Cầm Sơn
XUYÊN QUA CÁNH RỪNG IX
Còi tan tầm ca sáng trong nhà máy đã ủ mà chưa thấy khách đến theo như đã hẹn. Chu Tài ngồi sang chiếc ghế kê gần cửa sổ kéo dèm nhìn xuống cổng nhà máy nơi công nhân đang kéo ra. Ông mãn nguyện vì những thành quả đã đạt được trong những năm qua. Vào đầu những năm của thập kỷ tám mươi, Chính phủ và nhân dân ở một nước tư bản Bắc Âu do khâm phục Nhân dân đất nước vừa chiến thắng một siêu cường quốc đế quốc đã ra tay giúp đỡ hàn gắn rạn nứt do thiệt hại trong chiến tranh, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam xây dựng nhà máy sản xuất một mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Nguồn vốn này được coi là vốn Ngân sách giao cho Tổng công ty Lô Giang quản lý không phải trả lãi tiền vay nên chỉ hơn mười năm, đến thời Chu Tài làm Tổng giám đốc nhà máy đã trích hết khấu hao. Có điều nhà máy vẫn hoạt động tốt nên việc tiếp tục trích khấu hao theo tỷ lệ nào thì tùy vào chi phí giá thành của kỳ sản xuất và do ý định chủ quan của người lãnh đạo. Chính vì vậy việc tích tụ vốn xây dựng cở bản tập trung của Tổng công ty rất dễ dàng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư tái sản xuất mở rộng. Tổng công ty Lô Giang vừa hoàn thành công trình xây dựng mở rộng nhà máy nâng công suất chế biến nguyên liệu tinh từ mười ngàn tấn năm lên bốn mươi ngàn tấn năm. Khi cho không Việt Nam một cái nhà máy, những ông chủ của một đất nước tư bản họ cũng có những suy nghĩ của một nhà tư bản, đâu có cho không ai cái gì. Họ xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm với công suất năm mươi ngàn tấn năm nhưng nhà máy sản xuất nguyên liệu tinh thì họ chỉ xây dựng mười ngàn tấn năm. Thế là mỗi năm thiếu bốn mươi ngàn tấn phải đi mua của nước ngoài và dĩ nhiên là mua của họ chứ đố có anh nào lại vác mặt đi mua của nước khác. Thế là chỉ cần mươi năm sau, họ lấy lại đủ số tiến mà họ đã cho để xây nhà máy. Chính phủ và nhân dân Việt Nam vẫn phải mang ơn họ mà đâu họ có bị thiệt hại gì nhiều. Hôm nay, Nguyễn An – Vụ phó vụ Kế hoạch của Bộ hẹn lên trao đổi về việc chuẩn bị cắt băng khánh thành nhà máy mở rộng và bàn một số nội dung về phát triển Tổng công ty nằm trong kế hoạch dài hạn. Có tiếng gõ cửa. Nếu như bình thường thì ông chỉ cần nói “ cứ vào” là đủ nhưng lần này ông đứng dậy đi ra mở cửa. Không phải Nguyễn An mà lại là chánh văn phòng, Nguyễn Hoàn không bước vào mà đứng ngoài cửa nói ngay:
- Báo cáo anh đoàn của Nguyễn An đến muộn quá nên em đã cho bố trí đến luôn khách sạn của Tổng công ty nhận phòng nghỉ trưa. Mời anh sang tiếp cơm họ luôn ở bên ấy.
Xe đưa Chu Tài sang đến khách sạn thì Nguyễn An đã được mời xuống phòng ăn, họ gặp và bắt tay nhau ở đấy. Cùng đi với Nguyễn An ngoài mấy chuyên viên thuộc vụ Kế hoạch còn có một người lạ mà Chu Tài chưa biết.. Sau khi chào hỏi, Nguyễn An nói với Chu Tài:
- Xin lỗi anh, chương trình có thay đổi một chút, xin giới thiệu đây là anh Dương Trùng Khánh, chuyên viên cao cấp trên Văn phòng Chính phủ, hôm nay vì đón thêm anh Khánh cùng đi nên có hơi muộn.
- Thôi, bây giờ chúng ta ngồi vào mâm rồi trao đổi tiếp.
Trong suốt bữa ăn, Trùng Khánh chỉ ậm ử trả lời những câu xã giao không trao đổi thêm gì, có vẻ như ông là người cẩn thận và kín đáo, chuyến đi này của ông là do Nguyễn An mời cùng đi để khảo sát nắm thêm thông tin về tình hình sản xuất hàng tiêu dùng trong nước thông qua một số Tổng công ty trong đó có Tổng công ty Lô Giang.
