Cầm Sơn
LÁ CHẮN BIÊN CƯƠNG
Thực hiện kế hoạch của Hội Nhà văn Việt Nam về việc các nhà văn đi tìm hiểu thực tế để sáng tác về hình ảnh các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng trong cuộc chiến chống giặc dịch Covid19. Được sự giúp đỡ tận tình của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh.
Ngày 25 tháng 5 năm 2020, một đoàn 5 nhà văn và lái xe Nguyễn Đăng Khôi xuất phát từ nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội .
Xe của đoàn nhà văn đến trụ sở Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh lúc 17h30. Đoàn được Thượng tá Chánh văn phòng Trần Văn Toản và Thiếu tá Phó chánh Văn phòng Nguyễn Tiến Tùng đón tiếp, bố trí nghỉ ngơi tại Nhà khách của Bộ chỉ huy. Bữa cơm tối, đoàn được Đại tá Hà Học Chiến - Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, Đại tá Hoàng Việt Dũng Phó Chỉ huy kiêm Tham mưu trưởng, Đại tá Nguyễn Thái Bình Phó Chính ủy cùng nhiều sĩ quan chỉ huy tiếp đón và thống nhất chương trình và lịch làm việc của đoàn.
Trung tá Trần Mạnh Hùng – Trưởng Ban Tuyên huấn được lãnh đạo Bộ chỉ huy phân công đi cùng hướng dẫn đoàn. Theo lịch làm việc, ngày 26 tháng 5 đoàn được hướng dẫn đi ngược đường Quốc lộ số 8 lên huyện Hương Sơn. Đoạn đường từ thành phố Hà Tĩnh lên đến Cửa khẩu có cự ly trên dưới 100km. Trên đường đi gặp khá nhiều xe vận tải loại siêu trọng siêu trường mang biển số nước bạn Lào. Do xe quá khổ quá tải hoạt động liên tục, việc sửa chữa, duy tu khó đáp ứng được thường xuyên nên có một vài đoạn đường bị xuống cấp khó đi. Xe chạy dọc theo sông Ngàn Phố nước trong xanh, có nhiều con thuyền đánh bắt thủy sản loại nhỏ cắm sào xếp thành dãy trên mặt sông với hai bên bờ là trùng trùng lớp lớp ngàn xanh của rừng trồng phủ kín tạo ra khung cảnh yên bình, làm dịu mát bầu không khí như thiêu như lửa của nắng nóng giữa mùa hạ miền Trung. Xe đưa đoàn đến Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo hồi 9h06 phút. Đoàn được Thượng tá chính trị viên Phan Duy Vỵ cùng Trung tá Chính trị viên phó Phan Đông Đức, Thiếu tá Phan Thái Hùng quyền Đồn trưởng và Đại úy Đồn phó Nguyễn Khắc Hào đón tiếp. Trao đổi với đoàn, Thượng tá Phan Duy Vỵ cho biết: Toàn tuyến biên giới của tỉnh Hà Tĩnh giáp nước bạn Lào dài 164km, riêng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo quản lý 44,3km gồm 16 cột mốc và 2 cọc dấu trên địa bàn huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh trong đó có Trạm Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo. Phía bên kia là Cửa khẩu Namphao thuộc huyện Khamkhenth tỉnh Bolikhamxay của nước bạn Lào. Là Đồn Biên phòng luôn luôn giữ được truyền thống từng hai lần được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng vào những năm 1967 do chủ tịch Hồ Chí Minh ký và năm 2011 do Chủ tịch Trương Tấn Sang ký, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, giữ vững an ninh chính trị - Trật tự an toàn xã hội góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn khu vực hoạt động. Cụ thể là thường xuyên phối hợp với các lực lượng, cơ quan, ban ngành của địa phương tuần tra khu vực, vùng lõm, vùng đệm, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, đối tượng buôn lậu tuồn ma túy từ nước ngoài vào và các nhóm lâm tặc phá rừng, khai thác gỗ trái phép, thu giữ nhiều tang vật, bắt và giao lại cho các cơ quan chức năng xử lý nhiều đối tượng nguy hiểm. Trong thời gian chống dịch, Đồn đã thành lập 8 chốt, mỗi chốt có từ 8 đến 12 người. Đồn đã cử 88 cán bộ chiến sĩ cùng 50 người của Bộ Chỉ huy tỉnh tăng cường, chốt chặn ở các điểm đường mòn dân sinh tự phát, đường mòn hai bên cánh gà cửa khẩu, không để người vượt biên trái phép, ngăn chặn từ gốc nguồn lây lan dịch bệnh…
Đoàn nhà văn được hướng dẫn đi một vòng quanh đồn, thăm khu vực trồng trọt, chăn nuôi với những vườn rau xanh non, những giàn bầu bí trĩu nặng quả, những đàn gà đầy sân, những đàn vịt, ngan, ngỗng ung dung bơi lội trên mặt hồ và đặc biệt là cả một khoảng rừng dành riêng cho những chú lợn rừng tha hồ tung tẩy như được sống trong điều kiện tự nhiên. Bữa cơm trưa, đoàn được lãnh đạo đồn tiếp đón toàn bằng thực phẩm sạch do chính những người lính của đồn sản xuất.
