bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 26
Trong ngày: 389
Trong tuần: 1546
Lượt truy cập: 775540

YOSANO AKIKO VÀ TRÀO LƯU THƠ TANKA MỚI

NGÀY 10 THÁNG 5 NĂM 2023, TẠI TRỤ SỞ HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT HÀ NỘI, 19 HÀNG BUỒM, GIỚI THIỆU TẬP THƠ TÓC RỐI DO CHU THU PHƯƠNG DỊCH. CHÚNG TÔI ĐĂNG TIỂU LUẬN CỦA DỊCH GIẢ DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI QUAN TÂM. TÁC PHẨM & BẠN ĐỌC

Yosano Akiko và trào lưu thơ tanka mới

anh_ctp1

Chu Thu Phương

  1. Lịch sử và các biện pháp nghệ thuật của thơ tanka[1]

Nửa cuối thế kỷ thứ VIII, bắt đầu từ cuốn Manyoshu ( 万葉集 - Vạn diệp tập), từ Tanka (短歌ーĐoản ca) được dùng để phân biệt thơ ngắn với thơ dài Chooka (長歌- Trường ca). Thế kỷ thứ IX đến thế kỷ thứ X, đặc biệt là cùng với việc tập hợp cuốn  (古今集 - Cổ kim tập), thơ ngắn trở nên nổi trội và được hiểu như là một ý thức sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Nhật để thể hiện những tâm tư suy nghĩ của người Nhật, bởi vậy khi ấy những bài thơ ngắn được gọi chung là waka (和歌 - hòa ca). Đến đầu thế kỷ XX, waka phân tách thành các dạng haiku, waka và tanka.

Tanka khi ấy là dạng thơ nói lên tiếng lòng của người Nhật, thường được trình bày thành một dòng thơ liên tục trong tiếng Nhật, nhưng khi đọc, thường có dạng ngắt nhịp thơ 5/7/5/7/7, với tổng cộng 31 âm tiết. Bởi thế, tanka cũng còn được gọi với cái tên khác là mi so hito moji (三十一文字 - ba mươi mốt chữ). Ba câu đầu 5/7/5 được gọi là kami no ku (上の句-thượng cú) và hai câu cuối 7/7 được gọi là shimo no ku (下の句ーhạ cú).

Tanka có 2 cách ngắt ý:

(i) ngắt ở cuối câu 1 và câu 3 tạo thành dạng 5/7*5/7*7 thể hiện ý mềm mại, nhẹ nhàng.

Ví dụ:

かみごしゃく/

ときなばみずに*やはらかきを/

とめごころは*ひめてはなたじ

Tóc huyền dài năm thước/

Gỡ ra thả xuôi theo dòng nước * Uốn lượn mềm mại trôi/

Trái tim của người con gái này * Che dấu kỹ, chẳng thể tỏ bày

(Bài số 3)

hoặc như:

はるさめに/

ぬれてきみこし*くのかどよ/

おもはれかおの*かいどうのゆうべ

Chìm trong cơn mưa xuân/

Người ướt đẫm anh tới mở ra*Cánh cổng tràn hoa cỏ/

Kìa cái gương mặt cậy được yêu*Của đóa hải đường đêm hôm trước

(Bài số 31)

(ii) và cách ngắt nhịp ở cuối câu 2 và câu 4 tạo thành dạng 5*7/5*7/7 thể hiện ý chí mạnh mẽ, dứt khoát.

ví dụ:

やわはだの*あつきちしおに/

ふれもみで*さびしからず/

みちをとくきみ

Làn da mềm dịu đây*Thủy triều máu nóng dâng đến vậy/

Anh cũng đâu chạm tới*Lẽ nào chẳng cô đơn lắm sao/

Anh lại chỉ mãi nói về Đạo

(Bài số 26)

hoặc như:

ゆあみして *いずみ を いでし/

やわはだに *ふるるは  つらき /

ひと の よの きぬ。

Tắm mình trong nước nóng*Bước chân ra khỏi dòng suối khoáng/

Làn da mềm mại thế*Cay đắng mấy khi phải chạm vào/

Tấm áo vải lụa của người đời

(Bài số 39)

Cần phải nói thêm, thơ Nhật không có vần, nên nhịp điệu trong thơ là vô cùng quan trọng để người đọc nhận ra đó là một bài thơ. Cũng bởi vậy, trong các bản dịch sang ngôn ngữ Việt, tác giả bài viết đã dịch và trình bày thơ tanka dưới dạng ngắt nhịp truyền thống.

