NHÀ VĂN NGUYỄN HIẾU ĐÃ RỜI CÕI TẠM HƯỞNG THỌ 76 TUỔI.
XIN CHIA BUỒN SÂU SẮC VỚI GIA ĐÌNH NHÀ VĂN!
CHÚNG TÔI ĐĂNG BÀI VIẾT CỦA NHÀ VĂN VŨ NHO VỀ TẬP THƠ LÀNG MÌNH CỦA NGUYỄN HIẾU NHƯ MỘT NÉN NHANG TIỄN BIỆT!
TÁC PHẨM & BẠN ĐỌC
LÀNG MÌNH TRONG THƠ NGUYỄN HIẾU
Đọc Làng mình, tập thơ của Nguyễn Hiếu, Nhà xuất bản Văn Học, 2021
Vũ Nho
Cái đơn vị hành chính có tên gọi là “LÀNG” ở Việt Nam được định nghĩa như sau : “Khối dân cư ở nông thôn làm thành một đơn vị có đời sống riêng về nhiều mặt, và là đơn vị hành chính thấp nhất thời phong kiến” (Từ điển Tiếng Việt, Trung tâm từ điển ngôn ngữ, 1992, trang 539). Làng có đình, chùa, có cổng, có đường, có cánh đồng. Làng có luật lệ riêng (Phép vua thua lệ làng), Làng có hội hè (Hội làng), làng có thần cai quản (Thành hoàng làng). Làng đi vào văn chương nghệ thuật như một lẽ tự nhiên. Ca khúc có “Làng tôi” của Văn Cao, còn có “Làng tôi” của Hồ Bắc; “Làng quan họ quê tôi” của Nguyễn Phan Hách – Nguyễn Trọng Tạo. Truyện ngắn có “Làng” của Kim Lân, “Bức thư làng Mực” của Nguyễn Chí Trung, “Chuyện làng Gành” của Nguyễn Hữu Nhàn, Nguyễn Kiên có tập truyện ngắn “Trong làng”, Ngô Văn Phú có “Thần hoàng làng”. Ngô Tất Tố có phóng sự “Việc làng”, Lê Bá Thự có “Tôi và làng tôi”, tiểu thuyết có “Đất làng” của Nguyễn Thị Ngọc Tú, “Ao làng” của Ngô Ngọc Bội, “Làng Cao” của Sao Mai, “Làng tề” của Đỗ Quang Tiến, “Chuyện làng” của Phạm Quang Long. Thơ có “Hạt gạo làng ta” của Trần Đăng Khoa; thơ về làng có “Quê Nành” của Nguyễn Ngọc Căn, và mới nhất là “Làng mình” của Nguyễn Hiếu,…
Nguyễn Hiếu, một cây bút đa năng đến với thơ ca rất sớm. Năm 1973 đã có một tập thơ tên gọi “Thơ gửi ra chiến trường” gửi nhà xuất bản và được nhà thơ Chế Lan Viên góp ý. Nhưng rồi Nguyễn Hiếu đam mê văn xuôi, nên chỉ viết và in tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản sân khấu, kịch bản phim, truyện thiếu nhi. Một số lượng đồ sộ mà bạn bè tặng anh danh hiệu người thợ cày vạm vỡ trên cánh đồng văn xuôi. Mãi đến năm 2021, Nguyễn Hiếu mới quay lại với nàng thơ và in cuốn “Làng mình” vỏn vẹn 36 bài. Lại bỏ quên bài thơ đầu tiên được in báo Văn Nghệ.
