bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BS ĐINH HỮU DUNG!NƯỚC VỐI ĐẶC SẢN VÙNG ĐỒNG CHIÊM GIA VIỄN RẤT SẴN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BẠN NHƯ NGUYỆT ĐÃ GỬI BÀI!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA BÀI LÊN TRANG, LÀM CHO TRANG THÊM PHONG PHÚ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ VĂN NHÀ GIÁO TRẦN TRUNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN PV KIM KHÁNH, PHÓNG VIÊN HTV9!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA VIDEO CLIP NÀY LÊN TRANG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ THƠ BÙI MINH TRÍ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 11
Trong ngày: 161
Trong tuần: 662
Lượt truy cập: 612817

XUYÊN QUA CÁNH RỪNG (Chương cuối)

Cầm Sơn

XUYÊN QUA CÁNH RỪNG (12-Chương cuối)


 Nhận quyết định nghỉ hưu hôm trước thì hôm sau vợ chồng Đức lên đường sang Campuchia tìm mộ cha.  Nhân chuyến vào miền Nam dự đám cưới đứa cháu, bà mẹ Đức lần theo địa chỉ  những tờ bưu thiếp cha Đức gửi về trước đây đi tìm. Nhưng khi tìm được thì cha Đức đã chết từ năm 1972. Ngày ấy, sở cao su nơi ông ở thuộc tỉnh Thủ Dầu Một là cửa ngõ Sài Gòn, khi quân đội Giải phóng tấn công thì nằm giữa hai làn đạn nên dân phải sơ tán, người chạy theo “Chánh phủ Quốc gia” thì về Sài Gòn, ông có nhiệm vụ vận động và chỉ đạo dân cao su chạy sang vùng giải phóng. Không may ông bị sốt rét rồi mất ở Campuchia. Ông đã lại lấy vợ và có những đứa con nhưng bà vợ là người theo đạo công giáo nên không nghĩ đến chuyện đưa hài cốt ông về. Cuộc hành trình này của Đức là lần thứ tư trong chuỗi hành trình tìm ông. Hai lần trước do các em con bà mẹ kế theo yêu cầu của mẹ Đức sang Campuchia khảo sát. Lần thứ ba do mẹ Đức chỉ đạo cùng bà mẹ kế và các em Đức đồng thời có mời nhà sư Phước Ấn  là một nhà ngoại cảm đã từng tìm được nhiều mộ liệt sĩ đi trợ giúp, song đều không đạt được kết quả. Lần này nhà sư lại đi cùng Đức, ông nói quyết phải tìm bằng được. Đoàn đi bằng một chiếc xe Lancruice bảy chỗ chạy dọc theo đường Hồ Chí Minh  xuyên qua đại ngàn Trường Sơn thâm u, vách núi dựng đứng. Để mở con đường này quả thật là tốn kém, liên tục nhiều nơi đất lở đá xô, xe đi lại  ít nhưng gặp  nhiều các đội sửa đường. Có lẽ vùng A Lưới là đỉnh cao nhất của Trường Sơn. Xe  chạy từ Đông Trường Sơn xuyên sang Tây Trường Sơn qua nhiều địa danh mà thời chiến tranh bước chân Đức đã từng in dấu. Núi non hiểm trở trùng điệp và hùng vĩ, có đi trên đỉnh Trường Sơn mới thấy  sự hy sinh gian khổ của bộ đội đường dây 559, mới cảm nhận được tầm vóc lớn lao của cuộc chiến tranh vệ quốc thống nhất  non sông. Đến cửa khẩu biên giới Tây Ninh, vì đã có hẹn nên hai cô em Đức con bà mẹ kế đã có mặt. Thuê tám người vừa làm xe ôm vừa là người  đào tìm chở sang biên giới, vì là dân vùng giáp ranh nên việc qua lại biên giới là chuyện thường nhật, chỉ cần có thông hành là đi lại bình thường.  Nơi đoàn tìm mộ đến là một  vạt đồi cao su. Chủ vườn, một ông già cỡ ngoài sáu mươi tuổi nhưng khỏe mạnh, ông rất sởi lởi và vui vẻ khi đoàn đề nghị cho  tìm mộ trên vạt rừng của ông. Nhờ những người Miên sở tại, đoàn tìm được cái giếng hình vuông bằng bê tông, vật duy nhất làm mốc chuẩn. Từ đây sẽ xác định các vị trí khác theo trí nhớ của bà mẹ kế và các em Đức, nhà sư Phước Ấn chỉ vị trí cần tìm. Một cháu trong đoàn tên gọi là Đen để được quả trứng trên đầu đũa, sau đó nhiều người khác cũng để được. Đào bới hết buổi sáng chả tìm được gì. Cho thấy việc cắm đũa đặt trứng chỉ là trạng thái cân bằng không bền, đặt khéo léo một chút thì  được chứ không phải hiện tượng tâm linh huyền bí gì.