Cuộc làm việc buổi chiều, Tổng công ty Lô Giang báo cáo khái quát về tình hình của Tổng công ty những năm gần đây đã đưa sản lượng sản xuất hàng năm từ năm mươi ngàn lên sáu mươi ngàn tấn, do vậy mỗi năm phải mua nguyên liệu tinh từ nước ngoài lên đến năm mươi ngàn tấn, tiêu tốn rất nhiều ngoại tệ. Mới đây, được Chính phủ cho phép đầu tư xây dựng mở rộng nhà máy sản xuất nguyên liệu tinh lên bốn mươi ngàn tấn năm đã làm cho việc sản xuất của Tổng công ty chủ động và ổn định hơn, mặt khác giải quyết được vấn đề dư thừa gỗ nguyên liệu cho nhân dân trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống cho người dân trong vùng nguyên liệu. Theo trình bày của Tổng công ty thì đến năm 2015, sản lượng nguyên liệu trong vùng sẽ đạt mức hai triệu rưỡi tấn một năm, riêng các công ty Lâm nghiệp nằm trong Tổng công ty cũng đã đạt sản lượng tới năm trăm ngàn tấn năm. Nếu Chính phủ cứ tiếp tục cho băm mảnh xuât khẩu nguyên liệu thô thì sẽ rất thiệt về giá trị. Sau khi nâng cấp nhà máy sản xuất nguyên liệu tinh kỳ này, Tổng công ty vẫn còn phải nhập từ nước ngoài hai mươi ngàn tấn mỗi năm. Vì vậy, đề nghị Bộ tiếp tục xem xét trình Chính phủ cho mở rộng nhà máy sản xuất Nguyên liệu tinh giai đoạn hai lên mức công suất hai trăm năm mươi ngàn tấn năm, trừ công suất nhà máy chế biến sản phẩm sáu mươi ngàn tấn còn một trăm chín mươi ngàn tấn dành cho xuất khẩu thay vì xuất nguyên liệu thô như hiện nay. Trong suốt buổi làm việc, Trùng Khánh chỉ cắm cúi ghi chép, khi được Chu Tài đề nghị xin anh Trùng Khánh cho ý kiến về quan điểm của đại diện Văn phòng Chính Phủ thì Trùng Khánh nói rằng mình chỉ là chuyên viên, nhiệm vụ chỉ là tiếp cận thông tin về trình những người có trách nhiệm nên không thể tỏ thái độ với những việc có tầm vĩ mô như thế này. Tan buổi làm việc, Chu Tài mời Nguyễn An và Trùng Khánh về phòng làm việc riêng của Tổng giám đốc, sau khi đưa tặng mỗi người một cái phong bì Chu Tài nói:
- Lúc nãy anh Khánh khiêm tốn quá. Đúng là quyền quyết định không phải là anh nhưng ý kiến của anh đối với những người trọng trách có giá trị bằng nhiều lần ý kiến đề nghị của Tổng công ty chúng tôi và Bộ ý chứ. Bây giờ ngồi đây đề nghị anh cho xin nghe quan điểm riêng của anh để chúng tôi nghiên cứu xây dựng kế hoạch cho trùng hợp.
- Anh đã nói thế thì cũng xin phát biểu thẳng thắn và đây cũng chỉ là ý kiến ngoài lề để tham khảo thôi nhé, giải trình của Tổng công ty đúng nhưng không thực tế, tôi xin chỉ ra một điểm cơ bản là về sản xuất nguyên liệu, con số hai triệu rưỡi tấn năm vào năm 2015 chỉ là con số lý thuyết dựa vào những cơ sở hiện có như quỹ đất, lao động. Hiện tại cứ lấy diện tích đất sáu mươi ngàn héc ta Tổng công ty Lô Giang đang quản lý để xem xét thì đúng là Tổng công ty có thừa năm trăm ngàn tấn một năm. Nhưng cứ thử nhìn lại con số thống kê thực tế mấy năm gần đây mỗi năm Tổng công ty trồng mới chưa đầy hai ngàn héc ta, cứ cho là năng suất bình quân bảy mươi tấn đi thì đến năm 2015, Tổng công ty cũng chỉ đạt một trăm bốn mươi ngàn tấn năm chưa kể trong số sản lượng ấy còn một phần là của dân thông qua hình thức liên doanh, liên kêt. Căn cứ vào các kênh thông tin khác chúng tôi thu nhận được thì khả năng đến 2015 toàn vùng cũng chỉ đạt con số sản lượng gỗ nguyên liệu một triệu rưỡi tấn. Trong khi đó ở tỉnh bạn Chính phủ đã cho phép xây dựng một nhà máy có công suất chế biến hai trăm năm mươi ngàn tấn, thu hút trên một triệu tấn gỗ nguyên liệu mỗi năm, vậy việc Tổng công ty ta đề nghị mở rộng nhà máy giai đoạn hai là không khả thi.
Nguyễn An chen vào:
- Trên Bộ cũng có những băn khoăn như anh Trùng Khánh vừa nói.
- Các anh là chuyên viên chuyên nghiên cứu trên cơ sở những yếu tố, điều kiện thực tế nên ý kiến của các anh rất chặt chẽ, khó ai có thể bẻ lại được. Nhưng thưa các anh, bây giờ là cơ chế thị trường, mà thị trường thì chấp nhận cạnh tranh. Khi trình lên Chính Phủ thì những luận điểm của dự án cái nhà máy bên tỉnh bạn chắc gì đã sát thực tế, vậy mà họ vẫn được phê duyệt cho đầu tư, bây giờ đang xây dựng nhưng xây dựng xong chắc gì đã đưa được nhà máy vào sản xuất, đưa được vào sản xuất chắc gì đã có hiệu quả. Không khéo lại phải đóng cửa sớm như biết bao nhiêu các nhà máy mới mở ở nhiều ngành nghề khác. Tổng công ty chúng tôi đang sản xuất, vừa sản xuất vừa đầu tư tái sản xuất mở rộng. Nhà máy của chúng tôi đã hết khấu hao, phần lớn vốn xây dựng cơ bản tập trung được đưa vào sử dụng không phải vay Ngân hàng đó là lợi thế mà nhà máy bên tỉnh bạn không thể có được, và đó cũng là lợi thế để cạnh tranh của chúng tôi. Có điều nếu không được sự ủng hộ của các chuyên viên cao cấp như các anh thì chắc chắn dự án của chúng tôi không thể được Chính Phủ phê duyệt.
- Tất nhiên cũng sẽ có nhiều biện minh có cơ sở để bác bỏ ý kiến phản biện bảo vệ nội dung dự án, nhưng một cái khó nữa của các anh không giống như nhà máy bên tỉnh bạn, họ là doanh nghiệp cổ phần không có vốn của Nhà nước, họ đầu tư bằng vốn của cá nhân họ và các cổ đông nước ngoài, còn các anh là doanh nghiệp Nhà nước nên sự thận trọng của các nhà quản lý sẽ không thể tránh khỏi.