Trong tập thơ này, có 11 bài thơ không ghi ngày tháng viết là các bài Cây rơm dưới chiều, Tùy hứng chèo, Đàn bà làng tôi, Đàn ông làng tôi, Hững hờ, Mấy hôm trời mưa quá, Mùa sấu, Nếu mai làng không còn tre, Thế là thu đến đấy ư? Tôi ơi. Đời đang chín. Trở lại căn nhà xưa của mẹ. Căn cứ vào nội dung và các chi tiết thơ, có thể xác định khoảng thời gian viết. Nếu mai làng không còn tre là khi đang đô thị hóa, làng đã mất một phần tre. Tôi ơi. Đời đang chín không thể viết vào những năm trẻ trung. Trở lại căn nhà xưa của mẹ, “Khi tóc đã cằn và lưng đã còng” thì rõ là đã già.
Như vậy bài thơ có năm tháng sớm nhất là bài “Nhật kí làng chống lụt” viết 1971, sửa 1988 tại Sài Gòn. Tròng vòng 17 năm. Hai bài muộn nhất viết năm 2021 là bài cuối tập “ Ngày xưa đâu rồi” (31/7) và bài “Đùa với quan họ đến hội làng” (1/8). Vậy là chúng ta đọc thơ Nguyễn Hiếu viết trong vòng 50 năm, vắt ngang hai thế kỉ.
Năm mươi năm đó, Nguyễn Hiếu đã viết rất nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, phê bình văn học, kịch bản sân khấu, kịch bản phim, truyện thiếu nhi,… hàng mấy vạn trang. Thế mà thơ thì chỉ có chưa đầy 100 trang. Đủ biết sự chắt chiu của tác giả.
Tập thơ có tên Làng mình, nên tất cả các bài đều nói về làng Chèm.(Ngoại trừ bài Ô hô con đĩ đánh bồng viết về làng Triều Khúc và Đối diện với ngọn Chóp Chài). Nguyên những tên bài đã gợi một không khí, cảnh sắc, con người làng rất điển hình : Làng Chèm của tôi, Nhật kí làng chống lụt, Bây giờ làng tôi, Thu làng, Bây giờ ta lại về làng, Cây rơm dưới chiều, Nếu mai làng không còn tre, Đùa với quan họ đến Hội làng, Đàn bà làng tôi, Đàn ông làng tôi, Khúc ca người nông dân đi chợ đêm,…
Không tuyên bố một cách ồn ào, nhưng tấm lòng và tình cảm của Nguyễn Hiếu gửi cả vào tập thơ mỏng mảnh này. Đó là lòng tự hào về làng mình. Tự hào về cảnh sắc, tự hào về con người, tự hào về công việc, tự hào về hội làng, về khúc hát chèo.
Những người đàn bà của làng, cũng là đàn bà của nước Việt Nam nông nghiệp:
Một thời mớ bảy mớ ba
Tóc lả đuôi gà
Dép cong cau sáu
Cười duyên nhưng nhức hạt na
Làm dâu nhịn bánh nhịn quà
Đói no không người tỏ
Lời ru nửa câu hát cũ […]
Một vai gánh cả đường trường
Mênh mông bầu ngực, mây vương sớm ngày
(Đàn bà làng tôi)
Những người đàn ông của làng cũng thật giản dị, khỏe mạnh, giỏi giang trong cách cảm riêng của Nguyễn Hiếu:
Mồ hôi trắng muối áo nâu
Chiêm qua mùa tới dãi dầu gió sương
Sông Cái nước cường chấp chới
Vai u lưng trần quật thổ đắp đê
Chiều về đan lát chẻ tre
Rít hơi thuốc lào, khói lòa nhòa mặt
( Đàn ông làng tôi)
Những người đàn ông giỏi giang ấy của làng, xưa khi nông nhàn thì chạy chợ. Nhưng khi ruộng ít dần, làng lên phố thì chạy chợ quanh năm:
Giờ chẳng cứ nông nhàn
Ngày nào cũng chạy chợ
Kiếm gạo nuôi nhà
Kiếm áo, kiếm quần
Kiếm chăn, kiếm chiếu
Những người đàn ông, đàn bà của làng thật vất vả đi chợ đêm, phải thật sớm vì hàng ít, người nhiều:
Canh hai đang ấm chỗ
Đã bấm nhau lật mình trở dậy
Lạnh thấu xương, mù giăng che mắt […]
Những mặt người ngái ngủ
Nhấp nhoáng ánh điện nhợt vàng
Mặt thiếp mặt chàng hốc hác như nhau
( Khúc ca người nông dân đi chợ đêm)
Niềm tự hào không cần dấu diếm, cần phô ra thể hiện tập trung trong “Làng Chèm của tôi”. Cái làng đẹp tựa bức tranh:
Trước ngực làng là sông Cái cuồn cuộn đỏ
Sau lưng làng là đồng mênh mông lam
Lịch sử làng thật huy hoàng với thành hoàng, với nhân vật Lí Ông Trọng làm quan bên Tàu, vẫn cùng vợ về quê hưởng tuổi già.