     Buổi chiều, nhà sư gọi Đức yêu cầu điều người xuống phía chân đồi đào. Đào đến ba giờ chiều vẫn chẳng thấy gì. Trời phía Tây Nam sấm chớp đì đùng, mọi người đành nghỉ ra về, sợ rằng trời mưa xuống thì sẽ không ra được khỏi rừng cao su vì đường sẽ trơn trượt, xe máy không thể đi được. Về tới nhà chị Tơ là người thạo tiếng Miên làm công tác phiên dịch còn sớm. Nhà sư cùng chị Tơ ra nhà chùa gặp sư trụ trì chùa người Miên. Nhà sư Miên bầy cho sư Phước Ấn một số thủ tục theo phong tục của người Miên, Đức gửi nhà sư Miên một ít tiền nhờ nhà sư đến tối  làm lễ bằng tiếng Miên. Kết thúc ngày đầu sang đất Miên tìm mộ bố. Đức thật sự thất vọng. Trong cái rừng cao su mênh  mông như thế, thời gian đã xoá sạch mọi dấu tích, tận chân trời xa thẳm đất khách quê người, hỏi rằng cha nằm ở đâu?
       Ngày thứ hai, nhà sư Phước Ấn yêu cầu dùng thước dây và la bàn đo khoảng cách cẩn thận. Vị trí xác định ngày hôm nay cách vị trí ngày hôm qua có tới một trăm mét. Sau khi làm lễ đoàn mới cho đào tìm. Hết buổi sáng vẫn không thấy gì. Mọi người xuống  bìa rừng  ăn cơm.  Nhà sư Phước Ấn  bảo  ông  không ăn, cứ  kệ  ông  ngồi  Thiền một  mình  trên  đỉnh  đồi  để ông tĩnh tâm.  Khoảng một  giờ  sau nhà sư xuống  núi và nói đã tìm ra mộ. Vị trí nhà sư chỉ là một khoảng đất  nằm chính giữa hai hàng cao su, khoảng đất này hơi trũng xuống như hình một cái huyệt. Linh cảm giác quan thứ sáu của Đức đã mách bảo đúng đấy là mộ cha mình rồi.
  Đầu tiên là cháu Đen phát hiện  đất chuyển sang mầu xám., rồi đến cái thuốn của ông Bảy Thương kéo lên được một mẩu mầu đen dài khoảng 2cm, bóp thấy chẩy nước và khi xé ra thì xác định đấy là một mẩu tre.  Lại nói về cây thuốn  của  ông  Bảy  -   Trung tá   Huỳnh Thương,   chủ tịch  Hội  Cựu chiến binh  xã Tân  Đông.  Ông  có cây thuốn bằng thanh sắt 12 li được đánh hai cái ngạnh ở đầu, hai cái ngạnh này có thể kéo từ dưới đất lên những vật mà người tìm kiếm cần nghiên cứu. Với cái thuốn này, ông đã cùng bạn bè tìm được 477 hài cốt của đồng đội. 
      Do những người trong đoàn đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm hài cốt nên bắt đầu từ đây, việc tìm kiếm được tiến hành rất thận trọng, đất được hớt lên từng lớp rất mỏng để kiểm tra. tiếp tục phát hiện ra một mảnh sắt rỉ, mẩu ni lon vụn. Mảnh hài cốt đầu tiên  tìm được là một cái răng hàm, cái răng này lại nằm ở hướng phía dưới, như vậy thì mộ sẽ là đặt đầu xuống phía chân đồi, điều này có vẻ hơi ngược. Nhưng theo cô em Đức giải thích thì đúng là khi chôn  gia đình đã có ý hướng đầu quay về phía núi Bà Đen, đấy là Tổ quốc Việt Nam. Đức ngước mắt nhìn sang phía Đông Nam, thấy ngọn núi Bà Đen sừng sững, uy nghiêm hiện trên nền trời xanh mờ phía xa xa.
      Sau đó,  nhặt được rất nhiều những mảnh xương đã vón cục tròn tròn. Các cháu nhỏ người Miên cũng nhẩy vào giúp, chúng nhặt được một vốc to so với bàn tay của chúng những mẩu xương vụn. Di vật  thu lượm được ngoài hài cốt ra còn có: những måu tre đen, những mảnh sắt gỉ, những vụn ni nông . Đến đây, các em Đức  khẳng định chính xác là mộ cha. Khi  mất, ông được khâm liệm bằng một tấm vải mưa, quấn bên ngoài là hai mảnh tôn có mấy thanh tre đặt dọc theo thi hài bó lại. Vị trí theo lời bà mẹ kế Đức nói tính từ cái giếng bê tông vuông đi về phía Bắc 20 mét, quay sang phía Đông chừng 400 mét là nhà ở. Khi ông chết, được khiêng chéo về phía Tây Tây Bắc khoảng 70 mét, chôn cạnh mấy bụi tre non. Theo lời cô