Về ngôn ngữ, nếu như haiku sử dụng kigo (季語 - Quý ngữ - từ chỉ mùa) do đề tài thường tập trung vào việc miêu tả khung cảnh bên ngoài, thường được viết ở thì hiện tại, thì tanka không nhất thiết phải sử dụng kigo bởi tập trung vào miêu tả tình cảm, nội tâm bên trong của nhân vật, nhưng lại sử dụng rất nhiều makura-kotoba (枕詞 - chẩm từ) và Kake-kotoba (掛詞 - quải ngữ) cùng rất nhiều thì ngữ pháp khác nhau, nói về những đề tài khác nhau và con người khác nhau.

(i) Makura-kotoba là cách sử dụng từ cổ gợi nhắc lại một điển cố văn chương, ví dụ như tori ga naku (鶏が鳴く- chim hót) sẽ được hiểu là  Azuma (東 tên một vùng đất ở phía Đông) hay momoshiki no (百敷の - Bách phu - ban bố khắp nơi) phải được hiểu là một cung điện lớn. Việc sử dụng Makura-kotoba phổ biến trong tanka đòi hỏi người đọc và người dịch phải có một vốn kiến thức lớn về văn chương Nhật hoặc tra cứu tỉ mỉ từng khái niệm khi đọc thơ. Đây là một điểm khó khi dịch thơ tanka của Nhật.

(ii) Kake-kotoba có thể hiểu là một cách chơi chữ đồng âm ví dụ như chữ matsu (松) với nghĩa cây thông đồng âm với chữ matsu (待つ) nghĩa là chờ đợi. Bởi vậy, matsu với chữ 松 (cây thông) được sử dụng nhiều trong thơ gắn liền với hình ảnh người phụ nữ ngóng trông chờ đợi. Một ví dụ khác là chữ yuki của nhà thơ Basho. Ông sử dụng chữ này với hai nghĩa yuki (雪)với nghĩa là tuyết và yuki(行き)với nghĩa là đi. Thường những chữ kake-kotoba được thể hiện ở dạng chữ hiragana để người đọc có thể tự nhận ra cách chơi chữ dễ dàng. Cách chơi chữ này đặc biệt phổ biến trong thơ tanka, và cũng là phần khó nhất đối với người dịch bởi khó tìm được từ tương đương trong ngôn ngữ đích.

Lời nói đầu của tập Kokinwakashu từng viết: “Cái lay động được cả đất trời mà không cần dùng đến vũ lực, cái làm cho tình cảm nam nữ càng thêm dịu dàng mà lại cũng xoa dịu trái tim của người chiến binh bồng bột, chính là những bài thơ.”[2] Suốt 1300 năm tồn tại của mình, tanka đã chứng minh điều đó.

  1. Nữ sĩ Yosano Akiko[3]

Yosano Akiko (与謝野 晶子) tên thật là Ho Sho (鳳志よう), sinh ngày 7/12/1878 mất ngày 29/5/1942, là một nhà thơ nữ của Nhật Bản, người khởi xướng một trào lưu thơ mới tạo nên những tranh cãi trong giới văn học Nhật Bản. Trong suốt cuộc đời mình, bà đã viết 40.000 bài thơ, 11 tập thơ đồng thời là mẹ của 13 đứa con.

Akiko quan tâm đến thi ca từ khi còn đi học, bà và một số bạn bè đã xuất bản một tạp chí thơ tư nhân Bunka Kurabu (文化クラブ1895; Câu lạc bộ Văn nghệ). Năm 1900, bà gặp Yosano Tekkan (与謝野 鉄幹) và tham gia vào Shinshisha (新支社 Tân thi xã) của ông và bắt đầu viết cho tạp chí Myojo (明星-Minh tinh) của ông. Năm 1901, bà chuyển lên Tokyo và sau đó kết hôn với Yosano Tekkan. Cái tươi mới và khác lạ của thơ bà đã thu hút được sự chú ý của giới văn học. Các tác phẩm chính của bà là Midaregami (みだれ髪 1901; Tóc rối) đã đem lại danh tiếng và chỗ đứng cho bà trên văn đàn và Yume no hana (夢の花 1906; Giấc mơ hoa) bộc lộ thiên hướng nghệ thuật của bà.

Năm 1912, Akiko theo chồng đến Pháp và ở lại đây một năm. Natsu yori aki e (夏より秋へ 1914; Từ Hạ sang Thu) là tập thơ bà viết vào thời kỳ này.