Làng biến đổi trong cơ chế kinh tế thị trường:
Bỗng người ở đâu đến nâng giá đất
Làng gầm gào bình bịch
Nhà ống, mái bằng lênh khênh
Mộ bố tôi kim tiêm rải chi chít
Giò Chèm giờ không còn vị xưa
Nhưng với niềm tin yêu sâu sắc của một con dân của làng, tác giả khẳng định:
Tôi đã biết năm tháng xiết chảy
Làng tôi trước gió muôn phương triệu năm vẫn vậy
Sông Cái nghìn đời cuồn cuộn ngoài kia
Sẽ cuốn trôi những gì lềnh bềnh
Còn tình yêu người Chèm là phù sa
Lặng lẽ bồi dưới đáy sông
Làm nên làng Chèm vĩnh cửu của tôi
(Làng Chèm của tôi)
Nhà thơ Vũ Quần Phương nhận xét rằng Nguyễn Hiếu thường xuyên “dùng lời đạm nói tình nồng”, nhuần nhuyễn trong ngôn ngữ trai làng, gái làng một thuở xa xưa. (Bìa 1gấp). Đúng thế, nhưng ngôn ngữ của Nguyễn Hiếu trong thơ cần giọng làng thì theo làng, cần hiện đại thì hiện đại. Một thứ ngôn ngữ mềm dẻo, biến hóa. Như Tiến sĩ Nguyễn Văn Đường nhận xét “Có phần ngây thơ, có phần ngoa ngoắt, có khi điệu đàng, có lúc lại ra vẻ vụng về và khi cần lại cũng có thể vút lên hùng tráng” (Bìa 4). Các từ ngữ trong thơ có một vẻ riêng, mới mẻ, sống động. Vú mướp tồng tềnh quăng sau áo mỏng, con nguệch mặt, chồng ngầy ngà, canh bầu chan vỏng, bướm cong râu, chúm môi nhai bấm búc, lá mía ràn rạt, tiếng rơi bũm, cành xương rồng khô đã tóe nụ vàng. Tớ chòn chõn má hồng,…
Làng Chèm có hai người bạn học. Một là Tiến sĩ Nguyễn Văn Đường. Hai là nhà văn Nguyễn Hiếu. Cả hai người đều viết về làng mình rất nhiều. Không hẹn mà gặp, cả hai người đều có tập thơ riêng dâng tặng làng mình. Nguyên Văn Đường có “Dâng khúc Trèm hương”, Nguyễn Hiếu có “Làng mình”!
Với riêng Nguyễn Hiếu, tập thơ này làm thành bộ sưu tập hoàn chỉnh bát vị tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản sân khấu, kịch bản phim, kịch bản múa rối, truyện thiếu nhi, phê bình văn học và thơ!
Xin được chúc mừng anh, người công dân của làng Chèm đã để lại dấu ấn tốt đẹp trên ngôi đền văn chương của làng và của quốc gia!
Hà Nội, 4 tháng 11, năm 2021
Người gửi / điện thoại