bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 17
Trong ngày: 116
Trong tuần: 990
Lượt truy cập: 630331

XUYÊN QUA CÁNH RỪNG (7)

Cầm Sơn

XUYÊN QUA CÁNH RỪNG (Chương 7)
 
Trang Dung nói với Nhứng:
-Như lần trước sếp con…à mà bây giờ cũng cần nói rõ với mẹ ông ấy cũng là chồng con, lúc nào thuận tiện chúng con sẽ tổ chức đám cưới. Chồng con đã thống nhất với mẹ về việc cho phát triển cửa hàng thành điểm dừng của tou du lịch lên Tây Bắc. Nay con được phân công về một thời gian để chỉ đạo xây dựng.
-Nó là chồng mày thì chả cần nói tao cũng biết, con Sính nó dắt mày đi thì mày cũng giống nó thôi, chồng vợ hợp đồng lại còn bày ra cái trò cưới xin chả bõ để cho hàng xóm họ chê cười. Nhưng thôi, dù sao thì cũng vớ được thằng nhà giàu còn tốt hơn chán vạn đứa ở cái xóm này, cứ nói là đi làm ở công ty này, công ty nọ nhưng thực chất là đi làm ca ve.
- Việc ấy nói bây giờ chưa phải lúc. Con đang trao đổi với mẹ về việc làm nhà nghỉ cơ mà.
 - Có nghĩa là chúng mày định xây thêm nhà để làm nhà trọ chứ gì?
- Sao lại gọi là nhà trọ, phải gọi là nghà nghỉ, có nhiều phòng khép kín đầy đủ tiện nghi phục vụ khách qua đêm.
- Lại cả cái khoản “Tươi mát” nữa chứ gì?
- Sao không? Khách hàng là thượng đế, họ có nhu cầu gì thì ta phục vụ họ tận tình.
- Thôi, thôi! Tôi sợ cái trò ấy lắm rồi. Lần trước mới nhi nhoe có một tí mà cảnh sát nó gọi đi gọi lại mãi, không có bác Hoàng giám đốc thân quen Công an chạy cho thì có mà tốn kém thế chứ tốn gấp đôi gấp ba cũng không thoát tội.
- Mẹ chỉ non gan, chính vì mẹ làm ăn tọt tẹt cò con thế mới chết. Cứ làm tới đi, phải làm lớn mình mới có đủ lực để bao đám chân gỗ, sẽ chẳng có ma nào bắt nổi mình đâu mà sợ. Đàn ông thằng nào chả thích gái đẹp, khi nào nó đến cho nó thưởng thức, thằng nào rắn quá thì dúi cho ít tiền. Điều quan trọng là nắm lấy một hai “ông to” làm “Thượng đế” để họ bảo kê cho mình là êm tất. Để mẹ yên tâm, con sẽ cho mẹ đi một tuần về thành phố thăm quan học tập.
    Thế là chỉ sau vài tháng, một dãy gồm ba cái nhà sàn được khẩn trương hoàn thiện đưa vào sử dụng. Quán Hương Rừng biến thành nhà nghỉ Hương Rừng vừa phục vụ ăn uống vừa phục vụ nghỉ ngơi, càng ngày càng đông đúc, dập dìu. Nhà nghỉ không chỉ là điểm dừng nghỉ cho các tou du lịch lên miền Tây Bắc mà nó còn phục vụ cả khách tại địa bàn khu vực và các vùng lân cận. Nhà nghỉ có bãi đỗ xe rộng nên các anh tài xế chạy đường dài cũng chọn làm điểm dừng chân. Riêng bãi đỗ xe con thì được bố trí mãi tận phía trong, khách đến dù là ăn uống hay nghỉ lại thì xe cũng cứ chạy thẳng vào trong, khách xuống xe là được đưa ngay lên phòng riêng, xe nào nghỉ lại sẽ được nhân viên cọ rửa sau đó dùng bạt bọc kín vừa là để bảo vệ xe, vừa là để tránh những những kẻ tò mò tóc mách đọc cái biển số xe.
  Ngoài những nhân viên phục vụ tại nhà nghỉ có đăng ký với cơ quan quản lý chức năng. Nhà nghỉ Hương Rừng còn có một đội các em ‘chân dài’ ở rải rác trong các nhà dân xung quanh nhà nghỉ, khi nào khách có nhu cầu, người quản lý nhà nghỉ chỉ cần gọi vào số di động là cùng lúc vài em có mặt để khách hàng tùy ý lựa chọn. Tuy nằm trên một mảnh đất rộng nhưng xung quanh nhà nghỉ có hệ thống rào chắn khá an toàn. Phía sau là rặng rào bằng tre gai có vài  cổng hậu thông sang vườn nhà hàng xóm. Phía trước là tường rào xây có nhân viên bảo vệ thường trực. Ngoài ra còn có người nhà hoặc hàng xóm làm nhiệm vụ cảnh giới vòng ngoài. Hễ có hiện tượng bị kiểm tra là nhà nghỉ phát hiện ra ngay, các em “chân dài” sẽ nhanh chóng được sơ tán qua các cổng hậu sang nhà hàng xóm. Điều quan trọng hơn nữa là trong số những xe con được bịt bạt ở bãi phía sau có cả những chiếc xe biển xanh thường xuyên đến đỗ. Với hệ thống bảo vệ chặt chẽ như thế thì những khách hàng “Thượng đế” hoàn toàn yên tâm. Và cũng chính vì thế mà khách hàng đã đến nơi đây cần phải có cái hầu bao rủng rỉnh, không phải “Đại gia” thì cũng phải là người “Nhà có điều kiện”. Mà những hạng người này thì phần đa họ tiêu tiền xả láng và thường là rất hào phóng ít khi cò kè thêm bớt. Kể từ bữa ăn, ngoài những món ăn đặc sản lạ miệng, những loại rượu độc đáo đắt tiền còn phải có đội ngũ tiếp viên trẻ đẹp đứng cạnh hầu bàn.