em Đức lúc bấy giờ cũng đã tám tuổi nên vẫn hình dung được là nhà ở phía bên trên một rặng tre, và rặng tre thì đến nay vẫn còn. Như vậy vị trí ngôi nhà  là ở ranh giới giữa vườn cao su và vườn điều. Chỉ có một yếu tố khác là nó  cách cái giếng có 300 mét chứ không phải 400 mét như bà mẹ kế Đức nói. Điều đó cũng dễ hiểu, vì chạy loạn chiến tranh, ở đó có bẩy tháng, khi ấy còn là rừng rậm, khoảng cách chỉ là áng khoảng làm sao cho chính xác được. Người đầu tiên Đức gọi điện thông báo là mẹ. Đức vốn cứng rắn nhưng khi sóng bắt được liên lạc thì  không nói được mà chỉ khóc, và đầu dây bên kia mẹ Đức cũng khóc, có lẽ không cần nói bà cũng đã biết được tin mừng. Có thể phải đến hai phút sau Đức mới nói được những lời cần nói. Đức không dám gọi cho người thân nữa vì sợ rằng lại khóc.  Chị Tơ và chị Hoa là người phiên dịch nói thạo tiếng Miên giới thiệu một người đàn bà Miên và bảo chính bà này đã dắt tay thầy Phước Ấn chỉ ngội mộ. Bà chỉ một  cây khô và nói rằng nó không phải là một  gốc cây chết mà là một cái cọc đánh dấu mộ chôn người. Cháu Đen nhổ thử thì thấy đúng là một cái cọc được chôn xuống chứ không phải gốc cây  và còn phát hiện thêm lúc đào bới cũng có mấy cái cọc nằm dưói đất nữa. Vậy là chủ rẫy đầu tiên đã chôn bốn cái cọc bằng một loại gỗ mà trung tá Huỳnh Thương bảo là nó rất đắng nên không bị mối mục xung quanh mộ để đánh dấu, nay còn một cái vẫn còn cao đến hơn một mét. Do vườn cao su đã được mua đi bán lại nhiều lần nên các chủ vườn sau này không còn biết đấy là cái mộ nữa. Đến lúc tìm ra mới thấy thật đơn giản. Và theo người đàn bà chỉ mộ tên là Em Khòn thì phía trên đỉnh đồi này chỉ có một ngôi mộ, còn những ngôi mộ khác đều được chôn ở phía dưới chân đồi. Điều đó càng khẳng định ngôi mộ đoàn tìm được chính xác là mộ cha Đức. Từ trước đến nay Đức vẫn nghi ngờ và không mấy tin vào những câu chuyện kể về các nhà ngoại cảm, Đức cho rằng người đời cứ thêu dệt ra cho nó li kỳ vậy thôi. Qua diễn biến của hành trình tìm mộ cha lần này, Đức thực sự  tin rằng có một sức mạnh tâm linh chỉ dẫn và khả năng ngoại cảm của con người là có thật. Nhà sư Phước Ấn  không nhìn được xuống lòng đất nhưng nếu không có ông nhịn ăn ngồi thiền một mình trên đỉnh đồi thì làm sao xuất hiện được bà Em Khòn chỉ dẫn.
 Trung tá Huỳnh Thương bảo cứ đưa hài cốt về nhà ông nghỉ vì nhà ông thường xuyên để hài cốt đồng đội không kiêng kị gì nhưng Đức đã cho xe đi ngay trong đêm về chùa của nhà sư Phước Ấn ở Đồng Nai. Đức quyết định nghỉ lại một ngày để lấy sức cho xe đi thẳng một lèo về miền Bắc. Trong ngày nghỉ này, nhà sư  Phước Ấn dẫn vợ chồng Đức đi lên chơi miệt vườn Lái Thiêu. Trong chuyến ấy vợ chồng Đức còn may mắn mỗi người được thụ nhận một viên Xá Lợi của Đại Đức Mục Kiền Liên Bồ Tát khi vào thăm ngôi chùa Hoàng Ân Cổ Tự.
 Ngày về, sau khi cúng cơm cho vong hồn cha Đức, nhà chùa chiêu đãi  mỗi người một bát phở chay. Đoàn chụp ảnh lưu niệm  với sư Phước Ấn và nhà chùa rồi khởi hành. .
         Lúc  mới  vào Nam,  năm  1953  còn  được viết  bằng thư chưa phải dùng bưu thiếp, trong  một  lá thư gửi  mẹ Đức, cha Đức có nhắc đến lời một bài hát của nhạc sỹ Hoàng  Giác"Tung cánh chim tìm về tổ ấm, nơi sống bao ngày giờ đằm thắm, nhớ phút chia ly ngại ngùng lúc ra đi, luyến tiếc bao nhiêu ngày xanh...". Đó cũng là nguyện vọng của  những người vì miếng cơm manh áo hoặc vì một hoàn cảnh đặc biệt nào đó mà phải sống kiếp người tha hương nơi viễn xứ.
