sẽ làm sẵn thủ tục chờ các cậu.
   Nhân tiện tiễn khách, Lệ thuận chân đi luôn xuống chợ. Chợ Vường là chợ của một cụm mấy xã ở ngay cạnh văn phòng công ty, chỉ có điều văn phòng công ty ở trên cao nên vẫn giữ được yên tĩnh, còn Lệ thì lại thích sự ồn ào, Lệ thường la cà dưới chợ, hết hàng vải lại đến hàng rau, hết hàng gà lại sang hàng cá. Không ai là người chạy chợ mà Lệ không quen. Chuyện to chuyện nhỏ trong xóm ngoài huyện thông tin chưa ra khỏi ngõ Lệ cũng đã biết. Mấy nhà xóm chợ thường gọi Lệ thân mật là bà Thông tấn xã chợ Vường. Lệ thấy hãnh diện và tự hào về cụm từ ấy lắm. Lệ đặc biệt thích nấu nướng, thấy ở chợ có loại thực phẩm gì hay hay lạ lạ là nhất thiết phải mua bằng được mang về bếp ăn văn phòng công ty thưởng thức xem nó ra sao. Chi phí thì  nửa tháng, một tháng sau Lệ mới bảo bên hành chính đút nhét vào những bữa cơm tiếp khách lấy tiền trả lại cho Lệ. Khách đến công ty hết đợt nọ đến đợt kia, ngoài Lệ với hành chính ra ai biết đâu mà quản. Mấy tay bợm nhậu cánh mày râu thì ra công khen lên khen xuống “ Bà chị  trông thon thon hình vại thế mà nhanh đáo để, nấu nướng thì khỏi nói, hết chê, vừa ngon vừa lạ. Đầu bếp hạng siêu nổi tiếng cũng chỉ đến thế là cùng”. Lệ lại càng hứng chí, lại càng thích xuống chợ ,vào bếp trổ tài. Thời Đức còn làm việc đã phải ra quy chế nghiêm cấm bếp ăn không được tự ý bày vẽ ăn uống thì khi nào Đức đi công tác vắng mấy tay bợm rượu lại tung hô, tôn vinh “đầu bếp hạng siêu”. Dạo quanh một vòng chợ, Lệ đang định xà vào đám túm năm tụm ba chỗ hàng cá thì lão Sủng bán thớt gọi giật lại:
- Này bà Thông tấn xã chợ Vường, lại đây cho tôi hỏi một câu.
- Hỏi gì thì cứ nói, có việc gì hay ho đâu.
- Thế bà không biết việc gì thật à?
- Việc gì?
- Thế là Thông tấn xã hôm nay thua thằng Sủng mặt thớt này rồi nhé. Cho xin cút rượu đây nói cho mà biết.
- Chỉ vớ vẩn, mất việc.
- Nói vậy thôi, cả làng cả xóm này người ta um lên rồi đấy..
- Um xùm cái gì, có thấy gì đâu.
- Có một bài báo của ông Đức đăng trên trang mạng Hội Lâm nghiệp viết về cái nhà Văn hóa của công ty bà, chả biết thằng cha nào vào mạng nó thấy hay hay in ra giấy đang truyền tay nhau đọc kia kìa. Về mở mạng ra mà xem.
     Khỉ thật, không biết cái lão Khốt – Ta - Bít thối thây này tưởng đã im hơi lặng tiếng từ lâu nay lại bỗng dưng dở quẻ gì đây. Bực quá đi mất, Lệ buông một tiếng chửi:
- Tiên sư cha cái thằng đầu bạc, về hưu  rồi mà vẫn còn báo hại bà.
 Lệ chạy về công ty lên thẳng phòng giám đốc. Tùy không có ở phòng làm việc, Lệ trở về phòng mình bảo nhân viên vào trang Website của Hội Lâm nghiệp tỉnh tìm bài của Đức rồi in ra một bản cho mình. Lệ rút điện thoại gọi Tùy thì được biết Tùy đang ở dưới  vườn ươm gần  văn phòng công ty, Lệ bảo Tùy về gấp có việc. Tùy về, Lệ đưa tờ giấy có bài báo của Đức cho Tùy.
- Chả biết anh trao đổi với lão Đức thế nào mà lão ấy lại choảng một bài báo lên trang Hội Lâm nghiệp tỉnh đây này, anh đọc đi.
Nhan đề bài báo: Văn hóa và tiền bạc, tác giả Trần Mạnh Đức, nguyên giám đốc công ty Lâm nghiệp Tứ Lâm. Bài báo viêt:   
     “ Mỗi lần về quê, tôi không thể không đi qua khu vực Đình làng vì đấy là con đường dẫn đến xóm nhà tôi và chính vì thế không thể không ngắm cái hậu cung của ngôi Đình còn sót lại. Ngày nay, tại sân Đình người ta cho xây một ngôi nhà hai tầng vuông góc với cái hậu cung làm Nhà Văn Hoá của làng . Mặc dù cái hậu cung ấy không có tác dụng gì và lối kiến trúc cổ xen lẫn với hiện đại làm cho tổng thể cảnh quan khu Nhà Văn Hoá  bừa bộn, chẳng mỹ quan chút nào. Nhưng không ai dám, dù chỉ là trong ý nghĩ chứ chưa nói đến việc xuống tay đập bỏ cái hậu cung.