- Chính vì vậy Tổng công ty chúng tôi rất cần đến sự ủng hộ của các anh. Nếu có được các anh đồng hành, chúng tôi sẽ quyết đi đến cùng.
- Các anh đã quyết tâm thế thì tôi cùng Nguyễn An đây và kể cả Vụ trưởng Trọng nữa cũng sẽ ủng hộ thôi, có điều phải xác định ngay từ đầu là sẽ còn gặp nhiều khó khăn đấy.
- Làm cái gì mới mà chả gặp khó khăn, còn có cả những thế lực bảo thủ chống đối lại nữa là đằng khác, đã làm thì không sợ. Các anh đã nói như vậy thì chúng tôi sẽ cho họp Hội đồng Quản trị thông qua việc thành lập một Ban quản lý dự án mở rộng nhà máy giai đoạn hai. Cũng xin nói lại một lần nữa với các anh là chúng tôi có thuận lợi là nhà máy đã hết khấu hao nên những chi phí cho Ban Quản lý dự án giá thành sản phẩm của chúng tôi hoàn toàn có thể chịu được một cách dễ dàng. Để có thể thường xuyên liên hệ được với các anh, Ban Quản lý dự án sẽ tạo điều kiện mua mới cấp cho mỗi anh một chiếc xe của hãng Toyota nhãn hiệu Camry hai chấm bốn.
- Anh nói cứ như là đã có Ban Quản lý rồi ấy.
- Chưa có nhưng trong lãnh đạo Tổng công ty chúng tôi cũng đã bàn bạc thống nhất rồi, việc ký quyết định chỉ còn là thủ tục.
Thế là chủ và khách từ lúc ấy vui vẻ hẳn lên, thái độ của Trùng Khánh không còn phải giữ ý thận trọng nữa, họ đã như những người ngồi chung trên một chuyến đò. Trùng Khánh quay về phía Chu Tài tươi cười.
- Anh Chu Tài quả là người có tài thuyết phục, chả trách mấy năm gần đây tên tuổi Tổng công ty Lô Giang cứ nổi lên như cồn.
- Cũng đã làm gì được nhiều đâu anh, chỉ tiếc chẳng còn bao lâu nữa là đến tuổi nghỉ hưu, đến lúc nghỉ mà những dự định còn dang dở thì buồn lắm
- Thì những người kế nhiệm họ lại tiếp tục, lo gì
- Tân quan tân chính sách, bây giờ họp hành họ đều nhất trí nhưng mình nghỉ rồi có khi họ lại thay đổi, xóa bỏ những dự kiến dang dở của mình, điều ấy là lẽ thường xưa nay rồi.
- Anh còn mấy năm làm việc nữa
- Ba năm nữa
- Dự án này nhanh cũng phải năm năm, nếu dự án đang còn dang dở, có thể xin ở lại thêm một hai năm để hoàn thành dự án cũng là chuyện đã từng xảy ra nhiều. Bây giờ nói về việc xây dựng dự án để có thể thuyết phục được Chính Phủ đồng ý, các anh cần phải ký hợp đồng với một đơn vị có chức năng Tư vấn Đầu tư thì mới khách quan, chúng tôi là người của phía thẩm định nên không thể lộ mặt làm giúp các anh được.
- Điều ấy chúng tôi đã tính tới, hiện công ty Hương Việt đang giúp chúng tôi về việc trình Chính phủ sắp xếp các công ty Lâm nghiệp, có thể chúng tôi sẽ ký tiếp dự án này với họ.
- Ồ không! Các anh nên hợp tác với công ty Nam Phương, công ty này rất có uy tín với Chính Phủ, họ đã tư vấn cho nhiều Tổng công ty cỡ lớn hoàn thành các dự án quan trọng được Chính phủ phê duyệt một cách nhanh chóng. Có điều giá tư vấn của họ hơi cao, họ tính bằng 5% tổng giá trị khái toán của dự án. Nhưng các anh là doanh nghiệp Quốc doanh thì điều ấy cũng không ngại lắm, cũng là của ruộng đổ lên bờ thôi mà.
- Vậy thì nhờ anh khâu nối mối quan hệ mới này.
Trùng Khánh và Nguyễn An đi rồi, Chu Tài quay ra phía cửa sổ, ông lại kéo dèm nhìn qua ô cửa kính. Ngoài trời nắng hừng lên nhuộm vàng mái nhà máy khuất hiện dưới tán cây lá tươi xanh, từ đỉnh ống khói vươn lên nền trời xanh trong một dải mây trắng xám bồng bềnh tạo ra những vệt vân vằn vện kỳ quái. Chu Tài bỗng thấy trong lòng hứng khởi buột miệng khe khẽ hát một câu “ chưa có bao giờ đẹp như hôm nay…”.
