bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 36
Trong ngày: 683
Trong tuần: 1396
Lượt truy cập: 774522

CHỢ ÂM PHỦ

CHỢ ÂM PHỦ

               Truyện ngắn của VŨ THIỆN KHÁI

 

 nh_v_thin_khi_1

 


Em Diễm hẹn tôi đi chơi chợ Âm phủ. Chợ Âm phủ làng Diễm chỉ họp một phiên vào đêm cuối cùng tháng bẩy mỗi năm. Chợ mở trên bãi cỏ ven sông Nguồn, chỗ bến đò Đoạn Tình. Tôi đến nơi lúc trời vừa nhập nhoạng. Diễm đứng đợi tôi ở cuối đoạn đường bước lên mặt đê. Bữa nay em mặc áo thung vàng. Chiếc cặp ba lá loé sáng kẹp lưng chừng mớ tóc đen mượt buông chùng sau tấm lưng nuột nà mềm mại. Y chang hình ảnh em đọng lại trong trái tim tôi từ buổi trưa gặp nhau bên bờ hồ sen Trinh nữ hôm nào. Tôi đoán em ý tứ nhắc nhở tôi kỷ niệm ban đầu, thoáng qua mà khôn xiết bồi hồi.

Em giải thích: Tháng bẩy xá tội vong nhân. Nhiều người cõi âm có cơ hội về lại Dương gian gặp mặt người nhà. Cứ tưởng chúng tôi đến sớm. Chẳng ngờ phiên chợ đã lố nhố người ngồi kín bãi. Mỗi gia đình là một nhóm chừng năm bẩy thành viên im lặng vây quanh chiếc thúng để ngửa. Nét mặt ai cũng biểu lộ vẻ căng thẳng đợi chờ. Chiếc mâm đồng đạy trên miệng thúng. Trên mặt mâm gắn ba cây nến leo lét sáng. Khoanh cây chuối non cắm ba cây nhang cháy đỏ lừ đặt giữa mâm. Xếp kín mặt mâm là  những xấp vàng mã, giấy tiền, quần áo cô hồn xanh đỏ tím vàng và mấy thứ đồ ăn thức uống. Na ná chợ dân gian, chợ Âm phủ cũng đủ các gian hàng bách hóa. Nhưng chỉ là những căn lều dựng tạm lợp lá chuối khô. Chợ trần gian bán gì, những sạp này cũng bán đủ đồ hàng như vậy. Nhiều hơn cả vẫn là thời trang người lớn, trẻ con. Sạp này bày nhà lầu mái nhọn, mái bằng, xe hơi bốn chỗ, xe máy gắn mác Honda, Cadilac… điện thoại di động, ti vi, tủ lạnh hình dáng, màu sắc giống y đồ thật. Sạp kia bất chấp pháp luật Dương trần nghiêm cấm, bán cả những cô gái xinh đẹp mặc váy lĩnh đen lóng lánh, đầu đội nón thúng quai thao, đôi mắt lúng la lúng liếng. Nhưng tất cả chỉ là đồ hàng mã, lát nữa thôi tất cả sẽ cháy đùng đùng để các vong linh mang về cõi Âm. Tôi tần ngần đứng xem. Bà chủ quán phúc hậu rưng rưng chia sẻ: Trần sao âm vậy cậu ạ. Lúc chết chẳng ai mang theo được thứ gì. Tôi nghiệp. Bây giờ gửi xuống dưới ấy, mong họ đỡ phần nào thiếu thốn. Chính giữa chợ lập một đàn cúng cô hồn rộng bằng một gian sân khấu, chung quanh cắm nhiều cọc tre chăng dây thừng treo la liệt cờ giấy bay lướn phướn. Trên lễ đài kê ba chiếc hương án bày hương hoa và quần áo hàng mã xếp mấy đống cao ngất. Nồi cháo hoa bốc khói để dưới sàn, cạnh một đống bù đài lá đa. Cả bãi chợ không chỗ nào mắc bóng điện, cũng không thắp đèn măng sông tỏa ánh sáng chói lòa. Chỉ hiu hắt nhiều ngọn nến nhỏ nhập nhòa và khói hương chờn vờn ngan ngát mùi trầm. Mặt tiền đàn cúng cũng chỉ thắp dăm ngọn nến hắt mấy quầng sáng yếu ớt tạo không khí âm dương sáng tối hư hư thực thực.