 Theo lời kể  của những người lớn tuổi, vào khoảng những năm sáu mươi của thế kỷ trước, rất nhiều làng, xã trên đất nước này cho phá dỡ Đình, Chùa và họ biện luận đấy là hành động xoá bỏ tàn dư của nền văn hoá phong kiến. Làng tôi là một trong những làng như thế. Những cột Đình to đến hai người ôm cùng dầm, xà đều bằng lõi gỗ lim được hoá giá bán như cho. Tất nhiên là chỉ có cán bộ cốt cán mới được mua. Gần như ngay sau đó, ông chủ tịch xã bị “ Phải gió” mà bây giờ khoa học phát triển gọi là “Tai biến mạch máu não” thành người ngớ ngẩn. Bà vợ ông bí thư vừa ở ngoài đồng về bỗng thổ huyết lăn đùng ra chết. Tất nhiên những việc này chỉ là ngẫu nhiên nhưng người trong làng đều cho là tại vì dám đập Đình làng nên bị “Thánh vật”. Còn lại cái hậu cung do ít gỗ chưa bị đập. Và thế là chẳng “ Bố con thằng nào” dám ho hoe chờn vờn đến nữa nên nó còn tồn tại đến ngày nay và sẽ còn trường tồn cùng năm tháng để làm chứng tích cho giai thoại về sự trừng trị những kẻ phá Đình làng quê tôi.
 Hãy dạo quanh một vòng về các làng quê, ta thấy rất nhiều làng còn giữ được những ngôi Đình cổ mà ngày nay hầu hết đều được công nhận là di sản Văn Hoá cấp Quốc gia. Dân ở những làng này đều khá giả, con cháu học hành đỗ đạt cao, thăng tiến. Là vì sao? không bàn đến chuyện duy tâm ta cũng dễ hiểu rằng, khi cha ông họ không lợi dụng phong trào bài xích văn hoá phong kiến để kiếm chác chút lợi riêng thì đã thể hiện họ là những người có văn hoá, coi trọng văn hoá hơn tiền bạc, vậy thì con cháu họ phát triển là phải. Còn những làng phá dỡ Đình thì  hào, lý ở đấy coi mấy đồng bạc lợi dụng được ở việc phá Đình cao hơn danh dự. Văn hoá “Lùn” thế thì con cháu phát triển sao được. Có thể cũng có một vài người khá giả nhưng hầu hết rơi vào những người  sinh sống xa quê chứ người ở làng thì đều tậm tịt, khó khăn.
   Ngày nay, do kinh tế khấm khá, nhiều làng quê lại nghĩ đến việc khôi phục Đình làng. Đặc biệt những làng ngày trước đã có Đình bị đập phá thì việc xây lại Đình là niềm ấp ủ, khát khao của toàn dân cả làng, cả xã. Các dự án đề nghị đều báo cáo rằng ngôi Đình trước đây bị phá huỷ đều đổ lỗi do chiến tranh, không Pháp thì Mỹ tàn phá. Thôi thì cứ cho là như thế, chẳng đào bới quá khứ làm gì. Việc phục dựng những di chỉ văn hoá cha ông là việc nên làm, có điều cũng phải lựa sức mình, sức dân. Làm quá sức dân thì lại là việc làm vô văn hoá. 
  Hồi tôi còn làm Giám đốc công ty, lúc bấy giờ nhân dân trong vùng đua nhau bán bỏ những ngôi nhà sàn cũ mà họ đang sinh sống để lấy tiền làm nhà xây. Những nhà sàn này ùn ùn đổ về xuôi. Nguy cơ tiệt diệt nhà sàn ở vùng núi nhìn thấy trước mắt. Chúng tôi thường nói đùa với nhau: “ Mai kia con cháu người Mường, người Thái muốn xem ngôi nhà của cha ông mình sinh sống có lẽ phải về thủ đô Hà Nội mới có”. Là một doanh nghiệp có trụ sở ở quê hương của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc, tôi thấy cần có trách nhiệm đóng góp để giữ gìn bản sắc dân tộc trên địa bàn hoạt động. Tôi đã thống nhất trong Ban chấp hành Đảng uỷ công ty, lấy ý kiến ở hội nghị cán bộ chủ chốt và đều được mọi người tán thành cho làm một ngôi nhà văn hoá bằng gỗ, nhà sàn cách điệu mang dáng dấp những ngôi nhà của đồng bào các dân tộc thiểu số núi rừng Tây Bắc. Nguồn vốn từ khoản tiết kiệm đầu tư trồng rừng. Toàn bộ khung xương bằng gỗ táu mật, tường, sàn ốp bằng gỗ keo, gỗ thông, mái nhà được ốp gỗ sau đó mới lợp ngói Giếng Đáy lên trên. Tôi cứ đinh ninh rằng ngôi nhà bằng gỗ táu mật ấy sẽ  tồn tại với thời gian chí ít cũng được sáu trăm năm chứ không phải sáu năm với tư cách là Nhà Văn Hoá và cũng có thể hiểu nó như là một cái Đình làng.