*
* *
Ban Quản lý dự án Mở rộng nhà máy giai đoạn hai được thành lập, có đầy đủ bộ máy từ lãnh đạo đến các phòng ban, các chức danh cũng tương ứng như các công ty từ giám đốc, kế toán trưởng và các trưởng phòng nhưng quy mô thì có vẻ to tát hơn nhiều lần so với các công ty Lâm nghiệp. Ban Quản lý dự án được bố trí đóng trụ sở tại văn phòng Liên hiệp các xí nghiệp Lâm nghiệp cũ, nhà cửa sân vườn đã được xây dựng bề thế tọa lạc trên một mặt bằng rộng tới hai héc ta. Đã thế, sau khi Ban được thành lập, lãnh đạo Ban Quản lý còn cho chi thêm vài trăm triệu đồng sửa sang nâng cấp nên văn phòng của Ban Quản lý dự án cũng hoành tráng chẳng thua kém mấy văn phòng trụ sở của Tổng công ty và đương nhiên giám đốc dự án Võ Bình Nguyên cũng là người được Tổng giám đốc Chu Tài ưu ái nhất trong đám đệ tử của ông. Thực ra thì cái Ban Quản lý này đã có từ trước nhưng khi ấy nó còn trực thuộc trong phòng Kế hoạch do Chu Tài trực tiếp làm trưởng ban và Đức Tùng trưởng phong Kế hoạc làm phó trưởng Ban thường trực. Nó cũng đã khởi động được một vài phần việc nên mới có việc Vụ Kế hoạch trên Bộ báo cáo mời chuyên viên của Văn phòng Chính phủ khảo sát xem xét. Nay mọi việc đã đi vào quỹ đạo nên phải thành lập hẳn một Ban độc lập mới quán xuyến và thúc đẩy nhanh tiến độ của dự án. Sau hai năm, Tổng công ty Lô Giang phối hợp với công ty Tư vấn Đầu tư phát triển Nam Phương xây dựng dự án đã được Bộ thông qua và đệ trình lên Chính Phủ. Căn cứ vào ý kiến của bên Tư vấn Nam Phương thì dự án Mở rộng nhà máy giai đoạn hai sẽ mua lại nhà máy cũ của một nước Bắc Âu có công nghệ sản xuất từ năm 1986 thay vì làm mới với lý do sẽ tiết kiệm được ba ngàn tỷ đồng. Trong điều kiện nguồn vốn phải đi vay Ngân hàng thì theo tính toán của bên Tư vấn sẽ tiết kiệm được cả phần trả lãi tiền vay và hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn so với việc làm mới. Trong quá trình hội thảo lấy ý kiến phản biện từ cấp Tổng công ty lên đến Bộ, dự án đã gặp không ít những ý kiến phản biện hóc búa, phải tổ chức hội thảo lấy ý kiến nhiều lần nhưng phía Tư vấn họ vẫn kiên quyết bảo vệ ý kiến của họ. Ngay như Chu Tài lúc ban đầu bên Tư vấn đưa ra ý kiến ông cũng thấy gai gai không mấy thuyết phục. Phó giám đốc của công ty Tư vấn Đầu tư Phát triển Nam Phương là Nguyễn Kiện Minh đã phải trực tiếp gặp Chu Tài để trao đổi. Kiện Minh mới ngoài ba mươi tuổi, đã tốt nghiệp Thạc sĩ kinh tế tại một trường Đại học bên Mỹ, nghe nói cũng là con cái của một quan chức cao cấp trong Văn phòng Chính Phủ. Trong một buổi sáng gặp gỡ, cuộc trao đổi của Kiện Minh đã thuyết phục được Chu Tài đồng thời cũng đã thỏa thuận được với Chu Tài một vài điều quan trọng. Kiện Minh nói với Chu Tài:
- Ngay chính anh còn băn khoăn thì dự án làm sao có thể thuyết phục được những ý kiến phản biện. Đúng là bây giờ người ta đang có hội chứng nghi kỵ đối với công nghệ cũ. Nhưng anh cũng thấy rằng rất nhiều dây truyền sản xuất mới chưa chắc công nghệ đã tốt hơn công nghệ cũ có khi còn cải tiến thụt lùi. Thực tế như vừa rồi hãng xe Toyota vừa mới phải thu hồi hàng loạt xe đền cho khách hàng vì cải tiến công nghệ không phù hợp. Ngay như cái nhà máy của anh cũng có công nghệ từ những năm đầu của thập kỷ tám mươi thế kỷ trước mà bây giờ vẫn chạy tốt đấy thôi, cái nhà máy này có công nghệ tương tự mà lại còn làm sau mấy năm, nếu ta sử dụng nó thì đỡ phải đào tạo lại công nhân mà anh thì lại đang có rất nhiều thợ bậc cao, họ quen với công nghệ sản xuất giai đoạn này rồi. Mặt khác, cái nhà máy này xây dựng xong hoạt động được hai năm thì vì một lý do nào đó phải đóng cửa nên máy móc của nó gần như chưa có khấu hao gì nhiều. Bên Tư vấn sẽ chịu trách nhiệm đưa anh và một số cán bộ chủ chốt của dự án cũng như các cán bộ thẩm định của Bộ sang bên đó thực mục sở thị, các anh sẽ bị thuyết phục ngay thôi. Anh đừng ngại.
- Bây giờ nghe anh nói tôi cũng thấy yên tâm hơn chứ chỉ mới nghe là máy móc công nghệ cũ đã thấy không ổn, đúng là phải sang tận nơi sờ tận tay, nhìn tận mắt mới có thể thuyết phục được.
- Anh cứ gọi em bằng chú cho thân mật, bên chúng em đã làm mấy cái dự án hàng trăm ngàn tỷ cho một Tổng công ty lớn cũng mua máy móc đã qua sử dụng mà họ vẫn hoạt động bình thường và họ vẫn là những Tổng công ty mạnh chứ cái dự án của anh có năm ngàn tỷ, bé tí, bõ bèn gì. Ở vào vị trí với độ tuổi của anh thì trước mắt cứ cần dự án được phê duyệt cái đã. Là doanh nghiệp Nhà nước, có Nhà nước cấp trên phê duyệt rồi thì còn phải ngần ngại gì nữa. Dự án phải được khởi động sớm thì anh mới có lý do để trình Chính Phủ cho kéo dài thời gian công tác, chí ít cũng được một hai năm để cơ bản hoàn thành dự án chứ. Mấy lại hợp đồng ký với bên các anh chúng em hưởng theo tỷ lệ giá trị dự án, nếu chúng em làm theo hướng xây dựng nhà máy mới thì chúng em còn được hưởng nhiều hơn chứ. Có điều còn phải tính đến khả năng về huy động vốn và về nhiều yếu tố khác nữa nên chúng em mới chọn phương án sử dụng máy đã qua sử dụng. Anh cứ yên tâm đi, em nói có cơ sở đấy, anh hãy nhìn vào mấy cái dự án lớn đã triển khai của Tổng công ty bạn thì biết khả năng của chúng em. Không phải băn khoăn gì nhiều đâu. Kể cả việc xin kéo dài thời gian công tác của anh em hứa cũng sẽ đạo diễn được. Bây giờ anh cần phải chuyển tạm ứng cho chúng em một ít tiền để bên em lo cho chuyến đi khảo sát của các anh.