Em Diễm dẫn tôi đến chỗ gia đình em đang hồi hộp ngồi đợi bên mâm cúng vong linh. Tôi lễ phép chào hỏi rồi ngồi phệt xuống cỏ, chân xếp vòng tròn. Diễm giới thiệu tôi, rồi giới thiệu cha mẹ em, bà bác em trùm khăn vuông đen kín mặt, tay kéo dải chéo khăn chấm hai khóe mắt. Chị dâu em bế trong lòng đứa con gái chừng dăm tuổi, trên đầu buộc túm hai lọn tóc đuôi gà rất dễ thương. Chỏ tay về phía  ông bộ  đội cúi mái đầu trắng xoá, vẻ mặt âu sầu đau khổ, đăm đăm nhìn ba ngọn nến, em rỉ vào tai tôi: Người yêu thuở trong rừng của ni cô Diệu Huệ, cô em đấy. Chiều qua nhà em cúng thất tuần cho cô em, đã khấn cô đêm nay về chợ Âm phủ thông linh với cả nhà. Cận kề phút lâm chung cô mới nói cô bị nhiễm chất độc da cam, nặng lắm. Địa chỉ chú bộ đội này, tới phút cuối cùng cô mới báo riêng cho bố em biết. Lúc hai người yêu nhau chú ấy chỉ huy đại đội. Về hưu được phong hàm trung tá.

Đúng giờ Tí, đàn tế vong nổi lên ba hồi chiêng trống hoà cùng tiếng kèn ảo não lâm ly làm người ta phát khóc. Ông thày cúng mặc áo dài đỏ, đội khăn đỏ, ngân nga đọc văn chiêu hồn. Mỗi câu như mỗi dòng nước mắt đại thi hào Nguyễn Du tưới khắp vong linh, tưới mặn lòng người đang sống: Tiết tháng bẩy mưa dầm súi sụt. Toát hơi may lanh buốt sương thu. Não lòng thay buổi chiều thu. Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng… Trong trường loạn tối tăm trời đất. Có khôn thiêng phảng phất u minh. Thương thay thập loại chúng sinh. Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người. Ông thày dứt lời. Trống kèn im bặt. Ai đó phía bờ sông xướng lên: Các vong hồn đang về… các vong đang về. Khắp bãi chợ vỡ oà tiếng khóc. Người gọi cha, người gọi mẹ. Người nức nở kêu con. Tôi nhìn ra nẻo sông mù mịt tối, thấy vô vàn đốm lửa bập bùng lấp loang trôi trên mặt sóng. Nghe loáng thoáng nhiều tiếng mái chèo bì bõm lúc gần lúc xa. Lại mơ hồ nghe ai đó nghẹn ngào thông báo: Thuyền các vong cập bến rồi. Đáp lời, mọi chỗ trong chợ dậy lên tiếng gọi người nhà: Thông ơi! Con ơi! Nhà ta ở chỗ này. Cha ơi con ở đây… Ông bố Diễm mắt nhoè lệ đứng lên úp hai bàn tay làm chiếc loa, gọi lớn: Huệ ơi! Huệ ơi! Nhìn thấy anh chưa? Cả nhà mình đợi em đã lâu rồi. Lúc ấy, ba ngọn nến cháy nghiêng rạt vế một phía như muốn tắt. Đứa bé gái từ lòng mẹ nó nhảy phắt ra đứng trước mâm cúng. Hai đốm mắt cháu long lanh ánh lên tia sáng khác thường. Đôi cánh tay cháu co nửa vòng ấp vào bụng, ngửa một bàn tay kiểu ôm ấp con thơ, một bàn tay vỗ vỗ, rồi chúm môi cưng nựng: Đừng sợ con ơi! Ở đây toàn là anh em cô bác ruột thịt nhà mình đó con. Cả cha con nữa cũng đã về với con kia kìa. Tội nghiệp con tôi, bao nhiêu năm rồi mà vẫn là đứa hài nhi, chẳng được làm người đầy đủ. Trời ơi! Con tôi có hai mắt đâu mà nhìn được cha con. Ông trung tá lịu khịu đứng lên, đầm đìa nước mắt, miệng méo xệch: Diễm ơi! Con ơi! Ai oán thốt lên được mấy lời như vậy, rồi ông khuỵu xuống, xoè hai bàn tay ôm vai cháu bé, lúc này cháu đang là cô Huệ vừa sống đủ sáu mươi năm trên trần gian, chịu âm thầm đau đớn một mình. Một bàn tay cô Huệ khẽ đẩy vai ông, nhưng giọng đầy âu yếm: Ai là Huệ của anh. Ai thèm làm con anh. Bao nhiêu năm nay anh ở đâu, bỏ mặc mẹ con tôi bơ vơ nơi cửa Phật? Ông bộ đội xõa mái đầu bạc trắng ôm mặt khóc. Thôi lau nước mắt đi anh. Chúng mình đã khóc cả đời rồi. Được hưởng mấy sát na đoàn tụ này đâu có dễ anh ơi! Chiến tranh mà, đâu chỉ mình đôi ta phải khóc. Lau nước mắt đi anh, kẻo con nó khóc theo bây giờ. Phiên chợ hôm nay đông vui quá. Mình đi mua cho con chút gì đi. Nói rồi cô kéo cả nhà theo sau đến chỗ mấy sạp hàng lúc này đã chen chúc người mua sắm.