 Lúc đầu, Nhứng cũng chả tin là ở cái xứ sở núi rừng xa xôi này mà làm nhà hàng, nhà nghỉ thì đã có mấy ai đến hỏi thăm. Thôi thì tiền của chúng mày đầu tư Nhứng có mất gì đâu, cứ để cho nó làm xem sao. Cái con bé Trang Dung thế mà tháo vát đáo để, nó về thành phố mau chóng tiếp thu sáng láng hẳn lên. Mọi việc kinh doanh, quan hệ, tổ chức hoạt động cứ là thông suốt. Khách càng ngày càng đông, người nọ kéo người kia, giới thiệu cho người kia đến. lúc đầu chỉ là khách đến nhà hàng, đến nhiều trở thành thân quen, mà trong những số khách thân quen ấy, khối người cũng là ông nọ ông kia có danh trong xã hội. Ngay cả như giám đốc Hoàng cũng chỉ sơ sơ biết Nhứng từ thời Nhứng còn làm tổ trưởng trồng rừng, lúc đầu cũng chỉ do Hưng đưa đến ăn uống nghỉ ngơi mỗi dịp xuống đội công tác, lúc ấy ông ta còn không hề nói chuyện với Nhứng, thế mà rồi cũng trở thành thân quen. Nhất là sau cái đận nhà hàng bị cảnh sát lập biên bản được Hoàng lo cứu giúp, Hoàng càng được Nhứng quý trọng, cung phụng và cũng từ đấy, Hoàng càng mau đến hơn, và rồi tất cả những khách khứa đến làm việc với công ty Hoàng đều bố trí tiếp tại nhà hàng của Nhứng. Rồi Chu Tài, sau mấy lần Hoàng tiếp đón tại đây, Nhứng cũng trở thành quen. Đôi khi khách của Tổng công ty cách xa hàng mấy chục cây số cũng được gửi vào ăn nghỉ để thưởng thức cái “Hương rừng, gió núi”. Riêng cái anh chàng Hoàng này cũng lạ, những lần nghỉ lại khối các em trẻ đẹp nõn nà không thích lại chỉ thích bà chủ phục vụ. Lúc đầu, Nhứng còn giữ ý, ngại với Hưng, với cả con Trang Dung nữa. Mấy lần bố trí cho Hoàng không được, con Trang Dung nói thẳng với Nhứng.
- Vui vẻ thì thằng đàn ông nào mà chả giống nhau. Nó thích mẹ thì mẹ vào với nó, có mất gì đâu, không khéo mất khách thì mới tai hại. Còn cái lão Hưng, mẹ ngại gì, lão Hoàng là sếp của nó cơ mà. Cứ để lão Hưng đấy con sẽ thu xếp.
- Nhưng mày phải chú ý đến cả bố mày nữa, nó mà tức khí làm toáng lên thì hỏng hết.
- Chả  phải lo gì với ông ấy đâu, với ông ấy thì lão Hoàng hay lão Hưng cũng đều như nhau cả, ông ấy có thèm chú ý gì đến việc này, chỉ lo làm bạn với Lưu linh suốt ngày thôi. Nhưng được rồi, con cũng sẽ để mắt đến, mẹ yên tâm.
   Đúng như lời con Trang Dung nói, kể từ khi Hoàng  dan díu với Nhứng thì Hưng có ý  lảng ra. Cả hai không ai nhắc đến chuyện ấy với nhau, rồi tự nhiên cũng trở thành bình thường và mối quan hệ về hợp tác làm ăn của họ cũng chẳng hề suy xuyển. Suy cho cùng cũng chỉ là trò giải trí lấp chỗ trống chứ quan hệ làm ăn mang lại lợi ích cho bản thân và cho cả nhóm mới là điều mà mọi người đáng quan tâm.
 Khi mối quan hệ của Nhứng với Hoàng đã ở giai đoạn mật thiết. Trong một lần ái ân, Nhứng hỏi Hoàng:
- Chuyện chơi bời của cánh đàn ông cũng là lẽ thường tình, đặc biệt là các đại gia ăn lắm uống nhiều dửng mỡ. Nhưng phần lớn họ chơi theo kiểu “bóc bánh trả tiền” nên chọn lựa toàn con gái trẻ đẹp. Vậy riêng anh làm sao lại chỉ thích em.
- Thế em nghĩ là em không xinh đẹp à?
- Không phải thế! Ngày xưa em cũng là hoa khôi của cả xã, cả trường khối anh chết mê chết mệt đấy. Nhưng bây giờ ngoài bốn mươi rồi còn hấp dẫn gì nữa.
- Sao lại không hấp dẫn, lại chả bằng mấy con vợ nhà anh ấy à!
- Sao thế? Chị ấy còn trẻ đẹp hơn em ấy chứ!
- Trẻ, đẹp.
- Mà lại có địa vị xã hội, chị ấy còn lịch sự hơn bọn em nữa chứ?
- Lịch sự.
- Anh sao thế, sao lại chua chát thế?
- Trẻ, đẹp, lịch sự. Đồ con đĩ!
- Ấy chết, sao anh lại nói chị ấy thế?
- À…à…
- Chắc là anh chị đang giận nhau. Lần trước gặp chị ở công ty thấy chị ấy mềm mỏng nhẹ nhàng, ân cần và chu đáo. Em cứ nghĩ chị phải yêu anh lắm chứ?