Ngay sau khi Ban Quản lý dự án của Tổng công ty chuyển tiền, chuyến đi khảo sát thực tế của các cán bộ chủ chốt Tổng công ty Lô Giang cùng Nguyễn An, Dương Trùng Khánh đã được Công ty Tư vấn đầu tư phát triển Nam Phương thông báo tổ chức đi sớm. Chu Tài gọi Nguyên và Hiến lên phòng ông trao đổi:
- Chuyến đi này chỉ gồm các đồng chí trong Hội đồng Quản trị có liên quan đến dự án và các anh trên Bộ, trên Văn phòng Chính Phủ, còn các cậu Tổng công ty sẽ bố trí cho đi ngay sau khi chuyến đi này kết thúc. Bây giờ các cậu cần lo cho tôi một số tiền bằng Mỹ kim để phục vụ chuyến đi. Nói là bên Tư vấn họ tổ chức chứ họ chỉ lo cho các khoản chi phí trực tiếp về đi lại, còn các khoản khác, đặc biệt là quà cáp cho các anh trên Bộ và Văn phòng Chính phủ thì ta phải lo, không có những khoản bôi trơn này thì dự án không tiến triển được đâu. Xử lý chi phí như thế nào thì do các cậu tự chế biến cho hợp lý chứng từ.
- Dạ, anh cần lấy bao nhiêu ạ.
- Bao nhiêu thì các cậu phải tự biết chứ ngay như tôi cũng chưa hình dung ra là nó cần bao nhiêu.
*
* *
Một thời gian ngắn sau chuyến đi công tác của đoàn cán bộ thực mục sở thị cái nhà máy cũ bên Bắc Âu. Dự án của Tổng công ty Lô Giang được thống nhất thông qua ở cấp Bộ và được đệ trình lên Chính Phủ phê duyệt. Với tư cách là người theo dõi thụ lý hồ sơ dự án, Dương Trùng Khánh có nhiệm vụ kiểm tra xem xét bước đầu sau đó báo cáo lên những người có thẩm quyền để chỉ định đơn vị phản biện. Trùng Khánh gọi Chu Tài:
- Alô anh Chu Tài! tôi có yêu cầu cần nắm bắt thêm về hoạt động sản xuất Lâm nghiệp của vùng cung cấp nguyên liệu cho Tổng công ty, đề nghị anh bố trí cử người đại diện của Tổng công ty đi cùng tôi đến làm việc với mấy tỉnh trong vùng nguyên liệu, cùng đi với tôi sẽ có cả Kiện Minh đại diện bên tư vấn dự án nữa.
- Nhất trí cao, anh cứ cho lịch cụ thể.
- Thứ hai đầu tuần tới tôi sẽ lên Tổng công ty, còn làm việc với các tỉnh đề nghị anh bố trí thông tin đăng ký với họ trước.
Dời điện thoại, Chu Tài bấm máy xuống Văn phòng yêu cầu Hoàn cho gọi và cùng Bình Nguyên lên phòng Tổng Giám đốc làm việc. Khi Hoàn và Nguyên đến. Chu Tài trao đổi với hai người:
- Các cậu bố trí đến các Sở Nông Lâm nghiệp của mấy tỉnh một mặt đăng ký làm việc với họ vào tuần sau, một mặt trao đổi và dọn dẹp lối đi với họ trước để khi làm việc với phái viên của Chính phủ họ có ý kiến đồng thuận với nội dung dự án của Tổng công ty.
Sáng thứ hai, Chu Tài bố trí cho Hoàng đón Trùng Khánh và Kiện Minh tại khu vực suối khoáng nước nóng rồi đưa về công ty Xuân Lâm vừa để tham khảo thêm tình hình hoạt động Lâm nghiệp của Tổng công ty vừa là để nghỉ ngơi hưởng không không khí trong lành của rừng suối. Buổi tối hôm đó, họ gặp nhau ở nhà hàng Hương Rừng. Thực ra những việc quan trọng trước khi được kết luận trên bàn nghị sự thì phần lớn nó đã được thỏa thuận thông qua trên bàn trà hoặc rượu ở những nhà hàng rồi. Vì vậy, cuộc gặp gỡ lần này Chu Tài đã giao trách nhiệm cho Hoàng phải bố trí rất chu đáo. Trước khi về công ty, Hoàng đã bố trí cho Trùng Khánh xông hơi, tắm nước suối khoáng có cả dịch vụ “đá kỳ” cho đỡ ngứa lưng. Bữa ăn buổi tối không cần cầu kỳ lắm, các bác ở Thủ đô thiếu gì các món ăn ngon, lên rừng thì thưởng thức đồ rừng, đặc sản của Hương Rừng là món ngọc dương, lợn lửng lai lợn rừng cắp nách, gà nhiều cựa… Đúng là nó cũng ngon thật nhưng chẳng qua nó lạ mời các bác thưởng thức cho biết thôi, với lại bây giờ ăn uống người ta đâu có quan tâm nhiều, ngủ nghỉ quan trọng hơn, đến với rừng thì phải được hưởng cái mát mẻ của rừng, cái “ hương rừng gió núi” mới là quan trọng. Nhà hàng Hương Rừng của Nhứng không lộng lẫy cao sang như khách sạn của Tổng công ty nhưng nó lại đáp ứng được cái hương vị của núi rừng.