ああ皐月[4] 

仏蘭西の野は 

火の色す 

君もコクリコ

われも雛罌粟

歌集「夏より秋へ」

Ôi chao kìa tháng Năm

Những cánh đồng nước Pháp ngập tràn

Một sắc màu rực lửa

Người cũng là đóa anh túc non

Em cũng là đóa anh túc non

(Trích tập thơ Từ  Hạ sang Thu)

Sau khi từ Pháp trở về, bà bắt đầu dịch Genji monogatari (源氏ものがた; Truyện chàng Genji), cuốn tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới do Murasaki Shikibu viết vào thế kỷ thứ XI, sang tiếng Nhật hiện đại.

Năm 1921, bà đã thành lập Học viện Văn hóa cho nữ sinh và dạy học ở đây. Những năm sau này, bà trở thành một nhà phê bình văn học. Bà để lại tập di cảo thơ Hakuōshū (白櫻集 - Anh đào trắng, 1942), miêu tả cảm xúc của bà trong những năm sau năm 1935, sau cái chết của chồng bà.

  1. Midaregami - Tóc rối

Tập thơ nổi tiếng nhất của bà là tập thơ Midaregami (みだれ髪, 1901; Tóc rối). Tập thơ Midaregami (Tóc rối) là tập thơ đầu tiên của Yosano Akiko. Tập thơ do Yosano Tekkan biên tập, Takeji Fujishima thiết kế và vẽ bìa và NXB Tokyo Shinshisa (東京新詩社-Đông kinh Tân thi xã) và Ito Bunyukan (Ito văn x Quán) xuất bản ngày 15.8.1901. Những bài thơ của cô bày tỏ rất trực tiếp tình cảm yêu đương của người nữ đã tạo nên những làn sóng đối ngược nhau trong cách tiếp nhận. Năm 1973, cháu trai của cô, Yosano Kaoru (một chính trị gia, và sau đó trở thành Thư ký người đứng đầu nội các thứ 74 của Nhật) đã tái bản tập thơ. Tập tái bản do nhà xuất bản Shufu no Tomo Co. Ltd. ấn hành. Trong lần xuất bản đầu tiên, tên tác giả được ghi là Ho Akiko (khi ấy bà chưa kêt hôn, nên vẫn còn giữ họ thời con gái). Akiko và Tekkan kết hôn vào ngày 1.10.1901, liền ngay sau khi tập thơ Midaregami (Tóc rối) ra đời và bà đổi tên thành Yosano Akiko theo họ chồng.

Tập thơ có khổ 192mmx84mm, được in ba màu nội dung có 399 bài thơ, chia làm 6 chương: Chương I Enji-Murasaki (臙脂紫 ーĐỏ thắm) bao gồm 98 bài thơ, Chương II Hasu no Hanabune (蓮の花船ーThuyền hoa sen) bao gồm 76 bài thơ, Chương III Shirayuri (白百合ーHoa ly trắng) gồm 36 bài thơ, Chương IV Hatachizuma (はたち妻ーNgười vợ tuổi đôi mươi), 87 bài thơ, Chương V Maihime (舞姫ーVũ nữ) 22 bài thơ và Chương VI Haruomoi (春思ーXuân Tư) 80 bài thơ.

Tình yêu đắm say người con gái Ho Akiko dành cho một người đàn ông tên là Yosano Tekkan hiển hiện trong suốt tập thơ Tóc rối. Yosano Tekkan, khi ấy là biên tập của tờ Minh Tinh (Myojo), đã đánh giá cao tài năng của Akiko và khuyến khích cô viết bài cho tạp chí Myojo. Akiko, ngược lại cũng rất ngưỡng mộ các tác phẩm của Tekkan. Tháng 8 năm 1990, hai người đã gặp nhau trong một chuyến thăm Kyoto và nhận thấy họ có rất nhiều điểm chung. Những đồng điệu gắn bó tâm hồn và thể xác với Akiko mạnh đến mức mặc dù đã kết hôn và thậm chí đã có một con trai, Tekkan đã ly hôn với vợ để đến cưới Akiko vào tháng 10/1901, hai tháng sau khi tập thơ Tóc Rối ra đời. Đầu thế kỷ 20, tại Nhật, các giá trị gia đình truyền thống vẫn được coi trọng, chuyện tình của Akiko và Tekkan đã làm cả xã hội dậy sóng. Bỏ ngoài tai tất cả những lời chỉ trích nặng nề và thái độ ghẻ lạnh của xã hội, Akiko tiếp tục viết thơ tình cho chồng. Bà bỏ nhà bố mẹ ở Sakai, tự ý tới Tokyo chung sống với Tekkan. Thật lòng yêu Akiko, Tekkan đã tập hợp những lá thư tình Akiko viết cho mình thành một tuyển tập thơ - chính là cuốn Midaregami (みだれ髪ーTóc Rối) hiện nằm trên tay các bạn.