- Yêu lắm!... Mà thôi, với em anh cũng chẳng cần giấu làm gì. Thực tình, anh cũng không thích thú cái thói trăng hoa chơi bời này lắm đâu. Tại con vợ anh đấy, nó nhăng nhít lắm. Mà nó dan díu với ai em có biết không? cái lão Chu Tài ấy, nó cũng đến đây mấy lần em biết lão ấy rồi còn gì. Già đóng nõ vào đít mà vẫn còn trăng hoa gái gú.
- Anh nói thế nào chứ em chả tin.
- Em tin hay không đối với anh không quan trọng. Quan trọng và đau nhất là anh bắt được chúng nó tằng tịu với nhau mà đành phải bỏ đi, giả vờ như không biết.
- Thôi thế thì em chả dám động vào nỗi đau của anh.
- Mỗi lần gần gũi em là anh như được lấp bớt đi khoảng trống có cái vết thương ấy trong lòng. Chính vì vậy mà mấy con bé chíp hôi kia làm sao bằng em được.
- Thế thì em hạnh phúc quá. Những lúc như thế này em đã được làm vợ trong lòng anh rồi còn gì! Mà bây giờ em mới dám nói, anh rất giống một người đã làm cho em khổ sở cách đây trên hai mươi năm. Mỗi lần gặp anh em càng khẳng định điều đó, nhưng thấy anh cứ phớt lờ đi nên không dám hỏi, không khéo lại mắc phải cái tội “Thấy người sang bắt quàng làm họ”.
- Thế à!
- Thời gian và điều kiện sống có thể làm cho người ta khác đi đôi chút về dáng dấp bên ngoài chứ như cách cư xử lúc ân ái, mùi mồ hôi khi gần gũi với nhau em nghĩ anh đúng là Linh.
- Thế anh đúng là Linh thì làm sao?
- Thì em sẽ băm anh ra thành hàng trăm mảnh
- Thế thì em băm đi!
- Anh đúng là đồ sở khanh, đểu giả, anh đã làm tan nát cả đời em, thế mà bây giờ  vẫn cứ trâng trâng như không…
Nhứng đẩy Hoàng ra quay đi ôm mặt khóc, nấc nghẹn từng hồi. Đợi cho cơn kích xúc giảm bớt, Hoàng xích lại gần Nhứng ôm ấp vuốt ve
- Thôi đi nào… à mà cứ khóc đi, khóc hết nó sẽ nhẹ nhàng. ..Anh nhận ngay ra em từ hôm gặp trở lại ở trong rừng. Nhưng số phận mỗi người đã an bài, bới lại quá khứ làm gì cho nó rắc rối. Nhưng rồi cuộc sống cứ xô đẩy chúng ta gần vào nhau, mỗi lần gặp em anh như cuồng hết cả người mà vẫn phải nén chịu.
  Nhứng đẩy tay Hoàng vục ngồi dậy vào toilet rửa mặt, khi quay ra Nhứng đã tỉnh táo hẳn, cô nói với Hoàng bằng một giọng nghiêm chỉnh
- Anh có biết là sau khi anh chạy làng, em khổ sở thế nào không?
- Em nghĩ là anh cũng sung sướng lắm hả. Mọi việc là do bố anh sắp xếp, đối với gia đình, anh không thể chống lại được.
- Thế là anh bỏ mặc em với cái thai trong bụng, thôi thì em dại em chịu, nhưng còn con anh mà anh cũng không cần biết nó sống chết, sướng khổ ra sao. Anh thật dã man.
- Em định nói con Trang Dung là con anh? Không phải, nó là con lão Bính. Còn bây giờ cả em và con em cũng đâu có khổ.
- Anh đã nói thế thì chẳng còn gì để nói với nhau nữa!
- Tuỳ em!
    Nhứng bỗng giật mình sau câu nói “ Tuỳ em” thản nhiên có phần lạnh nhạt của Hoàng. Không khéo “già néo đứt dây”. Nó mà bỏ đi thì đâm ra lại tai hại. Chẳng qua nó vẫn còn thích cái thân xác mình chứ nó làm gì có tình với mình , con nó bằng thật mà đâu nó có nhận, chẳng có gì ràng buộc nó cả. Con Trang Dung  nói đúng, không khéo mất khách thì hỏng. Dù sao nó cũng là khách của nhà hàng, nó là thượng đế chứ bỡn đâu. Nhứng lại nũng nịu ngồi xuống bên cạnh Hoàng
- Đã quên cho nó quên luôn đi, tại sao anh lại còn nhận mình chính là Linh để khui lên cái sự đau khổ này
- Thì đã bảo mỗi lần thấy mùi mồ hôi đặc trưng của em là anh không chịu đựng nổi.
Nhứng dúi tay vào trán Hoàng
- Thôi đi, đừng nịnh đầm nữa, đúng là một con quỷ cuồng dâm.
- Thì có dâm bọn mình mới thế này!