   Khoảng hơn một tháng trước, đang ngồi học trong lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du ở Yên Bái, tôi nhận được một cú điện thoại của giám đốc công ty Lâm nghiệp Tứ Lâm. Ông ta nói: ‘ Cái nhà sàn nó bị hỏng quá, em cho bán để xây một ngôi nhà cấp bốn cho anh em ở”. Tôi trả lởi: “ Nếu có báo cáo thì báo cáo cấp trên anh chứ nói với tôi làm gì, bây giờ tôi đang bận học, xin phép nhé!”. Tất nhiên, bán một ngôi nhà giữa sân trụ sở văn phòng công ty mà không báo cáo cấp trên sao được? Cần nói thêm rằng, ngôi nhà này có xuất xứ nguồn vốn như trên đã nêu nên nó là tài sản nằm ngoài bảng tổng kết tài sản, thanh lý rất đơn giản và không loại trừ việc bỏ ngoài sổ sách. Còn xây lại bằng một ngôi nhà cấp bốn thì đã có vốn trích từ khấu hao tài sản có nguồn gốc từ Ngân sách Nhà nước. Bán ngôi Nhà Văn Hoá, vừa mang lại lợi ích nhóm vừa xoá được dấu vết văn hoá của người đi trước, được cả đôi đằng. Khá khen cho “Hậu sinh khả uý”.
  Từ ngày về hưu, tôi bận bịu với những trang viết và hầu như quên mất trước đây mình làm gì bởi nếu không lại mang tiếng là người soi mói. Nhưng việc này vì anh Giám đốc đương nhiệm gọi nên tôi đành phải viết mấy dòng. Buồn! Tôi buồn không phải vì những dấu ấn mình để lại bị tàn phá bởi dấu ấn văn hoá thì nó đã khắc hoạ vào lòng người rồi. Hình ảnh ngôi nhà sàn bằng gỗ táu mật ở giữa sân văn phòng công ty làm sao xoá được trong lòng người Tứ Lâm cũng như dân ở những làng quê bị phá Đình vẫn khát khao được phục dựng lại theo hình ảnh ngôi Đình làng cũ. Buồn vì những người kế nhiệm chỉ vì tham tâm mấy đồng bạc còm mà họ dám bán cả một  hình dáng văn hoá mà chỉ trước đây có mấy năm thôi, họ cũng đã từng là một thành viên trong Ban chấp hành Đảng uỷ nghị quyết cho kiến tạo dáng hình văn hoá ấy. Buồn vì kể cả người nào đó là cấp trên trực tiếp của họ cũng chỉ có tầm văn hoá “Lùn” thế thôi sao?! Nói dại, nếu chẳng may có ai trong số họ bất ngờ bị ” phải gió” hay “tai biến, tai nạn” gì thì câu chuyện sẽ lại giống cái giai thoại về Đình làng quê tôi.
  Với tư cách là người lớn tuổi hơn, nếu ngôi Nhà Văn Hoá ấy chưa bị phá dỡ, thành thực khuyên những ai hãy tỉnh ngộ khi còn kịp. Và cũng nên nhớ rằng ngạn ngữ dân gian còn có câu:
 Trăm năm bia đá thì mòn
 Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ”.
   Tùy vừa đọc xong bài báo thì có chuông điện thoại.
- Dạ…dạ anh Hoàng ạ, có việc gì đấy anh
- Cậu làm việc thế à, cư dân mạng nó đang comment xỉa vào mặt tôi kia kìa
- Dạ..dạ..em…
- Dạ mấy rơm cái gì. Đi tìm gặp ngay ông Đức xem nó thế nào.
- Vâng, để em liên lạc ngay ạ.
- Liên lạc liên đỗ gì, phải gặp trực tiếp. Bây giờ mà cậu gọi điện cho lão ấy thì nó có thèm nghe không. Liệu mà lựa  sao cho đẹp ý nó, nó gây ra um xùm thì nó cũng sẽ biết cách dẹp  cái um xùm ấy, mà chỉ có nó mới dẹp được nhanh thôi. Làm ngay đi, lại thêm một vài thằng báo chí nữa  nhẩy vào là cái sảy nó nảy cái ung đấy. Việc bằng lỗ mũi thế mà làm cũng không nên hồn, thật chẳng ra làm sao.
  Điện thoại ngắt, Tùy phát khùng hất mạnh cái ghế nghe xoàng một cái rồi quay sang Lệ:
- Cũng chỉ tại cô khôn ngoan quá mức đấy mà. Đồ chết tiệt!
Nói xong Tùy đi thẳng ra cửa bỏ mặc Lệ đứng như trời trồng cùng chiếc ghế đổ chỏng chơ giữa căn phòng.
 (Còn nữa)

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)