Trân trân nhìn cô líu tíu chọn đồ cho con, chúng tôi không ai cầm được nước mắt. Cái gối Đô rê mon này thích không con? Bộ quần áo lính thủy này nữa. Ngộ nghĩnh đáng yêu quá. Nón này, giầy dép này đẹp không nào. Cả kẹo ngọt nữa này, Con ơi mở mắt ra mà nhìn, quàng hai tay mà ôm lấy con ơi! Tại sao? Tại sao con tôi phải mang hình hài này? Tại sao con tôi phải gánh chịu oan nghiệt này giời ơi? Gương mặt cháu bé lúc này là cô Huệ đầm đìa nước mắt. Tiếng khóc người cõi âm nghe ai oán đớn đau gấp bôi người trần. Tôi và Diễm, cả nhà Diễm đều ôm mặt khóc.

Nhớ lời bà chủ sạp hàng lúc nãy: Trần sao âm vậy. Tôi ý tứ đi ra chỗ chợ đông cho đôi tình nhân đau khổ ấy có phút riêng tư thổ lộ tâm tình. Gặp một người không nhìn rõ mặt cứ ôm cứng lấy tôi, dụi mặt vào vai tôi mà nức nở: Thằng cháu của cô đây mà. Bà đã kể nhiều chuyện về cháu, bây giờ cô mới được gặp cháu cô. Tôi rùng mình lạnh toát khắp châu thân, nhận ra cô ruột tôi, cô du kích thời đánh Mỹ đã hy sinh cùng cả khẩu đội súng phòng không năm cô mười tám tuổi. Tôi hỏi cô: Cái cặp ba lá và mớ tóc bị bom phạt đứt bà bảo đã bay ra giữa sông Nguồn, cô tìm thấy chưa? Cô lấy lại được rồi. Anh thương binh cụt chân con ông Hiếng Thọt nói đúng đấy. Nó đã bay ra giữa hồ Trinh nữ và chìm ở đấy. Cháu nói với anh ấy, đừng đày thân thui thủi ngoài hồ ấy nữa. Cô chả muốn vậy đâu. Ờ mà này, cô với cô Huệ thân nhau lắm đấy. Các cô chúc mừng hai cháu có duyên. Chưa kịp nói thêm với cô lời nào, tôi lại thoáng rùng minh, người vừa ôm cứng lấy tôi đã lỏng tay rồi lẩn vào bóng tối.