Thế là họ lại ôm ghì lấy nhau, rên rỉ, vật vã…
   Nghiệm ra con người ta sinh ra ở đời ai cũng đều có số cả. Sinh ra từ rừng núi, lớn lên cùng rừng núi, đi học cũng học về rừng núi, bao nhiêu mong chờ ước vọng cũng gắn chặt với rừng núi. Sau cái đận phải bán nốt mấy chục héc ta đất rừng trên núi Thảng, ước vọng làm chủ trang trại xanh tan vỡ, Nhứng cứ tưởng thân phận mình và con cái suốt đời cũng sẽ chỉ lo đi làm thuê như bao nhiêu gia đình khác ở cái xóm Thính bé nhỏ bìa rừng này. Ấy vậy mà trong rủi lại có mầm mống của cái may, không có  vụ ấy lấy đâu ra sự hợp tác với Hưng để có được ngày hôm nay làm chủ cả một nhà hàng với hàng chục người làm thuê dưới quyền phải phục tùng kính nể, lại còn quen biết khối người tai to mặt lớn hàng tổng hàng huyện. Cái ranh giới giàu nghèo, sướng khổ tưởng cách nhau xa vời mà xem ra chỉ trong gang tấc. Chỉ cần bám được một người có chức có quyền trong xã hội, cúc cung tận tụy phục vụ họ một cách trung thành hoặc nếu không thì cũng phải để họ hiểu là mình trung thành với họ thì cuộc đời có thể đổi thay. Chả nói đâu xa, ngay như  anh chàng Hưng mà không có ông Hoàng đỡ đầu bên trên thì làm gì có được cái công ty làm ăn phát đạt đến thế, hoặc giả như thằng cha Năm Lùn đang là một tên đầu gấu anh chị ở ngoài phố huyện chuyên buôn lậu làm ăn theo lối chộp giật, chơi bời gái gú khét tiếng, bỗng có ông anh họ được bổ từ tỉnh về làm quan to trên huyện, thế là chỉ nháy mắt cái trở thành giám đốc một công ty xây dựng làm ăn phất lên như diều, danh thơm đồn thổi nổi như cồn, hết doanh nghiệp tiêu biểu lại đến doanh nhân văn hóa, cuộc tôn vinh nào cũng đầy hoa, đi đến đâu cũng xe pháo bóng loáng nổi đình nổi đám. Ngay như giám đốc Hoàng ngồi trên địa vị ấy thì cũng phải do có quan thầy cấp trên nâng đỡ nên mới thấy cả sếp ngủ với vợ mình mà cũng còn phải cắn răng im lặng thế chứ, cứ mà ho he thử xem, thiếu gì lý do cho cái chân ghế lung lay, tay này biết chịu đựng, nhẫn nhục, ắt còn thăng quan tiến chức. Đúng như các cụ xưa nói “ Một sự nhịn là chín sự lành”. Bây giờ Hoàng lại yêu thích Nhứng, rồi còn cái con Trang Dung, dẫu là vợ hai vợ bé thì đã có sao, đang từ tay trắng đi làm thuê, không thành ca ve mà bây giờ  lại thành bà chủ nhà nghỉ. Xem ra bản mệnh nhà Nhứng đã nhập vào cung Hoàng đạo. Vận nó đã đến thì phải biết nắm lấy cơ hội, cứ trông chờ vào số thì có mà khác gì cái thằng “Đại Lãn chờ sung”. Con Trang Dung nó nói đúng, phải dấn lên, cờ đến tay thì phải phất, có làm lớn thì mới giải quyết được các mối quan hệ, mới lại có đà để tiếp tục phát triển…
  Từ ngày Trang Dung về làm nhà nghỉ, bố con nhà Bình cũng được hưởng lây không phải đêm hôm rình mò đi chặt trộm gỗ nữa. Bình được Trang Dung cho tiền nối thêm một gian nhà làm chỗ ở cho mấy em chân dài được nhận là con cháu đến chơi. Đoạn bờ rào thông giữa hai nhà được mở thành một lối đi. Bình được bố trí làm bảo vệ chính thức còn mấy đứa con trai nhà Bình đứa làm chân trông giữ rửa xe cho khách, đứa thì lởn vởn cảnh giới vòng ngoài, đứa con gái thì nhận trách nhiệm thông báo tin của khách có nhu cầu đến các chị tiếp viên là người cùng xóm.
  Đám cưới của Thùy Linh con bà Sằn chưa đầy một tuần lại đến đám cưới của Trang Dung. Hai đám cưới này đã làm chấn động cả cái xóm Thính bé nhỏ. Cuối ngõ, đầu làng, từ ngoài hàng quán đến trụ sở Ủy ban xã, ở đâu người ta cũng túm tụm bình luận, có người chê bai dè bỉu bọn này chỉ là vợ nhặt của mấy thằng già lắm tiền, nhưng cũng không ít kẻ tán dương khen ngợi. Nào là lớp trẻ bây giờ chúng nó tài ba, nào là bọn ấy xinh sắn thế làm gì chả lấy được chồng giàu, nào là bây giờ ai người ta so đo tuổi tác, chả xem trên ti vi ở bên Tây khối ông già bẩy tám mươi lấy vợ mới chỉ hai mươi, nước mình đang hội nhập quốc tế, văn hóa cũng nên cải cách theo người Tây mới phải. Thử hỏi cả xóm có đám cưới nào được  như nhà chúng nó, cỗ to mời cả làng, cánh đàn ông say sưa hai ba ngày,  xe con của khách đến mừng đỗ chật cả sân, khối ông cũng làm to ra phết chứ tưởng à, lại còn thuê cả nghệ sĩ về hát, suốt đêm đám thanh niên nhảy múa, anh chị nào cũng muốn mình được hát chung với nghệ sĩ. Tuy không có thủ tục đưa đón dâu nhưng cũng có đầy đủ anh em họ hàng nhà trai, cũng trang điểm cô dâu lộng lẫy đón từ nhà ở của bố mẹ sang phòng khách sạn, cũng quay phim chụp ảnh liên tiếp, quần áo phương tiện lại chả ga lăng, hiện đại bằng mấy đám cưới trai làng ấy à. Mấy bà nạ dòng ở phố chợ ngồi buôn dưa lê thì bảo rằng đẻ con như nhà Nhứng cũng mát dạ mát lòng, mát cả các cơ quan đoàn thể…
