Đã dăm năm nay, chúng tôi quen nhau, là bạn phây rồi gập gỡ giao lưu ở Miền Cổ Tích và một số hội thơ, Ái Nhân đã tặng tôi bốn tập thơ, trong số mười một tập thơ tình của anh được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn cấp phép. Thật thú vị, tập nào cũng là 101 bài. Có lần, tôi hỏi anh: Tại sao cậu lại in mỗi tập 101 bài? Ái Nhân cười hóm hỉnh, đùa tôi bằng vài câu thơ: “ Bắc thang lên hỏi ông giời / Rằng trăm thằng Cuội thằng nào là anh? Cuộc người dâu bể mong manh / Một trăm lẻ một - Cuội anh thật thà”. Quả thật, Ái Nhân là "Anh Cuội" thật thà và lãng mạn nhất mà tôi được biết!
Là bạn văn và cũng là một người chị mà Ái Nhân yêu quý, Ái Nhân kể cho tôi nghe về cuộc đời chìm nổi bể dâu của mình. Ái Nhân đã từng làm người lính quân đoàn hai, về học sĩ quan chính trị, tốt nghiệp năm 1985, đi dự nhiệm biên giới một năm, làm Chính trị viên đại đội, giữ chốt Pa Đí – Lộc Bình – Lạng sơn. Và Ái Nhân có thói quen, thường "đệm" vài ba câu thơ khi khi kể chuyện:
" Dự nhiệm chuyên ban một năm biên ải / Tao xung phong lên điểm chốt tiền tiêu/ Chính Ủy hỏi: "Vì sao đồng chí lại? / "Hồn nhiên cười"- Để làm thơ cho phiêu!"
(Đồng đội à - Thơ Ái Nhân)
Năm sau về học lớp giáo viên Kinh tế chính trị, tháng 8 năm 1987 tốt nghiệp, chàng thượng úy trẻ măng 25 tuổi, hứa hẹn một tương lai cống hiến. Vậy mà, rằm tháng tám năm đó, anh bị một tai nạn ô tô… năm viện, sáu tháng, tháng ba năm sau, chống nạng vào Đồng nai, bắt đầu sự nghiệp làm thày. Một năm sau anh bị thần kinh… rồi cuối năm 1990 ra quân.
Cuộc đời thật trớ trêu, có hơn một triệu tiền trợ cấp phục viên của tám năm mười tháng quân ngũ, anh bị một gã buôn chuyến, rủ đi buôn cùng, trong vòng hơn một tháng, bị hắn lừa hết, hắn bỏ Ái Nhân bơ vơ ở ga Hàng Cỏ.
Về quê, lang thang đó đây gần sáu năm giời mới lấy được vợ. Có đôi lúc tưởng tuyệt vọng, nhưng với phẩm chất người lính anh đã vịn thơ đứng dậy làm một người thơ chân thành tốt bụng.
Anh kể nhiều lúc muốn gục ngã, nhưng nghĩ đến mẹ già, anh lại gượng dậy, anh vịn vào thơ mà đứng lên.
Ái Nhân đã làm thơ từ hơn bốn mươi năm trước, bài thơ đầu tiên được in trong tập Kiếp dã tràng – NXB hội NV – 2007
MƠ MÀNG
Đêm đầu tháng trăng tàn quá sớm
Ngoài trời mưa cứ lất phất rơi
Chỉ còn riêng một mình thôi
Nhớ vừng trăng của hồn tôi mơ màng.
(Ân Thi – Thu 1980)
Thơ Ái Nhân luôn thấp thoáng những bóng hồng hoài niệm - bóng hồng ký ức luôn ẩn hiện trong thơ anh, như muốn cổ vũ anh phải kiêu hãnh sống đẹp, phải tự tin như dòng máu lính trong anh. Hơn hai mươi năm ra Hà Thành ở trọ, nuôi mẹ già, vợ con ở phố đường tàu, đánh vật với miếng cơm, manh áo, Ái Nhân vẫn làm thơ. Rồi cũng vẫn là Ái Nhân, gần mười năm nay, dành số tiền nhuận bút ít ỏi, với tiền bán thơ cho bạn phây, cùng các bạn trẻ thành lập câu lạc bộ "Tấm Lòng Thơ" làm thiện nguyện...
Ái Nhân là thế đấy!
Cầm bản thảo tập thơ "Dịu dàng xuân" trong tay, lòng tôi đắn đo, nên viết sao đây?
Tôi chợt nhớ, trong tập "Đoá Thu Mơ" của Ái Nhân có bài thơ "Dịu dàng" mà tôi từng ấn tượng thật sâu:
"Dịu dàng ánh trăng như lụa / Biển dâng cong ngọn thủy triều / Mơ màng mắt đen lay láy / Cồn cào lửa cháy tim yêu”
Thôi đúng rồi, đây là một sự vỡ lẽ chân thành qua bao chua xót, đắng cay; Một mỉm cười nghèn nghẹn sau khi thấm thía bao nhiêu là trải nghiệm; Một thú vị, khi ta thấy tác giả dành hẳn một trăm lẻ một bài thơ cho sự dịu dàng!
Hướng đi chủ đạo trong tập thơ, trước hết là tâm thế một Người thơ đi tìm vẻ đẹp của làng quê xưa, mùa xuân xưa, nụ cười xưa, ánh mắt xưa, giai điệu xưa, dịu dàng xưa và niềm tự hào về quê hương trong những câu thơ chân chất, hiền lành:
"Quê anh ở cạnh Sông Hồng
Bốn mùa mướt mát xanh đồng lúa ngô...
...