     Thế là sau năm mươi bảy năm lưu lạc, Đức đã  đưa được cha về quê hương, chỉ có điều khi đi ông còn là một thanh niên to khỏe đẹp trai, còn ngày trở về thì đã thành người thiên cổ. Khi thắp nén hương tạ mộ, Đức khấn: “ Cha đã hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, của nhân dân giao cho và ra đi lặng lẽ âm thầm. Nay con cũng  hoàn thành nhiệm vụ rồi và không xấu hổ với anh linh cha vì cả cha và con, không ai phản bội lại con đường mình đã chọn”
                                                                 *
                                                              *     *
    Anh bưu tá vừa đưa cho Đức một bức thư của Mỹ Hạnh gửi từ  Hà Nội về thì ngay lúc ấy, Đức nhận được điện thoại từ văn phòng Viện nghiên cứu cây nguyên liệu thông báo Viện trưởng Huỳnh Thị Mỹ Hạnh đã từ trần. Lễ viếng và truy điệu được tổ chức tại nhà tang lễ bệnh viện Bạch Mai. Tin dữ thật đột ngột. Vừa mới tháng trước Đức còn gặp Mỹ Hạnh tại cuộc họp Ban chấp hành Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp tỉnh ngoài trụ sở Chi cục Lâm nghiệp. Theo thông tin của Hạnh thì sáu tháng sau khi Đức nghỉ hưu Chu Tài cũng nghỉ đồng thời cũng là lúc có thông báo chính thức của Chính phủ bác bỏ dự án “ Mở rộng nhà máy giai đoạn hai” của Tổng công ty Lô Giang. Ban quản lý dự án giải tán, qua thanh tra thấy có sự lỏng lẻo trong quản lý làm thất thoát tài sản lớn và có nhiều dấu hiệu vi phạm những quy định về quản lý tài chính nên hiện giờ Chu Tài tạm thời bị quản thúc tại nơi cư trú để phục vụ công tác điều tra của cảnh sát kinh tế Bộ Công an, nhiều khả năng có thể  sẽ bị khởi tố. Hạnh nói với Đức:
-  Đến giờ này thì  phải công nhận những phản ứng của anh về cái dự án ấy là đúng đắn.
-  Không phải chỉ có một mình Đức mà hầu như tất cả mọi người đều nhìn  nhận được sự việc, kể cả chính Hạnh cũng nhìn thấy cái mặt trái khuất tất của dự án nhưng không ai dám nói ra và khá nhiều kẻ còn tung hô tán thưởng. Tất cả cũng đều vì nghèo, vì miếng cơm manh áo thường nhật mà trở thành hèn nhát, thoả hiệp…
      Bỗng Hạnh nhìn xoáy vào mắt Đức, cái nhìn rất lạ làm Đức lúng túng quay mặt đi hướng khác, không phải Đức nói Hạnh là kẻ hèn nhát, Đức chỉ muốn nói có cả một thời kỳ dài người ta coi doanh nghiệp Nhà nước như một miếng bánh trời cho, ai khôn khéo cắt được nhiều thì cứ cắt. Người có chức có quyền càng to thì miếng bánh phải được càng to. Vậy nên mới trở thành sự tranh cướp, đấu đá, giành giật. Rồi khi khôn khéo hơn, họ thoả hiệp ăn chia với nhau, nhịp nhàng trên dưới, ngang dọc để lát cắt kín đáo, khéo léo đánh lừa dư luận tạo thành một nhóm lợi ích cục bộ. Từ ngày  Hoàng lên thay anh Hùng thì hình ảnh này lại càng đậm nét. Có điều đều là những người có học nên những hành động ấy được che giấu bởi những lời nói hoa mỹ, những mưu mô tính toán tinh vi, nham hiểm và sảo trá. Chẳng nhẽ cứ để bàn tay họ che mãi cả mặt trời. Đức không phản đối thì chắc chắn sẽ có người khác phản đối. Nhưng dẫu là ai cũng phải chấp nhận sự trả giá. Việc Đức xin nghỉ hưu trước hai tuổi đâu có phải vì lí do sức khỏe, cũng không phải như người ta nói là văn hóa từ chức, Đức không được tốt đẹp đến như thế. Đức cảm thấy khinh thị những trò ma trước quỷ và ghê tởm muốn tránh xa sự  chộp giật  tranh ăn nên không thể hoà hợp, không thể nằm chung cùng một nhóm lợi ích với họ được. Phải công nhận là Hoàng đã nói  đúng “Anh Đức không còn phù hợp với cơ chế quản lý mới”. Mà đã không còn phù hợp thì xin nghỉ cũng là lẽ thường tình. Mặt khác nếu không xin nghỉ thì rồi họ cũng sẽ kiếm đủ mọi cớ, ép đủ mọi  phương bắt phải nghỉ…Hạnh lên tiếng cắt ngang dòng suy nghĩ của Đức
-   Lớp chúng mình đều đã trải qua chiến tranh, cứ hẳn là mặt đối mặt, ác liệt, gian khổ, chết chóc thương vong nhưng nó rõ ràng giữa ta và địch. Có thể trong chiến tranh người ta rất dũng cảm, xông pha bão đạn mưa bom mà không hề run sợ nhưng đến cuộc chiến ngày hôm nay, liệu còn được mấy người dũng cảm , một cuộc chiến không có trận tuyến, không có đối đầu, nó như một ma trận có biết bao nhiêu nẻo mà chưa biết lối nào  là lối thoát ra gần nhất, một cuộc chiến ngay trong hàng ngũ đồng đội, đồng chí và ngay với chính bản thân mình. Cuộc đấu tranh này mới thực sự là ác liệt.