 Chồng Trang Dung tên là Tạc. Bắt đầu khởi nghiệp từ một cái nhà nghỉ ở thị xã Hà Đông rồi phát triển lên thành khách sạn, thành công ty du lịch, lúc đầu là các tou du lịch ngắn ngày trong nước rồi mở mang dần. Bây giờ sản phẩm du lịch của công ty Tạc có cả những chuyến đi ra nước ngoài. Một trong những sản phẩm du lịch của Tạc là khám phá miền Tây Bắc thu hút du khách bằng những điểm đến như văn hóa Mường Lò, bản Tông, bản Bó, chóng mặt với những vòng xòe phấp phới thắt lưng xanh đỏ tím hồng, ngất ngây với những bình rượu cần, những chén rượu ngô, rượu mận  từ tay các cô gái Thái mời theo kiểu “Sơn La cao, Sơn La thấp”. Nhờ có Thùy Linh, vợ bé một ông bạn có nhà hàng bên Hà Nội giới thiệu, Tạc nhận Trang Dung về làm việc. Biết là con “ nhà lành” lại xinh đẹp còn giữ nguyên cái hương vị và hơi thở của núi rừng nên Tạc bố trí cho Trang Dung làm chân tạp vụ để giữ làm của riêng mình. Sau chuyến đi khảo sát Tây Bắc năm ngoái, Tạc quyết định xây dựng trạm dừng chân ở xóm Thính và cử Trang Dung về phụ trách, đồng thời có cô vợ bé ở xa một chút cũng yên ấm hơn. Điều quan trọng đối với một mắt xích trong đường dây buôn bán ma túy xuyên Quốc gia như Tạc là cần có một điểm trung trạm vừa là nơi trú ẩn, vừa là con mắt cảnh giới kiểm soát dọc đường dây. Để đảm bảo bí mật phục vụ cho mối làm ăn lâu dài, Tạc luôn nhắc nhở Trang Dung chỉ được phép hành nghề trong phạm vi phục vụ khách vui vẻ còn nghiêm cấm không chứa chấp những đối tượng nghiện ma túy. Nhiệm vụ của Trang Dung trong mắt xích này là im lặng, bố trí ăn nghỉ chu đáo đặc biệt cho những người đến nhà nghỉ nói đúng mật khẩu thay đổi theo từng thời gian nhất định do Tạc chỉ đạo. Bản thân Tạc mặc dù chiều theo ý Trang Dung tổ chức đám cưới nhưng sau đám cưới Tạc rất ít xuất hiện ở đây. Trang Dung được trang bị một chiếc xe riêng tự lái, thỉnh thoảng ngược lên Sơn La, Mộc Châu bề ngoài là giao dịch, khâu nối cho  tou du lịch nhưng bên trong là để gặp gỡ người này, người khác, nắm bắt thông tin theo sự chỉ đạo của Tạc. Những lần đi lên Tây Bắc, một nguyên tắc bất di bất dịch là Trang Dung không bao giờ phải nhận nhiệm vụ chuyên chở ma túy và cũng không được phép cho bất cứ ai đi cùng xe đồng thời không được sử dụng điện thoại để trao đổi với những đối tượng trong đường dây mà phải gặp trực tiếp những người cần gặp, những thông tin chỉ được nghe, nhìn, không được dùng giấy mực, ghi âm, máy ảnh…Những thông tin ấy phải được nhớ chính xác rồi về báo cáo trực tiếp với Tạc. Cứ tưởng là việc nhẹ nhàng nhưng cũng đâu có dễ, mỗi lần đi phải mất vài ngày, tuy rằng ăn nghỉ đã có khách sạn, nhà hàng nhưng đi một mình lái xe hàng trăm cây số cũng căng thẳng và bất an lắm. Đúng thời điểm ấy, thằng Tiến đang học dở lớp mười hai ngoài trường phố huyện thì bỏ học, thực ra là nó đã bỏ từ lâu nhưng gia đình chẳng ai để ý nên đến khi nhà trường thông báo xóa tên mới biết. Trang Dung bảo Nhứng;
-         Mẹ chả cần phải suy nghĩ làm gì, cái thằng đã thế thì dẫu có chạy chọt xin xỏ nhà trường cho học lại  nó cũng chả học được, lại bỏ ngay thôi, mà học nhiều thì cũng để làm gì, ngày trước chính mẹ cũng đã từng nói với con như thế. Ngay như chú Năm Lùn đấy, học hành được bao nhiêu mà bây giờ cũng danh giá chán.
-         Nhưng không đi học thì bây giờ nó làm được cái gì?
-         Con khác lo bố trí việc cho nó.
    Là chị em ruột, người trong nhà nên Trang Dung dễ dàng thuyết phục được Tạc đồng ý cho thằng Tiến đi học lái xe để về phục vụ cho những chuyến đi của chị.
    Bây giờ lão Mánh lại mới mở ra thêm một cái xưởng băm nguyên liệu, những cây có đoạn gốc to lão đem xuống bán cho Dầy, Kẻ. Những đoạn gỗ nhỏ và kể cả cành ngọn lão cho vào máy băm chở thằng ra bán cho những công ty xuất khầu dăm mảnh ở Hải Phòng, Quảng Ninh. Ngoài gỗ rừng của nhà, lão còn thu mua thêm từ rừng của dân trong khu vực, khách khứa đến nhà lão cũng đông, đôi khi hứng chí lão cũng mời khách ra nhà hàng của Nhứng. Mỗi lần lão đến, lão đều được đón tiếp rất chu đáo bởi không phải lão chỉ là người cung cấp chính thực phẩm cho nhà hàng mà lão còn cùng là dân xuất xứ từ Lâm nghiệp với Nhứng. Nói chuyện với lão, Nhứng bảo:
- Bây giờ nhà em làm ăn cũng được nhưng em vẫn cứ mơ có được một cái trang trại như bên bác.