Đầu giờ chiều, đoàn được Trung tá Phan Đông Đức hướng dẫn lên thăm Trạm Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo. Trên đường đi, đoàn đã dừng lại thăm các chiến sĩ ở một chốt. Đây là chốt cuối cùng nằm ngay sát Quốc lộ số 8, cùng với một chốt nữa đặt cạnh đường ở khu vực Eo Cô Gái chặn con đường họng phễu. Có thể có những trường hợp trốn tránh lọt qua được các chốt ở cánh gà, đường mòn lối mở biên giới nhưng không thể không đi qua hai chốt này, đảm bảo công tác kiểm soát chặt chẽ đến mức tuyệt đối vì chỉ cần một người từ nước ngoài vùng đang còn có dịch lọt qua vào trong nội địa thì nguy cơ mất kiểm soát dịch bệnh sẽ khó lường. Tại trụ sở Trạm Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, đoàn được đón tiếp bởi Thượng tá Phạm Lê Xuân Bình, hiện đang giữ chức vụ Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh và Đại úy Phó trạm trưởng Đỗ Mạnh Hùng. Thượng tá Phạm Lê Xuân Bình là quân số tăng cường và được lãnh đạo Bộ chỉ huy tỉnh phân công trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh Covid19 khu vực biên giới phía Tây. Thượng tá Phạm Lê Xuân Bình có học vị tiến sĩ, nguyên là giảng viên Học viện Biên phòng mới được điều chuyển về công tác thực tế tại Hà Tĩnh. Thượng tá Bình cho biết, ngoài công tác thường nhật của Bộ đội Biên phòng ở một cửa khẩu, trong chiến dịch chống giặc Covid19 vừa qua, cán bộ chiến sĩ của trạm đã phải căng mình làm việc liên tục không có tuần, thứ đã đành còn không có cả giờ giấc nữa. Có trường hợp như của Thượng úy Võ Anh Tuấn đã gửi thiệp hồng mời cưới vợ gặp đúng dịp dịch bệnh tăng cường lên chốt đành gác lại ngày cưới, đến tận hôm nay khi dịch bệnh đã được Chính phủ và Nhân dân cả nước đẩy lùi anh mới có dự định sang tháng sau sẽ về làm đám cưới. Bản thân Thượng tá Phạm Lê Xuân Bình cũng đã chốt liên tục trên trạm Cửa khẩu này trên ba tháng. Tôi hỏi mấy chiến sĩ khác, có người là lính của đồn, có người là lính từ nơi khác đến tăng cường đều trả lời là đã có vợ, có con nhưng ba, bốn tháng nay vẫn liên tục bám chốt chứ chưa khi nào có thời gian được nghỉ về thăm gia đình.
Ngày nào số người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài nhập cảnh qua cửa khẩu cũng có đến hàng trăm. Đặc biệt đông nhất là vào ngày 30 tháng 3 năm 2020 có tới 1.180 người về nước. Trong những ngày cao điểm, trụ sở trạm phải dành nhiều phòng cho người nhập cảnh cư trú tạm trong khi chờ xe chở về khu cách ly. Các chiến sĩ phải làm thủ tục, phát khẩu trang, khử trùng, đến bữa phải phát khẩu phần ăn, phân loại người tỉnh khác, người trong tỉnh thì phân loại đến từng huyện để cho đoàn xe của một công ty vận tải trong tỉnh tình nguyện không thu tiền chở người về các điểm cách ly.