Tôi đứng ngẩn ngơ giữa chợ, nghe bao tiếng người rì rào như dàn dế rúc giữa canh khuya. Lướt qua mặt tôi hai bóng nhờ nhờ, người này vỗ mạnh vào vai người kia nói lớn: Mày nhận ra tao không? Quang tài vụ đây. Cái thằng cho đến lúc mắc ung thư cứ tủi thân không được xếp giám đốc cất nhắc lên tí phó phòng đây. Nhưng mà may mày ạ. Xuống đấy, tao trong trắng, chẳng bị qui tôi gì, được vi vu trăng gió, thích lắm. Tao mừng cho mày hạ cánh an toàn lương tâm. Còn như lão xếp ấy, bị biến thành chiếc ghế rồi, vĩnh viễn phải khom lưng cho ngài phán quan ngồi lên trên hạch tội phạm nhân rồi. Tao nghe lão kêu la oai oái mà chẳng ai thèm động lòng. Con vợ lão tham lam nhận bao nhiêu tỉ, bàn mưu cùng chồng bổ nhiệm những thằng bất tài thiểu đức ngôi vào những chiếc ghế chỉ nhăm nhăm trổ tài bòn rút hầu bao dân lành, moi ruột công quĩ nhà nước. Mới xuống âm ti được ít ngày, mụ đã bị tuyên án chung thân ngồi nhai đống tiền dính đầy máu mủ tanh hôi vơ vét được ở cõi trần, nhai đến rách miệng, nuốt đến nứt bụng, nôn oẹ đến xây xẩm mặt mày, khóc lóc van xin cai ngục cũng chẳng tha.

Tôi lại thấy bên mâm cúng vong ở gần bên, bà mẹ già ôm thằng con xụt xịt  khuyên nhủ: Ở trên trần con đã nghiện hút quậy phá làm khổ thân mẹ, xuống đấy ở với cha con, tu chí mà làm ăn con ạ. Thằng con cười khanh khách: Không đâu mẹ ơi! Dưới ấy cha con làm phụ tá cho một ông to lắm. Cha bảo, chốn này không như trên ấy dựa vào thần thế mà bao bọc được người thân đâu. Nghiêm minh lắm. Mà con có muốn quậy phá cũng không thể được. Mọi người sống đàng hoàng trên dưới phân minh, ai giữ đúng phận người ấy, còn cơ hội đâu mà làm việc xấu. Mẹ cứ yên tâm, đợi ngày nhà ta đoàn tụ. Tôi ngạc nhiên, giữa chỗ toàn nghe tiếng khóc, bà cụ lại nở cười móm mém trong ánh nến mập mờ: Bố anh, có nói thật không đấy. Được như vậy mẹ mừng rồi.

Lại mờ mờ bóng người con gái áo sống ướt sũng chạy nháo nhác, gặp ai cũng ghé sát mặt nhìn rồi oà khóc: Cha ơi, cha đang ở đâu? Bao nhiêu lần họp chợ, con tìm cha mỏi mắt mà chẳng được gặp cha. Tôi nghe có ai đấy nói với nhau: Cô Trinh Nữ đầm sen đấy. Bị tuyển vào cung, uất ức nhảy xuống hồ tự vẫn. Cụ Đồ cha cô sợ phép vua bỏ trốn khỏi làng, vong linh thất lạc mãi chín tầng trời nào chả biết. Đã mấy trăm năm rồi, cô trinh nữ ấy vẫn chưa thôi oán hận nhà vua, vẫn khôn nguôi thương xót cha già. Cách vài năm cô lại một lần trích máu mình quấy đỏ nước hồ báo cho thế gian này biết nỗi lòng cô còn bi phẫn đến muôn đời.

Ở một góc chợ, tôi nhận ra ông già làng Diễm là anh trai người giáo viên đã nhảy xuống sông Nguồn tự tử mấy chục năm trước. Ông già vỗ vai em khuyên nhủ: Về  chùa Đoạn Tục quy y đi em. Vùng vẫy ngoài bến Đoạn tình mãi, lạnh lẽo lắm, oan nghiệt lắm. Vong linh anh giáo nhập vào thằng cháu thiểu não thưa: Em đâu muốn đày đoạ vong hồn mình như vậy. Nhưng còn đứa con em trong bụng người con gái em yêu còn  dưới đáy sông, hằng đêm quằn quại trong bụng mẹ nó. Bỏ mặc hai mẹ con nó mãi mãi chịu vật vã đau đớn, một mình em tìm đường giải thoát, yên ổn lương tâm sao đành.