- Rất cám ơn Mỹ Hạnh đã có cách nhìn trùng góc độ với Đức. Cứ nói thẳng ra rằng Chu Tài  đã lạm dụng chức quyền để tham nhũng, vơ vét cho cá nhân mấy năm trước lúc nghỉ hưu. Nhưng cái tội lớn hơn của ông ta là đã đào tạo ra hàng loạt những con người thuộc nhiều tầng cán bộ mà bây giờ họ đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong Tổng công ty từ cao đến thấp theo cách thức mà ông ta đã từng làm. Cải tạo họ như thế nào và họ tự cải tạo ra sao, còn rất nhiều khó khăn, nan giải cần phải có thời gian cùng với ý chí quyết tâm của tất cả mọi người trong Tổng công ty mới tẩy rửa được. Dẫu sao thì cái xấu cũng đã được phơi bày  làm cho đức tin của những người đã từng chiến đấu, hy sinh cho tương lai tươi đẹp của Đất nước không bị phản bội, nó như là nốt nhạc dạo đầu cho một bài ca hy vọng.
- Nghe nói anh vừa viết và cho phát hành một cuốn tiểu thuyết có nhiều nhân vật ám chỉ đến những người ở Tổng công ty Lô Giang.
- Trong lòng, Đức không ám chỉ ai, Đức chỉ lấy mẫu nhân vật ngoài đời  còn thì đều là hư cấu. Có điều nếu những ai đó đọc truyện soi vào thấy một chút bóng dáng của  mình thì coi như  Đức đã đạt được mục đích, bởi thế là đã góp ý được chút ít cho họ tự hoàn thiện chính mình.
  Ấy vậy mà…sao lại như thế được, sao Hạnh lại ra đi đột ngột và nhanh chóng thế…Đức mơ hồ thấy hình như  Hạnh đã có sự chuẩn bị cho cuộc ra đi.
  Thuê một chiếc xe con, Đức bảo lái xe khẩn trương nhằm hướng Hà Nội cho kịp giờ dự lễ truy điệu. Trời xám xịt màu chì, mưa  chéo hạt giăng giăng,  hắt hiu gió lạnh, cái lạnh như ùa cả vào trong xe, Đức phải bảo người lái xe bật sang nấc nóng của máy điều hòa, ông lấy lá thư  Mỹ Hạnh gửi ra vuốt mềm một cạnh rồi cẩn thận bóc thư.
Trần Đức thân mến!
 Bây giờ phương tiện thông tin hiện đại, người ta thường dùng điện thoại, Email vừa nhanh vừa tiện. Nhưng em lại muốn gửi anh lá thư em viết bằng tay qua phương pháp cổ điển là đường bưu chính. Đức ơi! Có những tâm sự không biết bày tỏ cùng ai, nó cứ âm thầm dồn nén trong lòng. Như hôm chúng mình ngồi với nhau trên văn phòng công ty Lâm nghiệp Tứ Lâm, Đức bảo thì đem dồn vào ly rượu. Mỹ Hạnh là phụ nữ mà cũng đã không nhớ biết bao nhiêu lần đóng chặt cửa một mình ngồi uống rượu cho đến ngà ngà say. Một mình với ly rượu, một mình với chính mình mặc kệ cho dòng nước  đổ ra hai khóe mắt cho đến lúc nó không còn nước chẩy nữa thì lòng mình cũng nhẹ đi được đôi ba phần. Lần này Mỹ Hạnh không dùng rượu nữa mà cũng không còn có thời gian để dùng rượu nữa. Lần này Hạnh phải dốc hết lòng mình với Đức và cũng chỉ có một mình Đức mới là chỗ cho Hạnh dốc hết  những ấm ức dồn nén cho nhẹ nỗi lòng trước lúc đi xa.
  Đức ơi! Tại sao ngày ấy Đức lại làm như thế, tại sao Đức không trao đổi gì với Hạnh mà vội vã bỏ đi. Đức hãy nhìn kỹ lại đi, bây giờ Đức có thấy sự tự ái của Đức là vô lý, là ích kỷ, là nhỏ nhen không. Hạnh cho rằng đấy là hành động hèn nhát, bỏ đồng đội, bỏ chạy cho cá nhân mình. Nhưng dù sao thì Hạnh cũng thông cảm với Đức, Đức không phải là con người như thế, có thể Đức chỉ nghĩ đấy là hành động để giải thoát cho Hạnh tránh khỏi những rắc rối với gia đình, có thể chính Đức lại nghĩ đấy là một hành động cao thượng theo kiểu suy nghĩ của anh chàng hiệp sĩ Don Quixote. Nhưng thôi, Hạnh không buộc tội Đức đâu, nhưng Đức có thấy đấy là một suy nghĩ sai lầm không. Trong đời có những sai lầm có thể sửa chữa nhưng cũng có cái sai lầm mà không bao giờ còn có cơ hội làm lại. Tất nhiên Hạnh không nói rằng Đức phải làm lại cái gì. Giờ này đây, Hạnh chỉ cần Đức hiểu và đồng cảm với Hạnh thế là Hạnh đã nhẹ nhõm lắm rồi.