やは肌の

あつき血汐に

ふれも見で

さびしからずや

道を説く君

Làn da mềm dịu đây

Thủy triều máu nóng dâng đến vậy

Anh cũng đâu chạm tới

Lẽ nào chẳng cô đơn lắm sao

Mà anh chỉ mãi nói về Đạo

(bài thơ số 26)

くろ髪の

千すぢの髪の

みだれ髪

かつおもひみだれ

おもひみだるる

Mái tóc đen huyền hoặc

Ngàn sợi vắn sợi dài mái tóc

Mái tóc mây rối bời

Và nỗi lòng triền miên rối loạn

Nỗi lòng cứ rối bời rối mãi

(Bài thơ số 260)

Nếu đứng về phương diện đạo đức mà đánh giá, trong thời đại mà các giá trị truyền thống được tôn trọng, vẻ đẹp của phụ nữ được đo bằng sự khiêm cung, thì những bộc lộ tình yêu của cô trong những bài thơ trong tập Midaregami thẳng thắn và dũng cảm, cũng như câu chuyện tình dậy sóng của nàng đã vượt qua giới hạn chấp nhận được của người đương thời.

Cũng vì vậy mà tập thơ gồm 399 bài thơ vừa ra đời đã vấp phải sự chỉ trích nặng nề của giới phê bình văn học. Nhà thơ Sasaki Nobutsuna (佐佐木 信綱) đã chỉ trích tập thơ là “băng hoại đạo đức công khai” và sử dụng những “lời lẽ tục tĩu”[5]. Trong bối cảnh lễ giáo phong kiến tạo nên khuôn khổ lễ giáo cho đời sống của người nữ, bà có những vần thơ hết sức táo bạo, đột phá với thời kỳ đó như

乳ぶさお

さへ神秘の

とばりそと

けりぬここなる

花の紅ぞ濃き

Ép chặt lấy bầu vú

Chạm đến miền bí ẩn linh thiêng

Phá tung bức màn che

Hé lộ bên trong nơi chốn đó

Đóa hoa đỏ thắm nồng rực rỡ

(Bài số 68)

Nhà văn Ueda Bin (上田 敏) chỉ trích “Cuốn sách này có nhiều phần viết về những ứng xử không đứng đắn và đáng xấu hổ, tôi không cảm thấy ngại ngùng gì khi phê phán nó là một thứ độc hại cho tâm trí con người và làm ảnh hưởng đến giáo lý đạo đức.[6]

Bất chấp sự phê bình đó, tập thơ đã được phổ biến rộng rãi và thu hút được sự chú ý của những người có tư tưởng tự do trong thời đại ấy. Lại cũng chính nhà văn Ueda Bin đã ca ngợi tập thơ từ góc độ nghệ thuật. “Đó là một tuyển tập những bài thơ mà con người không thể không lắng nghe chăm chú, lắng nghe tác phẩm của một con người phác họa ra những điều rất gần với trái tim của thi ca; đó là tác phẩm của một nhà thơ say đắm. Tuy nhiên, cách ứng xử làm rối tung mọi thứ lại là nguyên nhân cho sự hối hận, và việc thiếu vắng sự tĩnh lặng trong đó là một lỗi. Dù vậy, nó vẫn là một tác phẩm có giá trị cao nên được đón nhận như một mũi tiên phong trong việc cải cách thế giới thơ tanka, và hơn nữa, nó là một tác phẩm của một người phụ nữ.

Những người bất cẩn tố cáo tác phẩm này là bởi họ đã kinh ngạc bởi giọng thơ vô cùng sắc bén và tình yêu không bị cấm đoán không phải và họ không phải là những người bạn văn chương.[7]  Ueda Bin phê phán những lời chỉ trích trái ngược và quan điểm của họ, và ca ngợi tác phẩm của Yosano Akiko như là sự ra đời của một nền văn học mới.