Khi Chu Tài và Bình Nguyên từ Tổng công ty vào đến nhà hàng Hương Rừng thì Hoàng đứng đón ngay tại cửa xe và nói với Chu Tài:
- Anh Trùng Khánh bảo khi nào anh đến mời anh vào phòng anh ấy trao đổi riêng ít phút cái đã.
Hoàng dẫn Chu Tài vào phòng Trùng Khánh rồi quay ra. Ở đây, Kiện Minh đã có mặt cùng Trùng Khánh chờ Chu Tài. Sau khi uống một chén nước trà, Kiện Minh lên tiếng:
- Báo cáo với các anh, không nói thì các anh cũng biết cả nhưng trách nhiệm thì thằng em vẫn cứ phải trình bày cho nó minh bạch, làm ăn như chúng em cứ phải minh bạch thì các anh mới tin tưởng được. Như các anh biết đấy, cái khoản năm phần trăm bên tư vấn chúng em được hưởng theo hợp đồng cứ tưởng là nhiều nhưng chắc cũng chỉ đủ bố trí hai chuyến công tác của các anh là hết. Vừa rồi các anh cũng đã được thực mắt chứng kiến là máy móc của họ còn sử dụng tốt. Ở Việt Nam chúng ta, việc sử dụng máy móc, phương tiện đã qua sử dụng của nước ngoài đã thành phổ biến, đi đâu chả gặp những bến bãi khổng lồ ngập tràn những máy móc phương tiện cũ, hết hạn sử dụng theo tiêu chuẩn của nước người ta nhưng về Việt Nam thì sử dụng có đến hàng chục năm sau vẫn cứ chạy tốt. Ở những nước tiên tiến, máy móc họ quy định sử dụng theo thời gian sản xuất, dù anh không hoạt động, còn mới nhưng hết thời hạn thì vẫn phải ngừng hoạt động, cái nhà máy mà chúng ta sẽ mua nằm trong diện như thế. Tất nhiên việc trả hoa hồng cho môi giới đã thành thông lệ. Em có trách nhiệm báo cáo để các anh nắm được là họ sẽ trả theo phần trăm giá bán họ nhận được. Khoản tiền này bên em sẽ sử dụng cho việc bôi trơn để hoàn thành khâu phê duyệt dự án. Về phía Tổng công ty anh Chu Tài thì sẽ được hưởng lợi từ sự rơi rụng ở các công trình Xây dựng cơ bản, mà phần này chiếm đến quá nửa giá trị dự án rồi.
- Thôi đi chú Kiện Minh, làm gì mà phải rạch ròi như mấy bà đi chợ thế
- Dạ, em biết thế nào cũng bị chê trách, nhưng nếu không nói thì lại là thiếu.
- Nhưng tôi vẫn còn băn khoăn là hiện giờ cái nhà máy ấy nó đã bán mất vài bộ phận của dây truyền, không còn đồng bộ nữa.
- Đấy , cái đó em đang muốn trình bày, hiện tại họ mới bán cái nồi hơi, cái này thay thế dễ dàng, các anh có thể mua luôn cái nồi hơi mới thay thế thì nhà máy vẫn không ảnh hưởng gì. Nhưng nếu họ tiếp tục bán những bộ phận khác có liên quan trực tiếp đến dây truyền công nghệ thì nhà máy sẽ không còn đồng bộ nữa. Bây giờ ta với họ chưa có gì để dàng buộc nên gặp khách là họ bán, vì vậy ta cần ký hợp đồng và đặt cọc cho họ thì mới giữ được.
- Nhưng dự án đã được phê duyệt đâu mà ký hợp đồng
- Là ở chỗ ấy mới phải đề xuất anh, hứa như đinh đóng cột với anh là dự án sẽ được phê duyệt nhưng anh cũng biết là nó phải trải qua quy trình thủ tục chặt chẽ, ngay như hôm nay anh Trùng Khánh đi đây cũng là một bước trong quy trình, vì vậy dẫu có là thánh thì cũng phải có thời gian. Mà đợi được đến lúc phê duyệt thì biết đâu họ lại chả bán tiếp một thứ gì đó rồi.
Trùng Khánh vốn dĩ kiệm lời, kín tiếng nhưng lúc này cũng lên tiếng
- Chú Kiện Minh nói thế cũng phải đấy, việc dự án được phê duyệt như thế là đã trong tầm tay rồi nhưng vẫn còn phải có thời gian, ngay như chuyến công tác này mặc dù tôi cũng đã thống nhất với dự án nhưng vẫn phải đi lấy ý kiến của các tỉnh, chẳng lẽ cứ ngồi nhà mà phán hóa ra thành quan liêu à.
- Cả anh Trùng Khánh nói thế thì tôi còn gì mà phải lăn tăn nữa.
- Vậy thì anh bố trí sang ký hợp đồng với họ sớm đi, ngay trong tuần này càng tốt, một mặt anh bảo thuộc cấp chuẩn bị một triệu, chỉ cần một triệu đô đặt cọc thôi, ký xong ta chuyển cho họ luôn, cũng phải nói thật với các anh là nhận được tiền thì họ sẽ chi trả hoa hồng cho bên em ngay theo tỷ lệ số tiền nhận được. Bên em cũng phải có tiền thì mới thúc đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án. Nếu anh bố trí được thì ngay ngày mai em sẽ quay về làm thủ tục để đi tháp tùng anh.
- Đồng ý, tôi sẽ bố trí, mai chú quay về ngay đi!