Tại cửa khẩu vẫn có rất nhiều xe vận tải loại lớn qua lại. Chủ yếu là chở quặng sắt và gỗ là hoạt động kinh tế thường xuyên của nước bạn nối lục địa Lào với cụm cảng biển nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương trong đó có cảng Việt Nam dành cho bạn Lào mượn nên không thể dừng hoạt động. Được biết khi làm thủ tục qua cửa khẩu thì xe được khử trùng và đổi người điều khiển xe, lái xe ở địa phận nước nào thì hoạt động trong địa phận nước ấy nên không phải cách ly. Chúng tôi thấy khá đông người ngồi trong các lều dựng tạm để chờ làm thủ tục. Trừ các cán bộ chiến sĩ lên chốt, còn tất cả cán bộ chiến sĩ ở văn phòng trạm đều có mặt tại đây, trong đó có một sĩ quan nữ là Trung úy Lê Thanh Hoa, được biết cả Đồn Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo chỉ có một cán bộ nữ và không thể không có vì nhiệm vụ kiểm thể nữ thì nam giới không thể làm. Phần lớn các chiến sĩ đều phải mặc đồ bảo hộ bằng nilon để tiếp xúc với người nhập khẩu. Thiếu tá Trưởng trạm Trần Văn Sông cho biết: “Thời gian cao điểm, người về nước quá đông thì trạm phải dành phòng cho người cách ly tạm trú. Còn bây giờ thì phải khẩn trương, dẫu có tối cũng phải làm, tất cả đều phải làm xong các thủ tục trong ngày cho xe chở người về khu cách ly, nếu không làm xong, trạm phải bố trí nơi ăn nghỉ cho người cách ly thì rất rắc rối”.
Đoàn được Thượng tá Phạm Lê Xuân Bình hướng dẫn đến thăm một lều chốt. Đây là một chốt phía taluy âm có khoảng cách rất gần với trạm và dễ đi nhất vì các nhà văn nhiều người cao tuổi nên không bố trí đến các chốt khác, những chốt ở khu vực taluy dương là những chốt ở rất cao, nhiều đoạn đường phải cắm gậy chống xuống mới bò lên được, và khó khăn hơn là khi đi xuống, rất dễ bị ngã lăn nhào xuống vực. Mỗi nhà văn được các chiến sĩ chặt cây đành hanh trên đường đi làm cho một cái gậy chống. Sau khoảng 20 phút đi trên đường mòn trong rừng nguyên sinh thì đoàn đến chốt. Được biết anh em ở chốt phần lớn đi tuần tra trong rừng, chỉ còn có vài người ở lại lều chốt. Có đi mới thấy, đúng là rất khó khăn, đường mòn trong rừng rất nhiều ngả, rất nhiều lối. Có những lối người dân mới mở, nếu không tuần tra, canh gác thường xuyên thì không thể phát hiện và ngăn chặn được người vượt biên trái phép. Tại chốt, ngoài các cán bộ chiến sĩ của đồn, cán bộ chiến sĩ của tỉnh tăng cường còn có cả các chú chó nghiệp vụ cùng tham gia tuần tra. Các nhà văn đã thoải mái phỏng vấn, khai thác tư liệu từ các chiến sĩ trực tiếp hàng ngày, hàng giờ, không kể đêm ngày, liên tục từ trên ba tháng nay uống nước suối, ăn rau rừng, ngủ nghỉ tại lều chốt. Tại đây, Thượng tá Phạm Lê Xuân Bình đã đọc hai bài thơ do ông sáng tác trong những ngày chống dịch. Tuy không phải là người sáng tác chuyên nghiệp nhưng thơ của ông đã khắc họa chân thành, rõ nét làm nổi bật lên tinh thần không quản gian lao vất vả, sẵn sàng hy sinh cá nhân mình của các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, tất cả để hoàn thành nhiệm vụ làm lá chắn sống cho Tổ quốc trên tuyến đầu phòng chống dịch bệnh.