Những bài thơ của bà đã tạo nên nguồn cảm hứng tuyệt vời cho những phụ nữ cùng thời với bà. Học giả người Mỹ Hiromi Tsuchiya Dollase cho rằng "Xuyên suốt tập thơ Tóc rối, những hình ảnh như ngực, môi, da, vai và tóc được nhấn đậm tượng trưng cho nữ tính và tính dục nữ"[8].

Tập thơ Midaregami đặc biệt này đã đưa chủ nghĩa cá nhân cuồng nhiệt vào thơ tanka truyền thống Nhật Bản, tạo nên hình ảnh đột phá cho bà cũng như hướng đi cho những nhà thơ nữ Nhật bản hiện đại, xây dựng hình ảnh một người phụ nữ sống động, tự do, gợi tình và tự tin, khác hẳn với hình ảnh truyền thống của người phụ nữ khiêm tốn, dè dặt, nhún nhường. Người Nhật có câu “Onna wa sankai ni ie nashi” (女は三界に家なしーĐàn bà ba kiếp liền không có nhà), ý nói người phụ nữ trong cuộc sống không thể tự đứng ra làm chủ, mà luôn phụ thuộc vào cha, chồng hoặc con giống như quan niệm tam tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) của người Trung Hoa và người Việt Nam. Thế nhưng, người nữ trong thơ Yosano Akiko không hề bị động mà còn là tác nhân tích cực trong đời sống tình cảm của bản thân, dám đứng ra, công khai đòi quyền được yêu.

春みじかし

何に不滅の

命ぞとち

からある乳を

手にさぐらせぬ

Xuân ngắn ngủi biết bao,

Có cái gì là bất diệt đâu

Số mệnh đã định rõ

Bầu vú em tràn căng sức sống

Bàn tay ấy xin hãy mân mê

(Bài số 321)

  1. Jikkan - Thực cảm trong thơ tanka của Yosano Akiko

Theo truyền thống, thơ tanka là thơ sử dụng biện pháp nghệ thuật shasei (tả sinh - tả cảnh ngụ tình), nhưng Akiko quan niệm “Có một số nhà thơ dường như cho rằng có một loại thơ tanka đặc biệt được liệt vào dạng Shasei hay tả cảnh ngụ tình như là một đẳng cấp biểu thị cảm xúc. Tôi không đồng ý với điều đó. Đối với tôi, tất cả các thơ tanka đều là thơ bày tỏ cảm xúc. Một số bài có thể nói về hoa hay quả hay ca ngợi núi non, rừng rậm, nhưng điều đó không nhất thiết là miêu tả phong cảnh thiên nhiên. Cũng như những bài thơ tình, chúng bày tỏ cái jikkan - thực cảm của nhà thơ. Thực cảm được tạo từ những rung động khác nhau, như cảm xúc trước một sự kiện trong cuộc đời hay phong cảnh thiên nhiên. Dù thế nào, trong mọi trường hợp, thực cảm đều tạo thành cốt lõi của chủ đề được xử lý trong bài thơ. Chính bởi vậy mà mỗi bài thơ tanka mới trở thành một bài ca.” [9] Đối với Akiko, thơ là lời đáp trả của cảm xúc cá nhân được dẫn dắt bởi sức mạnh của cảm xúc bên trong và bị chi phối bởi bản chất độc đáo của đời sống tình cảm của mỗi cá nhân.

  1. Cảm xúc thể hiện trong những độ dài của câu tanka

Trong phần giới thiệu về thể thơ Tanka, tôi có đề cập đến cấu trúc của thể thơ này là 5/7/5/7/7 và không có vần. Bởi thơ Nhật không có vần, nên nhịp điệu lại càng trở nên quan trọng để người đọc nhận ra đó là một bài thơ. Nhiều người dịch cho rằng dịch đúng nhịp Tanka dường như ko quan trọng đối với những bài thơ đã viết đúng khuôn mẫu, bởi ta mặc định tanka là như vậy. (Dù rằng tôi không đồng ý hoàn toàn với quan niệm này). Nhưng dẫu thế nào thì khi dịch cả một tập thơ, việc giữ đúng nhịp thơ gốc lại làm bật ra những ngoại lệ. Và những ngoại lệ ấy thật thú vị và hấp dẫn.

Trong tập thơ Tóc Rối, đây đó các bạn sẽ gặp những bài thơ không tuân theo cấu trúc truyền thống của Tanka. Bài số 189 có câu cuối lại rất ngắn, chỉ có 5 âm tiết. Tôi đặc biệt thích bài này vì câu ngắn bất ngờ ấy. Nó hụt hơi như một cơn đau bất ngờ.