  Bằng những mối quan hệ sẵn có từ gia đình, Hạnh đã lên tận Tổng đội Thanh niên xung phong xin  được chuyển vào một đơn vị phục vụ trong tuyến lửa, với duy chỉ một hy vọng là biết đâu lại chả gặp được Đức ở trong ấy, mà như vậy thì cuộc tình này đẹp đẽ biết bao, thi vị biết bao. Việc làm này ba Hạnh không biết nhưng khi Hạnh nhận quyết định thuyên chuyển thì ông cũng không nói gì. Hạnh được phân công làm việc ở một trạm đưa đón tiếp nhận thương binh nên có điều kiện đi lại nhiều trên dọc tuyến đường Trường Sơn. Gặp ai Hạnh cũng dò hỏi dấu tích của Đức. Có lần đến một binh trạm, anh em ở đấy  đọc thuộc một bài thơ do người lính có tên là Đức viết tặng  nhân đơn vị có nghỉ một đêm trên đường qua binh trạm. Hạnh cứ tin bài thơ của người lính ấy chính là Đức của mình. Bây giờ mỗi lần nghĩ lại cái ngày gian lao ác liệt những năm xưa mà vẫn còn thấy xốn sang. Đơn vị của Hạnh ở ngay bên cạnh một bệnh xá tiền phương thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam. Năm ấy, giữa mùa hè mà cây rừng trụi lá rồi chết hàng loạt, bệnh xá và đơn vị Hạnh phải chuyển vị trí đến một cánh rừng khác.  Như hầu hết tất cả những người đàn bà, một mái ấm gia đình để được làm vợ, làm mẹ là ước vọng lớn lao nhất. Hạnh biết Đức  đã an bài với tổ ấm của mình nên cũng không còn phải băn khoăn suy nghĩ gì nữa. Có điều là khi ấy Hạnh biết mình bị nhiễm chất độc màu da cam. Những bác sĩ, hộ lý ở cái bệnh xá tiền phương ngày ấy, họ cũng là nạn nhân của thứ chất độc quái ác này, họ thành lập ra một tổ chức mà bây giờ nó là tiền thân của Hội nạn nhân chất độc da cam-Dioxin, họ thông báo cho Hạnh và mời Hạnh cùng tham gia. Kể từ đấy, trái tim con gái của Hạnh đã khép lại, những đêm đông giá lạnh chỉ biết thổn thức với chính cái bóng của mình, nhiều khi da diết quá, Hạnh lại tự cấu véo vào da thịt mình cho  đến thâm tím, rớm máu. Những lúc ấy, hình ảnh của Đức lại hiện lên trong tâm tưởng Hạnh. Những nuối tiếc, những trăn trở Hạnh đã mang theo nó đến tận cái tuổi ngoài năm  mươi này mà vẫn chưa nguôi nuối tiếc. Đúng là như Đức phát biểu, Viện của Hạnh cũng chưa làm được gì nhiều cống hiến cho sự nghiệp phát triển rừng kinh tế nhưng thật sự là Hạnh đã lăn vào công việc bằng tất cả tâm trí, năng lực của mình, lấy công việc làm nguồn vui để sống.
 Thôi! Thế là Hạnh đã trút được tất cả, nhẹ nhàng và thanh thản rồi. Hạnh  mừng vì Đức đã trọn vẹn. Đức biết dừng đúng trên đỉnh cái mỏm đồi của mình, thế là không phải đi tiếp đoạn đường xuống dốc. Xuống dốc tưởng dễ dàng nhưng nếu không khéo phanh thì cũng dễ nguy hiểm lắm. Thôi nhé, chúc Đức hạnh phúc cùng gia đình và con cháu. Hạnh đi đây!
Tái bút: Thư này Hạnh viết cách đây hai tháng, nhưng giờ mới là lúc nên gửi.
 Đức ngồi lặng một hồi lâu, tay run run lấy khăn ra lau mắt kính rồi thận trọng gấp lá thư tra vào bì. Ông lặng lẽ ngẩng đầu nhìn ra ngoài xe, những dòng nước chảy ngoằn ngoèo trên cửa kính, trời vẫn mưa chéo hạt giăng giăng…
  Sau  lễ truy điệu, Đức cùng đoàn xe đưa Hạnh về Đài hóa thân Hoàn Vũ. Tại đây, người ta lại tiếp tục cử hành lễ tiễn biệt trước khi đưa thi hài vào lò điện. Đức đi lại phía có cái ang dùng để đốt vàng mã bật lửa đốt một tờ giấy. Tờ giấy ấy có  bài thơ ông viết trong khoảng thời gian xe chạy trên đường cao tốc
Hạnh ơi xin cúi đầu chào
Hôm nay lạnh thế nơi nào cũng mưa
Ngậm ngùi anh đến tiễn đưa
Trời đầy  sao, có bao giờ nữa đâu
Giá mà bắc được nhịp cầu
Cho chúng mình nối hai đầu âm dương
Đời người được mấy chặng đường
Giận, thương cũng đã theo hương khói rồi
Lại về nằm giữa vành nôi
Đất ru giấc ngủ, à ơi… Vĩnh hằng.
 Đức nhìn theo làn khói cứ bay mãi lên cao. Mưa đã tạnh, gió đã ngừng. Đây đó, ánh sáng mặt trời  hừng lên le lói.