Lính Biên phòng lạ lắm chẳng giống ai
đồn là nhà nhưng mà sao không ngủ
lập chốt trên biên, căng mình chống dịch
chẳng sợ hiểm nguy, biết lây nhiễm khi nào...
(Lính biên phòng – Phạm Lê Xuân Bình)
Ngày 27 tháng 5, đoàn được hướng dẫn đến thăm và làm việc với lãnh đạo xã Sơn Kim 1. Tại đây, đoàn được đón tiếp và làm việc cùng tân Bí thư Trần Văn Hải, nguyên là Chủ tịch UBND xã vừa mới được bầu làm Bí thư tại Đại hội Đảng bộ xã, cùng làm việc với Bí thư Hải còn có Thượng tá Trần Viết Hùng và Trung tá Phan Văn Thông là sĩ quan Bộ đội Biên phòng được phân công cắm chốt tại địa bàn địa phương. Xã Sơn Kim 1 là xã đầu tiên thuộc các xã vùng Biên giới được công nhận đạt tiêu chuẩn xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn cả nước. Mọi hoạt động trên địa bàn các xã vùng biên giới này đều có sự gắn kết chặt chẽ của Bộ đội Biên phòng. Chúng tôi không chú ý nhiều đến những số liệu trong bản báo cáo của ỦBND xã mà chỉ cần dạo qua một vòng, nhìn thấy tận mắt nhà cửa các khu dân cư sạch sẽ, khang trang, đường làng toàn bằng bê tông to rộng và được trồng rất nhiều các loại hoa, cây cảnh hai bên đường cũng thấy sự bình yên, no ấm của bản làng. Đoàn được hướng dẫn đến thăm đoạn đường dải beton rộng 12 mét dài 1,2km khu vực Nhà thờ thôn Kim Cương. Đây là đoạn đường có sự giúp sức to lớn của Bộ đội Biên phòng. Đoàn cũng được hướng dẫn đến thăm ngôi nhà trụ sở sinh hoạt của Câu lạc bộ Tình thương, tập hợp những đối tượng đang cai nghiện trên địa bàn địa phương do Trung tá Phan Văn Thông làm Phó Chủ nhiệm phụ trách hướng dẫn sinh hoạt. Câu lạc bộ đã duy trì nhiều năm nay, giúp đỡ được nhiều người thoát hẳn nghiện ngập vươn lên xây dựng kinh tế gia đình khá giả.
Chia tay cán bộ và chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, xe chở đoàn chạy về hướng thành phố Hà Tĩnh. Buổi trưa, ngoài trời thì nắng nóng nhưng ngồi trên xe có máy lạnh cộng với màu xanh miên man dịu mát hai bên đường và tiếng máy xe đều đều như lời ru kéo người ta vào trạng thái nửa ngủ, nửa thức gật gù. Mơ màng, tôi lại nghe thấy vang vọng bên tai tiếng đọc thơ của thượng tá Phạm Lê Xuân Bình:
Lính Biên phòng lạ lắm, chẳng giống ai
lá chắn sống nơi biên thùy chống dịch
vì nước quên thân, vì dân phục vụ
mãi trọn lời thề với Đảng với Dân.
(Lính biên phòng – Phạm Lê Xuân Bình)
Những hình ảnh của chuyến đi thăm chốt cứ lướt qua tôi và nổi bật lên trên tất cả là sắc áo loang lổ mầu lá cây dưới vòm mái lều trên chốt, hoặc đứng bên cạnh chú chó nghiệp vụ, hoặc loay hoay bên một lạch nước bé ty chỉnh sửa lại một đầu ống nước cũng bé ty là ống dẫn nước về phục vụ sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ ở chốt, hoặc đang dùng dao sửa chữa, cắt gọt những cây gậy chống cho các nhà văn mang về làm kỷ niệm. Và cuối cùng là hình ảnh đoàn nhà văn ghi hình cùng các chiến sĩ Biên phòng bên những lều chốt cạnh đường mòn, lối mở dọc ngang lắm ngả ngược xuôi giữa đại ngàn Trường Sơn thâm u, hùng vĩ.
C.S