Sợ tôi lạc lõng giữa chốn u minh này, em Diễm trốn gia đình đến nắm tay tôi. Hai chúng tôi len lỏi qua nhiều mâm cúng, chỗ nào cũng nghe khóc lóc thở than não nuột. Lại vọng đến tai tôi mấy tiếng, rõ là tiếng người, hình như nó không phát ra từ miệng, nghe u u kiểu gió thổi qua ống thông hơi: Đầu tôi, ôi Đầu tôi. Có ai tìm thấy đầu tôi? Nhìn kỹ, tôi mới nhận ra những âm thanh kỳ lạ đó được phụt ra từ cổ người mặc áo quần trắng toát đang xiêu xẹo những bước chân của người mù, đụng chạm hết người này người nọ. Em Diễm run rẩy nép vào tôi thì thào: Em đã thấy ông ấy cả chục phiên chợ này rồi. Em chả biết ngày xưa ông ấy bị phe nào xử trí chém đầu rồi hất xuống sông Nguồn. Năm ngoái  mấy người con ông ở nước ngoài về lập đàn chiêu hồn cha ở ngã ba sông. Đúng chỗ ông bị hành quyết bí mật. Ông thày pháp phán: Đầu ông ấy bị quái vật sông Nguồn nuốt rồi. Đành mãn kiếp làm quỷ không đầu vậy thôi. Không tìm được đầu, dù được đầu thai cũng chỉ là kiếp quái thai, sẽ bị người ta trả về cõi âm ngay tức khắc thôi. Oan nghiệt vậy.

Quay đầu sang hướng khác, tôi để ý hai người khoác tay nhau kiểu bạn bè lâu ngày mới gặp. Ông gầy gò lỏng khỏng tóc bạc phơ phủ gáy nhẫn nhục cúi đầu lắng nghe. Ông cặp kè bên cạnh chả rõ mặt nên chẳng đoán nổi trẻ hay già. Ông ta xoè rộng một bàn tay ấn mạnh vào bụng mặt nhăn nhó đau đớn: Khốn kiếp cái bộ ruột tao cứ xổ ra hàng rổ thế này. Quả lựu đạn của mày ác thật. làm chết chục mạng người. Chả người nào đáng chết. Lại toàn là bạn đồng môn, bạn xóm giềng và anh em máu mủ nhà mày mới tệ chứ. Vậy mà mày nhẫn tâm nhân danh tình bạn, rủ rê chúng tao vào lao vào chiếu bạc, rồi mày quẳng lựu đạn vào giữa chiếu. Tiền bạc mày vơ sạch, những đồng tiền dính đỏ máu me mày cũng không từ. Rồi mày lên đồn báo công đã diệt gọn bọn nằm vùng quan trọng. Vụ ấy mày được thưởng công bao nhiêu? Có bõ suốt đời phải nuôi thằng con ngồi xó nhà lưỡi lè dài cả gang tay, trô trố cặp mắt ma trắng dã ngày ngày trừng trừng nhìn mày hỏi tội không? Thằng con ấy là oan hồn thằng bạn học của mày nó báo oán đấy. Nhận ra thằng bạn nào chưa? Mày chưa chết được đâu. Đời mày còn phải kéo dài qua trăm tuổi. Sống mà gánh lấy tội đời mày ạ.

Diễm kể với tôi: Ông già lỏng khỏng ấy người làng em. Thọ hơn chín chục rồi. Vợ ông và mấy người con đã chết từ lâu. Bây giờ ông và một người con quái thai trơ trọi trong căn nhà tường xiêu vách nát.

Tôi còn được chứng kiến ở một mâm cúng vong trên bày ôtô, nhà lầu với kẻ hầu người hạ. Anh con trai đủ bộ complet, cà vạt cùng cô vợ vòng xuyến vàng bạc đầy mình ngồi với vài người nữa, chắc là con cháu một nhà. Tôi đoán anh này đang là giám đốc một công ty thường trúng thầu những công trình béo bở. Thấy nhà nào cũng gặp được vong, anh ta nhấp nhổm đứng lên ngồi xuống gọi cha mà chả có dấu hiệu nào báo động cha anh đã về. Toàn thân tôi lại sởn da gà, biết vong cô tôi đang ở ngay trước mặt. Tôi nghe tiếng cô tôi như tiếng muỗi kêu: Cha anh này bị đày xuống tầng địa ngục thứ mười tám rồi. Thời oanh liệt muợn thế mình làm lớn, xắp xếp cho con cháu toàn những vị trí ngồi trên đầu thiên hạ, mưu đồ vinh thân phì gia. Tôi ấy ở dưới Âm ty không chạy đâu cho thoát.