- Trông thì thế thôi cô ạ, cũng phải làm lấm lưỡi mới có cái ăn cái để chứ đâu có dễ dàng gì. Như cô nhà hàng tấp nập, đã có thu nhập cao lại còn quan hệ rộng, chứ cắm đầu vào rừng u tịt như tôi thì vinh hạnh cái nỗi gì.
- Thì em cũng là dân Lâm nghiệp em có lạ gì. Muốn nói gì thì nói, em vẫn cứ thấy cái cách làm ăn của bác thật chắc chắn, lâu dài, lại có công ăn việc làm nuôi được bao nhiêu người, không phải nói nịnh bác chứ thật tình em vẫn rất ngưỡng mộ bác.
- Cô lại cho tôi đi tàu bay giấy rồi, người ta bảo “ Thứ nhất mồ côi cha, thứ nhì gánh vã, thứ ba sơn tràng”. Sung sướng gì cái anh sơn tràng mà mộng.
- Sơn tràng mà được như nhà bác thì suốt đời em xin làm sơn tràng để được thanh thản với núi với rừng.
- Thôi thôi, cho chúng tôi thưởng thức cái tài nấu nướng của cô đi.
   Ước vọng về một cái trang trại xanh tuy đã lùi xa nhường chỗ cho những toan tính làm ăn thường nhật nhưng nó chưa bao giờ bị tiêu mất, nó vón cục nằm lại một góc trong lòng.  Mỗi lần qua trang trại hoặc gặp gỡ nói chuyện với lão Mánh, Nhứng lại thấy như nuối tiếc, như mất mát một cái gì mà Nhứng không thể lý giải được. Tuy ngày nay làm ăn đang khá giả, thuận lợi nhưng Nhứng vẫn thấy như có điều gì bấp bênh, canh cánh bên lòng…
   Bính chân thấp chân cao khật khưỡng từ ngoài đường về. Mới vào đến nhà lão đã lên giọng lè nhè sai khiến
- Con Nga đâu, mang ngay ra đây cho tao một món gì và chai rượu
- Dạ, mời chú vào nhà trong ạ!
- Hôm nay tao ngồi ngoài này cho thoáng
- Dạ, trời oi nóng lắm, chú vào nhà trong cháu bật điều hòa cho nó mát ạ.!
Vừa nói Nga vừa nắm tay Bính kéo đứng dậy. Lão Bính đi đâu vắng thì thôi, hễ lão về thì bà chủ Nhứng đã dặn phải nhốt lão vào một phòng riêng để lão khỏi làm phiền khách hàng, cứ bồi lão uống tiếp cho say hẳn để lão đỡ gây nhũng nhiễu.
- Không, hôm nay nhất quyết tao ngồi đây không đi đâu cả. Uống rượu phải có bạn, chúng mày cứ nhốt một mình trong phòng thì tao uống với ai.
- Thì chúng cháu vẫn cùng uống với chú đấy chứ
- Uống rượu với chúng mày chán chết, biết nói chuyện gì với chúng mày
- Nhưng chú vẫn phải vào nhà trong, không có cô lại mắng chúng cháu
- À, con này giỏi, mày sợ cô mày chứ không sợ tao hả?
Hai chú cháu đang co kéo thì Nhứng đi ra
- Thôi, giờ này chưa có khách, cứ để ông ấy ngồi đấy cũng được
- À, cô vợ xinh đẹp của tao đây rồi, cứ bắt chúng nó nhốt tao là sao, tao không phải là thằng sợ vợ đâu nhé!
- Ai bảo ông sợ vợ, có ai dám làm gì ông đâu, chẳng qua chúng nó chăm sóc ông thôi chứ!
- Đi ra đường, chỗ nào nó cũng giễu tao là thằng sợ vợ.
- Những đứa nào nó nói thế, để tôi gang họng chúng nó ra
- Không phải người lớn, trẻ con nó đi theo còn hát nữa kia
- Nó hát thế nào?
- Nó hát  cũng hay…hà hà… cô nghe đây này:  Ở cái xóm Thính, có nhà lão Bính, bị vợ vặt râu, cắm sừng lên đầu, thành con nai tác… suốt ngày nhớn nhác, chẳng biết làm chi, rượu uống tì tì, khác gì anh Chí….hà hà..
- Lại mấy thằng vô công rồi nghề kích đểu chứ trẻ con làm sao biết hát thế. Mặc kệ chúng nó, miễn là tôi vẫn chăm sóc ông là được. Nào, uống đi, chén này tôi cùng uống với ông.
- Ừ, có thế chứ, thế mới là vợ chứ!
- Thế mấy chục năm nay tôi không phải là vợ ông hay sao?
- Ừ…à…đúng là vợ..mà là vợ mình mình sợ cũng đã có sao…Ai trên đời chả sợ vợ, chả sợ vợ thì sợ ai...sợ thì uống mấy chai, say nằm quay ra mà ngủ, uống chưa say là chưa đủ, còn vợ thì  là vợ, mà chai vẫn là chai…ha ...ha…
- Chúng mày đâu, để mắt đến chú, khi nào chú say hẳn thì đưa vào nhà trong.
Nói rồi Nhứng đứng dậy bỏ đi.