                                                                 *
                                                              *     *
      Nhứng bị xử phạt sáu năm tù giam nhưng thi hành án bốn năm thì do cải tạo tốt nên được ân xá. Lão Mánh cho thằng Tiến đánh chiếc xe Toyota Crola của lão đi đón mẹ. Bây giờ ngoài hai chiếc xe loại  “ hai dàn hai dí”, một chiếc xe tải mười tấn, một cái máy vừa cuốc vừa san ủi ra lão còn có cả xe con để chở lão đi giao dịch công tác. Rừng trồng do lão quản lý lên đến sáu trăm héc ta gồm có cả đất của lão và đất của bà con làng xóm góp vào cùng lão trồng rừng, lúc đầu theo hình thức Hợp tác xã nghề rừng do lão làm chủ nhiệm, sau do sự phát triển, Hợp tác xã của lão chuyển đổi loại hình kinh doanh thành Công ty Cổ phần Lâm Nông nghiệp. Lão là cổ đông có nhiều cổ phần nhất nên được Đại hội đồng cổ đông bầu nắm cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc công ty. Công ty  lão còn có một xưởng chế biến gỗ từ rừng trồng. Trong xưởng chế biến lại được sắp đặt thành các phân xưởng xẻ, phân xưởng băm dăm, phân xưởng gỗ bóc, phân xưởng mộc, phân xưởng chế biến nấm. Các phân xưởng hoạt động phối hợp nhịp nhàng nên tiết kiệm được nguyên liêu. Gỗ vào phân xưởng xẻ được tận dụng bắp bìa cho phân xưởng băm dăm, mùn cưa và gỗ vụn thải ra từ phân xưởng bóc được chuyển sang làm nguyên liệu cho phân xưởng sản xuất nấm. Mới rồi lão lại còn cho đầu tư một dây truyền băm đũa gỗ, công nghệ mới tinh, có cả cẩu nâng, lò hơi, lò sấy trông rất hiện đại. Lão phân công cho thằng Tiến được phụ trách toàn bộ xưởng. Lão luôn dặn dò thằng Tiến là phải hết sức tiết kiệm vì trông thì hoành tráng thế nhưng nếu chỉ lơ là một chút là lỗ vốn như chơi, làm chế biến như người bán cau, chỉ được ăn cái chũm thôi chứ không được ăn vào thịt quả cau. Chế biến gỗ mà lãi ra được cái mùn cưa đã là hạnh phúc lắm rồi. Công nhân trong xưởng chế biến của lão giờ có tới gần bốn chục người toàn con em của các hộ là cổ đông công ty lão . Bình bây giờ được bố trí làm tổ trưởng tổ bảo vệ kho bãi, ngày trước chỉ giỏi đi ăn trộm gỗ nhưng bây giờ hắn làm bảo vệ xem ra cũng rất cừ, gỗ lạt kho bãi gọn gàng đâu ra đấy, rõ ràng minh bạch không hề lẫn lộn lèm nhèm nên rất được lão Mánh tin tưởng. Về tổ chức sản xuất kinh doanh rừng thì lão Mánh trực tiếp chỉ đạo, các hộ ai có đất rừng từ hai héc ta trở lên nếu tình nguyện  thì sẽ được tính giá trị đất quy ra cổ phần góp vốn. Được cung cấp cây giống, vật tư, phân bón bằng giá chi phí thực tế, đất của hộ nào thì hộ ấy tự tổ chức sản xuất, nếu thiếu vốn thì được vay với lãi suất bằng lãi suất Ngân hàng và trả cả gốc lẫn lãi bằng gỗ theo giá thỏa thuận cuối chu kỳ khi khai thác rừng. Riêng những biện pháp kỹ thuật thì nhất thiết phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của công ty. Sản phẩm cuối kỳ thu hoạch được sau khi thanh toán trả đủ vốn cho công ty thì hộ gia đình có quyền tự tiêu thụ hoặc giao cho công ty tiêu thụ giúp, việc đó do các hộ tự lựa chọn. Có điều là giao cho công ty, do có cái xưởng chế biến khép kín tiết kiệm được nguyên liệu làm giảm giá thành nên giá giao cho công ty bao giờ cũng cao hơn so với các thương nhân buôn gỗ, vì vậy rừng đến kỳ khai thác các hộ đều giao cả cho công ty. Vốn dĩ lão Mánh là kỹ sư Lâm sinh nên việc chọn loài cây phù hợp với thổ nhưỡng là nghề của lão, đất rừng hộ nào trồng loài cây gì nhất thiết phải do lão chỉ đạo, ví dụ đất mà thực bì chỉ thấy toàn sim mua thì  đất ấy chua phèn phải trồng cây keo lai, đất còn tính chất đất rừng thì trồng xen keo tai tượng với bồ đề sẽ cho năng suất rừng cao…Ngoài việc trồng, chăm sóc rừng, các hộ còn được xưởng chế biến cung cấp cho những bịch giá thể nấm mang về treo trong vườn nhà hoặc dưới tán rừng, chỉ mất công tranh thủ tưới ẩm và thu hoạch nấm giao cho công ty tiêu thụ cũng tăng thêm thu nhập. Cứ tưởng là nhỏ mà mỗi ngày công ty của lão Mánh cũng thu được không dưới tám tạ nấm, lão cho sắm hẳn một chiếc xe chuyên dụng có thùng đông lạnh để hàng ngày chở nấm về  giao cho các siêu thị ở Hà Nội. Lão còn nhờ Chi cục khuyến nông tỉnh hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp con giống cho các hộ nuôi gà nhiều cựa, gà ri lai dưới tán rừng mang lại hiệu quả rất khả quan. Tham gia làm cổ đông của công ty lão chỉ thấy có lợi nên càng ngày số lượng cổ đông của công ty lão càng tăng.