Tôi còn muốn đi nhiều vòng nữa để được biết thêm nhiều nông nỗi cõi người, cõi ma. Nhưng trong làng đã rộ lên tiếng gà gáy báo sáng. Chỗ đàn cúng vong đã nổi lên ba hồi chiêng trống lum bum lẫn trong tiếng kèn tầu thổi bài lâm khốc tiễn đưa quyến luyến. Tiếng ai đó lại vang lên: Đến thời khắc các vong hồn quay về cõi Âm rồi… Khắp chợ lại vang rền tiếng khóc, tiếng dặn với theo: Con ơi, cha ơi phiên chợ sau nhớ quay về, nhớ nhé. Nói rồi ai nấy đều hối hả thiêu hoá vàng mã, nhà lầu xe hơi. Cả những hình nhân mỹ nữ cũng bị đốt cháy đùng đùng. Cả những gian hàng bách hoá lửa cũng bốc cao như đám cháy nhà. Người buôn kẻ bán ra về tay không mà ai cũng cảm thấy hoan hỉ.

Tôi nghe ngoài bến sông tiếng mái chèo khuya khua chóc chách, tiếng sóng vỗ úng oáng mạn thuyền. Mơ hồ những ngọn đèn leo lét từ từ trôi vào vùng tối thẳm bờ bên kia. Trên bến. dưới sông tiếng động lặng dần, những ánh đèn xa hút từ từ rồi tắt hẳn. Cả dòng sông dường như mất tích trong màn tối đen như mực. Dường như tôi đang dứng bên bờ con sông ngăn cách hai cõi Âm Dương?

Trên đường về, Diễm và tôi chầm chậm bước trên mặt đê sông Nguồn. Đang giữa mùa mưa tháng bẩy, thảm cỏ bờ đê êm ái dưới gót giầy. Không khí thoang thoảng mùi hương sen, mùi thơm cỏ mật quyện cùng mùi trinh nữ nơi em nồng nàn quấn quýt quanh tôi. Không kìm được cơn sóng trào rạo rực, tôi ôm chặt vai em. Hơi thở em nóng hổi truyền đến tai tôi: Anh mà như ông trung tá kia, bỏ em trơ trọi trên cõi đời này, em chết mất. Em không cứng cáp được như cô Huệ em đâu. Những phận hồng nhan làng Diễm xưa nay đều mỏng manh yếu ớt lắm anh ơi.

Em chia tay tôi chỗ rẽ vào làng Diễm. Tôi đứng nhìn bóng em mờ dần trong sương đêm rồi mới lững thững buớc đi. Đêm nay tôi muốn một mình đồng hành với sông Nguồn. Gió từ phía sông thổi đến lạnh lưng, đoán trời sắp đổ cơn mưa, tôi cũng mặc. Cứ như tôi đã là một vong linh đang phơi phới bay về một tiền kiếp xa xăm quên lãng tự bao giờ. Không nhìn thấy dòng sông đang réo rắt rất gần. Nhưng tôi nghe rõ lắm từng đợt sóng sông từng vang vọng bao nhiêu tiếng nấc thoát ra từ lồng ngực thổn thức bao đời trần thế, bao ngọn gió hiu hắt oán hờn của những hồn ma trọn kiếp vật vờ không chốn dung thân. Một phiên chợ Âm phủ làng Diễm bé cỏn con nhường ấy, chúng sinh kiếp trước, kiếp này máu và nước mắt đã đổ ra mênh mang nhường ấy. Nước sông Nguồn có rửa sạch được không?

Ngàn đời nay đã ai oán vậy. Ngàn đời sau, những phiên chợ Âm phủ làng Diễm có tràn ngập tiếng cười cho sóng sông Nguồn chuyên chở đi xa?

 

8/6/2014

 unnamed

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)