Trống quân níu lấy câu hò
Đồng Tam Thiên Mẫu cánh cò lả lơi"
( Về với quê anh)
Người Thơ đa tình ấy đã dành những lời thơ rất đỗi dịu dàng khi viết về những thôn nữ :
"Làm duyên con gái chưa chồng
Bên hoa, tóc thả bềnh bồng ban mai
Nồng nàn mắt ngọt Giêng Hai
Vân vê tà áo liếc dài tiếng quyên
Mi cong má lúm đồng tiền
Ngẩn ngơ xuân nở xanh miền thảo thơm"
( Duyên xuân)
“Áo em mây trắng ngỡ ngàng
Lưng ong, môi thắm, mơ màng mắt nai”
( Thức nụ)
“Đoan trang em gái chưa chồng
Cổ kiêu ba ngấn phiêu bồng tóc mây
Rỡ ràng trinh trắng thơ ngây
Miệng như hoa thắm hây hây má đào”
( Hương Xuân”
Anh say sưa viết về vẻ đẹp của các thôn nữ, những cô gái góp phần dệt lên mùa xuân xanh:
“Chân trần nà nõn, vai thon
Đường xuân em gánh mạ non ra đồng
Ban mai hương bưởi thơm nồng
Thơ mơ lên lối phiêu bồng hân hoan”
(Bóng quê)
“Chân trần nà nõn gái quê
Tóc thơm hương bưởi bùa mê hồn làng”
(Thương thầm)
Nếu đem so sánh những hình ảnh đẹp của những người gái xinh, ngoan hiền trong tập thơ này, với hình ảnh những "Nàng Tiên" trong tập "Phiêu Diêu Đường Giời" ( NXB Hội NV – 2019), thì ta thấy, sự ảo ảnh đã bị khuất lấp bởi những hiện thực tràn ngập trong cuộc sống mà chính tác giả đã cảm thấy một cách ngọt ngào.
Nhất là khi Người Thơ tìm thấy những hình bóng đẹp trong lễ hội mùa Xuân. Ở đây, có gì như gặp lại những câu thơ quen thuộc ngày trước, trong những bài thơ chưa xa của Cố Nhà thơ Nguyễn Bính:
“Yếm đào ôm lấy eo xinh
Quai thao nón trắng rung rinh hội làng
Lả lơi lên mắt trăng vàng
Dây lưng xanh thắt trễ tràng lưng ong”
(Hẹn mùa)
Nhớ về miền quê Kinh Bắc, nơi Ái Nhân đã từng sống và học tập gần năm năm trời, Ái Nhân đã hoá mình thành một "Liền anh" Quan Họ, để hát giao duyên với Chị hai Quan họ làng Y na, làng Diềm duyên dáng…
“Miếng trầu năm ấy nhạt vôi
Môi thơ chẳng đỏ chơi vơi nỗi niềm
Mắt đen em gái làng Diềm
Lả lơi mời gọi sang miền nhớ mong”
(Tương tư quan họ)
Có thể thấy tình yêu thương miền quê Quan họ, mê say những làn điệu dân ca, những bóng hình Quan họ, được Người Thơ thể hiện trong các bài thơ: Lỡ hẹn, Uống lời quan họ, Dấu xuân, Tầm xuân, Giã bạn, Hoài niệm áo vàng, Ngóng sang Quan họ... thật duyên.
“Dịu dàng xuân” còn là sự cảm thông và chia sẻ với những cô gái lỡ làng, những thân phận nạ dòng, những cô gái không may mắn; Động viên họ vượt qua đau khổ, khép lại quá khứ buồn, hướng đến tương lai:
“Nào nâng chén uống đi quên dĩ vãng
Bao đau thương nuối tiếc mộng phù vân
Em cứ khóc nước mắt cay hòa rượu
Gột trần em lòng kiêu hãnh thiên thần
…
Nào nâng chén chúc mừng xuân náo nức
Gọi mùa xuân thao thiết đợi tình xuân.”
(Uống đi xuân)
Cách chia sẻ thật lạ và chỉ có cách diễn đạt ấy mới dỗ dành được nước mắt của người con gái bất hạnh đến xót thương ngưng chảy...
Từng là người lính nên Ái Nhân cảm thông, trân trọng những người vợ, người yêu của lính, chia sẻ những mất mát đau thương của họ:
“Bến sông quê lở bồi
Mắt răm vời vợi khóc
Lau trắng màu tang tóc
Sông Sứ buồn mênh mang”
(Chuyện tình hoa cải)
Những câu thơ khắc khoải như níu vào lòng người, như nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ quên những hy sinh mất mát của những người lính, người vợ, người yêu của lính…để cho chúng ta có được những mùa xuân tươi đẹp, dịu dàng hôm nay.
Trong "Dịu dàng xuân", cái tình sâu đậm nhất, ấn tượng nhất trong thơ Ái Nhân là tình yêu quê hương đất nước, tình yêu làng quê mình; Tình yêu những vùng quê anh đã đi qua; Tình yêu những người lao động, những người dệt nên những mùa vàng bội thu.
Với một trăm lẻ một bài thơ trong "Dịu dàng xuân", Ái Nhân đã đánh dấu một cột mốc mới cho con đường thơ đầy truân chuyên của mình. Tác giả tỏ ra khá vững vàng khi sử dụng những thủ pháp nghệ thuật thường gặp trong thơ. Ái Nhân thành công trong nhiều thể loại thơ, nhưng hay nhất vẫn là lục bát. Những câu lục bát nhiều khi khá gấp gáp, mạnh mẽ, cồn cào, khắc khoải nhưng không vì thế mà mất đi sự duyên dáng dịu dàng, có nhiều câu đạt đến độ:“Trong veo tiếng ngọc gieo lời”.