- Thế là lại không có đứa nào uống với ông rồi…Rượu ngon không có bạn hiền…không mua không phải không tiền không mua…Thằng Bình, vào uống với anh!
- Dạ không, sắp đến giờ có khách, em không được uống rượu.
- Thế bọn phục vụ đâu cả?
- Chúng nó đang phải chuẩn bị bếp núc, khách khứa kéo đến ùn ùn bây giờ đấy, bố uống nhanh lên rồi đi nghỉ đi cho!
- Không đứa nào uống với tao…chúng mày khinh tao hả…thế thì tao đi uống với lũ trẻ con vậy…
  Bính cắp chai rượu vào nách đứng dậy, khật khưỡng đi ra ngoài đường. Trời đất oi nồng kinh khủng, đến cả cái cây nó cũng đứng yên, không chào đón ông hả, thì ông uống một mình… lại cái lũ chuồn chuồn này, chúng mày bay gì mà loạn xạ thế, chẳng ra cái đội ngũ gì cả, ông thì bắt hết làm mồi nhắm bây giờ…chúng nó đúng là bọn kích đểu, dám ví ông như anh Chí, ừ thì Chí Phèo đấy, cứ theo được ông đi, muốn chơi được chơi, muốn rượu có kẻ cung phụng rượu, lại bảo ông sợ vợ…có sợ cái củ bin ông đây này…nó không sợ ông thì thôi chứ việc gì mà ông phải sợ nó, vừa rồi nó chẳng phải nịnh ông đấy là gì…chúng nó lại bảo bị vợ cắm sừng…nó ngủ với thằng Hưng, cả với cái lão giám đốc Hoàng nữa. Thế thì đã sao, ông đếch cần, có thế nó mới lo bố trí cho ông mấy con mắt xanh mỏ đỏ chứ, mấy đứa ca ve  trẻ măng mà ông còn chả thích chứ cái cống thối nhão nhoét ấy thì thú vị gì. Miễn nó cứ là vợ, nó vẫn lo cho ông như thế là được…Trên đời này, làm thằng người nào mà chả có những nỗi nhục. Lo luồn lách quỵ luỵ, lo bon chen chộp giật, tất cả cũng chỉ là đầy tớ của đồng tiền, cứ hì hụi lo kiếm tiền, có tiền để khỏi bị khinh rẻ, để được vênh mặt lên khinh những kẻ ít tiền. Lại có những người  đêm ngày nghiền ngẫm mưu mô, thủ đoạn. Ngoài miệng sơn sớt lời hoa mỹ nhưng trong bụng thì không từ những mánh khoé đê tiện nào, dẵm lên trên tất cả đạo lý để tìm cách cho tiền chảy vào túi mình, bặm trợn hơn thì tranh giành, đấu đá nhau để được ngồi vào một vị trí béo bở, kiếm được nhiều tiền. Nhiều tiền rồi thì để làm gì, nhu cầu mỗi ngày cũng chỉ đến ăn ngon mặc đẹp là cùng. Có lắm tiền hứng lên lại đem đổ cho đĩ, cho những sở thích ma mãnh cuồng dại. Những con đĩ xem ra lại có giá ra phết, toàn quen thân với những thằng đàn ông có thừa tiền. Thiên hạ cứ coi khinh nó là đĩ hoá ra chính nó mới là người coi khinh thiên hạ. Làm người lương thiện ư? Tiền ít thì bị nó khinh, vậy thôi. Con nái Nhứng kia! Mày cũng là một con đĩ, nhưng dù sao thì mày cũng không dám khinh ông, vẫn phải lấy lòng ông. Ông cũng chỉ cần có vậy là đủ. Chẳng phải mưu mô, thủ đoạn, chẳng phải tranh giành, đấu đá mà ông vẫn có rượu uống, thích thì làm, không thích thì cho nghỉ khoẻ…Thiên hạ đứa nào sướng bằng ông?... À…đây là suối Thúc…đúng rồi…lội xuôi một đoạn đi…chỗ này hay đây,  tảng đá vừa to vừa phẳng, mà cây cối hai bên bờ suối lại dâm mát…cởi quần áo ra tắm phát rồi leo lên tảng đá đánh một giấc thì chỉ có nước lên tiên mới được sướng thế…chao ôi! mát ơi là mát…
   Trận mưa kéo dài suốt từ chiều hôm trước đến tận chiều ngày hôm sau mới ngớt. Hẳn một vạt đồi trên công trường khai thác mỏ đổ ụp xuống lấp kín một cái lán công nhân làm cho bốn người mất tích. Dòng suối Thúc lồng lên như con ngựa bất kham phí phăng cuốn đi tất cả những gì nó gặp trên đường. Đập tràn chìm nghỉm dưới lòng suối tách biệt xóm Thính với thị trấn phố huyện. Phải mãi đến tận trưa hôm sau khi mưa tạnh thì đội cứu hộ của Huyện Đội mới tìm được cách lần sang phối hợp hỗ trợ đám công nhân mỏ bới tìm mấy công nhân trong đống bùn nhão. Đến chiều hôm sau nữa thì người ta tìm được đủ bốn cái xác và cũng là lúc đám trẻ con xóm Mỵ đi tắm phát hiện ra xác lão Bính mắc lại ở đám rễ cây trong vũng Khoang Đen.