  Ngay buổi chiều, Tiến đã đưa Nhứng về đến nhà. Lão Mánh cho làm chục mâm cơm chuẩn bị đón tiếp. Nhứng thấy vậy bèn nói với lão Mánh.
- Bác làm thế này là để bêu diếu em trước con em trong làng xã hay sao. Ai lại liên hoan cho đứa vừa ở tù về.
- Cô nghĩ sai rồi, không phải liên hoan cho người đi tù về, mà đây là buổi liên hoan đón chào một thành viên của công ty mới đi xa về. Trong thời gian cô đi vắng, toàn bộ cơ ngơi, tài sản của cô được tính vào vốn góp cho công ty. Ngay mặt bằng xưởng đây cũng là đất của cô. Các cháu trong xưởng bây giờ có công ăn việc làm cũng nhờ một phần vào sự đóng góp của cô. Vậy bây giờ cô về sao không liên hoan.
- Nhưng em thấy ái ngại và ngượng ngùng lắm. Mặt mũi nào mà còn gặp gỡ tươi vui với mọi người.
- Cô nghĩ như thế là không đúng, không ai xa lánh cô cả, gạt bỏ tất cả những mặc cảm ấy đi để còn tiếp tục làm đầu tàu dẫn lối cho con em nó đi theo. Vừa rồi Nhà nước thu hồi mấy ngàn héc ta đất  trên địa bàn huyện từ các công ty Lâm nghiệp giao cho dân, cháu Tiến cũng được giao hai mươi héc ta đấy. Tôi lên đề nghị với các chú lãnh đạo trên xã là giao đất  cho cháu ngay chính ở Đồi Cây Nhội, nơi ấy có ngôi mộ của cụ Trùm Mun là cụ nội cháu. Các chú trên xã còn trẻ, nhiều chú cũng lơ mơ không nắm được. Tôi trình bày với chú bí thư là cụ Trùm Mun tuy ngày xưa làm lý trưởng nhưng lại là người có công, là cơ sở cách mạng. Cụ bị giặc Pháp bắt đem bắn ở Đồi Cây Nhội. Các chú ấy nghe ra ngay và chỉ đạo giao luôn mảnh đất Đồi Cây Nhội cho cháu Tiến.
- Ôi! Thế thì quý hóa quá. Mẹ con nhà cháu phải cám ơn nhiều  tấm lòng của bác và các bác chính quyền.
- Cô có nhiều kinh nghiệm về quản lý nhà hàng, bây giờ về ta lại cho mở một nhà hàng tiêu thụ ngay chính thực phẩm của công ty cũng  là rất cần thiết.
- Ấy chết! thôi thôi bác ơi. Bác dìu dắt thằng cháu Tiến nhà em nên người thế là em mừng lắm rồi, chả có cái gì hơn là con cháu thành đạt. Con Dùng nhà em nó đã hỏng bây giờ lại làm nhà hàng, va chạm phức tạp, không khéo lại hỏng nốt thắng Tiến nữa thì em chết. Mảnh đất này em giao luôn cho công ty để bác cho mở rộng  xưởng lo thêm chỗ làm việc cho con em. Còn em, em về Đồi Cây Nhội làm một túp nhà vừa làm rừng, vừa trông nom phần mộ Tổ tiên. Mai kia con Dùng được về thì nó ở cùng em.
- Cô nghĩ thế cũng được. Vậy thì cô phụ trách phần kỹ thuật Lâm sinh cho công ty. Tôi bây giờ lớn tuổi chậm chạp, sức khỏe cũng giảm sút nhiều rồi, được cô lo cho mảng này thì hay quá.
- Dạ, lại được làm nghề mình yêu thích, thế thì còn gì bằng nữa đâu. Bác thật tốt với gia đình nhà em.
- Ân huệ gì, đều là người làng, đều là dân Lâm nghiệp cả mà.
Có tiếng một cháu công nhân từ trong nhà vọng ra
-         Thưa bác với cô, chúng cháu đã bày xong mâm, mời bác với cô vào thôi ạ!
   Nhứng ngẩng nhìn lên, phía sau dãy nhà ăn là quả đồi Cây Nhội, mảnh đất đồi rừng ấy  có mộ cụ Tổ nhà chồng Nhứng đồng thời cũng là mảnh đất mà thằng Tiến đã được Nhà nước giao cho quản lý. Cây nhội không biết đã bao nhiêu tuổi nhưng tán lá vẫn xanh tươi,  sừng sững nổi bật trên nền trời đầy nắng.
                                                                             Tháng 01 /2013
                                                                                    C.S

Mời bạn đọc xem các chương khác ở đây:

http://clbvanchuong.com/xuyen-qua-canh-rung-b71.html

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)