- Còn một việc quan trọng nữa, việc này lẽ ra anh Trùng Khánh, phái viên chuyên trách của Chính phủ phải trao đổi nhưng em cũng xin nói hộ anh Trùng Khánh luôn. Hiện có một cái nhà máy cùng ngành sản xuất với anh ở phía Nam thuộc một công ty cổ phần. Họ đã xây dựng gần hoàn thiện nhưng trong số lãnh đạo chẳng ai am hiểu gì về công nghệ sản xuất. Nay họ muốn rút khỏi dự án, thoái vốn làm việc khác, Văn phòng Chính phủ đặt vấn đề giao cho anh quản lý, tiếp tục hoàn thiện để đưa nhà máy vào sản xuất càng nhanh càng tốt. Em sẽ chuyển hồ sơ của công ty này cho anh để anh nghiên cứu, trong vòng một tháng, đồng ý hay không anh cho ý kiến.
Kiện Minh vừa dứt lời thì Trùng Khánh lên tiếng:
- Đúng là Văn phòng Chính phủ có ý kiến như vậy đấy, nếu anh đồng ý thì việc kéo dài thời gian công tác của anh sẽ được phê duyệt ngay, mà phải nói là giữ anh lại để anh còn chỉ đạo thực hiện. Nhưng đây là những việc tế nhị nên phải trao đổi trực tiếp với anh trước. Nếu được anh đồng ý thì sẽ có văn bản chính thức gửi Tổng công ty anh. Chú Kiện Minh chuyển sớm hồ sơ về cái nhà máy phía Nam ấy để anh Chu Tài nghiên cứu. Thôi, công việc cơ bản đã trao đổi xong, bây giờ ta đi ăn cơm, kẻo cũng muộn rồi.
Bữa cơm không bố trí trong nhà hàng lẫn lộn với những khách hàng khác mà được dải chiếu bày cỗ lá theo kiểu người Mường xuống mãi khoảnh sân tít tận bên trong khu nhà nghỉ. Một đống củi được chất cao ngất giữa sân. Thực khách ngoài hai vị khách quý ở Hà Nội, vài vị ở văn phòng Tổng công ty còn có một số cán bộ công ty Xuân Lâm, bà chủ nhà hàng Nhứng, mấy em nhân viên phục vụ ở nhà hàng Hương Rừng và cả một đội múa xòe do Hoàng đón từ bên tỉnh bạn sang. Khi thực khách đã đến đông đủ, đống lửa ở giữa sân được đốt lên và những bóng đèn điện lại được tắt đi để lại một thứ ánh sáng mờ mờ tỏ tỏ nhưng ai nhin ai cũng thấy rạng rỡ, hân hoan và kỳ ảo. Trong bữa cơm, các em gái chân dài được chọn lựa ăn mặc theo sắc phục của người Mường và người Thái đi khắp các mâm rót và chuốc rượu theo cách thức quen thuộc mà mỗi lần có khách quý ở công ty Hoàng đều bố trí kiểu tiếp như thế. Có điều lần này là những vị khách đặc biệt nên sau khi ăn xong không vào phòng hát karaoke như mọi lần khác mà khách qúy được bố trí kê ghế ngồi ngay bên đống lửa xem các em gái Thái Tây Bắc múa xòe. Các em trong trang phục áo cóm nhiều màu, dải thắt lưng xanh đỏ lượn lờ phấp phới như một đàn bươm bướm chập chờn lúc nhẹ nhàng uyển chuyển uốn éo những đường cong, lúc dồn dập ào ào như mưa rào mùa hạ. Cứ sau mỗi điệu múa, phía trước mặt khách có một cái bàn được để sẵn rất nhiều những chén rượu nhỏ, lúc điệu nhạc ngớt và các em gái đứng thành hàng ngang chào khán giả là lúc các vị khách quý mỗi người cầm hai chén rượu thay những bông hoa mà người ta thường tặng cho nghệ sĩ trên sân khấu, khách thích tặng em nào thì đưa cho em đó một chén rồi vòng tay qua cổ cùng uống theo kiều ‘ Sơn La cao”, những khách mới đến lần đầu thì được hướng dẫn trước còn những khách đã quen thì sau khi uống rượu có thể thực hiện “ hai chấm một phảy”, có nghĩa là có thể hôn lên hai bên má và môi của em gái vũ công. Khi khách quay lại chỗ ngồi thì một điệu nhạc mới lại được cất lên bởi các nhạc công người Thái với những khí nhạc cũng của dân tộc Thái như trống, chiêng, khèn bè, đàn, sáo làm nhịp cho một điệu múa mới. Chu Tài đã quá quen với những màn như thế, vả lại trong người thấy cũng đủ hơi men nên ông ngồi trầm ngâm thưởng thức những điệu múa nhưng lại thả tâm trí vào những điều vừa trao đổi với Trùng Khánh và Kiện Minh ban chiều. Phải nói rằng thằng em Kiện Minh này tuy ít tuổi nhưng cách làm việc của nó rất dễ thuyết phục, nó thẳng thắn và thật thà không úp mở nhưng cũng kín đáo chặt chẽ, mặt khác nó có chỗ dựa ở phía sau rất vững chắc, thậm chí ý kiến của nó có khi lại chính là ý kiến của người có quyền quyết định. Đến ngay như Trùng Khánh chuyên viên cao cấp, phái viên của Chính Phủ cũng phải lựa lời nó nói nữa là. Cái Tổng công ty của mình cũng chỉ là một đơn vị nhỏ và cái dự án mở rộng nhà máy giai đoạn hai đúng như nó nói cũng chỉ là lẻ tẻ bé tí thấm gì với mấy cái dự án hàng trăm ngàn tỉ đồng mà nó đã tư vấn. Tất cả những điều nó