  Lão Bính được thống kê là nạn nhân trong thảm họa mưa lũ và gia đình Nhứng cũng được Ngân sách huyện hỗ trợ mai táng. Lúc còn sống, lão suốt ngày say xỉn lang thang khắp đó cùng đây, có điều thằng cha nào nghĩ ra bài đồng dao cho trẻ con hát ví lão như “ anh Chí” là chưa đúng, bởi lão chả ăn vạ ai, chả gây sự với ai. Nhà ai trong xóm có việc chẳng mời lão cũng lăn xả vào giúp, có khi uống chén rượu, có khi xong việc lão lại bỏ đi, chỗ nào đông người có không khí làng xóm là lão đến. Đám trung niên và trẻ con hay giễu lão nhưng ai cũng thấy lão gần gũi. Bởi vậy, đám tang của lão dân làng đi đưa rất đông,  tuy không có nhiều vòng hoa nhưng cũng có nhiều nhiều xe con đưa người đến viếng. Giám đốc Hoàng cũng đến viếng, còn dặn Hưng chú ý cử người giúp đỡ gia đình. Hưng cúi đầu trầm ngâm miên man đi trong dòng người đưa đám… Thôi thế là cũng qua một đời người, lúc sống bị chế giễu coi như kẻ vô tâm vô tính ngu đần, lúc chết lại được người đời tiếc thương đưa tiễn. Rồi người ta ai ai cũng sẽ qua cái cầu ấy, những người lúc sống được đệ tử cung phụng, xum xoe, tâng bốc, mặc sức ban phát hoặc trừng phạt thuộc cấp cho thỏa mãn cái ý thích riêng của mình, nhưng rồi đến lúc chết có thể vẫn có nhiều vòng hoa nhưng sẽ được mấy ai thật sự tiếc thương? Những hỷ nộ ái ố, những mưu ma thủ đoạn, những kèn cựa bon chen nhằm leo cao hơn lên nấc thang danh vọng, nhằm kiếm được nhiều tiền thử hỏi cũng còn có ý nghĩa gì khi người ta đi đến đoạn cuối của cuộc đời. Cứ như lão Bính đây, thật cũng chả mát mẻ lắm sao…
 
  Đám tang của lão Bính qua được cái lễ “ tốt khốc” một trăm ngày thì nhà nghỉ của mẹ con Nhứng sảy ra chuyện. Cảnh sát Điều tra tội phạm về Trật tự Xã hội của tỉnh phối hợp với Cảnh sát Điều tra  tội phạm về Ma túy từ Bộ Công An bất ngờ ập đến lập biên bản tại chỗ về hành vi mua bán dâm của nhà nghỉ Hương Rừng. Không chỉ có mấy ả ca ve bán dâm bị bắt đi  như người ta thường làm, cả Nhứng và Trang Dung cũng đều có lệnh bị bắt tạm giam ngay trong đêm để phục vụ công tác điều tra. Nhứng chỉ kịp dặn thằng Tiến ở nhà trông coi nhà cửa tài sản, còn việc kinh doanh làm được đến đâu hay đến đó, có khó khăn gì sang nhờ vả bác Mánh. Một mặt liên lạc với bác Hoàng xem có giúp được gì không. Rõ thật là “ Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí “. Thế là hết, thế là lại trắng tay lại còn tù tội, tan cửa, nát nhà. Cuộc đời rồi không biết sẽ trôi về đâu. Ngay trong những ngày hàng quán hoạt động nhộn nhịp, Nhứng cũng đã thấy sự bấp bênh trong cách  kinh doanh bất hợp pháp của mình, nhưng rồi vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo, vì những mối quan hệ phù phiếm, những cuộc giao tiếp phồn hoa giả tạo nó cứ cuốn hút người ta vào vòng mê trận. Thực ra nếu không xuất hiện sự có mặt của con Trang Dung quay về mở nhà nghỉ, Nhứng cứ làm cái nhà hàng chân chỉ thì đâu đến nỗi. Nó làm nhà nghỉ nhưng hoạt động của nó đâu chỉ có dừng lại ở mấy đứa chân dài, rõ ràng là nó còn làm những điều mờ ám khác tuy không rõ ràng nhưng Nhứng cũng mơ hồ nhận ra, nếu chỉ một cái tội kinh doanh mại dâm thì cần gì đến sự có mặt của cảnh sát từ Bộ Công An, tội mại dâm chỉ là cái cớ để bắt người mà thôi, Nhứng nhận biết rất rõ ràng sự nghiêm trọng của sự việc, Nhứng cũng đã gờn gợn mường tượng đến cái kết cục này nhưng không dừng lại được bởi sức hấp dẫn của những đồng tiền thu từ kinh doanh bất chính, nó cũng giống như một loại ma túy quyến rũ người ta đến không thể nào dứt ra khỏi cõi u mê. Chỉ đến khi sảy chân quỵ ngã, bừng tỉnh được thì đã muộn rồi. Đời Nhứng thì thôi chẳng nói làm gì, nó đã tan nát ngay từ hồi còn trẻ sau cú vấp ngã do Hoàng gây ra, được đến giờ thế cũng đã coi như tròn phận, chỉ tiếc cho con Trang Dung, chưa được làm mẹ đã vào vòng lao lý, mà chắc là tội của nó cũng không hề nhẹ, lại tiếc cả cho thằng Tiến, nó sinh hư bỏ học cũng tại Nhứng cứ chúi mũi vào cái nhà hàng chẳng bao giờ ngó ngàng đến nó. Giá có được mấy chục héc ta đất rừng như nhà lão Mánh, mẹ con cứ chân chỉ bám lấy rừng làm trang trại thì bây giờ  con Trang Dung cũng chồng con êm ấm, thằng Tiến chắc cũng sẽ học hành đến chốn đến nơi, đâu có phải tan đàn sẻ nghé thế này…Ước vọng về một cái trang trại xanh hiển hiện ngay trước mắt mà giờ này đã trở thành quá xa xôi đối với Nhứng…

C.S

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)