人の世に

才秀でたるわが

友の名の

末かなし今日(けふ)

秋くれぬ

Trong thế giới phàm trần

Ta đã nhận ra được tài năng

Thấy cái tên của người

Nhưng hôm nay mùa thu đã ngả

Vào lòng cô ấy rồi

(Bài số 189)

Hay như ở bài tanka số 186, câu đầu thay vì có 5 âm tiết thì lại có 6 âm tiết. Câu 6 âm tiết ấy rõ ràng mang lại một hơi thở dài hơn iwazu - kikazu ; không lời nói - không câu hỏi. Câu 6 âm tiết đối lập nhau về mặt ý nghĩa lại tương đồng về ngữ pháp, mang vẻ đẹp của một đôi câu đối, có cái cân nhắc lý tính, mà độ dài bất thường của câu lại ẩn chứa một tiếng thở dài kìm nén trong đó.

いはず聴かず

ただうなづきて

別れけり

その日は六日

二人と一人

Không lời nói, không câu hỏi

Chỉ một cái gật đầu trao vội

Rồi đôi ngả phân ly

Cái ngày ấy là ngày mùng sáu

Phía hai người, phía một người di

(Bài số 186)

Cũng bởi vậy, việc giữ đúng nhịp thơ khi dịch vô cùng quan trọng. Dịch đúng nhịp của cả tập thơ, thì mới bật ra được cơn đau nghẹn, thắt lòng, bất ngờ trong bài số 189 cũng như tiếng thở dài kiềm chế đầy lý trí, làm bật ra nỗi đau đớn không thể bày tỏ của tình yêu trong lòng người đàn bà, phải vậy không nào?

Midaregami vừa đánh dấu một bước chuyển lớn trong thơ tanka của Nhật vừa thách thức các giá trị gia trưởng của xã hội Nhật Bản cũng như các quy ước văn học và văn hóa trong thời đại của mình. Từ tập Midaregami, ý tưởng về hình ảnh khoả thân đã thay đổi cách nhìn của người Nhật về sự khêu gợi và tình dục nữ. Cho đến thời đó, bộ ngực của người phụ nữ là biểu tượng của việc nuôi con và làm mẹ. Từ Midaregami trở đi, hình tượng người phụ nữ Nhật bắt đầu có một hình thức đại diện khác; vẻ đẹp tự nhiên, đặc biệt là của phụ nữ trẻ. Một cánh cửa đã được mở ra cho phụ nữ Nhật Bản để hình dung những đại diện mới về tình dục và cơ thể phụ nữ.

Trong tập thơ dịch này, tôi xin trích dịch chương I Đỏ thắm 15/98 bài thơ, chương II Thuyền hoa sen 8/76 bài thơ, chương III Hoa ly trắng 5/36 bài, chương IV Người vợ tuổi đôi mươi 8/87 bài, chương V Vũ nữ 5/22 bài thơ và chương VI Xuân tư 9/80 bài thơ. Ngoài ra xin được giới thiệu thêm 1 bài thơ của bà trích từ tập thơ Từ Hạ sang Thu. Tập thơ dịch này tổng cộng có 51 bài thơ của nữ sĩ Yosano Akiko do Chu Thu Phương dịch và giới thiệu.



[1] Yokoyama Mikiko, Hajimete Yasashii Tanka wo tsukurikata, Nihon Bungeisha 2015, ISBN 4537213094 / 9784537213096

[2] Kokinwakashu, Waseda University

[3] Shinbungei Tokuhon Yosano Akiko,

[4] 皐月: Satzuki Tên cổ xưa của tháng Năm

[5] Japanese Women Poets: An Anthology - Yosano Akiko. Hiroaki Sato, Routledge; Illustrated Edition (15. Oktober 2007) ISBN 978-0765617842

[6] Uta no hana - hoa của bài ca, Ueda Bin, tháng 9/1901

[7] Uta no hana - hoa của bài ca, Ueda Bin, tháng 9/1901

[8] Awakening Female Sexuality in Yosano Akiko's Midaregami (Tangled Hair) by Hiromi Tsuchiya Dollase

“Throughout Midaregami, such imagery as breasts, lips, skin, shoulders, and hair are emphasized, symbolizing femininity and women's sexuality.” http://poesiefarouche.blogspot.com/2014/08/awakening-female-sexuality-in-yosano.html?m=1

[9] Không có cái gọi là shasei hay tả cảnh ngụ tình trong thơ tanka, Yosano Akiko,

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)