nói xem ra không thể không theo. Nhận cái nhà máy tuy nói là vốn vay nhưng tiền cũng là do các Ngân Hàng ghi nợ, Tổng công ty có phải trực tiếp bỏ tiền ra đâu, Trùng Khánh còn báo có thể được Ngân sách cấp một vài trăm tỷ ghi vào nguồn vốn lưu động để lấy tiền hoàn thành nhà máy, như thế thì Tổng công ty cũng chẳng mất gì, mà mất gì thì cũng là của Nhà nước, những người quản lý Nhà nước cao cấp bên trên họ có ý như thế thì dại gì mà trái ý họ, lại được làm việc kéo dài thêm một năm chả tốt hay sao, mà cái một năm ấy, nếu dự án được phê duyệt thì còn có biết bao nhiêu hạng mục công trình xây dựng cơ bản, lại chả bằng hàng chục năm nai lưng ra chỉ đạo sản xuất đơn thuần ấy à. Còn cái vụ chuyển tiền đặt cọc cũng phải làm ngay kẻo nó vặt các bộ phận ra bán tiếp dẫn đến việc phải xây dựng lại dự án thì chậm trễ rồi có khi chẳng bao giờ dự án được phê duyệt nữa cũng nên. Bao nhiêu năm công tác, Chu Tài thừa hiểu cái gì nó cũng có cơ hội của nó, thời cơ đến mà không nhanh nhậy nắm bắt ngay lấy thì nó sẽ tuột ngay sang tay kẻ khác, và có thể không bao giờ lại có được một thời cơ như thế nữa, các cụ xưa chả bảo “ Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí đấy là gì”. Cái nhà máy tuy mang tiếng là cũ nhưng về đến mình vẫn còn chạy tốt, lại chả bằng mấy cái dây truyền mình đang vận hành ấy à, cùng một kiểu công nghệ nhưng nó xây dựng sau lại không hoạt động nên nó còn mới thật. Mà đến lúc nó hoạt động đưa vào sản xuất để cho ra sản phẩm thì Chu Tài này cũng nghỉ hưu từ “ tám đời” rồi có gì mà phải băn khoăn, dẫu có trục trặc kỹ thuật thì cái đám hậu sinh ấy nó khác có cách khắc phục, mà trên đời ai chẳng cũng đã từng là hậu sinh, ai được cất nhắc đề bạt để đảm nhiệm đứng đầu một đơn vị mà chả phải quét dọn những rác rưởi của người tiền nhiệm bày ra để lại. Xét cho cùng thì nó cũng là một vòng quay, một quy luật tất yếu thôi, ai gần đến tuổi nghỉ hưu lại chả chuẩn bị cho mình một chút gì đó dưỡng già, khối người cao cấp hơn Chu Tài cũng vậy chứ đâu chỉ có mình Chu Tài. Mà lại còn được sự bảo trợ của bên trên thì còn có lo sợ gì nữa. Đã ngồi trên lưng hổ thì phải chạy cùng hổ thôi. Những việc làm này cũng phải lường trước phản ứng của những kẻ phản đối để còn có cách đối phó. Ngay đến như Thằng cha Thiện, đúng là trẻ khỏe, có trình độ, giỏi giang nhưng cũng phải bao nhiêu công lao của Chu Tài dìu dắt nó mới lên đến chức phó Tổng giám đốc chứ, đang định đào tạo thành người kế nhiệm, thế mà nó lại không nghe theo ý Chu Tài ở cái vụ mua mười ngàn tấn nguyên liệu tinh từ Trung Quốc, lại cứ bảo là đã cho kiểm định chất lượng kém không thể dùng được. Thế nào là chất lượng kém, mua của nước khác chắc gì chất lượng đã khá hơn. Hừ, hay là nó định tranh ăn với sếp. Kỳ này phải luân chuyển không cho phụ trách kinh doanh nữa, cho mày sang làm đại diện phần vốn của Tổng công ty với bên công ty cổ phần bạn, ngồi đấy mà nhâm nhi mấy chén nước trà xem còn giỏi giang nữa hay không. Còn cái thằng Hoàng này khá, chưa nói nó đã hiểu ý sếp, những người như nó có thể tin cậy được, chuyến này phải cho làm thủ tục đề bạt dần là vừa, ba tháng nữa Ngô Hùng nghỉ là cho nó thế vào luôn đồng thời cho nó rút lui khỏi chức Tổng giám đốc công ty cổ phần Thanh Thanh, cũng là thêm cái cớ để thoái vốn của Tổng công ty đẩy tỷ lệ góp vốn của Chu Tài lên ở đấy, chỗ ấy tuy không lớn nhưng nó có nhiều lợi thế, sẽ là sân sau chắc chắn lúc nghỉ hưu. Đang miên man với những ý tưởng riêng bỗng Chu Tài giật mình bởi cái vỗ vai của Trùng Khánh.
- Các em nó đang mời lên nhẩy với nó kìa!
Vòng xòe đã được nối bằng những đôi tay của cả người xem lẫn vũ công càng ngày càng rộng ra thành một vòng tròn xung quanh đống lửa lúc này đã được bổ xung thêm củi cho cháy to hơn, những ống nứa tươi cũng được ném vào đống lửa để tạo nên những tiếng nổ đì đùng, mấy bình rượu hoãng có cắm những cần hút bằng trúc đã được bê ra đặt giữa vòng xòe, từng đôi do các em gái vũ công người Thái dắt tay khách đi vào giữa vòng xòe hút rượu. Củi cứ tiếp thêm cho lửa cháy, nứa cứ nổ đì đùng, vòng xòe cứ nghiêng ngả chập chờn giữa miền núi rừng về khuya khi sương đã buông trong màn đêm càng ngày càng nặng.
Người gửi / điện thoại